Hiển thị các bài đăng có nhãn Ăn và chơi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ăn và chơi. Hiển thị tất cả bài đăng

Tuổi nào ngưng uống rượu

 Tuổi nào nên ngừng uống rượu

Cuối năm 2024, mình phải đi lấy nhà lại từ một gia đình mà ông bố nghiện rượu, không có tiền để trả tiền nhà. Phải đưa ông ta một tí tiền để ông ta dọn ra với gia đình để nộp cho chủ nhà khác. Nếu ông ta không tự thay đổi, tự kềm chế, không uống rượu để có thì giờ đi làm, kiếm tiền thì sẽ không bao giờ thay đổi lối sống.

Đầu năm thấy thân hữu tụ tập nhau ăn Tân niên tại nhà cũng như nhà hàng chào đón mừng năm 2025. Rượu được khui ra như pháo và những lời chúc tụng đẹp nhất cho nhau khiến mình nhớ đến cuốn sách nói về rượu và trí nhớ. Về già chắc chúng ta thích uống rượu để mau quên hoặc khi trẻ lấy vợ, cần uống rượu để quên đi nỗi sầu đông.

Trong cuốn sách “The Complete Guide To Memory”, có phần “Cách phòng ngừa chứng mất trí nhớ” của Tiến sĩ Restak, nhà thần kinh học và tác giả đã tiết lộ rằng việc uống rượu, đặc biệt là uống với số lượng lớn, thường xuyên, xin nhắc Lại số lượng nhiều, có thể gây hại cho sức khỏe não bộ của chúng ta. Ông chia sẻ rằng đó là một "chất độc thần kinh trực tiếp" (direct neurotoxin).


Rượu có thể gây hại rất nhiều cho trí nhớ của chúng ta, ông khuyên mọi người ở mọi lứa tuổi nên xem xét lại mối quan hệ của họ với rượu. "Hãy tự hỏi bản thân, tại sao tôi lại uống rượu?' Nếu câu trả lời là 'vì rượu giúp tôi nâng cao tâm trạng và giảm bớt lo lắng, thì bạn có thể đang gặp nguy hiểm và có lẽ tốt nhất là nên dừng hẳn", ông nói trong cuốn sách của mình. Ông này viết rất nhiều sách, nghiên cứu về bộ não nhưng mình đọc được một cuốn là oải.


Gặp lại các bạn học cũ, tên nào kêu không nhớ là mình đoán hắn uống rượu nhiều. Có một anh bạn thân ở Đà Lạt, nhớ dai lắm. Lý do là anh ta không thích uống rượu, chỉ khi nào bắt buộc thì làm một tí cho vừa lòng các anh.dcg thì không uống rượu nhưng không hiểu sao bộ nhớ bị vi-rút gì đó, chỉ nhớ chuyện tiêu cực.


Mặc dù chúng ta "có thể bớt sợ hơn" khi chúng ta uống rượu để giao lưu hoặc vì lý do nếm thử, nhưng nhà thần kinh học vẫn khuyên những người uống rượu nên dừng lại. Tiến sĩ Restak cho biết: "Tôi thực sự khuyên bạn nên loại bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn rượu khỏi chế độ ăn uống của mình nếu bạn đã 65 tuổi". Đúng tuổi về hưu. Tại sao lại là 65 tuổi? Mình có mấy bạn quen về hưu lại càng uống nhiều hơn không đi làm. 


Một phần là do nguy cơ bị ngã ở tuổi hưu trí. Mặc dù ít gây ra nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hơn hút thuốc lá nhiều, Tiến sĩ Restak cho biết rượu vẫn có thể gây tổn hại đến trí nhớ của bạn nhưng tác động của nó có thể tệ hơn đối với hông của bạn. "Rượu cũng nên được xem xét trong bối cảnh người lớn tuổi thường xuyên bị ngã", bác sĩ cho biết. 


"Tỷ lệ tử vong do ngã đang gia tăng, đặc biệt là ở nam giới cao tuổi", ông chỉ ra, đồng thời nói thêm rằng số ca tử vong đã tăng 30% trong giai đoạn 2007-2016. Mình không biết ngày nay ra sao, nhất là sau vụ COVID. Mình thấy các tiệm BevMo bán rượu mọc ra khắp nơi, quảng cáo rượu rất nhiều trên truyền thông. Ông cho biết, ngã là nguyên nhân gây ra 70% số ca tử vong do tai nạn ở những người từ 70 tuổi trở lên. Có một bác quen kể là người em lớn tuổi, không chống gậy, ngã té bể đầu, chết luôn.


Nhớ khi xưa, bố vợ còn sống, tối đang ngủ mình bổng nghe cái rầm, cả nhà không ai nhúc nhích, mình bò dậy đi một vòng thì thấy bố vợ nằm dưới đất. Máu me ngay đầu, kêu xe cứu thương chở vào cấp cứu. Sau vụ đó ông cụ như quên hẳn khi xưa đã hút thuốc, không thấy kêu đi mua thuốc cho ông cụ nữa, ngưng hút thuốc luôn. Cái ngã đã ảnh hưởng đến bộ trí nhớ của bố vợ.


Ngoài ra, có bệnh loãng xương khi về già, nếu ngã khiến xương gãy nhất là cái hông thì hết đi đứng. Hôm qua mình nói điện thoại một người bà con, dì kể bị ngã hai lần, gãy hai cái xương chân. Muốn tránh bệnh loãng xương thì phải tập nội công Hồng Gia, và Thái Cực Quyền nhất là đừng uống sữa vì mình đã kể, sữa có nhiều a-xít nên cơ thể sẽ tìm lấy calcium trong xương để bảo hoà pH cơ thể khiến bị loãng xương. Người Mỹ uống sữa rất nhiều nên về già bị bệnh loãng xương. Xương cốt lộn xộn. Công ty bán sữa thì họ phải quảng cáo Calcium này nọ nhưng lại quên không nói đến hệ quả của việc uống sữa. 


Có một nghiên cứu của một y sĩ người Nhật. Ông ta có phòng mạch ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ông khám phá ra người Nhật ở Nhật Bản về già ít bị bệnh loãng xương trong khi người Nhật di cư sang Hoa Kỳ thì lại bị. Lý do là uống sữa như người Mỹ. Ông ta tìm tòi thì khám phá ra vấn đề này. Sữa có a-xít khiến cơ thể tự rút chất calcium trong xương. Người Mỹ sợ da ăn nắng nên bôi kem chống nắng, mà cơ thể cần ánh nắng mặt trời để tạo chất calcium nên người Mỹ bị loãng xương trầm trọng khá nhiều khi về già. Ai có con dâng học y khoa kêu chúng theo ngành chân tay vì thế hệ banyboomer về hưu, lại to béo nên dễ bị ngã tha hồ gắn ốc vít này nọ. 


Vì vậy, bạn nên hạn chế tiêu thụ rượu sau 65 tuổi, đặc biệt là nếu "bạn đã mắc phải các nguyên nhân khác gây ngã, chẳng hạn như suy giảm sức mạnh, teo cơ, các vấn đề về thăng bằng và dùng thuốc. Trong trường hợp đó, uống rượu có thể đặc biệt nguy hiểm.” Chịu khó đi tập thể dục, đi bộ giúp chân và đầu gối mạnh lên. Như tập Thái Cực Quyền và Nội Công Hồng Gia giúp xương chắt.


Rượu còn ảnh hưởng đến não vì có một loại chứng mất trí nhớ đặc biệt chỉ xảy ra khi uống quá nhiều rượu.


Tình trạng này, được gọi là hội chứng Korsakoff, "được đánh dấu bằng tình trạng mất trí nhớ gần đây nghiêm trọng" và "là kết quả của tác động trực tiếp của rượu lên não", Tiến sĩ Restak cho biết. Ai buồn đời thì tìm đọc thêm về vụ này.


Đó là do nồng độ thiamine của bạn giảm, nghĩa là "trong vòng một giờ, một người uống nhiều rượu bình thường có thể bị lú lẫn, mất thăng bằng, loạng choạng và ngã. Ảnh hưởng nhiều nhất là trí nhớ về các sự kiện gần đây", bác sĩ cho biết. Không biết có phải vì vậy mà cảnh sát khi chận lại, bắt người ta đi bộ.


Những người mắc tình trạng này cũng có thể lấp đầy khoảng trống trong trí nhớ của họ bằng "sự bịa đặt", Tiến sĩ Restak chỉ ra nghĩa là nếu họ quên mất những gì họ đã làm vào tối hôm trước và chúng ta nói với họ rằng chúng ta đã nhìn thấy họ tại một hội chợ vui chơi vào ngày hôm đó, họ sẽ tiếp tục và thậm chí tô vẽ thêm cho câu chuyện (mà không nói dối, họ thực sự tin vào điều đó). Cái này hơi nguy vì khi người ta tin tưởng vào sự bịa đặt thì khó mà lay chuyển khiến họ đổi ý.


Người Việt khi xưa hay nói rượu vào lời ra, rượu nói chớ không phải người uống rượu. Tiến sĩ Restak cho biết, việc uống quá nhiều rượu cũng có thể ảnh hưởng đến mức sinh tố B12, một sinh tố rất có lợi cho não của chúng ta.


Tóm lại bác nào bị vợ đì thì cứ tiếp tục uống cho say để quên đời, đây lên hành mụ vợ trả thù còn bác nào thương vợ con thì ngưng uống để tránh tai nạn, té ngã vì sau đó vợ con phải lãnh trách nhiệm chăm sóc. Còn bác nào muốn sức khoẻ, chân tay tốt hơn, có calcium nhiều để xương không bị loãng thì đến Đông Phương Hội tập, miễn phí. Hôm kia có anh quen hỏi tập ngày nào, nói sẽ đến nhưng mình đã nghe nhiều người nói rồi nhưng anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến. Chán Mớ Đời 


Anh ta có đến tập được một buổi rồi nhắn tin là không có thời gian nhiều. Đợi khi khác. Vào tuổi hưu trí mà chưa hiểu là sức khỏe của mình chỉ có tự mình tạo nên. Không có tiền bạc nào có thể mua được. Có chị 83 tuổi, đến tập với tụi này được 6 tháng nay thấy chị ta khỏe, chân tay mạnh lên. Chị ta kêu vui quá chú Sơn. 


Đầu năm chúc các bác cùng thân quyến mọi sự tốt đẹp. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen ‘

Nguyễn Hoàng Sơn 



Mua bánh mì ở Pâtisserie hay Boulangerie?

 Tháng 10 vừa rồi, về Paris, đi ngang tiệm bán bánh mì mà mình thường mua khi xưa, thấy họ đổi tên với chữ pâtisserie thay vì boulangerie nên ngạc nhiên hỏi bạn bè thì khám ra là sau khi mình rời Paris thì có luật lệ về sử dụng chữ Boulangerie và Pâtisserie. Tây đầm rất phức tạp về danh xưng. Về nhà mình mò tài liệu đọc. Các luật liên quan đến tiệm bánh mì (boulangerie), tiệm bánh ngọt (pâtisserie) và việc sản xuất bánh mì baguette tại Pháp rất chi tiết và nhằm bảo vệ tay nghề thủ công, đồng thời cung cấp thông tin minh bạch cho khách hàng.

Thật ra ở Âu châu, có sản phẩm, thức ăn uống giả mạo rất nhiều như thịt bò, được trộn với thịt ngựa, cá thu được bơm Nitrite, hay dầu olive cũng bị trộn đủ thứ. Do đó họ ra luật rất nhiều nhưng mafia vẫn làm bán cho thiên hạ, hay xuất cảng qua Mỹ.

Lò nướng bánh mì ngày nay ở Pháp.

Khác với Hoa Kỳ, vào siêu thị họ kêu bánh mì thủ công nghệ (artisan) nhưng đem bột đông lạnh đã làm ở đâu đến rồi cho vào lò điện nướng vào 6 giờ sáng thì 7 giờ khi siêu thị mở cửa thì có thể ghé mua, chiều vào độ 4 giờ chiều thì không được bán nữa, ai muốn bánh mì miễn phí thì ghé siêu thị vào cuối chiều xin. Thậm chí họ làm sẵn bánh mì, hơi nướng chút xíu bỏ bao mình mua về bỏ lò nóng hổi. Họ gọi thủ công nghệ chắc là vì có thợ xếp bánh vào lò. Số còn lại thì họ đem quăng hay cho ai thì không rõ. Còn bên Tây thì họ làm croûtons bán trong mấy gói nylon. Ai buồn đời, xem trên bờ lốc về vụ này, mình có kể lịch sử của baguette.

Tương tự một chị quen làm ở siêu thị người Việt cho biết là không nên mua trái cây ở siêu thị người Việt. Lý do là khi siêu thị Mỹ bán không hết, và trái cây sắp hư thì họ đem quăng. Thay vì tốn tiền mướn người đem quăng, họ hú các siêu thị người Việt đến đem xe chở về bán. Lý do đó trái cây ở siêu thị người Việt rẻ và mau thối. Ngày nay với các nhãn hiệu điện tử, không biết có còn vụ này vì lỡ khách hàng ăn ngộ độc thì siêu thị Mỹ lãnh nợ.

https://www.muctimsonden.com/2023/12/banh-mi-baguette-mot-thoi.html

Sau đây là những quy định về tiệm bánh mì (boulangerie):

Theo Điều L. 121-80 của Bộ luật tiêu dùng Pháp:

Một tiệm bánh mì là cửa hàng nơi bánh mì được sản xuất tại chỗ, nghĩa là tất cả các bước sau đây phải được thực hiện trong cùng một cơ sở:

1. Nhào bột.

2. Tạo hình bánh.

3. Lên men.

4. Nướng bánh.

Tiệm bánh mì không được bán bánh mì sản xuất ở nơi khác (như trong nhà máy hoặc cơ sở khác), trừ khi họ không sử dụng thuật ngữ “boulangerie”. Lý giải việc tiệm bán bánh mì khi xưa mình hay mua đổi tên thành pâtisserie vì họ bán bánh mì của ai khác làm. Kiểu ở Bolsa, mấy tiệm Việt Nam, bày bán chè xôi, bánh đủ loại do mấy người làm ở nhà rồi bỏ mối cho các tiệm này bán. Trong khu mình ở đất đắt tiền nên khó mà được phép làm lò bánh mì với lửa, có thể cháy, ngoại trừ họ dùng lò điện. Như công ty Paul mà mình thấy ở Georgia và Sàigòn, đề tên pâtisserie, bán bánh mì đông lạnh, được nướng lại. Chuyến đi kỳ rồi, ở Ý Đại Lợi, có anh bạn làm bánh mì mà người Mỹ gọi whole wheat còn Tây gọi Pain Complet hay Intégral. Ăn rất ngon. Lần sau về Âu châu chắc mua loại bột mì có trấu đem về Hoa Kỳ làm ăn. Thấy mất công, thà bay sang đó một tháng ăn cho đã thèm rồi bay về.


Nghị định số 93-1074 ngày 13 tháng 9 năm 1993 định nghĩa về “baguette truyền thống của Pháp”. Các tiêu chí cần tuân thủ:

Nguyên liệu: chỉ sử dụng bột mì, nước, muối và men hoặc men tự nhiên.

Không được phép sử dụng bất kỳ chất phụ gia hoặc chất bảo quản nào. Kiểu này chỉ bán trong ngày rồi làm crouton như xưa.

Bánh phải được nhào, tạo hình và nướng tại chỗ, Lò bánh mì. 

Các nhãn hiệu như “baguette truyền thống của Pháp” (baguette de tradition française) hoặc “bánh mì truyền thống” (pain de tradition) được bảo vệ và kiểm soát chặt chẽ.

Niêm yết giá bánh mì bên Tây rẻ hơn Hoa Kỳ. Tiệm bánh mì phải:

Niêm yết giá theo kilogram cho từng loại bánh mì. Mình không nhớ người bán có cân bánh mì rồi bán theo giá cân nặng. Lần sau về sẽ để ý.

Ghi rõ bánh mì được bán có phải là “bánh mì truyền thống của Pháp” hay không. Truyền thống của Pháp được định nghĩa ra sao, mình không rõ chỉ biết ngày nay dân Tây trắng ít ai theo nghề này, toàn là dân di cư đến, phụ làm rồi học nghề, chủ về hưu con không theo nghề thì để lại cho đệ tử. Nên mấy ông thắng giải baguette ngon nhất Paris sau này đa số là gốc Algerie, Ma-rốc, Tunisia.


Thời gian và ngày mở cửa.

Tại một số khu vực, chính quyền yêu cầu các tiệm bánh mì phải có một ngày nghỉ bắt buộc mỗi tuần. Quy định này nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh và đảm bảo thợ làm bánh có thời gian nghỉ ngơi. Mình nhớ khi xưa họ ghi tên trước cửa tiệm, các lò bánh mì mở cửa trong khu vực khi đi nghỉ hè hay nghỉ trong tuần để dân tình biết tiệm nào mở cửa. Nay thì có điện thoại cầm tay nên chắc không cần.


Định nghĩa pháp lý về tiệm bánh ngọt (pâtisserie)

Tiệm bánh ngọt chuyên sản xuất các sản phẩm ngọt như bánh kem, bánh tart, bánh ngọt hoặc các món tráng miệng cầu kỳ. Kỳ về Paris vừa qua, đi ăn cơm với cô hàng xóm không biết mặt khi xưa ở Đà Lạt, ăn được cái bánh tart sung, ngon kể gì. Về lại Cali, chả muốn ăn bánh trái làm ở đây. Đắt mà lại không ngon.

Khác với tiệm bánh mì, tiệm bánh ngọt không bắt buộc phải sản xuất bánh mì hoặc bánh ngọt tại chỗ. Họ đặt cua rai mang lại bán như các tiệm thức ăn Paul,…, làm sẵn rồi đem lại tiệm nướng.


Bán bánh mì tại tiệm bánh ngọt

Tiệm bánh ngọt có thể bán bánh mì (bao gồm baguette).

Phải mua từ tiệm bánh mì hoặc tự sản xuất bánh theo đúng quy định của nghị định 1993.

Nếu không tuân thủ các điều kiện này, không được sử dụng nhãn hiệu “baguette truyền thống của Pháp”. Lý do không làm tại chỗ, không thuần túy vì bỏ thêm phụ gia. Khi xưa nghèo nên chỉ ăn như vậy nay giàu có thì thêm phụ gia cho sang.


Bảo vệ nghề thợ làm bánh và bánh baguette:

Bánh baguette được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể (2022)

Sự công nhận này nhằm bảo tồn tay nghề thủ công liên quan đến việc sản xuất bánh baguette. Vấn đề là các nghề này, ngay nay Tây trắng không theo nghề làm bánh mì nữa, từ mấy năm nay, giải bánh mì baguette ngon nhất Paris đều lọt vào tay các thợ gốc Bắc Phi. Mấy ông này thắng thì được điện Élysées của tổng thống mua bánh mì cho tổng thống ăn trong một năm.

Nó củng cố tầm quan trọng của các quy định bảo vệ việc sản xuất và bảo vệ các thợ làm bánh trước sự cạnh tranh từ công nghiệp. Vấn đề là người ta mua theo túi tiền và tiện lợi chớ có ai mua để bảo tồn thủ công nghệ. May ra chỉ các tên nhà giàu mới đòi hỏi này nọ.


Hình phạt khi vi phạm

Tiệm bánh mì hoặc bánh ngọt sử dụng các nhãn hiệu được bảo vệ (“baguette truyền thống của Pháp”) mà không tuân thủ các tiêu chí có thể bị phạt vì thực hành thương mại gian lận.

Tiền phạt có thể lên tới hàng nghìn euro.


Cạnh tranh giữa sản xuất công nghiệp và thủ công

Các siêu thị lớn và chuỗi tiệm bánh công nghiệp (như Marie Blachère hoặc Paul) sản xuất bánh hàng loạt, đôi khi sử dụng phụ gia và kỹ thuật đông lạnh. Cho nên có chất bảo quản.

Để đối phó, pháp luật bảo vệ các thợ làm bánh thủ công bằng cách quảng bá các thuật ngữ như “tiệm bánh thủ công” (boulangerie artisanale) và “bánh mì truyền thống” (pain de tradition).

Bánh mì ở  tiệm ăn Train Bleu. Mình đẫn hết 5 ổ.

Tóm lại, luật pháp bảo rằng người tiêu dùng có thể tiêu thụ các sản phẩm chính gốc và chất lượng, đồng thời bảo tồn nghề làm bánh thủ công. Sự phân biệt giữa tiệm bánh mì và tiệm bánh ngọt tuy nhỏ nhưng cần thiết để bảo vệ tay nghề và tránh nhầm lẫn cho khách hàng. Đối với Tây thì quan trọng, mình sống quen ở Hoa Kỳ, ăn toàn sản phẩm có chất bảo quản nên cũng quen. Biết đâu một ngày nào đó, ở Cali họ ra luật bảo tồn nấu phở vì có lẻ trong tương lai các đầu bếp nấu phở toàn là người Mexican. Chán Mớ Đời 


Vấn đề là vật đổi sao dời, Âu châu ra nhiều luật lệ nhưng mình thấy nhiều tiểu thương, nghề thủ công như lò bánh mì này nọ đóng cửa nhiều lắm. Đi trên phố Saint Michel ở Paris hay ở Torino, tiệm đóng cửa rất nhiều. Ngày nay phụ nữ đi làm hết nên đâu có ai có thì giờ đi chợ mỗi ngày hay trong tuần. Đi tới chỗ này mua bánh mì, chạy lại chỗ kia mua cây cải mà mình hay thấy mấy bà đầm khi xưa, kéo cái giỏ đi chợ. Nay lên xe, tới lấy cái xe đẩy rồi đi rảo một vòng mua hết thức ăn cần cho trong tuần là xong. Nói cho ngay, ở Paris, nhà cửa chật nên cái tủ lạnh khá nhỏ, không như ở Hoa Kỳ, có tủ lạnh to đùng rồi ở garage có tủ đông lạnh to khủng.


Ở Ý Đại Lợi, vợ chồng anh bạn chở đi chợ, thấy thiên hạ đi siêu thị lớn mua bánh mì sản xuất tại chỗ hay ở đâu đem lại. Khi xưa ở Ý Đại Lợi mình không thấy các đại siêu thị như vậy, chỉ mua ở các tiệm nhỏ tỏng thành phố. Bước xuống cư xá là hai bên đường đầy tiệm bán bánh mì. Cũng ngon như Tây, tiện, lúc nào cũng có chớ khi xưa nhiều khi đến tiệm boulangerie thì họ kêu hết bánh mì. Bảo vệ thủ công nghệ nhưng bán ít thì cũng bỏ nghề. Ở Rueil Malmaison, mình đi với cô em, xung quanh nhà thờ có đến 7 tiệm pâtisseries đều có bán bánh mì và baguettes. Để mình giải thích vì người Việt mình ở Việt Nam, khi nghe nói đến bánh mì là nghĩ đến ổ bánh mì baguette. Còn người Pháp nói đến bánh mì (pain) là loại bánh mì làm đủ kiểu, đa số là hình tròn vì dễ nhào nặn hay bỏ trong khuôn.

Bánh mì bỏ trong khuôn, sau đó cắt từng lát ăn, thường để làm Sandwiches 
Bánh mì của Pháp rất đa dạng. Ba giết tế mới được sáng chế sau này.
Mình thích nhất là loại bạnh mì này

Mình nghĩ bán bánh Tây lời hơn là baguettes. Chắc họ chuyên làm bánh Tây rồi đặt hàng baguettes ở đâu đem lại, cách móc khách hàng. Vào tiệm mua bánh mì nhưng thấy mấy cái bánh hấp dẫn thì mua thêm. 1 baguette ở Pháp rẻ gấp đôi ở Hoa Kỳ. Trong tương lai chắc chỉ thấy tiệm pâtisserie còn con nít sẽ học chữ boulangerie là khi xưa cơ khi Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen du học 1 thời . 

Đi tây ăn bánh họ làm đẹp thật. Nhớ hôm ra gần Galeries De LA Fayette, ăn cơm với một chị hàng xóm tìm qua Facebook, ăn được cái tarte trái sung, ngon cực đỉnh nên cô em thương mua về thêm cho ăn. Kinh


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Một ngày đầu năm

 Ngày đầu năm

Sáng sớm chở con gái ra phi trường đi chơi ở Costa Rica. Sắp sửa đi thì đồng chí gái dậy, muốn đi theo. Thấy lòng mẹ thương con, ít khi nào đồng chí gái thức giấc vào 6:00 giờ sáng nhưng con đi phi trường nên gắng dậy đi theo để tiễn con. Mình tính đi vườn để lấy cái hên đầu năm đi cày cả năm đi cày thì đồng chí gái kêu ở nhà vì phải đi ăn tiệc đầu năm Liên trường học gì đó. Thôi ngưng làm nông dân một buổi, ăn bữa giỗ lỗ bữa cày, đi làm bảo vệ đồng chí gái một sáng đầu năm.

Ban hợp xướng Trưng Vương có mặt đồng chí gái.

Mình không biết có bao nhiêu trường học khi xưa, liên kết để tổ chức buổi họp mặt này vì không thấy tờ chương trình. Hình như họ cũng gây quỹ cho thương phế binh tại Việt Nam thì phải. Nhìn chung thì 85% là phụ nữ, còn lăn tăn vài ông chạy vòng vòng chụp hình cho mấy bà. Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao, dù hàm răng không còn chiếc nào, dù thân thể còm nhom như là con cóc, dù cho bước đi vô cùng khó nhọc nhưng vần cầm máy hình xeo-phi. Mặc ai hát trên sân khấu phe ta xeo phì. Dạo mình mới sang Hoa Kỳ thì đi đến mấy chỗ Tết kiểu này thì 95% là đàn ông, lác đác vài cô đang tìm cách đuổi mấy tên bu lại bên cạnh như ruồi. Cho thấy thế hệ trên 6 bó, có chồng tiêu diêu miền cực lạc khá nhiều hay không đi đứng nổi ở chỗ này.


Đang đi lấy nước trà cho đồng chí gái thì có ai gọi tên, quay lại, hoá ra cô bạn học cũ ngày xưa ở Đà Lạt. Cô này cũng khá vui. Khi xưa, cô ta và anh chồng, đại diện nhà trai đi hỏi vợ cho mình. Cô ta bảo ông đừng có giới thiệu tôi là mẹ ông nhé. Lý do là mình có dẫn một đối tượng đến gặp cô bạn lần đầu tiên ở vùng Bôn-sa. Ra về, đối tượng kêu bạn anh mà sao em thấy giống như bạn của má em. Chán Mớ Đời 


Sau khi hỏi vợ cho mình xong thì cô nàng biến mất đến 20 năm sau, đi ăn cưới cháu người bạn, gốc Đà Lạt. Trên sân khấu, họ giới thiệu ca sĩ NH, mình nhìn lên sân khấu thấy bà nào thấy quen, như đã gặp ở đâu. Hỏi đồng chí gái thì mụ vợ kêu bạn anh chớ ai trồng khoai đất này. Từ đó mới có điện thoại di động, liên lạc lại. Tháng trước, cô nàng gửi cho cái USB của băng nhạc Mùa Thu mới thực hiện năm 2024, nghe cũng phê lắm. Ở Đà Lạt, trong lớp đâu thấy cô nàng hát hò gì đâu. Ngày xưa, mình tổ chức văn nghệ cho trường, đâu có thấy cô nàng làm ca sĩ xung phong. Lâu lâu cô nàng điện thoại hỏi sao thấy đồng chí gái đi dự lễ gì đó mà không thấy ông. Mình nói đâu biết, bà vợ đi đâu thì bà đi, chớ có báo cho mình biết. Ngược lại mình đi đâu thì phải xin phép, đi thưa về trình cho phải đạo làm chồng nhân dân ưu tú. Đứng chụp hình với cô nàng và đồng chí gái xong thì nghe ai kêu, quay lại thấy anh bạn quen gốc Hà Nội, du học sinh tại Liên Xô, nay chạy qua Hoa Kỳ làm công dân Hoa Kỳ, kiểu đánh cho Mỹ cút ngụy nhào, nay chạy qua Mỹ đánh cho Mỹ nhào như ngụy khi xưa luôn. Đúng lúc trên sân khấu, ban hợp ca đang hát Chiến Sĩ Vô Danh của Phạm Duy,:


Mờ trong bóng chiều một đoàn quân thấp thoáng,

Núi cây rừng lắng tiếng nghe hình dáng,

Của người anh hùng lạnh lùng theo trống dồn,

Trên khu đồi hoang in trong chiều buông.


Ra biên khu trong một chiều sương âm u, âm thầm chen khói mù,

Bao oan khiên về đây hú với gió, là hồn người Nam nhớ thù.

Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn, muôn lời thiêng còn vang,

Hồn quật cường nguyền mang đến phút chiến thắng, sầu hận đời lấp tan.


Gươm anh linh đã bao lần đẫm/vấy máu,

Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình.

Rừng trầm phai sắc, thấp thoáng tàn canh,

Ôi người chiến sĩ vô danh.


Mình hỏi bác đi đây, ở chỗ bọn phản động, tàn dư con cháu ngụy quân ngụy quyền thế này. Anh ta kêu vợ anh ta nói là có ông đi nên tôi mới đi theo, rồi kêu anh ta thích không khí ngụy quân ngụy quyền. Anh này gốc gác lớn ở Hà Nội, nếu về Việt Nam thì có thể làm chức ít nhất thứ trưởng. Nghe kể sau khi Liên Xô tan rã thì có một nhóm độ 70 du học sinh ở Liên Xô không chịu về khiến Hà Nội điên đầu vì con ông cháu cha không. Nay đều chạy sang đây, vào công dân Mỹ hết, xem Hoa Kỳ là chùm khế ngọt, cho tôi ăn hamburger mỗi ngày. Thật ra mấy người này họ sinh ra ở Hà Nội, rồi du học ở Liên Xô nên họ hiểu sự thật về chủ nghĩa cộng sản, nên không về Việt Nam, ở lại Liên Xô làm ăn khá lên, có tiền là đầu tư vào Hoa Kỳ theo diện EB-5.


Anh ta kêu tôi nhớ ông lắm nên cứ phải vào bờ lốc Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen để đọc. Mình kêu bác này lạ, sao lại đi đọc bờ lốc của em. Em là sản phẩm của chế độ ngụy quân ngụy quyền, của thực dân Pháp và bọn Sài lang đế quốc Mỹ mà bố mẹ các bác lên án, suýt tý nữa là thủ tiêu ông cụ em ngoài quê, phải trốn vào Nam. Rồi 20 năm sau lại cho ông cụ em đi cải tạo đến 15 năm. Anh ta cười kêu đó là thế hệ của bố mẹ tôi, không dính dáng gì đến tôi cả. Tôi không có nợ máu với nhân dân miền nam.


Quay qua lại gặp anh bạn mà mình đã có kể chuyện tình môn đăng hộ đối của anh ta. Bố mẹ cấm cản đến 19 năm sau mới gặp lại đôi mắt người xưa. Thế là nối vòng tay lớn từ Tây qua Mỹ với người tình năm xưa. Anh này rất được mấy bà thích vì có tên cực kỳ hoành tráng đó là Cường Dương. Cứ gặp anh ta là mấy bà hỏi mua thuốc cho ông chồng già.


Sau khi mấy ban nhạc đại diện các trường trung học khi xưa lên trình diễn. Thật ra đa số đều thâu trước, rồi mấy bà nhép nhép líp singing cho thiên hạ vỗ tay, ông chồng chụp hình với nụ cười hoàng hôn toả nắng rồi xuống. Đến phần dạ vũ thì mình đi về. Người nào hát trực tuyến thì âm thanh bú xua la mua.


Nằm nghỉ một chút xong thì đi gặp một anh chàng gốc Jordan. Mình có ghé nhà bố mẹ anh ta ở Jordan khi ghé thăm xứ này. Mình hỏi thăm tình hình bố mẹ anh ta, vì nghe nói họ muốn sang đây, có giấy tờ thẻ xanh hết rồi. Anh ta cho biết, bà mẹ không thích ở đây, vì còn bà ngoại ở bên kia nên đã về lại. Tháng 4 qua lại. Mình nói thật ra nên để cho bố mẹ anh ta ở Jordan cho khoẻ, sang đây họ buồn, chết sớm. Anh ta cảm ơn đã cho biết vì con anh ta kêu bà nội, bà làm khó dễ cho cháu, bà phải học tiếng anh để bà cháu mới nói chuyện được với nhau. Nó lấy gú gồ dịch hơi lộn xộn gửi cho bà nội. Mình kể về bà cụ mình, cũng buồn vời vợi khi sang Hoa Kỳ nên đưa về Việt Nam cho bà cụ vui.


Anh chàng này hay hỏi mình về mua bán nhà cửa nhất là gia đạo. Anh ta đi học mấy khoá tài chánh rồi để dành tiền để mua nhà trong khi cô vợ lại muốn tậu nhà to hơn, nơi khu bảnh hơn. Thế là hai vợ chồng choảng nhau. Lý do là không hiểu ý định của nhau dù mỗi người đều lo muốn xây dựng tổ ấm và tương lai nhưng chưa đả thông tư tưởng. Mình đã từng trải vụ này. Mình thì muốn hà tiện tiêu xài để mua nhà cho thuê, mai mốt về già có tiền tiêu xài trong khi đồng chí gái thì muốn ở căn nhà đẹp đẽ. Trời thương mình mua được căn nhà tử tế cho mụ vợ nên tránh cãi vã sau này. 


Mình nói với anh ta là căn nhà rất quan trọng cho gia đình vì để xây tổ ấm, tạo dựng kỷ niệm vì nếu không một mai con cái lớn chúng sẽ rời nhà và không trở lại. Có kỷ niệm sẽ giúp chúng tìm lại những vết chân xưa. Anh ta đi gặp CFO với cô vợ để họ giải thích lý do tại sao để dành tiền giúp cô vợ hiểu thêm ý định của ông chồng tham gia dòng keo kiệt để mua nhà cho thuê. Nay vợ chồng đề huề, mình kêu kiếm nhà và chỉ căn nhà mình đang thương lượng ở Villa Park. Biết đâu anh ta sẽ mua được, mình đợi sửa căn nhà mới lấy lại hôm cuối năm, bán mới có tiền để thương lượng mua của bà. Thật ra có duyên mới mua được. Để xem, có Phước mới mua được chớ đâu phải khơi khơi.


Đang ngồi nói chuyện, bổng nhiên nói về cái bờ lốc do hai ông thần hay đọc bài của mình thực hiện, anh ta kêu đưa tin tức, rồi kêu chuyên viên kỹ thuật ở đâu bên Pakistan, gắn thêm phần chuyển ngữ. Vậy là mình có thể viết đủ loại, mấy tên Mỹ quen hay bạn bè ở Ý Đại Lợi, Hoà Lan, Pháp có thể đọc bờ lốc mình, chỉ cần vào bờ lốc, phía bên phải ở trên đầu có phần chọn ngôn ngữ. Nếu muốn con cháu đọc bằng anh ngữ thì chọn english, hay tiếng ả rập này nọ. Khỏe mấy ông Mỹ không còn kêu réo mình chuyển ngữ nữa. Hay mấy bà muốn cho con đọc, lại réo mình dịch qua tiếng anh. Tuy có thể không như mình viết nhưng có thể tạm ổn. Vậy là mấy cô bạn học Yersin khi xưa có thể đọc bài của mình, vì mấy cô kêu là không rành tiếng Việt. Kêu dịch ra tiếng Pháp. Thật ra dịch cũng khó sát nghĩa, phải viết lại theo tiếng Pháp hay tiếng anh vì mỗi ngôn ngữ có cách diễn đạt khác nhau nhất là mình hay tếu, mà tếu pháp ngữ thì thằng Mỹ không hiểu. Mình đâu có thì giờ ngồi viết đủ thứ tiếng. Nội một tiếng không là đủ oải rồi. Chỉ có khi nào mấy người Mỹ yêu cầu thì mình mới viết theo tiếng anh cho họ. Họ có bỏ gú gồ nhưng lối dịch của gú gồ khá buồn cười.


Sau đó mình về nhà gặp đồng chí gái đang xem ảnh chụp buổi lễ hội đầu năm liên trường rồi cười. Xong om


Sáng nay, nhận được tin nhắn của anh bạn gốc Bảo Lộc. Anh ta về thăm mẹ rồi lên Đà Lạt chơi thì có ghé nhà mình thăm bà cụ. Rất cảm động. Mình quen anh này qua Facebook.

Lại ghé quán cà phê của hai cô em gái ở đường Phan Đình Phùng, “Chez Nous”
Ghé nhà mình thăm bà cụ khiến mình rất cảm động. Chỉ quen nhau qua Facebook, mà anh ta lặn lội đi xa để thăm bà cụ mình.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn