Showing posts with label Hướng nghiệp. Show all posts
Showing posts with label Hướng nghiệp. Show all posts

Thiếu niên Hoa Kỳ tự tử gia tăng


Hôm nay, xem một tài liệu về thiếu niên Mỹ tự tử gia tăng. Cứ 13 phút là có một nam thiếu niên tự kết liễu cuộc đời của mình. Buồn đời mình tìm hiểu thêm thì thất kinh. Xã hội chúng ta chuyển động thay đổi nhanh chóng vô hình trung chúng ta không nhận ra điều đó. Đó là hệ luỵ của nữ quyền ngày nay.


Thế kỷ 20 cho ta thấy sự thay đổi, đúng hơn là một cuộc cách mạng toàn diện vô tiền khoáng hậu. Người phụ nữ tự giải phóng kinh tế, không phụ thuộc vào người đàn ông như xưa. Phụ nữ được xã hội và luật pháp Hoa Kỳ che chở, cho phép được bầu phiếu từ 100 năm nay. Được đi học lên đại học. Có bằng cấp nên họ có thể tự chủ, độc lập về tài Chánh, thoát khỏi sự lệ thuộc vào người chồng như các thế hệ đi trước. Khi xưa, ở Việt Nam, hay trong bất cứ một xã hội nào, tỷ lệ phụ nữ thường cao hơn đàn ông nên nhiều người phụ nữ phải chịu làm lẻ chồng người ta để có mụn con, về già có con cháu nuôi. Chỉ đến thời đệ nhất cộng hoà, mới có luật cấm đa thê. Nay thì mình đoán là không có vụ này, ngoại trừ về điều kiện tài Chánh. Nhiều em chân dài làm Bồ nhí cho đại gia còn hơn lấy chồng thất nghiệp.


Có anh bạn kể, ở New York, anh ta quen vài cô gốc Hà Nội. Họ lấy chồng Mỹ già, được bảo lãnh sang Mỹ. Rồi họ ly dị, hay mấy ông già, đổi Bồ nhí với nhau. Đến nhà mấy cô chơi, thấy họ bận áo quần rất thoáng khiến anh ta chới với.

Từ ngàn năm qua, trong chế độ phụ hệ, con trai lớn lên được nuôi và huấn luyện trở thành một người đàn ông với tinh thần bao bọc người phụ nữ nhất là tại Việt Nam, với tinh thần nhất nam viết hữu thập nữ viết vô. Nói theo văn hoá việt là chồng chúa vợ tôi. Tại phương Tây theo tinh thần người kỵ sĩ, gentlemen này nọ. Lâu ngày, tinh thần này có thể nằm trong DNA của đàn ông, nhưng ngày nay với nữ quyền tuyệt đối, người con trai lớn lên bị khủng hoảng tinh thần. Không biết xử sự ra sao đối với phái nữ.


Mình nhớ lần đầu tiên qua Hoa Kỳ, lên xe buýt đi, đang ngồi thì thấy một bà Mỹ bước lên thì tự động như ở pháp, mình đứng dậy nhường chỗ cho bà ta thì bị bà ta chửi cho một tăng, kêu mình là misogynist này nọ nên từ đó hết dám làm galant. Năm ngoái, mình đi UZbekistan, lần đầu tiên lên xe điện ngầm của họ, thì bổng nhiên thấy mấy người hành khách trẻ đang ngồi đứng lên, nhường chỗ cho mình mới khiến mình trở về 40-50 năm trước đây khi mới sang pháp.


Trong những thành công của nữ quyền là phụ nữ được đi học như đàn ông con trai vì xưa kia, con gái có thể được đi học vài năm để biết đọc rồi ở nhà với mẹ học nấu ăn, trồng rau cải ngoài vườn. Đợi một ngày đẹp trơi, một hòang tử như trong truyện cổ tích, đến đánh thức cô bé ngủ trong rừng. Và sinh con, đẻ cái hạnh phúc suốt cuộc đời.


Trước nhất nên nói về sự khác biệt giữa con trai và con gái tại học đường. Khoa học gia cho rằng; não bộ con trai chậm phát triển hơn não bộ con gái. Mình nhớ đi học tiểu học, mấy cô trong lớp viết luận văn như gió, đọc bài pháp ngữ như a na mít, trả bài về thi ca rất hay. Mình thì đánh vần từng chữ. C’est le cái mâm! Lên trung học cũng vậy, thấy họ rất giỏi về văn chương, thuộc truyện Kiều, thơ của Lamartine, Racine, Alfred de Musset, Baudelaire,… thậm chí mấy thơ tình yêu trong khi mình đọc tới câu đầu tiên là ngọng chả hiểu gì. Như khi học về Apollinaire bài gì “sous le Pont Mirabeau coule la Seine et nos amours..” được cái là sau này qua Paris, đi chơi với mấy cô đầm, mình hay xổ câu này.


 Chỉ khi đậu B.E.P.C. Xong, sang học ban toán thì mình ít thấy mấy cô rồi lên lớp 12 thì độc nhất có một cô rớt năm ngoái nên ở lại cho vui lớp. Từ bé mình chỉ thấy đa số mấy cô học giỏi hơn con trai, đúng hơn là giỏi hơn mình. Mình thuộc loại ngu lâu dốt bền vững đến nay, vẫn bị đồng chí gái chửi là ngu. Đồng chí gái hay than chồng người ta thì thông minh này nọ, còn Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen.

Khi xưa, các trường học nội trú, thường chỉ dành riêng cho con trai hay con gái nên con trai dù não bộ chậm nhưng học chung với con trai nên vẫn phát triển bình thường. Ngày nay trai gái học chung, con gái với não bộ phát triển sớm hơn con trai, bắt buộc trội hơn con trai trong lớp. Được cái là ngày xưa, thầy giáo nhiều, còn ngày nay thì thầy giáo ít nhất là về môn anh ngữ mà đa số học sinh nam tại Hoa Kỳ hơi bị chậm hơn các nữ sinh. Tại Phần lan, lương giáo sư rất cao nên thường các thầy giáo rất giỏi được đào tạo rất chuẩn mực về ngành và tâm lý học để giảng dạy.

Trước hết chúng ta nên nhắc lại là 50% các cuộc hôn nhân tại Hoa Kỳ đều có kết cuộc là ra toà ly dị. Luật pháp bảo vệ phụ nữ nên đa số con cái được mẹ nuôi và người cha mất quyền thăm viếng con cái nếu bà vợ đắp mộ cuộc tình mà vẫn hận kẻ nội thù, tìm mọi cách để con cái không gặp người cha. Cha mẹ ly dị sẽ gây ảnh hưởng tâm lý cho con cái. Con gái thì đỡ hơn vì sống với mẹ nên bớt lo, ngược lại con trai lớn lên, thiếu vắng bóng người cha, không có ai nương tựa, như một người mẫu để bước theo bước chân.


Mình nhớ ở New York, có nhóm Mỹ lai, sang Hoa Kỳ không có ai nương tựa nên hay gặp cảnh Giang hồ. Có một nhóm trẻ ở New York, tìm cách giúp đỡ họ, diều dắt họ học hành, chỉ làm bài tập để hy vọng họ có một tương lại tươi sáng hơn.


Hệ thống giáo dục Hoa Kỳ ở cấp trung học thiếu vắng nam giáo sư. Ở nhà, con trai đã thiếu hình bóng người cha thì tại học đường, nam giáo sư sẽ là người truyền đạt mô hình của người đàn ông, người cha. Vì lẻ nào đó, ít đàn ông theo nghiệp làm thầy giáo, có thể lương bổng thấp. Rất khó cho các nam sinh học tập tốt ở trường nếu vắng các nam giáo sư, những mẩu người đàn ông cho chúng nương theo. Mình nhớ khi xưa đi học, mấy thầy dạy, gây nhiều ảnh hưởng cho mình. Những câu chuyện hay câu nói vẫn theo mình đến ngày nay. Điển hình, có lần một anh bạn học xổ tiếng Tây trong lớp thầy Thạc. Thầy bực mình kêu gặp Tây thì nói tiếng Tây, còn người Việt thì nói tiếng Việt. Chớ gặp Tây nạy không ra một chữ ú ớ, còn gặp người Việt thì cứ xổ tiếng Tây cho biết ta đây biết tiếng Tây. Từ đó đến nay khi mình gặp người Việt thì mình nói toàn tiếng Việt, còn gặp Tây đầm Mỹ thì mình không sợ thằng Tây nào cả, chả ú ớ ú Á.


Thực trạng ngày nay, con gái bỏ xa con trai tại học đường, và phụ nữ bỏ xa đàn ông trong cuộc sống kinh tế. Mọi người đều đặt mục tiêu để đạt sự bình đẳng của hai giới trong xã hội. Vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, người ta khuyến khích cổ vỏ phụ nữ học lên cao với những chính sách ưu tiên phụ nữ và da màu. Ngày nay thì chúng ta thấy hiện tượng con trai lại bị lép vế, bị bỏ rơi tại học đường.


Ngày nay, người ta nhận xét nữ sinh trung bình về môn anh ngữ thì vượt xa nam sinh một lớp. Xét về thi cử GPA, thì trong số 10% đứng đầu lớp có đến 2/3 là nữ sinh, và nếu chúng nhìn các điểm thấp thì 2/3 là nam sinh. Tương tự tại đại học, phụ nữ có bằng đại học lại nhiều hơn đàn ông. Kinh

Năm 1972, Title IX được ra đời để giúp sự bình đẳng nam nữ về giáo dục. Dạo ấy có sự khác biệt là nam giới có bằng đại học nhiều 13% nữ giới. Ngày nay thì ngược lại nữ giới có bằng đại học 15% nhiều hơn nam giới. https://en.wikipedia.org/wiki/Title_IX


Người ta giải thích vỏ não trước trán là tổng giám đốc của não bộ chúng ta. Đầu óc chúng ta nói là phải làm bài tập cho ngày mai thay vì đi chơi. Não bộ cho biết nếu học khá, đậu tú tài sẽ giúp chúng ta vào đại học, có bằng cấp sẽ giúp tương lai sáng lạn hơn. Vấn đề là não bộ của nam sinh chưa được phát triển nhiều nên ham chơi, phá làng phá xóm. Trong khi não bộ của nữ sinh thường phát triển sớm hơn 1, 2 năm trước nam sinh vì đến tuổi dậy thì sớm hơn nên họ chú tâm học hành hơn là phá làng.


Hệ thống giáo dục Hoa Kỳ được thành lập để trọng thưởng những ai chuyên cần làm bài tập, chăm học để chuẩn bị vào đại học. Mình nhớ khi xưa thích đi đánh bi da hay đá banh, đánh bóng bàn, tập võ hơn là học hành. Đến khi muốn đi du học mới lo học cong đít cà cuống. Cho thấy cấu trúc của hệ thống giáo dục hiện nay không giúp nam sinh, vì thời điểm não bộ phát triển chậm hơn nữ giới. Nhờ sự phát triển của nữ quyền từ 50 năm qua, người ta mới nhận ra sự việc vì nếu xã hội Hoa Kỳ cứ tiếp tục như trước đây thì khó nhận diện sự phát triển chậm của nam giới và bị thụt lùi sau nữ giới.


Các chuyên gia đề nghị nên để con trai đi học chậm hơn 1 năm để khi vào học với nữ sinh kém mình một tuổi thì não bộ phát triển giống nhau. Họ cho biết cần thêm nam giáo viên vì ngày nay theo thống kê thì 24% giáo viên là nam thay vì 33% ở thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Học đường trở thành môi trường của phụ nữ, chiếm lợi thế, chưa kể về nhà ở với mẹ khi bố mẹ ly dị. Dó đó con trai cảm thấy lạc lõng, có thể vì vậy mà ngày nay chúng ta thấy hiện tượng đồng tính rất nhiều. Trẻ em lớn lên với mẫu người mẹ, phụ nữ xung quanh trong khi hình ảnh người cha không có. Nếu có hỏi mẹ kêu chết rồi.


Ra xã hội, đàn ông ngày nay gặp nhiều vấn nạn. Vấn nạn thứ nhất là lương bổng. Đa số đàn ông ngày nay làm ít tiền hơn năm 1979, 8% đàn ông không có công ăn việc làm, xem như 9 triệu người. Trước khi đắc cử tổng thống, ông Obama và Clinton lãnh lương ít hơn vợ. Đàn ông nay làm việc nhiều trong những môi trường thường được xem là hạ cấp. Lý do là con trai không học khá, không học nghề, cứ mơ làm cầu thủ nổi tiếng như mấy triệu người Mỹ mới tìm ra được một Kobe Bryant, thì rất khó tìm việc. Xem như trong vòng 50 năm qua, chúng ta tìm cách nâng cao vai trò phụ nữ trong xã hội vô hình trung không để ý đến phát triển nam giới, khiến họ dần dần mất đi chân đứng trong xã hội.


Chúng ta cứ nghe các chính trị gia kêu gọi bình đẳng lương bổng đủ trò nhưng không ai xét đến sự thụt lùi của nam giới bị ảnh hưởng từ học đường. Đưa đến các vấn nạn của xã hội như sì ke ma tuý, trộm cướp, này nọ. Các nhà tù tại Hoa Kỳ chứa tù nhiều nhất thế giới.

Ngày nay, người ta gọi sự suy thoái của người cha trong xã hội Hoa Kỳ. 25% đàn ông Mỹ không sống với con của họ. Nếu cha mẹ ly dị, 1/3 giới trẻ mất liên lạc với cha chúng. 40% trẻ em ngày nay sinh ra ngoại hôn, đa số trẻ em có cha mẹ ít học được sinh ra không có giấy hôn thú. 


Chúng ta cần phải định nghĩa lại hình ảnh người cha trong một xã hội đã thay đổi. Trong khi đó họ vẫn dạy chúng ta hình ảnh một người cha thành công của các thế kỷ trước. Rất khó cho trẻ em, nam giới bắt chước khi chúng thấy nữ giới tiến xa về mặt tài chính cũng như quyền lực trong xã hội.


Nữ quyền trong 50 năm qua được xem là một trong những cuộc giải phóng lớn nhất của nhân loại trong một thời gian ngắn. Chúng ta đã làm được những gì mà mấy ngàn năm qua, phụ nữ chỉ đóng vai trò sinh con, nấu ăn, nay giúp họ có thể học cao, làm những gì họ yêu thích, ước vọng của họ. 40% gia đình ngày nay, người vợ làm tiền nhiều hơn người chồng, tương tự 40% phụ nữ tại Hoa Kỳ lãnh lương cao hơn đàn ông trong khi đó họ cứ kêu gào bình đẳng lương bổng lợi tức này nọ. 

Họ cho biết 1/3 nam sinh chỉ học xong trung học thì không có việc làm. Xem như 10 triệu người. Rất nhiều nên vấn nạn tội phạm sì ke ma túy mọc lên khắp nơi. 


Vấn đề là con trai trong một gia đình thiếu bóng người cha chịu tổn thất nhiều nhất. Lại học hành không khá rồi ra đời với những thiếu sót về bằng cấp, phải chịu thêm thiệt thòi.


Người ta lý giải lý do con trai ngày nay tự tử nhiều và đàn ông tại Hoa Kỳ cũng vậy, sử dụng thuốc sì ke ma tuý vì cảm thấy mình mất hướng đi trong cuộc đời. Người ta tìm thấy trong lá thư tuyệt mệnh của thiếu niên hay đàn ông viết trước khi qua đời, 2 từ "worthless" và "useless." (Vô giá trị hay vô dụng).


Đề tài này còn nhiều vấn đề, mình phải đi vườn, sẽ kể tiếp nếu các bác thích. Em chỉ viết theo yêu cầu (còn tiếp)


Chồng nuôi vợ như biển hồ lai láng

Vợ nuôi chồng chửi từ sáng đến chiều 


Dó đó đàn ông uống rượu cho quên đời.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hết mùa bơ

 Hết mùa bơ


Cuối tuần rồi, cô cháu và chồng lên vườn hái bơ lần chót. Hai ông Mễ gọi điện thoại kêu hỏi mua bơ. Mình nói hết rồi. Còn một ít để ăn ở nhà. Đợi năm sau. Hơi buồn nhưng cũng phải chuẩn bị các công việc khác để bơ lớn mau như tỉa các nhánh cây khô để có không gian giúp cây lá trái vươn ra ánh sáng. Nhánh khô che hết ánh sáng mặt trời. Mình cũng vừa cưa bớt một số cây lớn.


Có điểm lạ nên kể đây để bác nào hiểu thì giải thích dùm em. Mỗi lần chặt nhánh cây thì phải đợi đến ngày rằm. Theo ông thợ gốc Guatemala cho biết phải đợi trăng rằm chặt thì khí trời giúp cây khỏe mạnh lại. Vì có mấy cây mình chặt ngắn lại không phải lúc trăng tròn thì bị chết. Không hiểu lý do. Ông thợ thì quen làm từ quê nhà nên nói vậy. Mình ngu lâu dốt sớm nên nghe theo. Ai biết vụ này thì giải thích dùm. Mình hỏi một chuyên gia từ Chí Lợi, thì ông ta cho biết tuỳ mình.

Mùa vừa qua, mấy cây mình chặt ngắn trước đây 1, 2 năm cho trái khá to nhưng ít vì năm đầu tiên ra trái. Vườn mình được gầy dựng bởi chủ trước cũng trên 30 năm đến khi mình mua, nay được xem là 40 năm nên cây cối già, to lớn. Nên các chất dinh dưỡng đều dồn để nuôi thân cây, ít trái và trái rất bé.

Mình mua vườn để phân lô, xây nhà bán vì thuộc khu thổ cư nên không cố ý làm vườn. Chỉ muốn giữ vườn bình thường rồi bán. Có nhờ mấy chuyên gia về bơ được mướn mỗi năm 2 lần đến từ Peru để giúp ý kiến, làm sao cho cây cối ra trái.

Lúc đầu mình cũng nghe lời họ khuyên, chặt bớt 1 hay 2 nhánh để có ánh sáng mặt trời nhưng các nhánh mới mọc ra thì vươn lên cao thay vì mọc ngang ra. Lý do là muốn tìm ánh sáng mặt trời nên các nhánh càng ngày càng mọc lên trời. Dẫn đến một vấn nạn là thường niên ở Nam Cali có gió từ sa mạc thổi về, được gọi là gió Santa Ana. Gặp cây cao thì chúng làm lắc qua lắc lại rất mạnh, khiến trái non rụng khá nhiều, nên khi đến mùa hái thì ít trái đúng chất lượng để bán nhất là trái nhỏ và khó hái vì quá cao, phải bắt thang. Mướn thợ đắt hơn. 

Cuối cùng mình thấy thương cái vườn nên không muốn phân lô bán nên bắt đầu nghiên cứu, đi học các lớp và gặp mấy ông già có vườn bơ để học cách học trồng. Phải chịu khó, chặt cây cho ngắn lại, để các nhánh mới ra nên phải mất hai năm không có trái. Do đó mình chia ra từng khu vực để cắt ngắn cây. Khi thân cây bị cưa ngắn độ 1.5 thước thì các nhánh mới mọc ra và lớn ngang thay vì chỉa lên trời như khi mình mới mua. Được cái là trái ra rất to, khách đều thích. Xem như mình làm được 3/5 vườn. Sang năm chặt ngắn thêm số còn lại là xong. Hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.

Mùa này tương đối trái to hơn trước đây. Lý do mình bón phân nhiều hơn. Thường mỗi năm, đại lý mua bơ của mình đến vườn lấy đất và lá mẫu, gửi cho phòng thí nghiệm để xem cần thiếu chất gì. Chủ trước, già nằm bệnh viện, con cháu không chăm sóc nên đất thiếu rất nhiều khoáng chất. Mấy năm nay, không muốn tốn tiền nhiều nên mình chỉ phân bón sơ sơ nhưng cũng giúp đất khá màu mở. Đặc biệt năm nay, mình bón thử nhiều hơn thì mấy trái trên cao thường là rất nhỏ thì năm nay khá to. Mình quyết chí phân bón thêm để xem mùa bơ tới ra sao. Nếu mà ra nhiều là mình học nghề ông Mỹ đúng. Thường mỗi acres, trung bình cho 20,000 cân anh trái bơ nhưng ông ta chơi tới bến đến 30,000 cân anh. Mình chỉ cần 20,000 là đủ vui. Cách đây 5,6 năm mình có đến 15,000 cân anh/ acres, nhưng mấy năm qua ít lại vì cây cao. Nếu được trái to thì mình sẽ bón phân kỹ hơn cho mùa sau.

Trái cho mùa sau, ra nhỏ bằng quả olive. Trong số này có thể sẽ rụng một số nữa. Nên sẽ cố bón phân thêm để thử nghiệm


Mùa này thì mình có 3 người lấy bơ và mật ong vườn để bán. Cô cháu bán cho bạn bè ở Quận Cam, 1 ông Mễ thì bán chợ trời, đến vườn lấy hàng tuần và một ông thợ, lấy về để cho vợ con học cách buôn bán. Anh ta rất vui vì thấy vợ con chịu khó nhất là thích có tiền. Lúc đầu thì vợ con ầm ừ nhưng khi thấy có tiền vào thì hăng hái, lên vườn Tio Sony. Sáng anh ta chở vợ con ra tiệm bán bánh mì. Người Mễ mua bánh mì mỗi sáng nên khi đứng đợi thấy bơ là hốt. Ăn ngon nên họ đặt nhiều khiến mình hái không kịp. Cũng vui, giúp một gia đình có thêm thu nhập. Bác nào muốn lấy bơ của em bán vào năm tới thì liên lạc nhé.

Một ông Mễ bán chợ trời mà từ 2 năm qua, đến vườn mua để bán lại giá gấp mấy lần ở chợ. Thiên hạ gặp mình rên, mình nói ra chợ mua của ông ta giá gấp 5 lần. Mình chỉ sợ mấy người quen đồng chí gái mua bơ . Lý do là không biết tiền đi đâu, không thấy mụ vợ đưa lại tiền, trả tiền nước tưới. Nhiều khi đồng chí gái ngại hỏi tiền của bạn, thậm chí có người nghĩ là mụ vợ phải cúng dưỡng họ trong khi mình tốn tiền tưới nước, bón phân, hái mệt thở. Đời chỉ thích bơ hiệu lá Bồ đề. 

Phải nhờ một anh bạn quen trên mạng. Anh ta về hưu, ở gần vườn nên mỗi tuần ghé lại phụ mình vài ngày, làm các thiết bị dài để hái. Đổi lại anh ta hái bơ và bưởi cho vợ ăn mệt nghỉ.


Trái bị sên ăn nhưng lại ngon thơm nhất
Có điểm lạ, trước đây, các trái bị sên ăn thì bị thiên hạ chê không mua nhưng năm nay thì trái ngược. Có nhiều bà nói với cháu mình là cứ bán cho bà ta hết các trái bơ bị sâu ăn. Đồng giá.
Cắt hai quả bơ này bị sên ăn. Nhận thấy cái vòng màu xanh sau cái vỏ rất dày. Do cây bơ đem lại trái bơ các chất dinh dưỡng antioxidant để Hàn gắn vết thương. Phía trong không có dấu vết gì về vết thương bị sên ăn. Phải công nhận ăn cực ngon.

Khi trái cây không bị xịt thuốc sát trùng như vườn mình thì bị sên hay sóc ăn, trái bơ thường tiết ra các hợp chất hóa học để bảo vệ, giúp hàn gắn lại vết thương như cơ thể chúng ta khi bị đứt tay, trầy da, thì cơ thể sẽ tải về chỗ bị thương các hoá chất nhằm giúp làm lành vết thương. Những hợp chất hóa học có thể tạo ra một mùi hương. Khi ăn lại thấy rất ngon và có mùi vị đậm đà hơn.


Tháng 4 vừa rồi về Đà Lạt, ghé tiệm cà phê của ông Thi ở đường Yagut, thấy có cây bơ nhiều trái nhưng không phải bơ Hass. Mấy loại này vỏ mỏng nên dễ bị dập khi di chuyển nhưng vẫn có rất nhiều dinh dưỡng. Xuống Di Linh thấy họ có trồng bơ nhưng không bán. Lý do là không ai mua. Mình thấy lạ vì trái bơ được xem là quả trái cây có nhiều chất bổ dưỡng, không đường mà tại Hoa Kỳ một trái ở chợ có thể lên đến $3/ trái. Người Nhật Bản nhập cảng từ Cali, bán giá $8 còn ở Việt Nam thì chê đồ có chất dinh dưỡng tốt. Chán Mớ Đời 


Dạo này trời nóng nên phải tưới nhiều hơn bình thường để tránh trái nhỏ bị rụng. Trái đã đậu xong nên cần bón phân và tưới. Tuần này bắt đầu chuẩn bị các cây chống để khi các nhánh đầy trái nặng, sẽ trĩu xuống, cần phải chống nếu không sẽ gãy là xem như bao nhiêu trái nhỏ bay về miền đất lèo luôn. Bây giờ chỉ có vái trời cho thuận buồm xuôi gió vì năm nay trái đậu rất nhiều so với mấy năm trước. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tại sao cấm

 Tại sao Hoa Kỳ lại cấm 



Sau Đệ Nhị Thế Chiến, nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ và các nước thuộc khối tự do, đã phải đối mặt với những thách thức lớn hậu chiến về tái thiết kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh này, chính sách và quan điểm về phá thai đã trải qua những thay đổi quan trọng nhất là tại các quốc gia theo thiên chúa giáo.


Yếu tố quan trọng nhất đã thay đổi đạo Đức Tây phương là phụ nữ được xem là đơn vị lao động kinh tế, đóng góp vào sự tái phát triển của quốc gia. Lý do là khi xưa, phụ nữ được xem là ở nhà, sinh con đẻ cái, phục vụ chồng đi làm ngoài xã hội. Trong thời gian chiến tranh, đàn ông bị đưa ra mặt trận, nên các chính phủ phải tuyển dụng phụ nữ trong nhà máy sản xuất tất cả cho tiền tuyến.

Sau thế chiến, các chính phủ cũng như phụ nữ đã quen ra ngoài đi làm việc nên được khuyến khích tham gia ngoài xã hội làm việc. Một mặt các chính phủ muốn giới hạn sinh sản vì sẽ khiến phụ nữ ở nhà, mất năng suất lao động nên có các chương trình khuyến khích ngừa thai. 

Hồi nhỏ mình thấy mấy bà hàng xóm hay đến nhà nói chuyện với mẹ mình về phương pháp Ogino, đặt vòng xoắn chi đó. Mình hay hóng chuyện người lớn nên thắc mắc hỏi nên bị ăn tát khá nhiều. Sau này mới hiểu mấy bà trong xóm ít con đều được theo chương trình giới hạn sinh đẻ. Ông Ogino này sinh ra thuộc gia đình Nakamura nhưng được gia đình Ogino nhận nuôi. Ông ta kêu phương pháp ngừa thai của ông không chính xác lắm.

Các chính phủ Tây phương cũng như khối Liên Xô khuyến khích ngừa thai và cho phép phá thai vì tất cả cho sự nghiệp sản xuất và thế giới đại đồng. Cả hai khối chạy đua để xem ý thức hệ nào hay hơn trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh.

Hậu quả là ngày nay, thế giới có trên 7 tỷ người nhưng dân số bị lão hoá. Cứ tưởng tượng nếu họ không cho phép phá thai, hay uống thuốc ngừa thai thì dân số thế giới còn gia tăng khủng khiếp. Nhất là chúng ta không có thể có một cuộc sống đầy đủ sung túc hơn thế hệ cha mẹ, ông bà của chúng ta. Theo tiêu chuẩn của dân số học thì mỗi cặp vợ chồng cần sinh ít nhất 2.1 con cái để thay thế mình. Mà nay ở Âu châu chỉ có 1.1 thậm chí 0.8 như ở Đức quốc và Ý Đại Lợi. Bên Trung Cộng với chỉ tiêu trai hay gái chỉ 1 con thì còn ít hơn.

Bà cụ mình sinh ra 4 con trai và 7 cô con gái. Nội mua băng vệ sinh cho 7 cô con gái là đủ nghèo. Mình có kể vụ dân số bị lão hoá sẽ gây vấn nạn trong tương lai vì người trẻ ít, phải đóng thuế nuôi mấy ông bà già sống lâu.

Hôm nay, đọc báo thấy các nhóm chống phá thai đã thành công vì tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn sự cấm phá thai tại Hoa Kỳ.

Tại sao ngày nay, Hoa Kỳ lại cấm phá thai lại? Các biểu ngữ kêu gào bởi các phụ nữ “cơ thể của tôi thuộc về tôi, tôi có quyền làm gì thì làm”,…

Theo mình hiểu, khi xưa, các chính trị gia muốn người Mỹ ít sinh con đẻ cái vì tốn tiền, họ cần phụ nữ làm việc để buôn bán các sản phẩm thị trường, đẩy mạnh xã hội tiêu thụ. Càng mua sắm sẽ giúp kinh tế phát triển chớ trước đệ nhị thế chiến, phụ nữ ở nhà giữ tiền, lo mua sắm chi tiêu, đâu có vụ mua sắm áo quần thời trang như ngày nay.

Cái hay của chủ nghĩa tư bản là khiến thiên hạ mua sắm, làm giàu cho họ, cứ khuyến khích phụ nữ đi làm vì khi họ có tiền là tiêu xài, kêu tiền tui làm ra nên tui có quyền mua sắm, tiêu xài. Dần dần nợ chồng chất, vợ chồng cãi nhau và ly dị. 50% ly dị tại Hoa Kỳ là vì tài chánh.


Buồn đời mình tìm tài liệu để đọc thì thất kinh. Xin tóm tắc như sau:


Giai đoạn 1945-1965: được gọi là giai đoạn của thế hệ babyboomers vì sau chiến tranh, Hoa Kỳ bổng gặp một hiện tượng là người Mỹ đẻ nhiều nên họ gọi thế hệ babyboomers. Dạo ấy người Mỹ chết trung bình ở tuổi 61.5 mà ngày nay với sự phát triển tiến bộ của khoa học giúp người Mỹ sống trung bình đến 82 tuổi. Nghĩa là thêm 20 năm, 1 thế hệ khiến các nhà lãnh đạo nhức đầu vì không biết lấy tiền đâu để nuôi họ nhất là y tế.

Sau chiến tranh, nhiều quốc gia bắt đầu chú trọng đến việc tăng gia sản xuất và tái thiết kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề phá thai vẫn là một chủ đề nhạy cảm và thường bị coi là bất hợp pháp tại nhiều nơi.


- Sự thay đổi bắt đầu xuất hiện với sự gia tăng của phong trào quyền phụ nữ và ý thức về sức khỏe sinh sản. Việc kiểm soát sinh sản và quyền phá thai bắt đầu được thảo luận rộng rãi hơn. Các chính phủ đưa ra các chương trình phụ nữ quyền để tạo dư luận, kêu gọi tự do phá thai. 


Các phụ nữ gốc Ukraine khi xưa, cởi phăng ngực ra bị chính phủ bắt bớ, đánh đập rồi phải chạy trốn qua pháp. Nay các phong trào nữ quyền hình như không nghe đến trên truyền thông. Chính sách quốc gia muốn phụ nữ sinh con đẻ cái nên dẹp bớt các phong trào đòi bình đẳng.


Giai đoạn 1960-1970:

- Mỹ và châu Âu: Vào cuối thập niên 1960, một số quốc gia bắt đầu nới lỏng các luật lệ về phá thai. Ở Mỹ, phong trào quyền phụ nữ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dẫn đến việc xem xét lại các luật lệ nghiêm ngặt về phá thai.

- 1973: Quyết định Roe v. Wade của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã công nhận quyền phá thai của phụ nữ, làm thay đổi cơ bản luật pháp và chính sách về phá thai ở Mỹ. Phán quyết này thiết lập rằng phụ nữ có quyền phá thai trong ba tháng đầu thai kỳ mà không bị chính phủ can thiệp. Vụ này khi sang Hoa Kỳ cứ nghe báo chí nói đến khiến mình điên đầu, chả hiểu gì cả.


Do đó bác nào ủng hộ phá thai thì nên bầu cho Đảng dân chủ vì nhiệm kỳ tới tối cao pháp viện sẽ thay 2 quan toà. Nếu ông Biden thắng thì sẽ đề cử người nào ủng hộ phá thái còn ông Trump thì lại càng khó phá thai. Ở Cali, con nít học trung học dưới tuổi vị thành niên, dính bầu, có quyền đi phá thai không cần báo cho bố mẹ biết. Thường đi bác sĩ, họ bắt ký giấy cho phép bác sĩ chữa bệnh cho con nít dưới 18 tuổi nhưng phá thai thì không cần ký gì cả. Kinh


Giai đoạn 1970-2000:

- Châu Âu: Nhiều nước châu Âu cũng đã thông qua các luật lệ mới cho phép phá thai hợp pháp, phản ánh sự thay đổi trong quan điểm xã hội về quyền sinh sản và sức khỏe phụ nữ. Thuốc ngừa thai được sử dụng rất phổ thông. Ở Việt Nam, có tên bạn học chung, bổng một hôm thấy hắn đứng trước nhà bồng con. Sang Tây mình hỏi mấy cô đầm thì họ giải thích uống thuốc ngừa thai chi đó khiến mình như bò đội nón.


- Liên Xô và các nước Đông Âu: Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, một số quốc gia thuộc khối Đông Âu, Liên Xô, đã hợp pháp hóa phá thai từ sớm để kiểm soát dân số và thúc đẩy phụ nữ tham gia lực lượng lao động để xây dựng thế giới đại đồng. Đi viếng Uzbekistan và Georgia, mình hỏi thiên hạ thì thất kinh, nhất là Uzbekistan là một nước theo hồi giáo nhưng với bác lê-nín của chúng ta thì dẹp hết. Các nhà thờ hồi giáo và trường học đều dẹp hết cũng như các nhà thờ tại Georgia dành cho hợp tác xã.


Phá thai và tăng gia sản xuất

- Sức khỏe phụ nữ và lực lượng lao động: Phá thai hợp pháp đã giúp cải thiện sức khỏe sinh sản của phụ nữ, giảm thiểu rủi ro từ những ca phá thai không an toàn. Điều này góp phần tăng cường khả năng làm việc và đóng góp của phụ nữ vào nền kinh tế. Xin nhắc lại bảo hiểm y tế cho phụ nữ đắt hơn đàn ông vì phụ nữ đi bác sĩ nhiều hơn.

- Kiểm soát sinh sản: Chính sách phá thai hợp pháp cho phép các gia đình kiểm soát số người trong gia đình của họ, giúp họ tập trung vào việc làm và phát triển kinh tế. Mình đọc tài liệu về dấn số học thì Nhật Bản cũng tương tự, khuyến khích người Nhật giới hạn sinh con sau chiến tranh. Do đó mới thấy họ tiến bộ giàu có nhanh chóng và Trung Cộng bắt chước họ cũng như Nam Hàn và ngày nay lãnh hậu quả của sự ngưng đẻ, dân số bị lão hoá.

- Bình đẳng giới: Quyền phá thai được xem như một phần của phong trào bình đẳng giới, giúp phụ nữ có quyền kiểm soát cơ thể và quyết định sinh sản của mình, từ đó thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế và xã hội. Theo mình các chính sách của chính phủ luôn luôn được đi kèm với những phong trào hổ trợ bởi chính phủ như trường hợp nữ quyền bình đẳng,…


Dạo mình mới sang New York làm việc, có ông Giuliani nổi tiếng khi làm Mayor của thành phố New York này. Ông ta thuộc Đảng Cộng Hoà nhưng đắc cử ở quê hương chính gốc của Đảng Dân Chủ. Ai nấy đều ca tụng ông này đã giảm tỷ lệ tội ác tại thành phố này. Sau này thành phố Los Angeles mướn ông cảnh sát trưởng của thành phố New York để giúp giảm tội ác nhưng chẳng thấy xuống gì cả. Sau này, người ta giải thích là vì 20 năm về trước, khi Hoa Kỳ hợp thức hoá việc phá thai nên các cô bé trẻ nhiều khi ở trung học cấn thai, có thể phá thai nên giảm thiểu số mẹ đơn côi. Con trai làm mấy cô trẻ cấn thai rồi trốn luôn hay bị tù nên các người mẹ đơn thân trẻ, phải vất vả làm việc nhiều nơi để nuôi con nên khó có thể giúp con mình một cuộc sống lành mạnh. Các khu vực nghèo dễ đưa đến tội ác.


Chính sách phá thai sau Đệ Nhị Thế Chiến đã trải qua nhiều thay đổi quan trọng, phản ánh sự phát triển của xã hội và nhận thức về quyền của phụ nữ. Việc hợp pháp hóa và cải thiện tiếp cận dịch vụ phá thai không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe sinh sản của phụ nữ mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế và sản xuất của các quốc gia.


Mình thấy ông Steve Jobs, và ông Bill Gates, được xem là thế hệ của mình, hơn vài tuổi, đều là con nuôi. Dạo ấy Hoa Kỳ chưa cho phép phá thai nên mẹ hai ông này đều sinh ra rồi cho con để người khác nuôi. Phá thai là tuỳ thuộc tự do của mỗi người. Sau khi phá thai được pháp luật hóa thì không biết bao nhiêu Bill Gates hay Steve Jobs đã không sc sinh ra cũng như các tội phạm khác. 


Ngày nay dân số của các nước Tây phương giảm rất rõ, người ta suy đoán Ý Đại Lợi sẽ không còn trong 50 năm tới, vì người dân không chịu đẻ. Các nhóm hữu khuynh lại ra đời, mạnh lên, kêu gọi cấm phá thai. Có thể các chính trị gia, cai trị chúng ta sợ không có người đi làm đóng thuế nuôi chúng ta về già, sống dai nên họ giựt dây các phong trào chống đối phá thai cũng như khi xưa, họ đã làm với việc phá thai. Nay chỉ cần hát lại những bài hát xưa, nhưng ngược lại. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn