Hồi nhỏ, mình nhớ dạo chùa Linh Sơn đúc cái chuông thì phải, hiện được đặt trước cái tượng Quán Thế Âm, không nhớ năm nào nhưng trước Mậu Thân, các gia đình Phật tử kéo nhau đi gây quỹ, mệ ngoại mình cho một chỉ vàng, tụng kinh khi họ đúc chuông mấy ngày trời. Người lớn lo chuyện nấu ăn, đúc chuông nên gia đình Phật tử mới treo cái màn trắng trước sân chùa, phía bên nhà thọ trai để chiếu phim xặc-lô cho con nít xem.
Dạo ấy mình theo mấy đứa trong xóm lên chùa chơi để xem xi-nê vào buổi tối. Hình như thằng Dư, anh con Thuý thì phải, hơn mình đâu 3 tuổi. Mình cười và khóc khi xem phim xặc-lô. Trong một tuần lễ đúc lư đồng, không nhớ được xem chùa được bao nhiêu phim nhưng có lẻ phim khiến mình nhớ nhất là phim về thằng bé mồ côi, khóc như mưa. Dạo ấy coi phim trong sân chùa không có tiếng nói, khán giả xem phim rồi cười khói chí, gọi là phim câm sau này qua Tây, đi cinémathèque xem lại tất cả mấy phim của Xặc-Lô thì mới biết là khi xưa, trong lúc chiếu phim, chủ rạp mướn một người đánh đàn dương cầm theo các tình huống của phim.
Sau này đọc về tiểu sử của ông vua hề đã làm bao nhiêu triệu người nhất là trẻ em trên thế giới cười và khóc, có những giây phút thoải mái đầu đời, mới biết là ông ta khi xưa, cha nghiện rượu, mất sớm, bà mẹ bị bệnh thần kinh, được đưa vào bệnh viện tâm thần, ông Xạc Lô được đưa vào viện mồ côi do đó khi ông làm phim này như kể lại cuộc đời của ông ta.
Ông ta gốc Do Thái, có khiếu về âm nhạc, làm hề nên lớn lên ông ta được mướn đi lưu diễn làm hề trong các buổi trình diễn. Sau đó đoàn lưu diễn được mời sang Hoa Kỳ trình diễn 2 lần và cuộc đời ông ta thay đổi từ đó.
Trong thời gian lưu diễn, thật ra là đi diễn ở các xứ khỉ ho cò gáy mà ngay các đoàn xiệc mỹ cũng không đến như tiểu bang Wyoming và trong một thành phố nhỏ ông ta lần đầu tiên được xem phim xi nê câm và cũng tại đây ông ta nhận được điện tín của một ông đạo diễn phim ở Hồ Ly Vọng, mời về Cali đóng phim câm.
Theo ông ta kể thì lúc đầu đóng phim không được vừa ý lắm vì đóng phim khác với làm trò hề trước công chúng trong các rạp hát, có khán giả tuy ít vẫn giúp ông ta diễn đạt được tâm trạng của người ông ta đang đóng. Một hôm đi vào phòng chứa quần áo, hoá trang để đóng phim thì ông ta bị thu hút bởi cái mũ đen ăng lê và cái ba toong thêm đôi giày và ông tự sáng chế nhân vật cà tàng mà mọi người gọi là "The Tramp", ma cà bông do từ vagabond ra.
Ông ta bắt đầu nổi tiếng và tìm cách kiểm soát, đạo diễn và sản xuất các phim của ông ta. Từ một đứa bé mồ côi, ông ta sang Hoa Kỳ và dùng tài nghệ của mình để trèo lên danh vọng. Nhiều phim của ông ta kể lại cuộc đời của ông ta như chuyện cô gái mù bán hoa tưởng ông ta là người giàu có vì lúc ông ta mua hoa rồi tặng lại cho cô ấy đúng lúc ấy, có tiếng xe đóng cửa cái rầm khiến cô gái mù tưởng lầm, để kể lại người ông ta yêu lần đầu tiên trước khi đi lưu diễn ở Anh Quốc.
Không nhớ ông ta có mấy vợ nhưng chắc cũng tối thiểu 4-5 bà mà đa số là rất trẻ, tuổi vị thành niên bằng con ông ta hay cháu. Tuổi thơ của ông ta sống trong nghèo khổ nên đa số các phim của ông ta, nói về những người đói nghèo, mình nhớ có cảnh ông ta nấu đôi giày để ăn và lấy hai cái nĩa cắm vào hai ổ bánh mì, múa.
Sau đệ nhất thế chiến, ông ta trở về quê hương tìm lại bạn cũ thì được đón chào nhạt nhẽo vì một số cho rằng ông không đi quân dịch, trốn lính trong khi bạn bè ra trận chết như rạ nên từ đó ông ta quyết định chọn Hoa Kỳ làm quê hương. Ông ta lưu vong sang Hoa Kỳ để làm việc nhưng khi về lại quê xưa, vẫn trải qua một bi kịch của Từ Thức về làng.
Điểm đặc biệt là cô gái mà ông ta yêu lần đầu tiên trong đời, lúc đó 16 tuổi, không chịu lấy ông ta, có viết cho ông ta một lá thư trước khi lấy chồng. Khi về thăm quê xưa thì mới khám phá ra cô gái ấy đã chết vì bị bệnh mà ai đó mượn danh cô gái xấu số ấy viết thư nói là cô đã lên xe hoa.
Ông ta may mắn là bán hết cổ phiếu trước khi khủng hoảng kinh tế mà người Mỹ thường gọi là Great Depression. Trong thời gian này ông ta chứng kiến nhiều cảnh đói nghèo khiến ở ông ta nhớ đến thời còn bé khi ở quê nhà nên làm nhiều phim kể về sự đói khổ khiến chính phủ mỹ nghi ngờ ông ta là người theo cộng sản vì trong thời gian sống tại Hoa Kỳ, ông ta không xin nhập quốc tịch.
Sau đệ nhị thế chiến, khi chiến tranh lạnh khởi đầu với khối Liên Sô, có phong trào bài trừ người cộng sản do thượng nghị sĩ Mac Carthy, còn gọi là chủ nghĩa Mac Cảrthy mà người Mỹ gọi là "second red scare".
Phong trào bài cộng dấy lên khi tổng thống Truman ban hành sắc lệnh; các công chức ăn lương chính phủ đều phải được thanh lọc để xem họ có trung thành với Hoa Kỳ hay không vì sợ những người theo cộng sản sẽ quay lại chống đối chính phủ Hoa Kỳ để giúp Liên Sô thành lập thế giới đại đồng. Nếu họ khám phá các công chức có chân hay hội viên của những tổ chức có khuynh hướng Nazi, Phát xít hay cộng sản thì sẽ sa thải. Dạo ấy dấy lên phong trào điềm chỉ, làm ăng ten, tố những người mà họ thù oán.
Dần dần phong trào lan rộng hơn vào các tổ chức nghệ sĩ, giáo chức,…, nhiều người mất việc và không tìm lại công ăn việc làm vì bị điềm chỉ. Trong số những nghệ sĩ thì vua hề Xặc Lô có tên trong sổ đen và giám đốc FBI Edgar Hoover theo dõi ông này rất kỹ để tìm cách, chứng cớ để buộc tội.
Xặc Lô có làm cuốn phim hề về nhà độc tài Hitler năm 1938 khiến dư luận chê bai nhưng vài năm sau đó họ lại kêu ông ta là thần tiên tri. Ông ta kể là Hitler sinh sau ông ta có 4 ngày, cùng tuổi nên ông ta rất sợ những gì nhà độc tài Hitler có thể làm.
Trong một chuyến đi du lịch ở ngoại quốc, Edgar Hoover, giám đốc FBI tìm được cách tống khứ ông ta khỏi Hoa Kỳ, bằng cách huỷ chiếu khán và từ đó ông ta định cư ở Thuỵ Sĩ thay vì Anh quốc. Vợ ông ta từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ để chung sống với ông đến khi ông qua đời ở Thuỵ Sĩ. Mình nhớ dạo ở Pháp được tin ông ta qua đời. Người đã cho mình và những con nít trong xóm hay Đà Lạt ở chùa Linh Sơn năm nào những giờ vui tươi của tuổi thơ khiến mình không khỏi ngậm ngùi.
Nhs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét