Hùm Xám và không tặc Đàlạt

 Hôm nay ở vườn nóng đến 100 độ F nên phải kiểm xem nước tưới cho ngày mai ra sao. Mới về tới nhà thì ông HÙm Xám Đàlạt gọi, kêu có thằng nào nó còm trên tài khoản phây búc của em, kể là hắn đi uống bia với anh ở Sàigòn. Anh đâu có uống rượu được đâu. Nếu uống rượu vào là tim anh nó đập như nhảy ra khỏi ngực. Lạ đời!

Anh Phong cho biết anh ta không uống rượu được, cũng không hút thuốc lá luôn. Thiên hạ không biết anh, cứ kêu anh ta nhậu quên trời quên đất. Chán Mớ Đời 

Mình nói có nhiều người lạ lắm, đọc bài em kể về Đàlạt, như vụ trực thăng rơi ở hồ Xuân Hương, ngay Thuỷ Tạ. Có anh chàng tự xưng là học sinh Trần Hưng Đạo, có mặt ngay lúc đó, đang uống cà phê tùm lùm với mấy nữ sinh Bùi Thị Xuân hay khi trực thăng mỹ rớt ngay dốc Lê Đại Hành, anh ta cũng có mặt, thấy người chết.

Chiếc trực thăng Mỹ chở đội trinh sát 302 đi hành quân về Đà Lạt, rồi bay lượn làm le với mấy cô gái ở khách sạn Mộng Đẹp, bị trúng dây điện hay cây rớt ngày 18 tháng 2 năm 1970, góc Lê Đại Hành và cà phê Hạnh Tâm. Theo báo cáo của quân đội Mỹ điều tra, không có ai chết, chỉ có bị thương. Có một thừoi khách sạn Mộng Đẹp cho lính Mỹ mướn thấy họ rào dây kẽm gai đủ trò.

Anh Phong nói là trực thăng mỹ rơi ở dốc LÊ Đại Hành là chiếc trực thăng chở tụi anh đi hành quân về, anh có xe Jeep đến chở về căn cứ nên không ngồi trên đó nữa. Mấy thằng mỹ lượn qua khách sạn MỘng Đẹp để chào mấy cô gái điếm ở đó nên vướng dây điện hay gì đó, rơi, xuống. Mỗi lần nhảy toán đều có cố vấn tình báo của Hoa Kỳ đi theo như ông Al Cornett. Chỉ có bị thương. Mình có đọc tài liệu trên trang nhà của AC92 của cựu quân nhân mỹ, có nguyên tài liệu điều tra về vụ rơi máy bay này, không ai chết cả. 

Người Việt mình thì thích thêm muối mắm vô cho vui. Tự kêu mình là nhân chứng. Đàlạt nhỏ bé, không có gì làm nên thiên hạ hay ăn đặc sản Quảng Trị nên nổ bậy bạ.

Bãi đậu trực thăng cạnh Thuỷ Tạ Đàlạt nơi trung tá Nghĩa bị đánh cắp trực thăng khi vào chợ Đàlạt mua hoa cho bồ nhí. Ông Nghĩa này bị tù vì để mất cắp trực thăng, sau 75, nghe nói cũng bị đi cải tạo.

Anh Phong kể là năm 1967, 1968, anh đóng ở Phú Sơn với nhóm Dân Sự Chiến Đấu, đa số là người Thượng. Theo mình hiểu là Dân Sự Chiến Đấu là tiền thân của lực lượng đặc biệt. Đâu năm 1967, làng Tà Hine gần cầu Đại Ninh. Cô em mình có thời đi dạy ở đây khi Việt Cộng vô rồi trốn vượt biển luôn. Anh ta kể có vài Nghĩa Quân và người Thượng giữ làng nên khi Việt Cộng đánh chiếm cái làng. Họ biết quân mình sẽ vô giải vây, chiếm lại nên họ để ít người ở lại làng rồi ra ngoài nằm phục kích.

Vùng Phú Sơn, nơi trung uý Lê Xuân Phong đóng trước khi về Đàlạt vào năm 1969. Mình co hỏi sao lại thích đi Lực Lượng Đặc Biệt? Anh ta cho biết thời còn trẻ vùng 3 biên giới là nơi thu hút các chiến binh Việt Nam Cộng Hoà.

Quân mình vào, đâu 1 trung đội thì bị phục kích, đánh tơi bời hoa lá, có 2 sĩ quan mỹ và 2 lính mỹ tử trận. Có một đại đội mỹ của Airborne 101, lên đóng quân ở ngoài. Hỏi có bao nhiêu quân địch, không ai biết nên họ cứ cắm trại ở ngoài, không vào giải cứu. Có em tướng Đổ Cao Trí, là Đổ Cao Luận, lực lượng đặc biệt, cũng bị mất tích trong vụ hành quân này với nhóm người Mỹ.

Ông Đổ Cao Trí đang làm đại sứ ở Đài Loan hay đâu, bay về liền. Vào phòng họp, tướng Đổ Cao Trí hỏi bao nhiêu quân địch, không ai trả lời được. Ông tướng chửi thề, không biết bao nhiêu quân địch mà lại dám đi vào để bị phục kích. Ông tướng nghe em bị mất tích lại nóng, quăng ba toong đủ trò. Mấy ông thám báo, an ninh quân đội lớ ngớ, bị chửi đủ trò. Ông tướng Trí sau này bị giết khi trực thăng nổ trên trời. Có giả thuyết là các tướng miền nam tham nhũng buôn lậu giết ông ta. Nghe kể ông ta đánh giặc rất giỏi. Một trong những chiến tướng của Việt Nam Cộng Hoà.

Dạo ông cụ mình bị đổi lên Ban Mê Thuột, mẹ mình có nhờ ông Đổ Cao Lụa, bố của tướng Đổ Cao Trí, hay đến nhà ông hàng xóm nhà mình, bạn thân ở miền Nam, nhậu mỗi ngày. Ông này nói nhỏ với tướng Đổ Cao Trí nên ông ta can thiệp để bố mình được đổi về Đàlạt lại. Khi nghe tin tướng Đổ Cao Trí bị rơi máy bay thì bố mẹ mình buồn lắm, có thắp hương cho ông ta. Mình có vào đến cái cổng nhà của ông tướng này, ở ngay Bờ Hồ, phía sau là trường Yersin. Tên hàng xóm, có người bà con làm gác dan cho ông tướng này nên hay kêu mình chở lại đây để hắn nói chuyện chi đó. Có căn nhà ở trên đồi nhìn xuống hồ Xuân Hương đẹp không chê.

Nghe nói khi tướng Đổ Cao Trí bị rớt máy bay, bà Thiệu và bà Khiêm không dám xây nhà ở cạnh bờ hồ nữa. Hai bà có chiếm hay mua đất ngay cạnh nhà tướng Đổ Cao Trí. Ông thầy địa lý nào từ Hongkong bay qua, kêu long mạch không tốt chi đó. Xây nhà là chết như ông Trí. Hình như khúc này, chưa thấy xây cất nhiều, chắc cán bộ lớn nào chiếm đất ở đây sợ long mạch không tốt. Chán Mớ Đời 

Làng Tà Hine, nơi cô em mình có thời đi dạy ở đây trước khi vượt biển. Thấy làng Tu Tra, nơi một anh bạn học cũ và một cô hàng xóm đã sống đây 5 năm để dạy các em người CHu Ru.

Cuối cùng anh Phong đưa ý kiến, xin cho toán anh ta vào trinh sát, coi tình hình ra sao, khiến mọi người mừng, như đã giúp họ thoát cơn thịnh nộ của tướng Trí. Lúc toán anh vào mấy ngày sau bị phục kích thì Việt Cộng đã rút đi hết rồi. Nguyên trung đội bị phục kích chết gần hết. Việt Cộng lột áo quần của mấy người Mỹ, bỏ xác họ trên chuồng heo. Thấy gà không dám ăn vì chúng ăn dòi của các tử thi.

Tìm được xác em của ông Đổ Cao Trí, bị Việt Cộng chặt cánh tay để lấy cái lắc vàng. Nhờ vụ này mà sau này họ đưa anh về Đàlạt, với đội trinh sát 302. Anh nói thường anh đi nhảy toán 5 người. Thấy địch thì theo dõi, báo cáo rồi chuồng trong khi tụi mỹ thì chúng đánh liền, kêu phi cơ đến thả bom. Lính mình đâu có súng đạn, hoả lực như lính mỹ. Đánh giặc kiểu nhà nghèo. Đọc tài liệu của mỹ, thì quân họ đóng đồn, họ cho trực thăng đem đồ ăn nóng đến các tiền đồn.

Trinh Sát 302, 5 người cải trang Việt Cộng, đeo Ak 47, chuẩn bị rời trực thăng, nhảy vào mật khu, đi trinh sát xem Việt Cộng đóng quân ở đâu. Có dịp mình sẽ hỏi anh Phong về trang bị của trực thăng. Thấy lạ so với trực thăng thường thấy. Phi công là người Mỹ.

Anh nói có lần bắt được một cô gái Việt Cộng, lấy cung thì cô nàng nói biết mấy chỗ để súng của Việt Cộng nên họ kêu toán anh đi với cô Việt Cộng. Tụi mỹ đi hôm đó lại đem theo quân khuyển. Vấn đề là con chó cứ lâu lâu nằm xuống khiến lính mỹ mít gì nhảy qua trái, nhảy qua phải để chuẩn bị địch quân xuất hiện như trong xi-nê. Phải đợi 15 phút xem động tĩnh mới đi lại, làm vậy hoài khiến anh sợ, nói với cố vấn mỹ là nếu cứ nhảy qua nhảy lại dễ bị trúng mìn của Việt Cộng, cài hai bên đường mòn. Lúc ngồi nghỉ ngơi thì con chó bò lại ngửi cái phao câu của cô gái anh hùng tải đạn Việt Cộng. Chán Mớ Đời 

Được biết là quân khuyển khi đi hành quân thì có 4 tên mỹ đi theo, có thể điều khiển nó. Trong trường hợp 4 tên lính mỹ tử trận thì có quy lệnh ông HÙm Xám hay các toán viên phải bắn chết con chó vì không điều khiển được con chó. Con chó có lon là trung sĩ thì phải. Kinh

Mình có hỏi vụ trực thăng rớt ở Thuỷ Tạ, nghe dân Đà Lạt kháo nhau là mấy anh phi công chào người yêu, bay lượn lượn trên Thuỷ Tạ, đụng cột cờ rớt xuống hồ, lính Mỹ lên Đà Lạt, trục trực thăng lên. Anh nói không biết, ngược lại vụ Việt Cộng đánh cắp máy bay trực thăng của trung tá Nghĩa ở Thuỷ Tạ thì anh cho biết là xạo. Ngày nay gọi là Fake News. Mình có kể vụ này khi xưa, có một tên phi công trực thăng, được huấn luyện bên mỹ về nhưng người ta sưu tra, nghi ngờ vì có thân nhân theo Việt Cộng. Mình đọc báo Hà Nội thì được biết.

Ông thần này kể lên Đàlạt để trốn, một hôm ra Thuỷ Tạ thì thấy chiếc máy bay trực thăng đậu lại không khoá nên đánh cắp, bay vô rừng U Minh, bú xua la mua. Sợ hết xăng nên phải đáp xuống, ngụy trang máy bay,… báo Việt Cộng kể là phải tháo máy bay để chở về bắc cho chuyên gia Liên Xô sang nghiên cứu. Hình ảnh thì không thấy rõ lắm, nhất là máy bay trực thăng bị bắn hạ tại chiến trường rất nhiều. Cần gì phải tháo gở đem về bắc. Nhất là các tài liệu, người Mỹ họ cho đăng trên báo chí đầy. Đọc báo Việt Nam thấy ông thần này, nay làm du lịch ở Sàigòn. Không được đãi ngộ lắm.

Anh Phong kể là nghe vụ đó thì anh hỏi mấy người Mỹ, cố vấn an ninh, nhảy toán để tìm lại chiếc máy bay nhưng mấy cố vấn mỹ như Al Cornett kêu mất thì giờ vì chiếc trực thăng đó đang đậu ở Cam Ranh.

Lý do là dạo đó, thời buổi kiệm ước, khủng hoảng dầu lửa mà mình đã kể rồi, mỹ viện trợ rất ít cho Việt Nam Cộng Hoà vì giá dầu lửa lên gấp 3 lần. Lính bị thương, không đủ xăng để bay đi tải thương, ông trung tá Nghĩa này lại lấy máy bay lên Đàlạt, ra chợ mua hoa tặng thăm bồ nhí như ông Kỳ khi xưa, nghe kể lái máy bay lên Đàlạt, bay sát may bay của bà Mai, để tiễn em về xứ lạnh, không còn gì lâu hơn 24 giờ xa cách. Tụi nó tức nên lấy, bay về căn cứ Cam Ranh để làm gương cho các ông tá khác. Trung tá Nghĩa bị đi tù, sau 75 lại bị Việt Cộng cho ra bắc, lại ở tù chung trại với anh Phong. Chán Mớ Đời 

Đàn ông càng dính tới đàn bà thì càng chết thôi, tan đời binh nghiệp. Thời nay thì tan gia bại sản. Vấn đề là sống thiếu đàn bà thì thà đừng sống. Chán Mớ Đời 

Nghĩ lại thì cũng đúng vì trực thăng muốn đề nổ thì phải có chìa khoá, chớ đâu phải thấy cửa không đóng là có thể mở rồi leo lên rồi mở máy, bay đi. Trung tá bay máy bay, chớ đâu phải binh nhì, nên chắc cũng biết phải khoá cửa đàng hoàng. Nhân vụ này, Việt Cộng tuyên truyền như ngọn đuốc cách mạng Lê Văn Tám. Nghe ông phi công này sau 75 làm về du lịch, không khá lắm vì nếu là anh hùng nhân dân thực thụ thì kinh tế chắc khá hơn. Mình có đọc báo Việt Cộng kể về ông này. Hay ông 7 nào lấy dây thừng cột trực thăng lại không cho bay đi. Kinh. Điệp viên của Hà Nội, Phạm Xuân Ẩn, sau 75, không được Hà Nội ưu đãi nhưng cũng được Hà Nội thăng chức thiếu tướng, cho cái biệt thự to đùng để ở.

Có người gửi cho mình một bài đăng trên hội quán Phi Dũng kể rõ hơn về vụ này. Xem link

https://hoiquanphidung.com/echo/index.php/vnaf/item/507-v-chi-c-uh-1-b-danh-c-p-t-i-dha-l-t-nam-1973-h-duy-hung-la-ai-thien-an

Có hai vụ không tặc dính dáng đến người Đàlạt. Có ông trung uý Tân, năm 1972 muốn ra ứng cử dân biểu tại Đà Nẵng nên xin phép quân đội về Đà Nẵng lo tổ chức ứng cử nhưng dân Đà Nẵng không bầu cho ông ta. Theo mình hiểu là bầu cử ở địa phương khác với Sàigòn. Sàigòn thì họ cho các người đối lập ra tranh cử và thắng vì có các quan sát viên quốc tế, trong khi ở các tỉnh nhỏ thì chính quyền có nhúng tay vào để giữ phiếu thuận cho các ứng cử của đảng viên của Đảng Dân Chủ của ông Thiệu. 

Ông cụ mình làm công chức nên khi có bầu cử thì có nhiệm vụ kiểm phiếu tại các nơi bỏ phiếu. Ông cụ kể là khi xe nhà binh đến lấy thùng phiếu thì họ tráo thùng phiếu khá nhiều, có sẵn trên xe.

Buồn tình vì thất cử trong chuyến phi cơ bay lên Đàlạt, ông thần không tặc, bắt phi công lái ra bắc để xin làm bộ đội, canh lăng Bác cho Bác ngủ. Phi cơ được lệnh giả vờ bay ra bắc nhưng cứ bay lên Đàlạt, và tìm cách khống chế tên không tặc, trung uý Tân. Ông này nhìn ra cửa sổ phi cơ thấy hai cái ống nước to đùng của đập Đa Nhim, nên cho nổ tung máy bay, cả phi đoàn và hành khách đều tử nạn. Có ông nào, có vợ đi chuyến đó, lãnh tiền tử được 200,000, kiếm cô bồ nhí khác. Xong om.

Anh kể thêm có một tên nằm vùng, làm cho hãng cưa ở Đàlạt. Vào năm 1974, hắn hỏi một lính 302, đổi cho hắn trái mìn claymore để đi bắt cá. Mình nghe kể lính hay quăng lựu đạn để bắt cá. Sức ép của tiếng nổ làm cá chết, bò lên mặt nước. Ông thần lính 302 hỏi một ông đại uý 302, xin dấu tên. Ông này thì thích nhậu nên nghe nói đổi mìn để lấy chai rượu gì đó là ok. Lấy mìn đưa để lấy rượu uống.

Tên nằm vùng lên máy bay từ Liên Khương để bay đi Huế và làm không tặc như ông sinh viên Nguyễn Thái Bình, đi du học về hứng chí kêu bay ra bắc. Ngày mai là ngày giỗ của ông Nguyễn Thái Bình, bị bắn khi muốn không tặc, kêu phi công bay ra Hà Nội, năm 1972, ngày 2 tháng 7. Không quân Việt Nam Cộng Hoà, chỉ thị cho phi công bay ra Phú Bài, rồi kêu phi trường Phú Bài, treo cờ Việt Cộng lên để khi đáp xuống tên không tặc tưởng là đã đến quê hương Uncle Lake. Xui cái là tên không tặc là gốc HUế, trên máy bay, hắn nhìn xuống thấy Sông Hương, thay vì sông Hồng nên cho nổ trái mìn, chết một vài người và phi hành đoàn nhưng phi cơ chỉ hư hao thôi.

Ông đại uý bị bắt và cảnh sát biết ngay là trái mìn từ đâu đến, chắc là có người len lỏi vào trong đại đội, báo cáo. Có thể họ tìm thấy mảnh mìn rồi ráp lại, biết đại đội nào được cung cấp quả mìn. May là ông Tôn Thất Đính là chú, xin cho tại ngoại hầu tra rồi 30 tháng 4 đến nên đi tù vài tháng rồi về, nhờ ông bố và người em theo Hà Nội. Kể sau

Bài báo nói về vụ sinh viên Nguyễn Thái Bình , được học bổng của USAID đến học tại Hoa Kỳ, phản chiến, bắt con tin trên máy bay, bị bắn chết. Thật ra các người nhận học bổng của USAID, có nhiều người được nhóm phản chiến Hoa Kỳ lựa chọn để đem sang Hoa Kỳ, tuyên truyền cho phong trào phản chiến của mỹ như ông Ngô Vĩnh Long, con trai của bà Ngô BÁ Thành được ông mỹ, quên tên, sau này làm chủ tịch đảng Dân Chủ thời bà Clinton ra ứng cử, chọn cho sang mỹ.

Ông Ngô Vĩnh Long có thời làm giáo sư đại học ở Harvard, thời sinh viên phản chiến, có ra tờ báo, có tên là Thời-Báo Gà, cơ quan ngôn luận chính của giới người Việt phản chiến tại Hoa Kỳ. Sau này mình có đọc bài của ông ta thì ông có vẻ mất lập trường cách mạng. Không nhất trí với lập trường của Hà Nội. Hình như mới qua đời.

Ông đại uý đổi mìn lấy rượu, có bố là phó chủ tịch thượng viện Việt Nam Cộng Hoà, có người em du học bên Pháp về, nhưng lại việt kiều yêu nước, theo đảng cộng sản tây nên sau 75 chỉ đi tù có mấy tháng rồi về, ông bố không đi tù. Có tin tức về nằm vùng cấp cao, có dân biểu Đàlạt từng làm thị trưởng Đàlạt cũng có viết bài gửi báo đăng về thành tích của mình trước 1975.

Cộng sản nằm vùng…

Ông Nguyễn Bá Cẩn có đưa ra vụ việc hai dân biểu thân CS, Hoàng Hồ và Nguyễn Thế Trúc bỏ trốn ra ngoại quốc khi mạng lưới tình báo của Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ bị phá vỡ.

Dân biểu Trần Ngọc Châu là cựu Trung tá Quân đội, bị bắt vào tháng 2/1970 vì tội liên lạc với anh của ông là một gián điệp cộng sản với bằng chứng được quay phim, nên Hạ viện truất bỏ đặc quyền miễn tố của dân biểu Châu với 102/135 phiếu thuận. 

Nhưng sau đó Tối cao Pháp viện xem xét và tuyên bố vì Hạ viện chỉ bỏ phiếu kín mà không mang ra Quốc Hội tranh luận công khai nên việc truất bỏ đặc quyền miễn tố của Hạ viện là không hợp hiến.

Dân biểu Đinh Văn Đệ là cựu Đại tá Quân đội, bị tình báo VNCH phát hiện là khi làm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng đã chuyển giao nhiều tài liệu tối mật cho cộng sản. 

Ngoài ông Nguyễn văn Dậu nói bên trên, còn có ông Nguyễn Công Hoan thuộc đơn vị Phú Yên cũng nằm vùng cho cộng sản nhiều người biết nhưng không có bằng chứng. 

Sau 30/4/1975 ông Hoan lại được chính quyền mới cho ra tranh cử Quốc Hội nhưng sau ông vượt biên sang Mỹ tị nạn.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn