Hiển thị các bài đăng có nhãn Những mảnh nhớ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Những mảnh nhớ. Hiển thị tất cả bài đăng

Mùa xuân bên mẹ sau 50 cái Tết

 Mùa xuân có mẹ


Sau 50 năm, mình mới ăn tết lần đầu tiên cùng gia đình tại Đà Lạt. Có nhiều cảm xúc khó tả. Vui nhất là còn bà cụ. Thấy con cháu tụ họp ăn uống, bà cụ kêu khi xưa đẻ con ra nhiều nên nay mới có nhiều niềm vui như ri. Vui quá. Nay mai, nhiều khi anh em ly tán trên thế giới cũng không sum họp như nay vì sức khoẻ vì nhiều lý do không biết trước. Sau này gia đình chỉ có hai con theo chính sách trai hay gái chỉ 2 mà thôi thì khi sum họp rất lẻ loi. Một trong hai đứa không về được là buồn, nhiều khi cả hai không về được vì công ăn việc làm. Đón xuân trơ trọi.

Cháu chơi lô tô, không còn đánh xì lác như thế hệ mình khi xưa. Còn thế hệ đổ sâm hường, chơi bài tới thì chết hết, còn mỗi mẹ mình.

Có người hỏi tại sao phải đợi 50 năm. Mình có về sau Tết nhưng khi tết thì ở Cali, có con, có cháu bên vợ. Thêm tết ta thì con cái đi học, vợ đi làm. Con mình, chúng nó ở xa cũng cố bay về dù đang ở âu châu hay á châu để tụ họp với anh chị cô cậu ăn 3 ngày Tết rồi đi lại. Cũng có không khí gia đình. Hy sinh đời bố củng cố đời con. Năm nay thì ăn tết sớm nên thiếu con gái và vài đứa cháu, vì chúng ở xa muốn về đúng ngày tết. Thôi thì về ăn tết với mẹ vì đâu biết ngày mai nên hai vợ chồng vác vali đi nữa. Vì mai đây nhiều khi không có sức khoẻ để về. Ở tuổi gần 70 rất khó đoán trước. Trước khi đi đã nghe tin một ông thần học chung khi xưa qua đời. Năm nay, vợ về hưu nên có thể khăn gói về Đà Lạt ăn tết.


Vui nhất là về bên mẹ, nhưng gặp lại họ hàng ở quê cũng rất cảm động. Thấy bà thím năm liệt giường, cô em dâu họ bồng bế tắm rữa trong khi ông chú ngồi ăn cực chất. Vẽ lên hình ảnh của văn hoá gia trưởng thôn làng ở quê nội. Thấy căn nhà thờ tổ được cô em xây lại rất khang trang, thoáng. Mình phục cô em, đơn thân độc mã về quê để xây nhà. Cô em này giỏi như bà cụ mình.


Nghe mẹ mình kể là khi mẹ mình về thăm quê chồng, trong khi ông cụ còn ở trong trại cải tạo. Mấy bà trong họ kêu đợi con miền nam ra đây, bà tẩn cho một trận. Bà cụ về quê, nấu ăn cho bà nội rồi làm đông sương, khiến cả làng ăn lần đầu tiên trong đời. Kêu cái bọn miền nam, cơ bản là xấu mà sao chúng nấu ăn ngon thế. Sau này mình có gửi tiền về để bà cụ cúng cho làng để xây cái cổng làng lại, bà cụ biếu tiền để trùng tu giếng Bồ Đề và làng có cấp đất nghĩa trang để mang hài cốt ông bà về một nơi. Khi xưa, họ chôn người thân trong ruộng, bò đi ngang đạp bể hết. 

Thiếu 7 đứa cháu ở hải ngoại và 2 rể

Mình nhớ chỉ gặp được 5 ông chú họ, 3 ông bên ngoại và 2 ông bên nội. Hai ông bên nội thì có mấy người con đi lao động quốc tế, gửi tiền về xây nhà to đùng. Có người em họ, kể đi lao động ở Đài Loan nhưng họ đuổi về vì lớn tuổi, dù thua mình 10 tuổi. Nay có 5 đứa cháu nội nên ở nhà trông cháu, vợ thì trông bà mẹ, nấu ăn cho ông bố, con đầu thì đi lao động quốc tế bên Nhật Bản. Thấy cũng thương vì tư duy nuôi con lớn để đi lao động quốc tế gửi tiền về nuôi gia đình, xây nhà cửa. Có lẻ vì vậy mà người ta khi xưa hay nói “thêm người thêm của”. Lần đầu gặp nghe hai vợ chồng kể mỗi ngày đi đổ bê tông cho thiên hạ. Khiến cô em mình kêu may quá, nếu bố không bị du kích truy lùng, chạy vào nam thì chắc số phận anh em mình cũng đi đổ bê tông. Có vấn nạn là đánh bài, hay cá độ ở làng quê nên cũng khổ cho dân. Cắm sổ đỏ mượn tiền bạc khắp nơi.


