Đá banh Đàlạt xưa


Sân vận động Đàlạt trước 75
Hôm trước, tình cờ thấy trên Facebook, ông nào ở Đàlạt tải tấm ảnh này lên mạng khiến bao kỷ niệm thời bé ở Đàlạt bổng nhiên trở về với những trận cầu đá banh, đại hội thể thao quân khu 2, đại hội thể thao học sinh Đàlạt.

Nhìn tấm ảnh cho thấy bên tay phải một phần đường Thống Nhất, chạy dọc hồ Xuân Hương, sau đó là tường hàng rào bằng gạch, sơn vôi màu vàng, bao vây sân vận động phía ngoài đường. Có cổng đi vào, hai bên là hai phòng bán vé để khán giả mua vé vào xem đá banh rồi đến vòng chạy bộ cho các cuộc tranh tài mỗi khi có tranh tài cho mấy đại hội thể thao, được tổ chức tại Đàlạt.

Ở giữa là sân đá banh với 2 trụ gôn khung thành. Bên tay trái có một con đường nhỏ ở trung tâm, dẫn lên khán đài danh dự, có mái lợp nếu mình không lầm, mấy thang bậc để dân có máu mặt được ngồi xung quanh mấy ông tướng tá làm bằng xi-măng. Hai bên khán đài danh dự có hạng cá kèo nghĩa là không có ghế chỉ có đứng. Mình thấy có 3 nấc tường talus bằng đất, cao đâu 1 mét để khán giả đứng phía sau không phải bị vướng cái đầu người đứng trước. Xa xa có thao trường, một công trình kiến trúc rất đẹp của Đàlạt, bị Việt Cộng phá bỏ để xây lên một trung tâm thể thao khác xấu không thể tả.

Nhớ lần đầu tiên đi xem đá banh với ông cụ. Hai cha con đi bộ từ nhà đến trường Thăng Long cũ, số 6 Hai Bà Trưng. Ông cụ mượn ông bạn nào một chiếc xe gắn máy hiệu Ischia thì phải, màu đỏ rồi kêu mình leo lên yên xe phía sau. Xe mới chạy ra tới đường Cường Để, lần đầu tiên trong đời, đi xe gắn máy không biết bỏ chân ở đâu nên cứ đưa ra hai bên, cuối cùng mỏi quá, mình hạ nhẹ hai chân xuống thì Rẹt rẹt.

Chân phải mình bị cuốn vào mấy cây tăm của bánh xe. Đau quá mình ré lên thì ông cụ ngừng lại, chân chảy máu sưng lên rồi đi bộ về nhà. Chán Mớ Đời  

Sau này, học Văn Học có tên bạn đi xe mình rồi không biết sao hắn bỏ chân vào bánh xe khiến mình phải đến nhà đưa hắn lên nhà thương băng bó mỗi tuần suốt mấy tháng. Về Đàlạt, có một tên khác học chung khi xưa, cũng kể ngày xưa hắn bị đau thương hàn, rồi nhờ mình chạy ra ấp HÀ Đông, chở hắn lên nhà thương. Hồi nhỏ, mình có khiếu làm xe ôm cứu thương cho thiên hạ và cho gái mượn xe. Chán Mớ Đời 

Sau này, ông cụ dẫn đi xem đá banh đội tuyển A và B của Việt Nam. Nhớ có Đổ Thới Vinh, tiền vệ của Việt Nam Cộng Hoà, đầu hói, nghe nói lừa banh hay lắm. Dạo ấy, xem thì cũng chả biết hay là gì. Chỉ nhớ là có 2 thủ môn; tên Đực 1 và Đực 2. Hai ông thần này thay phiên nhau đá banh lên bên phía đối phương để xem ai đá xa hơn. Thế thôi.

Sau này, có một anh cựu học sinh trường Trần Hưng Đạo, được vào đội tuyển B của Việt Nam Cộng Hoà. Anh này tên Hà thì phải, có về Đàlạt đá một vài trận, thấy lừa hay nên mình có bắt chước vài cú lừa.

Lớn lên thì mình bắt đầu nhớ hơn. Có xem đội lão tướng, có bác Bửu Ngự, hàng xóm mình đá với bố thằng Thành học chung, nhà ở cạnh giếng đối diện khách sạn Mimosa ở đường Phan Đình Phùng. Nghe nói bác Ngự khi xưa là trung phong của đội tuyển Nam Kỳ hay trung Kỳ chi đó.

Có một trận đội tuyển lão tướng Đàlạt, đá với đội tuyển sư đoàn Bạch Mã của đại hàn. Cầu thủ Kim Chi đá kiểu Thái Cực Đạo khiến mấy ông mít sợ quá để cho họ ăn. Khán giả đứng xem nói có một ông võ sư bình định, lên đài thắng Thái Cực Đạo, bị bắn chết. Có lẻ Việt Cộng tuyên truyền nhưng hồi nhỏ mình cũng hay kể chuyện này cho đám bạn nghe.

Lâu lâu hay có trận đá giữa trường Chiến Tranh Chính Trị và Võ Bị Quốc Gia. Dân võ bị khá trâu bò, có cú đội đầu bằng cách quỳ xuống. Đội cảnh sát quốc gia thì có ông Rớt làm thủ môn. Ông này sau 75, có gửi thư cho mình, kể là đang lưu lạc đến xứ Ấn Độ.

Đội tuyển Đàlạt thì mình nhớ có anh Lực, thủ môn, nhà ở đốc Nhà Làng, cứ chụp banh sau là lộn một vòng, đưa hai cái chân vào mặt tên nào đang chạy tới rồi anh Bôn, nhà ở đường Phan Đình Phùng, có ông bầu tên Thanh. Có hai anh em ở ấp Cô Giang hay cư xá Địa Dư, đường Yersin tên Xuân. Anh Bôn và ông Thanh bị Việt Cộng nằm vùng đặt chất nổ chết nơi xe, đậu trước nhà hàng Nam Sơn… sau đó, họ nhờ ông cụ mình thế chức bầu đá banh.
Khuôn viên của sân vận động Đàlạt ngày xưa

Mấy trận đấu đều cần trọng tài. Mình chỉ nhớ có hai người; cậu Châu, con mệ Cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ, có tiệm giặt ủi ở đường Minh Mạng, góc Tăng Bạt Hổ, đối diện Vọng Nguyệt Lầu và ông Năm Ngựa. Ông này người nam, chắc nuôi ngựa, nghe nói đâu ở đường Yagut hay đâu đó. Có lần ông ta cởi ngựa đến xóm mình, đi ngang nhà mình, không hiểu cố ý hay vô tình, con ngựa làm một bãi cứt ngựa trước cổng nhà mình. Đợi ông ta đi qua, mình lấy cái đồ xúc đem vào bón cây su ở khiến trái ra xum xuê. Lúc nào cũng bận đồ đen, đeo cái còi chạy không nổi. Đầu ông ta trọc thì phải.

Trận cầu kinh điển của đội tuyển Đàlạt là đoạt chức vô địch quân khu 2, đá bại đội tuyển Phan Thiết, đá hay hơn, có vài người có tên trong đội tuyển B của Việt Nam Cộng Hoà. Cầu thủ Đàlạt, đa số là thấp trong khi mấy ông xứ nước mắm, nhờ húp nước mắm mỗi ngày nên to con, chạy ào ào. Nhưng dân miền biển nên lên núi, chạy một tăng là hết thở như các đội tuyển nào đến Mễ tây Cơ cũng thua hết ở cao độ mấy ngàn thước, không khí đặt nên thở khó nên cuối cùng đội tuyển Đàlạt đá thắng đâu 2-1.

Mình nhớ có đại hội thể thao học sinh Đàlạt hàng năm. Các đại diện học sinh mỗi trường, đứng xếp hàng trên đại lộ Thống Nhất từ Cercle Sportif, đối diện Thuỷ Tạ rồi tuần tự một hai, đàng trước bước, đi vào sân vận động rồi về chỗ đứng không thua gì thế vận hội ở thị xã. Ông tỉnh trưởng Tuyên Đức đọc diễn văn khai mạc rồi từ khán đài danh dự xuống đi duyệt các hàng học sinh đứng trong mưa của Đàlạt.  

Mỗi năm, môn đá banh thì trường Trần Hưng Đạo đoạt vô địch, trường Tân Sanh thì đoạt giải bóng rổ,…trường nhà dòng thì bóng bàn,.. Năm đó, trường Trần Hưng Đạo thua. Mình nhớ trước khi đấu, trường Trần Hưng Đạo có than phiền chi đó về học sinh Văn Học và Văn Khoa. Đội tuyển Văn Học có hai ông học sinh người thượng, to cao đá cực chuẩn. Họ khiếu nại với bạn tổ chức là hai ông này là học sinh Văn Khoa, không phải Văn Học nên mất cả tiếng để hai ông này về nhà lấy thẻ học sinh để trình cho ban tổ chức. 

Việt Nam mình thì có tật thua thì làm giặc. Nghe kể hôm sau Trần Hưng Đạo kéo đến trường Văn Học, quăn lựu đạn cay đủ trò. Dạo ấy mình chưa qua Văn Học.

Năm mình sang Văn Học, bổng nhiên bà con bầu mình làm trưởng lớp 11B. Thế là mình phải tham gia các hoạt động cho đại hội thể thao như tham gia ca đoàn Văn Học dù không biết hát, tham gia cuộc diễn hành. Mình thuộc dạng bộ dài cao gầy nên bị thầy CBA bắt đi hàng đầu.

Mỗi hai ngày là phải tập garde debout nhưng không có súng vác lên vai thôi. Lúc đầu thì lên đồi ty Quan Thuế ở dốc Hải Thượng đi ác ê. Ngày tập dược cuối, thầy CBA mượn xe GMC của Võ Bị, chở ra đường Trần Hưng Đạo để tập ác ê. Mình cứ bị thầy CBA la vì đi sai nhịp. Mình cả đời không bao giờ cùng nhịp với thiên hạ, làm cái gì cũng khác bạn bè.

Sau đó, thầy phát cho mỗi tên con trai một cái áo vét màu trắng mượn của ty thanh niên Đàlạt. Quần tây đen, áo sơ-mi trắng là học sinh tự lo. Ngày khai mạc, đi diễn hành, thiên hạ đứng hai bên đường kêu “giống bồi Chic Shanghai” như điềm tiên đoán, sau này mình sang tây làm bồi hầu bàn cho tây đầm. Trời mưa, lạnh mà đứng trên đại lộ Thống Nhất, run lập bập, may quá là không bị đau sau đó.

Hôm sau, đi thi hát bài Bạch Đằng Giang ở trường Bùi Thị Xuân. Ông thầy dặn mình là đứng phía sau vì cao và chỉ làm bộ nháp nháp, vì mình chuyên hát sai, không theo tông nào hết. Cuộc đời muốn làm soái ca của mình chấm dứt từ đó. Ông thầy dìm hàng mình nên năm đó ca đoàn Văn Học về áp chót. Nếu Cho mình hát có thể đội sổ. He he 

Năm 11 B sang Văn Học thì mỗi chiều đều đi đá bánh ở sân vận đồng với Huỳnh Kim Sang, Phạm Anh Tuấn, Trần Hiệp, Nguyễn Mơ, Nguyễn Công Thành,… với đám kho bạc, có tên Cường, thấp thấp. Mùa nhập học mưa và mưa nên đá banh dưới mưa, sân banh đầy nước nên đá hoài không chạy. Khá vui, đầy kỷ niệm.

Ngày nay, chỗ sân vận động họ cho xây cái thương xá dưới hầm, ở trên có hai hình tượng để che hơi thoát dưới hầm, bằng trái dâu và trái a-ti-sô, biểu trưng cho đặc sản Đàlạt. Ý tưởng  hay nhưng kết quả không đẹp lắm.
Việt Cộng đập bỏ Thao Trường để xây cái chi chi mô. Chán Mớ Đời 

Mình tiếc nhất là thao trường mới xây mà chế độ mới lại đập bỏ để thế vào đó một trung tâm thể thao, xấu không thể tả. Thậm chí cái chợ Đàlạt, cũng bị tàn phá đủ trò, mất cái đẹp kiến trúc khởi đầu của người thế kế. Rất phản cảm.

Xong om
Nhs