Hùm Xám, chàng trai xứ Hoa Anh Đào

 Có lần trong cuộc điện đàm, mình có hỏi anh Phong, sao không viết hồi ký. Anh ta trả lời, anh không thấy cuộc đời anh có gì đặc biệt cả. Thêm nữa anh đã mất quê hương, không còn gì nữa. Câu trả lời cho thấy một người từng được quân đội Việt Nam Cộng Hoà trao tặng 50 huy chương, và quân đội mỹ trao tặng 3 huy chương gồm một American Silver, và 2 American Bronze , cho rằng cuộc đời anh ta chả có gì đặc biệt. Rất khiêm tốn như những người con trai sinh trưởng tại Đàlạt.

Ông cụ mình đi lính mười mấy năm chỉ nhận được một huy chương khi đánh trận Đồng Xoài, y tá, lao ra giữ làn mưa đạn để băng bó cho đồng đội. Chắc sau 75, nhà đem quăng cái huy chương ấy. Khi xưa, treo trong phòng ngủ của ông cụ.

Mình đọc khá nhiều hồi ký của người Việt tỵ nạn cộng sản. Thấy họ tô điểm khá nhiều về họ, cứ tưởng như nếu họ được làm tổng thống miền nam thì chắc đã đánh bại cộng sản từ lâu. Ông cụ mình bị tù 15 năm cộng sản, không đá động gì cả đến những năm tháng tù đày, như con thú bị thương, cố gắng tìm nơi vắng vẻ để trị vết thương lòng. Mình có thâu âm vài chuyện ông cụ kể khi tù để sau này em út có muốn nghe lại.

Mình được nhiều người cho biết anh Phong vẫn được đồng đội ngưỡng mộ, khi anh về thăm Việt Nam, anh đi tìm đồng đội cũ. Họ nhắn tin cho mình, cho điện thoại của anh để mình liên lạc. Anh cho biết là ông Cornett , nay già yếu, muốn viếng thăm Việt Nam, những nơi ông ta từng đi hành quân nên rủ anh Phong về, đi chung. Anh về có đi tìm đồng đội. Có nhiều cấp chỉ huy của đại đội trinh sát 302 khi xưa đi tù Việt Cộng không tới 3 năm nên không được Hoa Kỳ nhận theo chương trình H.O.

Mấy người tù H.O., nhìn lại họ hy sinh đời bố để củng cố đời con. Ở tù Việt Cộng trên 3 năm thì được xét hồ sơ di dân, con cháu họ có một tương lai sáng sủa hơn tại Việt Nam vì chế độ lý lịch. Mình xem chương trình “bạn muốn hẹn hò” của truyền hình Việt Nam, thấy nhiều người nói là đậu đại học nhưng lại chạy xe ôm, Grab, có người kể đói quá phải đi sang Nhật Bản lao động mấy năm, kiếm cái vốn về Việt Nam mở cơ sở làm ăn,… bao nhiêu nhân tài đi chạy xe ôm tương tự sau 75, các kỹ sư, tiến sĩ đi đạp xích lô. Chán Mớ Đời 

Có lần mình được người quen giới thiệu một ông cán bộ, nghe kể ông ta đem sang Hoa Kỳ được mấy triệu đôla với cô vợ bé do con gái đi du học, lấy chồng ở lại, bảo lãnh sang. Ông ta hãnh diện kêu ông ta là di dân, không phải tỵ nạn. Ông làm đầu tàu để giúp các cán bộ khác tại Việt Nam, hạ cánh an toàn tại Hoa Kỳ mà khi xưa họ hô hào đánh cho ngụy nhào mỹ cút. Nay sang đây lãnh tiền già, medicare cho mỹ chết luôn.

Có ông thần nào kêu mình thần tượng hoá thiếu tá Lê Xuân Phong. Mình chưa bao giờ gặp mặt anh ta tại Đàlạt cũng như tại Hoa Kỳ, chỉ có điện đàm qua điện thoại. Trước khi tải lên mạng, mình đểu gửi cho anh ta để xem có những gì mình hiểu sai hay ghi sai để anh sửa. Mình chỉ biết anh ta qua những bài báo của người Mỹ viết về anh ta, rồi ghi lại thôi. Khả tín hơn vì người Mỹ khi xưa, không tôn trọng người lính Việt Nam nhiều.

Hình minh họa về các toán nhảy với quân khuyển. Thấy có bốn người Mỹ  như anh Phong kể. Theo anh Phong thì nếu 4 người Mỹ này có thể điều khiển con chó nhưng nếu họ tử trận hết thì nhóm binh sĩ còn lại, có lệnh trước khi lên đường là bắn chết con chó.

Thông thường người Mỹ tham chiến tại Việt Nam, xem thường cấp chỉ huy Việt Nam, ngoại trừ vài người. Họ viết nào là tham nhũng đủ trò. Mấy tài liệu do người Mỹ viết về anh Phong thì mình cảm nhận họ rất nể phục anh Phong. Họ kêu trên danh nghĩa, họ là cố vấn cho anh nhưng trên thực tế thì anh ta dạy họ rất nhiều khi ra trận. Biệt danh “grey tiger” (cọp xám) là do họ đặt cho anh.

Thay vì đáp trực thăng xuống địa điểm khi nhảy toán, nhanh chóng. Anh ta kêu sẽ làm động rừng, mất tư thế bất ngờ nên bắt họ cuốc bộ cả tuần lễ trong rừng, đến đúng địa điểm trên bản đồ, không sai một tí, nhất là sẽ đụng độ với bộ đội lúc nào nên đã chuẩn bị.

Như vụ ông Nguyễn Văn Cư, lực lượng đặc biệt, kể khi nhảy toán. Trực thăng đáp xuống ngay hố bom B52. Việt Cộng biết phi công thích mấy địa điểm này vì dễ đáp, không có cây cối nên họ cho người phục kích, ngụy trang nên khi trực thăng đáp xuống là bị bắn tơi bời hoa lá, ông ta sống sót, chạy trốn một mình trong rừng 21 ngày trước khi được cấp chỉ huy bốc về căn cứ.

Trong cuốn sách của ông Al Cornett , tình báo Mỹ, kể về 10 năm phục vụ tại Việt Nam. Có chương ông ta nói về đại đội trinh sát 302. Ông cho biết các giới chỉ huy của tỉnh, tham nhũng ngâm tiền lương của binh sĩ, anh phải thân chinh đi đòi để binh sĩ nhận lương, ai thiếu anh còn cho mượn.

Có nhiều chi tiết hơi sai nên anh Phong có giải thích lại cho mình. Có lẻ ông Cornett viết rồi nhà xuất bản sửa lại, thêm mắm thêm muối để thu hút đọc giả Hoa Kỳ nên bựa thêm vài chi tiết ly kỳ hấp dẫn nên mình đã đính chính trong những bài sau đó. Như vụ đại đội 302 chiếm lại Đàlạt trong vụ Mậu Thân. Trên thực tế, anh chỉ được đổi về Đàlạt năm 1969, có tham gia đánh lấy lại Giáo Hoàng Học Viện nhưng sau Mậu Thân, khi Việt Cộng tấn công lần thứ 3 thì phải. Trận này có chết mấy người lính 302 vì toà thánh Vatican, yêu cầu không được tấn công sợ các linh mục bị giết nên khi rút ra thì bị Việt Cộng bắn sẻ.

Vụ cấp chỉ huy ăn chận tiền lương của lính thì mình có biết. Mình có gặp bên tây, một anh chàng kêu, thiếu uý địa phương quân Đàlạt, lo vụ trả lương cho lính. Có lần anh ta ôm luôn tiền lương của cả đại đội, dọt qua Miên, rồi mua giấy tờ dọt qua pháp làm bồi cho nhà hàng, lấy bà đầm nào. Bố mẹ của ông thiếu uý này, quen thân với bà cụ mình nên không đưa tên. Mình có gặp ông ta hai lần tại nhà cậu Miên, con ông bà Võ Quang Tiềm.

Có ông ở cạnh nhà mình, lo vụ trả lương cho công chức, ôm tiền bỏ trốn luôn, khiến thiên hạ ngẩn ngơ, lãnh tiền không được, vợ con đói. Lạ là chính phủ không đòi lại nhà vẫn để vợ con ông ta ở nhà chính phủ. Có thể ông ta ôm tiền chạy theo Việt Cộng vô bưng. Mình có gặp lại con gái ông ta nhưng không dám hỏi. Chán Mớ Đời 

Nạn lính kiểng, ghi tên đi lính tại Đàlạt rồi để cấp chỉ huy lấy tiền lương của mình để họ nhắm mắt, cho họ về nhà làm ăn. Hay ông đại uý nào quỵt tiền của bà cụ mình. Ông ta hay bán gạo lấy của lính cho mẹ mình. Có lần ông ta thua bài, nói đưa tiền trước rồi sẽ cho lính chở ra. Sau không thấy bà cụ mình kiện ra toà, ông chỉ huy của ông đại uý kêu hắn thua bài rồi xí xoá dùm. Khi lính thấy cấp chỉ huy như vậy thì ai dám sống chết với họ khi ra trận. Những người như vậy sẽ giúp Việt Cộng nằm vùng tuyên truyền người dân theo họ.

Anh có kể đại đội phó của đại đội trinh sát 302, có ông tên Gõ thì phải, rất được binh sĩ yêu mến. Còn anh thì hay đánh tụi nó nên không được thương như ông đại đội phó. Sau 45 năm, mình vẫn nhận được tin nhắn của đồng đội của anh ta nhắc đến anh ta với sự nể phục. Có người chê bai anh ta, đủ trò nhưng đó là quyền tự do của họ hay dư luận viên.

Trong cuộc đời, có 3 loại người: loại #1, họ thương mình nên chấp nhận, và sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của mình. Loại #2, họ rất ghét mình, mình làm gì họ cũng chỉ trích dù mình có cho họ ăn uống, vẫn chê đồ ăn dỡ, bú xua la mua . Loại #3 thì bàng quan, chả để ý đến mình. Trong các cuộc bầu cử, các ứng cử viên chỉ chú trọng kêu gọi loại #3 để bỏ phiếu cho họ.

Mình có đọc một bài báo mỹ, kể họ mời anh nói chuyện về cộng sản cho quân đội Hoa Kỳ.

Mấy người Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam xem thường các binh lính miền nam, ngoại trừ vài người chỉ huy như tướng Đổ Cao Trí, Lê Minh Đảo... nhưng anh Phong được người Mỹ trọng nể đã nói lên sự can trường của người trai Đàlạt chính hiệu, rất khiêm nhường, chỉ làm bổn phận công dân. 

Dạo ở bên Tây, mình có ăn cơm vài lần với tướng Salan , Bigeard,..tại hội quán cựu chiến binh Pháp, ông Bigeard nhớ đến tướng Phạm Văn Phú, nói ông này rất can trường, cũng bị làm tù binh khi quân đội viễn chinh pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ. Bác sĩ Grovin, cũng có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ, cũng ca tụng tướng Phú. Hình như dạo ấy ông là trung uý thì phải. Không nhớ rõ.

Mình để ý những người bạn từ Đàlạt, những ai mà được sinh ra và lớn lên tại Đàlạt đều khiêm nhường.

Mình có đọc các sách báo của Hà Nội về chiến tranh Việt Nam như “nổi buồn chiến tranh” Bảo NInh , Nguyễn HUy Thiệp, Dương Thu Hương, Vương Trí Nhàn, Lê Hải,.. ông Bảo NInh kể là đại đội hay tiểu đoàn chết gần hết còn lại vài mạng. Có người nghe lén đài Sàigòn, kêu sao họ làm nhạc quá hay,… (còn tiếp)

Phản hồi

Cái thời bao cấp… lúc đó nơi tôi ở là vùng kinh tế mới của tp Đa lạt …!dãi nắng dầm mưa cày cấy. Những buổi lao động để quên đi mệt nhoc là những câu chuyện phím những câu chuyện ngôn tình chuyện tếu lâm chuyện thời cuộc  … trong đó các chú các anh và các bà phu nhân của những người lính 204.  302 hay hoài niệm lại những ngày tháng trong quân ngũ trước 1975. Họ đã kể rất nhiều về những trận chiến những luc hành quân những luc về sinh hoạt đời thường nhưng ấn tượng nhất của các vị ấy là người chỉ huy của họ: Thiếu tá Phong. Họ kể về anh với một lòng kính trọng. Có người còn nói như một vị ân nhân. Một chỉ huy rất yêu thương thuọc cấp của mình. Kg những vậy mà còn quan tâm đến cuộc sống và hoàn cảnh của từng người nữa ..ngày nào ra đồng luc nghĩ giải lao hầu như lúc nào họ cũng kể về thiếu tá Phong. Câu chuyện nối câu chuyện như một sự tiếc núi của một thời.   Lú đó tôi nghe. Nhưng trong lòng cũng thấy ngưỡng mộ một người mà tôi chưa từng quen biết 


Rất cảm ơn Sơn!”khen anh nhiều quá!sợ thiên hạ ghét!!cuộc sống của anh hiện giờ không màng đến thế sự.. đến thế thái nhân tình nữa!! chỉ mong sao tâm được bình yên, thanh thản vài năm nữa cho hết kiếp này!!


Nguyễn Hoàng Sơn