Mình có người em cô cậu, con trai của bà cô ruột, chưa bao giờ gặp mặt, chỉ có gặp cô em dâu, gốc Thanh Hoá, nghe nói đi lao động xây đường cao tốc bên Lào. Cũng tội lắm, lấy vợ để nhà chăm sóc cho mẹ rồi đi lao động quốc tế. Còn trẻ mới qua đời, chắc những năm tháng lao động ở rừng thiêng nước độc, gây bệnh tật. Về quê thì mới hiểu lý do người ta muốn cho con đi học. Nghe người khác kể học tới cấp 3 thì hết tiền, ở nhà đi may vá, cấy lúa hay cửu vạn rồi lấy chồng sớm. Sinh con, nay con cũng theo bước chân của mẹ, mới 50 tuổi đầu đã có 3 cháu ngoại. Kinh

Mấy cô cháu cực xinh, chưa đứa nào lấy vợ lấy chồng khiến bà cụ hơi lo

Khi ông cụ mình mất, về quê, gặp hai ông chú này thì chới với. Hai ông kêu nay bố mày qua đời thì tao thay thế bố mày làm cho sáng dạ sáng lòng khiến mình thất kinh vì phép vua thua lệ làng. Về kỳ này thì một ông chú họ nằm viện, nghe nói nằm viện nhiều hơn nằm nhà. Một ông thì khoẻ nhưng đầu bắt đầu lẫn. Chú kể là mỗi ngày đạp xe đạp hay lên xe buýt khắp Hà Nội khiến mình hơi lo. Có ngày chú đạp đi đâu không nhớ nhà về hay đi xe buýt không nhớ đường về thì con cháu đi tìm khó khăn. Thật ra ở thành thị thì họ hàng có thể không quan trọng lắm vì bán anh em xa mua láng giềng gần. Nhưng ở quê thì rất gần, gốc gác ai đều nhớ cả. Vẫn thân nhau như anh em ruột thịt. Gần tết là con cháu đưa nhau về nhà thờ họ, dâng mâm quả, thắp hương. Máu đào còn hơn ao nước lã.


Bên ngoại thì có ông chú mới qua đời. Bị thương khi vào nam đánh mỹ cứu nước, nhắc đến sự hãi hùng của chiến tranh. Con chú thì vào Lâm Đồng làm ăn khá lắm. Được biết 60% dân vùng Lâm đồng ngày nay là gốc gác ngoài bắc vào sau 75. Một chú khác thì nhà bên cạnh, trẻ hơn nên tư duy khác với mấy ông chú họ bên nội. Con chú học hành khá hết, làm việc cho công ty nước ngoài. Xem như hy sinh đời bố củng cố đời con nên con cháu nay khá lắm, xây nhà to như cái đình. Không cần phải đi lao động quốc tế. Tháng vừa rồi có bay qua mỹ làm việc, họp hành, nhưng bận quá nên anh em không gặp nhau được. Mình về quê thì chú em lấy xe ô tô chở đi xem chợ hoa, chợ Tạm vì họ đang xây lại chợ Quốc Oai. Ông chú này giúp mình tìm được thầu khoán, cũng bà con bên ngoại để xây nhà thờ tổ. Cũng trông coi dùm khi thợ thi công. Cô em họ thì được trả công. Thay vì đi làm xa thì ở nhà nấu ăn cho thợ làm nhà. Hình như bên ngoại có vẻ khá hơn bên nội, mình đoán là tư duy bên ngoại đi lấy chồng khác với thủ cựu bên nội. Về như cơn lốc nhưng qua những nhận xét, nói chuyện thì mình cảm nhận những gì người ta nói về tư duy ao làng.


Hôm qua mình nói chuyện người em rể, gốc Hà Nội. Người em kể là về quê, thì đụng độ với ông chú họ bên nội. Mời mấy chú lại ăn cơm. Buồn đời ông chú họ kêu đáng ra các cháu ngồi mâm dưới. Người em rể không đi đâu, nói nhà này là của bố mẹ cháu, cháu mời các chú đến dùng cơm thì nhà của gia đình cháu thì chúng cháu muốn ngồi đâu thì ngồi. Mình hy vọng tư duy ở làng thay đổi để theo kịp thế giới A Còng chớ cứ ngồi đó, kêu mâm trên mâm dưới thì con cháu không bao giờ khá được. Sinh con để đi lao động quốc tế, gửi tiền về xây nhà to đùng.


Cô em họ này khi xưa đi lao động ở Liên Xô được ba năm thì lạnh quá xin về để cậu em qua thế, xây nhà cho bố mẹ hoành tráng lắm. Sau đó vào nam, phụ buôn bán với cậu em mình. Về Đà Lạt mình hỏi muốn về bắc hay ở trong này. Cô em kêu ở trong này, mình nói để mình nhờ bà cụ kiếm cái sập cho cô ta buôn bán, sau này khá lên thì trả lại tiền sang sập lại cho mình. Mình nghĩ nếu cô ta buôn bán ở Đà Lạt thì sẽ nuôi được gia đình ở quê như mẹ mình khi xưa, nuôi em ăn học, và ông bà ngoại ở hUế. Đùng một cái cô ta về quê. Hỏi ra ông chú muốn gã cho ông già nào đó nhưng cô em không chịu. Nay ốm đau đủ trò vì hệ quả những năm tháng lạnh ở Liên Xô nhưng nay chắc đỡ rồi vì được giải phẫu nên khoẻ hơn lần trước mình gặp ở quê. Cô em trông cháu sáng sớm vì vợ chồng người em đi làm sớm, sau đó đi làm. Em mình nhờ cô em giữ chìa khoá, lo hương khói bàn thờ ông bà.

Cô em mang thịt bò filet mignon từ Hoa Kỳ về nấu phở cho đại gia đình ăn

Khi xưa, cứ nhận thư nhà là thấy xin tiền nên mình bàn với đồng chí gái nên để dành một số tiền rồi gửi cho bà cụ, mua sập mua bán cho mấy người em. Lý lịch ông cụ mình là phản động nên mấy người em đầu không được đi học đại học, dù đủ điểm hay dư điểm khi thi tuyển. Mấy người em có sập buôn bán nên mình hết nhận thư xin tiền, nay sung túc, có của ăn của để. Ông chú kêu cô em họ về quê, mất đi một cơ hội đầu tư thay vì cứ gửi con cháu đi cửu vạn ở ngoại quốc. Nay đến đời cháu.

Về Đà Lạt thì thấy mấy cô cháu đều cực xinh. Cô em từ Hoa Kỳ về cành nanh, kêu em về không ai qua hết, anh về là mọi người chạy qua. Cô em về sớm hơn nên mấy người kia còn lo mấy ngày cuối năm buôn bán. Còn mình về thì cận tết nên ai cũng nghỉ bán, đợi cúng ông bà. Một cô em ở pháp về thì cũng chịu khó đem bánh, đem rượu, sô-cô-la về cho mẹ và các em ăn Tết. Chúng lại nói bên này thiếu gì. Cho tiền mua khoẻ nhất. Khỏi phải qua hải quan, khiêng nặng. Mình về chả đem gì cả, hai lọ thuốc bổ và hộp sâm cho bà cụ. 

Cô em lặt bánh phở

Hôm mình về thì ăn tất niên ở nhà. Mình đâu biết là năm nay, ngày đầu năm là 29 tháng 1, không có 30 như mọi khi tính toán hơi lộn xộn. Mấy người em đặt các món ăn như chả ram về ăn thì mình không thấy ngon lắm vì dầu hơi nhiều nên ăn vài miếng chả ram rồi ngưng. Ngược lại hôm sau Ăn bánh tét, dưa món, chả thủ, giò với dưa cải mới làm cực ngon. Không như bánh tét gói ở Cali, làm từ lâu rồi bỏ đông lạnh, đợi gần bán, đem ra bán trong khi đây nấu trước 1 hay hai ngày nên ăn rất mềm, họ gói với lá dứa nên nếp đổi màu xanh lá dứa. Cô em kết nghĩa với cô em út mình có khiếu nấu ăn, gia đình cô ta làm rồi đem qua. Phải công nhận 50 năm rồi mới ăn lại hương vị bánh tét ngày xưa. Quá đỉnh. Ngoài quê thì họ ăn bánh chưng còn trong nam, Đà Lạt gia đình mình ăn bánh tét. Lần trước mình về quê sau tết, ông chú họ có cho ăn bánh chưng do nhà gói, ăn rất ngon. Ở cali mua về phải chiên mới ăn được.


Tối thì cô em ở phila nấu phở filet mignon. Tội, chịu khó mua thịt bên mỹ về nấu phở cho cả đại gia đình ăn. Lần đầu về thăm, cô em đem thịt bò steak Costco về nấu phở, cả nhà mê thịt bò của đế quốc, thích ăn bơ thừa sữa cặn. Nên sau này về thì đều đem thịt bò về nấu cho mẹ và gia đình ăn.

Chiều mọi người đến đông đủ, bận áo dài chụp hình với bà cụ. Thấy mẹ vui nên mình mừng lây. Thấy nụ cười của mẹ trên môi, sau một đời vất vả, vào Đà Lạt năm 15 tuổi, đi làm cho người bà con để giúp mệ ngoại nuôi em ăn học, rồi lập gia đình, sau 75 đi thăm nuôi chồng đến 15 năm. Nay mới có thời gian êm ấm ở tuổi hoàng hôn đời mẹ.

Đồng chí gái về nhà chồng tạo dáng

Mình may mắn là khi lo cho con cái xong xuôi thì còn mẹ để lo. Hôm trước nói chuyện với ông cậu họ, cậu tiếc là khi thành đạt thì người mẹ đã vắn số. Cho thấy phải có phước mới có cơ hội trả hiếu cho cha mẹ. Tương tự cha mẹ phải có phước lớn mới được con cháu báo hiếu khi còn sống. Vấn đề làm sao để tự tạo phước cho mình.


Mình về lại quê như tìm lại cái gốc cây đã sinh ra cái nhánh của mình. Như ông cụ chạy vào nam, như cây bị ai chiết đi một nhánh đem vào nam trồng rồi đến phiên mình được chiết nhánh đem qua Tây rồi Hoa Kỳ trồng. Nay mình trở về làng quê để xem cái gốc cây đã sinh ra mình. Mình thấy có nhiều nhánh tốt vì có ánh sáng mặt trời, cây lá xum xuê, được cắt tỉa theo phương thức khoa học. Có nhiều nhánh bị ánh sáng mặt trời che nên ò ẹp lắm. Thêm phân bón kiểu xưa nên khó thay đổi. Cho thấy cùng gốc rễ nhưng được ánh sáng mặt trời thường xuyên sẽ khiến nhánh đó mọc lên nhánh khá tốt, đâm trái tốt hay nếu được chiết đến phong thổ khác thì lại khác, bị ảnh hưởng phong tục tập quán, phân bón, lại tạo trái tốt hay xấu tuỳ phong thổ.

