Lịch sử ông già Noel

 Sự thật ông già Noel 


Hồi nhỏ cứ giáng sinh về là trong lớp háo hức vì được làm thủ công để trang hoàng cây Noel, được dạy hát bài Mon beau sapin, roi des forêts, nghe ông Tây bà đầm kể chuyện bên Tây sau khi học tổ tiên chúng ta là người Gaulois (nos ancêtres sont des Gaulois). Nào là tuyết rơi, con nít bên Tây làm mấy bonhomme de neige khiến mình mơ đi Tây để xem tuyết rơi. Đến khi sang Tây thì mấy câu chuyện về ông già Noel, xem như bình thường vì không có gia đình, đến khi mình sang Thuỵ Sĩ làm việc thì thiên hạ kêu Santa Klaus thay vì Père Noel nên hơi lạ, thắc mắc. Mình lại là người lương nên chả hiểu gì về thiên chúa giáo nên đã ngu lại ngu bền vững. Đến khi sang Hoa Kỳ mới thấy ông già Noel lần đầu tiên.

Người ta cho rằng Santa Claus, là thánh Nicolas đâu khoảng 270-343 AD. Ông ta là đức giám mục sinh tại thành Myra, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, nổi tiếng về những phép lạ và giúp kẻ nghèo khó. Hoàng đế Theodosius II xây một ngôi nhà thờ mang tên ông ta. Thật ra trong lịch sử Thiên Chúa Giáo, bị đế chế la mã áp bức đến khi hoàng đế Constantin (306-337) lên ngôi, trở về đạo mới đưa thiên chúa giáo vào đế chế La Mã và hết bị áp bức. Nên mình hơi nghi ngờ vụ này nếu xét về ngày tháng năm sinh. Lịch sử cổ đại quá xưa nên họ thêm bớt cho có mùi vị nhưng là cái mốc cho chúng ta hiểu về sự thành hình biểu tượng ông già Noel.


Chuyện xưa kể rằng ông ta cứu 3 người đàn bà bị bắt vào nhà thổ vì nhà nghèo, không có của hồi môn, ông cha kêu nuôi tốn cơm nên định bán vào nhà thổ. Ngày nay, tuy lệnh cấm nhưng ở các xứ phi châu cũng như Ấn Độ có vụ của hồi môn, nghèo thì hết cơ lấy chồng. Ông thánh này thảy 3 bịch vàng vào cửa sổ nhà họ để ông bố có tiền hồi môn để gả chồng hay có lần bị thất mùa, dân tình đói quá nên có tên bán thịt tính làm thịt 3 đứa bé để bán cho thiên hạ ăn. Ông giám mục Nicolas tìm thấy 3 đứa bé trong thùng, cứu chúng sống lại và người ta gọi ông ta là thánh Nicolas. Mà theo thiên chúa giáo, mỗi ông hay bà thánh thì được đặt tên cho một ngày trong năm và thường là được nhớ đến bằng một bữa tiệc ăn uống no nê. Thấy cứ kể chuyện 3 người như thiên chúa giáo hay nói về Trinity. 

Ai viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, nên ghé lại nhà thờ này xem. Mình có ghé lại đây. Nhà thờ mà hoàng đế đã xây dựng mang tên thánh Nicolas

Dạo mình ở Pháp quốc thì mỗi năm đều nghỉ học nhiều ngày vì cứ lễ thánh bà này đến thánh ông kia. Sang Ý Đại Lợi làm việc cũng tương tự, thánh đâu mà nhiều, nhất là vào tháng 5, hết lễ này đến thánh kia. Riêng thánh Nicolas là được tưởng nhớ vào ngày 6 tháng 12 mỗi năm, có khi lại ngày 5 tháng 12.

Từ ông thánh sang ông kẹ rồi đến thần chiến tranh và tử thần rồi đến thần CoCa cola

Đó là những dấu vết khởi đầu của sự tích Ông già Noel, qua một giám mục tặng quà cho con chiên. Nhưng chính sự Cơ đốc hóa của châu Âu ngoại giáo và sự hợp nhất của các nền văn hóa tôn giáo đã giúp tạo ra hình tượng ông già Noel mà chúng ta biết ngày nay.


Trong chủ nghĩa ngoại giáo của người Đức có một lễ hội giữa mùa đông gọi là Yuletide bao gồm việc uống rượu, ăn uống và những đêm ma ám. Yuletide cũng gắn liền với cuộc săn lùng hoang dã của Odin, một chuyến đi qua bầu trời đêm của những bóng ma, và các sinh vật khác do thần Odin (thần chiến tranh và chết của ngoại giáo đức) của người Bắc Âu dẫn đầu.

Hình vẽ về Huyền thoại của thánh Nicolas, cho vàng 3 cô gái để có của hồi môn để đi lấy chồng nếu không thì được bán vào nhà thổ

Có lẻ huyền thoại về việc ông già Noel lái xe được mấy con tuần Lộc kéo bay trên trời đến từ đây. Một hình tượng khác ngoại giáo cũng gây ảnh hưởng đến ông già Noel là Krampus, còn được nhắc đến từ các xứ nói tiếng đức. Khi mình ở Thuỵ sĩ vùng đức ngữ mới nghe đồng nghiệp nói đến Odin, thần chiến tranh và tử thần. Ông ta phạt các đứa bé ngỗ nghịch, kiểu khi xưa ở Việt Nam, người lớn hay doạ con nít là ông Kẹ sẽ bắt mày này nọ nếu không ngoan vào ngày 5 tháng 12, và ngày hôm sau thì các đứa bé ngoan ngoãn sẽ được thường. Đó là một trong những tục lệ ngoại giáo, từ từ được gom hợp lại về biểu tượng ông già Noel.

Tranh vẽ ông thánh Nicolas cứu 3 đứa bé trong thùng tonneau, sắp được ông bán thịt làm mắm

đó là một phần của quá trình thay thế Lễ hội mùa đông bằng Lễ Giáng sinh, của cơ đốc giáo nhưng vẫn giữ và điều chỉnh những cách thức ngoại giáo cũ. Ví dụ, lò sưởi đóng vai trò quan trọng trong việc thờ cúng của người ngoại giáo. Ban đêm, nhà cửa đều đóng nên ông già Noel đột nhập vào bằng lò sưởi. Đồng thời, trong một phiên bản của câu chuyện về việc Nicholas trao vàng cho những người phụ nữ trẻ, ông đã làm như vậy qua ống khói. Điều này có thể giải thích tại sao Ông già Noel chui xuống ống khói để tặng quà. Ở Hoà Lan, Thánh Nicholas trở thành Sinterklaas, người mặc áo choàng đỏ của giám mục và cưỡi ngựa trắng qua các mái nhà, không hoàn toàn khác với Odin và chú ngựa Sleipnir của ông. Mình có kể về lý do các giám mục bận đồ màu đỏ rồi. Ai buồn đời thì đọc bài màu tím của đồng chí gái.

Thánh Nicolas ở Hoà Lan, được dân gian cho bay trên trời

 Ngày Thánh Nicholas vào ngày 5 tháng 12 bao gồm các lễ hội và tặng quà, đặc biệt là cho trẻ em. Ở nhiều quốc gia theo thiên chúa giáo, ngày 5 hoặc 6 tháng 12 là ngày lễ ban đầu của Thánh Nicholas, vẫn là thời điểm tặng quà.


Vậy tại sao nó lại chuyển sang ngày 25 tháng 12 ở các quốc gia khác, ngày chính thức Chúa Jesus ra đời và không liên quan gì đến Thánh Nicholas? Chính là cuộc Cải cách và sự trỗi dậy của đạo Tin lành. Từ thế kỷ 16, các lễ hội liên quan đến thánh Nicholas được chuyển qua ngày 25 tháng 12 mỗi năm. Lý do là ông Martin Luther, người thành lập nhà thờ Tin Lành, Cơ Đốc Giáo không đồng ý về sự tôn thờ các thánh, và muốn nhấn mạnh sự ra đời của chúa Giê-su, tương tự tại Anh quốc, ông vua Henry VIII, cải tổ nhà thờ, cũng dời ngày tôn vinh thánh Nicholas vào ngày 25 tháng 12. 

Linh mục Martin Luther, người sáng lập ra giáo phái Tin Lành, đã chuyển ngày thánh Nicolas qua ngày 25 tháng 12

Và ở Anh, nhân vật ngoại giáo ngụ ngôn "Ông già Noel" (Father Christmas) đã hợp nhất với Thánh Nicholas. Một phần quan trọng khác của câu chuyện này là nền văn hóa tiệc tùng và vui chơi phổ biến thời Trung cổ. Vào thời Trung cổ, những ngày lễ, dù là lễ tôn vinh các vị thánh hay bất kỳ lễ nào khác là những dịp quan trọng, nơi mọi người ăn những món ăn đặc biệt và uống rượu rất nhiều. Hãy xem, trong nhiều thế kỷ, Giáng sinh đã trở thành một lễ kỷ niệm gây tranh cãi, mất đi tính thiêng liêng về mặt tâm linh.


Mối liên hệ chặt chẽ của nó với truyền thống ngoại giáo và những lễ kỷ niệm xa hoa, phóng túng liên quan đến tình trạng say xỉn hàng loạt đã khiến nó bị cấm ở nhiều quốc gia vào nhiều thời điểm khác nhau. Nếu ai có dịp viếng thăm Munich vào tháng 9 hàng năm khi họ tổ chức lễ hội Oktoberfest, sẽ hình dung ra sao các lễ hội ngày xưa tại Âu châu. Tuy gọi là lễ tháng 10 nhưng họ tổ chức vào tháng 9. Sau Nội chiến Anh vào thế kỷ 17, chế độ mới dưới thời Oliver Cromwell đã cấm Giáng sinh vì những lý do đó.


Nhưng sau khi chế độ quân chủ được phục hồi, lễ Giáng sinh đã được khôi phục và hình ảnh Ông già Noel thậm chí còn gắn liền hơn với lễ hội. Phiên bản đặc biệt này của hình ảnh này được biết đến nhiều nhất trong tác phẩm A Christmas Carol của Charles Dickens, được viết trong thời kỳ phục hưng lễ Giáng sinh của thời đại Victoria, với hình ảnh một ông già vui vẻ và bụng to.

Thời xưa, lễ thánh Nicolas là để ăn chơi.

Nhưng cuối cùng, ông già Noel hiện đại đã quay trở lại châu Âu từ Hoa Kỳ. Bởi vì ở Mỹ vào thế kỷ 17 và 18, hình ảnh Giáng sinh của những người nhập cư Hoà Lan. Sinterklaas, được Anh ngữ hóa thành Santa Claus và hình ảnh của những người nhập cư từ nước Anh, Ông già Noel vui vẻ, được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 hợp nhất để tạo nên Ông già Noel mà chúng ta biết ngày nay. Tóm lại, các truyền thống ngoại giáo và Cơ đốc giáo khác biệt của châu Âu đã được hợp nhất tại Mỹ thành một hình ảnh duy nhất. Tương tự món ăn Pizza xuất phát từ Ý Đại Lợi hay Hamburger từ Đức quốc, được di dân nghèo đem theo qua Hoa Kỳ, rồi quay về Âu châu và được phổ biến rộng như ngày nay.


Những điều mới mẻ cũng được hình thành. Những người giúp việc của Ông già Noel, xuất phát từ văn hóa dân gian Scandinavia, đã trở thành một phần trong thần thoại của ông ở Hoa Kỳ vào những năm 1850. Chính bài thơ "A Visit from St. Nicholas" của Clement Clarke Moore năm 1823 đã giúp thiết lập hình ảnh của Ông già Noel và nhiều truyền thống Giáng sinh ở Bắc Mỹ. Ai buồn đời thì đọc bài thơ này theo đường dẫn https://www.poetryfoundation.org/poems/43171/a-visit-from-st-nicholas


Ví dụ, việc uống rượu xa hoa thời Trung cổ đã được thay thế bằng một lễ kỷ niệm gia đình, tập trung vào trẻ em hơn. Và sự xuất hiện của ông Sant Claus đã được củng cố thêm bởi các hình minh họa hoạt hình vào cuối thế kỷ 19 của Thomas Nast.


Ông đã mô tả Ông già Noel với màu đỏ của áo choàng giám mục của Thánh Nicholas và bụng của Ông già Noel vui vẻ, một bản thảo văn hóa. Vì vậy, Ông già Noel là một nhân vật được định hình lại qua nhiều thế kỷ từ vô số truyền thống khác nhau. Từ việc tặng quà của một giám mục Cơ đốc giáo cổ đại đến các cuộc săn lùng thần thánh trong thần thoại ngoại giáo, và từ các yêu tinh Scandinavia đến các ẩn dụ về lễ hội Trung cổ, tất cả đều được chắt lọc tại Hoa Kỳ, một hợp chủng quốc thành một truyền thống, biểu tượng cho thế kỷ 21, khiến khắp nơi trên thế giới, ăn mừng dù nhà thờ đã vắng rất nhiều con chiên. Xem như một dịp để ăn chơi, mất đi tinh thần tôn giáo. Tháng 10 vừa qua, mình có viếng nhà thờ chính gốc của dòng Don Bosco, chỉ thấy độ 14 người dự thánh lễ, toàn là người già.

Ngày nay, hình ảnh ông già Noel được công ty CoCa cola biểu tượng hoá qua một lần quảng cáo vào năm 1931. Họ đã nhờ công ty quảng cáo D’Arcy Advertising Agency, và họ tạo nên một ông già hiền từ, với bộ râu trắng và tóc trắng, kêu hô hô hô và từ dạo đó thiên hạ mua bộ đồ ông già Noel, với cái bụng phệ, mang giầy ủng đen, vác ba-lô đầy quà lêu bêu trong các khu mua sắm để con nít đến chụp hình rồi quăng mất. Khi xưa, con còn nhỏ mình cũng làm ba trò này nhưng sau này thì làm tại nhà cho con và cháu khi tụ họp ngày 25 để phát quà. 


Ngày nay thì giáng sinh được thương mại hoá khắp nơi, các nước cộng sản cũng ăn mừng giáng sinh nhưng lại cấm nhà thờ trong khi Âu châu thì nhà thờ phải bán đất đai hay cho thuê vì thiếu con chiên, không đủ tiền để trả chi phí. Các truyền thống của ông Martin Luther muốn con chiên hướng về Chúa hơn, nay đã trở lại như các lễ khi xưa là để ăn uống no say theo các tục lệ ngoại giáo. Chán Mớ Đời 

Mỗi năm gia đình mình đều xem lại cuốn phim này để giúp phấn đấu cho năm tới, vợ chồng con cái vượt qua chông gai để tạo dựng hạnh phúc cho nhau dù có cãi nhau chí choé.


Từ trên 30 năm nay, mỗi năm đến ngày 25 tháng 12, đồng chí gái, đều tổ chức tại nhà tụi này, cho mấy đứa cháu, rồi mấy đứa con, trở thành truyền thống của gia đình. Sau này cháu và con lớn lên, ở xa nhưng chúng đều về ngày này, thậm chí có Bồ bịch cũng vác về để ăn mừng ngày Chúa ra đời, để cứu rỗi nhân loại. Chúng hay so sánh gia đình bên người tình và gia đình họ hàng chúng. Trước đó là phải chạy đi mua quà về gói cho mỗi đứa, thấy mệt luôn. Rồi sau đó tàn tiệc lại phải đi dọn vì chúng xé giấy gói quà rồi bỏ đi. Bù lại thì các cháu xum họp, thân thích với nhau, tạo dựng một tình anh em, họ hàng gắn bó với nhau. Mấy đứa cháu đều đem Bồ đến và mấy đứa này thấy sự ấm cúng của đại gia đình nên cũng gật đầu lên xe hoa Xong om

Có một bài viết về ông già Noel thời cộng sản, xin chép lại cho các bác đọc.


Viết trên Upperclip, nhà báo Chris Jenkins nhắc lại điều này và có giễu nhại lại, trong một bài viết ngắn dưới đây.
-----------------------
"Đảng Cộng sản đã từng công bố rằng Ông già Noel là linh vật mang tinh thần của họ, trích dẫn khả năng kỳ lạ của ông rất gần trong việc thể hiện các nguyên tắc cốt lõi của họ. Các quan chức của Đảng cảm hứng từ tinh thần hào phóng của Ông già Noel, sự coi thường quyền sở hữu tư nhân, bộ râu rậm rạp mà khiến Karl Marx phải ghen tị, và thực tế là, ông chỉ làm việc trong thế giới kỳ ảo của giấc mơ trẻ em.
Người phát ngôn của Đảng Cộng sản, Ivana Utopia, đã từng tuyên bố một cách hào hứng rằng, “Ông già Noel là hình mẫu của một xã hội không giai cấp! Ông không tính tiền cho những món đồ chơi mà ông phát đi, và ông hoạt động trên cơ sở ''Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Thật sự là một xã hội cộng sản ở Bắc Cực!”
Tuy nhiên, những người tỉnh táo thì có thể nhận ra rằng cho rằng đây chỉ là một nỗ lực khác, để lãng mạn hóa một hệ thống kinh tế vốn đã vật lộn để có thể sống còn trong thực tế. "Chắc chắn, xưởng của ông già Noel có vẻ giống như một thiên đường xã hội chủ nghĩa, nhưng họ đã cân nhắc tình hình hậu cần chưa? Tuần lộc cảm thấy thế nào khi phải kéo vật nặng miễn phí mà không màng đến miếng ăn?" một nhà bình luận hoài nghi đặt câu hỏi.
Nỗ lực đổi thương hiệu từ phe tự do sang Cộng sản, bao gồm các áp phích có hình ông già Noel cầm búa liềm thay vì túi quà thường thấy ở các nước cộng sản có truyền thống Thiên Chúa giáo. Nhưng ai cũng phải làm ngơ là phía dưới nhưng tấm poster đẹp đẽ đó, luôn có những dòng chữ chú thích "Lập danh sách, kiểm tra chéo đối tượng nhận quà hai lần, tương lai sẽ luôn tốt đẹp!"
Bản thân ông già Noel, khi được hỏi về sự thay đổi đột ngột của huyền sử, chỉ cười khúc khích và nói, "Ho, ho, ho! Nếu điều đó khiến mọi người tin vào phép màu của một lễ Giáng sinh cộng sản, thì tại sao không? Sau cùng, chính suy nghĩ chan hòa mới là điều quan trọng."
Khi Đảng Cộng sản thời Liên bang Xô Viết đón chào mùa lễ với đồng chí Noel mặc vest đỏ, má hồng, chỉ có thời gian mới trả lời được liệu xưởng của ông già Noel có thể giải quyết được những thách thức kiểm tra hành chính của kế hoạch hóa tập trung hay không. Sau cùng, quản lý một nhà máy sản xuất đồ chơi với những chú lùn là một chuyện, nhưng tự tổ chức sản xuất không có sự giám sát của cơ quan kinh tế nhà nước thì sao? Điều đó ắt có thể đòi hỏi nhiều hơn một chút phép thuật Giáng sinh.
--------------------
Bạn có thấy bài luận trên vẫn dài dòng và cũng phải cần một số kiến thức cơ bản về quản lý tư liệu sản xuất mới có thể hiểu được hết, đúng không? Vậy bạn có thể đọc qua dưới đây, cũng là một câu chuyện hài hước, đơn giản hơn về chuyện ông già Noel là người Cộng sản, phiên bản Trung Quốc, thâm sâu hơn nhiều.
--------------------
"Sao mẹ lại nói ông già Noel là người cộng sản Trung Quốc?"
"Quái, chẳng lẽ con không thể nhận ra rằng tất cả những món đồ chơi mà con ước ao có miễn phí trong đêm Giáng sinh, đều có chữ Made in China hay sao?"
Thằng bé ngẩn ngơ, và người cha bèn vỗ vai nói thêm.
"Con không nhận ra dấu hiệu là ông già Noel luôn mặc một bộ đồ màu đỏ hay sao?"

"Nhưng nếu đó là cộng sản thì phải có thêm búa liềm hay ngôi sao chẳng hạn", thằng bé hỏi lại.
"Con có thấy băng nhóm nào dự định đi đánh nhau mà lại phô trương vũ khí trước không?", người cha hỏi lại.


Xin chúc các bác cùng thân quyến một mùa giáng sinh vui vẻ và an bình.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét