Vợ tôi là thiên thần

 Vợ tôi là thiên thần


Máy bay vừa đáp xuống phi trường Roissy, mình mở điện thoại để nhắn tin cho cô em thì Apple Pay hiện ra, cho biết đồng chí gái mới mua một cái đàn, giá khủng khiến mình chới với. Mình đi máy bay sang Tây khứ hồi có 200 đô mà đồng chí gái mua thêm cây đàn mới giá gấp mấy lần vé máy bay khiến mình thất kinh. Sau khi học đàn được 3 tháng thấy có tiến bộ, được lên lớp, đồng chí gái hồ hởi phấn khởi nghe lời ai mua thêm cây đàn chiến đấu, âm thanh khá hơn để đi biểu diễn trong nhóm. Kinh. Ngoài ra còn mua thêm cái Vali nhỏ để bỏ chân giá nhạc, bài vở và cái túi đàn, đeo sau lưng trông rất người mới học đàn.

Mình mới đi Tây về nên trái múi giờ, buồn ngủ. Đồng chí gái tổ chức họp mặt với mấy ông bà bạn học đàn chung. Mình chào hỏi chút xíu là mắt buông màu tím, trốn vào phòng ngủ, không được xem đồng chí vợ hát hò và đàn. Cứ đâu 7-8 giờ chiều là mắt mình lim dim nên đi ngủ thêm Hoa Kỳ đổi giờ mùa đông nữa, cứ lêu bêu ngủ không được nên người lèo xèo mất cả tuần mới ngủ ngáy lại bình thường.

Hôm trước, đồng chí gái kêu chở lên Burbank để tham dự buổi giao hữu thân hữu gốc Hội An. Cứ vài tuần thì dân Hội An, Phố Cổ hẹn nhau ở nhà ai đó ăn uống rồi sau đó có màn văn nghệ hát hò giúp mình làm quen với giọng Quảng. Đồng chí gái bắt mình đem đàn ra xe. Đến phiên cô nàng hát thì đánh đàn hát như gái Hội An, tuy trình độ vỡ lòng nhưng phải cảm phục mụ vợ, dám biểu diễn và hát.

Đồng chí gái tập đàn ở dưới nhà nhưng có lẻ buồn nên chạy lên lầu lấy cái đàn đầu tiên tập đánh đàn trong phòng ngủ. Nay thì mụ có mua nhạc cụ giúp lên dây đàn nên hết nghe từng tưng từng từng từng. Đang ngủ mà mình nghe cà xình cà xình bên tai rồi giọng Oanh vàng của mụ vợ réo lên trong đêm vắng :”Yêu tui hay Yêu đàn tình tàng tình tàng tính tính tình tang” khiến mình thức giấc nhưng cũng không dám phá cái không khí đầy ấp nhạc trữ tình thính phòng của mụ vợ. Mụ vợ hăng say hát như Mỹ Tâm trước hàng ngàn khán giả trong khi mình chỉ yêu cái giường ấm áp. Lâu lâu đồng chí gái đánh thức mình dậy hỏi nghe được không. Mình lớ ngớ nói quá được. Mụ lại hỏi thiệt không, mình nói quá thiệt. Rồi xoay qua ngủ tiếp. Tôi ru anh ngủ một tối mùa đông bằng cây đàn gui-ta.


Thật sự từ khi đồng chí gái về hưu, mình chỉ lo sợ mụ không có gì làm đâm ra lộn xộn. Nay có việc đi học đàn, đeo đuổi niềm đam mê của mụ là mình vui. Rồi họ chia nhóm ra để tập chung nên cũng giúp nhau vượt qua những ngày gian khó, trong buổi giao thời những ngày đầu học đàn, chớ học một mình cứ phải lên dây đàn hoài thì chán như con dán. Theo nghiên cứu thì về già, chúng ta nên hát hay chơi nhạc để giúp trí nhớ mình ít quên, giúp nuôi sống các neuron. Có xem một nghiên cứu, họ vào các viện dưỡng lão, nhiều người đang ngồi ngáp ruồi cả ngày, không lên tiếng nhưng khi họ mở nhạc rock N Roll hay Jazz thì mấy người già bổng nhiên đứng dậy, hát múa nhảy như thời còn trẻ. Họ khuyến khích để trí nhớ chậm lão hoá nên chơi nhạc hay nghe âm nhạc. Có lẻ vì vậy mà thiên hạ thích hát karaoke về những bài hát ngày xưa thân ái tôi trả lại cho anh. Anh làm tôi khổ cả một đời. 


Hôm qua, đánh dấu 6 tháng của cuộc trường chinh học đàn của mụ vợ nên mình phải đi dự để ủng hộ tinh thần phấn đấu tiến lên con đường đến đàn sĩ của vợ. Mụ hỏi đi không vì phải đóng tiền pizza. Sau buổi trình diễn là có màn bồi dưỡng “có thực mới vực được đàn”. Mình nghĩ không lên vườn một ngày không chết một con coyote nào cả nên đồng ý.

Sáng đi tập ra, có họp với hội Toastmaster xong thì tính đi thẳng đến chỗ biểu diễn thì nhận được tin nhắn là 2 giờ chiều thay vì 10 giờ sáng như lần trước. Thế là chạy về nhà, đợi vợ đi chung luôn.

Đến nơi, thấy mấy bà thì cũng khệ nệ, đeo đàn như đồng chí gái, tay thì kéo vali ấp chứa tâm hồn nhạc sĩ vào. Đồng chí gái kêu mình ra phụ một chị đem ghế, đồ đạt vào. Có nhóm nào đang sinh hoạt nên phải đợi họ xong mới vào phòng khánh tiết được, mình bò ra ngoài ngồi dang nắng. Đến giờ thì bò vào, mấy ông đang trang bị hệ thống âm thanh. Cũng tội già rồi nên mấy ông cẩn thận đeo nịt bụng to đùng để không bị trật xương sống. Thấy họ có chung đam mê nên hợp tác rất hăng say, treo bảng, trang hoàng đầy đủ tươm tất lắm. Có anh bạn bác sĩ về hưu, mê hát lắm, nay lại ôm đàn chạy vào học với mấy bà mấy ông trên 7 bó.

Kiếm cái ghế ngồi lướt mạng thì đồng chí gái ghé lại kêu chụp hình khiến mình thất kinh suýt bổ ngửa. Hôm nay mụ bận váy trắng rồi ở đâu mọc ra 2 cánh chim màu trắng khiến mình chới với. Tưởng mẹ Âu Cơ ở đâu lọt vô đây, hoàn hồn mình mới đưa iPhone lên chụp 1 pô. Kinh

Sợ mụ về nhà khơi khơi bắt chước tiền nhân đẻ ra một bọc 100 cái trứng là mình chỉ cho chúng ăn bơ trừ cơm như mình.

Cuối cùng thì chương trình bắt đầu. Sau phần giới thiệu thì học trò của tam cá nguyệt mới gia nhập được kêu lên sân khấu biểu diễn trước kiểu ca sĩ mầm non hát nền cho các ca sĩ có tiếng đang chạy show, chưa đến. Kỳ này chỉ có một bà duy nhất mới gia nhập hội lão đàn sĩ. 5 ông khoá trước không được vợ cho học lại. Bà này song tấu với bà thầy để khỏi run như kiểu lần trước đồng chí gái cầm đàn rào qua rào lại cho vui như khi xưa mình học đàn tranh với cô Minh Đức Hoài Trinh, mỗi lần đi biểu diễn, cô cho mình bận áo dài khăn đóng ngồi cuối cùng giả bộ rãi như Bá Nha ngày xưa bên sông đàn cho Tử Kỳ thẩm âm.

Sau khi vổ tay, thì nhóm của đồng chí gái được giới thiệu thì mình thất kinh. Mụ vợ từ đâu bận đồ trắng đeo cánh chim trắng bay vòng vòng như Tiểu long Nữ bay lên sân khấu. Chả hiểu mụ vợ mọc cánh khi nào, làm bà Âu cơ khiến mình lo sợ, buồn đời mụ đẻ cái bọc 100 cái trứng là phải đi cày lại chớ tiền già làm sao đủ nuôi. Nội trả tiền cho mụ vợ đi học đàn và mua áo quần trình diễn còn thiếu. Biết đâu, đẻ 100 con chim, hội bảo vệ súc vật và kẻ yêu súc vật sẽ Crowfunding, có tiền. Welfare cho $400/ đứa con thì một 100 đứa thà hồ mà lãnh foods stamps. Nội đi lãnh tả cho 100 đứa là phải mua chiếc xe U-Haul. Lúc đó mở kênh YouTube, quay cảnh 100 con Hàn ngày lai-chiêm là đủ sống.

Nhóm của đồng chí gái chưa có tên, chắc nên đặt tên nhóm 4 Bồ câu ra ràng. Hóa ra họ đánh đàn và hát bài “silent nights” mà tối nào mụ vợ cũng lãi nhãi bên tai mình. Đêm yên tĩnh, xin vặn âm thanh vừa đủ nghe mà mụ cứ réo bên tai mình khi đang ngủ. Cứ hát sai-lân-nài, rồi thử lại giọng cho đúng note sai sái xài xái lân nài nài, nái… Chán Mớ Đời  

Xong xuôi thì có màn vổ tay long trọng của phe ta để khuyến khích mầm non u70 như chào đón quan lớn. Sau đó đến ban “Tiếng Cua Đồng”, chắc hậu sinh của ban “Tiếng Tơ Đồng” ngày xưa, do mấy ông lên trình diễn rồi ban Mây Xám hay trắng chi đó, cuối cùng là ban mấy bà trên 7 bó, U80. Mình thấy có một chị chống gậy, tay kia dắt cái Vali, đựng đàn và đồ phụ tùng nhạc sĩ, thấy cảm động. Cho tới tuổi này mà vẫn cố gắng học đàn theo đam mê mà khi xưa, chắc lo cho chồng con không có thời gian học đàn. Hình như họ hát và chơi đàn một thánh ca, mình không rành về công giáo lắm. 


Sau đó đến phần trình diễn đơn ca và song ca. Mình hỏi một anh bạn, sao vợ anh qua Mỹ nay trở thành Mỹ Mễ, vì chị ta đi học tiếng Tây Ban Nha nên hát nhạc Mễ với giọng Huế khá đặc thù, với một chị khác hát tiếng Tây, xem như song ca Tây và Tây Ban Nha. Hình như bản Quizas, siempre que te pregunto, Que, cuando? Como? Y dónde…. Chị này hát chung với một chị khác phiên bản tiếng Tây nên hơi trật đường rầy. Bản nhạc này do nhạc sĩ gốc Cuba Osvaldo Farres sáng tác, nói đến một người hỏi một người bạn về tương lai,.. nhưng chỉ được trả lời quizas (có thể) trong khi phiên bản tiếng Tây do ông Jacques Larue biên soạn thì có ý nghĩa khác, trách móc một người tình, nói là yêu ông ta say đắm nhưng khi đi múa kép gặp tên nào là nhảy vào nhảy đam mê với hắn khiến ông ta ghen tương. Tương tự bản nhạc “L’amour c’est pour rien” được dịch ra “Tình cho không biếu không”, không đúng ý nghĩa như bản tiếng Tây. 


Có một cặp khác trình diễn và hát bài “it’s now or never “, được dịch từ bài hát nổi tiếng “O sole mio” của Ý Đại Lợi, đúng hơn là của vùng Napoli vì được viết bằng thổ ngữ vùng này. Sau này ông Elvis Presley dùng nhạc và chuyển ngữ anh ngữ “it’s now or never” khác ý nghĩa bản gốc, khiến cả thế giới biết đến. Cũng nhờ ông Prestley đóng quân ở Ý Đại Lợi, vùng Napoli nên nghe nhạc của xứ này và chuyển ngữ nhiều bài khiến nhạc vùng này được khắp thế giới biết đến. Bài thứ 2 khá nổi tiếng là “Guaglione” mà ca sĩ Dalida đã hát pháp ngữ với tựa “bambino”. Dạo mình sang Ý Đại Lợi, đi chơi ở mấy vùng này, được người dân địa phương chỉ cho hát cũng vui nhưng rất khó vì mình chỉ biết tiếng ý còn đây họ hát thổ ngữ của họ nên không hiểu hết lời. Nói cho ngay mình chỉ biết độ 10 bài của vùng này. Lý do là khi ghé đến vùng này, ngồi nghe bạn bè hát nhạc ý thì mình hứng lên hát bài Về đây khi mái tóc còn xanh xanh khiến tụi bạn ý ngạc nhiên hỏi mày biết bản nhạc này. Mình nói tao nghe ở Việt Nam. Họ giải thích là bản nhạc của vùng Napoli, thổ ngữ vùng này mang tự đề “Torna a Surriento” còn tiếng ý là Sorrento. Sau này ông ca sĩ Dean Martin có hát Back to Sorrento” do Claude Aveling chuyển ngữ giúp cả thế giới biết. Ông Phạm Duy chuyển ngữ qua tiếng Việt.


Vide 'o mare quant'è bello!
Spira tantu sentimento,
Comme tu a chi tiene mente,
Ca scetato 'o faje sunnà.


Có một ông chơi solo, hát một bài, kể 56 năm về trước, ông ta xuống phi trường Liên Khương với sinh viên sĩ quan trường chính tranh chính trị, tổ chức văn nghệ để uỷ lạo người dân vùng này thì có một cô bé ghé lại xin cho hát chung. Bài này khi xưa ở Đà Lạt mình có nghe một vài lần, nghe não ruột lắm. Ông ta muốn hát lại để nhớ về ký ức năm xưa trong chiến tranh. Rất cảm động.


Cuối cùng thì chụp hình cả nhóm. Mình kêu mấy bà, 1, 2, 3 hóp bụng vô. Xong xuôi được ăn một lát pizza rồi vác đàn, Vali của đồng chí gái ra xe, phụ chị đem ghế vào, nay đem ra xe lại. Cuối cùng về nhà, mụ vợ kêu đem đàn và Vali vào ông thầy hỏi mình sao không vào chụp hình, mình nói em vào sẽ làm tối tấm ảnh vì Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Xong om


Nguyễn Hoàng Sơn