Mồng Một thì chỉ có vài người trong đạo Tổ Tiên Chính Giáo ghé lại chúc tết bà cụ, thắp hương. Mình thấy một anh chàng nhỏ tuổi hơn nhớ mại mại con của bác Tế ở ấp Xuân An. Chiều cả đại gia đình ăn Tân niên, phở do cô em nấu. Rồi màn lì xì cho các cháu đánh loto.

Cơm lam ở vùng người Rắc-lây mà nhạc sĩ Trần Tiến có nói đến trong bài Giấc Mơ Chapi. Gạo nếp được nấu trong ống tre, sau đó họ nướng một bên cho cháy cháy. Dùng một cây tre nhỏ như khi xưa, người ta ăn bánh bèo, để nạy cơm lam ra đĩa hay chén. Họ kêu ăn với gà nướng nhưng mình thấy ngon hơn với muối vừng. Ăn vì tò mò chớ cũng thấy không có gì ngon lắm.


Sáng nay thì đại gia đình mướn xe buýt to đùng, chở nhau xuống Nha Trang ở 3 đêm rồi mình chia tay gia đình chạy ra Huế. Về thăm quê ngoại.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Về thăm quê nội


"Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Trời xanh không thấy đỉnh Ba Vì"…


Có lẻ bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của ông Quang Dũng đã làm mình mơ về một thôn, một xứ Đoài xa vắng ở miền Bắc, nơi ông cụ mình ra đời và mang tên Đoài. Tên xứ này còn được gọi là Trấn Đoài hay Trấn Tây, một trong những trấn quan trọng của Thăng Long. Hồi bé mình hay nghe ông cụ ngồi ngâm bài thơ này, có lẻ ông cụ đặt tên con trai đầu để nhắc nhở quê mình là Sơn Tây.

Đây là hình ảnh đầu tiên khi về thăm quê nội, khi dừng chân bên hồ Chùa Thầy, Sài Sơn phía sau

Mình sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, quê cha đất tổ chỉ biết qua bài thơ của nhà thơ Quang Dũng. Ông cụ cứ nhắc đến thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai mà trong bài thơ, ông Quang Dũng tả sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc, phủ Quốc đây là Quốc Oai, quê ông cụ. Mình ấp ủ từ bé, một ngày được viếng thăm quê cha đất tổ như lời ông cụ kể.


Mẹ tôi em có gặp đâu không

Những xác già nua ngập cánh đồng

Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ

Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông


Ông cụ có người em trai kế, nghe nói học giỏi nhất huyện. Mấy ông chú họ kể khi xưa Anh dạy mấy chú này nọ. Một hôm đi học về, qua cánh đồng thì bị tây bắn chết. Một ông chú ruột khác, đi bộ đội vào nam bị bom mỹ dập chết trên đường mòn Hồ CHí Minh, được tổ quốc ghi công. Ông cụ mình thì ở trại cải tạo 15 năm, chú mình bị tây bắn và một ông chú lại bị bom mỹ dập chết trên đường mòn vào nam. Đó là số phận của 3 anh em sinh ra trong thời chiến. Sáng nay mình đang đứng nói chuyện với một ông chú họ thì chú chỉ một bà lão đi ngang, nói là vợ cũ của chú mày đấy, bà ta bỏ đi lấy chồng khác rồi. Mình có gặp người thím này khi về quê lần đầu năm 1995, sau đó thím đi bước nữa nên không còn dính dáng gì đến gia đình mình, tính đi kiếm bà thím nhưng rồi không thấy tông tích đâu nữa. Rồi xe đến chở đi Ba Vì.


Vừng trán em vương trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em có bao giờ em nhớ thương?


Mình nhớ lần đầu về Hà Nội, cố tranh thủ về quê thăm một chuyến để thoả bao nhiêu ước mơ, tò mò từ bé nghe ông cụ kể về quê nội. Có con cậu ruột của đồng chí gái xung phong chở mình đi xe gắn máy từ Hà Nội về làng. Cậu ruột của đồng chí gái đi theo cách mạng, làm tuỳ viên cho Võ đại tướng nên ở Hà Nội. Sau 75, cậu vào nam kêu các cháu đi vượt biên hết đi chớ sống không được. Mình nghe ông cụ khi xưa, nói cứ kêu xe từ Hà Nội về Đường Láng rồi chạy về Hoà Lạc, sau đó rẽ đê Yên Phụ là về tới làng. Đê Yên Phụ mà ông cụ kể khi xưa mỗi lần lụt bị vỡ đê là dân trong làng chạy đầu thôn cuối thôn kêu nhau chạy ra đắp đê. Mình thấy cái đê mà ông cụ kể cao ngây ngất. Trời mưa, đường thì xình lầy, lái xe về chắc người em cô cậu của đồng chí gái phải rửa xe. Mình mời đi ăn chả cá Lã Vọng khi về lại Hà Nội.


Em ở thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì


Xe chạy ngang chùa Thầy, người em họ dừng xe vì trời mưa, đứng núp dưới góc cây, mình nhìn chùa Thầy trong mưa lất phất tạo nên một cảm xúc khó tả, chỉ biết khẽ gọi quê nội tôi đây, quê nội tôi đây. Có gì thiêng liêng lắm như níu kéo mình về quê cha đất tổ. Cảm xúc này đều dâng tràn mỗi lần mình thắp hương bàn thờ ông bà ở nhà tại quê. Ông cụ mình bị du kích dí đầu, bao vây quanh nhà đêm tối, kêu ra đầu hàng sống chống chết. Ông cụ nhảy qua hàng rào phía sau nhà rồi trốn vào nam đến 40 năm sau mới về lại quê lần đầu. Ông cụ như chim bay lạc đàn về miền nam tha phương rồi đến mình theo mây bay trôi dạt qua cả trời tây. Nay bay về quê nội, lòng bồi hồi nhìn nơi tổ tiên sinh sống bao nhiêu đời. Lam lũ một đời bán lưng cho trời. 


Từ độ thu về hoang bóng giặc

Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn

Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ

Em có bao giờ lệ chứa chan


Khi mưa tạnh thì chạy tiếp vào làng thấy có cái quán nhỏ tẹo, gặp đứa bé gái thì mình hỏi nhà chú Thìn, em họ ông cụ mình, nhà sát bên cạnh thì con bé reo lên mẹ ơi anh Sơn về khiến mình như bò đội nón. Đâu có báo ông bà cụ trong nam biết mình về vì dạo ấy đâu đã có điện thoại di động. Hoá ra, đám cưới mình thì có quay video gửi về cho nhà xem. Ông bà cụ ra bắc nên đem về chiếu cho cả họ xem nên ai cũng biết mặt mình.


Đôi mắt người Sơn Tây

U uẩn chiều lưu lạc

Buồn viễn xứ khôn khuây

Tôi gửi niềm nhớ thương

Em mang giùm tôi nhé

Ngày trở lại quê hương

Khúc hoàn ca rớm lệ


Về đến nhà nơi ông cụ được sinh ra thì mình thất kinh vì cửa sổ không có, cửa ra vào cũng không. Hỏi thì nhà giải thích có mấy cái phên, tối gắn lại nhưng rất sơ sài bằng rơm. Ông cụ từ ngày trốn vào nam đến 40 năm sau mới gặp lại bà nội. Sống với bà nội được vài năm thì bà qua đời.


Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng


Vào nhà thì khi hay tin mình về thì thiên hạ ới nhau trong làng chạy đến rồi tự giới thiệu, tên con ai nhánh nào khiến mình chới với. Lý do là ông cụ chỉ nói về quê chớ không bao giờ nói về họ hàng. Lúc ấy mới biết ông cụ có một người chị và một cô em ruột. Hai người em trai thì đã vắn số. Sau này, mình nhờ người dịch gia phả từ tiếng Hán qua việt ngữ mới từ từ mò ra ai là ai. Mới biết ông tổ, gốc Nghệ An, có nhiệm vụ trông cái đình, rồi ai đó đánh cắp cái bộ lư đồng trong đình của làng nên sợ bị tội nên chạy trốn ra Sơn Tây. Ông dịch gia phả cho biết là trong gia phả có kể có người đổ tiến sĩ nhưng ông ta xét lại danh sách tiến sĩ vào thời đó không có ai đậu tiến sĩ mang tên như đã ghi trong gia phả.

Cây tắc ngày Tết tại quê

Ngày nay, họ hàng đều kêu ông chú bị tây bắn chết là người học giỏi nhất huyện. Mình đoán dạo ấy chắc chả có bao nhiêu người trong làng được đi học. Nên gọi là giỏi nhất huyện thì so với ngày nay thì chả thấm thía gì cả.


Bao giờ tôi gặp em lần nữa

Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca

Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ

Em có bao giờ em nhớ ta?


Nói cho đúng thì khi mình về quê nội cũng như làng nơi mẹ mình sinh ra tại Thừa Thiên thì có một cảm giác khó diễn đạt như lôi kéo mình về một nơi, quyện trong một dung dịch đong đầy cảm xúc. Khác với khi về Đà Lạt, cảm xúc như khi mình trở lại một thành phố đã từng sinh sống như Paris, Luân Đôn, Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ,… trong khi về quê nội hay quê ngoại cảm xúc dâng trào. Có lẻ khi xưa, mình không có dịp thăm viếng khi còn bé, chỉ nghe bố mẹ kể, tạo dựng trong đầu mình một nơi nào đó thiêng liêng, khiến cảm xúc dâng trào vì chỉ nghe qua văn chương hay lời ru hò con cò con vạc con nông mà khi xưa ông cụ hay ru con hay người lớn kể lại. Cảm xúc đó cứ theo mình mãi nên lúc nào cũng mong trở về quê nội và quê ngoại.  Một kẻ tha phương như mây trôi lạc loài, muốn tìm lại Cội nguồn của một kẻ lưu vong trên nữa thế kỷ. Kỳ này về mình sẽ ghé quê ông ngoại, làng Dưỡng Mong vì khi xưa chỉ ghé quê mệ ngoại, làng An Lưu. Dự định sẽ ghé thăm nhà thờ họ của bên vợ luôn, An Cựu và Ao Hồ.


Vẫn sáng vầng trăng ru tiếng sáo

Diều khuya trầm bổng giọng quê hương

Đất đá ong trong lòng giếng mát

Ôi Sơn Tây, Sài Sơn yêu thương!


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Tại sao người Việt gọi con rơi hay con lượm


Có lần mình thấy cô em chọc con như bà cụ chọc mấy anh em mình khi xưa như con lượm thùng rác, con của ai đẻ bỏ rồi đem về nuôi khiến con cháu khóc bù loa. Khiến mình bực mình nên dặn cô em đừng nói với con như vậy vì khi xưa, mình bị tủi thân khóc hoài.


Hôm trước mình kể chuyện bố mẹ mình kêu mình là con lượm thùng rác thì nhiều người còm cho rằng họ cũng bị bố mẹ lên án, đấu tố là con rơi, con lượm thùng rác này nọ khiến mình thất kinh. Mình nhớ hàng xóm có hai chị em lấy một chồng. Bà chị vô sinh nên kêu cô em lấy ông chồng, sinh ra mấy người con. Họ lại kêu bà em, sinh ra họ là “Đẻ” trong khi bà chị lại kêu là “mẹ” khiến mình cứ thắc mắc từ mấy chục năm nay. Sáng chạy qua nhà mình kêu mình tè vào cái cốc để con gái họ mới ở cử uống.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Tại sao người Việt hay chọc con như vậy, mình không biết lý do vì chưa có đọc tài liệu nghiên cứu nào về tâm lý học của người Việt. Mình đoán khi xưa, vệ sinh chưa được như bây giờ nên con nít chết nhiều vì môi trường vệ sinh, ăn uống thiếu thốn nên hay chết yểu. Do đó người Việt tin dị đoan ma quỷ bắt con đi nên họ phải đặt tên cực xấu, để ma chê quỷ hờn không bắt con mình đi. Mình khi xưa cũng èo ọp lắm nên được bán cái vía mình cho Cậu Bảy ở am Mệ Cai, đường Nguyễn Công Trứ. Năm ngoái mình có về Đà Lạt, có ghé thăm am Mệ Cai, nay được hoạt động lại nhưng không thấy đông người như trước đây.


Theo tinh thần mê tín dị đoan, người ta hay kêu là con của họ là con nuôi, con lượm, họ nhặt lấy đem về nuôi để ma quỷ không bắt đi. Có người thậm chí đưa con vô chùa hay nhờ ai nuôi họ vài tháng rồi đem về. Thậm chí đổ họ tên này nọ. Thương con không muốn chết yểu nên họ phải làm theo các cô, các cậu lên đồng. Nhớ khi xưa, mỗi lần lên đồng ở Am Mệ Cai, mình được đưa ra đây xem Mệ Vĩnh Tường, đàn với nhóm nhạc. Sau này Mệ Vĩnh Tường, lấy dì Mến, cũng ở cho nhà bà Phúng cùng thời với mẹ mình. 


Có thể tín ngưỡng nhân gian Việt Nam xưa, có niềm tin về ma quỷ và thế giới siêu nhiên nên có quan niệm ma quỷ “thích” trẻ em. Người Việt tin rằng ma quỷ có xu hướng thích trẻ em vì chúng hồn nhiên, thuần khiết, và dễ “bị dụ”. Đặc biệt, những đứa trẻ được cho là đẹp đẽ, thông minh hoặc dễ thương thường bị ma quỷ để ý nhiều hơn. Do đó có thể dân gian đặt ra cách gọi con bằng những cái tên như “con lượm thùng rác”, “con ghẻ”, “con hôi” hoặc “con nuôi” nhằm khiến ma quỷ nghĩ rằng đứa trẻ không được yêu thương và không đáng bắt đi. Vụ này thì mình nhớ ông thầy dạy Việt Văn có giảng về tục ngữ ca dao như tại sao con gái, lấy chồng về nhà để tang cho bố mẹ thì phải đội cái mũ vãi phủ cái mặt, để người chết không thấy mặt vì mang tội bất hiếu, được sinh ra để làm con người ta, hầu hạ cha mẹ chồng, phụ bạc công ơn dưỡng dục này nọ. Kiểu con gái là  con người ta, con dâu mới là mẹ cha mua về với bài Thách Cưới,… còn con dâu thì để mặt không phải che vì chăm sóc cha mẹ chồng. Ngày nay thì ngược lại, con trai là con người ta.


Thậm chí, trong nhiều gia đình, người ta còn cố ý không bế trẻ ra ngoài vào buổi tối để tránh ánh mắt ghen tị của ma quỷ. Mình nhớ khi còn bé, buổi chiều, chạng vạng là không được ra sân chơi hay bế em ra sân chơi. Mình có người em trai chết năm Mậu Thân khi đầy 1 tuổi. Hàng xóm kêu tại vì bồng nó ra sân chạng vạng nên ma quỷ bắt đi. Nghĩ lại thì trời chiều Đà Lạt lạnh, đem ra ngoài bị gió nên cảm rồi chết. Mình bị nám phổi, cởi trần làm mọi da đỏ chạy ngoài sân vào buổi tối.


Người ta nghĩ về “trẻ khó nuôi”: Những đứa trẻ hay quấy khóc, đau ốm, hoặc có những bất thường thường được cho là do “bị ma ám” hoặc “vía nặng”. Để tránh những điều xui xẻo, cha mẹ thường cố ý gọi con bằng tên xấu hoặc nói rằng đứa trẻ chỉ là con nuôi để đánh lạc hướng các thế lực siêu nhiên. Mình nghe kể khi xưa mình hay bị đau ốm, nên ông Phúng hay lấy xe ra am Mệ Cai, chở bà ta vào nhà giác lể cho mình, sau này bán cho vía của mình cho Cậu 7 ở Am Mệ Cai mà lần trước về, mình có ghé lại để thăm chốn cũ.


Ngoài ra dân gian còn có quan niệm “con trời cho” hay con cầu tự nên cần sự khiêm nhường. Người xưa tin rằng mọi thứ trong cuộc sống, kể cả con cái, đều là “của trời cho”. Nếu cha mẹ quá tự hào hoặc khoe khoang về con, họ có thể làm “trời đất ghen ghét” và đứa trẻ có thể bị ông trời lấy đi. Vì thế, cha mẹ thường giả vờ không yêu thương con mình bằng cách dùng những lời lẽ hạ thấp hoặc những biệt danh kỳ quặc như “con lượm”, “con ghẻ”, “con mượn”. 


Điều này giúp họ tránh sự “trừng phạt” từ trời đất và giữ cho con được bình an. Nay thì khác, con học dốt cũng chạy tiền để con đổ cao rồi gáy. Mình nhớ khi xưa, đến nhà ai cũng thấy trưng bày mấy cái cúp, huy chương này nọ khiến mình thất kinh. Sau này có con, mới hiểu trả tiền thì đội banh cuối màu là tặng cúp tặng huy chương bú xua la mua. Nên chả bao giúp treo cúp huy chương trong nhà. Ngay cả chúng cũng chán nhận huy chương về, chả biết bỏ đâu.


Ngoài ra có tục lệ đặt tên xấu cho trẻ khó nuôi. Mình được ông cụ đặt tên rất hoành tráng nên bị đau hoài nên sau này, trong xóm gọi “cu đen” để phân biệt với tên hàng xóm khác cũng mang tên họ Buồi. Tục đặt tên xấu trong văn hóa Việt là một phong tục phổ biến để bảo vệ trẻ em khỏi các yếu tố tâm linh. Người ta cho rằng những đứa trẻ khó nuôi cần được đặt tên thật xấu để không bị ma quỷ chú ý. Biết đâu ma cái nó chú ý đến tên Cu thì sao. Ví dụ: Những cái tên như Cu Đen, Thằng Cò, Tèo, Bống, hoặc các cụm từ như “lượm thùng rác”, “thằng chó con”, “con heo” được dùng để khiến đứa trẻ trở nên “tầm thường” trong mắt các thế lực siêu nhiên. Hay Cái Bướm gì đó. Khi trẻ lớn hơn và khỏe mạnh, người ta thường đổi sang những cái tên hay hơn. Điển hình hai vợ chồng tên Nghĩa và Trang, mua được một căn biệt thự, đặt tên biệt thự Nghĩa Trang. Chán Mớ Đời 


Thói quen người Việt tránh vía xấu trong văn hóa tín ngưỡng. Mỗi lần em khóc hay bị té, là cứ lấy chân đạp đạp đất rồi ôm em lên kêu u 3 hồn 7 vía nếu là em trai, còn em gái thì mình kêu u 3 hồn 9 vía, làm em tao đau. Ngày xưa mình học từ mấy người lớn 3 cái vụ này khi trông em. Nhớ ông thầy dạy việt văn khi xưa kể trong dân gian Việt Nam, “vía” là một phần quan trọng của tâm linh. Mỗi người đều có vía, và trẻ em được xem là có vía rất yếu, dễ bị tác động bởi các vía xấu từ người lớn hoặc môi trường xung quanh. Nếu một đứa trẻ quấy khóc liên tục, cha mẹ sẽ đổ lỗi cho việc “bị vía” hoặc “bị để ý”. Để khắc phục, họ thường dùng cách gọi con mình là “con nuôi” hoặc “con lượm” để xua đuổi vía xấu và giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Có lẻ vì vậy mà bà cụ hay kêu mình là con lượm thùng rác vì khi xưa hay đau ốm. Khiến mình buồn đời đi ra chợ chỗ người ta đổ rác, cạnh nhà vệ sinh công cộng. Ngồi nhìn ai đi ngang xem có ai giống mình đen hay không, chỉ thấy toàn là người thượng là da đen như mình. Cứ nghĩ chắc cha mẹ người Mọi, đem ra đây quăng chắc.


Có thể cách người Việt xưa thể hiện tình yêu thương gián tiếp. Ở Việt Nam, khi xưa, cha mẹ không ôm con hun hít như ngày nay. Mình đi tây, chả ôm bà cụ hay ông cụ ở phi trường. 20 năm sau về cũng vậy, cũng đứng chào trong khi con mình ở xứ người, thì một hai I love you, ra phi trường là ôm nhau. Mặc dù cách gọi như “con lượm thùng rác” hay “con nuôi” nghe có vẻ không mấy thiện cảm, nhưng thực chất đây lại là một cách cha mẹ thể hiện tình yêu thương gián tiếp. Mình không nhớ tên cuốn phim, chỉ nhớ là cô người làm bị ông chủ đè đầu ra làm một tăng khiến cô ta sinh ra thằng con trai, được bà vợ lớn cưng chiều cứ như con của bà ta trong khi cô hầu thì đứng đàng xa nhìn đứa con không được thừa nhận. Dạ thưa cậu này nọ.


Cha mẹ không muốn nói quá lời yêu thương vì sợ “nói trước bước không qua” hoặc khiến đứa trẻ gặp chuyện không hay. Điều này phản ánh sự cẩn trọng và khiêm nhường trong tâm lý của người Việt. Ngày nay thì vệ sinh môi trường tiến bộ nhờ mấy ông tây bà đầm sang đô hộ dạy nên con nít ở Việt Nam chết ít hơn.


Nhớ trước khi đi tây, ông bà cụ nhờ ai làm lá bùa, đúng hơn là cái móng chân của con gì, rồi làm sợi dây chuyền, như cái bùa để bảo vệ mình ở xứ tây.  Do đó mình bị ế vợ đến gần 4 bó khi tháo ra mới thoát ế gảim độc thân.


Ngoài cách gọi con bằng những biệt danh kỳ lạ, người Việt còn có nhiều cách khác để bảo vệ con khỏi ma quỷ bắt đi. Như đeo bùa hộ mệnh: Trẻ em thường được đeo vòng bạc, bùa, hoặc chuỗi hạt dâu tằm để xua đuổi ma quỷ. Ngày xưa học vụ này, nghe ông thầy kể mà chả biết dâu tằm ra sao. Bôi nhọ nồi lên mặt trẻ: Khi đưa trẻ ra ngoài, cha mẹ thường bôi nhọ nồi lên mặt trẻ để chúng trông “xấu xí” hơn, tránh bị ma quỷ chú ý. Vụ này thì mình không bị, vì da đen như lọ nồi rồi. Nếu đứa trẻ khó nuôi, cha mẹ có thể đổi họ cho con, thường đổi sang họ mẹ hoặc đặt tên “xấu” để dễ nuôi hơn.


Cúng bái giải hạn: Với những đứa trẻ hay đau ốm, cha mẹ sẽ làm lễ cúng bái hoặc xin “bán khoán” đứa trẻ cho chùa để nhờ các vị thần linh bảo vệ. Mình được bán khoán cho am Mệ Cai. Ngày nay, cứ Tết đến là chùa ghi tên phật tử cúng dường để giải hạn sao vì năm nào cũng dính sao Kế Đô.


Những phong tục này ngày nay đã ít phổ biến hơn, nhưng ở một số vùng quê hoặc trong gia đình có truyền thống tín ngưỡng mạnh mẽ, người ta vẫn duy trì chúng. Tuy nhiên, thay vì gọi con bằng những cái tên xấu, cha mẹ hiện đại thường chỉ làm các nghi thức như đeo vòng bạc, cúng giải hạn, hoặc đơn giản là đặt tên con cẩn thận để tránh những điều không may. Nghe nói nay, ở Việt Nam người ta đặt tên con bằng tiếng mỹ hay tiếng tây như Johnny Hùng Nguyễn, không khác chi bên Hoa Kỳ hay Pháp quốc. Khi xưa, chỉ có mấy người theo thiên chúa giáo mới có tên thánh như Phan Xít Cô,..

Hồ này cũng có bắt khá nhiều con nít chết đuối ở đây.

Buồn đời nhớ lại chuyện xưa thì mới biết, không những nhà mình mà cả miền nam, thiên hạ cũng kêu con họ là con lượm khiến mình thất kinh, nhớ lại thời trung học, học việt văn, rồi mò thêm trên mạng tự điển để hiểu thêm một tị về văn hoá xưa của Việt Nam đang bị mai một.


Cách gọi con bằng những cái tên như “con lượm thùng rác” hay “con nuôi” phản ánh nét đặc sắc trong văn hóa và tâm linh Việt Nam, của thế hệ ông bà mình  và bố mẹ, kết hợp giữa niềm tin dân gian, sự khiêm nhường và tình yêu thương của cha mẹ. Đây không chỉ là một phong tục mà còn là biểu hiện của sự lo lắng, thận trọng trước những điều không thể kiểm soát trong cuộc sống. Ngày nay, với sự chích ngừa đã giúp trẻ em bớt bị chết sớm nên người ta không còn tin vào thánh thần nhiều như xưa.


Mình chỉ nhớ người đầu tiên gọi tên mình là Cu, là bà Hai hàng xóm, còn Cu Đen là con Thuý, em thằng Dư. Nó bắt mình cho nó xem chim rồi nó kêu cu mày đen quá nên sau đó cả xóm kêu mình là Cu Đen. Năm ngoái lên Seattle , có gặp lại một chị hàng xóm khi xưa, sau này gia đình dọn sang đường Phan Đình Phùng, cạnh tiệm thuốc tây Lâm Viên. Có lần Mình đi lang bang ngang tiệm của gia đình chị ta, thì bác gái ngồi bán gạo, kêu Cu mi đi mô rứa, vô đây tau hỏi chuyện. Chỉ khi đi tây mình mới hết nghe thiên hạ gọi Cu Đen. Xong om


Chúc mấy bác vui vẻ màu Xuân Con rắn. Hy vọng năm tới sẽ không gặp rắn nhiều trong vườn.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn