30/04/1975 tại Paris

Hôm trước, có chị quen hỏi tâm trạng mình khi đang ở Pháp vào ngày 30/4/75 thì mình ấp úng, không nhớ rõ cảm xúc hôm đó, chỉ nhớ ngày đó đi làm. Mình biết tin Sàigòn đầu hàng khi bà chủ nhờ đi giao hàng cho khách hàng bằng Taxi. Người tài xế hỏi mình người gì rồi ông ta kể hồi sáng, thấy đám người Việt Nam và Pháp, đến đập phá toà đai sứ VNCH vì Việt Cộng đã vào và làm chủ Sàigòn. Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà, không được dân bầu, đã kêu gọi đầu hàng.

Dạo đó Hà Nội chưa có toà đại sứ ở Pháp. Sau 1954, Hà Nội lấy hết nhà cửa, tài sản của người Pháp nên Pháp không công nhận Hà Nội, chỉ công nhận chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, đại diện cho người Việt. Khi Sàigòn đầu hàng thì Hà Nội chiếm toàn đại sứ của Việt Nam Cộng Hoà. Mặt trận giải phóng chả lấy được cái gì. Chán Mớ Đời 

Cuộc đời mình lúc nào cũng đi bên lề lịch sử của quê hương. Ngày trọng đại nhất của Việt Nam, mình cũng không biết rõ hay theo dõi.

Chị ấy gửi cho bài báo của RFA, nói về ngày 27/4/75 ở Paris với bức hình của ông Trần Đình Thục, sinh viên kiến trúc, chụp cuộc tuần hành của 300 sinh viên Việt Nam, chít khăn tang cho những người nằm xuống, chiến đấu cho tự do của quê hương. Hình như ông Trần Đình Thục sau này di cư sang Hoa Kỳ, làm nhiếp ảnh viên, nghe nói ông ta có học kiến trúc ở Pháp.

Dạo đó có 2 nhóm sinh viên và kiều bào sinh sống ở Pháp: chống và ủng hộ Việt Nam Cộng Hoà. Có những người sinh đẻ tại Pháp vì cha mẹ hay ông bà của họ, di cư hay bị Tây mộ phu sang tây để làm trong các lò sản xuất súng đạn trong thời đệ nhất, đệ nhị thế chiến vì công nhân Tây bị động viên hoặc đi du học rồi ở lại. Gần đây chính phủ Pháp đã lên tiếng xin lỗi đã đối xử không tốt đẹp với các người được mộ phu từ các thuộc địa cũ trong thời gian chiến tranh chống Đức Quốc. Các người gốc Việt Nam được chính phủ Pháp tuyển, đem qua Tây làm nhân công lao động, sản xuất súng ống, đạn dược  cho ăn ở trong những chỗ tồi tàn, lạnh lẻo mùa đông không có sưởi, thiếu phòng vệ sinh, nước,....

Dạo ấy có một số đông sinh viên du học được học bổng của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà hay gia đình có khả năng tài chánh. Có thời một đồng bạc Việt Nam tương đương 10 phật lăng Pháp nên những gia đình khá giả cho con du học ở Pháp. Học xong thì đa số không muốn về Việt Nam vì sợ đi lính nên phải xin ở lại nước sở tại vì lý do chính trị. Kêu về sẽ bị chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cho vô tù vì chống phá họ. 

Xin nhắc lại là khi mình đi học tại Pháp thì có đến 25% người Pháp bầu cho đảng Cộng Sản, chưa kể đảng Xã Hội, có thể nói đa số người Pháp thân cộng sản và chống Hoa Kỳ, dù ngàn lính mỹ bỏ xác tại Pháp quốc rất đông khi đổ bộ ở bờ biển Normandie để giải phóng họ khỏi sự cai trị của Hitler.

Dạo đó kinh tế Âu châu còn phát triển nên các chính phủ sở tại thu nhận, cho họ ở lại. Đa số không am tường tình hình ở Việt Nam nên bị Hà Nội tuyên truyền nên chống chiến tranh, chống lại chính quyền VNCH mà Hà Nội gọi thành phần này là Việt Kiều Yêu Nước. Cũng có thể họ chống chiến tranh vì mang mặc cảm của con dân thuộc địa nên rất hãnh diện khi thấy Hà Nội xâm chiếm miền nam, đánh mỹ cứu nước tương tự chiến thắng Điện Biên Phủ đã khởi nguồn các cuộc nổi dậy đấu tranh dành độc lập, đòi tự trị từ các thuộc địa của người tây phương, khắp nơi trên thế giới.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà không cho gia đình mấy sinh viên chống Việt Nam Cộng Hoà, chuyển tiền cho con họ để tránh ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Mình có đọc bài của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, kêu là được học bổng của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, ăn tiêu không hết nên buồn đời ông ta đi theo Việt Cộng, chống phá lại Việt Nam Cộng Hoà. Chán Mớ Đời 

Mình biết vài người trong trường hợp này, bỏ học đi làm vì kinh tế Việt Nam trong thời chiến tranh khá bi đát, lạm phát nên chính quyền VNCH không cho chuyễn ngân làm họ càng căm thù chế độ Sàigòn. Sau 75 thì họ ân hận về những việc mà họ đã làm khi xưa, thay vì đưa quê hương lên thành một cường quốc như Tân Gia Ba thì xô đẫy cả triệu người bỏ xác trên biển đông hay các trại tập trung hay họ không được trưng dụng, trao chức quyền như trong thời kỳ chiến tranh nên quay lại chỉ trích chính quyền mới. 

Đọc nhiều blog của các cựu giáo sư đại học Paris, Louvain,.. ,thấy thương cho họ. Có người ngày nay về hưu ở Việt Nam vì tiền hưu không đủ sống ở Pháp nhưng cuộc sống ở Việt Nam tương đối khá nhờ tiền hưu trí của Pháp nhưng vẫn bị công an khu vực hành lên hành xuống, kiếm chác hay đe doạ không được viết xấu về chế độ sẽ bị trục xuất. Cứ 6 tháng phải chạy ra khỏi Việt Nam rồi trở lại với chiếu khán nhập cảnh mới.

Mình chỉ nhớ sau giáng sinh 1974, mình đi Tây. Mấy tuần sau nhận được thư đầu tiên của ông cụ, báo tin là bà cụ sinh non cô em út, có lẻ vì lo sợ cho mình nơi xứ lạ quê người. Năm ấy là năm nhuận nên tuy mới sinh nhưng bà cụ phải ra chợ bán chợ Tết vì sợ mất khách thay vì ở cử một tháng như mọi lần. Đọc thư nhà lần đầu trên xứ người, mình khóc như mưa, tương tự nhạc sĩ Đức Huy khóc một giòng sông Seine.

Khi ra đi tưởng như tuyệt vời nhưng khi đụng chạm thực tế, với những khó khăn ở xứ người, mình chỉ muốn về lại mái nhà xưa ở Đà Lạt. 6 tuần sau thì mình nhận lá thứ cuối cùng của ông cụ mà đến gần 20 năm sau, mới được đọc lại những dòng chữ viết của ông cụ. Ông cụ kể là Đà Lạt bắt đầu di tản nên chắc ông cụ sẽ chở gia đình xuống Phan Rang rồi theo đường Bình Tuy để về Sàigòn vì đường Sàigòn - Đà Lạt bị cắt. Nghe nhà kể; khi xe chạy theo đoàn người di tản về Bình Tuy thì có một chiếc xe Lam, bóp còi in ỏi để vượt qua mặt thì 5 phút sau thấy chiếc xe này bị Việt Cộng pháo kích nổ banh xác cả gia đình. Hú vía!

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế vì giá dầu lửa tăng năm 1972, Tây không cho sinh viên ngoại quốc đi làm thêm, muốn đi làm thì phải có giấy tờ gọi là permis de travail. Mình cần phải làm giấy tờ cư trú gọi là permis de séjour nhưng muốn có giấy tờ thì phải trình thẻ sinh viên mà trường đại học mình đã ghi danh ở thành phố Lille đã nhập học nên ghi tên học ở Alliance  Française  một tháng để có thẻ sinh viên, đổi bằng lái xe VNCH qua bằng lái xe tây. Nhớ đi đổi bằng lái thì gặp một tên gốc Việt ngồi văn phòng làm thủ tục cho mình, hắn nhìn mình như khinh bỉ trong khi mình rất vui khi gặp Mít, sau này mới hiểu là gặp Việt kiều Yêu Nước.

Không được phép đi làm nên mình đi làm chui, lương ít hơn cho một nhà in ở Issy Les Moulineaux, ngoại ô phía tây của Paris, trưa thì rữa chén cho tiệm ăn của bạn của bà chủ, mình mướn cái phòng nhỏ ở Pantin, ngoại ô phía đông của Paris, coi như phải lấy xe Métro, đi xuyên qua Paris mỗi ngày để đi làm. Sáng dậy khoảng 6:00 rồi lấy xe điện ngầm đi làm mất cả tiếng đồng hồ, làm 10-12 tiếng mỗi ngày nên tối về tới nhà coi như 11:00 giờ đêm, nhiều khi ngủ quên trong xe điện ngầm. Về đến nhà, lăn ra ngủ mai đi cày tiếp nên chuyện thế sự mình cũng không biết gì cả. Không có radio, truyền hình gì cả. Mỗi lần lấy xe điện ngầm thì đứng lại đọc tin tức ở mấy sập báo, không có tiền mua. Báo chí bên tây đắt gấp 4-5 lần bên mỹ. Dạo mới sang cứ tính tiền Tây ra tiền Việt Nam là choáng mặt, không dám mua sắm hay ăn uống.

Mình có ông cậu bà con đi du học bên Tây năm 1955, đảng viên của đảng cộng sản Tây nhưng vẫn được VNCH cấp chiếu khán về thăm Việt Nam năm 1973 trong chương trình Dân Vận Chiêu Hồi. Ông cậu hồ hởi, kể là người đầu tiên xông vào toà đại sứ VNCH ngày 30/4 nên từ dạo ấy mình ít liên lạc. Năm 1976, ông cậu là một trong những người Việt kiều yêu nước đầu tiên được Hà Nội cho về thăm Việt Nam. Ông từng thấy Sàigòn và Đà Lạt năm 1973 nên chưng hửng khi trở lại sau 3 năm, kêu nhà cậu mà công an hàng ngày tới khám, khác hẳn với năm 1973 thì được đón tiếp như ông Hoàng, không bị làm khó dễ nên mất lập trường với cách mạng rồi qua đời khi mình đang ở Ý. Nhờ vậy mà mình mới biết gia đình còn sống sót sau cuộc di tản tháng 3/ 74 và ông cụ mình bị bắt và bị lên án 18 năm tù nhưng cũng mất thêm mấy năm sau mới nhận được thư nhà.

Nói cho cùng thì mình ở Tây, không có truyền hình hay radio nên mù tịt về tình hình đang xẩy ra tại Việt Nam. Cuối tuần mình đi tập Thái Cực Đạo với mấy tên Tây đen và một tên Việt Nam cũng mới sang trước mình đâu mấy tuần. Tên này lớn hơn mình 4-5 tuổi nhưng trên giấy tờ lại bằng tuổi mình nên có vẽ hiểu biết nhiều hơn. Hắn kêu bọn mình bây giờ là "người vô tổ quốc" như dân Do Thái từ 2000 năm nay. Sau này mình không có dịp gặp lại hắn khi đi thành phố Mantes La Jolie làm việc 2 tháng hè.

Có lẻ giây phút mà mình cảm nhận được sự mất mát quê hương là đêm hội Tết năm 1976, do tổng hội sinh viên Việt Nam, phe chống cộng được tổ chức tại rạp Maubert De Mutualité với chủ đề "Ta còn sống đây". Lần đầu tiên thấy lại lá cờ vàng 3 sọc đỏ rồi cả rạp đồng hát bản quốc ca. Sức mạnh tổng hợp của mấy ngàn người cùng hoàn cảnh, vô tổ quốc đã khiến mọi người khóc ngây ngất, những bài ca được sáng tác sau 30/4/75 đem lại cho mọi người một niềm tin cho tương lai của mình và quê hương, đã giúp mình phấn đấu trong cuộc sống mới, một thân một mình nơi xứ lạ quê người.

Những mặt trời trên cao, soi sáng lối anh đi
Mặt trời như Tự Do, mặt trời như Tự Do
Tự Do như con đường, soi sáng lối anh đi, 
Tự Do như hy vọng, Tự do như niềm tin....

Có lẻ vì vậy mà dạo sinh sống ở Âu châu, cứ mỗi lần Tết đến, dù đi làm xứ nào mình cũng phải về Paris đi dự hội Tết do tổng hội sinh viên tổ chức như tìm lại niềm tin cho một ngày mai tươi sáng trên quê hương.

Chân trời trước mặt của quê hương ta sẽ nở hoa...
Những đôi mắt này còn nhìn nhau còn hẹn ngày về...

Cũng trong đêm này mình gặp lại NVT, con hãng cưa Xu Tiếng ở đường Phan Đình Phùng, học Yersin chung khi xưa, đang theo học ở đại học Orsay, miền nam Paris. Hắn viết thư rủ mình xuống chơi với nhóm sinh viên Việt Nam ở đại học Orsay. Tới nơi thấy đám sinh viên này đang nhảy đầm, có một tên và hai ả học chung Yersin hồi nhỏ nhưng mình đang buồn lo cho cuộc sống, gia đình ở VN nên đi về, đến 6-7 năm sau mới gặp lại hắn, cũng ở hội chợ Tết. Dạo đó, mình đang đi dạy ở đại học Bách Khoa Lausanne, Thuỵ Sĩ. 

Khác với những người như vợ mình, vượt biển sau này hay những người di tản tháng 4/75, những người đi du học trước ngày Sàigòn đầu hàng, có nhiều mộng mơ về quê hương cho nên có một số như bị khủng hoảng tinh thần sau ngày 30/4. Những người chưa học xong, không còn nhận được tiền học bổng của VNCH hay tiền của gia đình nên một số đông đành bỏ học, đi làm trong đầu vẫn ôm hoài bảo, giấc mơ của mình từ ngày rời khỏi nước. Người di tản hay vượt biển thì đã dứt khoát với Việt Nam nên đa số quyết tâm làm lại cuộc đời ở xứ người nên nói chung họ thành công hơn số sinh viên du học trước 30/04/75.

Khi rời Việt Nam mình dự tính 10 năm sau là trở về Việt Nam, ai ngờ gần 20 năm sau mới trở lại Việt Nam. Thấy quê hương tàn tạ hơn ngày mình rời Đà Lạt 20 năm trước. Hồi nhỏ nghe hai ông họ Lưu và Nguyễn lạc vào Thiên Thai, khi họ trở về quê thì không còn nhận ra cảnh cũ người xưa, không ngờ ngày nay mình cũng cảm thấy lạc lõng nơi mình sinh ra và lớn lên, lúc đó mới hiểu câu nói của tên tập chung Thái cực đạo 40 năm về trước; "mình là người vô tổ quốc"

Bốn mươi năm...
Đàn tr thơ nay đã ln
Và chàng trai nay đã già
Nhng người xưđã nm xung
Và rng núi đã héo nhòa !

Bốn mươi năm... 
Người ct chân trên hè ph
K quyn uy trong căn nhà
Người nm rên trong h xá
Là ngưi sáng hay đã lòa ?

Người b thây nơi trùng dương
Mng nh neo trên sóng gm
Nhng hn ma sau hàng km, nhng con mt sâu trng trng !
Người nm chết trên núi sông
Ngườđào sắn trên rung đồng
Người ln li vđi tìm bao con đưng du quê hương !

Mais aujourd'hui, qui se souvient de la souffrance ceux des miens
Qui se souvient de toi mon peuple
Où mon peuple, dans le silence et la douleur, tu écoutes tes pleurs... tomber... 
sur le noir de tes nuits (Phan Văn Hưng)


Mình không biết hình này chụp năm nào, hình như năm 1991. Nghe nói nhiếp ảnh viên Doi Kuro mình theo dõi trên Facebook, có viếng Việt Nam. Khi mình về lại Đàlạt lần đầu tiên năm 1992, cảnh tượng Đàlạt như vậy, nghèo nàn, sau 20 năm, thiên hạ đi xe đạp nhiều , ít xe hơi.
Đây hình ảnh khu bánh mì VĨnh Chấn trước 75. Ai về Đà Lạt ngày nay thì không nhận ra chỗ này.

Nhs