Chu du năm 2023

 

Hôm nay, ngày cuối năm 2023, cảm thấy thời gian qua một cách vội vã như mây đen ăn hết ánh sáng của bầu trời Cali trong trận mưa cuối năm, để chuẩn bị cho một năm 2024 đầy hứa hẹn nhiều thay đổi. Nhìn lại năm 2023 thì thất kinh vì hai vợ chồng đi ta bà mệt thở.


Đầu năm 2023, hai vợ chồng bay xuống miền nam của châu Mỹ, viếng thăm Chí Lơi và Á Căn Đình. Từ đó lấy tàu Pháp xuống Nam Cực, vượt qua 2 lần eo biển nơi hai luồng sóng nước của Đại Tây Dương và Thái BÌnh Dương hội tụ khiến hai vợ chồng chỉ biết nằm trên giường trong khi chai ly sòng sành rơi xuống đất như lời kinh cầu trong tiếng nam mô.


Tại thủ đô Buenos Aires, ăn thịt bò trứ danh của xứ Á Căn Đình và xem họ múa Tango. Không khỏi ngậm ngùi chứng kiến đổi đô la gấp 2 giá chính thức của chính phủ. Một xứ giàu có bật nhất thế giới khi xưa, để rồi lãnh đạo ngu xuẩn, mị dân đưa đến sự tận cùng bần. Thấy dân xứ Venezuela bỏ xứ đi làm công khắp nơi ở Nam Mỹ, dù trước đây là một nước giàu có, nhờ dầu hoả. Cho thấy một nước muốn được giàu mạnh, người dân ăn sung mặc sướng, cần người lãnh đạo yêu dân, bằng mọi cách giúp nâng cao đời sống người dân còn gặp lãnh đạo chỉ lo cho thân mình và đồng đội thì dân chỉ có đói, không có đất mà ăn. Phải tìm đường ra đi làm cu li cho ngoại bang.

2 vợ chồng xuất hành đầu năm 2023 về miền Nam Cực lạnh như băng

Sau đó mình bay về Việt Nam, leo vào động Sơn Đoòng và Phong Nha. Về thăm quê nội được 1 đêm rồi bay vào Đà Lạt. Đưa bà cụ viếng thăm Thái Lan 1 tuần rồi về Sàigòn, thăm mấy đứa cháu, lại lên máy bay về quê hương thứ 3. Đi chơi với vợ xong thì phải đi với mẹ.

Hang Én, chặng dừng chân đầu tiên trước khi vào Sơn Đoòng 

Hai vợ chồng bay lên Oregon và Washington thăm bạn, viếng thăm các thác danh tiếng của Oregon và núi Rainier. Sau đó lại trở về Yosemite với thân hữu như mọi năm rồi làm chuyến đi 1 tuần qua 6 tiểu bang rộng lớn Hoa Kỳ, với 9 mụ đàn bà trên xe. Mình làm tài xế nhân dân ưu tú cho mấy bà tham quan Tetons và Yellowstone hùng vĩ.

Đi chơi với Mẹ tại Thái Lan

Tháng 7 bay qua Boston ăn cưới cô cháu rồi lên tàu viếng thăm Bahamas. Chán Mớ Đời nếu ai muốn đi thì mình khuyên không nên vì chỉ lênh đênh trên biển mấy ngày, chả có gì khác lạ. Sau đó về thăm New York, nơi mình đã từng sinh sống 5 năm, thăm con gái đang ở đó. New York, ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với thời mình đi làm tại đây. Gặp lại vài người bạn ở New Jersey.

Viếng lại toà nhà đầu tiên vẽ tại New York

Tháng 9 khăn gói lên đường thăm viếng khối Liên Xô cũ, Con Đường Lụa nay trở thành Vành Đai và Con Đường. Khác với báo chí tuyên truyền tây phương, mình thấy Trung Cộng thành lập được chương trình này. Nếu hoàn thành sẽ đẩy mạnh kinh tế của vùng này lên như khi xưa, di chuyển nhanh chóng hơn bằng tàu thuyền. Khi đi chơi, viếng thăm mới hiểu được sự thật, còn ở nhà nghe tuyên truyền báo chí sẽ làm chúng ta tin tưởng vào sự nói phét. Nói cho ngay mình cũng muốn chương trình này thành công để giúp các người dân sống trong vùng này có cơm ăn áo mặt. Người cha sẽ không phải bỏ nước ra đi tìm cơm áo cho gia đình, nuôi con.


Uzbekistan với đền đài hồi giáo cổ xưa và Georgia với dãy núi Caucase. Trên đường về ghé lại Qatar mọc lên trong sa mạc như câu châm ngôn với sức người nô lệ sỏi đá cũng thành cơm. Nơi các giống dân khắp nơi về đây là đày tớ cho người dân sở tại. Không khác chi những Nô lệ ngày xưa, chỉ khác là đây họ tình nguyện, hạnh phúc làm nô lệ để gửi tiền về cho gia đình để rồi một mai thân tàn ma dại trở về cố quốc để chết. Tại sao họ phải bỏ nước ra đi, lao động quốc tế là cụm từ mỹ miều được thay thế cụm từ làm cu li cho ngoại bang. Các nhà lãnh đạo sung sướng cho dân đi làm cu li quốc tế, có được ngoại tệ và bớt đi những mầm móng phản động.

Uzbekistan, 

Tháng 10 viếng Mễ tây Cơ do hội kết nghĩa với thành phố Bellfowers mời. Được một gia đình Mễ cho tá túc 1 tuần, có cận vệ lái xe, đeo súng bên hông. Đi lần này xong chắc không đi nữa. Mình có đi rồi nhưng lần này muốn đồng chí gái đi theo cho biết đời sống người Mễ ra sao thay vì quen nhìn người Mễ di cư lậu.

Georgia 

Hai vợ chồng đi viếng trở lại các công viên quốc gia Sequoia, KIngs và Joshua Trees. Vẫn khám phá thêm những cái lạ của Cali. Không cần đi xa, Hoa Kỳ có rất nhiều nơi để thăm viếng. Có lẻ sẽ đợi khi sức khoẻ yếu yếu một tí, sẽ dành thời gian đi viếng các công viên quốc gia nổi tiếng Hoa Kỳ. Thật ra mình đi cũng 2/3 rồi.

Yellowstone

Năm nay đi chơi nhiều quá nên ít đọc sách báo, chỉ kể chuyện có 274 lần. Được cái là nhờ bác sĩ Kiều Quang CHẩn cho mượn võ đường để mấy anh chị em Đông Phương Hội có nơi tập luyện lại nhưng hơi bị sớm vì từ 5:30 sáng đến 7 giờ sáng nên ít người dám đu theo. Có người chịu khó từ San Diego chạy lên đây tập rồi chạy về đi làm. Dậy sớm nên mình lên giường vào lúc 9 giờ tối thậm chí có lúc mệt thì 8 giờ.


Mình đang chặt bớt các cây bơ cao già 35 năm để chúng ra nhánh mới nhỏ thấp cho dễ hái. Mình có gắn hệ thống tưới qua wifi với năng lượng mặt trời nên từ xa, có thể xem cần tắt hay tưới thêm vườn. Cứ đi chơi về khách sạn mở xem. Cần tưới khu vực nào thì mở app ra nhấn nút. Xong om


Trời thương nên có người kêu bán cho một khu thương mại và cho vay lại trong vòng 25 năm trước khi tiền lời lên. Được cái là mình đi chơi nhưng vẫn liên lạc qua email và điện thoại. Ký giấy tờ thương lượng qua email, chỉ có giấy tờ cuối cùng cần thị thực chữ ký thì về cali làm. Chính phủ cali cho tiền nông dân, cũng phải ký tên, in ra Scan đủ trò. Vẫn đi chơi không phải bắt buộc ở nhà để làm mấy chuyện này. Kỹ thuật đã giúp con người không còn phải dậm chân tại chỗ. Con gái mình đang ở Phi châu đi Safari vẫn làm việc nếu có wifi.


Năm 2024 thì tháng 2 sẽ viếng thăm 5 xứ ở vùng Trung Mỹ, rồi Việt Nam, Nhật Bản, Úc Châu. Sau đó sẽ leo núi Annapurna, 1/2 Dome Yosemite, Whitney. Sẽ đi âu châu vào tháng 9, tháng 8 sẽ đi Alaska. Mụ vợ đang lên chương tình với mấy người bạn, hy vọng mụ đi một mình với mấy bà bạn để mình có thời gian làm vườn.


Trước thềm năm mới, chúc các bác cùng thân quyến được nhiều sức khoẻ.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hoàng đế bán đất

Thấy Netflix đang quảng cáo sẽ chiếu cuốn phim trong tương lai gần đây về hoàng đế đầu tiên của Pháp quốc, Nã Phá Luân nhưng chưa biết chừng nào chắc hè này. Trong lịch sử Pháp thì ông hoàng đế Napoleon đệ tam mới là người tạo luật lệ, mở trường dạy nghề, đào tạo nhân tài, giúp Pháp quốc tham gia vào công cuộc canh tân kỹ nghệ của xứ này để bắt kịp Anh quốc và Hoà Lan, còn ông thần Napoleon đệ nhất thì sát lính và làm nghèo xứ này mệt thở nhưng lại nổi tiếng nhất. Cho thấy lịch sử chỉ để ý đến những tên sát thủ mưng mủ.

Nhớ khi xưa, học sử địa pháp, ông tây dạy cứ ca tụng ông Napoleon mệt thở. Ông ta còn bắt đi xem phim Waterloo, chiếu ở rạp Ngọc Lan, rồi bắt thiên hạ viết cảm nghĩ đủ trò,… từ từ mình cũng nghĩ ông thần Napoleon này là anh hùng dân tộc của Pháp đủ trò. Đến khi qua Tây thì mới chới với, hiểu thêm về ông này. Câu hỏi là thiên tài lại thất trận tại Waterloo, một địa điểm ở xứ Bỉ mà mình có đến thăm để kiểm lại những gì ông tây dạy khi xưa. Đến khi sang tây thì phải xét lại, dân pháp chửi ông thần này cũng nhiều, chỉ có mấy ông đi lính thì ca tụng thôi, kêu là thiên tài quân sự còn dân thường thì chửi mệt thở, sát quân quá khiến đàn Ông tây thiếu đến nổi phụ nữ đầm phải chịu làm bé, đưa đến tình trạng đàn ông tây thường có bồ nhí.

Nghe kể Võ Đại tướng mê ông Napoleon này lắm, ai học sử do ông ta dạy đều nhớ ông kể các trận đánh ác liệt của hoàng đế xứ Phú LĂng sa này. Sau này đánh nhau với tây, ông ta cũng bắt chước Nã Phá Luân, nướng bộ đội như thịt xiên. Nghe ông ta kể là Quảng Trị, mỗi đêm cho bơi xuồng qua sông, nướng mỗi đêm 100 bộ đội bác Hồ. Dạo này thấy Netflix đang quảng cáo rầm rộ phim “Napoleon”, sắp trình chiếu. Hy vọng năm nay sẽ được coi lại ông thần từ đảo Correa lên Paris, kéo dân tây đi đánh nhau khiến đất nước này tan hoang.

