Showing posts with label Đông Phương Hội. Show all posts
Showing posts with label Đông Phương Hội. Show all posts

Miệng nhỏ khó thở

Gia đình bên nội có răng rất lạ như hàng rào ấp chiến lược. Lý do là miệng nhỏ mà răng lại bự nên mọc xiên. Lại kêu răng khểnh. Con gái mình cũng bị vụ này thì bên mỹ họ nhổ bớt một cái răng để có chỗ cho các răng khác mọc không phải chen chúc thêm niềng răng nên lớn lên răng đều như đa số người Mỹ. Đặc điểm người Mỹ mà đi ngoại quốc thì dân địa phương nhận ra ngay vì răng đều và đẹp, nhờ niềng răng từ bé.

Theo các nghiên cứu thì niềng răng là sẽ làm miệng nhỏ lại và tương lai sẽ có các vấn đề khác như ngáy, mất ngủ hay chứng ngưng thở khi ngủ. Vào thập niên 1950, có một nha sĩ người anh tên John Mew nhận ra vấn đề này và lên án cách trị miệng nhỏ như trường hợp con gái. Ông ta đề nghị cách chữa bệnh này bằng cách ngậm môi và răng chạm với nhau sẽ giúp khí đạo mở. Ngoài ra nhai cho kỹ khi ăn nhất là các loại cứng cứng một tí. Làm mình nhớ đến người già khi xưa như mệ ngoại mình ăn trầu, cứ nhai hoài nên răng cứng lại giúp tạo thêm calcium giúp bổ sung cho xương. Ông nha sĩ xui, gặp phản ứng dữ dội của đồng nghiệp vì theo cách chữa bệnh này, sẽ không có tiền và cuối cùng ông ta bị mất bằng hành nghề nha sĩ. Nghe nói con trai ông ta còn sống vẫn tiếp tục chữa bệnh cho bệnh nhân theo cách ông bố. 


https://en.wikipedia.org/wiki/John_Mew


Tác giả cho hay ông ta cũng nhai thì khám phá ra khí đạo của mình sau vào tuần lễ được nới rộng ra. Mình không biết nhai kẹo cao su có giúp gì không. Có dạo người ta kháo nhau ăn cơm gạo lức theo phương pháp Ohsawa, nhai kỹ lưỡng tạo ra nước bọt để có enzyme giúp tiêu hoá. Nay theo các nghiên cứu này thì mình đoán nhai cơm kỹ lưỡng giúp răng tốt và khí đạo mở rộng hơn giúp thở dễ dàng hơn.


Tò mò mình kiếm các phương cách để tập thở thì ngọng vì nhiều loại quá mà không biết có đúng hay không hay thiên hạ chỉ bỏ lên mạng để câu view, kiếm tiền.


Có một nghiên cứu khả tín là tại một bệnh viện ở thành phố Topeka, Kansas, vào năm 1970. Có một ông gốc Ấn Độ tên Swami Rama, được bệnh viện này thử nghiệm. Gắn các hệ thống đo đạt trên người ông ta để nghiên cứu. Ông ta có thể thay đổi nhịp tim từ 74 nhịp/ phút xuống còn 52 hay gia tăng từ 60 đến 82 trong vòng 8 giây đồng hồ. Hay là có khả năng biến đổi nhiệt độ của ngón cái và ngón trỏ đến 11 độ. Dạo này khi tập, mình cảm nhận một luồng khí nóng chạy trong hai ngón tay cuối của mình thì có thể nhiệt độ khác với 3 ngón kia. Qua trường hợp ông Ấn Độ này cho thấy người ta có thể tập cách thở để điều chỉnh cơ thể hay tự chữa bệnh của mình. Vấn đề ông này bị mấy bà theo học cách thở với ông ta, thưa ra toà về tội xách nhiễu tình dục đủ trò khiến thiên hạ quên đi sự việc chính giúp ông này nổi tiếng là cách thở của ông ta. Có thể truyền thông lợi dụng mấy vụ này đánh ông ta tơi tả.

Có một phương thức thở khác mang tên là Tummo, có nghĩa là lửa ở trong (nội hoả?). Phương cách thở này được các nhà sư tây tạng sử dụng từ trên 1000 năm qua. Họ có thể chịu đựng cái lạnh giá buốt trên núi Hy mã lạc Sơn, có thể làm tan đá với sức nóng cơ thể của họ. 


Có một ông người hoà lan tên Win Hof cũng khám phá ra cách thở tương tự mà trên YouTube thiên hạ theo tập đủ trò. Có lần mình thấy mấy tấm ảnh của Khoa chụp đang ngồi cởi trần trên tuyết. Kinh như không hỏi vì không muốn tập đủ thử. Biết đủ thứ rốt cuộc chả biết cái gì hết.


Có lần nói chuyện với một anh tập chung, đai đen Thái Cực Đạo khi xưa ở Việt Nam. Anh ta kể là thuộc đội đi bắt du đảng ở Sàigòn. Anh ta kể khi thiền độ vài phút là anh ta bay lên niết bàn, cảnh giới lạ khiến mình thất kinh, tưởng anh ta nói chuyện cỏi trên.


Năm 1956, một sinh viên tâm lý học, tên Stanislav Grof, tình nguyện thử một loại thuốc khiến anh ta có những ảo giác khác thường. Anh ta được xem là người đầu tiên sử dụng LSD. Sau này, LSD bị cấm nên anh ta tạo một thứ khác hợp pháp, gọi là Holotropic Breathwork. Sau một thời gian thở nhanh sẽ tạo cảm giác khá lạ. Lý do là thiếu khí carbon. 


Nếu chúng ta thay đổi số lượng khí carbon, có thể tạo ảo giác và thay đổi tâm trí của chúng ta. Như anh tập chung, kể ngồi thiền. Không biết theo phương pháp nào nhưng đoán là cách thở khiến thán khí bị thiếu, giảm thiểu lượng máu chạy về não bộ nên gây rối loạn tâm thần, tạo những ảo giác đang ở đâu đâu.


Mình không có tập thiền nên không biết ra sao. Theo mình khi đồng chí gái la mà ngồi lặng yên. Đó là thiền rồi. Tập Thái Cực Quyền hay Trạm Trang Công là thiền rồi vì quá mệt. Nay chỉ cần tập thở chậm lại là vui.

Trở lại vụ đồng chí gái cứ than là ngủ không được, bị stress, tám chuyện với mấy bà bạn đến khuya nên hay mất ngủ nhất là thở bằng mồm khi ngủ. Mấy cuốn sách mình đọc về các nghiên cứu, cho rằng cần phải thở bằng mũi thay vì thở bằng miệng. Chúng ta cứ nghe hay đọc sách nói đến chế độ dinh dưỡng để tránh bệnh tật đủ trò nhưng quên đi ngủ hay thở là rất quan trọng. Ai có thể nhịn đói vài ngày không chết nhưng nếu không thở được vài phút là tiêu diêu miền cực lạc.


Khi chúng ta mệt mỏi cả ngày làm việc, đầu óc bị ù vì cách thở. Dưỡng khí mà chúng ta hít vào không được đưa đến các nơi trong cơ thể khi hơi thở của chúng ta lộn xộn. Oxygen giúp bộ não hoạt động cũng như các cơ bắp. Do đó không đủ dưỡng khí thì sẽ giảm mất sự hữu hiệu khi làm bài tập, hay công việc.


Mình nhớ dạo ở New York, có quen một cô sinh viên y khoa ở đại học U Penn. Cô ta rớt môn Anatomy nên phải học lại. Vấn đề là chỉ được vào phòng các thi thể người chết để học thêm vào buổi tối, sau khi học hết mấy môn kia. Dạo ấy trong trường, có một cô sinh viên học ban đêm bị một tên bảo vệ hiếp dâm nên cô nàng sợ, kêu mình xuống mỗi đêm, vào phòng thi thể đợi cô ta học. Dạo ấy mình muốn học MBA nên đi học thêm trường Kaplan để nộp hồ sơ sau khi tan sở. Học xong lấy xe lửa xuống Phila rồi chạy đến trường y khoa. Mình phải lấy kéo chỉ cái này cái nọ trên thi thể theo cuốn sách để dò bài cho cô ta. Học xong thì độ 1, 2 giờ sáng rồi mình ngủ một tí, sáng 5 giờ dậy, đi xe buýt ra nhà ga rồi lấy xe lửa về New York làm việc. Lên xe lửa là ngủ nên thiếu ngủ. Mệt không thể tả. May quá kỳ thi đó cô ta đậu khiến mình mừng hết lớn. Sau này cô ta có rớt môn học nào thì mình cũng trốn luôn, không dám trở lại Phila. Do đó khi đồng chí gái than mệt là mình nhớ đến sự việc nên tìm cách giúp cô nàng. Vấn đề cô nàng xem mình như nông dân cục mịch nên không bao giờ nghe.


Đó chưa nói đến bạch huyết cầu cần rất nhiều oxygen để chống lại các bệnh tật xâm nhập. Hệ thống tiêu hoá cần máu để làm việc chuẩn mực trốn khi đó hít thở không đủ khiến các nội tạng bắt đầu lộn xộn đưa đến bệnh tật. Thường các người chơi thể thao, đi bộ đều đặn, ăn uống đều đặn, ngủ được nên họ khoẻ mạnh ít đau ốm.


Các nghiên cứu cho rằng chúng ta cần thở bằng mũi. Lý do là mũi giúp làm ấm và ẩm không khí hít vào. Mùa đông lạnh như cắt mà nếu mũi mình không giúp làm ấm không khi hít vào là chết đông đá luôn. Đồng thời mũi cũng gạn lọc các chất bẩn. Khi chúng ta thở bằng mũi sẽ giảm thiểu nhịp đập của tim và đem nitric OxIDE vào lá phổi, giúp mở hai lá phổi và các mạch máu để đưa oxy vào cơ thể. 


Các nghiên cứu cho biết chúng ta được sinh ra để thở bằng mũi, không khí sẽ vào bụng khiến oxygen và carbon dễ bồi đắp. Làm việc giúp cơ thể có năng lượng. Stress và cách ngồi đứng nằm làm mất quân bình trong cơ thể. Oxygen mà chúng ta hít vào không được đưa đến các nơi cần thiết của cơ thể khiến chúng ta bị đau ốm. 

Khi thở bằng mũi, bụng chúng ta phình ra khi hít vào, không phải ngực của chúng ta. Cái này mình hiểu khi kéo nội công Hồng Gia qua cách hàm hung bạt bối. Nếu chúng ta có thể tập luyện cách thở sẽ giúp cơ thể hoạt động tốt hơn, ngủ được không bị stress.


Khi bơi mình ngậm miệng nên thấy khoẻ tương tự khi kéo nội công Hồng Gia. Sau khi tập thấy khoẻ nên không hiểu nhưng nay đọc mấy tài liệu về thở thì mới hiểu lý do nhờ cách thở. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 










Thở chậm sống lâu

Đồng chí gái có bệnh mất ngủ, sáng nào cũng rên là ngủ không đủ khiến mình thất kinh vì cô nàng ngáy như gọi đò trên sông Hương khiến nhiều hôm mình phải xuống nhà ngủ, sợ cô nàng kêu răn mà ngụ khôn đụ. Có dạo ai nói là cẩn thận, nếu không sẽ chết trong khi ngủ (sleep apnea). Trong đại gia đình cô nàng có hai người em họ, ngủ rồi chết luôn. Cô nàng lo sợ nên tìm kiếm bác sĩ để chữa trị. Có bà nha sĩ lấy $10,000 rồi ngủ cũng không được, tiền mất tật mang. Sau có bà nha sĩ nào có lương tâm, làm cái hàm đeo khi ngủ thì bớt ngáy, ngủ được nhiều hơn nhất là sau khi nghỉ hưu, không còn bị stress nhiều nên dạo này uống thuốc ngủ ít lại nên cũng mừng.


Buồn đời, mình đọc thêm tài liệu để tìm hiểu, xem chữa bệnh cho mụ vợ. Thường người ta khuyên là không nên sử dụng Internet 15 phút hay cả tiếng trước khi đi ngủ, đây mụ vợ cứ ôm điện thoại bên mình, nhắn tin hay tám với bạn đến khuya. Đầu óc cần một thời gian để lắng dịu để chìm vào giấc điệp. Trong khi đó mình tắt điện thoại sau 7 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau. Lý do là sợ người mướn nhà gọi, kêu nước bị nghẹt đủ trò.

Biển nam Cali. Mỗi tuần mình hay ra đây để tập thở.


Dạo này, Khoa hướng dẫn mình tập nội công Hồng Gia và Thái Cực Quyền kèm với hơi thở thì cảm nhận nhiều sự khác lạ. Điển hình sau vài phút thì có các luồng khí nóng chạy trong người như khi tập Trạm Trang Công, các luồng khí này không phát xuất hoàn toàn trong cơ thể nhưng rải rác có nhiều nơi nhất là ở các ngón tay. Khi thở thì không mở mồm, chỉ thở bằng mũi. Nói chung là thở bằng cơ hoành. Đi đứng đều giữ cái hơi nơi bụng. Khi di chuyển thì cảm nhận sự chuyển động ở đầu ngón tay, chỗ ấm chỗ bình thường, khó giải thích. Chỉ ghi nhận nhưng không tò mò lắm. Một thời gian sau sẽ biến mất khi đã quen như trước đây tập Trạm Trang Công.


Mình có xem một phim của một bác sĩ từ Ukraine. Ông ta giải thích trên bộ xương khi thở cần tạo ra không gian qua mở và đóng lại các xương ngực và lưng. Hoá ra tập nội công Hồng Gia là tập theo cách thở vì phải đứng theo hàm hung bạc bối giúp đóng mở các khớp xương và bộ xương tạo không gian để hít thở đầy hơn. Bây giờ mới hiểu sau khi tập nội công Hồng Gia, mình cảm thấy phấn chấn, khoẻ không mệt. Ngược lại tập Thái Cực Quyền, mình quên hàm hung bạc bối nên sau khi tập thì thấy đổ mồ hôi. Sáng nay, mình tập Thái Cực Quyền, ráng hàm hung bạc bối thì thấy khoẻ, không mệt, đổ mồ hôi như trước. Hoá ra người xưa kêu hàm hung bạc bối là để tạo không gian để hít thở nhiều hơn.


Theo cách giải thích của ông bác sĩ Ukraine thì tập nội công Hồng Gia kèm theo cách thở thì quá chuẩn. Nhìn lại quá trình mấy tháng qua tập theo cách Khoa hướng dẫn thì chợt nhận ra lý do thấy có sự tiến bộ.

https://youtu.be/faYdSCc3jII?si=C2nhQmO275UkcuyM


Đặc biệt khi Khoa chận tay lại khi mình kéo nội công hay ra đòn thì tay không nhúc nhích nếu không thở đúng còn nín thở thì quên ngày xưa đi diễm. Tương tự khi đối thủ nắm chặt cánh tay, cách giải thoát rất giản dị nhưng khó cưỡng được. Có hôm, Khoa kêu một anh bự con nắm 2 tay lấy cánh tay của mình. Mình chỉ cần căng bàn tay ra và chuyển động hơi thở cùng cánh tay thì anh ta không giữ kềm tay mình lại được dù anh ta bự con, khoẻ mạnh và trẻ hơn. Nếu không sử dụng hơi thở thì chắc chắn sẽ không thoát được lực kềm của anh ta. Cho thấy hơi thở rất quan trọng.


Thấy lạ mình kiếm tài liệu đọc. Có hai ông: một người Mỹ và một người Ái nHỉ lan viết sách. Thật ra có rất nhiều trên thị trường nhưng không biết đâu thật đâu giả vì họ cho thông tin trái ngược. Có nhiều cách thở, yoga, khí công đủ trò. Mình lựa 2 ông này vì trường hợp của họ khác biệt, không phải bác sĩ nhưng bị bệnh suyễn và ký giả về khoa học. Họ muốn tìm ra cách tự chữa bệnh nên đọc sách và các nghiên cứu từ xưa nhưng không ai chú ý. Có thể là các công ty dược phẩm không muốn bác sĩ biết đến để họ bán thuốc chữa bệnh suyễn và mất ngủ.

Họ cho biết thế kỷ trước, bệnh ho lao lan rộng thì họ nhận thấy 70% bệnh nhân, thở bằng mồm thay vì bằng mũi. Tương tự răng tốt là do thở bằng mũi hay về già cần thở bằng mũi để tạo thêm chất calcium cho xương. Toàn là những kết quả nghiên cứu của các đại học danh tiếng Hoa Kỳ. Nhưng không được quần chúng biết đến. Có ông James Nestor, tự nguyện làm cobaye cho một nghiên cứu ở đại học Stanford. Có viết cuốn sách “breath” kể nhiều chuyện khám phá khoa học về cách thở nhưng không được giảng dạy cho sinh viên y khoa.


Họ cho biết thường chúng ta hít thở, không sử dụng hoàn toàn hai lá phổi. Chỉ sử dụng đâu 50% rồi khi về già thì ít lại hơn khiến lá phổi càng ngày càng teo lại khiến chúng ta phải thở dồn dập, tăng áp huyết. Cho thấy khi về già chúng ta cần tập thở để có thể sử dụng hai lá phổi nhiều hơn. Nếu không được thì tập thở cơ hoành để giúp hít oxy và đẩy thán khí.


Nhớ khi xưa có đọc đâu đó nói rằng khi bào thai lớn lên, thở trong bụng mẹ qua cuống nhau nối liền với người mẹ. Sau khi ra đời, cuống nhau bị cắt đi thì đứa bé vẫn tiếp tục thở qua cơ hoành và hai lá phổi. Từ từ lớn lên, chúng ta chỉ để ý hay thở bằng hai lá phổi nhất là khi đi học thầy cô dạy về hô hấp của cơ thể. Kết quả là quên cách thở qua cơ hoành. Nếu ai muốn kim dung hoá thì gọi thở đan điền.


Ngày nay, đời sống trong thành phố quá nhiều lo lắng, con người bị stress nhiều nên hơi thở của họ rất nhanh, dồn dập không sâu nên không sử dụng hoàn toàn lá phổi. Mình để ý mỗi lần đồng chí gái la thì tim mình đập mạnh và nhanh. Có thể lý giải lý do đàn ông chết sớm hơn phụ nữ vì bị vợ la nên thở nhanh, áp huyết cao nhanh. Thức ăn nhanh khiến người ta ít nhai lại, không tạo ra enzyme giúp tiêu hoá thức ăn nhất là cấu trúc của hàm răng bị thay đổi. Có dịp mình kể vụ niềng răng tại tây phương là sai nhưng các nghiên cứu này bị bỏ sọc rác vì lợi tức cho nha sĩ.


Vào những thập niên 1830, có một nhà nghiên cứu mỹ tên George Catlin ghi lại sau khi viếng thăm trên 50 cộng đồng, khác chủng tộc cũng như văn hoá, ngôn ngữ, thực phẩm tại Bắc mỹ và Nam Mỹ. Ông ta nhận thấy các giống dân đều cao ráo và có răng rất tốt và họ có đặc điểm chung là hít thở bằng mũi.

https://en.wikipedia.org/wiki/George_Catlin


Ông Catlin này thử nghiệm thở bằng lỗ mũi thay vì bằng miệng thì chữa được bệnh khó thở của ông ta. Ông ta có viết cuốn sách dưới nhan đề Breath of Life, kêu gọi độc giả ngậm miệng khi thở.


Theo mình hiểu, khi xưa học môn vạn vật của lớp 11 B là khi mình hít không khí vào thì các phân tử oxygen bám theo các tế bào máu đỏ, và được truyền đi trong cơ thể để được các tế bào sử dụng. Ngoài ra các phân tử oxygen này đổi trao các phân tử của khí carbon, đang chạy về các lá phổi để được thở ra ngoài. Chắc các bác còn nhớ vụ máu đỏ và máu xanh được vẽ trên cơ thể người. Khỏi nhắc lại. Dạo đó học là thấy nhức đầu nên không học bạn A.

Hôm trước, tập xong chạy ra biển đứng nhìn mưa trên biển rồi về. Mình hay chạy ra biển sau khi tập ở Bôn Sa để tập thêm cách thở.

Khí carbon không phải là đồ phế thải mà có chức năng rất quan trọng là phân tách oxygen từ các tế bào máu. Ngoài ra còn giúp làm giãn các mạch máu, giúp nới rộng ra để có thể mang theo nhiều máu trong cơ thể. Khỏi cần uống thuốc làm loãng máu. Mình có xem một phim tài liệu, thấy một bác sĩ phi luật tân, cho bệnh nhân ăn ớt, để giúp các mạch máu giãn nở thay vì uống thuốc làm loãng máu để tránh nghẹt tim. Ông ta giải thích là làm cho máu loãng không giúp giải quyết vấn đề vì chỉ tránh bị nghẹt tim, còn cho ăn ớt hay uống nước ớt thì giúp làm giãn nỡ các động mạch, giúp máu lưu thông, có thể kéo theo các chất làm đóng các mạch máu.


Đồng chí gái thuộc dòng các mệ nên ăn ớt nhiều ddi bác sĩ khám nghiệm máu thì không bị cholesterol cao nên mình tập ăn ớt giúp tống khứ các chất béo trong huyết quản. 


Khi chúng ta thở nhanh và mạnh, là lúc chúng ta tống tất cả các khí carbon ra ngoài khiến giảm tốc độ của máu lưu chuyển trong huyết quản. Đó là trường hợp khi chúng ta chơi thể thao hay bị lo sợ khiến đưa đến chóng mặt và đau đầu. Lý do thiếu dưỡng khí oxygen.


Khi chúng ta thở chậm lại thì khí carbon vẫn còn trong hệ thống hô hấp giúp cơ thể điều hoà tốt hơn. Cho thấy khí carbon rất cần cho cơ thể, hệ thống hô hấp của con người. Khoa có dặn mình là thở ra hít vào thì đừng để hết mà cần duy trì một ít tương tự khi chúng ta ngưng thở vì khi hít sâu quá hay thở ra hết là lúc đó lực trong người không di chuyển, xem như mất luôn ngay giây phút đó. Mình giao thủ với Khoa thì thấy đúng như vậy. Khi hít sâu quá hay khi thở ra hết thì lực bị nghẹn. Chỉ trong tích tắc đó là đối thủ có thể phản công là mình ngọng. Lúc nào cũng chừa một ít như hình ảnh âm dương, có chấm đen bên trắng và chấm trắng bên phần đen, mới giúp chuyển hoá được. Xem như là đừng chơi tới bến, vừa vừa giữ vốn.


Con người trung bình thở từ 12 đến 18 lần trong một phút thì trung bình sống độ 80 tuổi đến 100 tuổi. Chó thở từ 18 đến 25 lần trong một phút, với cái mồm há ra, thọ độ 10-12 năm trong khi con rùa thở 0.5-0.7 lần cho mỗi phút nhưng có thể kéo dài hơn, thọ trên 150 tuổi. Họ đưa đến kết luận, thở chậm sống lâu.


Họ cho biết các nghiên cứu của các đại học danh tiếng Hoa Kỳ như Harvard, Stanford, Penn, khuyến khích chúng ta nên hít vào 5.5 giây và 5.5 giây thở ra, xem như 5.5 lần trong một phút. 60 giây chia cho 11 lần (5.5. Hít vào và 5.5 thở ra). Rất khó để canh và đếm nhưng đại loại xung quanh con số này là được. Xem như phải thở chậm hơn phân nữa số lượng bình thường hay 1/3. Mình chỉ đếm 1, 2, 3, 4, 5 khi hít vào rồi thở ra thì đếm 5,4,3,2,1 rồi bắt đầu lại chu kỳ. Xem như mỗi chú kỳ là 10 giây đồng hồ. Xem như 6 chu kỳ nhưng cũng có thể là 5.5. Đại loại mình tập như vậy là đủ thấy hơi thở chậm lại rồi.


Khi tập nội công thì mỗi lần xả một ngón tay hay đóng lại là mình đếm tới 5 cho dễ theo dõi hơi thở. 


Mấy người tập chung hay hỏi mấy câu hỏi mình khiến mình như bò đội nón. Tại sao sáng tập vào lúc 5:30 giờ sáng, mình chỉ bận áo thung 3 lỗ trong khi họ bận mấy lớp áo vẫn lạnh. Tập xong thì mình đổ mồ hôi trong khi họ vẫn lạnh, có ấm người thêm một tí. Cái này mình ngọng vì cơ địa mỗi người khác nhau nên không thể trả lời được.


Mình chỉ nhớ là từ khi rời Việt Nam, trong suốt gần 40 năm, mùa đông mỗi năm là mình bị đau vì phổi yếu. Phải đi bác sĩ uống trụ sinh, thuốc ho đủ trò. Hồi bé, bác sĩ Sohier khám phổi mình thì cho biết bị nám phổi hay gì đó không nhớ. Mấy người hàng xóm nghe tin thì kêu mình cởi áo khi chơi với đám con nít trong xóm. Lý do là sợ rách áo hay làm dơ áo thì bị đòn nên tốt nhất là cởi ra làm Nùng Chí Cao, bận cà ra vát đít, chạy long nhong.

Từ khi mình tập tại Đông Phương Hội, có tập thêm môn Trạm Trang Công thì sau một năm thì hết bệnh vào mùa đông. Thân thể ấm lại khiến mụ vợ hay đạp mình ra khi mình xáng lại chỗ mụ nằm, kêu người chi mà nóng rứa. Mùa đông thì mụ bò lại ôm mình cho ấm người. Chán Mớ Đời  Mình nghĩ nhờ tập Trạm Trang Công nên giúp các hàn khí trong người thoát ra ngoài nên ít bị cảm mạo. Có lần, trước khi bước ra ngoài sân buổi sáng, lấy áo ấm bận xong, tính phủ cái hood lên đầu nhưng lười thì khi vừa bước ra khỏi cửa thì nghe rõ ràng cái “bạch” ngay cổ vai, thấy chỗ đó bị cứng lại ngay. Phải chạy vào nhà lấy dầu nóng xoa cho ấm lại khúc đó.


Mình hỏi Khoa thì anh chàng cười, kêu nay mình tập lâu năm nên bắt đầu cảm nhận mấy vụ này. Anh ta giải thích là bệnh tình lúc nào cũng bắt đầu từ cảm mạo khi các hàn khí xâm nhập vào cơ thể qua các lỗ chân lông khiến mình bị khó chịu và lâu ngày sẽ thấm vào nội tạng. Mình nhớ khi xưa, mấy người lớn tuổi hay có chai dầu bác sĩ Tín hay Nhị Thiên đường để khi cảm thấy lộn xộn trong người thì xoa thở hít.


 Mỗi lần mụ vợ, cảm thấy long thể bất an là dựng cổ mình dậy vào nữa đêm, kêu cạo gió nên trong nhà lúc nào cũng có chai dầu nóng. Từ ngày mình học cạo gió từ Khoa, bị mụ vợ dựng cổ giữa đêm, kêu cạo gió hoài. Mình kêu đi tập Đông Phương Hội thì mụ kêu, tập gì ẹo ẹo, mụ thích tập zumba hơn. Chán Mớ Đời. Mình có viết một bài về cạo gió và dùng trợ cụ để cạo, ít nguy hiểm hơn thay vì dùng đồng tiền. Rút kinh nghiệm của em, các bác không nên học cách cạo gió vì ban đêm hay bị người bạn đời dựng cổ dậy, kêu cạo gió. Mất ngủ. Em học vì muốn chữa bệnh cho đồng chí gái.


Khi mình tập kéo nội công Hồng Gia và Thái Cực Quyền thì đi chậm để theo nhịp thở chậm như họ cho biết 5.5 lần trong 1 phút nhờ đó mà oxygen được chuyển đi trong huyết quản và khí carbon được thải ra ngoài chậm. Nay mình đang tập leo núi với cách thở này nhưng khá châm vì khi mệt là mồm hả ra như cá chép bị ông táo cởi bay về trời. Nay mình hiểu tập nội công Hồng Gia lý do phải hàm hung bạc bối vì hơi thở, được hít nhiều hơn khi các cơ gân, chuyển động và xiết hai bàn chân xuống đất.


Khi mụ vợ đeo cái hàm để ngủ thì khởi đầu mụ nhớ nên ngậm miệng nên ít nghe ngáy. Có ngáy nhưng nhỏ nay thì thấy ngáy hơi to lại, chưa bằng khi xưa nên mình xem mụ có há mồm hay không thì có. Đang gửi mua băng keo để dán nơi mồm trước khi đi ngủ cho mụ. Để xem có hiệu nghiệm hay không, sẽ thông báo sau. Mình thử hai hôm nay cái băng keo dán ở mồm. Dễ tháo ra vào buổi sáng, để hôm nay chỉ mụ vợ. Em gửi mua qua Amazon, họ có cả ngàn loại, được gọi là sleep tape. Mụ vợ không muốn đeo băng keo dán miệng. Chán Mớ Đời 


đề tài khá rộng nên em sẽ kể nhiều tập như lỗ mũi, cái đầu, răng cỏ đủ trò,… (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen  

Nguyễn Hoàng Sơn 

Nhận thức #3


Mấy tháng nay, Đông Phương Hội mượn được võ đường của trung tâm võ thuật Việt Nam qua sự giúp đỡ của bác sĩ Kiều Quang Chẩn. Chương trình tập vào buổi sáng từ 5:30 đến 7:00 nên ít người đến tập như trước đây. Lý do là sớm quá. Chỉ có những người mê tập, nhất là muốn có sức khoẻ để tránh bệnh tật khi về già. Mùa đông gần đến nên phải tập thêm mấy thế để tránh cái lạnh xâm nhập vào cơ thể.


Sau một thời gian gián đoạn tập luyện vì đại dịch, mình cảm nhận được nhiều điều lạ nên ghi lại. Mình tập ở Đông Phương Hội dưới sự chỉ dẫn của Khoa từ 14 năm qua. Có nhiều nhận thức trong quá trình tập luyện khiến mình ngạc nhiên. Lý do là nếu tập đều thì mình không để ý. Nhờ bị gián đoạn nên mới nhận thức được.


Điểm thứ nhất là ngưng tập trong đại dịch thì tay chân mình bớt phồng lên như dạo đang tập. Khí lực xuống thấy rõ. Nay tập lại thì khí lực khởi đầy lại, tuy chưa đầy hẳn như xưa. Đặc biệt là bàn tay của mình khởi sắc màu đỏ, chưa bằng màu đỏ tay của Khoa nhưng có thể nhận ra ngay. Thậm chí bình thường ngồi mình cũng thấy màu đỏ của bàn tay nhưng không đậm nét như tay của Khoa. Mình chỉ ghi lại để xem xét sau này ra sao. 

Điểm thứ hai là các thế của nhiệt thân pháp, giúp cơ thể ấm trước khi kéo nội công, không bình thường như mình nghĩ trước đây. Khoa chỉ mình tập cho đúng cách. Trước kia thì cứ làm theo thiên hạ nhưng không ngờ tập theo cách Khoa chỉ thì không đơn giản, đều có dụng ý của mỗi thế. Khi đứng chống 1 ngón chân, xoay xoay thì nguyên mấy khớp xương nối kết từ ngón chân lên tới lưng đều lắc cùng một lúc hay khi xoay thân hình từ cổ đến tay chân, xương bện lại thành một khối. Một mặt lực căng đều cơ thể, ai có chận, xô đẩy thì vẫn vững, không bị ngã. 


Thấy lạ nhưng cũng không để ý, tò mò lắm. Trong quá trình tập luyện từ 14 năm qua, mình nhận thấy điều gì thì ghi xuống vì qua một thời gian, các hiện tượng này sẽ biến mất hay quen nên mình không để ý. Lý do là càng để ý thì tâm trí mình sẽ không nhận thức được những điểm khác. Điển hình đi trên đường bổng nhận ra một cô gái bận bộ đồ sáng chói thì chú tâm nhìn vào cô gái ấy, mình lại không để ý các vật thể khác, có thể quan trọng hơn. Do đó khi tập, mình chỉ ghi nhận rồi quên đi. Không cố gắng tìm cảm giác hay những gì đã đọc khi xưa.


Kéo nội công thì hơi thở đi theo với tay chân, ít mệt hơn nhất là thân hình từ trên xuống chân, trở thành một khối không cần phải tự xoắn chân như xưa. Nay chỉ cần xoắn và đứng tấn cho đúng thì các khớp xương từ ngón tay xuống tới chân đều nối kết thành một khối như các véctơ theo hình thể vòng cung. Các gân cốt bên hông, sau lưng đều được kéo theo khi xoắn đúng. Nếu làm gãy tập hợp các véctơ thì lực bị gãy ngay hay khi hơi thở ngưng trong tích tắc là ngọng. Khoa nắm tay mình hay chận lại để cảm nhận sự khác biệt. Khoa kêu mình để ý đến hơi thở khi tập, chịu khó mài hơi thở thêm. Tập hợp các véctơ sẽ đẩy cái lực tổng hợp chung về một hướng quân bình. Lực của chúng ta cũng tương tự.


Điểm đáng chú ý là khi mình đang đứng mà có một lực bên ngoài nào tác động vào tay chân mình là tự nhiên, theo phản xạ mình liền đo lại với sức tác động ấy như một phản lực tự nhiên theo quán tính. Nếu lực đó mạnh hơn mình thì mình mất bình tỉnh, hơi thở lộn xộn. Ngược lại nếu mình tập trung lại khí lực của mình thành một khối thì không còn sợ hãi lực tác động vào cơ thể, sẽ cảm nhận lực ấy ra sao và có thể giải quyết được với hơi thở của mình. Hơi thở mà lộn xộn thì tinh thần banh ta lông luôn.


Tương tự khi xưa, vợ mình nói cái gì thì theo phản xạ, mình hay bị sốc óc. Từ ngày tập Đông Phương Hội thì mình bình tỉnh, không phản biện mụ vợ ngay, tìm hiểu ý mụ vợ ra răng. Nhiều khi mụ vợ không diễn đạt đúng tâm ý của mụ. Như khi mình lái xe, mụ chỉ tay bên trái nhưng lại nói quẹo phải khiến mình chới với, không biết quẹo ngã nào. Là cãi nhau như mổ bò trong xe. Nay mình bình tỉnh sẽ thấy ngón tay mụ vợ chỉ bên trái nên quẹo trái. Tránh cãi nhau như xưa. Bác nào có ông chồng hơi phản động thì bắt chồng đến tập ở Đông Phương Hội. Vấn đề là ông chồng có thể thức dậy vào 4-5 giờ sáng để lái xe ra Bolsa.


Có lần một bác sĩ quen, từng tập tại Đông Phương Hội trước đại dịch, gọi mình hỏi Đông Phương Hội đi tập lại rồi ạ? Mình thưa vâng, chú nói đến nhà chở chú đến cho biết chỗ. Chú này khi xưa cũng một cao thủ Hiệp Khí đạo, đai đen mấy đẳng. Thấy đài truyền hình việt ngữ phỏng vấn chú cách đây mấy năm. Sáng hôm sau mình ghé lại nhà chú, chở đến võ đường. Chú tập có chút xíu lại ngưng. Ngồi thở. Chú kể là dạo này đầu óc bớt minh mẩn, hay quên. Chú rất ngạc nhiên vì là bác sĩ, rất cẩn thận ăn uống, uống thuốc đều đặn nhưng phải đi lọc thận. Sau khi tập mình đưa chú về, hỏi mai cháu ghé lại chở chú đi nhé. Chú bảo không cần, chú tự lái xe đi được. Không thấy chú trở lại võ đường nữa. Cho thấy không tập luyện hàng ngày, sức khoẻ sẽ xuống dốc, khó lấy lại được nên ráng tập luyện đều đặn. 


Mình nhớ trước đại dịch, có nhiều cao thủ võ thuật một thời tại Việt Nam, đến Đông Phương Hội nhờ Khoa chửa bệnh. Mình đoán họ ngưng tập vì ỷ y vào sức lực thời trẻ của mình vẫn dồi dào để rồi phải hát đời Tôi cô đơn nên đi đâu cũng lom khom chống gậy.


Khí lực như cái lò than, cần được bỏ than thêm vào để lửa tiếp tục cháy. Qua đêm, than tàn thì sáng dậy, cần bỏ thêm than như tập thể dục, đi bộ để lửa tiếp tục cháy thêm tuỳ than nhiều hay ít. Về già nên tránh những môn thể thao bạo lực. Điển hình chúng ta hay nghe nói ông a ông b chơi quần vợt rồi lăn đùng ra trên sân. Đánh quần vợt như chiếc xe cứ rồ máy tại một chỗ rồi khi banh do đối thủ đánh qua thì chiếc xe rồ máy chạy dọt cái vèo để đỡ trái banh rồi ngưng lại rồ máy đợi. Chạy xe như vậy thì mau hư máy còn trái tim con người, khi bị ép mạnh rồi ngưng trong vài giây đồng hồ thì lâu ngày sẽ có vấn đề.


Nội công: hóa ra các thế đều đi theo hơi thở, khi hóp hay phình ngực là hơi thở đi ra hay hít vào mà hơi thở bị ngắt là ngọng. Cố tập sao cho hơi thở ra vô đều đặn không bị ngắt khoản. Được cái là tay chân từ ngón tay xuống bàn chân đều nối kết với nhau và hai bên sườn hay lưng điều cảm nhận được. Trước đây tập thì phải tự xoắn tay chân vì nghĩ là đúng nhưng khi các khớp xương được xoắn và theo đường véctơ nối kết với nhau thì nguyên cơ thể tự động được nối kết tạo ra khí lực rất mạnh, thêm mài được hơi thở thì khó ai chận được tay mình khi di chuyển vì nguyên khối lực trong người tỏa đều khắp cơ thể như trái banh được bơm căng cứng mà Khoa giải thích cách đây 14 năm, nay mới ngộ được. Muốn ngộ thì phải tập vì không phải tự nhiên là cảm nhận ngay.   

Trước đây mình đi bài Thái Cực Quyền 8 thức trong vòng 62 phút, nghĩ là đạt nhưng nếu mài hơi thở thì rất khó mà kéo dài như vậy. 62 phút là chỉ chú ý đi chậm các thế dù mệt nhưng không nối kết được cơ thể, lực và hơi thở. Nó giúp ý chí của mình vượt qua được sự quen thuộc của cơ thể vì thường ngày, quen đi 15 phút mà có kéo chậm lâu đến đâu thì vào những phút cuối thì cơ thể tự động đi nhanh để xong 15 phút. Mình kéo dài từng thế một mỗi phút bằng cách đếm 1 tới 60 rồi mới chuyển qua thế khác. Thường hơi thở bị đứt đoạn rất nhiều.


Nay Khoa chỉ cách tập di chuyển, mài hơi thở và chuyển lực khi đổi thế với hạ thấp cái trọng lực thì phải công nhận chân mỏi kinh hoàng. Có hôm Khoa kêu mình cố gắng đứng tấn thấp xuống. Mỏi kinh hoàng nên Khoa phải phụ thì mới nhận ra trọng tâm của lực trong người mình. Khoa nói khi tập ráng tìm ra trọng tâm của lực mình mà thiên hạ hay gọi là đan điền vì không biết gọi là gì. Mình cũng không biết là cái gì nên cứ xem là trọng tâm của lực. Như trọng tâm của trái banh được bơm căng đầy. Cơ thể mình mà được điều phối đều thì khí lực sẽ bơm căng đầy như trái banh. 


Cái khó là khi mình di chuyển thì trọng tâm của lực thay đổi liên tục theo cơ thể di động. Và lực phản hồi từ đất qua hai bàn chân, chống ngược lại nên rất mỏi. Lực của mình khắp toàn thân cứ xem như cái lu nước vì cơ thể mình có đến 70% là chất lỏng. Khi di chuyển thì cái lu nước sẽ bị chao, sòng sành nước tùy theo độ nhanh và lên xuống của cơ thể. Cơ thể mình cũng vậy như cái lu khi di chuyển nên phải cố gắng mài để lu nước không bị chao sẽ mất sức lực nhiều. Nhất là phải mài hơi thở vì nếu hơi thở bị ngắt khoảng là lực mình đi tây luôn. Chỉ trong tích tắc đó, đối phương có thể áp đảo mình.


Có lần Khoa nắm ngón tay của mình là xem như lực của mình bị gãy. Cách để thoát ra là duỗi ngón tay ra, giúp mình tạo được lực để chuyển động được. Cho thấy ngay một lóng tay cũng liên kết đến khí lực của mình. Tất cả cơ thể là một khối.


Tập Thái Cực Quyền cũng tương tự, khi co cụm khi bung ra theo hơi thở, tương tự bạch hạc triều dương, từ từ bung ra hay thu lại do hơi thở quyết định. Nay mình cố gắng tập mài hơi thở cho sâu hơn. Mình đoán là sẽ giúp cho áp huyết điều hoà hơn xưa. Trước đây, mình hay bị lộn xộn khi chuyển thế nhất là khi đứng 1 chân thì hay bị chao đảo. Nay mình chỉ cần duỗi ngón tay thì tự động cơ thể trở thành một khối, không chao đảo.


Tuần rồi, thay vì để mình kéo nội công, Khoa đặt chai nước dưới sàn nhà rồi kêu mình di chuyển xung quanh cái chai như trọng tâm. Độ 15 phút thì cơ lực mình lên mạnh và Khoa tìm cách chận mình lại khi đang di chuyển quanh cái chai thì nguyên khối của cơ thể mình như chiếc xe tăng đẩy Khoa bật đi. Về nhà mình lấy cái cây cắm micro của vợ hát karaoke, rồi cứ đi vòng vòng theo. Ráng tập để giúp mình có khả năng tạo nguyên khối lực nhanh chớ đối thủ nắn tay mình mà kêu đợi tôi 15 phút để tạo nội lực đã là mệt. Mình nghĩ nếu tập lâu ngày, mình sẽ chủ động tạo lực lên nhanh hơn khi quen.


Chỉ có vấn đề là đứng đâu, rãnh, mình cũng đi vòng vòng khiến chị vợ mình lấy cái ví, khệnh cho một cái, kêu mi làm cái chi rứa. Chán Mớ Đời 


14 năm qua, mình gặp rất nhiều người đến tập ở Đông Phương Hội một thời gian rồi mất tích. Có một anh lâu lâu gọi mình kêu có ông thầy này dạy môn này môn nọ. Hình như họ đi tìm những điều hay mới lạ ở các võ đường khác. Con người chỉ thích theo tinh thần mì ăn liền. Cứ thấy ai quảng cáo này nọ là chạy theo. Họ quên một điều là học tập luyện, quan trọng là mình có chịu khó tập luyện hay không. Dù có thầy giỏi mà không chịu tập thì chả đi đến đâu. Mấy người vẫn đeo đuổi tập từ bao nhiêu năm nay thì thấy sức khoẻ họ tốt. Có một chị hơn mình đâu 4, 5 tuổi nhưng thấy sức khoẻ rất tốt, đi tập thường xuyên. Có dạo mình thấy một chị lúc đó 78 tuổi. Lúc mới vào tập thì te tua lắm nhưng chịu khó, không thấy chị ta nghỉ buổi tập nào cả. 2 lần trong tuần. Độ sau 1 năm là thấy chị ta khoẻ mạnh lên.

Nhìn lại thì nếu không có Đông Phương Hội thì chắc mình không lên nổi trên đỉnh Kilimanjaro vì cách đây 16 năm, mình leo không nổi lên cầu thang ở nhà.

Hôm trước, có người gửi cho mình tài khoản Facebook của một anh quen khi xưa. Thua mình 1 tuổi. Lâu quá, không gặp. Anh này khi xưa có dạy mình Bạch Hạc một thời gian ngắn, Bạch Hạc Triều Dương, đứng một chân rồi anh ta mất tích, không đến tập ở Đông Phương Hội nữa. Dạo này thấy anh ta rất tròn trịa. Theo lời anh ta kể trên Facebook, chỉ tập chút xíu 3 lần nội công, quay để tải lên mạng để cho giới trẻ xem. Anh ta lại kể bị đưa vào phòng cấp cứu, không hiểu lý do, chắc bị ngộ độc rồi bác sĩ gắn stem gì đó.


Cho thấy về già không tập, nghĩ khi xưa, khoẻ mạnh, võ giỏi sẽ đưa chúng ta vào ảo tưởng là chúng ta vẫn khoẻ mạnh. Tập mỗi ngày 3 thế nội công, mỗi thế 36 cái rồi đi Thái Cực Quyền là tối thiểu để duy trì sức khoẻ của mình. Đây anh ta chỉ kéo có 3 lần. Ngoài ra, mình thấy anh ta tập sai vì quá cố gắng khi đẩy tay lên trời hay duỗi quá đà vô hình trung tim và phổi bị ép. Lâu ngày có thể đưa đến những hệ quả không tốt về tim mạch. Video được quay rất gần nên dễ lộ ra những điểm do anh ta biến tấu. Từ đó đưa đến những hệ luỵ khó lường. 


Vấn đề là có một số người trẻ thích võ học, nghe anh ta tập nội công Hồng Gia Việt Nam từ sư tổ. Khi xưa, trên La Phù Sơn, người ta đã bỏ biết bao nhiêu năm để hình thành mỗi thế nội công. Chỉ cần tập theo người xưa là được, còn đây biến tấu theo ý mình, có thể đưa đến những hệ luỵ không lành. Mình thấy anh ta kéo nội công có 3 lần mà tấn pháp khác với cách Hồng Gia La Phù Sơn như anh ta chỉ mình trước đây khi tập chung ở Đông Phương Hội nên thắc mắc. Chân không xoắn lại, tay kéo khác với Hồng Gia Là Phù Sơn. 


Mình ngưng tập ở Đông Phương Hội mấy năm vì đại dịch, thấy sức khoẻ xuống dù đã leo lên đỉnh Kilimanjaro. Sức khoẻ và khí lực trong người mình rất dễ nhận ra. Khó mà tự dối mình được. Về nhà mình phải tập thêm. Xem Netflix hay đá banh cũng đứng tập cho máu huyết lưu thông. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn