Sinh viên Trung Cộng dùng AI để lừa AI


Hôm qua ra ngân hàng, trong khi đứng đợi đến phiên mình, mình ghé lại máy làm cà phê và trà. Lấy cái ly nhựa, rồi nhấn nút theo loại cà phê mình muốn thì cà phê tự động làm một tách cà phê tuỳ theo những gì mình chỉ định. Đó là tự động.


Biết đâu một ngày nào đó, khi mình đến ngân hàng, thì máy cà phê tự động pha một ly cà phê cho mình theo gu của mình ưa thích mà trí tuệ nhân tạo đã biết trước. Lúc đó chúng ta bắt đầu sống cuộc sống được trí tuệ nhân tạo hoá. Máy móc đều có tất cả các dữ liệu về chúng ta, sở thích này nọ đều được ghi nhận trong máy móc cũng như nhà cầm quyền đều lưu giữ hết. Cuộc sống lúc đó ra sao? Có chán chường hay không vì chúng ta không có sự thay đổi hay khám phá mới lạ. Thí dụ một người uống cà phê lần đầu thích loại Expresso, thế là máy móc cứ tự động pha expresso mỗi khi họ đến gần máy cà phê.


Mình thử sử dụng các ứng dựng trí tuệ nhân tạo để xem sao. Thấy họ làm video một ông thợ mộc người Mỹ, hát kêu gọi vợ con đã bỏ ông ta đi, rất giống khiến mình tò mò cũng làm theo. Trí tuệ nhân tạo làm bài thơ ca tụng 35 khói lửa, nội chiến từng ngày với kẻ nội thù rồi mình hỏi làm bài hát dựa trên bài thơ thì lại được chuyển đến một ứng dụng khác. Làm bài hát nghe cũng nức nở lắm nhưng mình keo kiệt nên không trả tiền nên chỉ cho mình nghe nữa bài hát, gửi cho vợ. Mấy đứa con kêu hay quá cỡ.

https://www.mureka.ai/song-detail/74636129796098

Không hiểu sao mình cảm thấy sao sao đâu á. Như đã ăn cắp hay lừa dối như khi xưa đi học copy bài tập của bạn trong lớp này nọ. Như có lần làm bài tập cho một đề tài, ông thầy chia ra từng nhóm rồi mình chả làm gì cả, mấy tên kia giỏi làm hết bài tập, mình được điểm cao. Xong om. Tuy mừng được điểm cao nhưng có gì đó khiến mình cảm thấy ốt dột, không tự hào lắm.


Ngày nay đi học, sinh viên hay học sinh có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm bài tập, viết văn cho mình. Nếu vậy chúng ta có cần đến trường đóng học phí hay học sinh hay sinh viên có thể mang nhiều mặc cảm vì như gian lận. Đưa đến vấn nạn lương tâm cắn rức vì nhờ trí tuệ nhân tạo làm dùm. Đạo đức lương tâm sẽ lên án chúng ta. Chúng ta sẽ khắc khoải về sự thành công, sáng tác của chúng ta. Chúng ta sẽ tìm mọi cách để biện minh cho sự việc. Người đời có thể không biết nhưng chính chúng ta sẽ biết là không đúng và sẽ đeo đuổi suốt cuộc đời.



Các khoa học gia đang tìm cách giải thích, xem trí tuệ nhân tạo do con người thành lập sẽ đưa chúng ta đi đến đâu trong tương lai. Trí tuệ nhân tạo như đứa con tinh thần. Chúng ta biết lúc còn bé, con chúng ta rất dễ thương nhưng khi chúng đến tuổi dậy thì thì sẽ tạo ra nhiều phiền toái cho chúng ta. Do đó trí tuệ nhân tạo trong tương lai, chúng ta chưa biết được kết cục ra sao.


Hôm trước, đọc một bài báo kể về việc sinh viên ở Trung Cộng đang lấn cấn vì sử dụng trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu cũng như làm bài tập và khi ra trường thì đại học thông báo sẽ scan bài tập của họ từ 4 năm qua để xem họ tự làm bài tập hay sử dụgn trí tuệ nhân tạo khiến sinh viên chới với. Sẽ tóm lược sau đây.


Một tuần trước thời hạn nộp luận án, Xiaolin, cô sinh viên năm cuối chuyên ngành văn chương Đức, đã nhận được thông báo: Trường đại học của cô sẽ yêu cầu tất cả sinh viên năm thứ tư đều phải qua cuộc thử nghiệm ra xét nội dung trí tuệ nhân tạo. Bất kỳ luận án nào được đánh dấu là có hơn 30% nội dung do AI tạo ra sẽ bị từ chối và không được tốt nghiệp. Thế là ngọng.

Xiaolin không lo lắng vì cô đã tự viết bài luận dài 16 trang, chỉ sử dụng ChatGPT và DeepSeek để chỉnh sửa một vài đoạn văn. Nhưng để an toàn, cô đã trả 70 nhân dân tệ (10 đô la) để chạy nó qua một trong ứng dụng kiểm tra mà trường cho biết sẽ sử dụng. Cô đã rất sốc khi nó đánh dấu một nửa bài luận của cô là do AI tạo ra. Chán Mớ Đời 

Cô sinh viên than là vô lý, cô ta có cảm tưởng như một người vô tội được đưa lên chỗ treo cổ.


Trên khắp Trung Quốc, hàng chục nghìn sinh viên như Xiaobing đang bị đàn áp học thuật, lại gây ra sự gia tăng trong việc sử dụng AI: Nhiều sinh viên đang chuyển sang các công cụ AI để đánh lừa các bài kiểm tra nhằm phát hiện nội dung do AI tạo ra. Sợ trí tuệ nhân tạo phát hiện nên họ phải dùng trí tuệ nhân toạ để đánh lừa. Chán Mớ Đời 


Hơn một chục trường đại học bao gồm Đại học Phúc Châu, Đại học Tứ Xuyên và Đại học Giang Tô được xếp hạng cao, gần đây đã giới hạn nội dung do AI tạo ra trong các bài luận cuối kỳ ở mức từ 15% đến 40%. Luận văn tốt nghiệp là bắt buộc và nếu không vượt qua được các bài kiểm tra có thể dẫn đến việc bị đuổi học hoặc tốt nghiệp trễ. Mình không biết Trung Cộng nổi tiếng làm hàng nhái, đồ giả, bằng giả này nọ. Họ bất chấp đạo đức miễn sao là đạt được mong muốn của mình. Không biết có phải lý do đó mà nhà trường bắt đầu khám xét việc thi cử ra trường ngày nọ.


Các trường đại học lập luận rằng áp dụng các quy tắc này để ngăn chặn hành vi gian lận trong học thuật, thì sinh viên lại cho rằng các nền tảng này có lỗi và không đáng tin cậy. Ai đúng ai sai. Nhiều sinh viên chỉ sử dụng AI một cách hạn chế hoặc không sử dụng AI đã báo cáo rằng họ trượt các bài kiểm tra. Trên mạng xã hội, sinh viên đã chia sẻ sự thất vọng về việc "làm cho bài viết của mình trở nên đơn giản hơn" để tránh bị nghi ngờ, biến tác phẩm mà họ tự hào thành những câu văn vụng về, trẻ con. Khi các bản chỉnh sửa thủ công không hiệu quả, nhiều người dùng đến các công cụ hỗ trợ AI được thiết kế để viết lại văn bản và đánh lừa các hệ thống phát hiện.


Các trường đại học chủ yếu dựa vào các công cụ do Cơ sở hạ tầng tri thức quốc gia Trung Quốc (CNKI), Wanfang Data và Chongqing VIP phát triển. Các công ty công nghệ học thuật từ lâu đã bán các công cụ phát hiện đạo văn. Nhưng một số nền tảng tương tự, bao gồm Chongqing VIP và PaperPass, cũng cung cấp dịch vụ giảm thiểu AI để giúp sinh viên vượt qua các cuộc kiểm tra, tạo ra một vòng lặp lợi nhuận.


Nhớ khi xưa, làm luận án ra trường, mình viết xong phải nhờ cô bạn, Catherine, học trường Cao Đẳng Thương Mại sửa lại. Cô này cứ sửa tiếng Tây của mình khi nói còn viết thì sửa mệt thở luôn. Năm ngoái về pháp, gặp lại, cô nàng vẫn quen tính, sửa tiếng Tây khi mình nói chuyện như xưa. Vui. Tương tự khi mình gặp lại anh bạn người Hoà Lan. Quen khi xưa, làm việc tại Thuỵ Sĩ. Anh ta muốn học cách nói tiếng pháp trong khi mình muốn thực tập nói tiếng đức nên ra luật. Anh ta nói tiếng pháp với mình trong khi mình trả lời tiếng đức. Ngày nay gặp lại nhau hay viết cho nhau đều quen thói. Nhớ có lần mình và anh ta đi xe lửa từ Paris về Lausanne, trong xe lửa anh ta nói tiếng pháp trong khi mình trả lời tiếng đức nên Tây đầm xuốgn quanh chả hiểu gì cả, hai tên ngoại quốc nói tiếng khác nhau lại hiểu nhau. Chán Mớ Đời 


Sinh viên từ tám trường đại học cho rằng họ bối rối trước các chính sách "đột ngột" và cảm thấy bị áp lực phải trả tiền cho các dịch vụ AI để tốt nghiệp. Một số chuyển sang các nền tảng quảng cáo "viết lại hoàn toàn bằng con người" của sinh viên sau đại học, tốn hàng trăm nhân dân tệ (gần 100 đô la). Những người khác dựa vào các chatbot AI rẻ hơn để sửa đổi từ vựng và cú pháp. Họ nói rằng kết quả là hỗn hợp: Một số dịch vụ giúp họ vượt qua quá trình phát hiện, trong khi những dịch vụ khác lại gây ra lỗi lớn. Thay vì khuyến khích sinh viên viết hay như Lâm Ngữ Đường, đây họ khuyến khích sinh viên viết như Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen , chả đầu chả đuôi khiến nhiều người chê bai đủ thứ. Viết như nông dân, bình dân học vụ. Họ quên một điều mình là nông dân 100%. Chán Mớ Đời 


một sinh viên đại học đến từ tỉnh Phúc Kiến, đã trả khoảng 500 nhân dân tệ (70 đô la) cho một gia sư hứa sẽ chỉnh sửa thủ công. Trong khi điểm AI của cô giảm, nội dung trở nên không mạch lạc. Các thuật ngữ chính bị hiểu sai và các cụm từ bị hoán đổi bằng các từ đồng nghĩa không phù hợp.

"Rõ ràng là cô ấy đã sử dụng một công cụ AI để chỉnh sửa tác phẩm của tôi thay vì tự mình viết lại", Dede chỉ ra một lỗi: Một tham chiếu đến "ba con dao", một vật trang trí tóc truyền thống của phụ nữ Phúc Kiến, đã được đổi thành "ba lưỡi dao" - một chuỗi ký tự vô nghĩa.


Một sinh viên khác cho biết một dịch vụ hỗ trợ AI đã thay đổi từ "bán dẫn" (semiconductor) trong bài viết của cô thành "0,5 conductor", một lỗi vô nghĩa mà cô thấy buồn cười. Kiểu Võ Chí Công kêu Một Răn, Một rắc (Iran, Iraq). Có thể là gú gồ dịch.


Xiaobing đã thử mọi cách để vượt qua mà không cần sự trợ giúp của AI: chỉnh sửa lại các lập luận của bài luận, viết lại câu, hoán đổi từ. Nhưng điểm nội dung AI của cô vẫn ở mức trên 50%. Cuối cùng, cô đã phát hiện ra một mẹo, đột suất tư duy: thay dấu chấm bằng dấu phẩy. Các câu trở nên lan man, nhưng điểm của cô đã giảm hơn 20%.

"Cảm giác như bạn bị phạt vì viết quá hay", cô nói. Cô tốt nghiệp vào giữa tháng 6 với luận án mà trường của cô cho là 2% do AI tạo ra.


Việc sử dụng các công cụ phát hiện AI không đáng tin cậy đã gây ra cuộc tranh luận ở Hoa Kỳ và các nơi khác. Nhưng Trung Quốc nổi bật vì các trường đại học lớn đã áp dụng chúng nhanh chóng như thế nào, mặc dù sự nhiệt tình với AI đang gia tăng rộng rãi.


Một số giáo sư lo ngại rằng cuộc đàn áp này dạy cho sinh viên những bài học sai lầm. “Vấn đề lớn hơn là những công cụ này khiến sinh viên cảm thấy việc sử dụng AI là điều đáng xấu hổ”, một giáo sư truyền thông, yêu cầu giấu tên để tránh hậu quả về mặt chuyên môn. “Giống như cách chúng ta luôn tránh giáo dục giới tính. Khi không thể thảo luận một cách trung thực về một vấn đề nào đó, thì không thể xử lý đúng cách”. 


Một số trường đại học đang kêu gọi có lập trường ôn hòa hơn. Vào tháng 5, Đại học Nam Kinh đã ban hành thông báo thừa nhận giới hạn của máy dò AI và kêu gọi các nhà giáo dục không nên chỉ dựa vào kết quả. 

Yanzi, một chuyên gia kinh doanh, ban đầu lo sợ máy dò AI sẽ đánh cắp công trình của mình. Nhưng sau khi các bạn cùng lớp phàn nàn về kết quả dương tính giả, cô đã kiểm tra luận văn do mình tự viết thông qua CNKI. Nó đánh dấu hơn 30% là do AI tạo ra. 


Cô đã thử viết lại từng dòng một, nhưng vẫn thất bại. Khi thời hạn còn bốn ngày nữa, cô đã đầu hàng và chi 16 nhân dân tệ (2 đô la) cho một công cụ khởi nghiệp AI hứa sẽ sửa đổi văn bản để vượt qua quá trình phát hiện của AI. 


“Thật đáng sợ,” ám chỉ đến rủi ro không tốt nghiệp. Trước khi có chính sách mới, cô ấy chưa từng nghe nói rằng việc sử dụng AI trong bài tập ở trường là điều không được phép. Cô ấy nói rằng học sinh thường xuyên sử dụng AI một cách công khai. “Một số giáo viên thậm chí còn khuyến khích chúng tôi sử dụng AI để nghiên cứu,” cô ấy nói.


Dù không muốn đi nữa, con người rất lười nên khi đi học, chắc học sinh cũng như sinh viên sẽ làm bài tập ở nhà với trí tuệ nhân tạo nhưng khi đi thi, không có máy điện toán, internet thì chỉ biết cắn bút ngáp ngáp như mình khi xưa. Chán Mớ Đời 

https://flip.it/MpWBvS

Lúc đầu mình hồ hỡi mò mò học AI nhưng rồi thấy  phải Trả thêm tiền cho các ứng dụng khác nên lười học thêm. Để xem sang năm có thể các ứng dụng phát triển hơn mò tiếp để cho đầu óc về già bớt ngu, không trả nhớ về không sớm. 

https://www.cnet.com/deals/early-fourth-of-july-under-25-2025-07-02/


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét