Có lần mình thấy cô em chọc con như bà cụ chọc mấy anh em mình khi xưa như con lượm thùng rác, con của ai đẻ bỏ rồi đem về nuôi khiến con cháu khóc bù loa. Khiến mình bực mình nên dặn cô em đừng nói với con như vậy vì khi xưa, mình bị tủi thân khóc hoài.
Hôm trước mình kể chuyện bố mẹ mình kêu mình là con lượm thùng rác thì nhiều người còm cho rằng họ cũng bị bố mẹ lên án, đấu tố là con rơi, con lượm thùng rác này nọ khiến mình thất kinh. Mình nhớ hàng xóm có hai chị em lấy một chồng. Bà chị vô sinh nên kêu cô em lấy ông chồng, sinh ra mấy người con. Họ lại kêu bà em, sinh ra họ là “Đẻ” trong khi bà chị lại kêu là “mẹ” khiến mình cứ thắc mắc từ mấy chục năm nay. Sáng chạy qua nhà mình kêu mình tè vào cái cốc để con gái họ mới ở cử uống.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Tại sao người Việt hay chọc con như vậy, mình không biết lý do vì chưa có đọc tài liệu nghiên cứu nào về tâm lý học của người Việt. Mình đoán khi xưa, vệ sinh chưa được như bây giờ nên con nít chết nhiều vì môi trường vệ sinh, ăn uống thiếu thốn nên hay chết yểu. Do đó người Việt tin dị đoan ma quỷ bắt con đi nên họ phải đặt tên cực xấu, để ma chê quỷ hờn không bắt con mình đi. Mình khi xưa cũng èo ọp lắm nên được bán cái vía mình cho Cậu Bảy ở am Mệ Cai, đường Nguyễn Công Trứ. Năm ngoái mình có về Đà Lạt, có ghé thăm am Mệ Cai, nay được hoạt động lại nhưng không thấy đông người như trước đây.
Theo tinh thần mê tín dị đoan, người ta hay kêu là con của họ là con nuôi, con lượm, họ nhặt lấy đem về nuôi để ma quỷ không bắt đi. Có người thậm chí đưa con vô chùa hay nhờ ai nuôi họ vài tháng rồi đem về. Thậm chí đổ họ tên này nọ. Thương con không muốn chết yểu nên họ phải làm theo các cô, các cậu lên đồng. Nhớ khi xưa, mỗi lần lên đồng ở Am Mệ Cai, mình được đưa ra đây xem Mệ Vĩnh Tường, đàn với nhóm nhạc. Sau này Mệ Vĩnh Tường, lấy dì Mến, cũng ở cho nhà bà Phúng cùng thời với mẹ mình.
Có thể tín ngưỡng nhân gian Việt Nam xưa, có niềm tin về ma quỷ và thế giới siêu nhiên nên có quan niệm ma quỷ “thích” trẻ em. Người Việt tin rằng ma quỷ có xu hướng thích trẻ em vì chúng hồn nhiên, thuần khiết, và dễ “bị dụ”. Đặc biệt, những đứa trẻ được cho là đẹp đẽ, thông minh hoặc dễ thương thường bị ma quỷ để ý nhiều hơn. Do đó có thể dân gian đặt ra cách gọi con bằng những cái tên như “con lượm thùng rác”, “con ghẻ”, “con hôi” hoặc “con nuôi” nhằm khiến ma quỷ nghĩ rằng đứa trẻ không được yêu thương và không đáng bắt đi. Vụ này thì mình nhớ ông thầy dạy Việt Văn có giảng về tục ngữ ca dao như tại sao con gái, lấy chồng về nhà để tang cho bố mẹ thì phải đội cái mũ vãi phủ cái mặt, để người chết không thấy mặt vì mang tội bất hiếu, được sinh ra để làm con người ta, hầu hạ cha mẹ chồng, phụ bạc công ơn dưỡng dục này nọ. Kiểu con gái là con người ta, con dâu mới là mẹ cha mua về với bài Thách Cưới,… còn con dâu thì để mặt không phải che vì chăm sóc cha mẹ chồng. Ngày nay thì ngược lại, con trai là con người ta.
Thậm chí, trong nhiều gia đình, người ta còn cố ý không bế trẻ ra ngoài vào buổi tối để tránh ánh mắt ghen tị của ma quỷ. Mình nhớ khi còn bé, buổi chiều, chạng vạng là không được ra sân chơi hay bế em ra sân chơi. Mình có người em trai chết năm Mậu Thân khi đầy 1 tuổi. Hàng xóm kêu tại vì bồng nó ra sân chạng vạng nên ma quỷ bắt đi. Nghĩ lại thì trời chiều Đà Lạt lạnh, đem ra ngoài bị gió nên cảm rồi chết. Mình bị nám phổi, cởi trần làm mọi da đỏ chạy ngoài sân vào buổi tối.
Người ta nghĩ về “trẻ khó nuôi”: Những đứa trẻ hay quấy khóc, đau ốm, hoặc có những bất thường thường được cho là do “bị ma ám” hoặc “vía nặng”. Để tránh những điều xui xẻo, cha mẹ thường cố ý gọi con bằng tên xấu hoặc nói rằng đứa trẻ chỉ là con nuôi để đánh lạc hướng các thế lực siêu nhiên. Mình nghe kể khi xưa mình hay bị đau ốm, nên ông Phúng hay lấy xe ra am Mệ Cai, chở bà ta vào nhà giác lể cho mình, sau này bán cho vía của mình cho Cậu 7 ở Am Mệ Cai mà lần trước về, mình có ghé lại để thăm chốn cũ.
Ngoài ra dân gian còn có quan niệm “con trời cho” hay con cầu tự nên cần sự khiêm nhường. Người xưa tin rằng mọi thứ trong cuộc sống, kể cả con cái, đều là “của trời cho”. Nếu cha mẹ quá tự hào hoặc khoe khoang về con, họ có thể làm “trời đất ghen ghét” và đứa trẻ có thể bị ông trời lấy đi. Vì thế, cha mẹ thường giả vờ không yêu thương con mình bằng cách dùng những lời lẽ hạ thấp hoặc những biệt danh kỳ quặc như “con lượm”, “con ghẻ”, “con mượn”.
Điều này giúp họ tránh sự “trừng phạt” từ trời đất và giữ cho con được bình an. Nay thì khác, con học dốt cũng chạy tiền để con đổ cao rồi gáy. Mình nhớ khi xưa, đến nhà ai cũng thấy trưng bày mấy cái cúp, huy chương này nọ khiến mình thất kinh. Sau này có con, mới hiểu trả tiền thì đội banh cuối màu là tặng cúp tặng huy chương bú xua la mua. Nên chả bao giúp treo cúp huy chương trong nhà. Ngay cả chúng cũng chán nhận huy chương về, chả biết bỏ đâu.
Ngoài ra có tục lệ đặt tên xấu cho trẻ khó nuôi. Mình được ông cụ đặt tên rất hoành tráng nên bị đau hoài nên sau này, trong xóm gọi “cu đen” để phân biệt với tên hàng xóm khác cũng mang tên họ Buồi. Tục đặt tên xấu trong văn hóa Việt là một phong tục phổ biến để bảo vệ trẻ em khỏi các yếu tố tâm linh. Người ta cho rằng những đứa trẻ khó nuôi cần được đặt tên thật xấu để không bị ma quỷ chú ý. Biết đâu ma cái nó chú ý đến tên Cu thì sao. Ví dụ: Những cái tên như Cu Đen, Thằng Cò, Tèo, Bống, hoặc các cụm từ như “lượm thùng rác”, “thằng chó con”, “con heo” được dùng để khiến đứa trẻ trở nên “tầm thường” trong mắt các thế lực siêu nhiên. Hay Cái Bướm gì đó. Khi trẻ lớn hơn và khỏe mạnh, người ta thường đổi sang những cái tên hay hơn. Điển hình hai vợ chồng tên Nghĩa và Trang, mua được một căn biệt thự, đặt tên biệt thự Nghĩa Trang. Chán Mớ Đời
Thói quen người Việt tránh vía xấu trong văn hóa tín ngưỡng. Mỗi lần em khóc hay bị té, là cứ lấy chân đạp đạp đất rồi ôm em lên kêu u 3 hồn 7 vía nếu là em trai, còn em gái thì mình kêu u 3 hồn 9 vía, làm em tao đau. Ngày xưa mình học từ mấy người lớn 3 cái vụ này khi trông em. Nhớ ông thầy dạy việt văn khi xưa kể trong dân gian Việt Nam, “vía” là một phần quan trọng của tâm linh. Mỗi người đều có vía, và trẻ em được xem là có vía rất yếu, dễ bị tác động bởi các vía xấu từ người lớn hoặc môi trường xung quanh. Nếu một đứa trẻ quấy khóc liên tục, cha mẹ sẽ đổ lỗi cho việc “bị vía” hoặc “bị để ý”. Để khắc phục, họ thường dùng cách gọi con mình là “con nuôi” hoặc “con lượm” để xua đuổi vía xấu và giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Có lẻ vì vậy mà bà cụ hay kêu mình là con lượm thùng rác vì khi xưa hay đau ốm. Khiến mình buồn đời đi ra chợ chỗ người ta đổ rác, cạnh nhà vệ sinh công cộng. Ngồi nhìn ai đi ngang xem có ai giống mình đen hay không, chỉ thấy toàn là người thượng là da đen như mình. Cứ nghĩ chắc cha mẹ người Mọi, đem ra đây quăng chắc.
Có thể cách người Việt xưa thể hiện tình yêu thương gián tiếp. Ở Việt Nam, khi xưa, cha mẹ không ôm con hun hít như ngày nay. Mình đi tây, chả ôm bà cụ hay ông cụ ở phi trường. 20 năm sau về cũng vậy, cũng đứng chào trong khi con mình ở xứ người, thì một hai I love you, ra phi trường là ôm nhau. Mặc dù cách gọi như “con lượm thùng rác” hay “con nuôi” nghe có vẻ không mấy thiện cảm, nhưng thực chất đây lại là một cách cha mẹ thể hiện tình yêu thương gián tiếp. Mình không nhớ tên cuốn phim, chỉ nhớ là cô người làm bị ông chủ đè đầu ra làm một tăng khiến cô ta sinh ra thằng con trai, được bà vợ lớn cưng chiều cứ như con của bà ta trong khi cô hầu thì đứng đàng xa nhìn đứa con không được thừa nhận. Dạ thưa cậu này nọ.
Cha mẹ không muốn nói quá lời yêu thương vì sợ “nói trước bước không qua” hoặc khiến đứa trẻ gặp chuyện không hay. Điều này phản ánh sự cẩn trọng và khiêm nhường trong tâm lý của người Việt. Ngày nay thì vệ sinh môi trường tiến bộ nhờ mấy ông tây bà đầm sang đô hộ dạy nên con nít ở Việt Nam chết ít hơn.
Nhớ trước khi đi tây, ông bà cụ nhờ ai làm lá bùa, đúng hơn là cái móng chân của con gì, rồi làm sợi dây chuyền, như cái bùa để bảo vệ mình ở xứ tây. Do đó mình bị ế vợ đến gần 4 bó khi tháo ra mới thoát ế gảim độc thân.
Ngoài cách gọi con bằng những biệt danh kỳ lạ, người Việt còn có nhiều cách khác để bảo vệ con khỏi ma quỷ bắt đi. Như đeo bùa hộ mệnh: Trẻ em thường được đeo vòng bạc, bùa, hoặc chuỗi hạt dâu tằm để xua đuổi ma quỷ. Ngày xưa học vụ này, nghe ông thầy kể mà chả biết dâu tằm ra sao. Bôi nhọ nồi lên mặt trẻ: Khi đưa trẻ ra ngoài, cha mẹ thường bôi nhọ nồi lên mặt trẻ để chúng trông “xấu xí” hơn, tránh bị ma quỷ chú ý. Vụ này thì mình không bị, vì da đen như lọ nồi rồi. Nếu đứa trẻ khó nuôi, cha mẹ có thể đổi họ cho con, thường đổi sang họ mẹ hoặc đặt tên “xấu” để dễ nuôi hơn.
Cúng bái giải hạn: Với những đứa trẻ hay đau ốm, cha mẹ sẽ làm lễ cúng bái hoặc xin “bán khoán” đứa trẻ cho chùa để nhờ các vị thần linh bảo vệ. Mình được bán khoán cho am Mệ Cai. Ngày nay, cứ Tết đến là chùa ghi tên phật tử cúng dường để giải hạn sao vì năm nào cũng dính sao Kế Đô.
Những phong tục này ngày nay đã ít phổ biến hơn, nhưng ở một số vùng quê hoặc trong gia đình có truyền thống tín ngưỡng mạnh mẽ, người ta vẫn duy trì chúng. Tuy nhiên, thay vì gọi con bằng những cái tên xấu, cha mẹ hiện đại thường chỉ làm các nghi thức như đeo vòng bạc, cúng giải hạn, hoặc đơn giản là đặt tên con cẩn thận để tránh những điều không may. Nghe nói nay, ở Việt Nam người ta đặt tên con bằng tiếng mỹ hay tiếng tây như Johnny Hùng Nguyễn, không khác chi bên Hoa Kỳ hay Pháp quốc. Khi xưa, chỉ có mấy người theo thiên chúa giáo mới có tên thánh như Phan Xít Cô,..
Hồ này cũng có bắt khá nhiều con nít chết đuối ở đây.
Buồn đời nhớ lại chuyện xưa thì mới biết, không những nhà mình mà cả miền nam, thiên hạ cũng kêu con họ là con lượm khiến mình thất kinh, nhớ lại thời trung học, học việt văn, rồi mò thêm trên mạng tự điển để hiểu thêm một tị về văn hoá xưa của Việt Nam đang bị mai một.
Cách gọi con bằng những cái tên như “con lượm thùng rác” hay “con nuôi” phản ánh nét đặc sắc trong văn hóa và tâm linh Việt Nam, của thế hệ ông bà mình và bố mẹ, kết hợp giữa niềm tin dân gian, sự khiêm nhường và tình yêu thương của cha mẹ. Đây không chỉ là một phong tục mà còn là biểu hiện của sự lo lắng, thận trọng trước những điều không thể kiểm soát trong cuộc sống. Ngày nay, với sự chích ngừa đã giúp trẻ em bớt bị chết sớm nên người ta không còn tin vào thánh thần nhiều như xưa.
Mình chỉ nhớ người đầu tiên gọi tên mình là Cu, là bà Hai hàng xóm, còn Cu Đen là con Thuý, em thằng Dư. Nó bắt mình cho nó xem chim rồi nó kêu cu mày đen quá nên sau đó cả xóm kêu mình là Cu Đen. Năm ngoái lên Seattle , có gặp lại một chị hàng xóm khi xưa, sau này gia đình dọn sang đường Phan Đình Phùng, cạnh tiệm thuốc tây Lâm Viên. Có lần Mình đi lang bang ngang tiệm của gia đình chị ta, thì bác gái ngồi bán gạo, kêu Cu mi đi mô rứa, vô đây tau hỏi chuyện. Chỉ khi đi tây mình mới hết nghe thiên hạ gọi Cu Đen. Xong om
Chúc mấy bác vui vẻ màu Xuân Con rắn. Hy vọng năm tới sẽ không gặp rắn nhiều trong vườn.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn