Năm 12 B mình học môn Luận Lý với thầy Nguyễn Minh Diễm và môn Đạo Đức với thầy Nguyễn Quang Tuyến. Tóm tắc là chả nhớ gì cả ngoài “Philo cái sophos” của thầy Tuyến và câu “đàn bà nói có là không , nói đi là ở, lấy chồng đi tu” của thầy Diễm, làm Cẩm nang ra đời. Sau này nhận thấy không đúng.
Mò mò đọc sách ông khôi nguyên về vật lý Quang Tử, giáo sư Feynmann, có một giai thoại nói về ông Plato khiến mình tò mò đi tìm đọc về ông này. Ông ta đơn cử câu chuyện về một học giả người Hy Lạp, dạy ngữ văn Hy Lạp cổ điển mà ngày nay, chính học sinh xứ này, ít người chịu học tử ngữ này.
Hình ông Plato, không biết hoạ sĩ nào tưởng tượng hay. Văn minh nhân loại được dựng lên theo truyền thuyết, những mẫu chuyện, thêu dệt từ đời này sang đời sau.
Khi vị học giả được mời dạy môn này ở một nước khác ở Âu Châu thì khám phá nhiều sinh viên, ngay cả học sinh trung học đều thích học môn này. Có lần, trong kỳ thi tốt nghiệp, ông ta hỏi một sinh viên " Socrates nghĩ gì về sự liên hệ giữa Cái Đẹp và Sự Thật?" thì sinh viên này ú ớ, mặt như ngỗng ị. Ông ta hỏi lại " Socrates nói gì với Plato trong Symposium thứ 3?" thì sinh viên này trả lời bằng tiếng Hy Lạp cổ, thao thao bất tuyệt những gì Socrates đã nói với Plato. Third Symposium là tóm tắc những gì Socrates nói về sự liên hệ giữa sự thật và cái đẹp.
Câu chuyện trên khiến mình suy nghĩ lại những gì mình học có thật sự là chút gì kiến thức hay chỉ là đọc như vẹt khiến mình Chán Mớ Đời. Mình hay lầm lẫn ông Plato và Socrates. Sau này mới nhớ là Socrates là người khai sáng cho ông Plato, thời Hy-Lạp, người ta không gọi là thầy mà gọi là “mentor”, một người đỡ đầu, hướng dẫn.
Có anh bạn làm luận án ở MIT, kể khi làm luận án, anh ta gặp khó khăn vì quen đợi ông thầy hướng dẫn chỉ, chỉ nghiên cứu thêm phần nào ông thầy đề nghị,… cuối cùng ông thầy hướng dẫn giải thích trên con đường nghiên cứu khoa học, tôi là người hướng dẫn nhưng không biết gì hết về chủ đề anh đang nghiên cứu. Chúng ta đều như nhau, anh phải tự tìm tòi, tôi chỉ có thể giúp thêm ý vì đã trải qua kinh nghiệm này. Anh bạn thì quen với văn hoá Việt, xem trọng người thầy tỏng khi ông thầy hướng dẫn chỉ xem là người khái sáng, cho nên không ai nói Socrates là thầy của Plato.
Có ông thầy võ ở Việt Nam sang mỹ chơi, có chỉ một anh bạn vài thế võ của môn phái của ông ta, sau đó ông cứ tuyên bố là thầy của anh này. Nếu mình không lầm, nếu ai muốn học phải đem đồ cúng, lễ vật đến nhà thầy, để xin làm môn đệ. Đây chỉ trong bàn nhậu, hứng lên chỉ vài thế là tự nhận mình là thầy. Chán Mớ Đời
Ông Plato được xem là một trong những trụ cột căn bản của nền triết lý tây phương, các nhà triết học tây phương sau này, sử dụng các tư duy của ông để bàn rộng ra hơn về chính trị, đạo đức, luân lý,… có những điểm khá thú vị như:
Phải tự thắng chính mình: ông cho rằng chiến thắng đầu tiên và lớn nhất của chúng ta là tự thắng mình, không để giác quan và ước muốn của mình điều hành các hành động của chúng ta. Nếu chúng ta không tự kềm chế, đam mê và đòi hỏi sẽ làm chúng ta mù loà. Tuần rồi, báo chí đăng tin ông tài tử nào tên Franco đền 2.5 triệu đô la cho mấy cô gái ngủ với ông ta. Ông ta giàu thì cứ trả tiền cho khoẻ đời, đây laị muốn chơi của chùa nên bị tố. Xong om.
Chúng ta có thể lấy quyết định vô lý, gây nguy hại cho tương lai của chúng ta. Điển hình chúng ta biết hút thuốc, uống rượu là có hại nhưng khổng thể kềm hãm sự thèm muốn nên cứ tiếp tục hút thuốc lá hay uống rượu,.. mình nhớ cảnh anh bạn học cũ, đến nhà chơi với cô con gái. Anh ta lén ra sau nhà hút thuốc, cô con gái 10 tuổi đi theo năn nỉ bố đừng hút thuốc nhưng bố thèm quá nên chịu dù miệng nói thương con. Chán Mớ Đời
Ông Plato cho biết không nên giận dữ, phải kềm chế xúc cảm của mình. Nên sử dụng tư duy để giải quyết thay vì để cảm tính định đoạt tiếng nói hay hành động của chúng ta. Cái này khó nhưng lấy vợ một thời gian sau chúng ta quen bị vợ càu nhàu cửi nhửi nên cũng qua. Vợ dạy ta nên người theo Plato.
Ông Plato khuyên nên tìm bạn mà chơi vì họ như đất, nuôi sống cây cỏ. Nếu gặp loại đất xấu thì mình không thể nào lớn mạnh cả. Ai đó nói là chúng ta là sự quân bình của 5 người bạn thân nhất của chúng ta. Từ ngày lấy vợ mình không tìm thêm bạn nữa. Bạn khi xưa thì chạy đâu mất, không còn sự đồng cảm, tư duy. Mỗi người lao vào con đường mình chọn để đi chung với người bạn đời. Có đồng chí gái làm tri kỷ cũng thoải mái rồi.
Khi xưa, người lớn hay nói sang nhờ vợ, giàu nhờ bạn. Muốn giàu thì phải có những người bạn giúp chúng ta đi lên. Khi chúng ta làm $50,000/ năm thì bạn và thân hữu cũng xà bậy làm lương bổng độ $50,000. Do đó muốn làm $100,000 thì phải quen với những người làm $100,000 vì họ đọc sách, xem đài truyền hình, chơi với bạn khác. Tương tự người làm $500,000 năm khác với người làm 1, 2 triệu một năm. Nếu chúng ta chơi với người làm $50,000 /năm thì phải thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bạn bè với lợi tức như mình, mới có khả năng gia nhập vào nhóm làm lương cao hơn.
Mình nhớ khi xưa, muốn đi học đầu tư về nhà cửa, mình hỏi một anh bạn thân lúc đó. Anh ta kêu mày mới sang mỹ, không biết gì, tụi nó dụ khị mày đó. Mình tính bỏ việc đi học này nhưng có tiếng gọi nào trong đầu, cứ kêu mình đóng tiền đi học dù không có tiền, phải dùng thẻ tín dụng rồi trả từ từ. Ngày nay, anh bạn xưa, kỹ sư về già, bị sa thải, kiếm việc không được, đi bán xe hơi từ hơn 15 năm nay. Lâu lâu cần mua xe cho con thì mình gọi anh ta.
Đây là hình ảnh của con người trước đây, sau bị thần Zeus chém làm đôi nên từ đó chúng ta phải nhọc ông đi tìm người bạn đời. Không phải thì ra toà ly dị, kiếm người khác. Chán Mớ Đời Có lời khuyên của ông Plato khá đúng là tìm người bạn đời. Ông ta đưa ra huyền thoại của Hermaphroditus và Salmacis, hai vị thần xác nhập vào nhau thành một nhân vật bất tử, được sử dụng trong văn hoá tây phương từ lâu. Trong Symposium của ông ta, người ta thấy nói về những nhân vật tròn với hai nhân vật dính với nhau. Có 3 loại: đàn - đàn ông đến từ mặt trời, đàn bà-đàn bà đến từ trái đất và đàn ông - đàn bà đến từ mặt trăng.
Cặp cuối cùng được gọi là “androgynous couple” sau này họ muốn làm thượng đế nhưng thất bại nên bị thần Zeus chém làm hai. Thần Apollo sửa chửa lại và để cái lỗ rốn làm bằng chứng để sau này không phạm lỗi nữa. Thời xưa ở Hy Lạp, người ta xem đồng tính luyến ái rất bình thường, vì khi bị chém làm hai thì cặp trai trai mò đi kiếm nhau lại, cặp trai gái tương tự, tìm nữa yêu thương của mình. Chỉ có không thấy họ nói đến các bà đồng tính, lesbian.
Thuyết này được sử dụng trong ngành thần học của nhà thờ thiên chúa giáo qua ông thánh John của Damascus và John Scotus Eriugena nói đến nên khi mình nghe họ kể về ông Adam và bà Eva thì như bò đội nón. Có lẻ họ sử dụng câu chuyện này gần đây từ sau cách mạng 14-7-1789 tại Pháp? Hôm nào rảnh mình kể dài hơn vì đây đang nói đến ông Plato, lại chạy loạng quạng đi đâu.
Ông khuyên chúng ta phải tham gia chính trị vì nguy cơ bị giới ngu dốt lãnh đạo. Người Việt mình thì hay mở miệng, tự hào , kêu tôi không làm chính trị. Cho dù chọn một bữa ăn, bận cái áo được xem là một hành động chính trị. Ông ta thấy Socrates bị tù, giết bởi đám không ưa những gì ông ta nói nên không muốn bị cai trị bởi đám ngu dốt. Ấn đề là kẻ ngu dốt không biết mình ngu dốt và nếu họ giữ tỏng tay quyền lực thì khó mà truất phế họ.
Mình nghe kể sau 75, cán bộ thường được gọi là cán ngố, ăn nói cực ngu, cực dốt như kem đầy đường, đem phơi khô xuất khẩu. Người cộng sản rất giỏi một điểm là kềm chế cảm xúc của họ, họ cứ trơ tráo nói những câu ngu, nhất là những cán bộ lớn. Kinh
Ông cho rằng Dân Chủ là đối lập với Triết học. Ông đưa thí dụ chiếc tàu. Ông chủ tàu không biết lái, điều khiển tàu, các thuỷ thủ thì biết lái tàu nhưng lại cãi nhau, một người biết lái tàu nhưng không chịu lãnh trách nhiệm lái tàu. Người dân bình thường là chủ tàu nhưng không biết lái tàu, thuỷ thủ như các chính trị gia, cãi nhau mút mùa lệ thuỷ và người biết lái tàu là nhà hiền triết, người có kiến thức, hiểu biết nhất lại không muốn lái tàu.
Vấn đề của nền Dân Chủ là cho chúng ta cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, không cần có kỹ năng và tri thức. Do đó đưa đến vấn đề mị dân, đưa đến những nhà lãnh đạo không giỏi, biết nịnh hót, hứa cuội để được thắng cử. Nghe nói bên Ấn Độ, người dân thường thất học, các ứng cử viên đến cho tiền bảo bỏ phiếu cho họ. Xong om
Ông ta đưa ra 3 giai cấp trong xã hội: Plebs (không biết tiếng Việt), tạm gọi bần cố nông, loại thấp nhất trong xã hội, 2 là giai cấp chiến sĩ để giúp trật tự trong xã hội và cuối cùng là giai cấp thống trị: các nhà hiền triết. Giai cấp bị thống trị, không có quyền nói gì cả, vì không có sự hiểu biết, chỉ có giai cấp thống trị, gồm những người tài Đức, có kiến thức để lãnh đạo đất nước.
Kiến thức thiệt chứ không phải mua bằng tiến sĩ, rồi in danh thiếp đề Ph.D. Trong một chính thể dân chủ, ý kiến của một người ít hiểu biết tương đương với ý kiến của một người hiểu biết rộng, do đó không tốt tương tự chúng ta bán giá đồng hạng chiếc xe Mercedes và xe cùi nhất. Mình lấy thí dụ, mệ ngoại mình không biết chữ, bình dân học vụ mà mệ cũng không thông. Mệ kể khi chợ, phải đi vòng vì không biết chữ, đi bầu, mệ không biết ký tên, chỉ viết chữ thập. Hỏi mệ bầu ai, vì không biết đọc nên chỉ nhớ ông nào đó dụ khi đi tranh cử, là bầu cho tước hiệu “con trâu” là bỏ vào lá phiếu vào thùng.
Trong khi đó, một ông bác sĩ, hiểu biết về đường lối, có chương trình nâng cao dân trí, kinh tế biết đọc thu thập kiến thức, bầu cho một ứng cử viên mà ông ta ưa chuộng chương trình hoạt động. Vấn đề là ít người hiểu biết như ông bác sĩ, nên ông ứng cử viên “con trâu cày” được những người như mệ ngoại mình, không biết đọc để hiểu thêm về đường lối, chương trình khi đắc cử, bị mua chuộc hay nói hay, đầu phiếu.
Do đó Dân CHủ theo mình là con dao hai lưỡi, có lẻ nên hạn chế người có quyền đi bầu. Các tay tài phiệt, cho tiền các ứng cử viên,…phải bị cấm được bầu.
Do đó người hiểu biết khổng tham gia chính trị, lãnh đạo sẽ để cho những thành phần xấu của xã hội lợi dựng chức năng để cầm quyền. Ông cho biết người hiểu biết có sứ mạng phải tham gia chính quyền, chính trị, để giúp đỡ cộng đồng thay vì ngồi bên lề.
Phụ nữ tại Hoa Kỳ chỉ được quyền bầu đâu từ 102 năm nay. Từ thời lập quốc Hoa Kỳ, nền dân chủ này được dựa theo một nền Cộng Hoà. Trước đây ngay cả đàn ông mỹ cũng chưa đủ điều kiện để đi bầu. Ông Jefferson, người viết hiến pháp Hoa Kỳ đã nghiên cứu rất kỷ về ông Plato, không muốn cử tri bị mua chuộc. Có lẻ khi xưa, họ xem phụ nữ ít được đi học nên không hiểu biết nên không có quyền bầu phiếu. Nếu những phụ nữ có học mà cứ ngồi ở nhà, không lao vào làm chính trị thì ngày nay, phụ nữ không có quyền đi bầu. Đó là chứng minh của ông Plato.
Điển hình là cuộc bầu cử vừa qua, ứng cử viên kêu sẽ làm cái này, cái kia để tạo ra công ăn việc làm. Dân bị thất nghiệp,…nghe hay nên đầu phiếu. Sau đó thì kẻ đắc cử quên mất tiêu. Họ không dám nói là chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ thông tin sẽ thay thế chúng ta. Muốn có công ăn việc làm chúng ta cần thay đổi tư duy, học ngành nào mà máy móc không làm được. Ngay bác sĩ nay cũng phải khám qua máy điện toán. Mình thấy cứ đến mùa bầu cử, mấy tên ứng cử viên gốc Mễ, mỹ trắng bò lại Phước Lộc Thọ, tuyên bố vớ vẩn, chống Hà Nội đủ trò để hốt phiếu. Sau đó đọc tin tức Hà Nội lobby mấy tên này.
Ông đề cập đến chúng ta cần phải là học trò giỏi trước khi thành một người thầy giỏi. Ai mà không phải một người thợ giỏi thì sẽ không bao giờ trở thành một chủ nhân giỏi. Lãnh đạo dựa vào kinh nghiệm làm việc từ lâu.
Thỏa mãn ít sẽ mang lại cho ta hạnh phúc. Người giàu có chạy làm tiền nhưng rồi không tìm được hạnh phúc. Chúng ta cần mang ơn những gì đã có, không nên vô ơn với những người đã cưu mang mình. Không nên ganh ghét những người giàu có vì chưa chắc họ đã hạnh phúc, nợ nần, con cái hút xì ke,…
Có một nghiên cứu của đại học Harvard từ 80 năm nay và còn tiếp tục. Họ lựa chọn 250 sinh viên năm thứ 2 và 600 người cùng tuổi ở Boston để theo dõi. Câu hỏi đầu tiên 80 năm về tước là cái gì mang lại hạnh phúc. Đa số trả lời làm giàu, tổng thống Hoa Kỳ (trong số này có ông JFK), triệu Phú, bác sĩ, lấy vợ đẹp bú xua là mua. Sau 80 năm chỉ còn lại đâu 40 người, họ hỏi lại câu hỏi đầu tiên. Không ai nói là triệu Phú, giàu có cả. Họ chỉ nói đến liên hệ gia đình, con cái bà thân hữu. Cuộc thử nghiệm này vẫn tiếp tục với con cái của họ, để xem có sự thay đổi hay không ở thế hệ sau.
Hôm qua, vợ chồng mình được mời đến ăn cơm trưa tại một nhà một người bạn mới quen. Họ về hưu, dọn về miền nam Cali. Trong bữa ăn thân mật, cả đám nói về đủ thứ, chia sẻ kinh nghiệm,… đó là hạnh phúc thật sự. Về già chỉ cần có một số bạn hữu, có thể chia sẻ tâm tư là vui. Cặp vợ chồng này muốn đi Thổ Nhĩ Kỳ với tụi này còn một cặp khác thì muốn leo đỉnh Machu Pichu với mình sang năm.
Chúng ta cần đóng góp vào xã hội, càng nhiều càng tốt nhất là không vì tham vọng. Con gái mình kể là người Việt mình cứ thu gom thay vì chia sẻ với thân hữu. Nó thấy bạn mỹ trắng chia sẻ thức ăn dù đắt tiền trong khi nó thì cứ ăn ké, dần dần nó học cách chia sẻ với bạn bè. Đọc trên mạng, họ nói có ông mỹ nào triệu Phú, sau này ông sử dụng tiền của mình để giúp đỡ các việc thiện nguyện ở Việt Nam. Trong cuộc đời khi mình có khả năng cho thì tốt hơn là nhận.
Mình tham gia vài hội đoàn tại Hoa Kỳ thì rất ngạc nhiên sự dấn thân của người Mỹ. Lúc đầu mình nghĩ họ tham gia để có tiếng để trục lợi như hội Lions Quốc tế nhưng sau 20 năm thì mình thấy mấy tên quen trong hội, họ làm việc, giúp đỡ cộng đồng rất nhiều vì tấm lòng của họ. Đi xin, gây quỹ để tặng quà cho những người nghèo để họ có một bữa cơm ngon đầy đủ trong những ngày lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh.
Qua vụ cô-vi năm ngoái, mình nhận thấy người Việt mình ít tham gia, đóng góp vào nước mỹ đã cưu mang chúng ta. Mấy người tham gia thì họ chẳng nề chi hiểm nguy, đi mua vải, may khẩu trang, khẩu điện, áo quần chống dịch để gửi cho các nhà thương, dưỡng lão. Họ tự bỏ tiền ra, rồi bạn bè biết đến thì có quyên chút ít để giúp thêm.
Không biết có phải chiến tranh hay không. Mình nghĩ không vì khi Mậu Thân, mình thấy thiên hạ chạy giặc, đến tá túc ở nhà mình, hay hàng xóm. Có lẻ mình quen nhận viện trợ của người Mỹ, Liên Xô , Trung Cộng nên cứ đứng đó đợi thiên hạ cho, rồi lại lấy nhiều để chứng tỏ mình khôn lanh, hơn thiên hạ trong khi nhưng người đến trễ lại không có. Chán Mớ Đời
Nguyễn Hoàng Sơn