Theo sử gia người Pháp Alain Pigeard, thì có đến 2 432 335 người Pháp chết khi bị động viên từ 1799 đến 1815. 16 năm có gần 10% dân số chết, nhất là nam giới thì tính phân nữa là có thể lên đến 20%. Năm 1800, dân số pháp cao nhất âu châu gần 29 triệu người mà có đến gần 2.5 triệu người Pháp chết. Có cuốn phim do Gerard Depardieu đóng, nói về tình trạng nầy, le retour de Martin Guerre, có một tên nào đi lính về rồi ghé lại nhà một người lính chết rồi tự xưng là hắn, ngủ với vợ người bạn chết, đủ trò. Mọi việc vui vẻ đến khi hắn nhắc mấy ông chú, muốn lấy tiền mượn của bố hắn thì bị mấy chú khệnh cho, lòi mặt chuột, lừa đảo ra.


Ngoài giết trai trẻ, ông ta còn làm kiệt quệ kinh tế xứ Pháp nữa. Ông ta buồn đời, muốn làm bá chủ âu châu, tự xưng làm hoàng đế, ông ta muốn lấy lại ngôi báu của vua Anh quốc cho người Pháp. Mình có kể vụ này rồi, ai buồn thì tìm trên bờ lốc. 

Trò tàn của Napoleon tại Invalides

Muốn đi chinh phạt âu châu thì cần tiền để nuôi quân và súng đạn. Ông ta đột phá tư duy, đề xuất một kiến nghị với người Mỹ, là bán mãnh đất Louisiana xa xăm cho họ với giá bèo khiến người Mỹ chới với, phải chạy kiếm tiền để mua. Trước khi ông này tìm được người khác mua.


Ông tây dạy sử địa kể rằng Pháp quốc vớt được thuộc địa mà ngày nay người ta gọi là Haiti, từ xứ Tây Ban Nha vào năm 1697, trước khi cách mạng xẩy ra tại Paris mà ngày nay bộ ngoại giao Hoa Kỳ khuyên người Mỹ không nên viếng thăm xứ này vì dễ bị bắt cóc, chuộc tiền. Thuộc địa này trồng và xuất cảng 2/3 sản phẩm mà người Pháp dùng như cà phê, đường, bông Gòn, do các nô lệ mang đến từ Phi Châu.

Khi cách mạng xẩy ra thì người dân ở đây cũng nổi loạn muốn được tự do, bình đẳng và bác ái như dân ở Pháp kêu gào. Napoleon gửi lính đến đây để dẹp loạn. Nô lệ mà dám đòi bình đẳng với tây đầm trắng? Nói tiếng Tây à? Tương tự khi họ đến Việt Nam, người Việt học được 3 cụm từ tự do, bình đẳng và bác ái cũng tưởng thiệt bị họ bỏ tù. Phải kêu mấy ông tàu sang phụ đánh Tây chạy về nước.  


Vấn đề là lính viễn chinh pháp, không quen khí hậu nhiệt đới nên chết nhiều vì sốt rét, đậu mùa nên ai sống sót trở về Pháp là Phước Đức ông bà. Vì lẻ đó mà người Pháp xây dựng Đà Lạt, một trạm nghỉ dưỡng cho dân và lính của họ ở Đông-Dương khi khám phá ra núi đồi vùng này mát mẻ. Muốn chiếm đóng Đông-Dương lâu đời thì phải cần một nơi nghỉ dưỡng, cho quân đội vì chuyên chở người Pháp về quê hương tốn tiền và xa xôi.


Do đó đế chế của Napoleon cần tiền và rất nhiều tiền để thực hiện mưu đồ thống lĩnh âu châu nhất là Anh quốc. Do đó triều đình ông ta muốn bán phần đất của Pháp quốc tại bắc mỹ châu mà người ta thường gọi Louisiana Territory, có dòng sông nổi tiếng Mississippi mà Tây Ban Nha chuyển nhượng cho Pháp quốc qua hiệp định thứ 3 San Ildefonso vào năm 1800. Để hôm nào mình bình dân học vụ mối tình hữu nghị của Tây Ban Nha và Pháp quốc ở giai đoạn này để hiểu rõ hơn vì sao từ một đế chế rộng lớn, mà ngày nay ở mỹ châu miền nam đều nói tiếng Tây Ban Nha, trở thành nghèo đói nhất âu châu thời mình ở bên đó. Bác nào thích nghe kể thì cho em hay. Em rất mê lịch sử vì lịch sử sẽ tiên đoán tương lai của một quốc gia.


Vấn đề là Pháp quốc của Napoleon mà mất các thuộc địa ở Mỹ Châu thì đất đai ở Bắc mỹ sẽ bị lộn xộn, không có quân đội trấn giữ thì anh Anh quốc sẽ xâm chiếm. Do đó để rảnh nợ, đối phó ở âu châu ông Nã phá Luân bán rẻ cho Hoa Kỳ. Nói cho ngay lúc đó, người Pháp cũng không biết vùng đất này to lớn bao nhiêu cứ tưởng như vùng Alsace và Lorraine. Hoa Kỳ mua nhưng cũng không biết rộng lớn đến mức nào, chỉ khi mua rồi, cho người đi trắc địa thì mới biết là mua giá hời còn người Pháp thì bức tóc nhổ lông tóc xá lợi đem cho nhà thờ mượn gây quỹ.

Xem bản đồ dạo ấy, chúng ta thấy Hoa Kỳ nằm bên tay phải miền Đông, cạnh Đại Tây Dương, phía nam màu vàng là vùng đất Tây Ban Nha là tiểu bang Florida ngày nay. vùng đất màu xanh trước kia thuộc Tây Ban Nha nhưng sau này giao cho Pháp quốc để đổi lấy vùng Toscana (Florence ngày nay). Phía bắc Gia-nã-đại ngày nay thuộc Anh quốc.

Dạo ấy Hoa Kỳ không rộng lớn như ngày nay, chỉ có mấy tiểu bang dành độc lập từ các thực dân Anh quốc. Tổng thống Thomas Jefferson biết được hiệp ước do Pháp quốc và Tây Ban Nha ký kết năm 1802 thì ông ta lo sợ vì Hoa Kỳ sẽ bị bao vây bởi kẻ thù; Anh quốc phía bắc (Gia-nã-đại), phía tây là Pháp quốc và phía nam là Tây Ban Nha (Florida).


Trước khi Tây Ban Nha bàn giao vùng đất Louisiana cho Pháp quốc, triều đình xứ này có ký hiệp ước với Hoa Kỳ, cho phép các tàu bè mỹ được phép chuyên chở hàng hóa xuống New Orleans qua dòng sông Mississippi, và không phải đóng thuế. Khi ông tây tiếp thu vùng đất này thì xoá bỏ vụ này khiến mấy ông mỹ nổi điên. Cách tốt nhất là mua đứt luôn phần đất này.


Nếu nhìn bản đồ dạo ấy thì ai cũng hiểu là số phận của Hoa Kỳ mong manh. Ông Jefferson lo sợ nếu Tây mà kiểm soát hải cảng quan trọng nhất New Orleans thì phải trở về với mối tình xưa sau khi ly dị với vua Anh quốc. Để được bảo vệ. Xin nhắc lại thời đó chưa có xe lửa nên bao nhiêu hàng hóa đều được chuyên chở bằng tàu trên các con sông. Sau này Hoa Kỳ mở rộng bờ cỏi về phía tây nhờ các đường rầy hoả xa.

Sự hình thành 50 tiểu bang Hoa Kỳ qua năm tháng

Ông Jefferson ra lệnh ông James Monroe ở Pháp tìm đủ mọi cách để mua vùng đất Louisiana. Sau này ông này đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Về mặt quân sự thì pháp không có khả năng gửi quân lính đến vùng này để bảo vệ an ninh, sớm muộn sẽ bị Anh quốc xâm chiếm. Một mặt ông Napoleon cần tiền để chuẩn bị cuộc chinh phạt ở âu châu. Do đó phải bán cho rảnh nợ Đời. 


Ông thần Napoleon đòi 60 triệu quan pháp tương đương 15 triệu đô la thời đó. Hoa Kỳ nợ 7 triệu đô la vào lúc này nên quốc hội phải bỏ phiếu mượn tiền của các ngân hàng Anh quốc và Hoà Lan để mua. Cho thấy chủ nghĩa tư bản không bao giờ nghĩ đến hận thù. Anh quốc mới mất trắng một phần đất của đế quốc tại Bắc Mỹ, nay lại cho vay tiền bọn phản quốc mua đất của người Pháp, kẻ thù của họ. Khoản nợ này phải trả trong vòng 15 năm.


Khi Hoa Kỳ và Pháp quốc ký giấy tờ buôn bán mảnh đất Louisiana thì không biết biên giới của vùng này ra sao vì chưa có ai đến đó đo đạt trắc địa. Người ta hỏi ông Talleyrand, là biên giới của vùng đất này tới đâu, ngoại trưởng khét tiếng mà mình bị ông tây ca tụng, nói hoài. Được cho là ngoại trưởng thông minh nhất xứ tây cùng thời với ngoại trưởng đế quốc Áo là ông Metternich. Ai đọc hồi ký của Kissinger đều thấy ông này nhắc đến hai nhân vật ảnh hưởng nhất của ngoại giao do ông ta đưa ra. Ông Talleyrand kêu: không biết, hy vọng các ông sẽ biết sử dụng sau này. Hình như mình có kể về Ông tayllerand tu xuất. 


Vùng này gồm 13 tiểu bang Hoa Kỳ ngày nay. 828,000 dậm vuông. Xem như Hoa Kỳ tăng gấp đôi diện tích của xứ này.

220 năm trước, tổng thống Jefferson yêu cầu quốc hội Hoa Kỳ cho khoản tiền $2,500 để gửi một phái đoàn đi trắc địa vùng đất mới này. Và tìm kiếm có sông hồ nào nối liền ra biển để buôn bán với á châu. Nhờ đó mà sau này, khi họ bắt đầu xây dựng các đường rày xe lửa, giúp Hoa Kỳ phát triển, dân số gia tăng vì người di dân sang đông, đem theo văn hoá và kỹ thuật của xứ họ.


Nếu ông thần Napoléon không điên cuồng bỏ tiền đi đánh nhau, chinh Phạt âu châu. Dùng tiền đó và số người bị giết trong các cuộc chinh phạt, phát triển cách mạng kỹ nghệ thì có lẻ Pháp quốc có lẻ đã giàu sang. 2.4 triệu người pháp chết chưa nói đến bị tàn tật, mất đi biết bao nhiêu sức lao động cho công cuộc phát triển kỹ nghệ, vẫn gây ảnh hưởng đến ngày nay. Vấn đề người ta vẫn hâm mộ các tên đồ tể. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Thành tích biểu ngày xưa

 Tuần này, thấy một ông tự xưng là Thi Đà Lạt, đăng tải những hình ảnh về Đà Lạt khiến mình thất kinh vì thấy một thông tín bạ của một anh chàng học chung khi xưa tại Yersin, nhà có thời ở trong xóm mình trước khi dọn qua đường Phan Đình Phùng, gần ngã ba chùa, cạnh tiệm bán phân của gia đình Nguyễn Đắc Hớn. Anh chàng này có lần liên lạc với mình, nay ở San Diego. Mình có trả lời nhưng không thấy anh chàng liên lạc lại.

Lâu rồi, mình có đọc trang nhà của anh chàng này, hình như là chủ tiệm một tiệm cà phê ở đường Yagut. Anh ta sưu tầm máy móc âm thanh cũ khi xưa. Không ngờ anh ta tìm đâu ra những tài liệu khác về học đường, các trường tại Đà Lạt xưa. Anh ta có tải mấy tấm ảnh đám tang của ông Cửu Quế từ đường HÙng Vương, qua Lê Quý Đôn, đến Phan Đình PHùng tới Mả Thánh. Để hôm nào mình xem lại mấy tấm ảnh này, sẽ kể thêm về đường xá Đà Lạt xưa qua mấy tấm ảnh này. Hỏi thêm thì ông nội anh ta là người cùng làng với ông Võ Quang Tiềm, làng Ngọc Anh. Anh ta có gửi mình tấm ảnh ông Tiềm dự dám tang của ông Cửu Quế. Mình đoán ông ta đi lính khố xanh hay khố đỏ, đánh giặc bên tây thời đệ nhất thế chiến nên được lên chức Cửu nên người ta gọi ông Cửu Quế. Ông ngoại mình khi xưa đi lính khố Xanh lên chức đội Thất nên thiên hạ ở Huế hay gọi là ông Thất Do. Qua Tết, đi chơi rảnh mình xem hình lại tra tự điển mấy chữ Hán để hiểu thêm.

Danh sách giáo sư các môn Toán, Lý Hoá, Vạn Vật và Sử Địa trong tờ quảng cáo của trường Hiếu Học, địa chỉ 10-12 Hai BÀ Trưng.
Giáo sư Anh Văn có thầy Tạ Tất Thắng có dạy mình vài tháng ở Văn Học. Thầy dạy trường Trần Hưng Đạo và hội việt Mỹ.  

Tấm ảnh này khiến mình thất kinh, nhớ lại thời xưa còn bé. Mỗi tối mình đi đón ông cụ học thêm ở trường Hiếu Học này, do thầy Chử Bá Anh làm hiệu trưởng, trước khi dọn trường về số 4 Hoàng Diệu, mang tên Văn Học Đà Lạt. Ông cụ giải ngủ, thi đậu vào làm thư ký của ty Công Chánh Đà Lạt. Ban đêm ông cụ đi học thêm để đậu trùng tu bằng tiểu học, được vào ngạch, có thêm lương nuôi con. Sau này, có con mình cũng bắt chước ông cụ đi học trùng tu về đầu tư địa ốc suốt mấy chục năm.
Hình này cho thấy mấy cuốn vở của của Hồ Thanh Hỷ, học với mình tại Yersin, hàng xóm khi xưa. Nhớ dạo đó các cuốn vở được bao bởi các tờ giấy dầu màu này. Đầu năm là ra các tiệm sách ở Khu Hoà Bình, mua một cuộn tròn giấy này, rồi về nhà đo khổ xong thì lấy dao rọc từng miếng rồi bọc mấy cuốn vở, rồi dán étiquette, viết tên mình và lớp. Anh chàng này học 5 ème M3, với Nguyễn ĐÌnh Tài còn mình học M2. Vỡ được bọc giấy và dán cái étiquette bằng keo. Xem mấy tấm ảnh này bao nhiêu kỷ niệm một thời kéo về. Để hôm nào đi chơi với vợ, rảnh mình kể.
Thẻ học sinh của một cô học sinh Yersin, lớn hơn mình 2 tuổi, chắc học trên lớp vài năm. Mình đoán là chị ta học trên mình hai lớp vì niên khoá 62-63, mình học 11 ème, ngồi cạnh con trai ông Tôn Thất Đính, rồi đảo chánh ông Diệm thì tên này chạy mất đất. Vì ông bố bị đổi đi đâu. Nhìn tấm ảnh này mới nhớ khi xưa mình cũng có thẻ này, không biết để làm gì, chắc để mượn sách ở thư viện của trường. Vì ra đường, đâu ai hỏi giấy tờ như sau này lên trung học.
Mới nhận được điện thoại của cô này. Hoá ra học chung lớp ở Yersin khi xưa. Không đề dấu tiếng Việt nên ngọng. Cô ta yêu cầu xoá mấy tấm ảnh có tên ông bà cụ nên mình đã xoá. 6 năm nay không gặp mặt. Cô này nhớ Hồ Thanh Hỷ vì cả hai đi dạy chung Sư Phạm sau 75.
Học bạ ở Petit Lycee của ông nào có tên tây, chắc tên thánh hơn mình chắc cũng 2 năm vì năm này mình học 10 ème. Ông này là anh cô trên, nay ở Pháp. Tiến sĩ. Mình có kỷ niệm khá vui. Ông cụ mình ở BAn Mê Thuột nên thường là chú Hành, con ông bà KHoa hàng xóm ký học bạ màu này cho mình thế bà cụ. Có lần mình bị xuống hạng nên tự ký luôn khiến bà đầm kêu bà cụ lên trường vì dám ký tên thế bố mẹ. Họ kêu còn tái phạm thì sẽ bị đuổi học chi đó.

Cô Cúc, con của ông bà kHoa, hàng xóm , chị của Chú Hành mà mình có kể vụ ông tây ngủ lại nhà cô ta đêm Giáng Sinh, đậu xe 2CV ngay sân, mình tháo cục gạch chấn bánh xe khiến xe lao xuống hố. Một hôm qua nhà mình, thấy mình đang làm thủ công bài tập. Cô ta buồn đời, lục cặp mình kêu xem mày học hành ra sao. Bổng nhiên mình thấy cô ta rú lên tiếng như bị điện giật., mặt cô ta xanh như đít nhái, ú ớ nói không ra lời. Từ từ mình khám phá ra trong ngăn nhỏ mà mình ít khi mở có mấy con chuột con đỏ hom. Hoá ra chuột chui vào cặp của mình để sinh con. Từ đó mình nổi tiếng nuôi chuột trong xóm. 

Có lần mình ra sau nhà, thấy cô ta ngồi tè khác với mình khi tè, phải đứng hay mấy chú trong xóm như chú Hành, chú Khanh hay anh BÌnh, anh đầu của mấy người này. Anh Bình, tên thật là Lê Minh Sớm, theo Việt Cộng, bị bắt đưa đi Côn Đảo một thời gian, sau về đổi tên khác, dạy mấy đức con nít trong xóm nên trong xóm cứ kêu anh Bình, có con trai đầu là Đắc, nhỏ hơn mình một tuổi nhưng mình cứ gọi anh BÌnh, hay chém gió với mình về đá banh. Sau này anh ta đi lính kiểng, sáng đi chiều về. Sau 75 thì cũng làm dân 30 nhưng rồi không đi đến đâu. Mình về lần đầu tiên, đi viếng nghĩa trang, có thắp hương mộ anh ta, cạnh mộ em gái mình trên Du Sinh.
Cái này thông tín bạ màu khác ở Grand Lycee, nói chung là Chán Mớ Đời về số điểm hàng tháng. Của ông nào tên Nguyễn Văn Huy, trên mình 4 lớp. Vì 67-68 mình mình lên 6 ème. Năm Mậu Thân nhớ đời. Nghe cô em kể là đang ở Pháp, học ra tiến sĩ.
Mình có học với bà đầm Cavalier này và thầy Tường, dạy Việt văn. Xem hình thấy có nhiều người trông quen quen, học trên mình 2 lớp. Nhớ cuối năm, bà đầm ngồi bắt chí trên đầu mình. Lý do là thầy Tường kêu Có CHí Thì Nên, do đó mình nuôi chí để nên người. Hôm trước, có mấy người học Yersin dưới mình một lớp đến nhà đón giao thừa Tây, có nói đi thăm thầy Tường ở bên BỈ, Bruxelles. Ai mà xinh gái nhất là cô có thẻ học sinh ở trên. Lúc này cô ta học trên mình ít ra một lớp. Hình này do bố cô bé xinh xinh chụp cho trường.

Học tiểu học mà có thẻ học sinh. Mình không nhớ có vụ này. Chị này còn bé mà ở nội trú, gốc Nha Trang.

Thẻ học sinh, đoán là chị này ở nội trú vì thấy địa chỉ là 7 Logement Lycee Yersin. Phía sau mấy lớp học của trường Petit Lycee. Chị ta học 6ème classique, thuộc loại giỏi pháp văn mới được vào đây vì học tiếng la-tinh đủ trò. Hình như có ông thầy Hai, dạy La tinh hay pháp văn chi đó.
Thẻ học sinh để giảm giá vé xe lửa, gia đình trú quán tại Nhà Trang. Còn nhỏ mà phải xa gia đình, ở nội trú. Vậy là chị này có đi xe lửa răng cưa, Đà Lạt-Phan Rang, rồi Nha Trang. Còn sống xin liên lạc để mình hỏi vụ xe lửa răng cưa lịch sử của thế giới.
Cô này cho biết là ở Đà Lạt từ bé. Hóa ra học chung với mình khi xưa, có gặp mặt mấy lần tại Nam cali.
Học bạ trường Văn Học. Mình có hai cái năm đệ nhị B và đệ nhất B. Ông này học dưới lớp, cũng có thể khai trụt tuổi vì sinh năm 1957 nhưng học trễ.
Quảng cáo trường Văn Học chắc để học luyện thi tú tài, môn Toán Lý Hoá, có tên thầy Phạm Kế Viêm
Quảng cáo về hai lớp ban C thi tú tài.
Niên khóa 69-70. Lối vẽ này rất thịnh hành vào thời đó. Quảng cáo hai trường Văn Học 1 và Văn Học 2. Sau này Văn Học 2 được đổi thành Văn Khoa ở gần CHi Lăng.
Thẻ học sinh của trường Việt Anh, có chữ ký của thầy hiệu trưởng Lê Phỉ
Quảng cáo luyện thi tú tài năm 75 nhưng đứt gánh
Trường Trần Hưng Đạo lại gọi Thành Tích Biểu. Hiệu trưởng thầy Phùng Văn Hưởng, có dạy mình một năm, môn Vạn Vật tại Văn Học.
Thành Tích Biểu của trường tư thục Trí Đức. 
Thành Tích Biểu của tư thục Lasan Adran. Ông này học dưới mình
Thẻ học sinh trường Trần Quốc Toản thời Bảo Đại. Mình không biết trường này ở đâu, chắc đổi tên khi mình lớn lên. Bác nào biết thì cho em xin để bổ túc.

Chứng chỉ học trình của trường Việt Anh năm 1960 có chữ ký của hiệu trưởng thầy Lê Phỉ, vẫn còn sống tại Đà Lạt. Mình có kể về thầy.
Thiệp mời của trường đại học Đà Lạt 
Thành tích biểu của trường Bùi Thị Xuân, năm 1974-1975 xem như đứt gánh luôn
Phiếu báo danh đi thi đại học Đà Lạt 

Còn nhiều tấm nữa để hôm nào mình rảnh sẽ tải tiếp.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 






Bûche de Noël một thời

 Cứ mỗi lần giáng sinh về là mình nhớ đến cái bûche de Noël, ăn lần đầu tiên tại Đà Lạt. Dạo ấy, ở xóm có bác Duy gái nổi tiếng làm bánh tại Đà Lạt. Thường ngày bác làm bánh bông-lan bỏ mối cho mấy tiệm bánh ở Đà Lạt. Có thằng Vĩnh Vinh con đầu, giỏi lắm, chịu khó phụ mẹ làm bánh. Mình có vào nhà phụ hắn làm bánh bông lan, bỏ lò dầu hôi, khi gần chín hắn bỏ thêm vài hạt nho khô ở trên cho đẹp mắt. Nhà này có 4 trai 2 gái. Vinh hơn mình 1 tuổi, đến Vĩnh Dũng cùng tuổi mình sau đó đến con Hương, thằng Hải, con Hà rồi Vĩnh Hồ. Mình chỉ gặp lại bác Duy trai một lần khi về thăm gia đình lần đầu.


Trước giáng sinh, dân Đà Lạt đến nhà bác Duy, đặt bánh Noel mà dân trường tây gọi là bûche de Noël. Mình thấy bác Duy gái với thằng Vinh làm bánh mà thèm không biết chừng nào được ăn. 2 Bác Duy có hai cô con gái nên cưng lắm, 4 thằng con trai thì không được yêu chuộng lắm theo truyền thống trọng nữ khinh nam. Hình như bác Duy trai có một người con trai riêng, lớn tuổi hơn mình. Quên tên rồi. Có lần ai ở Đà Lạt hỏi mình về anh chàng này. Sinh nhật 2 cô con gái thì gia đình tổ chức ăn mừng lớn, còn 4 tên con trai chả thấy làm gì cả. Mỗi lần sinh nhật hai cô con gái là thấy xe hơi đậu đầy đường Hai Bà Trưng từ chỗ cư xá Địa Dư lên tới dốc Hai BÀ Trưng. Tương tự ngày nay, ở Cali nhà ai có sinh Nhật là xe đậu đầy đường.


Cứ mỗi lần thấy xe đậu là biết có tổ chức sinh Nhật 1 trong hai cô con gái. Tối đó là mấy đứa con trai trong xóm bò lại nhà bà Duy để xem con nhà giàu ăn sinh nhật. Có cả thằng Vĩnh Dũng, anh của hai cô bé ở trong nhà. Hình như hắn thích cô nào, bạn của em gái hắn nhưng không được tham dự, đành bò ra ngoài sân, nhìn vào cửa sổ với mấy đứa con nhà nghèo đi ăn chực. Không nhớ bao nhiêu tên, hình như có thằng Đắc, thằng Hậu ở cùng dãy nhà với mình, thêm KHánh ù nữa. Cả đám đứng nhìn từ ngoài cửa sổ vào xem đám con gái nhà giàu, họp mặt ăn mừng sinh nhật. Lần đầu tiên, sinh nhật mình được tổ chức do một đối tượng 1 thời, từ Boston bay sang Luân Đôn, tốn mình cái vé khứ hồi với British Airways. Từ đó mình sợ sinh nhật lắm. Sau này lấy vợ thì mụ vợ cũng quên sinh nhật của mình. Mình vui vì không phải tốn tiền. Tổ chức mua bánh bú xua là mua thì mình trả tiền chớ không có thằng tây nào trả cả. Sinh nhật tốn tiền chả có gì lợi cả.

Kugelhopf của người đức

Đây đám con nhà giàu trong xóm đã tổ chức từ lúc còn bé. Chúng đem bánh bà Duy làm ra, với mấy cái nến, rồi chung mồm vào thổi rồi vổ tay cho thật đều. Con Hương lấy dao cắt cái bánh từng lát nhỏ rồi lấy chia cho đám bạn. Chúng vừa ăn bánh vừa uống nước cam vàng BGI. Các đám dân nhà giàu lạ lắm, chúng ăn rất từ tốn không như nhà mình, mấy anh em và cơm nhanh hơn Carl Lewis chạy 100 mét ở thế vận hội.

Cả đám đang xem bọn con gái nhà giàu ăn bánh vừa nuốt nước miếng ừng ực thì bổng đâu bà Duy, mở cửa ra lấy chuỗi chà rượt đuổi cả đám như đuổi chó rượng đực. Mình với mấy tên ăn chực bánh ngoài trời, chạy qua bên kia đường chỗ nhà bà Ngần đứng, nhìn vào cửa sổ xa xa tiếc rẻ buổi ăn bánh chưa tròn, chưa đả thèm. Đợi lâu lâu 1 tí thì thằng Hậu chạy qua đường đến cửa sổ xem rồi chạy về báo, chúng ăn hết bánh rồi nên cuộc ăn buche de Noel không nói cũng rả đám từ lúc đó. Mạnh ai về nhà nấy.


Có một năm, bổng nhiên có một người đem cái Buche de Noel đến nhà biếu ông cụ. Chắc ông cụ đã giúp bắt ống nước vào nhà họ nên để cảm ơn, mua cái buche de Noel của bà Duy đem đến biếu. Đi học về, thấy cái bánh để trên bàn, mấy anh em bò lên ghế để hít mùi thơm của bánh, thơm lừng lựng. Phê thật.


Tối đó, bà cụ đi chợ về, cả đám xúm lại mách bà cụ là có bánh ai cho, buche de Noel. Tưởng bà cụ cho ăn liền nhưng không. Bà cụ kêu lấy cái mâm, rửa sạch rồi bỏ cái buche de Noel lên trên, mang lên bàn thờ cúng ông bà. Hôm đó chắc ông bà mình lần đầu tiên được ăn buche de noel. Thấy bà cụ thắp hương rồi khấn vái, mấy anh em cũng dành nhau khấn ông bà có linh thiêng thì bay về ăn bánh mau mau. Có cậu em đột phá tư duy, thổi mấy cây hương đang cháy đỏ rực cho hương mau tàn.


Cuối cùng thì hương tàn, mấy anh em tính nhẩm trong đầu xem mỗi đứa được lát to bao nhiêu. Tất cả đều thất vọng. Bà cụ cắt phân nữa ra, sai một đứa đem đi cất tủ lạnh để mai mốt ăn. Còn phân nữa thì cắt một miếng rồi chia đôi cho hai đứa. Lúc đầu thì cứ lượm mấy miếng bánh bể rớt xung quanh ăn rồi từ từ rức rức thêm bánh để ăn kiểu kiến tha lâu cũng đầy bụng. Ăn xong còn hít hà, lấy cái lưỡi liếm liếm dấu vết chocolate trên đĩa cho sạch. Ngon nhớ đời!



Sang Tây thì ăn thả dàn nhưng không hiểu sao không ngon bằng lần đầu tiên ăn ở Đà Lạt. Nhất là sau 75,  nghe nói Việt Nam đói khổ nên mình cứ thèm phải chi có mấy đứa em ở đây để ăn cái bánh to đùng như ngày xưa. Nay thì nhìn là ớn tới cận cổ.


Bûche de Noël là đặc sản của nước Pháp. Người Pháp kể là khi xưa, thời trung cổ, người nông dân Pháp có tục lệ hàng năm, bỏ vào lò sưởi một thân cây, thường là cây có trái ăn để cháy trong 3 ngày hay 12 ngày tuỳ theo khổ thân củi vào ngày Giáng Sinh. Họ tin rằng nếu củi cháy tốt sẽ đem lại thịnh vượng, sức khoẻ, lúa tốt,…cho năm mới.


Dần dần vào thế kỷ 20, người dân bỏ quê vào Paris để làm việc trong các xưởng sản xuất khởi đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ của Pháp. Dân từ quê dọn đến Paris ở nhưng nhà cửa nhỏ hẹp, không có lò sưởi to đùng như ở nhà quê, nên có ông thợ làm bánh đột phá tư duy làm cái bánh gâteau, có hình dạng như khúc củi từ đó bûche de Noël ra đời. Nhưng phải đợi đến sau thế chiến thứ 2, mới được phổ thông hoá khắp xứ pháp vì có thể mua cho dịp lễ.

Trước khi mấy đứa em vượt biển sang Pháp, mỗi năm mình đi La MÃ Ý Đại Lợi để ăn giáng sinh với bạn bè bên Ý Đại Lợi thì không thể thiếu món Panettone, không thấy buche de Noel 

Bûche de Noël là món mà người Pháp ăn để chấm dứt buổi tiệc giáng sinh trong gia đình như mừng cầu mong năm tới mùa màn được thuận hoà. Bûche de Noël chỉ thấy ở các xứ nói pháp ngữ như pháp hay khi mình viếng thăm Liege, Bỉ, vùng nói tiếng pháp thì thấy còn khi đi Hoà Lan, Đức quốc, thì họ ăn kugelopf, người Ý Đại Lợi họ ăn Panettone vào lễ giáng sinh.


Tây sang Việt Nam đô hộ nên họ truyền món bûche de Noël khiến các người theo tây học bắt chước ăn mấy món này vào lễ giáng sinh. Nay ở Cali, không lẻ vào mùa giáng sinh phải chạy đi mua bûche de Noël, Panettone, Kugelhopf để ăn trong khi vợ con chả hiểu gì cả, chỉ thích chè 3 màu. Ăn một mình là ói bánh ra.

Buche de Noel do nhà thiết kế Philippe Starck vẽ cho tiệm bánh danh tiếng Le Nôtre

Có lần mình đọc tin tức bên tây thì thấy có nhà thiết kế Philippe Starck nổi tiếng với tiệm cà phê Costes. Được tiệm bánh Le Nôtre danh tiếng mướn để thiết kế buche de Noel. Nghe nói năm đó tiệm bánh danh tiếng này bán bánh lên đến 94 triệu Euro nên chơi sang mời ông Starck thiết kế buche de Noel và từ đó người Pháp mời các kiến trúc sư, nhà thiết kế đủ trò để vẽ buche de Noel. Nghe nói một cái bánh ở tiệm Le Nôtre bán giá đâu 90 Euro. Nếu mình thiết kế thì chắc sẽ làm cái đòn bánh tét, mang tên Bánh Tét de Noel. Thôi thà làm rong rêu trên biển còn hơn ăn cái bánh 90 Euro. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn