Một ngày cuối năm

 Một ngày cuối năm


Sáng thức dậy, chuẩn bị đi tập ở Đông Phương Hội thì thấy tin nhắn của đồng chí gái từ tối hôm qua. Kêu “để cho người ta ăn Tết rồi mới lấy nhà lại.” Phải trả lời chi mụ vợ trước khi đi nên đến trễ. Mình ít khi kể cho đồng chí gái về mấy vụ đuổi nhà này nọ hay tăng tiền nhà vì cứ bị mụ vợ la. Kêu người ta nghèo mà cứ tăng tiền nhà. Mình nói nếu vợ không muốn tăng tiền nhà thì bớt tiêu xài lại là bị chửi. Đồ phản động con cháu địa chủ, cường hào ác bá đó đây. Đồng chí gái không biết là thuế hàng năm lên thêm tiền bảo hiểm lên như diều. Thằng con kể cho mẹ nó nên đồng chí gái la mình. Không biết họ thiếu mình $15,000, nay phải bỏ thêm tiền mấy chục ngàn để sửa chửa. Khi không dính dáng gì đến quyền lợi, chúng ta có thể cảm thông với mấy người này, lên án chủ nhà gian ác, vườn thào ác bá nhưng nếu đụng đến quyền lợi của mình thì phải ngăn ngay sự rỉ rò thất thoát tiền bạc ngay. Don’t get emotional, it’s business 

Cách đây 2 năm, trong phần 1031 Exchange, mình có mua và bán lại cho một gia đình Mỹ trắng một căn nhà theo diện Land Of Contract thay vì bán như bình thường, sang tên cho họ. Cho họ vay vì họ khôgn đủ tín dụng để mượn tiền ngân hàng. Sau 5 năm, có lịch sử trả tiền cho mình đàng hoàng thì tín dụng của họ lên cao sẽ được ngân hàng cho vay. Nếu họ không trả tiền thì mình chỉ lấy nhà lại thay vì phải làm giấy tờ xiết nhà, rườm rà, mất cả năm trời. Họ đặt cọc 2 miếng đất của họ ($40,000) rồi mình cho họ vay trong vòng 5 năm rồi khi nhà lên, họ tái tài trợ lại cái nợ và trả tiền cho mình. Lý do là mình chỉ có 45 ngày sau ngày bán căn nhà kia, để chỉ định mua nhà nào để khỏi phải bị đóng thuế nên khi có người kêu mua thì mua rồi bán lại kiểu này thì không phải đóng thuế ngay trong năm đó. 


Khi mình đi xem 2 miếng đất của họ, thì thấy cả gia đình thêm ông chú, cháu ngoại ở trong mấy cái xe RV cũ rích, không có điện gì cả, họ dùng máy phát điện để xài, tốn đến $800 tiền xăng để phát điện mỗi tháng trong khi trên đầu có đường dây điện. Lý do không có tiền đặt cọc để công ty gắn đồng hồ điện cho. Nhìn họ sinh sống thấy tội lắm kìa. Chắc sống lâu năm với vợ, mình bị nhiễm căn bệnh của đồng chí gái. Cứ thấy tội nghiệp thiên hạ. Quên rằng mình là con cháu địa chủ cường hào ác bá.


Mình tỵ nạn mà ở nhà rộng rãi trong người Mỹ da trắng sinh tại đây, ở trong mấy cái RV nên thấy tội mới bán cho họ. Năm đầu tiên họ trả tiền đàng hoàng, năm nay thì họ ngưng trả cả năm. Mình hỏi ông chuyên viên địa ốc thì được biết mấy người mua này nhờ ông ta rao bán căn nhà nên mình đợi nhưng cuối cùng không bán nữa. Khi nghe tin là vốn chủ sở hữu (equity) của họ xem như mất hết vì họ phá nhà để sửa, tân trang lại nhưng hết tiền thì họ không cho khách hàng muốn mua căn nhà vào xem nên cuối cùng mình đề nghị với họ là mình đưa họ tiền để họ dọn ra.


Đến nơi thì mình thất kinh, mới hiểu lý do ông địa ốc kêu là vốn chủ sở hữu, equity của họ tiêu theo mây khói. Họ muốn tân trang lại căn nhà, tạo dựng mái ấm gia đình hạnh phúc nơi nơi nên phá cái bếp, tường đủ trò. Cái mà đáng sửa thì họ lại không làm đi đập phá mấy trò khác. Nói theo giang hồ địa ốc “Cash 4 Keys”. Mình định đưa cho họ $5,000 nhưng khi gặp họ thì họ đòi $8,000, mình kêu giúp ông bà có chỗ nương náu tưởng ông bà thay đổi, xây dựng lại cuộc đời vì xứ này là xứ cơ hội nhưng lại phá nát căn nhà, tôi phải tốn độ 50K để sửa lại. Họ đồng ý $3,000, đủ tiền đặt cọc và tiền thế chân cho chỗ khác nên mình chạy xe, đem theo thằng con cho nó học nghề. Ai ngờ nó kể với đồng chí gái nên khi mình đi ngủ đồng chí gái nhắn tin thằng chồng ác ôn nông dân đừng có đuổi nhà người ta vào cuối năm, để họ ăn Tết đã.

Họ muốn 30 ngày để dọn ra. Mình đồng ý thì cách đây mấy hôm, họ cho biết muốn ngày cuối năm gặp để mình đưa tiền cho họ để họ dọn ra để có tiền nộp cho chủ mướn nhà khác. Thay vì tuần tới. Mình đồng ý. Nên hôm nay đến gặp để đưa tiền cho họ để họ dọn ra. Lái xe gần 2 tiếng mới đến nơi. Thấy họ chưa xong. Kêu thêm 5 tiếng nữa. Mình vô xem rồi kêu họ sao không đem dọn đồ ra hết để dưới patio, rồi đưa chìa khoá cho mình vì không thể đợi thêm 5 tiếng. Trong khi đó mình dẫn ông thợ và chuyên viên địa ốc đi ăn, độ 1, 2 tiếng trở lại. Lúc trở lại thì họ đã dọn ra hết chở một số đồ đi rồi quay lại. Mình đưa họ tiền để họ đóng tiền phía bên kia. Xem như làm ăn lỗ vốn thôi. Hai miếng đất của họ thì nay có người trả $32,000 cho một miếng đất, tuần tới sang tên lấy tiền, để sửa căn nhà này. Còn một miếng để dành sau này có ai mua thì bán.


Hy vọng thằng con xem gương của họ mà chịu khó làm ăn. Chớ sống theo kiểu người Mỹ, không cần kiệm thì cuộc đời te tua. Ông chồng làm thợ mộc, lương cao, bà vợ thì dọn dẹp nhà cửa cho mấy người có AirBnB trong vùng này. Hóa ra họ lộn xộn về tiền bạc vì ông chồng nghiện rượu và hút thuốc như đầu xe lửa. Năm nay ông ta đi vào trung tâm cai nghiện rượu mất 6 tháng do đó không sửa nhà cũng như không đi làm, có tiền trả tiền nhà. Nay kêu hết uống rượu nhưng mình thấy điếu thuốc lá trên môi. Bà vợ thấy hiền và nhẫn nhục như bao phụ nữ có chồng bê tha, nghiện ngập. Mấy đứa con cũng đàng hoàng, lễ độ, chào hỏi mình. Sống ở Việt Nam, mình đã từng chứng kiến chồng đánh vợ con vì cờ bạc hay nghiện rượu nên mình không bao giờ hút thuốc, uống rượu vì không muốn vợ con khổ.


Nhà họ có đến 7 con chó và 3 con mèo. Nội nuôi mấy con này là hết tiền trả tiền nhà cho mình. Thấy tội, trời lạnh mà họ bỏ củi đốt trong thùng phuy ngoài trời. Họ mua đâu cái lò sưởi gắn trong nhà nhưng vì lý do nào đó không mua được cái “connector” để nối hai đường ống khói nên không sử dụng được trong nhà. Ở chỗ xa lắc xa lơ, đứa cháu ngoại không có ai chơi, chắc cũng không đi học, nên chơi với mấy con chó, sau này làm tarzan chúa Tể vùng Apple Valley. Mình đưa ngân phiếu cho họ rồi chúc họ may mắn trong năm 2025, hy vọng sau vụ cai nghiện ông chồng sẽ làm lại cuộc đời, chí thú làm ăn, giúp vợ con một cuộc sống đàng hoàng tươm tất hơn.


Sau khi lấy chìa khoá, giải thích cho ông thợ những gì cần phải làm trong khi ông chuyên viên địa ốc tìm cách rao bán. Mình sẽ để thằng con lên đây phụ ông thợ để nó hiểu thêm về nhà cửa, sửa chửa ra sao. Cả đời chỉ học học học mãi như anh 6 VI Lê-nin nói nên chả biết gì về điện nước, chẳng bù lại khi xưa, mình ở Việt Nam, bao nhiêu điện nước trong nhà là mình sửa hết. 


Hai cha con chạy về để gặp một gia đình muốn dọn vào một căn hộ mới trả lại. Người thuê vừa trả nhà thì 48 tiếng đồng hồ sau có người muốn dọn vô. Mình kêu thằng con khi xưa, học tiếng Tây Ban Nha vì sống ở Cali 50% là người gốc la-tinh, nói tiếng Mễ. Nó không chịu, đi học tiếng Nhật Bản. Nay Người thuê nhà đa số nói tiếng Tây Ban Nha là nó ngọng dù đang học thêm. Mình nói rã họng, nó ngồi bên nghe được chữ đực chữ cái, nhưng mình cũng phải trả cho nó tiền làm quản lý.  Biết bao nhiều tên Mỹ trẻ muốn học nghề với mình, mời đi ăn uống cà phê nhưng mình bận. Đây thằng con vừa học nghề vừa được trả tiền. Mình phải chuyển giao công nghệ cho thằng con để có thời gian đi chơi, giang hồ.


Sau đó mình đi ăn cơm với đồng chí gái và con gái. Mai nó đi Costa Rica. Nó hỏi nếu sang năm con đính hôn, bố nghĩ sao. Mình nói thời cơ chín muồi thì lập gia đình nhưng phải nuôi nấng chăm sóc mối tình hữu nghị, chớ không phải lấy nhau rồi là xong. Đám cưới chỉ là khởi đầu, còn phải trải qua nhiều sóng gió mới tạo thêm hạnh phúc, khoẻ đời người.


Năm nay đồng chí gái không tổ chức đón giao thừa như mọi năm, lo tập hát cho ban hợp xướng Trưng Vương, đàn guitar hội nên đi ngủ sớm. Mình thì ngồi ôn lại ngày cuối năm, lấy nhà lại. Cũng may là thằng con chịu khó học nghề nhưng mình phải bình tỉnh, giải thích cho nó vì nó được sinh ra tại Hoa Kỳ nên không lanh lẹ như mình sinh ra và lớn lên tại chợ Đà Lạt. Con gái được xem là một trong 15 nhân viên bán hàng hàng đầu của hãng dù tuổi đời còn nhỏ. Nó cho biết là đi học 3 năm ở Âu châu và Á châu, du lịch nhiều nơi giúp nó hiểu và “close deal” với các công ty ở Âu châu. Trong khi đồng nghiệp than là chưa bao giờ bán được cho khách hàng ở Âu châu. Con gái mình như mẹ mình, rất là lanh và thông minh, sau này chắc nó khá hơn bà nội nó, vì được ăn học đến nơi đến chốn. Mẹ mình thì rất thông minh, hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi nhưng khi xưa mệ ngoại nghèo nên không được đi học. Đang ăn cơm, bà nội gọi nói chi với con gái, nó chả hiểu gì cả. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Bình trà Tết ngày xưa

 Cái bình trà tàu xưa


Hôm trước đọc trên mạng, có ai nhắc đến bình trà tàu mà một số ít dân Đà Lạt, có khả năng mua về dùng vào ngày Tết vì hàng này thuộc loại đặc biệt. Lý do là nhập cảng từ bên Trung Cộng qua Cao Miên, từ đó mới được chuyển lậu qua biên giới Việt Miên. Rồi có một bà chở đi các tỉnh bán, trong đó có Đà Lạt. Mình thấy bà ta đến gặp bà cụ, nói chi đó rồi bà cụ đi đâu với bà ta, chắc ra xe xem hàng. Sau đó đưa tiền rồi kêu mình ra lấy hàng đem vào kho. Thường là trước Tết. Gồm bình trà và bộ tách.

Đây là bình trà khi xưa thường được nhập cảng lậu từ Trung Cộng qua ngõ Cao Miên rồi từ đó mới qua biên giới Việt Nam. Rất quý vì được sơn màu, viết chữ tàu. Ta thấy hình vẽ, có hai cây trúc hai bên. Đứng giữa là con Nai, con dơi mắt sáng quắt có Ánh sáng chiếu đến ông Thọ, một phụ nữ cầm 2 quả đào tiên, tượng trưng cho sự sung túc, làm ăn phát đạt, trường thọ và hạnh phúc. Thằng bé ôm quà chi đó, có con chim hay con vịt rồi có 4 chữ tàu có diễn Nôm là Tứ Hỷ Thọ Lai.

Thật ra phiên bản bình trà sản xuất tại Việt Nam cũng có nhưng kỹ thuật làm đồ xén, sơn nhiều màu chưa đạt như ở Trung Cộng nên đồ lậu này được ưa chuộng. Tương tự trên lầu Chợ Đà Lạt, nơi hàng vải, thiên hạ bán lụa, hay vải của Thái Lan, được nhập cảng lậu, có chất lượng khá hơn vải lãnh Mỹ A. Khi xưa, bà dì mình là thợ may nên khách hàng mua vải đến thì nghe người lớn nói chuyện thì nhớ như vậy. Hay ra chợ, bò lên hàng bà Phúng hay bà Đàng, nghe mấy bà giải thích cho khách hàng, hàng Mỹ A hay hơn hàng Thái Lan. Nếu mình không lầm thì hàng Mỹ A, màu đen còn vải nhập lậu từ Thái Lan được nhuộm màu đủ loại.


Nhà mình uống trà mỗi ngày. Sáng sáng mình dậy, đem cái lò than ra ngoài sân, châm ngo và than để đốt lò than, sau đó đem vô nhà bếp, bắt cái ấm nước đun cho sôi. Sau đó chế vào bình trà qua cái phễu, có bỏ bông Gòn để lọc chất dơ. Nhà mình xài bình trà của công ty Thiên Nhiên, lò gốm ở dưới Trại Hầm hay Trại MÁt, hay Cầu Đất của người Hoa sản xuất, màu xanh. Mình nhớ khi xưa gần Đà Lạt có lò gốm Thiên nHiên và Vĩnh Tường. Công ty Vĩnh Tường này ở Phi Nôm, chỗ LIên KHương chạy thêm nữa về phía Bảo Lộc. Mình có ghé đây 1, 2 lần để xem đồ họ sản xuất. Bình này dùng để uống trà quanh năm suốt tháng. Còn Tết đến hay khi nhà có khách quý thì mới sai mình lấy bình xịn của Trung Cộng từ trong tủ kiếng, nơi ông bà cụ chưng mấy đồ quý như tách, bình trà, ly cối để uống nước cam khi có giỗ kỵ,.. hay chai rượu mạnh của Mỹ cho sang.

Đây là hình cái bình trà và cái giỏ bình trà làm bằng tre, gia đình mình dùng hàng ngày. Bình trà của công ty đồ gốm Thiên Nhiên thường in hình vẽ màu xanh như hình trên. Bình này là đồ nội địa nên rẻ hơn, thường xài lâu lâu thì mình hay mấy đứa em làm mẻ cái vòi bình, hay làm rớt bể cái nắp bình. Nên ngoài chợ nếu lỡ làm sức cái vòi không bán được thì đem về xài, hay bể bình, còn cái nắp thì để dành lỡ ai đến mua cái nắp, hay đem về nhà xài. Hình cô em gửi 

Đặc biệt muốn giữ nước trà ấm lâu thì người ta để trong cái giỏ bình. Mình nhớ khi xưa có giỏ làm bằng tre, sau này họ đan bằng giây nhựa. Phía trong có kiểu cái mền có độn rơm ở trong, chừa cái khoảng diện tích cho bình trà.

Đây là cái bình được đặt trong cái giỏ bình trà được Đan bằng tre. Nếu để ý sẽ thấy cái nắp có hai cái lỗ được khoét sâu xuống để dùng hai ngón tay để cầm lên, trên bình có hai cái quai, gồm hai lỗ để xỏ 2 cái quai, thường được bọc nhựa để khỏi bị nóng tay khi đổ trà. Thường để tránh cái nắp rớt bể, mình hay lấy giây để xỏ qua hai cái lỗ của nắp bình, rồi cột vào hai cái lỗ của quai bình. Phía trong cái giỏ bình, có phần vài độn rơm phía trong để giữ cho nước ấm lâu. Có cái nắp đang bằng tre. Sau này thì họ dùng dây nhựa để Đan hay làm khuông đúc cho mau.

Trên bình trà sản xuất từ Trung Cộng, có hình một ông già, cầm cái trượng, 1 thằng bé, một phụ nữ trẻ hơn ông già râu dài trắng phau, tay cầm hai quả, đến sau này về Hội An, Phố Cổ mới thấy trái Đào Tiên lần đầu như Văn Cao tả. Bên cạnh có con Nai và con dơi rồi 4 chữ tàu nên mình ngọng luôn. 


Dòng chữ “四喜寿来”, mình viết ngược lại vì chữ Hán thường được viết từ phải qua trái như trên ấm trà. Trên ấm trà mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa Đông Á, bao gồm cả Việt Nam, với ảnh hưởng từ truyền thống Trung Hoa. Dưới đây là phần giải thích mà mình đọc tài liệu về vụ này, kiểu bình dân học vụ vì không rành chữ Hán.


1. 四喜 (Tứ Hỷ): “Bốn Niềm Vui”

Tứ Hỷ là một cụm từ thường được nhắc đến trong văn hóa cổ điển Trung Hoa, tượng trưng cho bốn sự kiện vui mừng nhất trong cuộc đời:

-Mưa sau hạn hán - Biểu tượng của sự cứu trợ và tái sinh.

-Gặp bạn cũ nơi phương xa - Biểu trưng cho tình bạn quý giá. Cái này thì mình có nhận ra; tháng 10 vừa rồi, về thăm gia đình và thân hữu ở Pháp và Ý Đại Lợi, gặp bạn học cũ khi xưa thấy rất vui. Đúng là 1 trong 4 niềm vui của cuộc đời. Ngồi kể chuyện đời xưa, thời sinh viên, chọc quê nhau rất hạnh phúc.

-Đêm tân hôn - Đại diện cho tình yêu và sự khởi đầu mới của đời người.

-Thi đỗ khoa bảng - Tượng trưng cho thành tựu cá nhân và sự tiến bộ.


Việc xuất hiện cụm từ này trên ấm trà gợi ý rằng nó được vẽ lên trên bình để kỷ niệm niềm vui và các sự kiện hạnh phúc trong cuộc sống. Văn hóa Việt Nam, với nền tảng Nho giáo, cũng rất coi trọng những dấu mốc này như một phần của cuộc sống hài hòa. Đi ăn đám cưới, mình hay thấy họ viết hai chữ Hỷ 喜 bên nhau tức Song Hỷ.


2. 寿来 (Thọ Lai): “Trường Thọ Đến”

•Chữ 寿 (Thọ) đại diện cho sự trường thọ, thường gắn liền với Ông Thọ, một trong Tam Đa Phúc Lộc Thọ, vị thần tượng trưng cho sức khỏe và tuổi thọ.

•来 (Lai) nghĩa là “đến” hoặc “tới,” biểu trưng cho sự xuất hiện của phúc lành.

•Cả cụm từ Thọ Lai mang ý nghĩa chúc tụng sức khỏe, sự sống dồi dào và phúc lộc lâu dài. Về già chứng ta cần thọ lai nhưng không đau ốm.


3. Biểu Tượng Trên Ấm Trà

Các hình vẽ trên ấm trà bổ sung cho ý nghĩa của dòng chữ:

•Người đàn ông lớn tuổi: Đây có thể là hình ảnh của Ông Thọ, tay cầm gậy trượng, biểu tượng của trí tuệ và tuổi già.

•Con hươu (鹿 - Lộc): Hươu là biểu tượng truyền thống của sự giàu có, sức khỏe và sự bất tử. Hươu thường là bạn đồng hành của Ông Thọ và biểu hiện cho sự trường thọ. Có lẻ vì vậy mà người ta thích uống sâm nhung bổ thận hoàn?

•Người phụ nữ: Có thể đại diện cho tuổi trẻ hoặc sự thịnh vượng, mang ý nghĩa cân bằng hài hòa trong cuộc sống. Người phụ nữ cầm hai trái Đào Tiên như Văn Cao tả trong bài Thiên Thai “Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm.

Đứa Trẻ đang chơi với con Chim giống như con Vịt. Loài này sống trên nước; con Trống gọi Uyên (), con Mái gọi là Ương (). Khi xưa cứ nghe thiên hạ gọi đôi Uyên ương mà chả hiểu rõ. Loài này sống có đôi, rất chung thủy, cho nên mong vợ chồng gắn bó lâu dài gọi là Uyên-Ương. Được như thế thì sanh con nối dõi tông đường, gia đình hạnh phúc. Đây là niềm vui thứ tư.

 .Con Dơi: theo Chữ Nho gọi Dơi là Bức (): Biên Bức (蝙蝠); chữ Bức (), đồng âm với chữ Phúc () con dơi theo người Tây phương thì không tốt, còn người Á đông thì cho là phúc.


Ngày nay người ta dùng trái dừa để làm bình trà rồi cũng vẽ trúc này nọ thêm chữ Trà bằng tiếng Việt.

Khi xưa, còn nhỏ sống với những vật sử dụng hàng ngày nhưng chả hiểu gì cả. Trong nhà có mấy tấm tranh được vẽ chữ Hán bằng màu vàng này nọ thêm tác giả ngoáy thêm chữ tàu ít ai hiểu như khi xưa vào dịp Tết, người ta ra chợ nhờ ông Đồ viết cho vài chữ Thánh Hiền, câu đối đem về nhà bỏ lên tường cho sang. Xem như dốt học làm sang.


Nay về nhà, không thấy bình trà ngày xưa nữa, chỉ thấy bình nước lọc to đùng. Đời sống văn minh lên, người ta uống cà phê nhiều hơn uống trà. Gần Tết nên nhớ lại một thời niên thiếu, khi Tết về, ra chợ phụ bà cụ mấy ngày chợ Tết nên nhớ mại mại nhiều kỷ niệm của một thời ở Đà Lạt xưa.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tại sao có con gái nhiều thì nghèo ?


Hôm trước, thấy trên mạng, anh của một người bạn học cũ, than là nhà anh ta khi xưa ở Đà Lạt nghèo khiến mình thất kinh. Có lẻ anh ta so sánh đời sống hiện nay ở hải ngoại và khi xưa tại Đà Lạt. Vì mình đến nhà anh ta hoài, có khi ngủ lại đêm vì giới nghiêm, để học thi tú tài với anh bạn, được mời ở lại ăn cơm. Có anh trai đi du học. Bố mẹ có nông trại nuôi bò này nọ thêm nhà trọ cho sinh viên thuê. Nhà có cơm thịt dưa hành đầy đủ thêm chỉ có một cô con gái và 4 tên con trai. Việt Nam, nhà nào có con gái đông là nghèo như nhà mình. Có đến 8 cô em gái. Nội bà cụ mua băng vệ sinh mỗi tháng cho 8 cô con gái là đủ nghèo, chưa kể áo quần chưng diện để chụp hình toả nắng. 

Hàng xóm bên cạnh cũng có một gia đình 3 tên con trai, và 7 cô con gái, mà mình có gặp lại được hai chị em hàng xóm trong chuyến về Sàigòn lần trước. Khi xưa, con gái lớn lên đủ tuổi là bố mẹ gả chồng cho bớt tốn băng vệ sinh. Theo thống kê thì nuôi một cô con gái tốn gấp 3 lần nuôi con trai. Theo kinh tế thị trường thì nên đẻ con trai, đỡ tốn tiền nuôi. Nhờ đó mà về già, con gái nhớ ơn cha mẹ nên có người, mình nói có người là vì con cái có bệnh mất trí nhớ nhanh sớm hơn bố mẹ. Cha chung không ai khóc.


Ông trời rất hay, cho người lớn tuổi bị bệnh lãng trí để quên cảnh con cái không đoái hoài đến, để khỏi buồn đời nhìn cô lựu. Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày. Hồi con còn nhỏ, bố mẹ đứng đợi con ở cổng trường mỗi ngày, về già thì ngồi đợi con trước nhà hay cửa ra vào của viện dưỡng lão, mong con đến thăm.

Mình không sống thời bao cấp nên không biết, chỉ nghe kể là sau 75, mấy cô em phải sử dụng lá chuối khô để làm băng vệ sinh. Nay thì thả dàn đủ loại Kotex. Có lần chở bà cụ đi chơi, con gái gọi điện thoại, nhờ ghé tiệm mua băng vệ sinh, khiến bà cụ mình ngạc nhiên vì nghe nói đàn ông ở Việt Nam ít ai làm chuyện đi mua băng vệ sinh cho con gái hay vợ. Mình dẫn bà cụ vào tiệm CVS, chỉ đủ loại băng vệ sinh khiến mẹ mình cứ kêu u châu. Mình nhớ khi xưa, người lớn dặn mình không được đi ngang dưới các dây kẽm phơi quần áo nhất là quần phụ nữ vì sẽ học ngu. Mình hay quên khi chạy chơi với đám bạn trong xóm nên hay chạy trốn dưới mấy chỗ phơi đồ nên ngu từ đó đến giờ. Thiên hạ hay hỏi mình “mi ăn chi mà ngu rứa?” Mình trả lời chơi năm 10 trốn dưới quần đen của đàn bà.


Mình có kể vụ lịch sử của nịt ngực, xú chiêng này nọ hay quần lót phụ nữ rồi. Hôm nay, kể vụ băng vệ sinh cho có vệ sinh trên mạng xã hội. Ông giáo sư da đen Thomas Sowell, cho rằng chủ nghĩa thức tĩnh (wokism) đã hại người da đen của ông. Biến họ thành những nạn nhân của nô lệ dù luật lệ cấm nô lệ đã được xóa bỏ từ lâu. Trước đây, nói chung là trước khi Luật Dân sự được công nhận, qua các cuộc đấu tranh được hướng dẫn bởi ông Martin Luther King Jr., mà giáo sư Thomas Sowell có tham dự.


Sau khi thành công được quyền Dân Sự, người da màu không còn bị cho ngồi sau xe buýt, không được chung chạ với người da trắng thì một số chính trị gia da màu, nạn nhân hoá lịch sử của người da đen khiến trong tâm thức, họ đổ lỗi cho quá khứ cha ông bị bắt làm nô lệ, đòi được bồi thường này nọ. Kết quả người Mỹ da đen bị bỏ xa về mặt kinh tế bởi người da trắng vì trước đó người da đen, chưa bị nhiễm tư tưởng độc hại, nạn nhân hoá của quá khứ, có rất nhiều người nổi tiếng trong các ngành nghề khác ngoài các môn thể thao. Ngày nay, gần 90% con người da đen được sinh ra với cha mẹ không làm đám cưới. 


Chúng ta thường được nghe các thuộc địa cũ của người Tây phương nêu lý do họ không tiến bộ là vì di sản của người ngoại quốc, đô hộ này nọ. Ít ai nhìn thấy sự vươn lên của Tân Gia BA, một hải đảo nhỏ, không có gì hết mà nay lợi tức dân của họ cao hơn cả Hoa Kỳ. Hay sự thành công của Trung Cộng từ khi Mao Trạch Đông qua đời. Sự trì trệ của các nước này vì tham nhũng, hơn là vì di sản thực dân. Đổ lỗi cho thực dân dễ hơn là chấp nhận mình ngu, bất tài.


Hôm nay mình đọc được tiểu sử của bà Mary Beatrice Kenner, một người da màu, đã thay đổi cuộc sống của bao nhiêu phụ nữ trên thế giới nhờ phát minh của bà ta. Bà ta học đại học được hai năm thì bỏ vì không đủ tiền đóng học phí. Vấn đề là thời đó có kỳ thị chủng tộc, khi người ta biết sáng chế của bà ta về băng vệ sinh, để thị trường hoá thì có liên lạc nhưng khi biết bà ta là người da màu thì họ không muốn ký hợp đồng nên bà ta không làm tiền với sáng chế của mình. Nếu như ngày nay thì giàu to. Thế giới có 7 tỷ người, cứ tính đổ đồng 2 tỷ người phụ nữ ở tuổi có kinh nguyệt, mỗi tháng bán một bịch băng vệ sinh là đủ giàu. Con cháu ăn suốt đời đến khi họ khám phá một loại khác nhẹ nhàn hơn. Nếu bà ta thành công thì cos lẻ người da đen sẽ noi gương bà ta khuyến khích con cháu học hàng thay vì chỉ mong chơi thể thao để đổi đời.

Bà Mary Beatrice Kenner, người đã sáng chế băng vệ sinh cho phụ nữ nhưng ít ai nhớ đến

Tóm lược về bằng sáng chế băng vệ sinh của bà Kenner, một người da màu, sinh ra trước khi Quyền Dân Sự rất đời, đã phát minh các thứ thực dụng, dù nghỉ học đại học vì tài chánh. Họ cho biết boos bà ta cũng chuyên sáng chế này nọ. Trước đây họ gọi là đai vệ sinh, khác với đai trinh tiết mà mấy ông thập tự quân, bắt mấy bà vợ đeo khi họ theo vua đi sang Trung Đông, làm cuộc thánh chiến. Nếu ông chồng chết thì bà vợ sẽ không bao giờ được mở cái vòng đai trinh tiết và chết theo nó. Lên thiên đàng làm 72 trinh nữ cho mấy ông thập tự quân chết vì thánh chiến. Vụ này mình chế thêm nghe. Nói ra các ông cố đạo chửi chết.

1. Thiết Kế Của Đai Vệ Sinh

Đặc Điểm Chính: Đai vệ sinh là một thiết bị điều chỉnh được với một túi chống thấm nước, được thiết kế để giữ miếng băng vệ sinh cố định. Thiết kế này giúp giảm thiểu tình trạng rò rỉ, vốn là vấn đề phổ biến với các sản phẩm vệ sinh phụ nữ thời bấy giờ. Đai có thể dễ dàng đeo dưới quần áo, mang lại cảm giác thoải mái và an toàn.

Vật Liệu và Sáng Tạo: Việc sử dụng chất liệu chống thấm nước của Kenner là một bước tiến vượt bậc, cải thiện đáng kể về vệ sinh và giảm sự khó chịu. Thời điểm đó, hầu hết phụ nữ sử dụng các miếng vải tái sử dụng, vốn thường cồng kềnh và dễ bị xê dịch hoặc rò rỉ. Có lẻ vì vậy mà phụ nữ khi xưa chỉ bận váy, không được bận quần. Ai bận quần sẽ bị phạt vi phạm thuần phong Mỹ tục. Đến khi bà Kenner, sáng chế ra băng vệ sinh, mấy bà mới bận quần cho oai.

Dễ Dàng Sử Dụng: Đai có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều kích cỡ khác nhau, bảo đảm tính tiện dụng cho nhiều phụ nữ.

2. Tại Sao Phát Minh Này Cần Thiết

Lựa Chọn Hạn Chế Thời Đó: Vào những năm 1950, các sản phẩm vệ sinh phụ nữ còn rất sơ khai, và các miếng băng dính dùng một lần chưa xuất hiện. Nhiều phụ nữ phải sử dụng các miếng vải tái sử dụng cần giặt thường xuyên, gây bất tiện và không bảo đảm vệ sinh. Đai vệ sinh của Kenner mang đến một giải pháp hiện đại và thực tế hơn, đáp ứng nhu cầu cải thiện vệ sinh và sự tiện lợi.

Trao Quyền Cho Phụ Nữ: Phát minh này mang lại sự tự tin và tự do hơn cho phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt, giúp họ tham gia các hoạt động hàng ngày mà không lo ngại về rò rỉ hay khó chịu. Mình nghe kể khi xưa, phụ nữ đến thời kinh nguyệt là nằm nhà, không đi đâu cả. Mất sức lao động, có lẻ vì vậy mà người ta ưa chuộng con trai hơn con gái. Mới lú nhú vú là gả chồng cho rảnh nợ đời.

Nhớ có lần thằng con học tiểu học mà trường đã dạy về kinh nguyệt phụ nữ để con trai hiểu khi đám con gái khó chịu. Một hôm, đồng chí gái bực cái gì đó khiến mụ vợ la hét om sòm, thằng con chạy lại kêu bố đừng có buồn, mẹ con đang có kinh nguyệt, khiến mình thất kinh.


3. Thách Thức Mà Mary Kenner Đối Mặt

Phân Biệt Đối Xử: Sau khi nộp bằng sáng chế vào năm 1954 (được cấp vào năm 1956), một công ty bày tỏ sự quan tâm đến việc sản xuất đại trà sản phẩm này. Tuy nhiên, khi họ phát hiện ra bà là người da màu, họ đã rút lại lời đề nghị, minh chứng cho sự phân biệt chủng tộc dạo ấy mà bà phải đối mặt.

Hạn Chế Trong Thương Mại: Do rào cản về chủng tộc và giới tính, Kenner không thể đưa sản phẩm của mình ra thị trường đại chúng. Bà không thu được lợi nhuận tài chính đáng kể từ phát minh này, mặc dù nó đã giải quyết một vấn đề phổ biến.

Bị Lấn Át Bởi Các Sáng Chế Sau Này: Đến những năm 1970, các miếng băng vệ sinh có keo dính dùng một lần trở nên phổ biến, thay thế nhu cầu sử dụng đai như của Kenner. Thế là hết cơ hội làm tiền.


4. Di Sản Của Đai Vệ Sinh

Bước Tiến Trong Sản Phẩm Vệ Sinh Phụ Nữ: Mặc dù đai của bà không đạt được thành công thương mại trong thời gian bà còn sống, nó đại diện cho một bước tiến lớn trong các sản phẩm vệ sinh phụ nữ. Công việc của bà đã đặt nền móng cho những cải tiến sau này, góp phần vào sự phát triển của các giải pháp thực tế và hiệu quả hơn cho sức khỏe phụ nữ.

Sự Công Nhận Đóng Góp Của Bà: Trong những năm gần đây, Kenner được tôn vinh như một nhà phát minh tiên phong, người đã cải thiện cuộc sống của phụ nữ. Câu chuyện của bà nhấn mạnh những đóng góp của phụ nữ da màu đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới, vốn thường bị bỏ qua. Ai có kinh nguyệt hàng tháng thì nhớ khấn vái bà Mary Beatrice Kenner này.


5. Tác Động Rộng Lớn Đến Sức Khỏe Phụ Nữ

Những thách thức mà Kenner phải đối mặt trong việc đưa phát minh của bà ra thị trường nhấn mạnh sự kỳ thị và thiếu đầu tư vào sức khỏe kinh nguyệt thời bấy giờ. Công việc của bà đại diện cho tầm quan trọng của việc tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu độc đáo của phụ nữ, phá vỡ những điều cấm kỵ xã hội.

Truyền Cảm Hứng Cho Các Nhà Sáng Tạo Tương Lai: Sự kiên trì của Kenner nhắc nhở chúng ta rằng sự sáng tạo và bền bỉ có thể mở đường cho những đóng góp ý nghĩa, ngay cả khi đối mặt với sự áp bức hệ thống. Nhất là cho người da màu, không đổ lỗi cho quá khứ để vươn lên.

Ngoài ra bà ta còn sáng chế đồ giữ cuộn giấy đi cầu nhưng cũng không làm ra tiền dù có bằng sáng chế.
Đai vệ sinh của Mary Kenner không chỉ là một phát minh; nó là biểu tượng cho quyết tâm của bà trong việc cải thiện cuộc sống của phụ nữ bất chấp mọi rào cản. Công việc của bà tiếp tục truyền cảm hứng cho các cuộc thảo luận về bình đẳng, sáng tạo và những đóng góp bị lãng quên của phụ nữ da màu trong lịch sử. 

Chỉ khổ là ngày nay, mấy người chuyển đổi giới tính, sẽ không cần băng vệ sinh. Không hiểu mấy phụ nữ chuyển giới tính có bị kinh nguyệt hành mỗi tháng hay không. Bác nào có tin tức này thì cho em xin để bổ túc.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Đến Gặp Tôi Đã Quá Muộn!

 Tuần này tình cờ đọc được cuốn sách của một luật sư chuyên trị ly dị, James Sexton, “If You’re In My Office, It’s Already Too Late”. Nếu ông hay bà có mặt ở văn phòng tôi thì đã quá trễ. Đọc xong khiến mình nhớ đến chuyện một ông luật sư người Việt quen ở Bolsa. Khách hàng vào văn phòng hỏi về ly dị, ông này khuyên, đi nhà thờ cầu nguyện hồng ân Chúa giúp hàn gắn lại mối tình hữu nghị với kẻ nội thù. Sau này có thằng cháu thất nghiệp, lấy bằng phụ tá pháp lý, giúp quản lý văn phòng. Ai vào là thằng cháu kêu ly dị ngay, không hàn gắn gì cả, đặt cọc, rồi chuẩn bị giấy tờ ký ngay đâm đơn ly dị, càng kéo dài ra toà càng kiếm được nhiều tiền. Nên văn phòng luật sư làm ăn khá lên liền. Mình có người quen ly dị, dây dưa cả 5, 6 năm trời tốn tiền luật sư phí, cuối cùng mới ký giấy tờ không dính dán với kẻ nội thù sau khi tốn mấy trăm ngàn khơi khơi. Vỡ nợ luôn đến giờ. Như Sơn đen từng nói: Một ngày ly dị một đời trả nợ. Đi làm trả nợ luật sư phí thêm chu cấp cho kẻ nội thù xưa đến cả đời. Bà vợ cũ cả tuần đi tập thể dục, cuối tuần đi chơi với kép mới, đem con đến gửi. Hè dẫn con cái đi chơi, ông chồng è cổ ra trả cho vợ cũ dẫn trai đi chơi với con.

Ông Sexton cho biết, viết cuốn sách này không phải để dạy đời, hay làm cố vấn hôn nhân gia đình nhưng mục đích là để cho độc giả hiểu các lỗi lầm của khách hàng đã phải lầm trước khi gặp luật sư nhờ ly dị. Mình nhớ có lần đi xem xi-nê với một đối tượng, phim “War of the Roses” có Michael Douglas, Kathleen Turner và Danny de Vito đóng. Cái kết của 2 cuốn phim trước Romancing The Stone và The Jewel of the Nile. Mình xem cả 2 phim đầu xong, đối tượng nhìn mình với cặp mắt triều mến, đầy lãng mạn, bao nhiêu gian khổ, với tình yêu của đôi ta sẽ vượt hết tất cả nhưng đến khi xem phim cuối cùng này, đối tượng hết trả lời điện thoại. Chấm dứt cuộc tình khi không lại mất, không bao giờ gặp lại. Thà chia tay sớm bớt đau khổ. Ái bất trọng, bất sinh ta-bà.


Ai muốn chấm dứt cuộc tình không đi tới đâu, thì dẫn đối tượng cách mạng đi xem phim này hay lên mạng xem. Con gái mình nói có thể thằng Bồ sẽ ngỏ ý cưới tặng nhẩn chi đó năm 2025. Có cần phải làm giấy tờ prenuptial này nọ. Chắc mình sẽ gửi đường dẫn phim này cho nó và thằng Bồ xem trước khi ký giấy tờ. Nhờ xem phim này mà mình tránh khá nhiều cãi vã với đồng chí gái. Tuần lễ đầu hai đứa dọn vào sống chung, con gái gọi điện thoại hỏi sao bố mẹ có thể sống hòa giải với nhau trên 30 năm. Tụi con mới tuần lễ đầu đã choảng nhau như điên. Mình nói thế hệ bố, cái gì hư thì sửa còn thế hệ ngày nay, hư thì họ quăng, tậu cái mới.


Hôm qua đầu năm, có anh chàng kỹ sư, học nghề mình, nhắn tin, hỏi rảnh đi uống cà phê. Có vài người muốn học nghề mình nên lâu lâu họ rủ đi ăn hay uống cà phê, nhiều khi họ hỏi về vấn đề gia đạo của họ. Năm ngoái anh ta có lần hỏi vụ có nên mua nhà rộng để gia đình anh ta ở. Vì bà vợ cứ muốn mua nhà mới, anh ta thì muốn dùng tiền để mua nhà cho thuê. Mình nói anh đi học các khoá tài Chánh, ai cũng khuyên anh để dành tiền, đừng tiêu hoang phí để có vốn mua nhà đầu tư. Vấn đề là căn nhà là nơi anh và vợ tạo dựng một mái gia đình với con. Do đó nên mua căn nhà tươm tất ở khu vực có học khu tốt. Thay vì trả tiền cho con đi học trường tư, anh dùng tiền đó để trả căn nhà rộng hơn, ở khu đắt tiền hơn như tôi khi xưa, từ Bôn-sa chạy về khu vực này. Hôm qua, anh ta kể là đã thống nhất với vợ về vụ này.

Anh ta nghe mình, dẫn vợ đi gặp chuyên viên tài chánh để họ giải thích với bà vợ về ý định tạo dựng tài sản cho mai sau để bà vợ hiểu mà không trách móc, vợ chồng cãi nhau. Mình đã qua giai đoạn này nên truyền kinh nghiệm đau thương cho anh ta. Mình chả bao giờ muốn ở nhà to cửa rộng nhưng đồng chí gái lại thích nên phải chìu. Bà vợ làm bác sĩ, cả ngày mệt ở phòng mạch, tối về mệt đừ, lo cho hai đứa con là oải, đi gặp họ hàng, bạn bè thì ai nấy ở nhà to đùng, còn bà ta không hiểu lý do gì mà ông chồng lại không chịu mua nhà lớn hơn. Do đó phải cho bà vợ gặp cố vấn tài chánh để họ giải thích lý do vì dù là bác sĩ, nhưng đâu có nhiều người biết gì về đầu tư tài chính, thuế vụ. Mình nói anh ta nên đọc cuốn sách “the millionaire mind” của giáo sư Thomas Stanley, tác giả của cuốn “the millionaire next door” để hiểu muốn trở thành triệu Phú thì phải hiểu tư duy của những người triệu Phú ở Hoa Kỳ. 


Mình đưa cho anh ta địa chỉ căn nhà ở Villa PARK mà mình đang thương lượng với bà chủ nhà, mua rồi tiếp tục trả cái nợ của bà ta với tiền lời 3.5%. Vì bà ta hạ giá 200K từ khi mình gặp. Anh ta hỏi cái deal mình đang thương lượng. Mình nói đâu sao, cứ mua được thì mình cũng mừng cho anh ta. Mình tính sửa xong căn nhà mới lấy lại thì bán mới có tiền mua căn đó được. Nếu có duyên thì mình sẽ mua được còn không thì chịu. Mình thương lượng rất nhiều căn nhà, có duyên thì cả năm sau mới mua được. Nên anh ta cần mua thì mình cho địa chỉ, sau khi ra về, mình nói chạy lại nhà xem rồi gõ cửa xin vào qua.


Phim 3 tập này nổi tiếng khi xưa, ai nấy đều thấy cuộc tình lãng mạn, nhiều hiểm nguy nhưng cặp tình nhân này đều vượt qua nhưng rồi khi lấy nhau, không như truyện cổ tích khi xưa, hạnh phúc suốt cuộc đời. Happy Ending! Từ người tình 100 năm họ trở thành kẻ nội thù. Như người Việt khi xưa nói sống thù chết hận. Cuộc chiến, đấu tranh giai cấp như cách mạng 1789 tại Pháp quốc trở thành cuộc thanh trừng đem lại bao chết chóc, tan thương. Khi nào con mình sắp sửa lập gia đình, mình sẽ khuyên chúng xem phim này để tránh lộn xộn về sau.


Ông ta đưa ra những điểm chính khi cuộc hôn nhân có vấn đề và từ từ đưa đến đỗ vỡ. Ông ta đưa ra 1 thí dụ; một bà khách kể là bà ta thích ăn granola, khi nào gần hết là ông chồng đi mua thêm nên bà ta không bao giờ thiếu món ăn vặt này. Đến khi một ngày đẹp trời, hết granola, và ông chồng không mua nữa. Bà ta tưởng ông ta quên nên có thể mai hay mốt sẽ ghé chợ mua cho bà nhưng không. Kể từ đó ông chồng không còn mua dự trữ granola cho bà nữa. Em ăn em nói em cười, kiếp này không có hai người như em. Nay trở thành em nhai em hét em la, kiếp này không có hai người như em.


Đó là một trong những điểm chốt mà chúng ta cần để ý khi người phối ngẫu hết còn chăm sóc, lơ là hay quan tâm đến mình. Những điểm nhỏ như thế từ từ sẽ xé ra to. Ngày nào, các bác không thấy đồng chí vợ làm đồ nhậu, làm mồi để nhậu với bạn bè, thì để ý nhé. Hay ông chồng không giặt quần áo, nhất là không đậy nắp bồn cầu tiêu lại là có vấn đề. Nếu chúng ta không để ý, những mần mống này sẽ mọc ra những vấn đề khác sẽ không bao giờ hàn gắn lại.

Có bà kia quen, có ông chồng chịu khó lắm, nấu ăn cho bà ăn uống, chăm sóc từng ly từng tý nhưng bà ta cứ la mắng chê bai, chồng mình sao không bằng người ta này nọ. Đến khi ông chồng Chán Mớ Đời nên ly dị. Bà ta lấy ông khác thì tình thế ngược lại. Ông chồng mới thì không làm gì hết, còn bà ta cứ chìu ông thần mới này. Cứ nấu ăn thì ông chồng chê nấu dỡ này nọ. Nói theo nhà Phật, cái Nghiệp của mình. Cuộc đời lạ lắm. Cho nên mình không nên đòi hỏi nhiều. Chồng nấu ăn dỡ thì cũng nhắm mắt mà ăn, nghĩ mình có Phước được trời ban cho 1 thằng chồng nông dân, còn chê bai thì sẽ gặp thằng khác, nó xem mình như con sen, bắt làm này nọ. Một lần đỗ vỡ nên cắn răng chịu đựng thay vì ly dị nữa. Sẽ mãi mãi là người tình cô đơn.


Người ta kêu có Phước mà không biết hưởng. Thật ra có Phước gặp thằng chồng chăm sóc nhưng nếu mình không tự tạo thêm Phước thì từ từ sẽ hết Phước. Điển hình, mình mua căn nhà mà chủ trước đã trồng cây ăn trái, xem là may mắn. Mình phải tự tạo thêm Phước, như bón phân, tưới nước, cắt tỉa nhánh khô này nọ thì mới có trái tiếp tục ra hàng năm mà ăn. Lấy chồng lấy vợ cũng vậy, phải tu luyện, tự tạo Phước cho nhau mới sống đời với nhau. Còn không thì adieu sois heureuse.

 

Ông Sexton đưa ra những điềm thường gặp trong các cuộc hôn nhân có vấn đề:

• Bỏ bê giao tiếp: Nhiều cặp đôi không thảo luận cởi mở về các vấn đề của họ, dẫn đến sự oán giận. Thảo luận thì hơi quá, theo mình chỉ có bà vợ nói thôi. Còn chồng thì không nên mở mồm, sẽ gây căng thẳng thêm. Kệ cứ im lặng như chết trong lòng một tí, chả chết thằng Tây nào cả. Nhiều khi bà vợ bị áp lực ở sở nên giận cá chém thớt, ông chồng nên câm mõm lại. Nếu ông chồng cũng bị Áp lực ở sở luôn thì đi đong cuộc tình vừa nóng hổi vừa nguội ngay. 

Mình nhớ có dạo đồng chí gái bị tiền mãn kinh, thêm áp lực trong hãng, cứ mỗi tam cá nguyệt là họ sa thải một đám. Về nhà nhiều đêm đồng chí gái tốc mền ra, kêu nóng quá rồi lại kêu lạnh quá. Rồi cứ ràm ràm nói chi đó, như nói chuyện với thằng sếp, hỏi sao ông bắt tui làm việc nhiều quá, mình chỉ nằm lặng yên nghe. Mong cho qua cơn sóng ngầm này. Vợ chồng thường ly dị vào thời kỳ này vì ông chồng không hiểu những gì người bạn đời đang trải qua. Mình có quen một ông, bà vợ bị tiền mãn kinh đến gần 10 năm tình cũ mới chấm dứt. Cứ gặp ông ta là nghe muốn ly dị. Nhờ Hồng ân của Chúa nên thoát nạn sau khi hát 10 năm mãn kinh tưởng tình đã cũ. 10 năm tắt kinh một lần bở ngỡ, quên đi quên đi chuyện tình trước kia…

• Coi thường nhau: Theo thời gian, cả hai ngừng trân trọng kẻ nội thù của mình và thay vào đó tập trung vào những khuyết điểm của họ. Tiêu cực hoá kẻ nội thù thay vì nhìn các hình ảnh tích cực như mới gặp nhau. Mình lúc nào cũng nhìn các điểm tích cực của mụ vợ còn đồng chí vợ thì tiêu cực hoá về mình. Nhưng mình biết mình là thằng chồng nông dân ưu tú.

• Kỳ vọng không thực tế: Các mối quan hệ trở nên tiêu cực khi 2 người mong đợi kẻ nội thù của mình "hoàn thiện" hoặc đáp ứng mọi nhu cầu tình cảm của họ. Cái này là mò trăng đáy biển. 

• Bỏ bê sự gần gũi: Sự gần gũi về thể xác và tình cảm thường suy giảm trong các mối quan hệ lâu dài, tạo ra khoảng cách. Nhớ khi xưa, hai vợ chồng đấu khẩu xong thì khi đi ngủ đè nhau, thả gà ra đá nên sau đó thoải mái con gà kê. Hết giận hờn. Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao, dù hàm răng không còn chiếc nào, dù thân thể còm rom như là con cóc, du cho bước đi vô cùng khó nhọc, nhưng vẫn thường hái hoa tặng nhau. 


Ông Sexton đưa ra những lời khuyên đơn giản để duy trì mối tình hữu nghị bền chặt:

• “Đừng để tất vớ trên sàn nhà”: Những hành động nhỏ thể hiện sự quan tâm, như tự dọn đồ, thể hiện sự tôn trọng và ngăn chặn những cuộc tranh cãi không cần thiết. Sau một thời gian dài rất dài, Đồng chí gái cải tạo mình được bỏ vụ dỡ nắp bồn cầu không đậy lại. Cũng phải mất mấy năm trời đấu tranh khói lửa, hận thù đong đầy mới tốt nghiệp khoá đậy nắp cầu tiêu. Cách tốt nhất là bắt chước Jack Nicolson, bị vợ La đi tè, ngồi xuống tè như phụ nữ, khỏi mất công nhắm tè không ra ngoài bồn cầu. Không biết bao nhiêu cặp đưa nhau ra toà ly dị về tội không đậy nắp cầu tiêu. Ai có thống kê cho mình biết.

• “Học cách đấu tranh công bằng”: Bất đồng quan điểm là điều không thể tránh khỏi, nhưng các cặp đôi cần tránh những lời lăng mạ. Có ông kia kể, mỗi lần bà vợ nổi khùng thì ông ta mở pháp thoại của ông thầy Pháp Hoà trên YouTube, bà vợ nghe đến giọng ông thầy là ngưng, sực nhớ là mình muốn tu khẩu nghiệp nên ngưng. Ông ta trợ duyên cho bà vợ tu khẩu nghiệp. Giúp đời ông ta bớt nghe vợ gia huấn tập.

• Thường xuyên cho người bạn đời thấy rằng họ được coi trọng thông qua những cử chỉ nhỏ và thời gian chất lượng. Như trường hợp ông Mỹ đi mua Granola bar cho bà vợ đến khi bà ta cứ nhận nhưng không đáp lễ lại nên ông chồng chán nghề làm ô-sin nhân dân ưu tú. 


Khi xưa, mình thấy mấy cặp già dẫn nhau đi phố, mình thấy họ lãng mạn nên hay nói họ quá lãng mạn về già, trong khi mình thì đẩy xe nôi của con gái, tay kia bồng thằng con, còn mụ vợ thì biến mất. Sau này về già mới hiểu là phải nắm tay mụ vợ khi đi vào các cửa hàng mua sắm, nếu không mụ chạy mất tiêu, lại mua lặt vặt, phải trả tiền. Đám trẻ ngày nay lại nhìn mình với hình ảnh lãng mạn khi mình nắm tay mụ vợ đi Shopping. Nay về hưu, an sinh xã hội, mỗi tháng không đủ chi tiêu, trả tiền nhà. Nên phải nắm tay mụ vợ thật chặt, nắm tay em thật lâu, hứa với anh không chạy đi Shopping, tiêu hết tháng lương tiền già.

• Giao tiếp về những điều khó khăn: Nói chuyện cởi mở về tiền bạc, tình dục và những nhu cầu chưa được đáp ứng trước khi chúng trở thành vấn đề lớn.

Sexton nhấn mạnh cách công nghệ đã thay đổi các mối quan hệ vợ chồng:
• Sự cám dỗ của phương tiện truyền thông xã hội: Các nền tảng như Instagram, Facebook có thể dẫn đến sự so sánh và ghen tuông hoặc thậm chí tạo điều kiện cho sự không chung thủy. Mình biết một tên cứ đi chụp hình cho bà vợ toả nắng, bỏ lên mạng rồi một ngày đẹp trời, có thằng khác thấy hình ảnh trên mạng, khen đủ trò rồi vớt luôn bà vợ.
• Quá tải công nghệ: Việc sử dụng điện thoại liên tục có thể khiến các cặp đôi mất tập trung khỏi sự kết nối thực sự, xây dựng mối tình hữu nghị bền lâu. Mình thức sớm để đọc sách hay viết bờ lốc, nhưng khi đồng chí gái dậy muộn là phải đứng dậy bonjour mon amour, ôm hôn hít cả mụ vợ chửi cả ngày, mê sách hơn mê vợ, đến khi mụ vợ cầm điện thoại rồi cầm đàn từng tưng tứng thì mụ không nhớ gì đến mình nữa cho đến sáng mai.
• Ranh giới kỹ thuật số: Ông khuyên nên đặt ra ranh giới rõ ràng cho việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và thời gian sử dụng điện thoại trong các mối quan hệ. Đi ngoài, ăn cơm tiệm hay đâu đó với vợ con, mình bỏ điện thoại trong xe hay cố gắng không mở điện thoại để có thì giờ nhìn vợ con lướt sóng. Ít ra sau này mình còn có kỷ niệm về những hình ảnh vợ con hiện diện trước mắt mình.
Lâu lâu hay đi với đồng chí gái đến nhà bạn, có màn hát karaoke, cứ thấy thiên hạ ôm cái điện thoại tìm bài hát, trong khi có người lên cầm micro hát, đâu ai nghe. Công nghệ đã khiến con người vũ trụ hoá cá nhân mình. Khi nghe thiên hạ hát xong thì vỗ tay cho có lệ nhưng ít ai thưởng thức các giọng hát đột xuất khi về già này.


Sexton chia sẻ những giai thoại đáng nhớ trong quá trình hành nghề luật sư của mình để minh họa cho quan điểm của mình. Ví dụ:

• Một khách hàng mô tả cuộc hôn nhân của họ tan vỡ do nhiều năm bỏ bê, tóm lại là do chồng họ từ chối thay bóng đèn bị cháy. Phụ nữ thì thường có tật muốn ông chồng làm liền, trong khi ông chồng bận việc gì, xem đá banh này nọ, đợi xong trận rồi làm, sẽ đưa đến mâu thuẫn và theo dòng thời gian, lửa hận thù càng ngày càng được châm thêm, sẽ làm kết thúc mối tình hữu nghị sông liền sông núi liền núi. Cho thấy chúng ta thương chúng ta nhiều hơn là người phối ngẫu. Nếu chúng ta đặt vào trường hợp của phụ nữ, chúng ta sẽ thấy họ phải mang giày cao gót, đi đứng khó khăn, té là lọi giò để giúp ông chồng sang trọng vì đi bên cạnh chân dài, phải bận váy ngắn, chật bó, thêm bó cái bụng bằng cái nịt cho eo thon, rồi đeo cái xú chiêng độn cao su tạo hấp dẫn bông đào, rồi bỏ cả tiếng đồng hồ để son phấn rồi chải tóc thì chúng ta sẽ thấy lý do tại sao người vợ luôn luôn khó chịu. Không thoải mái như chúng ta, ăn bận sao cũng được. 

• Một khách hàng khác nhấn mạnh sự gian dối về tài chính (như che giấu nợ nần) đã phá hủy lòng tin như thế nào. Phụ nữ đa số là tín đồ thời trang nên hay thích mua sắm nhưng sợ chồng biết la, làm trương mục riêng đến khi chồng khám phá ra thì mất niềm tin. Vụ này xẩy ra khá nhiều. Không phải ông Sexton nói mà mình đọc rất nhiều sách báo nói về vụ này. Như ông thợ thay cửa sổ cho mình, gọi điện thoại kêu bà vợ mở thẻ tín dụng, mua đồ gì đó mà nay nợ lên trên $20,000, phải làm sao. Mình phải cản ông ta, kêu giải thích này nọ mới yên chuyện gia đình.

Sexton khuyến khích độc giả tập trung vào hành vi của chính mình thay vì cố gắng thay đổi người Bạn đời. Ông lập luận rằng nhận thức về bản thân và trách nhiệm là điều cần thiết để mối quan hệ thành công. Vụ này thì mình nhất trí. Mình không bao giờ thay đổi mụ vợ, nên chịu khó tự thay đổi quan điểm theo thói quen của mụ vợ để được bình yên thay vì dậy sóng. Chiến tranh chả đem lại giàu có mà chỉ có tổn thương tình cảm. Nói như mụ vợ mình: “dù anh có đúng đi nữa, anh cũng phải xin lỗi tui”. Phụ nữ họ muốn đàn ông rộng lượng, không cân nhắc những tật xấu của họ mà họ có rất nhiều. xong om


Sexton đi sâu vào vấn đề ngoại tình, giải thích lý do tại sao điều đó xảy ra và cách các cặp đôi có thể phục hồi nếu họ chọn ở lại bên nhau. Theo thống kê thì 70% lý do mà ly dị là ngoại tình. Lời khuyên của ông bao gồm việc xây dựng lại lòng tin thông qua sự minh bạch và giải quyết những nguyên nhân chính của sự phản bội. Khi một người bạn đời không tin tưởng, cứ xét điện thoại, nhắn tin là mệt rồi. 

Sexton đưa ra góc nhìn tinh tế về ngoại tình:

• Tại sao mọi người lừa dối người bạn đời: Ngoại tình thường xuất phát từ nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, sự buồn chán hoặc tìm kiếm sự xác nhận bên ngoài mối tình hữu nghị. Nhiều khi người chồng hay vợ bận việc làm, công sở, bỏ bê người bạn đời, không chăm sóc. Họ cảm thấy thừa thải, trống vắng nên khi gặp ai khác phái ngoài đời, được họ an ủi này nọ thì bắt đầu so sánh. Đó làm mầm non cho sự sức mẻ, ly dị. Vấn đề là ly dị rồi lấy người mình tưởng họ hiểu mình thì khi lấy nhau về, lại quay về cảnh cũ. Lúc ban đầu, lưu luyến đã bay mất, chỉ còn lai cuộc sống thực tế của hai người thêm con anh con tui đầy đàn. Lại bỏ nhau.

• Có thể xây dựng lại lòng tin không? Sexton giải thích rằng việc phục hồi là có thể nhưng đòi hỏi sự trung thực hoàn toàn, cam kết thay đổi và thời gian.

• Phòng ngừa: Sexton khuyến khích các cặp đôi chủ động giải quyết các lĩnh vực không hài lòng và tránh những tình huống có thể nảy sinh cám dỗ (ví dụ: duy trì các mối quan hệ không phù hợp trực tuyến). Chít chát trên mạng với những người không quen nhất là ngày nay có nhiều tên hay ả, cứ nhắn tin kêu anh có khoẻ không, đi làm về chưa. Lại phải mất công xoá và chặn cho khoẻ đời. Chán Mớ Đời 


Mặc dù cuốn sách nói về việc cứu vãn các mối quan hệ, Sexton thừa nhận rằng một số cuộc hôn nhân không thể cứu vãn được. Ông khuyên độc giả nên nhận ra thời điểm kết thúc một mối quan hệ, đặc biệt là khi có sự lạm dụng, gian dối lặp đi lặp lại hoặc mất lòng tin không thể cứu vãn. Tương tự tấm gương bị đánh vỡ thì có dán lại thì vẫn không thể nào xem hình bóng như xưa.

Sexton kết thúc bằng những lời nhắc nhở để xây dựng một mối tình hữu nghị lâu dài:

• Hãy tử tế và hào phóng: Đối xử tử tế với vợ hay chồng của mình như cách đối xử với một người bạn thân. Người xưa hay nói “tương kín như Tân”.

• Ưu tiên cho vợ hay chồng mỗi ngày: Tình yêu không chỉ là một cảm giác; đó là một lựa chọn mỗi ngày.

• Vui vẻ cùng nhau: Sự hài hước và những trải nghiệm chung giúp mối quan hệ luôn mới mẻ. Đi chơi với nhau, hay xem xi-nê, làm gì chung với nhau như khi xưa mới quen nhau.

• Kiểm tra thường xuyên: Sexton gợi ý nên kiểm tra hàng tuần hoặc hàng tháng để thảo luận về những gì đang hiệu quả và những gì có thể cải thiện. Mình nhớ có đọc một cuốn sách, một ông Mỹ kể là mỗi ngày ông ta ghi trong cuốn Nhật ký, một điểm tích cực của bà vợ. Đúng 365 ngày sau, ông ta tặng bà vợ, giúp hàn gắn lại mối tình hữu nghị. Khi chúng ta cứ nhìn điểm tích cực của người bạn đời thì sẽ che hết các điểm xấu, giúp chúng ta hạnh phúc vì ai cũng có điểm xấu, nhưng nếu nhìn hướng tích cực sẽ giúp chúng ta vui vẻ thay vì vạch lá tìm sâu. Từ ngày đọc cuốn sách này, mình chỉ thấy các điểm ích cự ở mụ vợ nên bớt cãi nhau. Còn đồng chí gái thì bị thu hút bởi mấy vụ tiêu cực nên cứ la mình nên lâu lâu phải xẹt lửa.

Sexton lập luận rằng một cuộc hôn nhân lành mạnh bắt đầu từ trách nhiệm cá nhân:

• mình tự hỏi có phải là phiên bản tốt nhất của chính mình không? Thay vì chỉ tập trung vào những khuyết điểm của người phối ngẫu, hãy tự hỏi bản thân xem chúng ta có đang góp phần gây ra các vấn đề trong mối quan hệ của mình không. Chúng ta có khuynh hướng chỉ trích người khác còn chúng ta là kẻ tốt nhất trên đời.

• Phát triển bản thân: Rèn luyện sự trưởng thành về mặt cảm xúc, kỹ năng giao tiếp và khả năng thỏa hiệp của riêng mình. Cái này thì rất đúng. Mình phải đọc thêm sách về luyện tập kỹ năng, đọc sách về nói chuyện,…khi lấy vợ. Thêm ông anh vợ, ly dị vợ, nếm mùi đau thương nên tặng một cuốn sách cho mình đọc để tránh đi theo vết lăn trầm của anh ta.

• Hãy trung thực với chính mình: Sexton nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự nhận thức trong việc xác định liệu mối quan hệ có đang thất bại vì hành động của mình hay không. 

Có lần một anh chàng quen qua mạng, hỏi mình sao không thấy tự đánh bóng cá nhân. Ông kể mẹ ông không đi học, bố ông học tiểu học, ông bà ngoại mù chữ trong khi mọi người đều đánh bóng quá khứ của họ. Mình có nói với thằng con, nếu mình bựa thì có thể thiên hạ không biết nhưng chính mình biết. Mình có thể sống cả đời với hình ảnh bựa hay không? Mình phải trung thực với chính mình, biết mình đến từ đâu đến, hay đang ở vị trí nào để vương lên thay vì cứ sống trong ảo vọng như ăn đặc sản Quảng Trị.


Con cái nay cũng đang tính chuyện lập gia đình nên hỏi mình đủ thứ, nên tìm sách để đọc, nhất là để hiểu cách sống về già với đồng chí gái, hai là để giúp ý cho con cái tránh đổ vỡ sau này. Tỷ lệ ly dị tại Hoa Kỳ là 49%. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn