Đời là bất thường



Hôm nay, nghe một bà Mỹ kể chuyện về một bà hàng xóm. Ông chồng mới chết nhưng không làm đám tang. Lý do là thân nhân, gia đình không bao giờ thăm viếng hay gọi điện thoại chào hỏi. Lễ lạc chi cũng không gặp nhau suốt bao nhiêu năm. Cho nên vợ chồng bà không muốn làm đám tang, để tránh phiền phức, mất thời gian quý báu của con cái và người thân. 

Bà hàng xóm lại cho biết khi ông chồng qua đời, bà ta cũng không thông báo cho gia đình, con cái biết. Bà ta hỏi nếu gia đình, con cái khám phá ra vụ này thì ăn nói làm sao. Bà góa trả lời là họ không thèm gọi, thăm viếng hay hỏi thăm khi ông ta còn sống, nên bà ta không muốn cho con cái cũng như thân nhân có dịp nói về ông ta khi ông chồng chết. Làm bộ thương tiếc, đạo Đức giả. Đến rồi đi âm thầm, nhiều khi lại khỏe.

Khi xưa, ông chồng hay gọi mời con cháu đến ăn cơm nhưng chúng viện cớ là bận nên không đến được. Nhiều khi cũng quên sinh nhật, kêu bận quá. Đỡ tốn tiền. Bà ta không cho biết con cháu ở gần hay ở xa.


Cuối cùng bà ta quyết định, bán căn nhà, dọn vào ở trong một căn hộ, không thông báo cho con cái cũng như họ hàng hay. Xem như cắt đứt luôn liên hệ với họ. Bà ta cho biết nên nhớ khi chúng ta không còn được con cái hay thân nhân quan tâm đến thì chúng ta cần phải lấy quyết định cho chính mình về cuộc sống tương lai. Tại sao phải ngóng đợi vô vọng khi chúng ta không còn quan trọng trong đời sống của họ. Nhiều khi sống chúng ta quên những gì hiện có. Không quan tâm đến như cha mẹ rồi một ngày nọ lại kêu đổi thiên thu để thấy nụ cười của mẹ. Lúc đó đã muộn để rồi ăn năn.


Câu chuyện trên phản ánh khá nhiều về xã hội ngày nay tại các nước tân tiến. Có thể khi biết được vụ này, chúng ta có thể đặt giả thuyết là có lẻ hai vợ chồng già không đối xử tốt với con cháu nên chúng không về thăm. Nhưng cũng có thể do ảnh hưởng giáo dục học đường ngày nay hay cuộc sống đã gây nên sự việc. Từ bao lâu nay, chúng ta phó thác cho nhà trường nuôi nấng, dạy dỗ con chúng ta nên sự gắn bó của con và bố mẹ không còn như các thế hệ trước. Học sinh có thể đến trường sớm để ăn điểm tâm, ăn cơm trưa. Khi hai vợ chồng đi làm nhiều khi không có thời gian dành cho con nên khi lớn lên chúng cũng quen, sống không cần có bố mẹ. Vui chơi với bạn bè là chính. Như người Việt hay nói bán anh em xa, mua láng giềng gần.


Khi viếng thăm Nam Hàn, mình có mời ông chủ nhà Airbnb đi ăn cơm. Ông ta dẫn đi mấy tiệm ăn dành cho người bản địa, không có du khách. Mình hỏi anh ta làm hướng dẫn viên, mình trả tiền. Anh ta rảnh nên nhất trí, và lấy xe chở tụi này đi khắp nơi. Anh chàng cho biết cô Bồ làm việc đến 11:00 giờ đêm mỗi tối nên cả tháng mới gặp nhau vài tiếng. Hèn chi Nam Hàn ít đẻ nhất thế giới. Thêm đám cưới rất đắt tiền, tốn $200,000. Bố anh ta ở tỉnh nên cũng ít khi về thăm vì bận công việc ở Hán Thành. Anh ta kể có nhiều người già chết trong đơn côi, có người chết cả tuần hàng xóm mới khám phá ra vì mùi hôi. Chết vào muà đông thì chắc chả ai ngữi mùi.

Hôm trước xem phim tài liệu về Hán Thành, họ mới xây cất một thành phố hành Chánh kiểu Brasilia của Ba Tây. Các bộ của chính phủ được dời ra đó và nhà cửa được mọc lên nhưng người dân Nam Hàn vẫn ở tại Hán Thành. Nhà cửa quá đắt nên không ai muốn lập gia đình, sinh con đẻ cái vì chật chội. Nhớ mướn AirBnB ở Hán Thành, căn hộ bé tí teo, có cái loft nhỏ để ở trong khi ở Hoa Kỳ thì rộng thênh thang. Người Nam Hàn nay phải trả giá cho sự thành công của họ về mặt kinh tế nhưng về mặt tình cảm, xã hội thì bị tha hoá, không biết đâu là bến bờ.


Thật ra, cuộc sống của chúng ta đang thay đổi một cách nhanh chóng nhờ công nghệ, khiến các văn hoá xưa dần dần biến mất. Nếu chúng ta không ý thức được để thay đổi cách suy nghĩ thì sẽ rơi vào hụt hẫng, đưa đến sự đau khổ khi về già. Đa số chúng ta từ văn hoá nhà nông bổng chốc được bứng đem qua các xứ Tây phương với một nền văn hoá xa lạ, chúng ta cần một thời gian để hoà nhịp với lối sống của họ và từ bỏ một số suy nghĩ cổ xưa từ Việt Nam. Nhất là chủ nghĩa thức tĩnh được giảng dạy và gây ảnh hưởng từ học đường, khiến thế hệ trẻ ngày nay, đặt lại vấn đề lịch sử, chỉ chú tâm đến mình.


Ở Anh quốc khi xưa, 1 nông dân có 4 người con, và ông ta có 10 công đất. Khi qua đời, ông ta qua đời, chia đều cho 4 người con thì mỗi người được 2.5 công đất. Mấy người con, tương tự cha truyền con nối, có 4 người con thì chia đều ra 4 người con thì có 2.5/4 công đất. Quá nhỏ để làm ruộng, để cả gia đình tự nuôi sóng. Do đó người xưa mới ra luật thừa hưởng là người trưởng nam, là người sẽ được lãnh tất cả tài sản bố mẹ để lại với điều kiện; người anh cả phải lo cho các em. Để các em tiếp tục đi cày trên đất của bố mẹ để lại và cứ tiếp tục truyền lại từ đời này sang đời khác. Khi người Anh quốc sang chiếm Bắc Mỹ thì họ cũng sử dụng luật này cho đến nay. Ngoại trừ đảo Puerto Rico là sử dụng luật của Napoleon.


Ngày nay, chúng ta không làm nông nữa, ai nấy đều ở thành phố, học hành, làm việc cho công nghệ. Đất đai không còn giá trị như xưa nên khi bố mẹ nông dân qua đời, họ bán cho mấy tập đoàn như Bill Gates. Ông này là người sở hữu nhiều đất đai trồng trọt nhất Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ lại hổ trợ cho nông dân, đúng hơn là các tập đoàn thực phẩm còn nông dân như mình chỉ ăn cám.

Ở thành phố, khi bố mẹ, qua đời đâu còn vụ để lại tài sản cho trưởng nam nên sự tranh chấp giữa anh em mới xẩy ra. Anh em từ nhau cũng vì chút tài sản nhỏ. Văn hóa gia đình, xã hội cũng theo đó mà bay về vùng trời lãng đãng. Nếu cha mẹ có tài sản thì con cháu sẽ thăm viếng nhiều, còn thì cho họ hát đời tôi cô đơn nên có con cũng như không.


Khi xưa, ở Đà Lạt, mỗi lần Tết gần đến thì có màn chạp mộ. Mấy người trong làng của ông bà ngoại mình, rủ nhau đi chạp một người thân. Sau đó về nhà chú Thành chạy xe Lam, ở đường Hai Bà Trưng, để ăn bún bò và chè kê bánh tráng. Là một dịp để mỗi năm, họ hàng, người trong làng gặp lại nhau, mấy đứa bé như mình từ từ nhận ra ai là người trong làng Dưỡng Mong, An Lưu, để khi ra đường, biết bà con mà chào, không đánh nhau với mấy đứa cùng tuổi.


Bên gia đình đồng chí gái rất đông họ hàng. Trước đây mỗi lần có kỵ giỗ là gặp nhau đông đủ nhưng rồi từ từ mấy người lớn qua đời, con cháu cũng không màng hay hiểu ý nghĩa văn hoá kỵ giỗ là thời điểm giúp gia quyến, gặp lại nhau, kết chặt thêm tình thân. Ngày nay, nhà ai làm nhà nấy không còn như trước nên cũng chả biết họ hàng sống chết ra sao. Hay kéo nhau lên chùa, trả tiền cho chùa làm cơm trai.

Không khí ở chùa dù có thầy trù trị làm lễ nhưng không thấy ấm cúng như ở nhà, khi thấy các bài vị của người quá cố, trên bàn thờ.


Hôm trước kỵ bà ngoại của mấy đứa con. Thường khi xưa, hay tổ chức tại nhà mình, gia đình mấy ông anh họ ghé lại nhưng nay có khá nhiều người qua đời, có người bận hay không lái xe được nữa nên hai vợ chồng và thằng con ra mộ thắp hương rồi mua xôi chè về nhà cúng. Mình làm để tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ vì mình biết cha mẹ mình đã hy sinh tất cả để đời mình được khá hơn. Nói như Hà Nội, hy sinh đời bố củng cố đời con. Hy vọng thằng con học được văn hoá cha ông, biết đâu sau này nó hiểu thì còn cúng mình. Từ từ, các phong tục của người Việt ở Hoa Kỳ sẽ được thế hệ tới quên hết, từ từ được Mỹ hoá. Tình thân máu mủ chắc cũng sẽ lạnh nhạt nhất là gia đình thường chỉ có hai hay 1 đứa con. Thậm chí giới trẻ không lập gia đình, nuôi chó mèo cho khoẻ đời cô lựu. Chó mèo chết chúng khó chôn còn bố mẹ. Chuyện này tính sau.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét