Showing posts with label Thiên hạ. Show all posts
Showing posts with label Thiên hạ. Show all posts

30 năm tình cũ


Hôm qua, đồng chí gái tổ chức họp mặt bỏ túi ở nhà trong khi người Mỹ đi chơi xa, nhân ngày lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Có 1 cặp mới gặp lần đầu. Anh chồng có thời sinh sống 20 năm tại Pháp. Hỏi ra thì cũng vì mối tình hữu nghị sông liền sông núi liền núi như mình. Nhưng mối tình Đại Tây Dương cũng anh ta kết thúc đẹp hơn trường hợp mình. Không biết ông Trần Quảng Nam, có làm bài 30 năm tình cũ hay không vì vợ chồng anh này phải xa cách nhau đến 30 năm mới trùng phùng, chấp nghĩa tào khang với nhau.


Ngồi nói chuyện về cô gái Huế thì thiên hạ lại nhắc đến câu ca dao: “học trò trong Quảng ra thi, gặp cô gái Huế, chân đi không rời”. Cả đám lại cãi nhau kêu không phải “học trò xứ Quảng thi, cô gái Huế chân đi không rời”mới đúng.  Thấy khác nhau vì động từ “vô” khác với động từ “ra”. Người ta nói vô Nam, ra BẮc. Người ta hay nói gái Huế mê trai Quảng Bình. Nếu học trò xứ Quảng vô thi là nói đến trai xứ Quảng Bình, phía Bắc của Huế còn nói ra thi là có ý ám chỉ trai Quảng Nam, nằm phía Nam của Huế. Gái Huế thường không cảm thấy được tình cảm các anh xứ Quảng Nam.


Hồi mình gặp đồng chí gái thì nói giọng Đà Lạt, khiến cô nàng Chán Mớ Đời. Giọng Đà Lạt pha rất nhiều giọng Quảng. Kêu mình bày đặt kêu dân Đà Lạt, trai quảng thì nói đại cho rồi.


Có lẻ người ta hay nói trai xứ Quảng Nam vì bài thơ của ông nào gốc Quảng Nam, sau này đi tập kết tên Xuân Tâm. Dùng từ “trong”

Học trò trong Quảng ra thi 

Thấy cô gái Huế chân đi không đành


Tương tự câu “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Thừa Thiên ních hết” để nói lên các dân vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, cãi co nhau thì phải đi kiện, mà đi kiện thời xưa phải ra Huế, triều đình nơi cửa quan. Đến đây thì phải chạy chọt các quan trên thì dân cò ở Huế, ních hết tiền. Chớ không phải tính tình dân xứ Quảng Nam thích cãi nhau hay dân Quảng Ngãi thích co nhau. Chán Mớ Đời 


Anh cho biết khi xưa, từ Nhà Trang vào học đại học Sàigòn, có phát hiện một em gái Sài Thành nhưng gia đình cấm cản, không cho anh ta đăng ký quản lý đời em. Vâng lệnh song thân anh ta lấy người khác. Rồi 30/4 đến, cũng te tua như mọi người. Cuối cùng anh ta xuống tàu vượt biển đến được bến bờ tự do và được Pháp nhận làm con nuôi.


Một ngày mùa Xuân nghe bạn bè đại học cũ kêu có trang nhà của cựu sinh viên Sàigòn, vào đó xem ai còn ai mất. Buồn đời, sau những giờ lao động, anh ta bò vào mạng để xem sao. Anh ta mò đến trang tìm bạn cũ thì có ai đó đăng tìm trẻ lạc: “tìm anh Cu To, trước kia ở Ngã BA Ông Tạ, nhà bán thịt chó”. Đọc tin tức này khiến anh ta hết hồn. Ai mà biết đến tên Cu D. To, tên cúng cơm của anh là Tô Định Cự. Ở tây họ lại viết tên trước và họ sau, lại không có dấu. Sang Tây, anh ta phải lấy tên Tây là Alain To như Alain Delon vì sợ mấy bà nghe tên cúng cơm lại phải hỏi có thiệt không, muốn trải nghiệm là chết đời giai. Tương tự có anh kia tên Lê Chiến, sang tây, họ không bỏ dấu đọc thành “Le Chien” thế là trong hãng cứ gọi anh ta con cẩu. Chán Mớ Đời 


Mò mò ra thì hoá ra cô gái sầu mộng ngày xưa ở đại học Sàigòn mà bố mẹ không cho cưới, vì cô ta không ăn được thịt chó. Cô ta không dám vô nhà anh ta để chào bố mẹ vì sợ thấy thịt chó treo đầy nha. Hỏi ra, cô nàng cũng phòng không chiếu quạnh như anh ta thế là mối tình hữu nghị bị đứt đoạn sau 30 năm, được ông tơ bà INtenet se lại, tiếp tục con đường tình ta đi của hai người yêu nhau, từng thề thốt đi hết quãng đường đời còn lại. Đúng là tình cũ không rủ cũng lại. Happy ending như phim Hồ Ly Vọng.


Anh ta kể lại những ngày yêu nhau, họ đưa nhau vào Sở Thú, mang theo lọ sơn Bạch Tuyết và cái cọ. Vẽ tên của họ lên hang đá ngày nào và thề mối tình chúng ta đời đời bền vững, sông có thể cạn, núi có thể mòn chỉ khi nào hãng sơn BẠch Tuyết bị sụp tiệm. Không ngờ 30/4 đến thì tiệm sơn này sụp tiệm, đổi thành Ba Son. 


Có người kể năm 1954, có nhiều chuyện tình quái đản. Một cặp yêu nhau ở Hà Nội, anh bồ kêu đi xuống miền Nam, tìm chỗ ở xong xuôi sẽ viết thư cho cô bồ theo đoàn di cư xuống miền Nam. Đi giữa chừng anh ta sợ thằng bạn tới dê cô bồ nên bò lại Hà Nội. Cô này lại nghe bố mẹ về quê thế là hai người mất liên lạc từ đó. Sau 30/4, cô bồ nghĩ anh bồ sẽ trở lại Hà Nội nên về Hà Nội, liên lạc với gia đình anh ta thì khám phá ra anh ta ở Hà Nội từ 1954 đến giờ. Không lấy vợ, cô ta cũng không lấy chồng ở quê. Đêm nằm cả hai nghe đài Việt Nam Cộng Hoà để xem có tin tức người yêu một thời đã yêu.


Có chị bạn kêu nhà em là phân nữa là Việt Cộng , phân nữa là Quốc gia. Em có ông chú, có vợ hai con. Ông chú tập kết ra Bắc, bà thím đem 2 con theo ra Hà Nội. Ông chú kêu, thôi về trong Nam đi. Hà Nội đói quá. Chỉ có 2 năm là tổng tuyển cử. Anh sẽ về. Bà thím về Sàigòn, được hai năm không thấy tổng tuyển cử. Thân gái dậm trường, lấy chồng khác. Ông chú suốt 20 năm không lấy vợ, sau 75 về Sàigòn thì khám phá ra bà vợ đã sang ngang. Thế là buồn đời, ông ta được tổ chức giới thiệu một cán bộ nằm vùng, có công với cách mạng. Mới làm đám cưới xong thì 1 tháng sau ông chồng bà thím lăn đùng ra chết. Bà thím chỉ biết hát sao anh vội lấy vợ, con bướm vàng bay theo anh. Chán Mớ Đời 


Một ông chú khác làm an ninh quân đội ở vùng II, bổng nhiên bị đổi ra Phú Quốc năm 1974. Ông chú Chán Mớ Đời vì cứ ngửi mùi nước mắm. 30/4 đến thì lên tàu đến Phi Luật Tân, sang Mỹ. Cho thấy anh em sinh cùng cha mẹ nhưng may mắn, hay không là nhờ vào cái đức của mình tự tạo.


Một anh bạn khác nghe kể thì kêu bạn bè tôi, cũng có nhiều trường hợp này lắm. Khi xưa đi học, có mấy cô cao sang, lá Ngọc cành vàng, con nhà cán bộ cao cấp, có công với cách mạng với không tới, nay về già thì chưa hỏi đã xáp lại ngay. Hóa ra mình mới biết được thêm chi tiết này. Về già các mối tình thầm kín khi xưa được bộc lộ và phải dang hai tay rộng nối vòng tay lớn để ôm vòng 2 của em gái ngày xưa. Em béo hơn ngày xưa. Bác nào có mấy chuyện này, kể cho em nghe nhé.


Cuối cùng anh ta phán một câu đó là số mệnh khiến thiên hạ lại phải bàn tán xôm tụ về thuyết này. Người thì kêu khi không giải thích được những gì xẩy ra thì chúng ta cứ gán cho là số mệnh. Tôi không tin số mệnh mà tin tử vi thế là mình lại ngọng. Họ bàn tán đủ trò mà nếu kể lại đây thì tốn thì giờ của các bác. Có người nhắn tin cho em; bảo phải uống mấy ly nước khi đọc bài của em nên em phải giảm chú thích, sợ họ bị đi tiểu đêm nhiều.


Viết tới đây, mình lại nhớ đến câu chuyện đã kể lâu rồi, nay kể lại cho hợp tình trạng về đây mái tóc người xưa.


Có anh bạn du học tại Ý Đại Lợi rồi không hiểu sao, sau 75 lại chạy lên xứ Đức đi học tiếp ở Dortmund. Ra trường, lấy vợ có con rồi khi con lớn, buồn đời ăn sauerkraut chán quá nên vợ chồng ly dị. Trong một lần họp lớp thì gặp lại đôi mắt người xưa, nay ở Cali. Thế là xáp lá cà lại. Lấy nhau xong, anh ta dọn qua Cali, hai vợ chồng mua nhà ở khu trên 55 tuổi mới được vào ở Seal Beach. Lâu lâu có bạn bè từ Ý Đại Lợi sang thì hú nhau gặp lại ăn spaghetti để nhớ một thời ta đã quen, nằm gai nếm mật ở Ý Đại Lợi.

Có cặp chị bạn với anh chồng Ý Đại Lợi hay song ca nhạc Việt. Hai vợ chồng này vui lắm. Về hưu hai vợ chồng đi học hát tiếng Việt. Anh chồng và chị vợ song ca bản “Cây Đàn Bỏ Quên” rất nhuyễn. Chỉ tội là người Việt mình ngồi nói chuyện là xổ tiếng Việt. Thường thì mình nói chuyện với anh ta nhưng hôm qua ít người nên cả đám ngồi chung bàn. Lâu lâu anh ta kêu chuyển ngữ. Bà vợ kêu khi đi Ý Đại Lợi, về thăm gia đình chồng thì chị ta cũng ngồi ngáp ruồi, nghe tiếng ý như anh ta gặp người Việt mình. Chán Mớ Đời 


Mấy người bạn thi nhau đưa các số mệnh con người mà họ đã nghe kể. Anh bạn bên tây di cư sang, kể là bà mẹ sinh một lượt 5 cô con gái. Buồn đời đi xem bói thì ông thầy kêu bà mà sinh con trai ra thì sẽ chết. Kể lại cho ông chồng, ông chồng đập bàn kêu vớ vẩn, đem mấy thằng này ra bắn bỏ. Ông chồng khi xưa làm cho mật thám tây, gọi Deuxième Bureau. Thế là cũng phải thả gà ra đá với gà chọi của chồng để sản xuất thằng cu tí. Gặp giờ linh, năm sau bà mẹ sinh ra anh ta trên đường vào Nam trên tàu Há Mồm. Đúng như ông thầy bói tiên đoán, 19 tháng sau bà mẹ anh ta chết. Từ đó, lớn lên anh ta nghiên cứu Tử Vi để tìm hiểu 117 sao, lý do họ có thể tiên đoán bà cụ anh ta chết vì sinh con trai. Chắc không có ai nhắc là muốn sống phải bán vía con trai ở các am, cho cô hay cậu. Bà cụ bán mình cho am Mệ Cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ, ấp Hà Đông khi xưa.


Một chị nhảy vào kêu đúng đúng rồi. Số mệnh, có người kêu không tin. Chị ta phải dẫn chứng về ông cụ của chị. Ông cụ trước 75, làm về hướng đạo Việt Nam. Trên nguyên tắc sẽ được đi Tân Gia Ba làm việc, đem theo gia đình 6 người con. Nhưng rồi không nghe gì cả từ bộ quốc phòng. Đi xem bói, ông thầy bói kêu là không đi được. Ông bố cãi kêu là sắp được đi Tân Gia Ba làm việc. 1974 Mỹ bỏ Việt Nam, hỏi ông ta muốn đi Hoa Kỳ không, ông ta kêu không, Mỹ hỏi lãnh hưu trí sau này hay muốn trả một lúc bây giờ. Ông bố kêu cho tao một lúc để mua căn nhà ở Sàigòn cho vợ con ở.


Việt Cộng vô là đi tù 15 năm. Nhà mua do tiền Mỹ trả thì Việt Cộng chiếm. Ra tù tìm cách vượt biển nhưng không thành hết vốn luôn. Cuối cùng được đi H.O. Sang Hoa Kỳ thì ông bạn gặp lại kể. Có hai người được đề cử sang TânGia BA làm việc, ông bố và ông bạn. Ông bố có 6 người con trong khi ông bạn có hai người con nên họ chọn ông bạn vì trả lệ phí, nuôi ăn 2 người rẻ hơn. Mấy người làm chung không lấy tiền hưu 1 lần khi Mỹ về nước, nay ở Hoa Kỳ hay Việt Nam, được lãnh thoải mái đến khi chết thôi. Chị ta kêu cái số, ông bố số không có nhà cửa, số đi tù như ông cụ mình. 30/4 có hạm trưởng quen, kêu xuống tàu nhưng ông cụ không chịu, ở lại bị đi tù 15 năm. Mình nói bà tay của bố chị không có ligne de mer.

Thần đồng, từ lớp 3 nhảy lên học đại học, đỗ tiến sĩ. Nghe nói trên 20,000 thần đồng tại Việt Nam.


Sau khi đưa ra vài trường hợp để chứng minh là tử vi và số mệnh là có thật. Một chị bạn kêu tử vi kêu tôi có Tam Hoá Liên Châu khiến mọi người thất kinh. Có một Hoá là đủ sung sướng đây chị ta có đến 3 Hoá.

Người ta gọi Tứ Hoá là Hoá Khoa, Hoá Quyền, Hoá Lộc và Hoá Kỵ. Gọi Tam Hoá thì thường là Hoá Khoa, Hoá Quyền, Hoá Lộc. Còn Tam Hoá Liên Châu, là do cách an sao, Khoa, Quyền và Lộc nằm ở cung liền nhau. Cái lợi của Tam Hoá Liên Châu, là khi mạng vương được một sao trong Tam Hoá, thì được hưởng cả 3 Hoá. Công nhận chị này rất giỏi, làm lớn tại một công ty Hoa Kỳ danh tiếng. Đồng chí gái phục chị này lắm. Tháng 9 này đi chơi với vợ chồng chị ta ở mấy cái xứ đánh vần không ra.


Mình thì không có Hoá nào cả trong bộ Hoá, chỉ có nhận “Hoá Đơn” hàng tháng phải trả nợ. Chán Mớ Đời 


Nói chuyện tử vi mệt nên bà con ra hát karaoke rồi về. Mình thu dọn chiến trường, rữa chén bát cho xong đời vì cung mệnh của mình có Hoá liên nhà bếp, làm đầy tớ nhân dân. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 



Nước mắt nhà giàu


Hôm qua, có mấy người bạn rủ đi ăn cơm tiệm Việt, có chương trình hát cho nhau nghe. Lâu quá mình không ra Bolsa, luôn tiện đem mấy bình mật ong giao cho mấy người bạn. Có người đặt thêm 4 bình, để làm quà cho bạn bè. Họ dùng năm ngoái thấy ngon nên đặt thêm biếu người quen.


Hóa ra là nhà hàng khi xưa của hai vợ chồng người bạn. Họ may mắn bán được trước khi covid xẩy ra. Trước đó, chị bạn sáng đi làm, chạy xe lên Los Angeles. Chiều về lại chui đầu vào bếp phụ chồng, trang hoàng bàn tiệc sinh nhật... Bán xong anh chồng, buồn không biết làm gì, tính mua tiệm khác thì chị ta kêu, phải ký giấy ly dị trước khi mở tiệm ăn khác. Ghét ai, cứ xúi họ làm nhà hàng. May mắn thì có khách đông, có tiền, không có thì giờ dành cho gia đình, còn xui thì mất tất cả. Chán Mớ Đời bông. 


 Món ăn rất ngon. Mình đoán chủ di dân từ Việt Nam theo diện làm chủ tiệm ăn. Tối trong tuần nhưng cũng có đến gần nữa tiệm nên hát được vài bài. Đến cuối tuần xem như đợi đến phiên, hát được 1 bài rồi đi về. Có người chỉ đến kêu chai bia rồi lên hát vài bài như một anh tóc bạc hát “xin làm người tình cô đơn”. Anh bạn, cho biết ông này cắm dùi tại đây hàng ngày. Nói cho đúng thì rủ nhau ra đây ăn và hát rất tiện, thay vì làm tại nhà. Khỏi phải lo thức ăn thức uống, dọn dẹp. Hôm trước, có mấy người bạn đến chơi. Khách ra về, mình hát mãi là người đến sau, rữa chén bát mệt thở. Cứ ra đây kêu món gì ăn hay không cần ăn, uống chai bia rồi lên sân khấu rống mãi mãi làm người tình cô đơn. Chỉ có vấn đề là không được hát nhiều như ở nhà. Đồng chí gái cho biết hát xong ngủ khoẻ lắm, còn mình thì dọn rác, quét nhà, rữa bát. Sau đó ngủ rất khoẻ.


Mình không thích nghe nhạc Việt Nam lắm. Cứ rên rĩ, thất tình này nọ rồi rống ôi đàn bà, bớ đàn ông. Cô nào bỏ anh ta là may phước cho anh ta, tên nào bỏ em là số hên, không lấy thằng chồng ham nhậu, đánh bài. Không cảm ơn trời phật còn rống lên sự nuối tiếc, đau khổ, trách cứ kẻ phụ tình. Mình khi xưa bị mấy cô đá là mừng, Adieu sois heureuse! Thắp nén hương cho người tình, cầu mong cho cô ta hạnh phúc bên người yêu mới. Họ đã tìm được đối tượng tốt hơn mình thì phải chúc mừng họ. Nếu mình thương ai, mình chỉ muốn họ hạnh phúc tràn trề, họ so sánh mình với người kia thì cảm thấy đối tượng kia tốt hơn mình, có thể đem lại cho họ hạnh phúc hơn thì mình phải mừng cho họ. Đã tìm được đối tượng, chúc phúc cho họ. Chớ than van, hát rống lên kẻ phụ tình lại tạo khẩu nghiệp cho mình.


Chớ họ theo mình, con nhà thuần nông, làm vợ nông dân, gánh bơ đem bán là khốn nạn một đời. Cứ hỏi đồng chí gái để hiểu nổi buồn karaoke, lấy chồng nông dân, suốt ngày hát với sóc và coyote hay lắng nghe tiếng hát của rắn chuông. Đi ăn tiệc, bạn bè giới thiệu chồng là bác sĩ, vợ là nha sĩ này nọ, còn cô nàng thì lí nhí chồng em là nông dân. Thấy thương mụ vợ, một đời làm vợ, lấy chồng nghèo, không chức tước trong xã hội. Mấy cô khi xưa, bỏ mình cái rụp. Đồng chí gái thì có nợ với mình nên phải hát bài gánh chồng qua sông. Chán Mớ Đời

Ông tây kêu là không nhà, không xế, không tiền. Không giàu như người bạn Sébastien vừa hưởng gia tài nhưng anh yêu em rất nhiều. Cô bạn gái kêu nếu anh thương em thật sự, thì giới thiệu người Bạn Sébastien cho em. Mình nhất trí quan điểm của cô gái. Mấy cô mình quen khi xưa, bỏ đi lấy bác sĩ, nha sĩ, không muốn làm vợ tên bơ sĩ.
 

Có duyên để gặp nhau, không có phận thì xa nhau, đồng ca Capri c’est fini! Ngay ông Vũ Thành An, làm nhạc trách cứ người yêu, bỏ đi lấy chồng khác. Buồn đời, làm nhạc không tên, kiếm được một mớ tiền với mối tình phụ trước 75 rồi đi tù. 30 năm sau, gặp lại cố nhân, ông ta phải đổi lời là con đường em theo đó, Đúng đấy em ơi! Nếu cô bồ không đi lấy chồng, chưa chắc ông ta có chất liệu để sáng tác mấy bài hát không tên. Hay ngồi nhà giặt tả cho con, đấm lưng cho vợ.


Viết tới đây, nhớ chị hàng xóm hay sang nhà mình chơi, kêu mình bỏ bài hát của ông nhạc sĩ thất tình Vũ Thanh An. Nay chị ta đã qua đời rất sớm.


Ngồi nhai, đợi one man band đến, câu chuyện kéo sang vụ làm thiện nguyện tại Việt Nam. Mấy người bạn kể đi theo các phái đoàn về Việt Nam, dù có nhờ thứ trưởng bú xua la mua cũng không ăn thua. Phải cho chúng tiền mới được làm. Thằng con mình về Việt Nam cũng bị bắt làm giấy tờ, đóng lệ phí $50 để được giấp phép, làm việc tại Việt Nam 2 tuần. Về đó, họ cũng chả cho làm, phải làm chui. Sáng lên xe ca chạy xuống Long An làm việc trong đại học Việt Mỹ, nơi các hành lang. Chiều tối chạy về Sàigòn. Con cháu cán bộ cấp lớn ra trước, để được khám trước. Chán Mớ Đời 


Được cái, thằng con làm việc chung với một đối tượng của mình khi xưa. Người đã kêu mình sang Hoa Kỳ rồi sau 48 tiếng, đá giò lái cái rụp. Cô ta chắc chắn nhận ra thằng con vì giống mình như hai hạt nước. Thằng con gửi video sinh hoạt của nhóm y tế, cho hai vợ chồng xem các công tác xã hội, y tế của đoàn. Mình thấy bà nào trông quen quen. Mụ vợ kêu bà bồ anh ngày xưa chớ ai. Chán Mớ Đời . 


Trong mấy đối tượng một thời, chỉ có đối tượng Đà Lạt khi xưa, nhìn hình là mình nhận ra còn mấy người khác thì chịu. Chỉ có đồng chí gái là nhận ra mấy người này dù chỉ xem hình. Mình có một album mang tựa đề “người đi qua đời tôi”, đã giao cho đồng chí gái cất giữ từ khi lên xe bông về nhà vợ.


Bổng nhiên anh bạn kể về một người quen ở Việt Nam, cũng làm từ thiện. Đưa cho mình đọc một bài kể về gia đình họ.


Gia đình một bà đại gia ở Việt Nam. Sau 45, bố mẹ bị chôn sống trong cuộc cải cách ruộng đất ở Hà Đông. Rồi đưa quân vào Nam, đánh chiếm miền Nam, sợ bị Hoa Kỳ dội bom nên Hà Nội cho dân sơ tán lên các vùng an ninh hơn. Hà Nội gọi là sơ tán còn Việt Nam Cộng Hoà gọi tản cư. Mình được kể  giọng người Hà Nội ngày nay không còn âm hưởng của trước 1954 vì Hà Nội cho dân Hà Nội sơ tán lên các vùng quê. Giới trẻ bị ảnh hưởng giọng của các vùng quê nên khi về lại Hà Nội thì bị lai giọng hết. Ngày nay, khó mà tìm được giọng người Hà Nội xưa.


Bài viết kể một người, cha mẹ bị đấu tố và bị chôn sống như trong phim “Chúng Tôi Muốn Sống” của đạo diễn Vĩnh Noãn. Về làng xưa của bố mẹ, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi bố mẹ bị chôn sống, đưa ý định xây lại ngôi trường làng xưa, nơi chị ta đã từng đi học trước khi cuộc cải cách ruộng đất, đấu tố dòng họ như ông bà nội mình bị đưa lên hàng phú nông. May là chưa bị giết.


Năm Ất Dậu, nạn đói ngoài Bắc, thấy một đứa trẻ mồ côi, đem về nuôi rồi đến khi cải cách ruộng đất, người con nuôi chỉ mặt, đấu tố ông bà nội mình, cường hào ác bá, địa chủ, đem tao về nuôi để làm đầy tớ. Suýt bị giết. Nhờ làng đạt chỉ tiêu đã giết bao nhiêu địa chủ rồi. Xem như ông bà nội mình chết đi sống lại.


Người em nghe cô chị nói về ngôi trường xưa mà chị ta đã bỏ tiền ra để xây lại, giúp trẻ em trong làng có nơi đi học đàng hoàng. Một hôm đi công tác, gần làng nên ghé lại viếng trường tiểu học của người chị đã bỏ tiền ra làm cho làng.


Các cán bộ bắt chị ta cam kết đóng 1 trăm triệu để xây ngôi trường và đổi tên trường từ Quyết Tâm lại tên cũ là trường cấp 1 “Sông Vệ.”


Người em cho biết khi sinh ra được 2 tháng thì gia đình sơ tán cho nên không có liên hệ gì với làng. Anh ta về làng nhưng cảm thấy xa lạ hơn làng Đa Sĩ, nơi gia đình anh ta sơ tán ở Hà Đông.

Tuy vậy, khi đi trên con đường vòng vèo qua những cái mả, lòng anh ta có chút gì yêu thương khó tả. Cảm xúc này mình đã trải nghiệm khi về quê nội lần đầu năm 1994. Chạy xe trên bờ đê, xình lầy, mang máng nhớ tới những gì ông cụ kể khi xưa, thả diều trên đê, hộ đê khi sông Đáy dâng… đẹp nhất khi thấy Chùa Thầy trong cơn mưa phùn. Nghe lòng say say. Quê nội tôi đây, vì trước đây quê nội trong tôi chỉ là văn chương, qua các bài thơ của Quang Dũng, hay Hoàng Cầm, ai về bên kia sông Đuống, cho ta gửi về tấm the đen… cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu toả nắng. 


Anh ta reo lên “làng tôi đây! Cha mẹ tôi đây! Cuống nhau của tôi được chôn trong chỗ nào đây,..” anh ta chợt hiểu lý do tại sao chị anh ta, ngày nay là người thành đạt, đã bỏ ra trăm triệu để xây dựng lại. Mình cũng gửi tiền cho bà cụ để làm cổng cho làng sau khi viếng thăm quê nội lần đầu tiên. Anh ta lững thững đến trường, nếu không đi sơ tán, thì khi xưa anh ta đã học trường này. Con cái của anh ta cũng học trường này.


Suy nghĩ này, thầm thì bên tai mình và cô em, khi hai anh em viếng thăm quê. Nhìn em họ và vợ đi đổ bê tông, có cuộc đời ở làng khá chật vật. Thấy mấy người em phải đi Cửu vạn ở xứ người, để trả hiếu bố mẹ già ở quê. Cô em kêu may quá, du kích giết hụt ông cụ vì không theo Việt mInh. Họ bao vây nhà ông bà nội, đốt đuốc như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, kể qua bài Người Anh Vĩnh Bình. Ông cụ nhảy hàng rào hàng xóm, trốn thoát vào Nam. Nếu không hai anh em mình nay cũng đi làm ruộng, đổ bê tông như họ hàng. Chán Mớ Đời  ôi chao cảm động quá. Hai anh em ra mộ thắp hương cho ông bà và cảm ơn ông cụ đã trốn thoát nơi đây, giúp đời con cháu khá hơn. Hy sinh đời bố củng cố đời con. Ông cụ phải trả giá của ngày xưa bằng 15 năm trại cải tạo.


Anh ta đến nơi thì đúng lúc tan trường. Anh ta gặp một cô giáo đi sau các học sinh thì chào cô giáo. Cô giáo chào lại và tưởng anh ta là nhà báo về làng viết về ngôi trường mới được xây lại. Hăng hái trả lời.


Cô giáo cho biết: “cái bà bỏ tiền xây dựng cái trường này là dì ruột của cháu đấy. Bà ta tên Thắm, ở Sàigòn, nghe nói giàu lắm chú ơi nhưng mà… và nhúng vai rồi nói tiếp.


Bà ta bỏ trăm triệu ra mà sợ người ta ăn bớt vật liệu nên tự mình về quê tự xây trường. Gần 60 tuổi mà chạy xe máy ngược xuôi để kêu thợ thuyền, đi mua vật liệu… trong khi mấy cái mộ của dòng họ của cháu kia, xây cất sơ sài… cháu có một người anh chăn vịt, được đưa ra thành phố nhưng viện cớ là anh cháu nhậu nhẹt, say rượu,đuổi về thí cho triệu bạc. Giờ anh cháu chăn vịt lại hoàn chăn vịt. Chán Mớ Đời 


Còn cháu ? Người em hỏi.

Cháu thì bà xin cho vào trường sư phạm nhưng khi cháu tốt nghiệp thì bà ấy không chịu giúp, sợ mang tiếng. Bảo cháu về nông thôn mà rèn luyện.

Cuối cùng cô giáo nói: “nghe nói bà ta nay bệnh nặng đang nằm viện.. trời cũng có mắt nhỉ?”


Người em hỏi thế tiền bỏ ra xây trường thì cô giáo kêu là danh hão đấy mà. Người em chia tay cô giáo không dám nói đến thân thế của mình. Cậu ruột của cô ta. Mình về quê nội lần đầu tiên cũng chả biết ai là ai. Thiên hạ đến tự giới thiệu thì ghi nhận chớ không biết mô tê răng rứa chi cả. Sau này, về thường thì mới bắt đầu hiểu nhất là mình có nhờ người dịch và làm lại cái gia phả của dòng họ.


Về Sàigòn, anh ta vào bệnh viện thăm người chị, kể là có đi thăm ngôi trường do chị bỏ tiền và công ra xây. Đẹp lắm, mọi người trong làng ai cũng biết ơn chị.


Người chị quay đi, anh ta kịp thấy hai giọt nước mắt. Không biết chị ta tin người em hay đã biết những gì người ta kháo nhau ở làng. Những giọt nước mắt của chị là những giọt nước mắt hạnh phúc hay tủi hờn? Của lịch sử gia đình bị đấu tố, cha mẹ bị giết.


Khi xưa người Tàu, họ tru di tam tộc vì diệt cỏ phải diệt tận rễ. Các gia đình bị hàm oan, đâu tố, bị giết oan như cái cây bị chặt nhưng nhờ rễ to và mạnh nên từ từ đâm chồi mọc lại nhánh khác, cho trái quả ngon hơn xưa. Mình thấy rõ ràng ở vườn mình, chặt mấy cây to, để hai năm sau, cành mọc lại và cho trái rất to, khiến cô cháu không muốn bán vì thấy trái đẹp.


Bà đại gia về quê để làm từ thiện, xây dựng lại trường học cấp 1. Dù bố mẹ bị kết án và chôn sống, rễ của cây đại thụ vẫn tốt và vươn lên, con nhà đàng hoàng thì qua bao nhiêu bão tố, vẫn nở cái gốc rễ tốt, trở thành đại gia. Về già mình mới hiểu người xưa hay nói “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Con cháu của các người làm ác, hại người, khó có người đàng hoàng dám cho con lấy vì họ xem tông xem giống.


 Mình biết thằng con mình sẽ không bao giờ làm thiện nguyện tại Việt Nam nữa. Một lần nó sợ đến già. Nó về Việt Nam, tốn tiền mua vé máy bay để làm thiện nguyện, mong làm cái gì đó cho quê cha, đất tổ nhưng bị cán bộ và người Việt đối xử bất nhã, nó chỉ biết Chán Mớ Đời .


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Người già trong xã hội ngày nay


Có cuốn phim Nhật Bản, xem từ khi còn ở Pháp, đúng 40 năm. Không hiểu sao lại khiến mình suy nghĩ hoài. Nhất là ngày nay, mình gần 7 bó. Cuốn phim, được thực hiện phỏng theo một cuốn sách của Shichiro Fukazawa, viết trước khi mình ra đời. Cuốn sách được làm phim hai lần, mình được xem cuốn phim thứ 2, do đạo diễn Shohei Imamura thực hiện năm 1983, nghe nói đoạt giải điện ảnh Cannes. Kinh


Câu truyện nói về tục lệ của một làng ở Nhật Bản nghèo khi xưa. Thất mùa, không có gạo ăn, dân tình đói, ăn cắp gạo hàng xóm,… để có cơm ăn. Trong làng đưa ra tục lệ, ai đến tuổi 70 thì được con cõng lên núi Nara (Narayama, yama là núi, sơn), để họ lại trên đó, chết để khỏi tốn cơm cho con. Khỏi chôn, nhưng từ trên núi, họ nhìn về làng, nhà cửa nơi con cháu sinh sống. Hy sinh đời bố mẹ củng cố đời con cháu. Xem như về già, con người trở nên gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Họ tìm cách đào thải chúng ta.

Sang xứ Tiệp, nghe họ kể chính phủ khuyến khích người dân uống rượu để chết sớm vì một người hưu trí ở Tiệp, tốn chính phủ đâu $150/ ngày.

Câu chuyện nói về gia đình một ông tên Tappei, goá vợ, có 4 con và bà mẹ 69 tuổi, goá chồng, xem như còn 1 năm nữa là được con cõng lên núi. Bà mẹ răng còn tốt nên ăn rất khoẻ, nên tự đập vỡ răng để khỏi ăn, chết nhưng người con bắt gặp. Cuối cùng bà ta chuẩn bị lên núi, dạy con cháu các tay nghề của mình như nấu ăn, làm bánh, kiếm vợ cho con trai út,…để ra đi thanh thản. Phụ nữ lúc nào cũng hy sinh cho con cháu, gia đình. Gặp mình thì ăn gấp đôi. Chán Mớ Đời 


Rồi ngày ấy đến, người con cõng mẹ trên lưng, đi lên núi. Hai mẹ con nói chuyện, kể lại chuyện xưa, mới khám phá ra ông bố mất tích vì người con đã giết ông ta vì không chăm sóc gia đình, đánh bài, mắc nợ,… cảnh người con cõng mẹ lên núi, nói chuyện rất tâm đắc vì thường ngày bận bịu công việc, không có thời gian để tâm sự.


Khi mình đưa bà cụ mình đi chơi ở Nhật Bản, mấy ngày chỉ có mẹ và con, cảm thấy hạnh phúc vô ngần. Không chút bùi ngùi, nhìn mẹ tóc bạc, theo mình lên núi như thể cuốn phim mà mình xem khi xưa. Kỳ đi Thái Lan vừa qua với mẹ, mình đi chơi ở Vọng Các, còn khi đến đảo cạnh Phuket thì chỉ loang quanh, ít đi đâu xa.


Cuối cùng, bà mẹ chọn chỗ để người con để bà ta xuống. Bà ta ngồi như thiền định, đuổi người con đi về. Ngoài trời tuyết rơi như những giọt nước mắt của trời đất khóc cho tình mẫu tử chia ly. Mình nhớ cảnh đầu lâu, xương sọ  của người đến trước, rãi rác khắp nơi.


Người con, buồn bả đi xuống núi, thấy người con láng giềng cũng cõng cha lên núi, ông bố lo sợ, kêu la, van nài con trai, đừng để ông ta ở lại. Hai cha con loay hoay làm sao, khiến chiếc ghế cõng ông bố rớt xuống núi. Thê thảm.

Hình ảnh người mẹ ngồi yên lặng trong khi tuyết rơi như những giọt nước mắt mẹ già

Về Việt Nam, gặp bạn học cũ, họ kể nghỉ hưu, ở nhà trông cháu ngoại, tạo điều kiện cho con xây dựng cuộc sống. Có người đang đi làm nhưng có cháu ngoại thì nghỉ làm, mê cháu ngoại ở nhà, chăm cháu. Cho thấy khi về già, chỗ đứng của chúng ta trong xã hội, gia đình khác khi còn đi làm. Chỉ làm ô sin, chăm sóc cháu. Đến khi chân tay yếu đuối thì được con chở vào viện dưỡng lão, đợi ngày về thiên quốc. 


Bà mẹ trong phim, tuy lớn tuổi, nhưng vẫn là pho sách với những kinh nghiệm sống, cách nấu ăn,… tại sao phải đem bà ta lên núi, để chết trong tuyết lạnh. Chỉ vì miếng ăn, chúng ta sẵn sàng bỏ tất cả. Không biết có nghiên cứu nào, nói về thú vật giết hại song thân mình khi rụng răng không còn khả năng để săn thú vật để ăn. Hay quá già để săn thú, phải chia xẻ thịt do mình săn.

Sách dịch ra pháp ngữ

Cảm động nhất là cuối phim, khi người con cõng mẹ lên núi. Người con trai xúc động vì nghĩ chuyến đi cuối cùng với mẹ. Khi ông ta đi xuống núi, trời tuyết rơi như những giọt nước mắt của người mẹ nhìn theo, tiễn biệt người con trai.


Ở Hoa Kỳ, nghe kể, có nhiều người con khóc, khi chở bố mẹ vào nhà dưỡng lão vì không có thời gian chăm sóc bố mẹ. Khi chúng ta không tự chăm sóc cho mình, có nên vào viện dưỡng lão hay ở nhà để vợ con chăm sóc. 


Mình nhớ bố mẹ vợ mình khi xưa, trả nhớ về không một thời gian lâu trước khi qua đời. Thiên nhiên rất hay, khi con cháu quen bố mẹ, ông bà không còn nhận ra họ một thời gian thì khi khi qua đời, bớt đớn đau trong sự chia ly tình mẫu tử.


Mình có người quen, hai vợ chồng, sống riêng, người vợ trả nhớ về không nên ông chồng trên 80 tuổi, chăm sóc vợ trong tuổi già. Chính phủ có cho người đến giúp vài tiếng trong tuần như giặt quần áo, lau chùi nhà bếp,.. Lâu lâu mình ghé thăm, thấy thương. Nghĩ đến ngày nào mình cũng lâm vào cảnh này thấy Chán Mớ Đời . 


Bức tranh "Đêm trăng cõng mẹ lên núi" của Tsukioka Yoshitoshi (1839-1892) - một bậc thầy của ukiyo-e Nhật Bản.  Xem tranh, không thể không cảm động. Gốc tùng nghiêng, dáng nhẫn nại của người con, cánh tay quàng cổ con trai của mẹ già... - đó chẳng phải là những dấu hiệu điển hình của tình ruột thịt, của sự nương tựa và che chở hay sao? Vầng trăng (bị khuất một nửa sau cành cây) chứng kiến tất cả, nhưng cũng chỉ "nhìn" vậy thôi. Nó như chứa đựng ẩn ý về sự "khách quan" của họa sĩ - một sự "khách quan" bề mặt, rất cần thiết, để bức tranh toát lên những nghịch lý đầy xao động. Không biết cổ tục này tồn tại đến khi nào, chỉ biết đã có câu chuyện kể rằng: một người mẹ già khi được/ bị con cõng lên núi, đã giấu sẵn một túi đậu để rải dọc đường, nhằm đánh dấu lối trở về. 

Người con phát hiện sự việc và ngờ oan cho mẹ. Sự thật, mẹ thương con, chỉ sợ con xuống núi lạc đường, còn phần mình, mẹ đã cam phận. Hiểu ra, lòng đầy hối hận, người con cõng mẹ trở về...


Bức tranh được sáng tác trong khoảng thời gian 1885 - 1892.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn