Nhịn đói 2 ngày để ăn cưới


Hôm nay, mình đặt hệ thống wifi trên vườn, sử dụng năng lượng mặt trời để có thể ở nhà, hay bất cứ nơi nào trên thế giới, tự động tắt mở hệ thống tưới nước. Đi chơi khắp thế giới, có thể xem tình hình ở vườn bơ để tưới hay tắt. Trước đây, mùa hè mình không dám đi chơi vì sợ bể ống nước. Nay chính phủ Cali, đã cho tiền thay thế hệ thống nước mới với ống dầy hơn nên coyote không cắn xé nữa nhưng nhiều khi trời nóng thì cần tưới thêm khi các dụng cụ, thiết bị được chôn dưới đất, đo lường sự ẩm thấp của đất, báo cần tưới thêm nếu không thì trái bị rụng như lá mùa thu là ngọng.


Mình mua hệ thống của Trung Cộng sản xuất do một bà tàu lấy chồng Mỹ bán nên khi tải phần mềm thì toàn chữ tàu, phải gọi họ, giải thích nhấn chỗ nào để cho vào máy điện toán. Chỉ phiền là người Tàu làm cái App cho Android, không có IOS thì chưa làm nên phải mua một cái điện thoại khác Samsung để sử dụng. Nay phải vác theo hai cái điện thoại. Chán Mớ Đời 


Vợ dặn về sớm, đi dự đám cưới con gái người bạn học cũ Đà Lạt, khởi đầu từ 3 giờ chiều. Trên đường về mới nhớ là 48 tiếng qua chưa có hạt cơm trong bụng vì không đói. Mình khi nào đói mới ăn, còn không thì nhịn. Mấy hôm nay, ngoài gắn hệ thống wifi, còn phải hái bơ cho cô cháu bán ở bolsa nên mệt. Mệt thì không đói.


Đám cưới được tổ chức ở khuông viên của 1 khách sạn ở Newport Beach, trên đảo Lido. Đến nơi là thấy trên bàn cái hộp nhỏ bằng thủy tinh pha Lê, nhét cái thiệp với tấm ngân phiếu mừng cô dâu chú rể, nhẹ nhàng, không như các thùng Phước Sương to đùng ở đám cưới Việt Nam trong tiệm ăn tàu. Năm nay, chưa chi đã thấy có 3 cái đám cưới. Lại tốn tiền. Một cái phải bay đến Boston.

 Bố mẹ cô dâu là bạn học Đà Lạt khi xưa. Đám cưới Việt-Mỹ nên không mời nhiều. Nghe kể là trả trên $200,000 cho 80 người tham dự. Một ngày lấy chồng, một đời trả nợ. Mình đang lo vì con gái đang bồ với một tên Mỹ trắng. Á châu thì làm đám cưới nhà hàng tàu, có màn đi chào bàn, gỡ vốn. Ở Hoa Kỳ, nhà Gái trả tiền đám cưới, còn nhà Trai trả tiền đi tuần Trăng Mật mua một tặng 1. Thân hữu, tặng quà, đã ghi danh tại các tiệm bán đồ dùng tại gia. Mình đi tiền tươi cho chắc ăn.


Tiền hoa giá $6,000, tiền chụp hình và quay video là $9,000. Khi xưa, mình lấy vợ, trả $500 đã xót ruột. Video xem được một lần, nay chả biết để đâu. Nghe nói cô dâu và chú rể mướn một ê kíp chụp hình vi zeo từ San Jose xuống, trả tiền phòng khách sạn cho họ. Thêm wedding planner và 3 người phụ là khẩm. Phần ăn thì $150/ người. Mình đếm được 82 cái ghế ngồi trên bãi cỏ giả. 


Đám cưới Mỹ thấy nhẹ nhàng, không ồn ào, chỉ mời những người nào thân thích, ruột thịt, bạn cực thân, không như đám cưới việt, mời hết Bolsa dù chỉ quen sơ sơ, thậm chí nhiều người mời mình ăn cưới mà chưa bao giờ gặp mặt. Mẹ cô dâu mời hai cô em ruột và vợ chồng mình. Còn toàn là bạn của cô dâu chú rể. Mình chưa bao giờ biết mặt hai cô em nên khi đến nơi, không biết ai nên chỉ lớ ngớ, tỏ ra yêu vợ, chụp mình vợ tạo dáng.


Có chị ở Đức quốc, kể đám cưới thằng con ở Hoa Kỳ. Chị ta được vợ chồng thằng con mua cho vé, bay từ Đức quốc đến một khu nghỉ dưỡng ở Mexico, rồi đến ngày, gia đình bên vợ bay đến. Cả hai gia đình ở trong khu nghỉ dưỡng 1 tuần để làm quen nhau, gặp dâu lần đầu tiên và sui gia rồi làm lễ đám cưới. Sau đó ai nấy bay về nước đó. Tiện và rẻ. Nhớ đám cưới mình, phải ngồi đếm tiền chào bàn, để trả tiền nhà hàng. Hú hồn, vừa đủ tiền nếu không, chắc dẹp chuyện tuần trăng mặt.


Khi xưa, đám cưới đủ trò nhưng ngày nay ly dị như thay áo cưới nên không biết có nên làm đám cưới hay không. Còn thân hữu tự hỏi có nên đi ăn cưới hay không vì 1, 2 năm sau lại được mời đi ăn cưới lại. Để tránh trường hợp tưng bừng đám cưới âm thầm ly dị. Mình bị mấy cú, đám cưới hoành tráng, mời cả 1,000 người, rồi một năm sau nghe nói ly dị, rồi vài tháng sau lại nhận thiệp mời ăn đám cưới thứ 2. Mình từ chối đóng tiền để xem tập hai, nếu không phải chơi thêm tập 3, tập 4.


Đang ngồi nói chuyện, cháu của anh bạn đến chào, anh ta cho biết, mốt thằng cháu và cô hôn thê gốc Đài Loan, bố mẹ hai bên và họ hàng đúng 10 người ra nhà hàng tàu, ngồi một bàn 10 người để ăn bữa tiệc đám cưới vì không có tiền toor chức đám cưới theo kiểu một ngày cưới vợ, một đời trả nợ. Người cháu là kiến trúc sư, chắc đói như mình. Gia đình cô vợ cho chút tiền để đặt cọc mua một căn nhà 1.4 triệu, mỗi tháng trả tiền nhà là $6,000. Điên! Kiến trúc sư là người đi trên mây nên không biết tính toán về tài chánh. Trả $6,000/ tháng nghĩa là hai vợ chồng đi làm $10,000/ tháng, trả thuế $4,000. Xem như trả $10,000/ tháng trước khi khai thuế. Mình chỉ biết chúc mừng người cháu, uốn tóc theo kiểu tài tử Hàn Quốc.


Chương trình bắt đầu 3 giờ, hai vợ chồng đến đúng giờ, không quen ai hết nên chỉ biết lớ ngớ chụp hình mụ vợ và ăn món khái vị cerviche trong tiếng nhạc của ban nhạc Mỹ với vĩ cầm éo éo của Bach... Đến 3:30 thì làm lễ đúng như chương trình, không có giờ cao su như đám cưới thuần việt. Chú rể và mẹ đi ra rồi đến cô dâu và bố mẹ xuất hiện. Có ông dẫn chương trình nói vài câu, rồi hai bên tuyên thệ, sông có cạn núi có mòn song mối tình hữu nghị Việt Mỹ đôi ta sẽ đời đời bền vững, không bao giờ thay đổi, sẽ không có ngày 30/4, vạn người vui triệu người sầu. Chú rể hơn cô dâu 13 tuổi. Rồi cho bà con uống rượu, ba la qua rồi 5:00 giờ thì nhập tiệc. Chú rể 50, cô dâu 37. Quá hợp. Đám cưới Mỹ thì quan trọng nhất là rượu. Cô dâu chú rể cho quan khách uống thả dàn, không phải trả tiền như đám cưới Việt. Mình không uống rượu nên đỡ tiền cho cô dâu chú rể.


Lần đầu tiên trong đời, đi ăn cưới, thấy tấm thực đơn, in tên mình ngồi bàn nào và ghế nào. Vợ chồng mình được sắp xếp ngồi với bố mẹ cô dâu, bố mẹ chú rể và dì cô dâu. Ăn được 1 món chính rồi xong. Được cái là ăn ngon. Nhất là nghe ban nhạc thính phòng, chơi nhạc du dương, không có quan khách lên hát karaoke “Đồi thông hai mộ” như ở Bolsa. Có lần đi ăn cưới, dì của cô dâu lên hát bài Đồi Thông Hai mộ, vừa dứt thực khách đang réo nhau đưa lọ xì dầu, bà dì kêu để đáp lại yêu cầu của quý khách, xin được hát thêm Người ở lại Charlie. Chán Mớ Đời 


Khi mình trả lời đi dự đám cưới, hỏi mụ vợ ăn thịt hay rau, để báo cho ban tổ chức biết. Mụ vợ kêu rau, bụng to rồi. Mình ghi phần ăn cho đồng chí gái là ăn chay, còn mình thì ăn thịt. Đến khi họ dọn lên bàn, mụ vợ lấy đĩa thức ăn của mình, đổi đĩa thức ăn rau của mụ. 48 tiếng nhịn ăn để đi ăn cưới, nay lại được ăn rau. Ngồi cạnh ông chồng Mỹ của dì cô dâu. Ông này về hưu, cứ mở điện thoại, đưa hình ra cho mình xem, hình mấy cây chanh, cam của nhà ông ta rồi giảng mình về cách trồng cây, đủ trò. Mình vừa nhai vừa u chau hay hè.


Ăn xong, họ đến kêu cả bàn đến chụp hình với cô dâu chú rể, rồi lên sân thượng để ăn bánh cưới nhưng ngoài trời, ngay biển, lạnh nên hai vợ chồng dọt về. Tính hôm nay lên vườn lại nhưng có con gái từ New York về, ở nhà đi ăn với con cháu. 


Ở Hoa Kỳ, theo truyền thống thì cô dâu trả tiền cho tiệc đám cưới, còn chú rể thì lo tuần trăng mật. Nghe anh bạn kêu bố chồng trả gần như hết. Gia đình chồng chỉ có một người con trai. Ông bố giàu, thích đạp xe đạp, có lần ông ta đến tiểu bang Dakota để đạp xe đạp. Leo dốc ra sao bị đột quỵ, nằm bên đường, nơi khỉ ho cò gáy. May gặp cảnh sát đi tuần chở vào bệnh viện, nay phải chống gậy. Mẹ chồng thì 77 tuổi, thấy tay bắt đầu rung, ngồi chung bàn với vợ chồng mình. Có lẻ vì vậy mà chú rể đăng ký làm đám cưới sau 11 năm đả thông tư tưởng. Mình chừng 11 ngày là thấy hợp hay không hợp. Đăng ký quản lý đời nhau ngay.


Mẹ cô dâu mừng quá, kêu con gái 37 tuổi rồi, mình lo cho nó xong để thanh thản. Con trai, bồ với một cô nào, sống chung từ 4 năm nay, cũng chả chịu lên xe bông, được cái là anh bạn kể, nó kêu khi nào bố mẹ già hơn tí, bán nhà về ở với tụi con. Mừng cho anh bạn. Nói khi bán nhà thì bán cho mình. Nhà họ ở khu R-3, có thể xây được 3 căn hộ trên Los Angeles. Chị bạn học cũ Đà Lạt, học giỏi, Việt Cộng không cho đi học sau 75, vượt biển, định cư tại Hoa Kỳ. Làm nghề uốn tóc, hy sinh đời mẹ củng cố đời con, giúp con mua nhà cửa. Cực giỏi. Mình nhớ năm 1986, qua Hoa Kỳ chơi lần đầu tiên, anh bạn Chử Nhị Anh, lái xe từ San Diego lên Los Angeles, đưa mình đến thăm mẹ cô dâu mới sinh con.


Vợ chồng anh bạn lâu nay ít gặp nhất là từ covid đến giờ. Anh bạn kêu chích một mũi covid xong là tưởng chết, bị thuốc hành quá cở, về hưu luôn. Anh ta kể cái tay bây giờ run run, phải đeo cái đồ băng lại thì mới viết được. Trí nhớ bắt đầu quên trước quên sau. Nghỉ hưu ở nhà xem phim bộ hàn quốc hay tàu. Đi ra đi vào, là quên đang xem tập nào, thế là phải xem lại từ đầu. Chán Mớ Đời 


Anh ta kể nhà có nuôi mèo hoang, đi lang thang, đến nhà nên nuôi. Anh ta ra chợ của Đức quốc, mua thức ăn cho mèo, sản xuất từ Đức quốc. Đem về, mèo hoang bò lại, ngửi ngửi rồi lắc đầu bỏ đi, chê đồ ăn Tây. Buồn đời, anh ta đem cho mấy con mèo hoang khác ở bên cạnh nhà ăn. Cũng cũng meo meo rồi bỏ đi, chê thức ăn tây. Mèo này chỉ thích ăn thức ăn đã được kỹ nghệ hoá. Mập như người Mỹ. Sáng nay, mình nghe France culture, họ cho biết hiện nay có đến 2 tỷ người khắp thế giới bị bệnh béo phì. Lý do là ăn thực phẩm được kỹ nghệ hoá như Hoa Kỳ. Bên tây, con nít cũng bị bệnh này.


Anh ta kể về hai anh bạn thân của anh ta mà mình có gặp vài lần. Một anh thì dọn về San Diego, tuần nào cũng gọi điện thoại, rủ xuống bolsa uống cà phê. Anh ta kêu từ El Monte, lái xe 45 phút để uống cà phê mà nay mắt lại yếu. Chán Mớ Đời. Anh bạn này, về hưu, giờ nổi tiếng ở San Diego qua bản nhạc “si l’amour existe encore”. Mình để ý, đi đâu anh ta cũng hát bản này, sau đó đi xuống, không hát tiếp dù được vỗ tay, yêu cầu hát thêm. Nhờ bản này mà được vợ ở San Diego. Anh chàng này học trên mình một năm ở Yersin, dân Dốc Nhà Bò.


Thật ra từ ngày chích ngừa covid, anh ta thấy mờ mắt, không nhìn rõ nên lái xe hơi ngại. Anh ta nói, giờ tôi nhìn thấy cái bóng của anh thôi, muốn nhìn được nét mặt thì phải đến gần. Tôi lái xe, nay không thấy tên đường, chỉ chạy theo trí nhớ loang quanh gần nhà như đi chợ. Từ Covid đến giờ, mỗi lần đồng chí gái tổ chức họp bạn không thấy hai vợ chồng này đến. Đó là lý do, không lái xe ban đêm được. Có mấy cô bạn học cũ khi xưa Đà Lạt cũng thuộc diện này. Mê hát lắm mà cứ réo mình đi chở mấy cô vì chồng đến giờ là đi ngủ, còn mắt thì yếu dần. Mình thì bận dọn rác vì dân cỡ tuổi mình nhìn thùng nước đá ra thùng rác.


Một anh bạn thân khác thì ly dị. Nên buồn đời vào bar uống rượu, té cái đùng trên sàn nhà, bị liệt từ trên xuống dưới. Vào viện dưỡng lão thì không đủ tiền trả hàng tháng nên có cô bồ cũ kêu đem về Việt Nam, cô ta nuôi. Mỗi tháng tiền già và anh chị em đóng góp $2,000, gửi cho cô bồ cũ. Mướn một căn hộ $800, và lo cho anh ta ăn uống. Cứ 6 tháng lại đi xe qua Tây Ninh rồi Cao Miên, để vào Việt Nam lại, được cấp chiếu khán mới. Buồn đời, anh ta nhập quốc tịch Việt lại, khỏi mất công đi xuất ngoại, tốn tiền. Cứ 2 tuần thì Viber với nhau. Cho thấy về già, cô độc, mắt kém trí nhớ kém, cao mỡ cao máu cao đủ trò, bạn bè cũng xa dần. Anh bạn được cô bồ cũ ở Việt Nam chăm sóc là may mắn đời người. Dư chút đỉnh thì cô ta cất làm của hồi môn.


Hôm nay, lên nhà thờ gặp ông cha bề trên của anh bạn linh mục mới qua đời. Anh bạn có nhờ mình xem để nới rộng khuông viên nơi hang đá nhưng chưa chi anh ta đã được Thiên Chúa gọi về tháng trước. Nay mình lên để xem, tiếp tục chương trình này. Mình gọi thợ hẹn tuần tới họ đến để xem và cho biết giá cả. Cha mời mình ở lại ăn cơm với các con chiên của cha. Mình là người lương độc nhất, chậm rãi ăn, chánh niệm trong tiếng hát của ca đoàn mừng Chúa. Ăn xong, mình xin phép cha rồi dọt về, đi lấy tiền nhà vì cuối tháng. Xong om


Hôm nay, lại chạy lên vườn, hái bơ để gửi cho mấy người bạn và cô em ở Phila. Tuần tới, cho thợ hái hết cho xong, để hoa ra trái cho mùa sau. Dạo này hoa nở khắp vườn, rất đẹp và thơm nhất là khu vườn bưởi và chanh, và quýt. Thơm ngất ngư. Đúng là sơn đen lạc giữa rừng hoa. Để hôm nay mình đem bị lên hái hoa bưởi về pha trà cho vợ uống.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 







5 điều cần làm khi lớn tuổi


Đi chơi miền Tây BẮc, có mấy người bạn hỏi mình về những giấy tờ cần làm để lỡ một mai, trả nhớ về không, hay bị tai nạn, hay được Chúa gọi về Thiên Quốc… Mình có nói sơ qua, hứa về nhà, mình viết cho rõ hơn và nhắc họ nên tìm luật sư, chuyên về luật gia đình mà hỏi. Lý do là luật sư có nhiều ngành, kiếm ông hay bà luật sư chuyên lo tai nạn xe cộ thì chắc chắn sẽ không rành về di chúc, họ sẽ đưa cho luật sư chuyên về gia đình và ăn thêm tiền Cò, mình tốn thêm tiền.


Có một điều chắc chắn trên đời là một ngày nào đó, chúng ta sẽ hát “Khúc Thuỵ Du”. 


Hãy nói về cuộc đời

Khi tôi không còn nữaSẽ lấy được những gìVề bên kia thế giới
Đừng bao giờ em hỏiLiving trust anh để đâu
Living will anh để mô 
Power attorney sao anh không chịu làm
Vì sao, và vì sao

Vấn đề là chúng ta không biết khi nào sẽ ra đi. Trời kêu khi nào thì dạ thôi. Chúng ta có thể phó thác số mệnh của mình vào Phật, vào Thượng Đế nhưng tài sản trên thế gian này thì không, vì Chúa Phật không cho phép mình mang theo. Vấn đề là con cháu sau khi khóc thương, sẽ quay sang chửi thề, khi đi tìm giấy tờ để nộp cho toà thừa kế. Sang hơn một tí thì chửi nhau, đem nhau ra toà vì chia chác không đồng đều.


Trường hợp ông Ron, nuôi ong trong vườn mình. Ông không làm living trust vì sợ bà vợ thứ 3, hay thứ 4 gì bỏ ông ta ở lứa tuổi U80. Chia gia tài, bán nhà,… một mặt ông ta muốn bà vợ cuối cùng, hưởng hết những gì ông ta có, nếu ông ta gặp mệnh hệ nào, nhưng không muốn con riêng của bà vợ hưởng tài sản của ông. Ông muốn khi bà vợ chết thì tài sản của ông sẽ được người con trai thừa kế. Bà vợ cứ rên với mình. Mình thì chả biết nói gì vì không phải mục sư. Ông ta chỉ nói với mình trong khi bà vợ thì chả bao giờ được ông ta thố lộ.


Mình là nông dân thuần chất, thiên hạ cứ hay hỏi mình ba vụ liên quan đến thừa kế, chết chóc, như thể mình là mục sư hay sư ông tài chánh để họ xưng tội. Chán Mớ Đời 


Một anh bạn khác kể, bà mẹ qua đời, nay chỉ còn ông bố ở tiểu bang khác, có nhà ở Cali, không muốn về Cali ở, để gần con cháu. Tin dị đoan gì đó của người Việt, thay đổi phong thuỷ, là đi tây phương luôn. Không chịu làm di chúc, để Chúa thử thách đàn con U70. Con cháu đều khá giả, không cần tiền của ông bố nhưng muốn lỡ có chuyện gì thì con cháu có thể quyết định dùm về sức khoẻ, tài chánh,… lâu lâu nói chuyện với mình để than. Mình nói để lần sau, ông bố đến Cali thì mình nói chuyện còn không cứ lấy bài này, đưa cho ông bố đọc. Thật ra làm khi còn trẻ chớ giờ thì gần đất xa trời, con người lại ngại. Lý do là sắp thấy quan tài nên không muốn làm giấy tờ.


Do đó, thay vì mở Karaoke hát Khúc Thuỵ Du, dành 1 tiếng mỗi ngày, tìm lục giấy tờ, xếp cho ngay ngắn, theo thứ tự, viết di chúc, làm sẵn giấy tờ cần thiết, để một khi bị trả nhớ về không, tại nạn, đột quỵ hay nằm xuống bất ngờ, tránh làm khó khăn cho người thân ở lại. Hôm qua, đi ăn cưới, có anh bạn kể là dạo này, trí nhớ bắt đầu có vấn đề. Về hưu xem phim đại hàn, đi ra đi vô quên mất đang coi tập nào, lại phải coi lại từ đầu. May không phải video như xưa, nên chỉ mò mò một tí thì tìm ra ngay. Bạn bè ở xa, lái xe đi xa không được vì mắt mờ, nên chỉ đi vô đi ra vườn, cho mèo hoang ăn. Ở lứa tuổi mình, bệnh già thì có người đến rất nhanh có người đến chậm hơn và chúng ta ý thức được.

  1. Điều cần thiết thứ nhất tại Hoa Kỳ, phải làm giấy uỷ quyền lâu dài về chăm sóc sức khoẻ (durable power of attorney for health care). Power of attorney là giấy uỷ quyền, cho phép một người hay nhiều người, hay một pháp nhân, có thể thay mặt mình để lấy quyết định về pháp lý hay tài chánh. Giấy uỷ quyền lâu dài về chăm sóc sức khoẻ cho phép con em chúng ta lấy quyết định về sức khoẻ trong trường hợp chúng ta, không có khả năng quyết định như bị mất trí nhớ, bị coma, bị đột quỵ,… như đồng ý hay không muốn các chăm sóc y tế, chữa bệnh, như rút ống nếu bị coma,… cho phép được xem hồ sơ y tế, và quyết định đưa bố mẹ vào các viện dưỡng lão,… giấy uỷ quyền cần phải có thêm "HIPAA release," cho phép con cháu xem hồ sơ y tế (medical records) và quyền bàn tính, và nghe bác sĩ của mình về điều kiện chữa bệnh và chăm sóc. Mỗi lần đi gặp bác sĩ mới, họ đều đưa chúng ta tờ giấy này, để ký, cho phép ai, có quyền xem hồ sơ bệnh lý của mình để giúp họ quyết định theo di chúc của mình.
  2. Medical directive (living will):  “living will” cho phép người thân, quyền quyết định về y tế cho cha mẹ dựa theo nguyện vọng của người thân. Thí dụ người nào thương chồng thì cho phép rút ống khi mình nằm coma, để ông chồng có thể đi lấy vợ trẻ đẹp hơn. Ngược lại không muốn chồng đi lấy vợ khác, sợ nó lấy hết gia tài thì đừng uỷ quyền để ông chồng không thể xin giấy “ chứng nhận công hàm độc thân”. Nhớ mình mới sang Hoa Kỳ, có vụ 1 bà nào nằm coma, ông chồng đòi rút ống nhưng bà mẹ vợ không cho nên hai bên kiện nhau ra toà đâu 10-12 năm sau, toà mới phán cho phép ông chồng rút ống để được đi lấy vợ khác.
    Con cháu thường đứng trước vấn nạn, lấy quyết định về sức khoẻ cho cha mẹ. Có ai dám quyết định rút ống  thở cho bố mẹ mình, sợ mang tội bất hiếu, đóng vai Dương Bất Hối, trong truyện của Kim Dung. Do đó living will là cách tốt nhất chúng ta làm để con cháu khỏi ngại ngùng rút ống, không cãi vã. Chỉ thị y tế (medical directive) được pháp lý công nhận khi các trường hợp như cho phép bác sĩ kê thuốc giảm đau, antibiotic, hay rút ống thở,… nếu không có giấy này, thì khi đụng trận, con cháu lại cãi nhau đủ trò.

    Mình đang thương lượng để mua một chung cư từ 9 anh em của bố mẹ để lại. Họ cãi nhau như mỗ bò, đòi thưa kiện nhau ra toà. Cuối tuần này, mình có gặp 6 trong 9 người con. Trong gia đình, lúc nào cũng có một hay người cứ làm khó dễ vì bị lấn át vai vế từ nhỏ nên nay là lúc trả thù. Nếu mình không mua thì chắc chắn anh em đưa nhau ra toà và cuối cùng bán rẻ để trả luật sư phí. Cách đây mấy tháng có người trả 2.1 triệu, họ cãi nhau như mỗ bò, nay còn lại 1.9 triệu, nếu tiếp tục thì cuối năm này xuống 1.7 triệu hay triệu 6. Nếu mấy anh em có chút suy nghĩ thì mượn cái nợ, chia nhau xài. Thí dụ: 5 căn hộ có giá 2 triệu, họ có thể mượn ngân hàng 1.5 triệu, chia nhau xài, mỗi tháng vẫn được $10,000/ tiền thuê nhà để trả ngân hàng, và trừ thuế thêm một chút tiền thuê nhà dư lại. Cứ 5, 10 năm, tái tài trợ 5 căn hộ kiếm chút tiền rút nhau đi chơi thay vì cãi nhau, bán rẻ rồi chẳng còn gì. Rồi lại hát Khúc Thuỵ Du, vì sao và vì sao.

    3. Di chúc (a will) là giấy tờ cần thiết trước khi bố mẹ cần đến sự chăm sóc của nhà thương, viện dưỡng lão, hay chia gia tài cho con cháu,... Nhiều người cứ lưỡng lự, lo ngại viết di chúc của họ vì lo ngại, hay cảm thấy khó khăn lấy quyết định làm cách nào để chia tài sản cho con cháu. Di chúc là giấy tờ được bảo đảm trên mặt pháp lý để kẻ ở lại, theo di chúc của mình thực hiện những nguyện vọng, điều mong muốn của mình. Rất quan trọng để tránh hoàn cảnh con cháu đưa nhau ra toà. Hôm qua, mình đi gặp 6 anh em của một gia đình người Việt tại quận Cam, để bàn mua lại mấy căn hộ của bố mẹ để lại. Có 3 người trong số 9 anh em muốn thưa nhau. 
            Di chúc có thể viết tay, không cần luật sư, chỉ cần có người làm chứng hay thị thực chữ ký. Viết tay cũng được như trường hợp ông Larry King, viết di chúc cuối cùng bằng tay, loại bà vợ cuối cùng, không được thừa hưởng gia tài của ông ta.

    4. Giấy uỷ quyền lâu dài về tài chính (durable power of attorney for finances) cho phép con cái đã trưởng thành, hay 1 pháp nhân, thay mặt mình, để lo, quản trị về tài chánh cho mình. Cho phép con cháu có thể thay mặt mình để trả tiền, rút tiền hay đầu tư từ các trương mục ngân hàng, quỹ hưu trí,… đóng thuế hay bán nhà cửa để trả y phí,.. con cháu có thể mướn một người nào khác như chuyên gia tài chính, luật sư để làm hộ cho mình nếu không rành về đầu tư. Mình có nghe một câu chuyện, ông kia làm ăn, có công ty riêng. Khi chết, trương mục ngân hàng, không có chữ ký của bà vợ nên bà ta không được ký ngân phiếu trả nợ, thanh toán các biên lai, khiến ngân hàng tịch thâu nhà cửa, đuổi cổ bà ta ra. Mình chết mà nợ ngân hàng vẫn còn thì con cháu cần giấy tờ uỷ quyền của mình, để rút tiền ra mà trả ngân hàng hay các chi phí khác.

    5. Revocable living trust cho phép con cháu hay ai đó đã được chỉ định để quản lý tài sản của mình khi họ có thể. “Revocable” có nghĩa là mình có thể thay đổi hay huỷ đi khác với Irrevocable Trust, không được huỷ hay thêm thắt vào. Khởi đầu bởi cha mẹ khi còn khoẻ mạnh, có ghi người tiếp tục quản lý (successor trustee), có thể thay mặt mình để quản lý tài chánh khi mình bị tai biến, chết, nằm coma,…



Nói chung là chúng ta cần làm 5 điều căn bản này trước. Sau đó thì có thể đi thêm vào chi tiết nếu gia sản lớn, hay muốn tiền bạc mình được dùng như thế nào sau này. Em chỉ ghi lại những gì em đã làm, các bác nào muốn làm, hay hiểu thêm thì kiếm luật sư mà hỏi, đừng có réo em vì em sẽ không trả lời. Hỏi mua bơ và mật ong thì được. Chán Mớ Đời 


Giàu hay nghèo đều cần làm hết. Lý do là tránh con cháu cãi nhau một khi mình qua đời, bị chúng cứ lôi cổ dậy trách móc. Nếu chúng ta thật sự thương con cháu thì phải làm. Tránh con cháu cãi nhau, bố muốn được hoả táng, đứa kia kêu không. Bố nới với tôi là muốn chôn bên cạnh ngôi mộ của Marilyn Monroe, hay bên mộ bà Anna Nicole Smith, không muốn nằm bên mẹ vì sợ tiếp tục cãi vã nhau ở Suối Vàng, rồi vác chiếu đem nhau ra toà. Đó là lỗi mình, kiểu đời cha lười biếng, đời con vác chiếu ra toà dùm bố mẹ theo kiểu hy sinh đời con, củng cố cái lười đời bố.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 



Hồ Xuân Hương và các hồ nhân tạo nhỏ tại Đà Lạt


Hôm trước, mình kể về sự thành lập ốc đảo Thuỷ Tạ Đà Lạt, qua tấm không ảnh chụp toàn diện hồ Xuân HƯơng, thấy có thêm hai hồ nhỏ; hồ Đội Có và hồ Tống Lệ, nằm phía bắc hồ, hai bên đồi Cù. Khi trời mưa, nước mưa từ Sân Cù hay thành phố, chảy vào các hồ này để hứng nước dơ thay vì để chảy xuống hồ Xuân Hương. 


Thiên hạ hay nhầm hồ này mang tên bà thi sĩ Hồ Xuân Hương. Thời tây, lúc đầu có hai hồ; gọi là hồ Lớn (Grand lac) và Petit Lac (hồ Nhỏ), rồi nhập thành một hồ. Đến thời Ngô Đình Diệm, được đổi tên Xuân Hương.


Đà Lạt nhiều nơi có những cái ao nhỏ, khi mưa thì nước mưa từ trên cao chảy xuống vào những nơi này. Đất Đà Lạt đa số là đất sét nên khó thấm nhanh. Mình nhớ ở Petit Lycee, chỗ vào trường ngay đường Hùng Vương, có cái hồ nhỏ để chứa nước mưa mà khi xưa, cả đám hay đến đây bắt lăn quăn cho cá ăn. Tháng 2 vừa rồi, có về Đà Lạt, xe chạy ngang đây, thấy còn 1 phần. Hồ Tổng lệ thì chắc mất tiêu, hồ Đội Có thì có lần thấy, nay hình như họ lấp rồi, không để ý lần chót về Đà Lạt. Hôm nào rảnh mình kể vụ đồi Cù.

Hồ Xuân Hương và đồi Cù trước năm 1932. Ốc đảo Thuỷ Tạ đã được thành lập, chỉ có một quán nhỏ tại địa điểm Thuỷ Tạ ngày nay.


Nhìn tấm không ảnh, thấy hồ Xuân Hương to lớn từ khi ông Cunhac, chính thức cho đào hồ nhân tạo này, để chấn nước của suối Cam ly, để thị dân Đà Lạt sử dụng nước uống và có không gian như buồng phổi của thành phố. 


Thiết kế đô thị luôn đi kèm với các công viên, như các buồng phổi của thành phố. Khi dân tình ngột ngạt trong nhà thì bò ra các công viên thành phố để dã ngoại. Đầu năm nay, mình có đi viếng A Căn Đình, thành phố Buenos Aires có rất nhiều không gian xanh, thậm chí đường phố đều có trồng cây hai bên đường mà trên máy bay thấy rõ ràng. Nói chung Đà Lạt khi xưa không có công viên gì cả cho mỗi khu phố.


Sân vận động khi xưa, nay họ xây cất siêu thị ở dưới và phía trên thì bê tông hóa nhưng ít ra cũng có chút không gian để người thị dân ra đây chơi. Mình thấy đa số là du khách thì đúng hơn, chụp hình toả nắng. Khi Đà Lạt bị bê tông hoá thì nước sẽ không thấm xuống đất mà chảy đi đâu, lôi kéo thêm rác, dơ bẩn theo.


Ở Cali, có luật không được thải nước dơ xuống ống cống. Điển hình là khi đổ xi măng cho khách hàng, mình phải hứng lấy nước dơ, xi măng, không được xịt nước dơ xuống đường, chảy xuống ống cống. Trước khi đổ xi măng, phải đem đồ bịt miệng cống để nước dơ không chảy xuống đó. Thu dọn chiến trường sau khi đổ xi măng rất châm và tính thêm tiền.


Trung tâm thị xã Đà Lạt khi xưa có hai không gian xanh là đồi Cù và xung quanh hồ Xuân Hương. Sau 75 thì họ rào đồi cù lại, chỉ dành một tầng lớp giàu có đi bách bộ ở trong, lâu lâu dừng lại, lấy cái gậy sắt, quất quả banh. Nay nghe nói họ đang xây cất nhà cửa. Xem như Đà Lạt luôn Đồi Cù, còn hồ Xuân Hương thì nước cống đổ về khiến cá chết như rạ, xông mùi như thác Cam Ly ngày xưa.


Mình thấy ảnh chụp xây nhà hay khách sạn chi đó, nước thải sẽ đi về đâu. Đi về đâu nước dơ?

Nếu xem tấm ảnh trên chúng ta thấy hồ Xuân Hương với ốc đảo có nhà hàng được người thị dân Đà Lạt gọi Thuỷ Tạ, mà mình đã kể. Phía trên hồ Xuân Hương, bên tay phải, có một hồ nhỏ, gọi là hồ Tống Lệ hay Tổng Lệ. Chỗ này, mình hay ra đây câu cá với ông dượng mình, thợ hớt tóc, chỗ ngã ba chùa, cạnh hãng cưa của ông Xu Huệ. Con gái của ông bà Xu Tiếng, lại nói với mình là hãng cưa của gia đình cô ta nhưng không hiểu sao thiên hạ hay gọi hãng cưa Xu Huệ. Ông Xu Huệ hay dạy dân Đà Lạt vô thất, nhịn ăn chữa bệnh. Mình chỉ nhớ ông ta râu trắng, da hồng,… người ta gọi Xu vì thời tây làm giám thị, cai công trường mà người Pháp gọi “surveillant”, người Việt mình đọc tiếng tây dài không được, nên đơn âm hoá rồi từ từ thành Xu như ông Xu Tiếng, Xu Huệ.

Thủy tạ, họ nới rộng thêm ra veranda nên mất cái đẹp nhỏ nhắn của quán này như thủa ban đầu. Sợ nhất là xem Đà Lạt ngày nay. Kinh. Để mình tải tấm ảnh ngày xưa để quý vị so sánh. Vài năm nữa thì họ xây luôn cái khách sạn to đùng trước khách sạn Palace.
Đà Lạt năm 1968

Bên trái là hồ Đội Có, cạnh là nhà máy nước, lọc nước cho dân Đà Lạt xài. Hồ được gọi Đội Có vì ông Đội Có xây như cầu ông Đạo do ông Quản Đạo xây. Nước mưa ở vùng trên cao như Giáo HOàng Học Viện, Võ Tánh chảy xuống, chứa tại đây. Ông Đội Có, có dãy nhà trên khu Hoà BÌnh, ngay bến xe đò mà người Đà Lạt khi xưa hay gọi dãy nhà Đội Có. Ông này, khi xưa, làm cai đội cho tây, sau đi thầu xây cất nhà nên giàu, xây mấy dãy nhà ở Đà Lạt tương tự ông Võ Đình Dung. Thời đó mấy người lên Đà Lạt, đi làm thợ vịn cho Tây rồi khi biết nghề nhảy ra làm thầu khoán như ông Võ Đình Dung là người thầu khoán xây nhà ga Đà Lạt, ông Xu Tiếng xây Nhà Địa Dư,… 

Chỗ đường đi vào Petit Lycee, có cái hồ nhỏ để chứa nước mưa, nay vẫn còn

Ông Võ Đình Dung làm thầu khoán nhưng cũng là nghị viên thành phố, gồm 3 người Pháp và hai người Việt. Ông ta biết chương trình phát triển Đà Lạt ra sao nên mua hết đất đai dành cho người Việt. Khu từ MÃ Thánh tới trường Việt ANh, khúc đất bằng là dành cho người Việt nên ông ta mua hết, sau này cho người ta mướn để làm vườn như ông Ba Đà. Sau 75 thì con cháu hết dám đòi. Đất của chùa Linh Sơn, Linh Quang, đều của ông bà Võ Đình Dung hiến tặng. Nói chung ông bà Võ Đình Dung là một người có công rất lớn với người dân Đà Lạt. Nghe kể, một hôm ông Võ Đình Dung, đi làm về, đưa cho bà vợ cái cặp tiền mới lãnh về. Đang ngủ bổng nhiên bà Võ ĐÌnh Dung có linh tính chi đó, ngồi dậy, mở cặp tiền ra thì thấy toàn là tiền giả nên đem đốt. Vừa đốt xong thì mã tà gõ cửa, xét nhà. Từ đó, ông bà tặng đất để xây chùa và từ từ hết làm việc, tu tại gia.


Năm 1932, có một vụ lũ lụt khá lớn, làm vỡ cái đập, cuốn trôi mấy nhà cửa dành cho người Việt nên người Pháp cẩn thận hơn nên họ thành lập thêm hai hồ nhỏ này. Mình xem mấy tấm ảnh cũ xưa, không thấy hai hồ nhỏ này. 


Ông cụ mình khi xưa, làm cho ty công quản nước Đà Lạt, ở ngay hồ Đội Có, nên mình có thấy mấy ống nước to lớn, bơm nước từ hồ Xuân Hương vào nhà máy để lọc, cho dân Đà Lạt dùng. Nay nghe nói nước hồ Xuân Hương hôi thối vì ống cống chảy ra đây, dân Đà Lạt dùng nước uống của hồ Dankia. Khi xưa, chợ Đà Lạt có ống cống, trời mưa là chảy ra suối Cam Ly ngay góc Ấp Ánh Sáng, là thối rồi. Khúc đường Phan Đình Phùng và HAi Bà Trưng, chảy ra hai con suối rồi chảy về Thác Cam Ly. Các cặp tình nhân đến Thác này, mơ mộng, thề thốt mối tình hữu nghị sẽ không bao giờ thay đổi như mùi thối ở đây. Nay khắp Đà Lạt, cho ống cống chảy từ thượng nguồn suối Cam Ly ra suối rồi ra hồ Xuân Hương là ngọng. Nghe nói cá hồ Xuân Hương chết nổi lềnh bềnh trên hồ.

Đây là hồ Lớn (Grand Lac),có cái đập và con đường trước khách sạn Palace, chạy qua bùng binh tiếp nối đường Đinh Tiên Hoàng và Võ Tánh, Nguyễn Thái Học sau này

Lúc đầu, người Pháp cho làm 2 cái hồ nhân tạo, bằng cách làm cái đập để ngăn hai hồ. Hai hồ được gọi là hồ Lớn và hồ Nhỏ (Grand lac và Petit Lac). Hồ lớn để người Pháp sử dụng và hồ nhỏ để người Việt sử dụng, giai cấp khác biệt. Thật ra có thêm một cái hồ nhỏ khác ở thượng nguồn, bị ngăn bởi chiếc cầu chạy lên Nguyên Tử Lực. Lâu ngày phù sa kéo về, người Việt không có tiền sau 1954, không vét hồ nên trở thành bùn đọng. Cách đây mấy năm mình đi ngang thì thấy hơi được vét bùn một tí. Mình có đọc trong Đặc San Sử Địa trước 75. Để hôm nào buồn đời mình kể thêm vụ này.

Đây tấm không ảnh Đà Lạt khi Hà Nội cho vét bùn ở hồ Xuân Hương, ta thấy còn dấu vết của cái đập, đê ngăn hồ Lớn và hò Nhỏ, chỗ đường Trần Quốc Toản, cây xăng Esso, cạnh Thuỷ Tạ, chạy qua phía bùng binh bên kia đường Bà Huyện Thanh Quan, lên đường Đinh Tiên Hoàng. Mình nghĩ nếu cái đập này không bị vỡ thì có lẻ người Pháp đã không xây Thuỷ Tạ

Đến năm 1932 thì có một vụ lũ lụt làm vỡ cái đê của hồ Lớn, cuốn trôi mấy căn nhà của khu người Việt ở hạ lưu, khiến 15 người chết nên người Pháp mới cho dời khu phố người Việt gần ấp Ánh Sáng sau này, lên khu Hoa Bình.

Đây hình ốc đảo Thuỷ Tạ được thành hình trước khi xây quán Thuỷ Tạ, và đạp bỏ cái đập bên tay trái, chạy từ Palace qua bên kia bờ, chỗ đường lên Đinh Tiên Hoàng. Có thấy một phần hồ Tống Lệ been kia hồ chỗ đường Bà Huyện Thanh Quan

Khi người Pháp thiết kế thành phố Đà Lạt, qua bản vẽ của ông kiến trúc sư Ernest Hébrard, các khu vực có đồi ở Đà Lạt đều dành cho người Pháp như dọc đường Trần Hưng Đạo, Yersin và Hàm Nghi, nên mới có dinh tỉnh trưởng được xây trên đỉnh đồi cao nhất Đà Lạt. Sau này, khu Hoà BÌnh được dành cho người Việt và phố xá người Việt tại Đà Lạt, khởi đầu từ đây ra. 

Đây khu phố người Việt trước vụ lụt năm 1932, bị nước cuốn trôi, khiến 15 người Việt tử nạn. Sau đó được biến thành đất vườn để người Việt trồng rau cạnh cầu Ông Đạo mà nay họ làm công viên. Mình có kể khu này rồi nhưng nay có thêm tài liệu, để hôm nào có ai muốn mình kể tiếp thì sẽ bổ túc. Mình kể chuyện Đà Lạt theo đơn đặt hàng. He he
Từ máy bay khi đến Buenos Aires, thấy cây cối hai bên đường. Khi xuống dưới đất mới thấy cảm mến thành phố này vì có rất nhiều cây và công viên. Họ không bee tông hoá đất nước họ.
Sàigòn năm 1955, cây cối được trồng khắp nơi. Nghe nói họ chặt hết và để thành lập mấy auvent như ở Tân Gia Ba. Chán Mớ Đời 


Nguyễn Hoàng Sơn 




Chuyện tử tế ngày nay

Mình nghe gia đình và bạn bè kể về chế độ lý lịch khiến bao nhiêu người con cháu của thành phần chế độ cũ, không được tiếp tục học hay làm việc dù họ có khả năng. Vạn người vui, triệu người buồn. Ngược lại họ nói học tài thi lý lịch, con em của những người có công với cách mạng thì được nâng điểm, lại tạo bất công cho xã hội. Khi xưa, con của nằm vùng bị bắt, đều được Việt Nam Cộng Hoà cho ăn học đàng hoàng tử tế vì con cháu không có tội. Không dùng luật đời cha ăn mặn, đời con khát nước.

Có ông giáo sư ở Louvain, Bỉ, Việt kiều yêu nước kể, về Việt Nam hồi mới được Việt Cộng chiếm, đi đường thì khám phá anh chàng đạp xích lô, là kỹ sư miền nam, chuyên lo máy điện toán IBM của bộ Tổng Tham Mưu cũ, trong khi các kỹ sư miền Bắc, du học Liên Xô chưa bao giờ thấy cái máy điện toán, đứng ngơ ngơ trước cái máy điện toán. Sau này, ông ta về Việt Nam, lấy quốc tịch Việt Nam, ra ứng cử đại biểu quốc hội, nghĩ có công với cách mạng từ thời chiến tranh, sẽ được bầu nhưng không được đảng đồng ý, cho ra tranh cử nên Chán Mớ Đời. Dạo này thấy ông ta viết có vẻ mất lập trường cách mạng, khác xa ngày xưa.

Mình đọc trên báo Hà Nội, đăng tin có một thiên tài bị khiển trách. Chưa học hết lớp 7, đã tốt nghiệp tiến sĩ. Khi xưa, thời mình đi học, ai nhảy một lớp, được xem là thần đồng giỏi. Nay nhảy cái vèo qua tú tài, cử nhân, thạc sĩ. Đúng là Thánh Gióng hay anh hùng Lê Văn 8 ngày nay. Kinh
Chế độ lý lịch giúp những người chưa học xong lớp 7, được bằng tiến sĩ tại Việt Nam. Cực giỏi! Việt Nam có quá nhiều thiên tài. Dạo mình đi dạy ở đại học Bách Khoa Lausanne, Thụy Sĩ, bà thư ký cho biết là trường rất cẩn thận khi có các sinh viên ghi danh học cao học, với bằng cấp do Liên Xô cấp. Bà ta cho biết toàn là bằng hữu nghị, cứ có tên du học, ghi danh là được phát bằng. Cũng có người học được nhưng ít . Nghe nói bà tỷ phú Việt Nam, khi xưa đi du học, chỉ lo đóng hàng gửi về Việt Nam buôn bán kiếm tiền. Cũng được bằng hữu nghị.

Đạo diễn Trần Văn Thuỷ, trong một buổi nói chuyện về 30 năm thực hiện cuốn phim “chuyện Tử Tế”, cho biết không ngờ ngày nay, người Việt còn dã man hơn 30 năm về trước. Chuyện tử tế đối với xã hội Việt Nam ngày nay vẫn mang tính thời sự. 30 năm trước, ông ta làm phim tài liệu về xã hội Việt Nam thì bị đì, lo sợ bị bắt vì bị buộc tội âm mưu chống phá chế độ.


Trong phim có đoạn nói đến anh chàng quay phim. Kể là anh ta chăn vịt rồi một hôm mệt quá, vào nằm trong lều ngủ thì đàn vịt chạy vào ruộng của hợp tác xã, thế là bị 4 cán bộ trong làng xã ghi trong hồ sơ lý lịch nên sau này, xin đi học lên cao thì bị bác vì lý do nào không ai biết vì hồ sơ, có đóng chữ Tối Mật. Mình đoán là khi đi thi hay ghi danh vào đại học, chắc phải lên phường, xin giấy chứng nhận có lý lịch trong sạch 3 đời.

Thế là bỏ mộng đi học, tiếp tục cuộc đời chăn vịt cho đến khi có đoàn phim về quê quay phim. Anh ta tò mò lại hỏi và đi theo đoàn làm phim để học quay phim. Cho thấy nghề chăn vịt và làm phim có một biên giới rất sơ sài như học lực lớp 7 tương đương tiến sĩ. Nghe học cao và làm cán bộ chỉ được dành cho một giai cấp riêng. Dốt thì chạy tiền như con của lãnh đạo nào, thi được 3 điểm, chạy 1 tỷ để được đậu thủ khoa, lên mặt dạy giới trẻ Việt Nam, cách học giỏi.


Có đoạn nói về một người mẹ bị phong cùi, đi làm ở đâu, tối về làm gạch để xây nhà cho thằng con trước khi chết. Rất cảm động. Hay những bà sơ, bỏ cả đời mình để chăm sóc những bệnh nhân phong cùi, bị xã hội ruồng bỏ. Có một vị linh mục kể cho mình nghe, lý do ông ta đi tu sau khi gặp các vị sơ ở trại phong cùi.

Đoạn đạo diễn, cảm động kể khi ông Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh chết thì ông ta để tang hai ông này 3 năm. Lý do là nếu không có sự can thiệp của hai ông này thì chắc chắn ông ta bị bắt ở tù. Và chúng ta sẽ không bao giờ xem được mấy cuốn phim ông ta làm. Thật ra ông ta đã bị bắt nhưng được thả ra. Thấy thương cho nghệ sĩ tại Việt Nam, không có tự do sáng tạo, lúc nào cũng phải theo định hướng.


Ông ta kể làm xong phim “Hà Nội trong mắt ai” mà mình có xem tại New York, sau khi phim này đoạt giải chi bên đông Đức. Ông cho biết; phim ông ta làm xong, nhưng không được trình chiếu. Lý do là ông nói về nền văn hoá, xã hội phong kiến, không đề cao, tuyên truyền cho chế độ. Đi ngoài đường, người quen gặp, ngạc nhiên kêu mày chưa bị bắt à. May thay ông Phạm Văn Đồng nghe đến và kêu chiếu phim cho ông ta xem. Xem xong ông Đồng kêu cho trình chiếu nhưng ít ai dám chiếu cho nhân dân xem. Ông này chỉ làm đến chức thủ tướng.


Ông ta lén gửi cuốn phim đi dự giải điện ảnh ở Leipzig, Đông Đức, và chuẩn bị vượt tuyến. May thay ông được Karl Marx độ, phim ông ta được trúng giải nên Hà Nội không bắt ông ta, và về lại Việt Nam. Nếu mình không lầm, ông Đặng Thái Sơn, đi thi ở Ba Lan, nhờ ông thầy người Nga giúp đỡ, sứ quán Việt Nam không giúp gì cả vì ông bố có vấn đề. Ông Trần Văn Thuỷ đi học ở Liên Xô và tốt nghiệp môn điện ảnh, nghe nói với ông thầy nào nổi tiếng trong khối Liên Xô nên mình không biết. Dạo ở âu châu, mình có xem được vài phim nga sô. Nay thì xem trên mạng đầy. Nói chung các phim về thế chiến, toàn là tuyên truyền cho chế độ, còn ngày nay thì không đặc sắc lắm. Mình hay mở Netflix để xem phim thế giới, ít xem phim mỹ lắm.


Ông ta kể cuốn phim của ông mang lợi tức về cho Hà Nội nhiều tiền nhất từ xưa đến nay. Cái nghịch lý là phim bị cấm chiếu cho người việt trong nước xem. Có trên 10 đài truyền hình quốc tế mua bản quyền, cứ mỗi lần trình chiếu cho công chúng của xứ họ, trả cho Hà Nội $30,000 nhưng vẫn bị kiểm duyệt, cấm chiếu tại Việt Nam. Cho thấy tác phẩm văn hoá nào của Việt Nam bị cấm là thuộc loại hay, có giá trị quốc tế. Văn hoá mà có chút tư duy, sáng tạo là bị cấm. Không theo định hướng của bộ máy tuyên truyền.


Sau này, đài truyền hình Nhật Bản mướn ông ta quay một phim về một làng nào ở Bắc Việt, khiến khán giả Nhật Bản rất cảm động. Bác nào có link của phim này thì cho em xin. Cảm ơn trước. Kêu dân tộc họ đã đánh mất sự tử tế của cái nghèo khi xưa. Khi còn nghèo, họ đều giúp đỡ nhau, chỉ có khi giàu lên sau 1945, thì nhà nào ở nhà nấy, sợ bị mất trộm. 


Về Đà Lạt mình cũng thấy hàng xóm nhà nào đều có cái cổng to đùng, 3, 4 cái ổ khoá. Thậm chí về quê, mình thấy cổng nhà ông chú có khóa, vào đến cửa chính thì có cửa sắt, có khoá, rồi vào cửa nhà cũng có khoá. Muốn đi ra hay đi vào nhà, phải mở 3 cái khoá. Cháy nhà mà khoá nhà là hơi mệt. Khi xưa, thiếu chút dầu ăn thì chạy qua hàng xóm mượn,… nay thì cổng to đùng, không dám gọi.


Ông ta kể đến khi ông NGuyễn Văn Linh, kêu cho ông ta xem cuốn phim. Xem xong, nói chỉ có thế thôi mà cấm, hay là trình độ của ông ta kém, không hiểu và nói trước mọi người là đạo diễn cần làm thêm tập 2. Thế là cuốn phim “chuyện tử tế” mà ông đã làm xong từ lâu nhưng đâu dám trình duyệt và đặt tên “Hà Nội trong mắt ai tập 2”. Không ai phê bình, kiểm duyệt cả vì Nguyễn Văn Linh đã kêu làm. Kinh


Dạo này thấy mấy người ở hải ngoại kêu văn hoá Việt Nam Cộng Hoà, được người dân ở Việt Nam ưa chuộng thậm chí ngoài Bắc. Điển hình là Bolero được hát khắp nơi thay vì nhạc đỏ. Mình nghĩ chưa chắc. Lý do là Khánh Ly hát bản nhạc “Gia Tài Của Mẹ” bị lên án hay ca sĩ Chế Linh bị cấm hát,…cái gì bị cấm là có giá trị, còn được cho phép thì cần được xét lại.


Hà Nội có thể ra chỉ thị để nhạc Bolero, tình yêu ướt át để ru ngủ người Việt tại Việt Nam, thậm chí hải ngoại. Người cộng sản rất khôn, họ không làm gì không chủ đích. Họ rất giỏi về tuyên truyền.


Trước 75, nhạc Bolero, tình cảm ủy mị, ướt át được nổi rầm rộ trong chiến tranh. Lính đang đóng quân ở biên thùy mà đêm nghe nhạc uỷ mị chắc cũng hết muốn đánh giặc. Trong khi ngoài bắc, họ cho hát Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây hay cô gái tải đạn,…


Sau này, được biết các nhạc sĩ như Phạm Thế Mỹ là Việt Cộng nằm vùng, được chỉ thị làm nhạc phản chiến khiến mình nhớ đến bài gì của ông ta, …một ngày tôi đi qua trại lính gần nhà, thấy một lá cờ,..đại khái lá cờ phủ lên quan tài của một người lính mới tử trận và MIên Đức Thắng mà mình rất thích khi xưa, hát những bài khá phản chiến, nghe xong hết muốn đánh giặc như trên đỉnh đèo hoang vu, có nghe tiếng me gọi, mẹ ơi con sẽ về dù chân què, chân cụt gì đó,… lâu quá mấy chục năm không nhớ hết.


Có ông nhà văn quân đội Việt Nam Cộng Hoà, nằm vùng kể vào Bưng, nhận được chỉ thị của Trần Văn Trà, viết sách theo đề tài, định hướng đấu tranh cho Hà Nội.


Có lần mình tò mò đọc về tiểu sử ông Văn Cao, thấy nhạc ông này khác với ông Phạm Duy thì khám phá ra ông ta bị cấm sáng tác suốt mấy chục năm vì mất lập trưởng. Đến năm 1976, có tờ báo nào ở Sàigòn, trả tiền nhờ ông ta làm một bản nhạc đề cao mùa xuân đầu tiên của dân tộc, được thống nhất. 


Ông ta gửi  bài “mùa Xuân đầu tiên”, bị giới văn nghệ kêu có vấn đề vì gà mà gáy vào buổi trưa, một con én không làm được mùa xuân mà ông ta kêu mùa xuân theo én về, thêm ông cho giảm cường độ, thường người ta sử dụng khi làm nhạc đám ma thế là tịt ngòi nữa. Không thấy có sáng tác mới nào sau 1976.


Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về 

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về 

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên 

Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh (hình như bản gốc là nước mắt trên mi anh, họ đổi lại sau này)

Niềm vui phút giây như đang long lanh. 

ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. 

ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. 

Từ đây người biết quê người 

Từ đây người biết thương người 

Từ đây người biết yêu người . 


Đặc biệt là đài phát thanh Mạc Tư KHoa, lại dịch ra Nga ngữ, cho hát, và trả Ông ta tác quyền 100 rubles. Cô con gái du học ở đây, lấy tiền mua màu gửi cho ông tha hồ vẽ. Người Nga đàng hoàng trả tiền tác quyền chớ gặp Việt Nam, tỏng nước hay ngoài nước thì lấy hát, kiếm tiền không đưa một đồng xu.


Có một ông nhạc sĩ miền nam nhưng chạy theo Việt Cộng, tên Trần Long Ẩn. Ông ta có làm bài “đi qua vùng cỏ non” khiến bị nghi ngờ mất lập trường với những câu như:


Những dòng sông đã lâu không ra được biển rộng 
Là những dòng sông lạc loài muộn phiền quanh vách núi 


Thế là ông này bị đì từ mấy chục năm nay, buồn đời năm ngoái ông ta rống lên là văn hoá miền nam đồi trụy phải dẹp bỏ hết, bị thiên hạ quăng đá mệt thở. Nghe ông ta kể là tổ chức kêu ông ta trốn, bỏ Sàigòn vì cảnh sát đặc biệt tìm kiếm, bỏ vào bưng rồi được đưa ra Hà Nội, cho học nhạc viện gì đó theo lời yêu cầu của ông ta. Chắc ông ta khá ngạc nhiên khi so sánh Sàigòn và Hà Nội. Mình về Hà Nội năm 1994 thì bao nhiêu câu chuyện Hà Nội 36 phố phường, khi xưa học khiến mình mơ một ngày viếng thăm quê nội. Ai ngờ, chới với khi so sánh Sàigòn đã te tua mà Hà Nội thì gấp vạn lần.


Làm nhạc hay viết tương tự như xưa, người ta hay nói “kỵ huý”. Muốn sống thì phải tránh kỵ huý mà sáng tạo thì cần được tự do tư duy. Do đó các người việt tài giỏi phải ra khỏi nước mới được người đời nhìn nhận ra tài của họ như bà Dương Thu Dương, hay ông Nguyễn Việt Thanh, người gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer mà mình có đọc lâu rồi và theo giỏi ông ta từ khi con mình học USC, nơi ông ta làm giáo sư. 


Ông này có nói một câu khiến mình suy nghĩ về con người tại Hoa Kỳ. Khi được đài truyền hình pháp phỏng vấn, người Pháp giới thiệu ông ta là một nhà văn người Mỹ, còn khi đài truyền hình Mỹ giới thiệu ông ta thì kêu nhà văn gốc Việt.


Nước Tàu có lịch sử lâu đời nhất nhưng vì mấy tục lệ như kỵ huý, ảnh hưởng Nho Giáo khiến nền văn minh của họ chưa đạt được tuyệt đỉnh được. Nếu họ không thay đổi thì khó bắt kịp hay qua mặt tây phương.


Có ông bác sĩ nào học bên tây về, bị bắt vì bán thuốc giả cho bệnh nhân với tiêu chí “lương y như ác mẫu”. Thiên hạ kêu uổng nhân tài. Nhân tài mà giết người để làm tiền thì không thể nào gọi là nhân tài được, phải gọi Quỷ Tài. Ông này đã không thực hiện lời nguyền của Hippocrates.


Sáng nay, đọc tin thấy có một gia đình gốc Việt, anh em chị em dính vào vụ gian lận gói cứu trợ COvid vừa qua. Một người em làm bác sĩ, cả họ được nhờ, khai man ra sao hơn 150 triệu đô la, nay vào tù, bà chị thì đang bị truy nã. Chán Mớ Đời 


Nói chung thì người Việt muốn giỏi thật sự thì phải ra hải ngoại sinh sống. Chỉ có xương rồng mới sống nổi ở sa mạc còn ai muốn ra trái, hoa đẹp thì phải về vùng đất lành. Chán Mớ Đời  

Sau 48 năm, người Việt vẫn tiếp tục ra đi, chính thức và lậu


48 năm sau ngày đất nước thống nhất, người Việt vẫn tiếp tục ra, ngay cả đảng viên và con cháu. Mình gặp rất nhiều ở vùng này. Tuần vừa qua, có nghe tin 14 người Việt vượt biển bằng tàu, đi Đài Loan bị chìm tàu chết. Nhiều người Việt đi lậu qua Âu Châu kiếm việc làm. Hà Nội ra chỉ thị tăng gia lao động quốc tế, cung cấp thêm 500,000 nhân công cho các nước ngoài năm 2023. Mình thấy tại phi tường Sàigòn tháng 2 vừa qua, độ 2 toán người Việt xuất khẩu lao động.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn