Gặp lại người Đà Lạt
Đi Nam Cực và Nam Mỹ về, có chị bạn gọi điện thoại, nói vợ thầy Hàn đang ở đây. Mình nói chị ta lấy hẹn với cô vì 50 năm rồi, mình không gặp lại cô. Chỉ nhớ khi xưa, cô được xem là đẹp nhất trong mấy cô giáo tại Đà Lạt. Mình có một người em học với cô tại trung tâm giáo dục Hùng Vương một thời.
Chị bạn kêu cô ta đi chơi rồi, tuần sau mới về. Mình nghĩ có duyên thì gặp còn không, thì không biết ngày nào vì mình hôm nay mình bay về Việt Nam, leo động Sơn Đòng. Lần đầu tiên mình du lịch sang Hoa Kỳ, có ghé vùng Virginia chơi, thăm gia đình thầy Chử Bá Anh. Nhất Anh cho mình số điện thoại của thầy Hàn để gọi hỏi thăm nhưng không thấy thầy mời đến nhà chơi. Lý do thầy không nhớ mình vì chỉ học có một năm anh văn, sinh ngữ phụ. Trong cuộc đời, có người mình gặp rồi không bao giờ gặp lại, có người còn nợ với nhau thì gặp thường.
Cô Xuân Lan và ca sĩ Ngân HàNhư chị bạn, dạo mình ở Pháp, thì liên lạc được với thầy Chử Bá Anh, rồi được tin tức chị bạn học chung khi xưa, giờ sinh ngữ. Chị ta học ban A nhưng sinh ngữ chính là pháp văn nên học chung nên biết nhau. Sang Hoa Kỳ thì chị ta lấy chồng, dọn qua Texas, không ai biết địa chỉ. Đến khi nhà cửa Texas te tua thì gia đình chị bạn dọn sang Cali thì mới gặp lại. Ngày nay thì xu hướng đi ngược lại, dân Cali bỏ xứ chạy qua Texas.
Sau này, mình dọn về Cali, mới liên lạc lại được và cô nàng đại diện nhà trai, đi hỏi vợ cho mình, rồi biến mất. Một hôm đi ăn cưới, cháu của người bạn học chung khi xưa. Nghe họ giới thiệu ca sĩ Ngân Hà, mình hỏi đồng chí gái, sao bà ca sĩ này trông thấy quen quen. Mụ vợ kêu bạn anh chứ ai. Mình không có khiếu nhớ phụ nữ. Như tuần rồi, gặp lại cô bạn, giúp mình trang hoàng sân khấu hôm mình lên xe bông về phục vụ đồng chí gái, cũng á khẩu, trả nhớ về không. Chán Mớ Đời
Hôm kia, chị bạn gọi lại, hẹn hôm qua, trưa đi ăn với cô Xuân Lan. Mừng quá, vì trễ một ngày là xem như không gặp lại người Đà Lạt xưa.
Mình đem bơ và quýt lại cho chị bạn. Chị ta kêu ối giời ơi, tôi đậu xe xa, làm sao khiêng nổi. Chị ta kể khi xưa, giờ thầy Hàn thì không bao giờ nghỉ học cả, dù đau ốm. Thế là thêm một cô học trò mê thầy khi xưa. Thầy cao ráo, đẹp trai nên có nhiều nữ sinh mê lắm. Nghe kể có cô học trò tên Thu, đến tận nhà để thăm thầy. Kinh
Cuối cùng cô được con gái đưa đến. Câu đầu tiên cô hỏi: “sơn đen đây à, đâu có đen”. Mình hỏi cô sao biết sơn đen. Cô nói qua nhóm Việt Phạm, học trò của thầy ở trường Trần Hưng Đạo. Cô hỏi mình học chung với Phạm Trọng Việt, mình nói không, bạn với em anh Việt. Cô cho biết là con gái gửi cho cô bài mình viết về mấy tấm ảnh chụp mấy ông Mỹ với thầy cô ở Bùi Thị Xuân và Trần Hưng Đạo.
Không ngờ những cái thắc mắc của mình về mấy tấm ảnh đó, phải đi kiếm tác giả để hỏi, mới hiểu ra là chụp khi họ tặng học bổng cho các học sinh xuất sắc của hai trường. Mình chỉ muốn giải toả những thắc mắc của mình, không ngờ lại giúp thiên hạ nhớ lại thầy, chồng, bố của họ khi xưa.
Đi Việt Nam về chắc mình sẽ viết nhiều về Đà Lạt vì mới nhận thêm tài liệu của Đà Lạt xưa. Để được rồi sẽ ghi lại.
Thầy Hàn và thầy Viêm khi xưa ở Đà Lạt
Mình phục cô vẫn vui vẻ, dù thầy đã qua đời từ năm 2017. Cô kể đi chơi đâu với đâu, xem ca nhạc, thích ca sĩ nào lại hợp với chị bạn về ca nhạc. Mình chỉ ngồi như vịt nghe sấm. Cô kể về gặp thầy khi xưa, ra sao, thầy đi du học về thì làm đám cưới, dọn lên Đà Lạt từ năm 1965 đến khi mất nước…. Mình quên hỏi cô là khi xưa, có một ông cũng họ Hoàng Trọng Cang, làm lớn ở Đà Lạt, có phải anh của thầy Hàn. Chuyện nổ như bắp rang Đà Lạt thủa nào nên quên.Thầy cô có tất cả 4 người con, rất thành công. 2 người ở miền đông và 2 người ở miền Tây Hoa Kỳ nên mỗi năm, cứ mùa đông về, cô bay qua Cali nắng ấm tình người, thăm con cháu, trốn cái lạnh miền đông Bắc.
Thầy cô bỏ hết tiền bạc để xây căn biệt thự gần viện đại học Đà Lạt, rồi 75 đến, chạy về Sàigòn rồi di tản qua Mỹ. Mất hết nhưng bù lại thì con cái được sang Hoa Kỳ, học hành đến nơi đến chốn. Xem như bù đắp.
Cuối cùng mình phải chào tạm biệt cô và chị bạn vì phải chuẩn bị, xếp vali đi Việt Nam sáng nay.
Để xem, khi mình về lại Cali, nếu cô còn ở đây thì sẽ tổ chức một buổi họp mặt đồng hương Đà Lạt cho cô.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn