Hiển thị các bài đăng có nhãn Người thân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Người thân. Hiển thị tất cả bài đăng

Về thăm quê nội


"Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Trời xanh không thấy đỉnh Ba Vì"…


Có lẻ bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của ông Quang Dũng đã làm mình mơ về một thôn, một xứ Đoài xa vắng ở miền Bắc, nơi ông cụ mình ra đời và mang tên Đoài. Tên xứ này còn được gọi là Trấn Đoài hay Trấn Tây, một trong những trấn quan trọng của Thăng Long. Hồi bé mình hay nghe ông cụ ngồi ngâm bài thơ này, có lẻ ông cụ đặt tên con trai đầu để nhắc nhở quê mình là Sơn Tây.

Đây là hình ảnh đầu tiên khi về thăm quê nội, khi dừng chân bên hồ Chùa Thầy, sài Sơn phía sau


Mình sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, quê cha đất tổ chỉ biết qua bài thơ của Quang Dũng. Ông cụ cứ nhắc đến thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai mà trong bài thơ, ông Quang Dũng tả sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc, phủ Quốc đây là Quốc Oai, quê ông cụ. Mình ấp ủ một ngày được viếng thăm quê cha đất tổ như lời ông cụ kể.


Mẹ tôi em có gặp đâu không

Những xác già nua ngập cánh đồng

Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ

Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông


Ông cụ có người em trai kế, nghe nói học giỏi nhất huyện. Mấy ông chú họ kể khi xưa bác dạy mấy chú này nọ. Một hôm đi học về, qua cánh đồng thì bị tây bắn chết. Một ông chú khác, đi bộ đội vào nam bị bom mỹ dập chết trên đường mòn Hồ CHí Minh, được tổ quốc ghi công. Ông cụ mình thì ở trại cải tạo 15 năm, chú mình bị tây bắn và một ông chú lại bị bom mỹ dập chết trên đường mòn vào nam. Sáng nay mình đang đứng nói chuyện với một ông chú họ thì chú chỉ một bà lão đi ngang, nói là vợ của chú mày đấy, bà ta bỏ đi lấy chồng khác rồi. Mình có gặp người thím này khi về quê lần đầu năm 1995, sau đó thím đi bước nữa nên không còn dính dáng gì đến gia đình mình, tính đi kiếm bà thím nhưng rồi không thấy tông tích đâu nữa. Rồi xe đến chở đi Ba Vì.


Vừng trán em vương trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em có bao giờ em nhớ thương?


Mình nhớ lần đầu về Hà Nội, cố tranh thủ về quê thăm một chuyến để thoả bao nhiêu ước mơ, tò mò từ bé nghe ông cụ kể về quê nội. Có em cô cậu của đồng chí gái xung phong chở mình đi xe gắn máy từ Hà Nội về làng. Cậu ruột của đồng chí gái đi theo cách mạng, làm tuỳ viên cho Võ đại tướng nên ở Hà Nội. Sau 75, cậu vào nam kêu cháu đi vượt biên hết đi. Mình nghe ông cụ khi xưa, nói cứ kêu xe từ Hà Nội về Đường Láng rồi chạy về Hoà Lạc, sau đó rẽ đê Yên Phụ là về tới làng. Đê Yên Phụ mà ông cụ kể khi xưa mỗi lần lụt bị vỡ đê là dân trong làng chạy đầu thôn cuối thôn kêu nhau chạy ra đắp đê. Mình thấy cái đê mà ông cụ kể cao ngây nghất. Trời mưa, đường thì xình lầy, lái xe về chắc người em cô cậu của đồng chí gái phải rửa xe. Mình mời đi ăn chả cá Lã Vọng khi về lại Hà Nội.


Em ở thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì


Xe chạy ngang chùa Thầy, người em họ dừng xe vì trời mưa, đứng núp dưới góc cây, mình nhìn chùa Thầy trong mưa lất phất tạo nên một cảm xúc khó tả, chỉ biết khẽ gọi quê nội tôi đây quê nội tôi đây. Có gì thiêng liêng lắm như níu kéo mình về quê cha đất tổ. Cảm xúc này đều dâng tràn mỗi lần mình thắp hương bàn thờ ông bà ở nhà quê. Ông cụ mình bị du kích dí đầu, bao vây quanh nhà đêm tối, kêu ra đầu hàng sống chống chết. Ông cụ nhảy qua hàng rào phía sau nhà rồi trốn vào nam đến 40 năm sau mới về lại quê lần đầu. Ông cụ như chim bay lạc đàn về miền nam tha phương rồi đến mình bay trôi qua cả trời tây. Nay bay về quê nội, lòng bồi hồi nhìn nơi tổ tiên sinh sống bao nhiêu đời.


Từ độ thu về hoang bóng giặc

Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn

Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ

Em có bao giờ lệ chứa chan


Khi mưa tạnh thì chạy tiếp vào làng thấy có cái quán nhỏ tẹo, có đứa bé gái thì mình hỏi nhà chú Thìn, em họ ông cụ mình thì con bé reo lên mẹ ơi anh Sơn về khiến mình như bò đội nón. Đâu có báo ông bà cụ trong nam biết mình về vì dạo ấy đâu đã có điện thoại di động. Hoá ra, đám cưới mình thì có quay video gửi về cho nhà xem. Ông bà cụ ra bắc nên đem về chiếu cho cả họ xem nên ai cũng biết mặt mình.


Đôi mắt người Sơn Tây

U uẩn chiều lưu lạc

Buồn viễn xứ khôn khuây

Tôi gửi niềm nhớ thương

Em mang giùm tôi nhé

Ngày trở lại quê hương

Khúc hoàn ca rớm lệ


Về đến nhà nơi ông cụ được sinh ra thì mình thất kinh vì cửa sổ không có, cửa ra vào cũng không. Hỏi thì nhà giải thích có mấy cái phên, tối gắn lại nhưng rất sơ sài bằng rơm. Ông cụ từ ngày trốn vào nam đến 40 năm sau mới gặp lại bà nội. Sống với bà nội được vài năm thì bà qua đời.


Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng


Vào nhà thì khi hay tin mình về thì thiên hạ ới nhau trong làng chạy đến rồi tự giới thiệu, tên con ai nhánh nào khiến mình chới với. Lý do là ông cụ chỉ nói về quê chớ không bao giờ nói về họ hàng. Lúc ấy mới biết ông cụ có một người chị và một cô em ruột. Hai người em thì đã vắng số. Sau này, mình nhờ người dịch gia phả từ tiếng Hán qua việt ngữ mới từ từ mò ra ai là ai. Mới biết ông tổ, gốc Nghệ An, có nhiệm vụ trông cái đình, rồi ai đó đánh cắp cái bộ lư đồng trong đình của làng nên sợ bị tội nên chạy trốn ra Sơn Tây. Ông dịch gia phả cho biết là trong gia phả có kể có người đổ tiến sĩ nhưng ông ta xét lại danh sách tiến sĩ vào thời đó không có ai đậu tiến sĩ mang tên như đã ghi trong gia phả.

Cây tắc ngày Tết tại quê


Ngày nay, họ hàng đều kêu ông chú bị tây bắn chết là người học giỏi nhất huyện. Mình đoán dạo ấy chắc chả có bao nhiêu người trong làng được đi học. Nên gọi là giỏi nhất huyện thì so với ngày nay thì chả thấm thía gì cả.


Bao giờ tôi gặp em lần nữa

Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca

Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ

Em có bao giờ em nhớ ta?


Nói cho đúng thì khi mình về quê nội cũng như làng nơi mẹ mình sinh ra tại Thừa Thiên thì có một cảm giác khó diễn đạt như lôi kéo mình về một nơi, quyện trong một dung dịch đầy cảm xúc. Khác với khi về Đà Lạt, cảm xúc như khi mình trở lại một thành phố đã từng sinh sống như Paris, Luân Đôn, Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ,… trong khi về quê nội hay quê ngoại cảm xúc dâng trào. Có lẻ khi xưa, mình không có dịp thăm viếng khi còn bé, chỉ nghe bố mẹ kể, tạo dựng trong đầu mình một nơi nào đó thiêng liêng, khiến cảm xúc dâng trào vì chỉ nghe qua văn chương hay người lớn kể lại. Cảm xúc đó cứ theo mình mãi nên lúc nào cũng mong trở về quê nội và quê ngoại. Kỳ này về mình sẽ ghé quê ông ngoại vì khi xưa chỉ ghé quê mệ ngoại. Dự định sẽ ghé thăm nhà thờ họ của bên vợ luôn, An Cựu và Ao Hồ.


Vẫn sáng vầng trăng ru tiếng sáo

Diều khuya trầm bổng giọng quê hương

Đất đá ong trong lòng giếng mát

Ôi Sơn Tây, Sài Sơn yêu thương!


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Tại sao người Việt gọi con rơi hay con lượm


Có lần mình thấy cô em chọc con như bà cụ chọc mấy anh em mình khi xưa như con lượm thùng rác, con của ai đẻ bỏ rồi đem về nuôi khiến con cháu khóc bù loa. Khiến mình bực mình nên dặn cô em đừng nói với con như vậy vì khi xưa, mình bị tủi thân khóc hoài.


Hôm trước mình kể chuyện bố mẹ mình kêu mình là con lượm thùng rác thì nhiều người còm cho rằng họ cũng bị bố mẹ lên án, đấu tố là con rơi, con lượm thùng rác này nọ khiến mình thất kinh. Mình nhớ hàng xóm có hai chị em lấy một chồng. Bà chị vô sinh nên kêu cô em lấy ông chồng, sinh ra mấy người con. Họ lại kêu bà em, sinh ra họ là “Đẻ” trong khi bà chị lại kêu là “mẹ” khiến mình cứ thắc mắc từ mấy chục năm nay. Sáng chạy qua nhà mình kêu mình tè vào cái cốc để con gái họ mới ở cử uống.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Tại sao người Việt hay chọc con như vậy, mình không biết lý do vì chưa có đọc tài liệu nghiên cứu nào về tâm lý học của người Việt. Mình đoán khi xưa, vệ sinh chưa được như bây giờ nên con nít chết nhiều vì môi trường vệ sinh, ăn uống thiếu thốn nên hay chết yểu. Do đó người Việt tin dị đoan ma quỷ bắt con đi nên họ phải đặt tên cực xấu, để ma chê quỷ hờn không bắt con mình đi. Mình khi xưa cũng èo ọp lắm nên được bán cái vía mình cho Cậu Bảy ở am Mệ Cai, đường Nguyễn Công Trứ. Năm ngoái mình có về Đà Lạt, có ghé thăm am Mệ Cai, nay được hoạt động lại nhưng không thấy đông người như trước đây.


Theo tinh thần mê tín dị đoan, người ta hay kêu là con của họ là con nuôi, con lượm, họ nhặt lấy đem về nuôi để ma quỷ không bắt đi. Có người thậm chí đưa con vô chùa hay nhờ ai nuôi họ vài tháng rồi đem về. Thậm chí đổ họ tên này nọ. Thương con không muốn chết yểu nên họ phải làm theo các cô, các cậu lên đồng. Nhớ khi xưa, mỗi lần lên đồng ở Am Mệ Cai, mình được đưa ra đây xem Mệ Vĩnh Tường, đàn với nhóm nhạc. Sau này Mệ Vĩnh Tường, lấy dì Mến, cũng ở cho nhà bà Phúng cùng thời với mẹ mình. 


Có thể tín ngưỡng nhân gian Việt Nam xưa, có niềm tin về ma quỷ và thế giới siêu nhiên nên có quan niệm ma quỷ “thích” trẻ em. Người Việt tin rằng ma quỷ có xu hướng thích trẻ em vì chúng hồn nhiên, thuần khiết, và dễ “bị dụ”. Đặc biệt, những đứa trẻ được cho là đẹp đẽ, thông minh hoặc dễ thương thường bị ma quỷ để ý nhiều hơn. Do đó có thể dân gian đặt ra cách gọi con bằng những cái tên như “con lượm thùng rác”, “con ghẻ”, “con hôi” hoặc “con nuôi” nhằm khiến ma quỷ nghĩ rằng đứa trẻ không được yêu thương và không đáng bắt đi. Vụ này thì mình nhớ ông thầy dạy Việt Văn có giảng về tục ngữ ca dao như tại sao con gái, lấy chồng về nhà để tang cho bố mẹ thì phải đội cái mũ vãi phủ cái mặt, để người chết không thấy mặt vì mang tội bất hiếu, được sinh ra để làm con người ta, hầu hạ cha mẹ chồng, phụ bạc công ơn dưỡng dục này nọ. Kiểu con gái là  con người ta, con dâu mới là mẹ cha mua về với bài Thách Cưới,… còn con dâu thì để mặt không phải che vì chăm sóc cha mẹ chồng. Ngày nay thì ngược lại, con trai là con người ta.


Thậm chí, trong nhiều gia đình, người ta còn cố ý không bế trẻ ra ngoài vào buổi tối để tránh ánh mắt ghen tị của ma quỷ. Mình nhớ khi còn bé, buổi chiều, chạng vạng là không được ra sân chơi hay bế em ra sân chơi. Mình có người em trai chết năm Mậu Thân khi đầy 1 tuổi. Hàng xóm kêu tại vì bồng nó ra sân chạng vạng nên ma quỷ bắt đi. Nghĩ lại thì trời chiều Đà Lạt lạnh, đem ra ngoài bị gió nên cảm rồi chết. Mình bị nám phổi, cởi trần làm mọi da đỏ chạy ngoài sân vào buổi tối.


Người ta nghĩ về “trẻ khó nuôi”: Những đứa trẻ hay quấy khóc, đau ốm, hoặc có những bất thường thường được cho là do “bị ma ám” hoặc “vía nặng”. Để tránh những điều xui xẻo, cha mẹ thường cố ý gọi con bằng tên xấu hoặc nói rằng đứa trẻ chỉ là con nuôi để đánh lạc hướng các thế lực siêu nhiên. Mình nghe kể khi xưa mình hay bị đau ốm, nên ông Phúng hay lấy xe ra am Mệ Cai, chở bà ta vào nhà giác lể cho mình, sau này bán cho vía của mình cho Cậu 7 ở Am Mệ Cai mà lần trước về, mình có ghé lại để thăm chốn cũ.


Ngoài ra dân gian còn có quan niệm “con trời cho” hay con cầu tự nên cần sự khiêm nhường. Người xưa tin rằng mọi thứ trong cuộc sống, kể cả con cái, đều là “của trời cho”. Nếu cha mẹ quá tự hào hoặc khoe khoang về con, họ có thể làm “trời đất ghen ghét” và đứa trẻ có thể bị ông trời lấy đi. Vì thế, cha mẹ thường giả vờ không yêu thương con mình bằng cách dùng những lời lẽ hạ thấp hoặc những biệt danh kỳ quặc như “con lượm”, “con ghẻ”, “con mượn”. 


Điều này giúp họ tránh sự “trừng phạt” từ trời đất và giữ cho con được bình an. Nay thì khác, con học dốt cũng chạy tiền để con đổ cao rồi gáy. Mình nhớ khi xưa, đến nhà ai cũng thấy trưng bày mấy cái cúp, huy chương này nọ khiến mình thất kinh. Sau này có con, mới hiểu trả tiền thì đội banh cuối màu là tặng cúp tặng huy chương bú xua la mua. Nên chả bao giúp treo cúp huy chương trong nhà. Ngay cả chúng cũng chán nhận huy chương về, chả biết bỏ đâu.


Ngoài ra có tục lệ đặt tên xấu cho trẻ khó nuôi. Mình được ông cụ đặt tên rất hoành tráng nên bị đau hoài nên sau này, trong xóm gọi “cu đen” để phân biệt với tên hàng xóm khác cũng mang tên họ Buồi. Tục đặt tên xấu trong văn hóa Việt là một phong tục phổ biến để bảo vệ trẻ em khỏi các yếu tố tâm linh. Người ta cho rằng những đứa trẻ khó nuôi cần được đặt tên thật xấu để không bị ma quỷ chú ý. Biết đâu ma cái nó chú ý đến tên Cu thì sao. Ví dụ: Những cái tên như Cu Đen, Thằng Cò, Tèo, Bống, hoặc các cụm từ như “lượm thùng rác”, “thằng chó con”, “con heo” được dùng để khiến đứa trẻ trở nên “tầm thường” trong mắt các thế lực siêu nhiên. Hay Cái Bướm gì đó. Khi trẻ lớn hơn và khỏe mạnh, người ta thường đổi sang những cái tên hay hơn. Điển hình hai vợ chồng tên Nghĩa và Trang, mua được một căn biệt thự, đặt tên biệt thự Nghĩa Trang. Chán Mớ Đời 


Thói quen người Việt tránh vía xấu trong văn hóa tín ngưỡng. Mỗi lần em khóc hay bị té, là cứ lấy chân đạp đạp đất rồi ôm em lên kêu u 3 hồn 7 vía nếu là em trai, còn em gái thì mình kêu u 3 hồn 9 vía, làm em tao đau. Ngày xưa mình học từ mấy người lớn 3 cái vụ này khi trông em. Nhớ ông thầy dạy việt văn khi xưa kể trong dân gian Việt Nam, “vía” là một phần quan trọng của tâm linh. Mỗi người đều có vía, và trẻ em được xem là có vía rất yếu, dễ bị tác động bởi các vía xấu từ người lớn hoặc môi trường xung quanh. Nếu một đứa trẻ quấy khóc liên tục, cha mẹ sẽ đổ lỗi cho việc “bị vía” hoặc “bị để ý”. Để khắc phục, họ thường dùng cách gọi con mình là “con nuôi” hoặc “con lượm” để xua đuổi vía xấu và giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Có lẻ vì vậy mà bà cụ hay kêu mình là con lượm thùng rác vì khi xưa hay đau ốm. Khiến mình buồn đời đi ra chợ chỗ người ta đổ rác, cạnh nhà vệ sinh công cộng. Ngồi nhìn ai đi ngang xem có ai giống mình đen hay không, chỉ thấy toàn là người thượng là da đen như mình. Cứ nghĩ chắc cha mẹ người Mọi, đem ra đây quăng chắc.


Có thể cách người Việt xưa thể hiện tình yêu thương gián tiếp. Ở Việt Nam, khi xưa, cha mẹ không ôm con hun hít như ngày nay. Mình đi tây, chả ôm bà cụ hay ông cụ ở phi trường. 20 năm sau về cũng vậy, cũng đứng chào trong khi con mình ở xứ người, thì một hai I love you, ra phi trường là ôm nhau. Mặc dù cách gọi như “con lượm thùng rác” hay “con nuôi” nghe có vẻ không mấy thiện cảm, nhưng thực chất đây lại là một cách cha mẹ thể hiện tình yêu thương gián tiếp. Mình không nhớ tên cuốn phim, chỉ nhớ là cô người làm bị ông chủ đè đầu ra làm một tăng khiến cô ta sinh ra thằng con trai, được bà vợ lớn cưng chiều cứ như con của bà ta trong khi cô hầu thì đứng đàng xa nhìn đứa con không được thừa nhận. Dạ thưa cậu này nọ.


Cha mẹ không muốn nói quá lời yêu thương vì sợ “nói trước bước không qua” hoặc khiến đứa trẻ gặp chuyện không hay. Điều này phản ánh sự cẩn trọng và khiêm nhường trong tâm lý của người Việt. Ngày nay thì vệ sinh môi trường tiến bộ nhờ mấy ông tây bà đầm sang đô hộ dạy nên con nít ở Việt Nam chết ít hơn.


Nhớ trước khi đi tây, ông bà cụ nhờ ai làm lá bùa, đúng hơn là cái móng chân của con gì, rồi làm sợi dây chuyền, như cái bùa để bảo vệ mình ở xứ tây.  Do đó mình bị ế vợ đến gần 4 bó khi tháo ra mới thoát ế gảim độc thân.


Ngoài cách gọi con bằng những biệt danh kỳ lạ, người Việt còn có nhiều cách khác để bảo vệ con khỏi ma quỷ bắt đi. Như đeo bùa hộ mệnh: Trẻ em thường được đeo vòng bạc, bùa, hoặc chuỗi hạt dâu tằm để xua đuổi ma quỷ. Ngày xưa học vụ này, nghe ông thầy kể mà chả biết dâu tằm ra sao. Bôi nhọ nồi lên mặt trẻ: Khi đưa trẻ ra ngoài, cha mẹ thường bôi nhọ nồi lên mặt trẻ để chúng trông “xấu xí” hơn, tránh bị ma quỷ chú ý. Vụ này thì mình không bị, vì da đen như lọ nồi rồi. Nếu đứa trẻ khó nuôi, cha mẹ có thể đổi họ cho con, thường đổi sang họ mẹ hoặc đặt tên “xấu” để dễ nuôi hơn.


Cúng bái giải hạn: Với những đứa trẻ hay đau ốm, cha mẹ sẽ làm lễ cúng bái hoặc xin “bán khoán” đứa trẻ cho chùa để nhờ các vị thần linh bảo vệ. Mình được bán khoán cho am Mệ Cai. Ngày nay, cứ Tết đến là chùa ghi tên phật tử cúng dường để giải hạn sao vì năm nào cũng dính sao Kế Đô.


Những phong tục này ngày nay đã ít phổ biến hơn, nhưng ở một số vùng quê hoặc trong gia đình có truyền thống tín ngưỡng mạnh mẽ, người ta vẫn duy trì chúng. Tuy nhiên, thay vì gọi con bằng những cái tên xấu, cha mẹ hiện đại thường chỉ làm các nghi thức như đeo vòng bạc, cúng giải hạn, hoặc đơn giản là đặt tên con cẩn thận để tránh những điều không may. Nghe nói nay, ở Việt Nam người ta đặt tên con bằng tiếng mỹ hay tiếng tây như Johnny Hùng Nguyễn, không khác chi bên Hoa Kỳ hay Pháp quốc. Khi xưa, chỉ có mấy người theo thiên chúa giáo mới có tên thánh như Phan Xít Cô,..

Hồ này cũng có bắt khá nhiều con nít chết đuối ở đây.

Buồn đời nhớ lại chuyện xưa thì mới biết, không những nhà mình mà cả miền nam, thiên hạ cũng kêu con họ là con lượm khiến mình thất kinh, nhớ lại thời trung học, học việt văn, rồi mò thêm trên mạng tự điển để hiểu thêm một tị về văn hoá xưa của Việt Nam đang bị mai một.


Cách gọi con bằng những cái tên như “con lượm thùng rác” hay “con nuôi” phản ánh nét đặc sắc trong văn hóa và tâm linh Việt Nam, của thế hệ ông bà mình  và bố mẹ, kết hợp giữa niềm tin dân gian, sự khiêm nhường và tình yêu thương của cha mẹ. Đây không chỉ là một phong tục mà còn là biểu hiện của sự lo lắng, thận trọng trước những điều không thể kiểm soát trong cuộc sống. Ngày nay, với sự chích ngừa đã giúp trẻ em bớt bị chết sớm nên người ta không còn tin vào thánh thần nhiều như xưa.


Mình chỉ nhớ người đầu tiên gọi tên mình là Cu, là bà Hai hàng xóm, còn Cu Đen là con Thuý, em thằng Dư. Nó bắt mình cho nó xem chim rồi nó kêu cu mày đen quá nên sau đó cả xóm kêu mình là Cu Đen. Năm ngoái lên Seattle , có gặp lại một chị hàng xóm khi xưa, sau này gia đình dọn sang đường Phan Đình Phùng, cạnh tiệm thuốc tây Lâm Viên. Có lần Mình đi lang bang ngang tiệm của gia đình chị ta, thì bác gái ngồi bán gạo, kêu Cu mi đi mô rứa, vô đây tau hỏi chuyện. Chỉ khi đi tây mình mới hết nghe thiên hạ gọi Cu Đen. Xong om


Chúc mấy bác vui vẻ màu Xuân Con rắn. Hy vọng năm tới sẽ không gặp rắn nhiều trong vườn.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Ma cái trong phòng tôi

 

Nhớ năm 1987, nghe lời người đẹp thề non hẹn biển, sang Mỹ để chuẩn bị quản lí đời nhau. Mới sang New York chưa đầy 24 tiếng, cô nàng bảo em là gái thuyền quyên, cha mẹ đặt đâu ngồi đó, bảo mình mối tình hữu nghị của em đã phai dần theo lon sơn Bears rồi cúp cái rụp. Lý do là khi xưa, mình với cô ta có đi trên bờ biển Vauville, Normandie, Pháp quốc. Mình đem theo lon sơn Bears để vẽ lên hòn đá gần Etretats, một mũi tên đâm xuyên qua hai quả tim và cùng nhau thề, dù cho sông có cạn núi có mòn mối tình hữu nghị hai đứa sẽ đời đời bền vững, như thùng nước sơn của công ty sản xuất Bears danh tiếng này. Ai ngờ buổi chiều nước thuỷ triều lên quét sạch tấm tranh thề non hẹn biển của mình. Chán Mớ Đời 

Lúc đó mới hiểu câu nói của thầy Diễm, dạy Luận Lý khi xưa: "Đàn bà nói có là không, nói đi là ở, lấy chồng đi tu". Đau như bị bò đá nhưng mình vẫn gượng cười đi cày ngày chưa đủ tranh thủ cày đêm để quên mối tình đầu ở Mỹ như Elvis Phương rên rỉ “ôi đàn bà,…”. Tây hay nói "jamais deux sans trois" nên sau này mình lại bị đá lên đá xuống như bị dính cái huông "bị gái đá." Mỗi lần bị đá là mình lại nghĩ đến cô nàng, tiên sư bố nhà em, cô ta mở hàng mình ra sao mà cứ bị ế. 


Có người mách mình đốt phong long. Mình cũng ra phố tàu mua nhang đèn và giấy về cúng rồi đốt, miệng khấn “3 hồn 7 vía, 3 hồn 9 vía ở đây, vía lành thì giữ, vía dữ thì đi”. Cũng vẫn bị đá nên có người mách là mình ở New York mà cứ xổ tiếng việt thì ma mỹ làm sao hiểu, phải khấn bằng tiếng mỹ. Thế là mình lại mua trái cây, hamburger, thịt gà chiên phờ lai chicken, nhang đèn cúng đốt phong long lại. Mình tắm rửa cho có lòng thành rồi khấn nguyện: “3 souls 7 spirits, 3 souls 9 spirits living here, good souls stay, bad souls go”. Rốt cuộc vẫn chưa thoát cảnh bị gái xù.

 

Một hôm, Sơn Taxi ghé lại nhà, nghe mình than thở, bảo có lẻ nhà mày có ma nên nó ghen, cản mày kiếm vợ, rồi chở mình lên vùng Bronx, gần đại học Columbia để gặp một thầy cúng, gốc Tây Ninh. Nghe thằng Sơn Taxi kể ông này học bùa ngải của Miên, đi vượt biển, hải tặc lấy mả tấu chém trúng người không hề hấn chi khiến chúng quỳ lạy như tế sao. Ông ta lấy nắm muối hột, đọc thần chú phun đám âm binh vào mặt chúng, tóc tai bị cháy, nhảy xuống biển hết. Dân vượt biển quỳ lạy ông ta như Thánh Sống, lên đảo được mọi người trọng vọng, cơm chiều cháo ngày rồi định cư ở New York, khu Bronx danh tiếng này.

 

Hình như mình đã có lần kể về tên này. Hắn cũng tên Sơn nên phải nhắc lại cả bà con tưởng lầm là mình. Hai anh em hắn gốc Bùi Chu, vượt biển rồi định cư ở New York. Nó mê ông Nguyễn Xuân Vinh qua cuốn “đời Phi Công” nên đâm đầu đi học kỹ sư hàng không. Khi ra trường, gặp lúc kinh tế suy thoái, tổng thống Reagan dẹp bớt chương trình quốc phòng nên hắn tìm không ra việc đành lái taxi, trong khi đợi ngày mai tươi sáng hơn. Hắn có thằng em, tốt nghiệp đại học, đi làm, cuối tuần hát nghiệp dư cho ban nhạc đám cưới Hạ Trắng ở vùng New Jersey, New York.

 

Tên này ăn nói hoạt bát, tuổi Con gà, cũng đang kiếm vợ nên chỗ nào có hội hè là có mặt hắn, chỉ khổ bố mẹ mấy đối tượng nghe kỹ sư lái taxi là chê nên hay ghé nhà tâm sự với mình, cùng một lứa bên trời lận đận. Có hôm nhà thờ mách, giới thiệu cô nào đã một lần dang dỡ, hắn lên đồ đi gặp để đả thông tư tưởng, điều nghiên lý lịch, trích dọc trích ngang. Sau đó mình có hỏi thì ông thần thở dài bảo: "tưởng nó có hai con ai ngờ nó chơi một phát 5 con. Tao tưởng 2 con thì lấy về khỏi cần đẻ, ai ngờ 5 đứa, hèn chi thằng chồng cũ bỏ trốn là phải".

 

Mình chán đời vì cứ bị đàn bà con gái đá nên đi theo nó hy vọng tìm ra chân lý cuộc đời người ế vợ. Trong nổi tuyệt vọng khốn cùng, ai chỉ cái gì con người có khuynh hướng nghe theo. Vào căn hộ ở lầu 3 của ông thầy cúng là rợn tóc gáy, xung quanh toàn là mỹ đen với máy cassette, nhạc nổ to đại bác. Ngay trước cửa là thấy cái gương bát quái to như cái mặt trời, chiếu sừng sừng vào mặt mình. Sơn taxi bấm chuông thì có một tên bận áo quần như Khương đại vệ trong phim Tân Độc Thủ Đại Hiệp, áo trắng viền đen, cánh tay rộng, đầu bối tóc củ hành mở hé hé cửa như sợ ăn trộm. Căn phòng ngộp thở vì nhang đèn. Trên tường thì thấy treo mấy tấm sớ, bàn thờ Quan Công, Phật Ông , Phật Bà rồi có bức tranh 2 ông Hoa Đà, Biểu Thước mà ngày xưa đọc Tam Quốc Chí, có thấy hình hai ông thần dược sư. Mình hơi ngạc nhiên là thầy Miên đâu có dính dáng gì đến truyện tàu, chắc có lẻ Sihanouk bị lật đổ chạy qua tàu rồi học thêm văn hoá Khổng Mạnh, đọc Tam Quốc Chí nên đem về xứ Cao Miên dạy lại thần dân.

 

Trên tường của bàn thờ tổ thì thấy đủ lá bùa, viết nhì nhằng chữ tàu, chữ Phạn, chữ Thái,... Ngoài ra có cái lồng chim, được che phủ bới cái khăn màu trắng. Sơn Taxi chào thầy rồi giới thiệu mình, một nạn nhân trong cuộc nhân mãn thiếu phụ nữ gốc Việt. Để giải thích vụ này. Dạo ấy người Việt đi vượt biên, đa số là đàn ông. Thứ nhất là để tránh đi nghĩa vụ quân sự qua Cao Miên, đạp mìn Claymore và hải tặc nên gia đình thường để con trai đi nhiều hơn. Do đó nạn trai thiếu thừa xẩy ra tại hải ngoại. Cô nào có xấu đến đâu cũng được một đám thanh niên xem là đẹp, bu vào như ruồi.


Ông thầy hỏi Sơn taxi về vụ đi gặp cô bé " ra đường em hãy còn son về nhà thiếp đã 5 con cùng chàng". Ông thầy viết cho hắn Lá bùa trước khi đả thông tư tưởng với cô bé 5 con. Sơn taxi kể là tốt lắm, chỉ có điều hơi ngại là cô nàng có 5 con, nuôi chắc mệt lắm.

 

Thầy bảo cứ giữ cái bùa dùng khi gặp cô khác rồi thầy hỏi mình tuổi chi thì mình bảo tuổi Tý, giờ Tý thế là thầy bấm độn, nhắm mắt đọc lâm râm rất có vẻ thành tâm, giúp mình, vừa bấm mấy đốt tay Tí Sửu Dần Mẹo Thìn,...., rồi phán anh tuổi Tý là tuổi con chuột, Tiếng Anh gọi là ờ mau xờ, số nhiều gọi là dờ mai xờ. Chuột thì có nhiều loại, có loại chuột chù, chuột bạch, chuột đồng, chuột cống, chuột nhí,.... Anh thuộc loại chuột nhắt nên chả làm nên được sự nghiệp gì cả trong đời, sau này chỉ ăn bám vào vợ, học hành thì chả đi đến đâu. Mình tái mặt, hỏi thầy có cách nào không để giúp con trở thành chuột cống hay chuột chù. Thầy bảo Thiên cơ bất khả lộ, nhưng nom người anh thì trông trâu bò đấy nhưng được cái Tâm của anh tốt, rồi thầy chép miệng thở dài, thôi thì có duyên gặp nhau thì thầy sẽ giúp cho. Dung nhan mình dạo ấy.

Thằng Sơn thúc cùi chỏ mình, ra hiệu đưa tiền cho thầy. Tuy sót của mình đành rút ra 1 vé đặt lên cái đĩa trước bàn. Thầy liếc mắt trên cái đĩa thấy 1 vé, phấn chấn liền bảo tôi quý anh lắm mới làm chuyện này vì sư phụ tôi tu 30 năm ở Núi Bà Đen với thầy Huỳnh Phú Sổ, bảo là tổn thọ. Giúp người tổn thọ lắm. Ông ta nói có vẻ đau đớn khi nghĩ phải giảm tuổi thọ để giúp mình thoát ế. Mình nghe đến thì cảm động, xá thầy 3 cái kêu con đội ơn thầy, ơn này kiếm được vợ, kiếp sau con sẽ không quên, mong thầy giúp cho được vợ vì bố mẹ ở Việt Nam, cứ viết thư bảo lấy vợ. Mình đọc tam Quốc Chí nên bắt chước Tào Tháo không bao giờ cho ngày sinh tháng đẻ cho Thiên Hạ biết. Cứ phang tuổi Tý giờ Tý tháng Tý, cứ như tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

 

Thầy đứng dậy, thắp 3 cây hương to đùng khiến khói bay như cái đình miếu rồi vái bàn thờ tổ 2 cái, rồi đến bàn thờ Phật, bàn thờ ông Victor Hugo,... Rồi khua tay múa chân, miệng lẩm bẩm cho con ăn mày được một quẻ, cắm ba cây hương trên bát nhang. Thầy lấy cái lồng chim, cởi tấm khăn phủ lồng chim thì thấy một con chim trắng trong lồng. Thầy đem cái lồng đặt trên bàn rồi đưa mình một bộ bài loại tương tự bài chòi, tổ tôm nhưng to hơn, bảo mình sóc 7 lần vì vía con trai rồi thầy rãi mấy Lá bài trước cái lồng. Từ từ mở cái cửa lồng, con chim thót nhảy ra, quơ đầu nhìn ngang nhìn dọc như đòi nợ, thầy lấy cái hộp đựng kê, bỏ vài hột cho chim ăn. Ăn xong nó chu mỏ, kéo mấy Lá bài ra rồi mổ con bài bên tay trái, thầy bảo mình cầm lá bài lên trong khi thầy thưởng con chim thêm vài hột kê rồi bỏ vào lồng, phủ cái khăn lên lại.

 

Thoạt đầu, mình không tin nhưng thấy con chim dùng mỏ rút quân bài thì tá hỏa tam tinh trong khi thằng Sơn taxi bảo thầy tu núi Bà Đen hay chưa, mình nhất trí ngay. Thầy bảo mình xem lật quân bài thì thấy có bức tranh vẽ một người nằm trên giường, ở góc giường thì có một người đàn bà thì chả hiểu gì cả. Thầy cúng hỏi anh thấy cái gì thì mình tình thật nói một người nằm trên giường và một cái khuôn mặt đàn bà tóc dài.

Thầy cầm cái bình trà, rót vào cái tách rồi từ từ cầm lên uống một ngụm rồi đặt xuống, răng nghiến lại, rít rít cho hương vị trà thấm vào cổ, súc miệng rột rột trong miệng rồi nuốt cái ực, chậm rải, từ từ thầy phán. Người nằm trên giường là một người phụ nữ là người chết trong nhà anh đang ở. Con ma này chết oan, không ai làm lễ nhà thờ để nó về đất chúa hay đầu thai, nó ghen nên phá không cho anh gặp người tình 100 năm. Cô nào mà anh theo là nó sẽ cản. 

 

Thầy nói đến đây thì mình há mồm, tá hỏa tam tinh. Tuần rồi con Jennifer, khi không dẫn xác lại nhà không báo trước, bảo đi ngang qua Holland Tunnel bị kẹt xe, nhớ đến mình ở gần nên ghé lại thăm, đợi hết giờ cao điểm thì về. Ngồi chơi rồi cũng ôm hôn thắm thiết đến lúc cao điểm thì con Mỹ bổng tái mặt, hỏi mình có bao cao su không. Mình bảo đâu phải CHHV đâu mà có sẵn trong phòng. Thế là con bé, đứng dậy, kêu xo ri, xo ri để lần tới rồi trốn luôn.

 

Mình rùng mình, hỏi thầy giờ phải làm sao. Thầy nhìn mình với đôi mắt buồn so như Lưu Bị, lắc đầu bảo Thiên cơ bất khả lộ. Thằng Sơn taxi chen vào nhờ thầy làm ơn làm phước giúp dùm thằng bạn đói người yêu, ế vợ từ Tây sang Mỹ. Thầy lắc đầu, chắt miệng bảo thất Đức lắm con ơi, thất đức lắm. Tổn thọ con à.

 

Thầy thì tuổi trẻ hơn mình độ 30 mà cứ gọi mình bằng con, muốn điên tiết nhưng muốn trừ con ma trong nhà nên phải năn nỉ, trình cho thầy thêm một vé. Mặt Thầy lại càng nhăn nhó, đau khổ, bảo anh có Duyên đến gặp tôi giờ Thân, coi như thân thuộc nên tôi xin phép tổ, cứu anh dù phải chết non. Thầy tôi có dặn là cứu một mạng người còn hơn xây 9 cái chùa. Thôi thì tôi đành chịu tổn thọ vậy. Mình quỳ thụp xuống, vái con cắn cỏ nạy thầy, giúp cho con, mắt vẫn liếc liếc 2 tờ $100, lòng xót xa. 40 tô phở Pasteur ở Chinatown. Kinh

 

Thầy bảo tuần tới, rằm sẽ ghé nhà cúng cho anh, trừ yêu đuổi tà. Anh phải sửa soạn một con gà trống thiến để con ma cái thấy thiến là nó chạy. Ra chợ Tầu mua nhang đèn, trái cây, rửa cho sạch để thầy cúng thánh thần, thổ địa. Cần nhất là anh phải tắm, chay tịnh cả tuần nhé. May mà thằng Mỹ ở chung, cuối tuần tới bay về Cleveland thăm mẹ nó chớ nhang đèn khói lửa trong căn hộ sẽ làm nó lo ngại, dám tống cổ mình ra đường.


Đúng giờ thằng Sơn Taxi chở thầy đến. Thầy vào phòng tắm, thay bộ đồ Tân Độc Thủ Đại Hiệp, phía sau có thêu hình Kinh Dịch Âm Dương trắng đen, 64 quẻ, tay cầm cái trống bỏi mà hồi nhỏ mình hay mua lắc lắc nghe tưng tưng, rồi lập bàn, xếp chuối, cam, bông trên bàn thờ như Gia Cát Lượng khi xưa, lập đàn cầu mưa gió bão để đánh Chu Du và Tào Tháo. 

Xong xuôi thầy đốt bó hương rồi quơ tay múa nhang vòng vòng rồi chắp tay lạy bàn thờ tổ, miệng lâm râm xin tổ cho kẻ hèn này ăn mày một quẻ thì bổng nhiên tiếng chuông báo động trong hành lang kêu in ỏi. Mình đang đăng đàn, miệng đọc thần chú theo thầy, phải ngưng chạy ra xem. Té ra nhang khói bay ngập phòng nên cái chuông báo động phòng cháy kêu ré ré như ma thiên linh cái kêu. Mình vội chạy lại, leo ghế tháo cục pin ra rồi chạy lại bàn thờ quỳ tiếp, thành khẩn nghe thầy niệm thần chú rồi múa may như mấy bà lên đồng ở am Mệ Cai khi xưa trong tiếng nhạc cà xình tưng tưng từ cái máy Cassette.

 

Cuối cùng thầy hỏi phòng mình đâu, rồi lấy mấy Lá bùa màu vàng chữ đỏ để dán lên cửa một cái, trong phòng thì thầy cuộn một Lá bùa làm tư rồi nhét vào cái gối rồi cột mỗi chân giường một cái với băng keo trắng. Sau đó, thầy rút kiếm ra, tóc xoã ra như Khương Đại Vệ trong Thập Tam Thái Bảo trước khi bị tứ Mã phanh thây. Thầy múa kiếm, theo hình Bát Quái lâu lâu đâm mấy nhát kiếm, dương đông kích tây, miệng lâm râm niệm chú "ai tôn du, gô ờ quây, lét him ờ lôn lúc kinh pho hít quai,..."  rồi bổng nhiên thầy hô to Biến và chỉ cái cửa sổ đang mở dù mùa đông. Thầy bảo ma này là ma mỹ nên phải niệm chú bằng tiếng ăn lê. Thằng Sơn bảo mình thấy chưa thầy tu luyện Thiên Linh Cái nên học cao biết rộng, biết đủ thứ.

 

Xong xuôi thầy dán thêm một Lá bùa trên cửa sổ, thằng Sơn Taxi bảo nhỏ mình đưa thầy 3 vé, thế toi mất 5 vé để đuổi con ma cái ra khỏi phòng để tránh đàn bà hỏi vớ vẫn trong giờ cao điểm. Thằng Sơn mời thầy ra phố Tầu dùng cơm nhưng thầy bảo bận vì chiều nay có đám khác ở bên Queens nên hẹn khi khác rồi ra về với thằng Sơn. Còn lại mình phải mở cửa chính, cửa sổ ngoài phòng khách để khói hương bay ra, dọn dẹp chiến trường sau cuộc đấu trí và lực của thầy và con ma cái Mỹ ghen tương.


Nghĩ lại thì thầy phán đúng, cả đời mình ăn bám vào đồng chí gái, học hành chả ra gì, lại làm nông dân chân chất. Chán Mớ Đời 

 

Đố các Bác chuyện gì đã xẩy ra sau đó? 

Chúc các bác cùng thân quyến một năm con rắn được nhiều may mắn (Còn tiếp)

 

Nhs