Tại sao chúng ta phải lên tiếng?

 Từ khi đại dịch khởi đầu năm ngoái thì tội ác, nạn kỳ thị, đối với người Mỹ gốc Á châu gia tăng khủng khiếp. Với những cụm từ Chinaflu, Chinavirus, KungFlu,...đã tạo ra một làn sóng chống đối, sợ hải, kỳ thị người gốc á-châu. Theo nghiên cứu của đại học San Bernardino, miền Nam Cali thì tội phạm kỳ thị chủng tộc đối với các sắc dân giảm 7% toàn quốc, ngược lại đối với người Mỹ gốc á-châu gia tăng 150%. Trong đó các nạn nhân phụ nữ chiếm đến 68.1%. Kinh

 https://youtu.be/oOag2ZP-KqY


https://youtu.be/XIBHsy9KhgM


Ngành nail ở Hoa Kỳ là nghề thu dụng người Mỹ gốc Việt rất nhiều, rất dễ bị phá phách. Đa số là phụ nữ làm việc trong các tiệm nail nên rất nguy hiểm cho người Mỹ gốc Việt, làm ăn trong một môi trường đầy kỳ thị, được định hướng về mặt chính trị. Không những tại Hoa Kỳ mà ngay cả ở Âu châu, chúng ta thấy những vụ bạo hành kỳ thị người á-châu xảy ra rất nhiều. Đọc báo đức ngữ, thấy tấm ảnh cô gái gốc Á, cầm tấm bảng đề “ tôi không phải vi-khuẩn” (ich bin kein virus) tại thành phố Wien, thủ đô nước Áo khiến mình lạnh xương sống. Mới đi chơi ở đây, trước vụ đại dịch xảy ra.

Xứ này và Đức quốc nổi tiếng là kỳ thị chủng tộc, đã đưa đến vụ sát hại hơn 6 triệu người gốc Do Thái. Lịch sử luôn luôn được lập lại theo chu kỳ.

Những tội ác như vụ giết các phụ nữ trong các tiệm đấm bóp ở Atlanta, tiểu bang Georgia hay xô lấn bà cụ gốc tàu trên San Francisco,... còn miệt thị hay thoá mạ khi đi đường khi lái xe thì vô số như có ông gốc mít kể, ở thành phố Ỉrvine. Ông ta đang lái xe, có bà Mỹ lái xe bên cạnh, kêu quay cửa sổ xuống rồi hét : “go back to China”, khiến ông ta giật mình rồi kêu: “I’m not Chinese”. Chán Mớ Đời 



Đối với người da trắng hay da đen hay chủng tộc nào đi nữa thì họ khó phân biệt được người gốc á châu là người Tàu hay người Việt hoặc người nhật,... tương tự người á châu khó phân biệt, người Pháp, người Ý, người Anh Quốc,...

Tuần này, mình được mời tham dự với bác sĩ Tâm Nguyễn, cuộc hội thoại trên đài truyền hình Little Sàigòn, có sự tham dự của cảnh sát trưởng và phó cảnh sát trưởng của thành phố Garden Grove, nơi có rất đông người Mỹ gốc Việt cư ngụ.

Sau một giờ đồng hồ nói chuyện trên đài, mình nhận xét lời khuyên của hai ông có quyền uy và trách nhiệm của công lực thành phố này là người Mỹ gốc á châu cần phải lên tiếng. Nếu chúng ta không lên tiếng thì nhân viên công lực sẽ không  bao giờ biết đến vấn đề, trở ngại của chúng ta đối với sự kỳ thị hay những khó khăn trong cuộc sống.

Chúng ta từng sống tại một nơi mà nhà cầm quyền, không được dân bầu lên một cách tự do, bị công an sách nhiễu, làm tiền trắng trợn, ăn hối lộ nên quen cái tính “1 sự nhịn 9 sự lành” an phận của kẻ miệng bé nhỏ trước sự trấn áp của nhà cầm quyền. Do đó chúng ta không muốn nói lên hay thưa kiện những bất công xảy đến cho mình.

Năm ngoái khi ông cảnh sát mỹ trắng đè cổ ông người da đen đến ngộp thở chết, thấy có một ông cảnh sát khác gốc á châu, đứng nhìn thiên hạ như bảo vệ ông da trắng trấn áp ông da đen. Tò mò mình xem tên thì thấy là người gốc Mường nên không quan tâm.

Sau nghĩ lại, hình ảnh của ông cảnh sát người Mường đứng canh, không can thiệp đồng nghiệp có thể đem lại một hình ảnh xấu cho người Mỹ gốc á châu nên mình bắt đầu lo ngại. Đi xa hơn một chút thì mình thấy hình ảnh của một tên nô lệ da vàng, hãnh diện làm cu-li cho người da trắng. 

Mình có dịp sinh sống tại nhiều quốc gia thì nhận thấy người Việt sinh sống tại đó, cứ khen xứ họ đang ở đẹp tốt hơn các xứ bên cạnh. Họ chỉ lập lại những gì người bản xứ nói, không hề có chút tư duy và nguy hiểm nhất là họ cứ đinh ninh mình là người Pháp, người ý, người đan mạch, chính gốc da trắng.

Nói chuyện với người Mỹ gốc Á châu thì mình có cảm tưởng họ tự cho họ là người da trắng, được người da trắng chấp nhận, thu nhận họ vào cùng đẳng cấp với họ nên hay chê bai các chủng tộc da màu khác. Nào là tụi đen, tụi Rệp, tụi Mễ,...

Có đoạn phim, một cựu chiến binh mỹ gốc á-châu, cho rằng ông ta bị kỳ thị, sống trong lo âu nhưng gần đây, sự kỳ thị gia tăng, người ta đặt câu hỏi ông ta không yêu nước, quốc gia Hoa Kỳ và ông ta cởi áo cho xem những vết thương tại chiến trường khi ông ta tham gia quân đội Hoa Kỳ trên 20 năm để trả lời những câu hỏi về tinh thần ái quốc.

https://youtu.be/zTJa_SwHcTE

Khi người mỹ kêu người á châu giỏi toán. Thoạt đầu chúng ta cho đó là một lời khen ngợi nhưng nếu suy nghĩ thêm một chút thì câu nói, lời khen tặng ấy là sự kỳ thị. Thứ nhất là câu nói “người á châu giỏi toán học” là không đúng thực tế và có sự kỳ thị, khiến con em chúng ta bị chèn ép khi vào đại học. 

Người Mỹ gốc Á châu chiếm có 5-6% dân số Hoa Kỳ. Trên nguyên tắc, chúng ta được xem là chủng tộc thiểu số nhưng khi xin tuyển vào đại học, các đại học Hoa Kỳ xem chúng ta như người da trắng, thành phần đa số. Cách đây vài năm, có một học sinh gốc đại hàn, kiện đại học Princeton. Lý do là anh ta đạt 100% điểm SAT nhưng không được nhận trong khi một bạn học cùng lớp người da trắng được nhận vào dù ít điểm SAT hơn. Mình rất vui không phải anh chàng gốc Đại Hàn kiện tụng nhưng vì thế hệ con cháu mình bắt đầu lên tiếng đòi hỏi sự công bằng cho người á châu.

Trong các kỳ thi toán quốc tế, có vài quốc gia á châu đoạt các hạng đầu đồng thời cũng có những quốc gia á châu khác về hạng thứ 38, 59, 63,... do đó không thể nói chung người á châu giỏi toán. Một nước á châu như Ấn Độ, Trung Cộng có trên 1 tỷ người thì chắc chắn họ phải sản xuất ra những người giỏi toán xuất chúng nhưng không có nghĩa là người á châu giỏi toán. Tại Hoa Kỳ cũng tương tự, trong số học sinh người Mỹ gốc á châu, cũng có chủng tộc này này học khá hơn giống dân khác của á châu.

Trong xã hội Hoa Kỳ ngày nay, người gốc á châu thường được xem là người thiểu số kiểu mẫu, làm việc chăm chỉ, học giỏi, siêng năng nhưng vào thế kỷ 18, người á châu được xem là “mongoloids “ hơi bị bệnh tàng tàng trong khi người da trắng được xem là “caucasoids “, là một con người có trí tuệ tuyệt đối.

Ông Yasuhito Takezawa có viết “Problems with the terms: “caucasoid”, “mongoloid” and “negroid”, mà người ta gọi trong môn học “Craniometry” do ông Johann Friedrich Blumenbach khởi xướng. Để hôm nào mình kể rõ vụ này hơn.

Như nói trên, người Mỹ gốc á châu, được người da trắng xem như một loại người thiểu số kiểu mẫu, để các chủng tộc khác noi theo. Như thể ngầm bảo các chủng tộc khác, bọn da vàng á châu làm được thì tại sao chúng mày không làm được. Tạo dựng một huyền thoại về người á châu như thể “khử-nhân-tính” họ. Họ chỉ biết giỏi toán ngoài ra không biết gì hết khi người ta gán cho những người giỏi toán là “nerd “, những người đại thông minh, những kẻ không biết gì về nhân văn, diễn đạt như trong các phim “ a beautiful mind” do Russell Crowe đóng vai ông giáo sư toán bị điên.

Chúng ta nghe người Mỹ khen là da vàng học giỏi thì vui và hãnh diện vô hình trung tạo áp lực cho con cháu chúng ta vì thực tế không phải vậy. Khi xưa mình học dốt nên phải theo học ban B vì không muốn gạo bài như ban A, hay giỏi sinh ngữ, viết luận văn hay để theo ban C.

Trong những ngày vừa qua, sau vụ sát hại mấy người á châu ở Atlanta, chỉ có truyền thông người da trắng lên tiếng còn ngoài ra không thấy các tổ chức người Mỹ gốc á châu lên tiếng hay xuống đường biểu tình. Có người nói với mình là thằng nào giết mấy người gốc đại hàn rồi nhún vai, xem như mình là người da trắng.

Một tên kỳ thị đâu có phân biệt người gốc tàu, gốc đại hàn, Việt Nam,... hắn chỉ thấy da vàng là rút súng ra ria một băn đạn. Mình không thấy cộng đồng người Việt xuống đường lên tiếng như năm ngoái họ xuống đường ủng hộ hay chống đối ông Trump. Vấn đề quan trọng nhất cho thế hệ mai sau là kỳ thị chủng tộc.

Chúng ta thấy cách tuyển lựa vào đại học, người á châu không được xem là thiểu số dù người Mỹ gốc á châu chỉ chiếm 5-6% dân số Hoa Kỳ. Người gốc da đen, Mễ la tinh được xem là thiểu số khi họ chiếm 15-45% dân số Hoa Kỳ. Đi làm, họ sẽ viện cớ là á châu, có thể là làm gián điệp cho Trung Cộng, thế là hết lên chức hay được cho vào những chức vụ cao, hợp với khả năng của mình. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tiên Bán Phở Hậu Học Văn

Anh Hàng Phở

Hôm nay, mình ghé lại tiệm phở của một anh quen vì có khuyến mãi 50%. Anh này khi xưa là kỹ sư sau này già, bị hãng sa thãi, không kiếm được việc. Lấy tiền hưu để dành, nghe lời mấy tên bạn khuyến khích, mở hàng phở nên giờ đây, ngồi ngáp ruồi. Dạo còn đi làm thì anh hay nấu phở mời bạn bè đến ăn thì cái đám cô hồn, chim tinh gia này cứ khuyên anh ta mở hàng phở nhưng khi anh ta mở tiệm thì không có tên cô hồn nào đến ăn. Như ai nói; thù ai thì khuyến khích họ mở tiệm ăn.

Khi mình đến thì thấy anh ta đang ngủ gật trên ghế. Nghe tiếng động, vội vàng thức giấc, vừa chủ vừa đầu bếp vừa bồi bàn. Mình gọi tô phở gân sách vì nghe nói ăn gì bổ nấy nên mình ăn gân cho bổ gân già, ăn sách cho bổ bao tử, hắn không nấu ngầu pín, kêu ít ai ăn vì đa số thực khách nam bị tiểu đường. Anh ta chạy vào bếp nghe nồi niêu xoong chảo hát hò lon con gì thì 5 phút sau bưng ra tô phở nóng thơm lừng lựng, thêm đĩa hành trần không nước béo.

Thật ra, phở Bolsa thì ngon nhất Hoa Kỳ nhưng ăn riết thì cũng chán, không cần phải đổi tiệm. Anh này chưa có máu tham lắm nên nghèo, không bỏ bột ngọt. Mình thấy mấy tiệm kia chất đầy bao bột ngọt trong cầu tiêu. Mình hay ra đây ăn vì có ông chủ thích tâm sự. Mình lại thuộc dân thích hóng chuyện nên xem như tâm đầu hợp ý, cho qua nhưng lo nghĩ về trả tiền tiệm, tiền thịt.

Mình bẻ rau bỏ vào to, chút chanh, chút ớt xanh, trộn đều lên, chưa kịp ăn thì anh ta đã xà xuống ngồi đối diện mình, khuôn mặt có vẻ khẩn trương, lập cập rồi kể mới nằm mơ thấy ông Khổng Khâu về. Mình chưa kịp nhai miếng gân thì anh ta đã vội vàng kể; đang nằm ngủ vì cửa hàng ế khách thì bổng thấy một ông tàu râu ria dài thòng lòng, chống gậy đi vào, vuốt râu bảo sao mi không chào ta. 

Mày không nhớ câu thánh hiền dạy: “Tiên học lễ, hậu bán phở”. Mày không chào thực khách thì chúng cảm thấy mất giá trị nên không trở lại. Một là mày chào khách hai là mày chửi chúng như bọn bún mắng cháo chửi tại Hà Nội. Khách vào mày mắt lờ đờ như nghe tin vợ ốm nghén thì sao mà khá.

Anh ta chưa kịp hoàn hồn thì ông ta tự xưng là "Không Chết" mà bọn biết chữ bên tàu cứ gọi là Khổng Tử, tên ông là Bất Tử nghĩa là không chết nhưng chúng viết lộn chữ Không thành Khổng. 

Ông Không Chết tự giới thiệu làm anh ta hoảng hồn vội chạy vào bếp pha cà phê rồi đem ra mời ông Không Chết. Anh ta chế một tí cà phê để tráng cái tách rồi hất đổ xuống đất rồi chế cà phê, mời ông khách râu dài. Ông này vuốt râu, từ từ nói khá khá, ngươi bán phở mà biết "trà đạo" của ta, khen cho ngươi. Anh ta ngơ ngác thì ông Không Chết bảo; theo đạo trà thì người ta không uống nước thứ nhất mà rãi xuống đất để tạ ơn Đất Trời đã giúp nuôi trà lớn. Anh hàng phở bảo thưa không, con ngu dốt không biết trà đạo, con đổ nước thứ nhất vì tráng cái tách sợ còn dính xà bông, sợ bị nhiễm cô-vi, ông uống mất vệ sinh chớ có biết trà đạo khi nào.

Ông khách Không Chết như người ở lại Charlie, uống một ngụm thì bảo đây là trà Ô Long , trà rồng đen ở vùng Giang Nam. Anh hàng phở thưa cà phê phin của Đà Lạt, chớ không phải trà rồng đen. Khi xưa, con cháu của ông sang cai trị nước chúng con thì bắt mua trà uống, nhất là cái đám biết chữ Hán, cứ ngồi rung đùi, ngâm thơ Lý Bạch để uống trà, tư tưởng và văn hoá từ từ bị nô lệ, hán hoá, cái gì cũng Tầu là nhất. Sau này thì Tây mũi lỏ sang cai trị, chúng không uống trà nhưng lại uống cà phê nên đám sĩ phu theo tây học lại bắt chước chủ của họ uống cà phê, đọc thơ Lamartine, vỗ đùi khen hay hay tuyệt tuyệt. Cái gì của Tây là nhất!

Nhân cơ hội này, anh hàng phở muốn tìm hiểu về Tứ thư Ngũ kinh nên hỏi thầy Không Chết. Ông Không Chết bảo bọn cai trị nước ông ta xây dựng mỗi nước trên thế giới mấy cái viện Không Chết nên bắt ông ta đi tuần tra xem có đúng như ý nhà nước vạch định hay không nên hôm nay sang Los Angeles xem xét thì khi bay qua vùng Bolsa thấy thơm mùi phở bò nên ghé lại. Âu cũng là duyên nên ta kể cho người sự thật về ta.


Ta sinh ra tại nước Lỗ sau này bị người Hán chiếm đóng và bị Hán hoá sau vài đời. Lúc nhỏ ta đi học ra làm quan nhưng một hôm cãi không lại một tên bán thịt lợn vô học, giận quá nên ta khệnh hắn bằng cái bình trà. Không ngờ hắn lăn ra chết cái đùng, ta phải kêu bọn công an có mặt tại hiện trường, bày mưu, tạo ra cảnh hắn tự tử chết, kêu thân nhân đến lãnh xác về.

Có thằng muốn cái chức của ta nên báo với quan trên nên vua đuổi ta đi. Ta đi sang mấy nước khác theo tinh thần lao động quốc tế, kiếm cơm thì không ai nhận cả vì cái résume , có chút đen tối của ta, giúp người tự tử thì gặp một tên chết  sắp ngoài đường thì ta cứu sống nên gọi hắn là Tử Lộ. Tên này cũng đói nên đi theo ta rồi dây dưa thêm vài tên khác. Cuối cùng ta được làm quan vì một ông chúa cần một tên làm lễ tế văn đàn và quên xem resume của ta, có người nhà chết bệnh dịch nên phải lo ma chay nhiều cho nên ta mới kêu "tiên học lễ hậu học văn". 

Sau đó, ông vua xứ này tìm được một tên tư duy đột phá ra câu "tiên học phí hậu học văn", muốn đi học thì phải đóng tiền, không được miễn phí như xưa, làm giàu cho vua nên đuổi ta. Già rồi nên ta muốn trở lại quê hương để chết thì không ngờ mấy tên quân tử cũng đói như ta, kêu gào quân tử ăn bất cầu no, đi theo. 

Về quê thì ta mở trường dạy học, bỏ mộng làm quan. Học trò đến đông không phải vì ta giỏi mà học trò thích nghe ta kể chuyện phiêu lưu lúc ta đi xứ này xứ nọ kiếm ăn hay chuyện tếu. Dạo đó chỉ đi bộ, giàu thì có ngựa hay xe bò. Mấy tên học trò đề nghị ta ghi lại trong cuốn sách để lở sau này ta chết thì không còn ai nhớ để kể chuyện xưa.

Ta viết bằng tiếng xứ ta thì có mấy tên học trò như Chết Đường, Chết Mạnh,..., lại không hiểu thổ ngữ xứ ta nên phải dịch ra 4 thứ tiếng cho 4 thằng học trò, nhạc để hoà tấu khi làm đám ma gọi là Ngũ Cung  đem về quê hương của chúng để dạy học nên từ đó dân gian nghĩ là ta đã viết Tứ Thư Ngũ Kinh, thật ra là Ngũ Cung chớ không phải Kinh. Nói tới đây thì ông Không Chết bảo đi đường từ Trung Quốc sang mà đám tàu không bồi dưỡng gì cả nên đói, vô bếp làm thêm cho ông tô phở rồi sẽ kể tiếp. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Cha con trồng bơ cho tương lai

 Cuối tuần này, mình kêu hai đứa con lên vườn hái bơ. Mình nhắn tin là rời nhà 7:30 sáng. Con gái xin rời nhà 8:00 giờ vì có trận đấu tối thứ 6, coi với bạn nên về trễ. Mình nhất trí. Con gái tốt nghiệp USC ra mà mình cũng bắt làm nông dân, lái xe máy cày mút mùa lệ thuỷ vào cuối tuần. Thằng con kêu “it’s not easy to be your son” , làm con của mình rất khó.

Sáng thứ 7, 3 cha con lên đường còn đồng chí gái thì còn ngủ, hẹn đi chơi với bạn hay chi đó. Đồng chí gái chỉ lên vườn khi nào có bạn muốn lên chơi còn thì không thích nghề làm nông. 3 cha con hái bơ để bán cho các người bán bơ ở chợ nông dân (farmers market) . Họ đến vườn mình lấy bơ rồi đem ra chợ bán giá gấp 3.



Trong khi hai đứa con hái bơ còn mình thì đi vòng vòng cưa cây, nhánh khô. Được cái là hai đứa con theo kiểu nghề dạy nghề, tìm ra cách hái cho nhanh nên cũng vui. Hái được 7 thùng trong vòng 3 tiếng, bán được $210. Hai anh em chia nhau. Mình cho chúng hết tiền bán bơ để từ từ kéo chúng lên làm vườn cuối tuần rồi khi tới mùa hái thì chúng hái lấy tiền, dần dần chúng thay thế mình luôn.

Lúc đầu mua vườn này để xây 300 căn hộ nhưng nay chả thích nữa, lại thích làm nông dân nên mình đặt mua thêm cây bơ giống tốt để trồng thêm vào cuối năm nay. Mới trồng được 50 cây bơ, loại khác Hass, như Bacon, Duerte ăn rất ngon, béo hơn Hass và cuối năm nay thì có thêm 250 cây nữa. Thấy trồng cây, học hỏi thêm về canh nông, đời sống con người qua cây cỏ thấy hay hơn là cứ bám vào xây nhà cửa.

Mình mới xin được tiền chính phủ, để thay lại toàn bộ hệ thống tưới nước nên hết lo ngại các con thú cắn phá hệ thống tưới. Tuần tới sẽ gắn hệ thống có chức năng để tự động tắt nước khi độ ẩm của đất vừa đủ khi nước tưới thấm đất. Hy vọng sẽ bớt tiền nước. Hy vọng sẽ tìm ra cách dùng năng lượng mặt trời để sử dụng Wi-Fi giúp mình tự động tắt mở hệ thống tưới nước từ nhà, đỡ mất công chạy lên vườn.

Hệ thống theo dõi độ ẩm của đất để giúp mình biết khi nào tắt nước và mở nước, sử dụng hệ thống Internet, tốn độ $6,000. Đang xin thêm tiền chính phủ để bố trí hệ thống này nhưng có lẻ sẽ làm vào cuối năm vì nay đã tháng 4 nên trời nắng, cây cần nước. Hệ thống này tốt khi nào trời vào thu hay mùa đông, còn mùa hè thì luôn luôn cần nước vì bốc hơi nước.

Hiện tại các cây bơ quá già và cao nên mình phải từ từ cắt ngắn để cho các nhánh cây mới mọc ra để ra trái nhiều hơn. Khi nào thực hiện xong phần này thì thu hoạch sẽ cao hơn hiện giờ và nhanh nữa.

Hôm qua, đi ăn ở nhà bạn đồng chí gái, mấy người bạn kêu nên làm cái hồ nuôi cá, chỗ picnic rồi cho thiên hạ vào câu cá, picnic, hái trái vào mùa vì người Việt không biết đi đâu chơi. Thành lập một khu vườn cho thiên hạ đến du lịch sinh thái cuối tuần, vừa xem vườn, vừa xem các tổ ong, câu cá, nấu nướng ngoài trời,... Nói cho ngay mình hết ham làm giàu. Năm ngoái đồng chí gái đau một trận, khiến mình suy nghĩ lại các dự tính. Kiểu này, chắc khi đồng chí gái về hưu thì dẫn nhau đi chơi, đến khi mỏi chân, không lết nữa chớ chả muốn bỏ tâm trí làm giàu nữa.

Được cái là từ mấy năm nay, mình tìm ra cái thú kể chuyện đời xưa nên cũng có việc để làm cho qua ngày từ khi về hưu 10 năm nay. Nay tính mỗi tuần, bỏ ra vài tiếng đồng hồ, ra biển đi lượm rác trên bãi biển cho vui đời. Tự tạo dựng một định hướng trong cuộc đời, làm cái gì để làm đẹp đời hơn. Vừa đi bộ vừa hít gió biển vừa làm việc gì cho có ý nghĩa cuộc đời. Mỗi thứ 6, mình sẽ đi hay thứ 4.

Đang tìm cách chuyển dần trách nhiệm sang cho hai đứa con.

Mình thì tính xây một trung tâm văn hoá Thuyền Nhân nhỏ ở vườn, cộng vài cái nhà nhỏ để ai muốn mướn để ở vài ngày, tu thiền,... vườn sẽ hái quả để nuôi trung tâm văn hoá này. Có thể sẽ khai thác vấn đề người Việt hay du khách đến đây để viếng, picnic, ở lại, hái trái,...để tụi con lo vụ này, tạo dựng một legacy cho gia đình mình, cha truyền con nối đến đời cháu mình sau này.

Trong tương lai thế hệ cháu mình sẽ về nguồn và cần các trung tâm văn hoá như vậy. Quan trọng là kiếm tiền để lo các sinh hoạt của trung tâm. Do đó dùng vườn bơ để nuôi các sinh hoạt của trung tâm văn hoá, không cần phải đi xin xỏ thiên hạ.

Nguyễn Hoàng Sơn 


Nhìn từ vườn mình. Có nhà, ai vô đây ở cuối tuần nhìn phong cảnh cũng đẹp


Ông mỹ nuôi ong để lấy mật ong nguyên chất. Ai cần mật ong thì nói mình sẽ mua dùm từ ông này. Bảo đảm nguyên chất

Hội thoại với cảnh sát trưởng thành phố Garden Grove

 Hôm qua, mình được mời tham dự buổi hội thoại với cảnh sát trưởng và phó cảnh sát trưởng của thành phố Garden Grove, cùng với bác sĩ Tâm của trường thẩm mỹ trên đài truyền hình Little Sàigòn. Chủ đề buổi hội thoại về các tội ác kỳ thị với người á châu. Lúc đầu, nghe nói có hai vị luật sư gốc Việt sẽ tham gia chương trình nhưng sau đó không hiểu sao, họ lại mời mình và bác sĩ Tâm. Mình thì sai đâu đánh đó, nông dân miệt vườn bơ. Trong ngày làm nông dân, chạy về sớm, cạo râu, lên đồ, thắt nơ bú xua la mua lên truyền hình. Chán Mớ Đời 


https://youtu.be/oOag2ZP-KqY


https://youtu.be/d0opjGO_E6k



Mình cho hai ông cảnh sát xem hình ảnh nhân viên của hai ông ta đeo khẩu trang do Bút Nhóm Lửa Việt thân tặng năm ngoái khi đại dịch xẩy ra qua chương trình Masks Save Lives. Hai ông này này cảm ơn sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt trong thời gian qua.

 https://youtu.be/oOag2ZP-KqY


https://youtu.be/XIBHsy9KhgM


Khởi đầu, cảnh sát trưởng giải thích sự khác biệt giữa “Hate Crime” và “Hate Incident”. Hate Crime là đánh đập,... còn Hate Incident như thoá mạ. Mình dịch là chửi nên chị chủ nhóm nhắc khéo mình. 47 năm qua mới nghe lại cụm từ “thoá-mạ” của người Huế hay dùng. Hình như có cụm từ “miệt thị” của người Bắc.

Bác sĩ Tâm có làm việc với hai ông này trong một chương trình họp báo khác trước đây. Mình hỏi về tỷ lệ các vụ kỳ thị đối với người á châu gia tăng 150% từ khởi đầu đại dịch, phụ nữ chiếm 68.1%  của những sự kiện này, xin họ cho biết phương cách nào để phòng ngừa những vụ này xẩy ra.

Họ cho biết là chúng ta cần phải liên lạc với họ vì nếu chúng ta không thông báo thì không có cách nào để họ biết và ngăn ngừa. Cứ liên lạc điện thoại của thành phố sẽ có người trả lời bằng việt-ngữ 714-741-5704. Ngoài ra họ có một người mỹ gốc Việt tên Kelly Huynh, đặt trách về vấn đề phòng ngừa các nạn kỳ thị người á châu.

Họ cho biết năm vừa qua, tại thành phố Garden Grove có 5 vụ kỳ thị xẩy ra. Họ có thành lập các khoá huấn luyện tự vệ do các võ đường người Việt tại khu Little Sàigòn hướng dẫn. Họ nhắc lại chúng ta phải gọi cho họ để họ biết cho dù một việc rất nhẹ như gặp ai thoá mạ mình ngoài đường để họ đến và cảnh báo người kỳ thị vì có thể bị rắc rối với pháp luật.

Chương trình gồm 20 phút nên phải quay thành hai chương trình. 1 sẽ được phát sóng tuần này và một dành cho tuần sau. Hỏi một câu, là thấy mất 10 phút nên tụi này làm luôn 2 cử, 40 phút để giải thích cho rõ đề tài. Trước đây, chỉ mới chào hỏi là hết thời gian thêm mình không phải đến đài để thu hình 2 lần một tháng. Đây cứ làm một lần cho một tháng, khoẻ ru đời.

Như hai ông cảnh sát trưởng và phó nói; chúng ta cần phải lên tiếng. Nếu chúng ta im lặng thì không ai biết. Mình có nói đến vấn đề người Mỹ gốc việt đến Hoa Kỳ, từ sống trong một chế độ áp bức, người ta không tin tưởng vào công an, Hà Nội do đó họ ngại vì sợ bị trả thù.... hai ông này nói là trách nhiệm của họ là bảo vệ người dân, bất kỳ một chủng tộc, nói Nôm na như Việt Cộng là “đầy tớ của nhân dân” theo nghĩa của chế độ dân chủ. Họ nói chúng ta phải lên tiếng thì họ mới biết để giúp đỡ nạn nhân và tránh lập lại trong tương lai.

Mình cũng nhắc đến là khi mình chuyển sang Cali thì băng đảng hoạt động khá mạnh ở các thành phố của khu Little Sàigòn nhưng nay thì các tệ đoan này giảm rất nhiều. 

Câu hỏi cuối cùng là họ có một chương trình hành động nào để tránh cảnh bạo loạn như năm 1982, các người da đen đốt phá khu thương mại của người á châu. Mình có ông anh vợ, có tiệm bị đốt cháy trong vụ này, sau phải dọn đi vùng khác cho yên thân.

Họ cho biết là đừng có lo ngại, họ có chương trình hành động khi có bạo loạn. Họ đương cử trước đây có một vụ xuống đường lên đến 7,500 người, nhưng chỉ có một vụ xịt sơn trên xe thiên hạ. Ông phó cảnh sát trưởng, chuyên lo về băng đảng và bạo loạn.

Qua vụ đối thoại, mình học được một điều là chúng ta phải lên tiếng dù chỉ bị thoá mạ như “go back to China”. Đừng có kêu “tôi không phải người Tàu”. Đối với các chủng tộc khác, họ không thể nào phân biệt được người Tàu, người Việt hay người Thái, người PHi,... đối với họ, người gốc Á châu là người Tàu. Tương tự đối với chúng ta, khó phân biệt người Đức, người Pháp, người Ý đều là người da trắng.

Không phải chúng ta ghét tàu rồi kệ. Chúng ta phải lên tiếng nhất là phải đồng hành với người Mỹ gốc tàu tại Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi của mình trên đất nước này vì quyền lợi chung của người Mỹ gốc á châu. Sẽ kể rõ hơn trong bài khác.



Mình thấy chị chủ nhóm, chịu khó mời các nhân viên công lực để chúng ta có thể tham khảo về vấn đề quan trọng này mà ít ai dám hỏi. Rất nên được khuyến khích, để giúp cộng đồng người Mỹ gốc việt đi vào dòng chính của Hoa Kỳ thì con cháu của chúng ta mới thăng tiến trong xã hội này.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Giải khát nước ngọt trước 75

 Giải khát trước 75

Nhớ dạo sang Maroc, khi xe đò ghé lại Marrakech, mình gặp một tên xe ôm người Maroc, hỏi nhà trọ thì hắn chở mình về nhà của hắn ở trong hẻm, đầy bụi đỏ. Vào nhà hỏi thăm gia đình nó xong thì ông bố của hắn, kêu thằng con nhỏ chạy đi mua chai nước Coca để mời mình. Tương tự khi xưa, khách quý đến nhà thì ông bà cụ kêu mình chạy đi mua ở quán trong xóm chai nước cam hay chai la ve.

Vấn đề vệ sinh nên mình không uống, vì không biết đá làm bằng nước gì, sợ đau bụng, chỉ xin nước trà đường của họ. Dân xứ này gọi trà là “chai”, phát âm của tàu về trà nhưng họ lại bỏ đường và lá rau thơm. Họ pha xong bỏ trong cái bình có cái cổ cao rồi chế vào ly từ xa rất điệu nghệ mà sau này khi xem phim về Trung Đông, mình vẫn hay bắt gặp cảnh này.

Về Việt Nam lần đầu mình cũng bị chửi là làm bộ, ta đây Việt kiều. Đến thăm gia đình ông cậu, họ sai thằng em họ đi mua nước ngọt, mình sợ uống đá đau bụng nên chỉ xin trà nóng. Sau này bà mợ đi H.O., sang Hoa Kỳ, mới kể là lúc ấy, mợ không biết nên căm thù thằng cháu Việt kiều. Mình chỉ biết cười vì về Đàlạt mình bị Tào Tháo rượt suốt 10 ngày trời, không ăn uống gì được. Về lại Mỹ, đồng chí gái không nhận ra mình khi đón ở phi trường .

Mình sinh sau trận Điện Biên Phủ, thực dân Tây bỏ thuộc địa của đế quốc họ, về nước khá nhiều trên thế giới trong đó có Đông Dương nhưng tàn tích của chế độ cũ vẫn còn đến khi quân đội mỹ đổ bộ tại Đà Nẳng, văn hoá Mỹ mới từ từ xoá dần tàn tích của chế độ thực dân đến 1975.

Hồi nhỏ vào các dịp Tết thì mình mới có dịp uống nước ngọt mà dạo ấy chỉ thấy khi nhà có giỗ, mua la de Con Cọp hay 33, nước cam vàng hay xá xị, để đãi khách, hình như công ty nước ngọt này độc quyền tại Miền Nam. Dạo ấy chưa có Coca Cola hay RC Cola, Fanta,… nếu mình không lầm thì Fanta được chế biến bởi hãng Coca Cola tại Đức, trong thời gian Hitler cầm quyền. Công ty Coca Cola tại Đức, không được tiếp tế chất Coca Cola từ Mỹ nên họ lấy trái cây địa phương để chế thành nước Fanta, màu vàng để bán cho người đức. Coca Cola có mặt tại Sàigòn lần đầu tiên năm 1960.

Có một tên lính Tây, tên Victor Larue, sang Đông Dương, khi giải ngủ thì ông thần này ở lại Việt Nam và thành lập một công ty bán nước đá, được gọi là Brasseries Glacières de l’ Indochine (BGI) vào năm 1875. Lúc đầu chỉ bán nước đá, sau mới sản xuất thêm bia từ năm 1909. Có nhiều giải thích lý do người Việt khi xưa gọi bia là La-de. Người thì nói là từ tiếng tây “la Bière ‘, người thì nói từ chữ Larue, tên của ông chủ mà người Việt đọc là La Ru E. Theo mình thì có thấy một tấm quảng cáo ngày xưa “LAVE LARUE”, chắc họ quảng cáo bia với slogan “lave” nghĩa là lau, hàm ý rữa sạch phiền muộn với Larue? Nên từ đó người Việt gọi LAVE thành La De? Không sống thời thực dân nên chịu, ai biết cho em xin.




Chai nhỏ 33 thì họ gọi la-de 33, vì chứa 0.33 lít còn để xuất cảng thì gọi 33 Export nhưng người Việt tiêu thụ nhiều nhất là bia Con Cọp, chai to 66 cl. Mình nhớ trên cái chai, có hình con cọp với hai nhánh hoa Houblon để làm bia, giống trái thơm còn nhản bia 33 thì có đủ thứ tiếng, đề Bière, Bia, Beer, Bir, Birra, cứ uống La De xong là ai nấy đều biết 5 ngoại ngữ. Hình như để chuyên chở, họ bỏ trong mấy cái thùng gỗ cao độ 10 cm, chia làm 24 ngăn cho 24 chai thì phải. Lâu quá không nhớ số chai. Ai ngày xưa, nhà có bán nước ngọt thì chắc nhớ, cho xin. 1975, hãng BGI được 100 tuổi và bị Việt Cộng tịch thâu, hình như nay vẫn còn bia của hãng này do công ty Heineken làm chủ.


Nhà máy sản xuất bia BGI khi xưa ở bến Chưng Dương


Ngoài ra họ còn bán nước cam vàng và xá xị mà khi xưa mình thèm nhỏ nước miếng luôn đến khi quân đội Mỹ sang thì mới phát hiện các lon nước ngọt như Fanta, RC Cola,… không cần có đồ khui, chỉ cần khưi cái miếng nhôm nhỏ có cái lỗ lên rồi kéo lên là nghe cái póc rồi hơi ga ào ào chảy ra, đưa tới miệng tu một tràn như người đi trong sa mạc. Nếu mình không lầm, dạo ấy có loại nước cam vàng do hãng Bireley’s thì phải, trong chai. Qua Mỹ thì tìm không ra, vì đã bị hãng khác mua ngược lại Xá Xị thì có Dr Pepper có màu vị tương tự.

Quảng cáo đẹp nhất, người lính mỹ tại chiến trường Việt Nam với chai coca cola

Loại chai bằng ve chai, được đựng trong cái thùng bằng gỗ 24 chai

Nhớ Tết năm nào, bà cụ mình làm chả thủ và thịt đông cho mấy ngày Tết. Mình tự cho là lớn nên lấy lon bia Hamms thì phải, rồi lấy chả thủ ăn và uống bia như người lớn. Bia tuy đắng nhưng mình cũng chịu khó nhăn mặt tu được 2 ngụm, sau đó say, mặt đỏ leo lên giường ngủ tới sáng hôm sau, đầu nhức quá nên từ dạo ấy chừa uống bia. Lần đầu cũng lần cuối tương tự hút thuốc, thấy đắng nghét nên cũng thử một lần rồi không đụng tới giờ.

Theo các tài liệu mỹ thì dạo ấy, mỗi lon bia mỹ, quân đội mỹ chỉ trả có 15 xu nên họ uống rất nhiều nhất là loại bia lạnh. Có dịp mình kể về người Mỹ tiêu thụ bia thời chiến tranh tại Việt Nam.

Hình như đồ mỹ rẻ hơn nên dần dần thấy người ta tiêu thụ nước giải khát của mỹ, có lẻ lính mỹ nhận được nhưng không dùng hay nhiều nên kêu mấy cô Me Mỹ, đem ra chợ trời bán rẻ. Nước ngọt hay la de của BGI, có cái bất tiện là phải đóng tiền thế chân, khi nào đem trả chai không thì chủ quán hoàn lại tiền còn uống bia lon giản tiện hơn, không phải nộp tiền đặt cọc vì vậy sau Mậu Thân chỉ thấy toàn đồ mỹ.

Hình như sau này, VNCH có ra hàng Quân Tiếp Vụ cho lính mua nên có La De Quân Tiếp Vụ cũng do hãng BGI sản xuất rồi thuốc lá nữa, không hút thuốc nên không nhớ lắm. Kiểu họ bắt chước quân đội Mỹ với hàng PX, bán cho quân đội rẻ hơn, để giúp binh lính trong thời buổi kiệm ước vì dạo ấy lạm phát kinh hoàng.

Dạo đi Ninh Chữ, trong xe DQT bổng nhiên đọc bài thơ Bastos Luxe, lấy những chữ của hiệu thuốc lá để làm thơ  khiến cả đám trong xe cứ u chầu u chầu:

Buồn những lúc cô đơn gối chiếc

Ánh lửa tù che hết nẽo tương lai

Song cửa sắt ngăn đôi đời du đảng

Tiếc làm gì khi mối tình ta tan vỡ

Sống làm gì với kiếp lang thang

Lời hẹn ước năm xưa em còn nhớ

U sầu buồn hởi cố nhân

Xe hoa đón rước người em gái

Em đã sang ngang lỗi hẹn thề

Khi sang Tây, mình cố tìm nước cam vàng hay xá xị thậm chí bia Con Cọp của BGI nhưng không ra, mới hiểu là của tây thuộc địa làm nên xứ Phú Lang Xa không biết đến, ngược lại xứ Tây có vô số loại bia, thêm vào bia từ các nước lân cận như Anh Quốc, Đức,…đầy tràn nên bắt đầu quên sản phẩm BGI từ đó đến nay. Người Tây ít uống bia, họ uống rượu đỏ nhiều hơn, chỉ những vùng cận biên giới Bỉ và Đức thì người ta uống bia nhiều mà người đức có lễ hội Bia nổi tiếng vào tháng 10 mỗi năm, được gọi là Oktoberfest mà chưa bao giờ tham dự.

Dạo ấy có công ty Orangina, quảng cáo rất nhiều về nước cam, sau này ở Hoa Kỳ, lâu lâu thấy loại nước này thì mua cho vợ uống hay nước suối Perrier, ai ngờ đồng chí gái lại thích đồ tây, đắt tiền hơn, cứ đi Costco là mua. Chán mớ đời.


Sau này mình có học lớp về Marketing, ông thầy giải thích là các món đồ thường hay được phụ nữ mua, họ hay làm theo hình ảnh dương vật như mấy chai Shampoo, xà bông,…. Orangina ra đời, cái cổ chai làm tựa tựa dương vật nên trong tiềm thức được các bà bên tây ưa chuộng vì cầm cái gì thấy quen quen. He he he. Hay loại chai nước Perrier,…

Hình như BGI, sau khi Pháp trao trả độc lập lại cho Việt Nam thì từ Indochine, được đổi thành International thì phải. Nước bên tây có ga còn đắt hơn cả rượu, loại ăn cơm (vin de table) nên mình cũng ít uống nước ngọt nên không nhớ.

Bên Âu Châu, người ta uống nước giải khát hay bia không có đá, chỉ bỏ tủ lạnh rồi uống. Khi sang mỹ, mình thấy họ bỏ một cái ly cối đầy áp nước đá rồi mới chế nước ngọt vào thì kêu bọn đế quốc này, gian ác thật. Ăn gian nên mình uống từ từ, ai ngờ mới được hai hớp, cô chạy bàn ghé lại tọng thêm nước coca vào, đá lổm cổm chạy vào ly. Bên mỹ ăn uống thả dàn, một giá tiền do đó dân mỹ mập phì.

Nhớ có bấy nhiêu.

Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hình ảnh Đàlạt xưa #8

 Tuần này mình tải mấy tấm ảnh cũ của khu phố người Việt đầu tiên tại Đàlạt ở ngay hồ Xuân Hương ngày nay. Sau cơn bão năm 1932, khiến cái đập của hồ Lớn (Grand Lac) bị vỡ và làm thiệt mạng 15 người Việt, nên người Pháp cho dời khu phố người Việt lên khu Hoà Bình ngày nay.



Khi người Pháp muốn thành lập Đàlạt thành trung tâm nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đông Dương thì họ làm cái đập ngay chỗ ngã 5 khách sạn Palace, biến thành một hồ lớn mà họ gọi là Grand Lac, dành riêng cho người Pháp và người âu châu sử dụng. Khu vực dành cho người Pháp là trên các vùng đồi như khách sạn Palace, chạy dài suốt đường Trần Hưng Đạo đến Hùng Vương về phía Cam Ly, đường Pasteur,....

Tấm ảnh này cho thấy cái đập, vừa là con đường chạy từ ngã 5, chỗ cây xăng Esso khu xưa, chạy qua hồ Xuân Hương, đến bùng binh Đinh Tiên Hoàng. Có một khúc để nước thông qua khi họ xả đập,.. phía gần bùng binh Đinh Tiên Hoàng. Lúc này ta thấy Thuỷ Tạ chưa được xây cất. Sau này, họ phá cái đập đi thì mới xây trung tâm thể thao thuỷ tạ. Hồ này, người Pháp gọi là HỒ Lớn (Grand Lac).

Cận cảnh cho thấy rõ hơn Thuỷ Tạ chưa được xây và con đường cùng cái đập của hồ Lớn chạy qua bên kia hồ. Khi họ làm ốc đảo Thủy Tạ thì nước lũ chảy mạnh chảy về khu vực này mạnh, phần đất bồi đã bị dẹp bỏ nên rất yếu khiến cái đập bị vỡ làm ngập phần hồ nhỏ (petit lạc) ở khu vực người Việt sinh sống làm chết 15 người nên người Pháp phải phá vỡ cái đập này dời về cầu Ông Đạo, nới rộng hồ ra. 

Hình này khúc máy bay trực thăng đậu trước 1975, có hai ông tây, mình đoán là hai ông kiến trúc sư tây, thiết kế nhà ga xe hoả Đàlạt . Thấy cuối cái đập khúc để nước xả nước xuống hồ nhỏ (Petit LAc) khu vực người Việt sinh sống . Xem phần sau.


Hình này cho thấy cái đập từ bùng binh khách sạn Palace chạy qua hồ Lớn đến bùng binh Đinh Tiên Hoàng. Thấy cận cảnh chỗ xả nước hồ xuống phía hồ Nhỏ, bên tay trái, khu vực người Việt sinh sống. Trên đồi thấy dãy nhà của lính tây, về đó nghỉ dưỡng. Sau này, là nhà lao để người Pháp nhốt tù. Mẹ mình bị bắt và bị nhốt tại đây mấy tháng, may được ông Võ Quang Tiềm, nhờ ông thị trưởng Cao Minh Hiệu, can thiệp mới được thả.

Hình này chụp từ khách sạn Palace xuống khu vực người Việt sinh sống, vùng hạ lưu của con suối Cam-Ly. Ta thấy cái hồ, được người Pháp gọi là Petit Lac, nằm từ phía bên kia cái đập hình trên đến chỗ cầu  Ông Đạo sau này. Thật ra hồ nhỏ này rất ít nước vì nước đã bị chận bởi Hồ Lớn phía trên. Chỉ khi nào mùa mưa thì mới có nước nhiều.

Cận cảnh cho thấy khu chợ búa của người Việt trước vụ bão lụt 1932. Bên tay phải là đường chạy từ bên hồ kia qua, đến đường Võ Tánh sau này. Phía xa trên đồi là dinh tỉnh trưởng sau này.


Không ảnh này chụp khi Hà Nội cho vét hồ Xuân Hương, giúp chúng ta thấy rõ cái đập đầu tiên, nằm bên trái của Thuỷ Tạ, chận và chia thành hai cái hồ: Grand LAc và Petit Lac. Phía trái, có khúc đỏ là cái đập thứ 2, để chận làm hồ nhỏ (Petit lac), sau 1932 bị vỡ, và người Pháp cho xây cái đập cầu Ông Đạo ngày nay., chỗ đề tên đường Lê Đại Hành.


Đây là hình của cái đập xả nước khu người Việt chỗ hồ nhỏ (Petit Lac), chỗ hình màu đỏ ở trên. Sau đó thì người Pháp cho xây cầu Ông Đạo vào năm 1934-1935.

Bản đồ này hơi sơ sài, nhưng cho ta thấy hồ lớn (grand Lac) còn hồ nhỏ (Petit lac) không bao nhiêu nước nhưng cho thấy rõ con đường và cái đập chạy từ khách sạn Palace qua Đinh Tiên Hoàng. Grand Hôtel (1) chỗ nhà Lao sau này. M là chợ khu Hoà Bình ngày nay (Marché)

Có mấy tấm ảnh cũ khiến mình cứ tò mò không biết định vị từ đâu. Sau này đọc tài liệu thì mới hiểu là được xây dựng trước năm 1932, sau bị bão, cuốn đi một số nhà và làm thiệt mạng 15 người Việt nên người Pháp cho dời lên khu Hoà BÌnh ngày nay.

Hình này chú thích 1948 là sai vì khu vực này bị dời đi sau vụ bão lụt năm 1932.

Hình này chụp từ đồn lính tây, sau này làm nhà lao, nơi mẹ mình bị nhốt mấy tháng. Hình nhìn về phía khách sạn Palace, thấy cái đập chận hồ lớn (grand lac), Thuỷ Tạ chưa được xây cất. Ta thấy khu vực mà Tây gọi là Petit Lac, nơi người Việt cự ngụ, chợ búa đến năm 1932, khi trận bão lụt, càn quét làm vỡ cái đập bên trái, làm trôi và hư hao khu dân cư người Việt bên phải thì người Pháp mới cho dời lên khu Hoà Bình ngày nay.

Hình này chú thích được chụp tại khách sạn Lâm Viên (Palace). Chỗ này, sau khi được phá bỏ thì người Pháp đã làm nước vào hồ Đội Có, để chứa nước và lọc trước khi bơm đi cho người dân Đàlạt sử dụng.


Khi mình tìm ra bản vẽ này thì mới hiểu, các hình ảnh ở trên. Người pháp thiết kế các chợ ngay khu vực hồ Xuân Hương và Ấp Ánh Sáng ngày nay. Đến khi trận bão lụt năm 1932 kéo đến làm hư hại rất nhiều khu vực thấp này, người Pháp mới quyết định dời chợ của người Việt lên khu Hoà Bình ngày nay.

Hình này cho thấy cái đập chận hồ nước nhỏ của khu người Việt, sau vụ bão lụt thì được phá đi mà ta thấy dấu vết trong tấm không ảnh khi Hà Nội cho vét hồ Xuân Hương, rồi cho xây cái đập và cầu Ông Đạo chỗ mấy người thượng đang đứng dưới gốc cây thông. Khu nhà người Việt và người Tàu bị bão lụt tàn phá khiến 15 người bị thiệt mạng. Trên đồi bên trái là dinh tỉnh trưởng sau này. Có thấy nhà ông Quản Đạo


Hình này chụp chỗ từ nhà thờ Con Gà, đường Yersin nhìn xuống khu người Việt và người Tàu sinh sống. Sau vụ bão lụt thì bị dẹp mất và dời lên khu Hoà Bình


Hình này chụp khoảng 1920-1929, trước khi vụ bão lụt cuốn trôi khu chợ của người Việt và người Tàu. Thấy hồ nhỏ (Petit lac), sau này được nhập với hồ Lớn khi người Pháp phá cái đập ngay Thuỷ Tạ, để nới hai hồ thành một bằng cách xây cái đập, cầu Ông Đạo. 


Cận cảnh thấy cái hồ nhỏ (Petit lac) khu người Việt và người Tàu sinh sống. Thấy xe tải khi xưa. Thấy chiếc cầu bằng gỗ. Bước qua chiếc cầu là thấy 5 căn tiệm của người Tàu. Xem hình dưới 

Khi đi qua cái cầu gỗ, chúng ta sẽ thấy các tiệm của người Tàu. Có thể là các tiệm Đức Xương Long, Vĩnh  Hoà khi xưa,.. ai đọc được chữ tầu nơi tiệm, mách dùm.

Cận cảnh là tiệm tạp hoá của người Tàu, bị cuốn trôi khi bão lụt năm 1932.

Mình có tấm ảnh nguyên con đường của phố cũ Đàlạt xưa trước 1932. Có ghi chú ông bá-hộ Chúc, nấu nước nóng cho thiên hạ tắm, trở nên giàu có, sau này có xây cái cầu gỗ được gọi là cầu Bá-Hộ Chúc, nối liền đường Cường Để và Bà Triệu. Để khi nào mình lục lại được sẽ tải lên sau. Hình nhiều quá mà chưa có thì giờ soạn lọc. Chán Mớ Đời 

Hình này là đường chính của phố Đàlạt trước khi bị cơn bão lụt năm 1932 cuốn đi. Mình có một tấm ảnh họ đang chơi bài chòi nữa nhưng phải mò cho ra. Thấy dạo ấy người ta có xe kéo.

Hình này cho thấy khu phố người Việt và người Tàu được dời lên khu Hoà Bình. Thấy vạc đất trồng rau trước khi họ xây Chợ Mới Đàlạt, phía dưới khu Hoà Bình. Chợ Gỗ đã được xây cất, có cái chuông còi báo động. Phía đầu cầu Ông Đạo là nhà của ông Quản Đạo, ngay cầu nên dân Đàlạt gọi cầu Ông Đạo. Ta thấy vườn tược của dân Ấp Ánh Sáng bên tay trái, bến xe đò và cây xăng Caltex chưa được xây cất. Có rạp xi-nê Eden, sau này là rạp Ngọc Lan, đường Lê Đại Hành chạy từ cầu Ông Đạo lên khu Hoà Bình.


Hình khu vườn của người Việt từ con suối Cam Ly, phía bên kia là Ấp Ánh Sáng sau này. Ta thấy nhà ông  Quản Đạo 1 tí bên phải.

Nhà ông Quản Đạo lúc chưa xây cầu Ông Đạo. Trên đồi thấy dinh tỉnh trưởng sau này.

Cầu Ông Đạo vừa xây xong, thấy bên kia cầu là nhà ông Quản Đạo, sau này được dỡ bỏ để làm bùng binh phun nước. Trên đồi là rạp xi-nê Eden sau này chủ mới đổi tên là Ngọc Lan. Cầu Ông Đạo sau này, Hà Nội có làm lại rộng hơn thì phải. Chỗ này khi xưa, hay có một người lính gác, để xem Việt Cộng có thả mìn theo các lục bình trôi gần cầu để làm nổ cái đập. Có lần chạy qua, thấy anh ta bắn vào đám lục bình khả nghi. Việt Cộng chuyên phá hoại Đàlạt từ xưa đến nay. Chán Mớ Đời 

Hình này của ông Bill Robie từng tham chiến tại Việt Nam, có chụp rất nhiều hình ảnh về Đàlạt. Ông ta gửi tấm ảnh này chụp ở bến xe đò gần Ấp Ánh sáng, chỗ cây xăng Cal-Tex của ông chủ nhà hàng Chic Shanghai. Hình này chụp năm Mậu Thân nên ít thấy xe đò. Người Đàlạt dạo ấy chưa hết bàng hoàng về vụ Việt Cộng đánh vào thành phố yên bình. Từ dạo ấy là người Đàlạt biết chiến tranh là gì, khi thấy hoả châu ban đêm được bắn khắp nơi, Việt Cộng pháo kích và bên ta phản pháo,... Chán Mớ Đời 

Chỗ bến xe này có một tiệm phở rất ngon, và trên đồi trước rạp xi-nê Ngọc Lan có một hàng phở nên mình không nhớ là tiệm dưới bến xe hay là quán phở trên đường Thành Thái là phở Ngọc Lan. Ai biết xin chỉ dùm. Khi xưa, ít có dịp đi ăn phở vì không có tiền nên không nhớ rõ.

Nhìn kỹ thì thấy có cái Talus làm bằng đá ong, để nâng cao bãi bến xe đò. Thấy núi rác cạnh tấm quảng cáo Marfak. Bao nhiêu rác của bến xe là họ đỗ xuống đây. Mùa khô thì ruồi còn mùa mưa thì cuốn trôi về thác Cam -Ly. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tại sao họ tàn sát cá heo, cá voi

 Lâu lâu xem truyền hình, thấy thiên hạ chửi bới mấy người nhật vì họ giết cá heo và cá voi nhưng không ăn nên mình không hiểu. Hình như gần bờ biển vùngTaiji thì phải, trung tâm đánh cá heo và cá voi. Xem hình ảnh họ giết cá thấy kinh hoàng. Ngược lại một con cá thu được bán với giá 3 triệu đôla khiến mình đã ngu lại càng ngu lâu. Mua con cá thu giá 3 triệu còn cá voi hay cá heo thì quăng dù to lớn hơn. Tò mò mình tìm tài liệu để đọc.

Thằng con mình học về sinh vật học nói thịt cá heo có rất nhiều độc tố, bị phóng xạ của các lò nguyên tử, rất nhiều mercury,... do đó người ta không ăn. Thật ra, ngày nay người ta cấm săn cá voi vì loại này đang bị tuyệt giống. Các nước như Nhật Bản, Băng đảo, Na-Uy ăn cá voi rất nhiều nên thế giới cấm khiến người Nhật Bản rất tức giận nên khi họ làm các lễ giết cá voi và cá heo theo tục lệ nên bị thế giới lên án. 

Nếu vùng Taiji này giết cá heo 1,000 con thì nước pháp giết cả 10,000, gấp 10 lần, chưa kể các quốc gia khác. Họ cho chận lưới ngoài khơi của bờ biển vùng Đại Tây dương từ vùng Bretagne xuống Biarritz rồi giết tập thể các loại cá này, không thấy báo chí nói đến. Đó là chỉ nước pháp còn các nước khác cũng tương tự nhưng ít ai nhắc đến. Lý do?

Chúng ta được truyền thông cho thấy hình ảnh các bị nylon, thùng nhựa ô nhiễm các bờ biển thì các chuyên gia về môi trường cho biết chỉ như gãi ngứa. Những đồ nhựa làm ô nhiễm nhiều nhất các biển là các lưới đánh cá, vì sau khi đánh cá, họ quăn xuống biển, hình ảnh các con cá voi bị quấn bởi các lưới cá to đùng trôi dạt vào bờ biển. Những cái lưới đánh cá của các thuyền to, to hơn cái sân vận động, vơ vét hết cá của đại dương.

Hoá ra họ giết cá heo vì các giống cá này ăn cá rất nhiều, sẽ ăn hết các loại cá mà người nhật hay người Pháp và cả thế giới muốn bắt để ăn. Có lẻ vị của thịt cá này không ngon nên họ quăn xuống biển để các loại cá khác ăn. Nói theo nhà Phật, chúng ta sát sinh hai lần, lần thứ nhất để tránh cá ăn loại cá mình thích ăn và lần thứ hai là giết các con cá để mình ăn. Chán Mớ Đời  

Mình nhớ lần đầu tiên được khách hàng mời đi câu cá ở biển trên tàu riêng của họ. Trước nhất là ông ta ghé lại chỗ mua cá cơm sống ngoài khơi rồi móc cá sống vào cần câu, quăng xuống biển. Lúc mình giật cần câu lên, kéo dây cước vào thì thấy con cá sống khác nhìn mình như trách móc, rên hét vì mồm bị cái lưỡi câu dính. Mình kêu vợ thôi sợ quá, không câu nữa. Từ đó sợ đến già không đi câu nữa. Thấy dã man, vừa giết con cá con để làm mồi bắt con cá lớn hơn. Kinh

Các trung tâm huấn luyện cá heo ở Nhật Bản, cho biết là cá heo rất thông minh nhưng hay tự tử vì thấy cá heo khác, bị giết dã man. Thấy nhiều cảnh họ giết cá trước mặt các con cá heo trong hồ thấy mà kinh.

Xem hình ảnh các tàu đánh cá lớn của Trung Cộng ủi các tàu nhỏ của ngư phủ Việt Nam rồi thiên hạ kêu Hoàng Sa, Trường Sa đủ trò. Tò mò mình kiếm tài liệu đọc thì hoá ra là ngành đánh cá công nghệ, họ dành nhau các địa điểm trên biển cả để bắt cá chớ chả có Trường Sa hay gì cả. Điển hình là các tàu đánh cá nhỏ của Somalia, Liberia ở phi châu cũng bị các tàu đánh cá của Trung Cộng ủi ngoài khơi của bờ biển xứ họ. Người Tàu họ chả kiêng cử gì cả, cứ vô tư đánh cá ở xứ người khác, ủi bể tàu thiên hạ.

Kỹ nghệ đánh cá trên thế giới rất nhiều tiền. Nội tại Hoa Kỳ đã lên 9.6 tỷ mỹ kim vào năm 2020, còn nuôi cá thì lên đến 212 tỷ mỹ kim, và nuôi trên 1.7 triệu nhân công. Đó là người Mỹ ăn thịt bò nhiều hơn các xứ khác.

Ngày nay, Trung Cộng và Nhật Bản là hai quốc gia đánh cá lớn nhất thế giới. Gần đây, Trung Cộng đã qua mặt Nhật Bản. Theo National Geographic thì hàng năm 1/ Nhật Bản đánh (7.5 triệu tấn), 2/ Trung Cộng (7 triệu tấn) 3/ Peru (6.5 triệu tấn), 4/ Chile (6.5 triệu tấn), 5/ Nga sô (5.3 triệu tấn), 6/ Hoa Kỳ (5 triệu tấn cá).

Cá hiếm nên cho thấy số lượng đánh cá giảm dù kỹ nghệ, khoa học máy móc phát triển tối tân. Năm 1984, Nhật Bản đánh được 12.8 triệu tấn cá biển và ngày nay phải nhập cảng 3.54 tấn cá, gấp đôi năm 1985.

Mỗi lần họ giết cá là máu nhuộm đầy biển, xem phim rất te tua

Lâu lâu thấy tàu chiến của Nam Dương bắn doạ các tàu đánh cá Trung Cộng khiến thiên hạ vui mừng thật ra là vì đánh cá chớ chả có chủ quyền biển đảo gì cả. Truyền thông định hướng chúng ta như xỏ lỗ mũi trâu. Mình có xem phim tài liệu, các tàu đánh cá Trung Cộng đánh cá lậu ở Phi Châu, bị hải quân các xứ này bắt và phạt nhưng rồi cũng tiếp tục đánh cá lậu. Họ mớm tiền cho các quan chức lớn là xong om. Ngư phủ xứ này đói nên vô rừng giết hại các thú vật trong rừng. Ngoài khơi thì đế quốc Trung Cộng phá còn rừng sâu thì chúng ta phá. Và mọi người hô hoán bảo vệ môi trường vớ va vớ vẩn.

Trước đây, chỉ có các tàu đánh cá nhật và tàu đánh cá Tây phương đi xa cả năm trời để đánh cá ở các vùng hải phận quốc tế, do đó báo chí tây phương mới làm rầm rộ vụ sát hại cá heo, cá voi ở Taiji. Các người tây phương mà đến vùng này là bị làm khó dễ, có thể bị bỏ tù, cảnh sát theo dõi hay các công ty của kỹ nghệ đánh cá có thể thủ tiêu để phi tang.

Dạo mình ở Pháp, có vụ điệp viên của Pháp, đến Tân Tây Lan để làm nổ tung chiếc tàu của tổ chức Greenpeace và bị phát hiện và bị bắt. Hình như Pháp có làm cuốn phim về vụ này, mình có coi nhưng lâu rồi. Nghe kể có nhiều vụ các nhà bảo vệ môi trường, lên án vụ đánh cá thì bị thủ tiêu.

Báo chí phương tây cũng như á châu dấu nhẹm vụ kỹ nghệ đánh cá biển trên thế giới. Trường hợp các vụ hải tặc Somalia đã làm thiên hạ đi biển rúng động, hoá ra là nguồn gốc từ kỹ nghệ đánh cá. Các nước lớn như Trung Cộng, Hoa Kỳ, âu châu, Nhật Bản đem tàu lớn đến bắt cá ngoài khơi của họ khiến các ngư phủ với thuyền ghe không đánh cá được nên nổi điên lên cầm súng cướp tàu, lấy tiền chuộc.

Ngoài ra có vi phạm nhân quyền khi họ mướn các ngư phủ làm trên các tàu đánh cá. Trả lương ít nhưng làm việc như nô lệ, rồi ai lộn xộn, chúng cho rơi xuống biển. Họ bắt cá rồi làm đông lạnh trên biển nên máu me của cá trôi đầy biển, kinh hoàng. Họ có phỏng vấn các ngư phủ Thái Lan, dấu mặt vì sợ bị chủ trả thù.

Có dạo các lính biệt kích của Trung Cộng, Nam Hàn đánh phủ đầu các tàu của hải tặc Somalia, để bảo vệ các tàu đánh cá của họ. Hình như Đại HÀn có làm một phim về vụ này . Mình có coi sơ sơ vài phút nhưng không thấy hấp dẫn nên ngưng.

Cho thấy các cơ quan truyền thông cho chúng ta biết những tin tức để định hướng dư luận nhưng không nói lên sự thật. Tương tự các cơ quan vô chính phủ, dựa vào những vụ này để kiếm tiền nuôi họ. Nếu xem kỹ thì thấy các tổ chức này đều được các cơ quan đánh cá lớn hay công ty thực phẩm như Unilever cho tiền để làm việc cho họ. Mấy năm qua họ đánh phá Trung Cộng, tuyên truyền nhưng mình thì cứ mua cổ phần của các công ty Trung Cộng, lên gấp 3 từ mấy năm nay. Chúng ta phải cẩn thận khi đọc tin tức do chính phủ dật dây, tuyên truyền cả hai bên để nhận định, chớ a-đua theo thiên hạ chửi bới.

Mình có xem một phim về công ty dầu hoả, muốn thuê hay mua đất của nông dân để rà dầu hoả. Họ gửi nhân viên của họ đến thành phố để thương lượng với các chủ đất. Cùng lúc đó có một tên đại diện tổ chức vô chính phủ bò đến, kêu gọi chống thăm dò dầu hoả, khiến người dân tin theo. Cuối cùng, nhân viên của công ty đưa ra bằng chứng là tên kêu chống dầu hoả là xạo, khiến người dân địa phương tin thật, bán đất cho công ty.

Mình có xem tài liệu của Nhật Bản về sushi. Ông tổng giám đốc công ty hàng không Nhật Bản kêu là máy bay bay vòng vòng thế giới, chỉ chở hành khách mà không có chở đồ gì cả, thấy tiếc quá nên ông ta có sáng kiến là chở thêm cá, mua từ các nước về Nhật Bản và từ đó khắp thế giới ăn cá sushi khiến cá khan hiếm.

Được biết năm 1830, một ngư phủ đi đánh cá, có thể bắt 1-2 tấn cá halibut (cá chim) trong một ngày, còn ngày nay thì họ có thể bắt 1-2 tấn loại cá này trong vòng một năm. Xin nhắc lại từ một ngày lên đến 365 ngày. Kể như vậy để hiểu tình hình thế giới hiện tại về cá. Người ta nuôi cá trong các vuông ở biển hay hồ thì cũng tốn cá vì các loại cá đều thích ăn cá. Cá chỉ bơi lòng vòng nên thải ra chất độc, bị các ký sinh trùng ăn, bệnh tật rất nhiều rồi chúng ta ăn vào. Ở các siêu thị họ bán cá hồi được nhuộm màu đỏ để bán cho chúng ta. Cá hồi ngoài biển, không ai nuôi thì thịt đỏ thắm vì có oxgen nhưng cá hồi nuôi ở gần bờ biển thì không có màu đỏ nên họ phải nhuộm.

Tô Cách Lan là nước nổi tiếng về cá hồi, nay họ nuôi cá hồi ở biển, khiến bờ biển của họ bị ô nhiễm bởi cá nuôi trong vuông. Hết ai dám tắm biển. Các nhà chống đối vụ nuôi cá hồi này đều bị khoá mồm hết. Ở Gia Nã Đại, vùng Vancouver cũng nuôi khá nhiều cá hồi.

Thiên hạ đúc tượng cô gái ở Thuỷ Điển lên tiếng về hâm nóng địa cầu đủ trò để che dấu sự thật. Tại sao giới truyền thông cứ ra rã về Global Warming ,lý do là để che đậy kỹ nghệ đánh cá biển. Nếu rừng có thể hít tất cả các gas carbonique để thải ra oxygen thì biển có thể làm việc đó gấp 9 lần.

Nếu chúng ta để cho biển an toàn thì các hải dương sẽ bình thường trở lại và hút tất cả các gas carbonique của thế giới đang thải ra một cách an toàn. Vấn đề là chúng ta vừa phá rừng, vừa phá biển. Người ta giải thích là chúng ta tranh đấu bảo vệ biển vì đồ nhựa được phế thải ngoài biển như thể chúng ta chương trình phá rừng để làm tăm xỉa răng.

Các hình ảnh cá nuốt đồ nhựa phế thải như lon, chai,..khiến cá chết nhưng trên thực tế thì ngành đánh cá biển đã tiêu diệt lần mòn hải dương và môi trường biển cả. Người ta gọi Hồng Kông là thủ đô vi cá của thế giới, họ bắt cá mập, để lấy vi con cá mập, nghe nói ăn cho bổ, bán giá rất đắt, còn thịt quăn. Kinh

Bao nhiêu cá mập bị sát hại để cho người Tàu ăn súp vi-cá? Đếm không hết. Các tay giết cá voi và cá heo cho biết, là giết một con cá voi là có thể bảo vệ được ngàn con cá thường để cho chúng ta ăn.

Báo chí hay nói về ăn cá để có Omega-3 nhưng cá đâu có làm ra omega-3. Rong biển mới có omega-3 nên ăn cá chúng ta ăn luôn rong biển. Tại sao chúng ta không ăn rong biển để có omega-3 cho khỏe đời, vừa rẻ lại nhanh chóng. Lý do là kỹ nghệ đánh cá, muốn bán cá nên cứ tuyên truyền. Nên nhớ là khi ăn cá chúng ta ăn luôn Mercury sẽ làm hại não bộ. Hình như mình có kể vụ này. Ai tò mò thì kiếm trên bờ lốc của mình.


Chúng ta sống trong một xã hội tiêu thụ, các nhà sản xuất các sản phẩm, sẽ sử dụng giới truyền thông để nhồi sọ chúng ta, thúc dục làm cái này, mua cái kia, ăn cái nọ. Do đó phải cẩn thận khi nghe tin tức, phải kiểm chứng từ nhiều phía.


Mình đang suy nghĩ có nên ăn chay trường hay không. Không thịt không cá, chỉ ăn rau, bớt sát sanh cho khoẻ đời. Cũng đang tính về già, mỗi tuần ra biển để lượm rác ngoài biển để đóng góp cải thiện môi trường, thay vì nhấn like. Bác nào muốn mỗi tuần bỏ ra một buổi sáng ra biển, lượm rác với em thì cho biết. Em sẽ bắt đầu tháng 4 này vào mỗi thứ 5 trong tuần. Các bác cho em xin ý kiến. 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Địa ốc Nam Cali 2021

 Mình có thằng cháu và hôn thê đang kiếm nhà mua để xây tổ ấm và lên xe bông như trường hợp mình cách đây 30 năm. Kinh! Mau thật. 30 năm mà cứ như thiên thu. Cái khổ là dạo này tiền lời xuống thấp nhất lịch sử Hoa Kỳ nên giá nhà tăng, thiên hạ không bán nhà nên tình trạng gia cư ở Cali rất châm. Ông thống đốc tiểu bang hứa sẽ lo vụ thiếu thốn nhà cửa ở Cali nhưng đến nay, không  thấy khả quan, thêm các đối thủ chính trị, tìm cách dìm ông ta nên mới có cuộc vận động lấy chữ ký bãi nhiệm ông ta.

Thằng cháu và cô vợ chưa cưới xem không biết bao nhiêu căn nhà, rồi không mua được vì mỗi căn nhà có đến 30 mấy người đòi mua, và trả thêm tiền. Nhà nhỏ xíu khoảng 1,200 sq.ft  ở vùng Tustin, giá độ 1 triệu đô, mà ai nấy đều trả thêm mấy chục ngàn và vô điều kiện. Kinh

Thấy thằng cháu đi kiếm nhà bạc triệu khiến mình thất kinh, nói nó cẩn thận vì có thể nhà sẽ xuống như thời mình mới lấy vợ. Dạo ấy, mình mua căn nhà giá $180,000 ở vùng Bôn-Sa nên tương đối rẻ không như khu Tustin mà thằng cháu đang kiếm. 2 năm sau nhà trong khu đó bán chỉ có $130,000, xem như xuống $50,000 hay 1/3 giá tiền. Được cái là địa ốc, chỉ đợi một thời gian thì nó sẽ lên. Chỉ cần cho thuê để lấy tiền thuê nhà để trả tiền nợ ngân hàng là xong chuyện.

Vấn đề là không ai biết được ngày ai. Người tính không bằng trời tính. Em trai một cô bạn, có vợ làm địa ốc, kêu nhà sắp xuống nên bán căn hộ rồi đợi xuống để mua lại cho rẻ. Ai ngờ nhà không xuống lại cứ lên như diều khiến hai vợ chồng khóc như mưa ngâu vì không đủ tiền để mua căn khác. 

Hôm qua, mình dự Seminar qua Zoom về địa ốc miền nam Cali nhất là vùng Inland Empire. Có ông tiến sĩ Christopher Thornberg, mà mình theo dõi khá lâu, rất chính xác về Cali. Thêm vài người khác ở vùng này. Mỗi năm phải đi mấy cái Seminar này để hiểu thêm về tương lai kinh tế của miền Nam Cali.

20 năm về trước, mình đi Seminar này lần đầu, nói chuyện với đám CEO của các công ty lớn đi tham dự, mấy ông tiến sĩ kinh tế gia nói về tương lai của vùng này thì thất kinh, chạy ra đây mua đất mua nhà mệt thở. Thiên hạ chửi quá sá, nay thì vùng này Amazon, các công ty lớn hàng đầu Hoa Kỳ ...bò lại nên tạo thêm 40,000 công ăn việc làm nên đi đâu cũng thấy xây cất.

Hôm trước, mình đang ngủ thì cứ bị mụ vợ đánh thức dậy. Mụ vợ ngủ không được nên cứ lấy điện thoại ra mò mấy căn nhà cho thuê, để xem giá nhà hiện tại bao nhiêu. Mụ lại không nhớ địa chỉ, cứ réo mình dậy. Mình thì kêu sáng mai phải dậy sớm đi vườn nhưng đàn bà thì họ bất chấp đến sức khoẻ người khác nhất là thằng chồng nhân dân như mình. Mụ kêu căn nhà đầu tiên mình mua nay lời to.

Mình mắt nhắm mắt mở kêu không phải, để anh ngủ khiến mụ điên lên, kêu mình giải thích. Thế là hết ngủ.

Mình nói dạo đả thông tư tưởng nhau, điều tra lý lịch trích dọc trích ngang thì xăng chỉ có 1 đô 1 ga-lông còn nay là 4 đô, xem như giá tăng gấp 4 lần hay 400%. 1 tô phở dạo ấy ăn tốn có 3.5 đô, nay lên đến $12. Đó là lạm phát cho nên mình chả giàu gì thêm. Tiền thuê nhà dạo ấy chỉ $1,100 nay lên đến $3,000/ tháng. Đó là lạm phát.

Chính phủ là bọn mất dậy, chúng chả làm ra đồng bạc nào cả, chỉ có đánh thuế và in tiền. Vụ cô-vi này, chính phủ in tiền cả 5 ức đôla để phát cho bà con. Chính phủ in tiền để trả nợ nhưng không làm ra tiền nên sẽ gây lạm phát để xù nợ. Mụ vợ cứ kêu không hiểu nên mình phải ngồi dậy, lấy giấy để giải thích.

Chính phủ cần tiền để xây cất hay làm việc gì thì kêu gọi nhân dân mua công khố phiếu, miễn thuế. Nhân dân ngu dốt nên nghe lời đóng hụi chết, mua công khố phiếu 30 năm. Thí dụ: mua $10,000 công khố phiếu thì 30 năm sau được lãnh $20,000 miễn thuế, nghĩa là không phải đóng thuế trong số tiền lời $10,000.

Cái mất dạy là muốn có $10,000, vợ phải làm ra $20,000 rồi bị đóng thuế đủ trò, mất 50%, chỉ còn $10,000.

30 năm về trước anh đi cua em, tiền xăng chỉ có 1 đô, nay lên 4 đô xem như gia tăng gấp 4 lần. Nếu mình đầu tư vào chỗ nào nó chỉ theo lạm phát thôi là nay mình có từ $10,000 lên đến $40,000. Lời $30,000, đóng thuế có 15% hay $4,500, còn lại $35,500, vẫn hơn tiền chính phủ kêu mua công khố phiếu được $20,000. Đọc báo có bà nào mua công khố phiếu của Việt Cộng khi xưa, đâu 750 đồng, để lập công cách mạng đến khi đi đòi ngân hàng thì họ không có tiền 750 để trả cho bà. Xem như từ 1 đồng mà 40 năm sau xuống giá kinh hồn nên không ai giữ tiền Uncle Lake cả, thích đổi thành tiền uncle Sam. Mệ ngoại mình kể khi xưa người ta đi chợ, gánh tiền uncle Lake đi. Kinh

Nếu đầu tư 30 năm qua với thị trường chứng khoán thì trung bình là 12%. Bỏ vào $10,000, tiền lời 12%, sau 30 năm được $359,496.41 vẫn hơn tiền mua công khố phiếu của chính phủ. Lấy thí dụ: mình mua căn nhà trước khi đám cưới $180,000, đặt cọc 20% là $36,000. Thay vì mua nhà mình đầu từ vào thị trường chứng khoán với 12% tiền lời hàng năm thì ngày nay được $1,294,187.09

Còn mua nhà $180,000 với $36,000 đặt cọc. Mình trung bình lãnh được tiền thuê nhà từ 30 năm là $1,750/ tháng vì lúc đầu chỉ có $1,100, nay $2,700. 1 năm là được $1,750 x12 = $21,000, 30 năm là $21,000 x 30 = $630,000 cộng tiền khấu trừ là $150,000, xem như $780,000. Giá nhà mà bán ngày nay là $750,000. Xem như $780,000 + $750,000 = $1,530,000.

Tóm lại bỏ $36,000 ra thì được sau 30 năm :

-Thị trường chứng khoán: $1,294,187.09

- Nhà cho thuê:                  $1,530,000.00

Vấn đề là thị trường chứng khoán mình không tài giỏi để biết công ty nào là Tesla, Apple, Amazon trong  tương lai. Còn nhà cửa thì mình cứ nhắm mắt mua đại cũng được vì ai cũng cần có nhà ở nên an toàn hơn cho những người ngu lâu dốt sớm như mình.

Cái mất dạy khác của chính phủ. Họ gây ra lạm phát khiến trị giá lên cao dù thực tê thì không. Lấy thí dụ căn nhà mình mua cách đây 30 năm, giá $180,000, nay nếu bán thì $750,000. Nếu bán thì phải đóng thuế 20% tiền lời hay $150,000 xem như gần bằng giá tiền mình mua khi xưa, cho dù chính phủ gây nên lạm phạt. Cách này gọi là ăn cướp kiểu nhà quan.

Mình đang nói tới đây thì nghe tiếng mụ vợ ngày như gọi đò bên sông Hương núi Ngự. Chán Mớ Đời 



Nguyễn Hoàng Sơn 



Bạo hành gia đình

 Viết để nhớ ngày phụ nữ quốc tế 8/3

 

Dạo về thăm Việt Nam, có người em rể kể gặp lại người bà con, khá giả hơn xưa nên hỏi bí quyết làm giàu. Người bà con kêu là bỏ được thằng chồng nghiện rượu. Cô ta kể là ông chồng, tối ngày say sưa, tiền lương gì để bay hết. Một đêm cô ta biến đau thương thành hành động cách mạng, thấy ông chồng nôn ói đầy nhà, kéo ra đường, thay ổ khoá, không cho vào nhà nữa. Từ đó chí thú làm ăn, nuôi con. Xong om.

 

Nghe câu chuyện khiến mình nhớ đến bà Francine Hughes ở Hoa Kỳ vào những thập niên 70, lúc ấy mình còn sinh viên bên Tây, có nghe báo chí nói đến. Sau này sang Hoa Kỳ mới lò mò tìm hiểu thêm về bạo hành gia đình mà mình từng là nạn nhân thời còn ở Việt Nam. Bị bố khi thua bài đánh tơi bời, rồi mình quay lại khệnh mấy đứa em nhớ đời.

 

Có cuốn sách “Burning Bed” kể về cuộc đời của bà Francine Hughes, sau này truyền hình có làm phim chiếu khắp thế giới, do tài tử Farrah Fawcett đóng, kể về các cuộc bạo hành bởi người chồng nghiện rượu, rồi bao nhiêu buồn phiền đều trút lên đầu người vợ và con cái ở nhà. 

 

Bà này kể khi xưa, ở nhà cũng bị ông bố nghiện rượu, khệnh đều đều nhất là bà mẹ lãnh đòn suốt đêm thâu nên cuối cùng thoát ly, dù chưa học hết trung học, để lấy chồng hầu thoát cảnh bị ông bố say rượu khệnh khơi khơi. Tránh v dưa lại gặp v dừa, ông chồng cũng gia nhập đảng lưu linh nghiện rượu, khệnh cho rồi chịu không nổi sau 13 năm nên một đêm, bị chồng khệnh và hiếp dâm thì có tiếng nói bên tai, kêu bà ta, tẩm xăng đốt nhà khi ông chồng ngủ rồi đến cảnh sát tự thú. Không biết tiếng nói thiên thần hay quỷ dữ mách cho bà ta biết.

 

Ông chồng không muốn bà vợ đi học làm thư ký, nên xé sách vở của bà ta, rồi dùng bà ta làm mộc nhân để tập Vịnh Xuân Quyền, đấm đá tơi bời hoa lá, rồi bắt bà ta làm tình, doạ giết đủ trò. Ở các xứ tây phương, nếu người phối ngẩu không muốn làm tình thì ông chồng hay bà vợ không được đè xuống vì sẽ mang tội hiếp dâm, không có sự đồng thuận của hai bên.

 

Tài tử Farrah Fawcett trong vai Francine Hughes tỏng phim bộ The Burning Bed


Vụ án này giúp phụ nữ mỹ hiểu thêm về luật lệ và quyền tự do của mình nên tạo nên một phong trào như thành lập các chỗ lánh nạn cho phụ nữ bị bạo hành. Lâu lâu lại thấy cảnh mấy ông cầu thủ to béo, khệnh bà bồ hay vợ, kéo lê lết trong hành lang hay thang máy. Hình như Jennifer Lopez có đóng trong một phim bị ông chồng khệnh te tua, sau này bà ta đi học võ để tự vệ, khệnh tên chồng lăn cu chiêng khiến khán giả hoan hô nhiệt liệt. Hình như “enough is Enough”. Sau này đồng chí gái đi tập Taiboo chi đó khiến mình đâm sợ, không dám cãi lời đồng chí vợ. Chán Mớ Đời

 

Bà Francine có 4 người con nhưng ông chồng đốt hết tiền lương vào những buổi nhậu nhẹt với bạn bè. Bà ta liên lạc với cán bộ xã hội và xin ly dị nhưng ông chồng cũ vẫn bò lại nhà để khệnh bà ta khi buồn.

 

Cái đêm định mệnh, 9 tháng 3 năm 1977, một ngày sau ngày phụ nữ quốc tế, ông chồng nổi điên khi biết được bà vợ ghi danh đi học nghề thư ký đánh máy. Ông ta xé sách và bắt bà ta bỏ học, đòi đốt xe bà ta. Bà ta sản hồn nên gọi cảnh sát đến nhưng nhân viên công lực, không làm gì cả vì không thấy, hiển thị ông chồng khệnh bà ta. Khi cảnh sát bỏ đi, tên chồng khệnh bà ta đủ thứ đòn của môn “Khệnh thê quyền” (sơn đen chế, đừng có báo đồng chí gái em nhé) rồi đè xuống hiếp dâm rồi mệt quá lăn ra ngủ.

 

Ngày nay thì khác, cảnh sát mà đến nghe bà vợ nói lớ xớ là còng đầu ông chồng rồi tính sau.

 

Một tiếng nói bên tai như Jeanne d’ Arc ngày xưa, nghe cứ tự nhiên, làm đi, làm đi, hối thúc bà ta. Bà ta lấy xăng, đổ xung quanh phòng ông chồng rồi, bật diêm rồi che mặt mấy đứa con lại để biết chắc chắn ông chồng chết trong biển lửa rồi lái xe đến ty cảnh sát nhận tội.

 

Trường hợp của bà Francine Hughes này rất gần gủi vì dạo ấy, đa số phụ nữ tại Hoa Kỳ, không đi làm, lệ thuộc kinh tế vào người chồng. Sự việc bà ta thiêu sống ông chồng đã giúp cho phong trào đòi nữ quyền tại Hoa Kỳ lên cao, chống rượu vì đã gây ra tệ nạn, chồng bạo hành vợ và con cái.

 

Giới nữ quyền muốn chống lại quyền trừng phạt của chế độ phụ hệ mà người chồng có thể trừng phạt người vợ bằng bạo lực gần như được chấp nhận trong chế độ phụ hệ từ nghìn xưa tương tự sự trừng phạt các người nô lệ trong chế độ nô lệ, được xem là đương nhiên.

 

Khi xưa, ông cụ mình đi lính thì có một tên nào ở nhà thuê nhà mình để học thi. Hắn cứ khệnh mình đều đều, hay hàng xóm cũng lấy roi mây đánh mình vì phá giấc ngủ của bà ta. Gặp bà cụ mình lại kêu bà hàng xóm đánh thêm, sau này lớn lên mình đi phá xóm giềng. Có lần về Đàlạt, đi với bà cụ, gặp một tên nào chào bà cụ, rồi bà cụ kể tên này khi xưa ở nhà mình khiến mình nổi điên lên, muốn khệnh hắn để trả thù. Xem ra hắn bé tí ti. Chán Mớ Đời 

 

Đi học thì hay bị thầy cô, kêu chụm tay lại hay xoè bàn tay rồi lấy cái thước đánh lên mấy ngón tay, đau nhớ đời.

 

Đạo luật Prohibition, cấm bán rượu tại Hoa Kỳ cũng khởi đầu bởi các ông chồng nghiện rượu, đi làm ra, vào quán rựou, nướng hết tiền lương trong khi vợ con đói meo tại nhà thêm họ không đi lễ, quỹ nhà thờ cạn nên các mục sư lên tiếng. Mấy bà kéo nhau đi phá các quán rượu mà mình có kể rồi.

 

Thật ra xã hội Hoa Kỳ vào thập niên 70 vẫn bao dung cho các cuộc bạo hành tại gia. Cảnh sát và toà án không quan tâm khi mấy ông chồng khệnh vợ con hay hiếp dâm vợ họ. Phụ nữ lo âu đến báo cảnh sát thì họ kêu không phải chuyện của cảnh sát, chuyện cá nhân. Theo suy nghĩ bình thường thì khi lấy vợ thì lúc hưng phấn thì đè đầu vợ xuống để thoả mản thú tính là tất nhiên vì đó là vợ mình, mình có quyền tư hữu, muốn làm gì cũng được nhưng trên căn bản làm người thì sai vì giao hợp cần có sự đồng thuận vì người phối ngẩu có thể khó chịu trong người, bị bệnh nên không muốn thì người chồng phải tôn trọng quyền làm người của vợ và đợi khi khác, chớ đè xuống thì gọi là hiếp dâm. 

 

Đàn ông sợ vợ kêu trả bài là từ nguyên do này. Hồi nhỏ nghe người lớn kêu sợ vợ thì cười, nhưng sau khi lấy vợ thì mới thấm thía. Mỗi lần đi làm về mệt, đồng chí vợ lại nổi hứng, kêu trả bài hàng đêm là mặt xanh như đít nhái. Thất kinh. Tìm cách thối thác đi ngủ sớm. Nay về già thì mới dám gọi đồng chí gái vì nhu cầu phụ nữ giảm rất nhiều. Chán Mớ Đời 

 

Năm 1971, ở Anh Quốc, có thành lập một trung tâm đầu tiên, giúp các nạn nhân của bạo lực gia đình tại Chiswick, Luân Đôn. Các nhà nữ quyền tại Hoa Kỳ có đến viếng và bắt chước mở các trung tâm này tại Hoa Kỳ. Hội Lions International mà mình là hội viên từ 25 năm nay, có bảo trợ hàng năm các hội này, có phòng ốc để các nạn nhân của bạo hành gia đình, tìm đến nương tựa tạm thời nếu không biết đi đâu sẽ bị ông chồng dùng làm mộc nhân để tập Vịnh Xuân Quyền, khệnh lên khệnh xuống mỗi lần say.

 

Ngành tư pháp Hoa Kỳ không tha thiết với các vụ bạo hành khiến nhóm người tranh đấu nữ quyền phải nhắm vào hệ thống tư pháp vì xã hội, vì nhà thờ lo ngại về đỗ vỡ hạnh phúc gia đình. Một ông nghị viên thành phố New York, trong một cuộc đối thoại tại hội đồng thành phố, tự hỏi có nên phá vở một gia đình chỉ vì ông chồng khệnh bà vợ.

 

Mình có kể bà Ilona, lấy chồng rồi ông chồng khệnh mỗi khi say thuốc, suýt bị bóp cổ chết mấy lần, dù là công giáo nhưng sợ hiển thị chúa sớm nên đâm đơn ly dị.

 

Khi bà Francine Hughes được toà tha bổng vì lý do “temporary insanity”, mà người Mỹ gọi là “burning bed syndrome”, khiến các chuyên gia hàn lâm nghiên cứu về vấn nạn xã hội và 6 năm sau khi cô tài tử Farrah Fawcett đóng phim truyền hình The Burning Bed thì người Mỹ đã cho ra đời tuần lễ National Domestic Violence Awareness Week và phong trào này được phát triển nhanh chóng.

 

Một thập kỷ sau, quốc hội thông qua luật Violence Against Women Act, thành lập các đường dây nóng để nạn nhân có thể gọi cầu cứu, bắt buộc nhân viên công lực phải bảo vệ phụ nữ và trẻ em… 

 

Tuần này mình đi xe lửa lên L.A. thì mỗi lần xe lửa sắp đến, là loa phóng thanh kêu bạn không lẻ loi, đơn côi. Hãy gọi ngay đường dây nóng phòng chống tự tử…. Có những đường dây nóng, sẽ giúp các người tuyệt vọng, cầu cứu hay những ký hiệu làm bàn tay để báo cho người lạ mình đang cần giúp đỡ khi đi chung với kẻ bạo hành,... 

https://youtu.be/yY_YQfJAIOU

 

Ngày nay, 50 năm sau vụ bà Francine đốt chồng, người ta vẫn nhận thấy cứ mỗi phút là có 20 người bị bạo hành bởi người tình hay phối ngẩu. 1/4 phụ nữ và 1/9 đàn ông bị bạo hành bởi người phối ngẩu. Cho thấy đàn ông cũng bị bạo hành bởi vợ hay người tình. Mình có ông anh vợ cứ rên với bà chị dâu là bà vợ nổi khùng lên là cắn, béo ông ta như điên. Thống kê này là chỉ số được báo cảnh sát hay các trung tâm cứu giúp người bị bạo hành, còn ra số không đi báo thì còn nhiều hơn.

 

Chán Mớ Đời

 

Nguyễn Hoàng Sơn