Showing posts with label Bè bạn. Show all posts
Showing posts with label Bè bạn. Show all posts

Tiễn biệt chim đầu đàng Bút Nhóm Lửa Việt

“Mày và thằng Lâm còn có gì để bám vào. Tao không vợ con, không nhà cửa, không có gì để lo ngại cả. Chúa gọi tao ngày nào thì tao sẵn sàng lên đường”. Đó là lời anh bạn nói với mình khi báo tin bị ung thư cách đây mấy năm.


Mình thấy anh ta nói rất bình tỉnh, chẳng bù lại mình khi đi mỗ cục bướu. Trong khi chờ đợi kết quả khám nghiệm, xem bướu lành hay bướu ung thư. Mình phải đọc suốt 2 tuần lễ đợi chờ, 5 cuốn sách về ung thư để chuẩn bị tinh thần. May quá, bướu lành nên từ dạo đó, ăn uống điều độ như có tiếng chuông báo động, mách bảo mình.


Có lần anh ta đến viếng vườn mình với một linh mục khác, ở giáo phận cạnh vườn mình, cũng cho biết là bị ung thư khiến mình thất kinh. Trước đây, mình không có ý niệm rằng các người đi tu, kẻ thừa sai của Thiên Chúa, cũng bị ung thư như người đời. Sau đó đi ăn, nói chuyện thêm, mới hiểu họ có một niềm tin mãnh liệt về Thiên Chúa, là kẻ thừa sai của ngài, dọn mình, chuẩn bị về Thiên Quốc. Mình sẽ xuống Địa Ngục, không gặp lại họ. Chán Mớ Đời 


Hôm qua đi đám tang anh bạn, mình không dám đến gần linh cữu để xem mặt lần cuối. Thật ra, mình gặp anh ta 3 ngày trước khi anh được Chúa gọi về. Anh đến nhà với một linh mục khác vào lúc 9:15 tối, sau khi dự đám tang ai đó ở Quận Cam, để nhận quà của giáo dân ở Việt Nam, nhờ mình đem về, để gây quỹ giúp người nghèo. Cả ba nói chuyện về giúp đỡ người Việt sinh sống tại Ukraine, đang vào mùa đông, cần máy sưởi, đến các nạn nhân động đất ở Syria, bị tây phương bỏ quên. Họ cần Thổ Nhĩ Kỳ nên bao nhiêu trợ giúp nạn nhân dồn vào Thổ Nhĩ Kỳ, còn người Syria thì bị lãng quên. 


Cuối cùng hơn 10 giờ đêm, hai vị linh mục ra về, mang theo hai thùng bơ của vườn mình, cho tu viện. Lần trước anh bạn đến vườn mình, đem bơ về thì mọi người trong tu viện rất ưa thích nên mỗi mùa mình đều gửi tặng. Không ngờ, đó là hình ảnh cuối cùng của anh bạn, đem hai thùng bơ bỏ lên sau xe.


Mình hẹn gặp lại nhau ở tu viện Don Bosco, 3 ngày sau để bàn về mấy chuyện này, nhất là thiết kế và kêu thợ xây thêm khuôn viên của Hang Đá để làm lễ nhà thờ ngoài trời. 1 tiếng trước giờ hẹn, mình nhắn tin cho biết đang chuẩn bị lên Rosemead. Ai ngờ mở điện thoại ra thì được tin nhắn anh ta đã được Chúa gọi về.


Hôm qua, đến nơi để linh cửu của anh bạn, cho bạn bè, giáo dân thăm viếng, mình kiếm một chỗ riêng để ngồi, hồi tưởng vài kỷ niệm về anh ta, về những sinh hoạt đã đồng hành một đoạn đường đời suốt 35 năm qua.


Những ngày tháng, gây quỹ giúp tỵ nạn qua chương trình Chén Gạo Tình Thân, tổ chức biểu tình chống cưỡng bách hồi hương người Việt tỵ nạn tại các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, các buổi họp mặt, sinh hoạt giới thiệu văn hoá Việt Nam cho sinh viên gốc Việt và Mỹ tại các đại học vùng Đông Bắc, chưa kể các trại hè, giúp giới trẻ gốc Việt tìm về nguồn. Nếu không có những trại hè này thì chắc mình chả bao giờ đọc lại sách báo việt ngữ, thậm chí còn viết bài cho báo của Bút Nhóm Lửa Việt.


Nhớ đến những buổi gặp gỡ, hàn huyện với anh bạn, kể về những chuyện của giáo dân. Những câu chuyện của người khác được anh bạn kể, như những bài giảng ở thánh lễ, giúp mình nhìn lại mình, để sửa đổi tâm tính.


Tuần vừa rồi, mình dự một họp mặt tiễn một người bạn gốc đức về Thiên Quốc. Chỉ có đâu 20 người đến dự. Đa số là những người quen, bạn trong nhóm yêu thơ của người bạn. Nói về tài sản thì chắc chắn bà bạn gốc đức, giàu có hơn anh bạn của mình. Cuối đời, ngay con cháu không về tham dự, dù được nhận gia tài của bà để lại.


Bà bạn giàu có nhưng sống cô quạnh, con cháu không nói chuyện từ lâu. Con trai từ pháp về cũng bị bà ta đuổi ra khỏi nhà. Buổi tiễn đưa chỉ có mấy thi sĩ của nhóm bà ta, đến để đọc thơ. Ngược lại, anh bạn vừa qua đời, bạn bè khắp nơi, từ Pháp, từ miền Đông Bắc,… bay về, chưa kể giáo dân và các linh mục.


Hôm qua, rất đông người đến viếng linh cữu của anh bạn. Những người đã đồng hành với anh ta từ mấy chục năm qua, đến từ miền Đông Bắc và khắp Hoa Kỳ. Mình có gặp lại hoạ sĩ Vũ Đình Lâm từ Paris, người đã sát cánh với Bút Nhóm Lửa Việt từ đầu, vẽ các thiệp tết, báo Xuân,… anh ta sang Hoa Kỳ chơi để bàn với anh bạn về chương trình 117 vị thánh tử đạo Việt Nam.


Mình gặp cha bề trên của anh bạn. Cha nói sẽ tiếp tục ý tưởng, chương trình của anh bạn muốn thực hiện tại nhà dòng, trùng tu lại tu viện được xây cất trên 60 năm qua và phát triển thêm. Mình hẹn với anh bạn, đến để vẽ khuôn viên hang đá ở ngoài, và cho biết giá cả, xây cất để trình lên giáo phận. Không ngờ chưa gặp thì anh đã được Chúa gọi về.


Từ khi Covid xẩy ra thì tu viện được giáo dân vùng Los Angeles, chiếu cố đến nhiều vì có thể làm lễ ngoài trời, nơi hang đá, vì mọi người phải đứng cách nhau 6 bộ. Anh ta kể trước kia, mỗi tháng chỉ lo tang lễ 2 lần, nay thì mỗi tháng, anh bạn phải lo đến 63 tang lễ nên có tài chánh, có thể thực hiện giấc mơ của anh ta. 


Đêm cuối cùng gặp nhau, anh ta hỏi từ đây đến tháng 10 có đi đâu ngoài Hoa Kỳ nữa không. Mình nói không, sau tháng 10 thì có thể leo căn cứ đầu tiên của núi Everest. Anh ta hẹn liền để thiết kế công trình nới rộng khuôn viên Hang Đá, đã bàn trước đây.

Linh mục Phao Lồ, Nguyễn Hoài Chương


Minh có gặp và nói chuyện với cha bề trên của anh ấy. Nếu giáo phận vẫn muốn tiếp tục chương trình của anh bạn, mình sẽ cố gắng giúp giáo phận, thực hiện giấc mơ cho anh ta. Anh ta nói về chương trình này từ lâu nhưng thủ tục, quá trình xin phép giáo phận khá lâu.


Mình nhớ khi xưa, ở New York, cuối tuần, anh ta hay ghé nhà mình rồi kêu lên xe, chở đi lòng vòng, thăm các giáo dân. Có lần đến thăm một gia đình, bà chủ nhà hỏi mình là thầy hay cha để tiện xưng hô khiến mình thất kinh. Dạo ấy mình hay bận đồ đen khiến ai cũng tưởng là linh mục khi đi chung với anh. Anh ta kêu tao mà giới thiệu mày là linh mục là hết lấy vợ. Mày lấy vợ công giáo thì tao miễn phần học giáo lý hôn nhân. Từ đó mình gọi anh ta là Bố. Sau này thấy anh ta tự xưng qua i-meo là Bố Già.


Mình cảm ơn Bố Già, đã đồng hành với mình một đoạn đường đời từ 35 năm qua. Anh bạn thích nói chuyện với mình, lý do là có thể xưng tao gọi mày, khác với khi có mặt giáo dân.


Mình nhận được tin nhắn của nhiều người đã quen biết và đồng hành với Bố Già từ nhiều năm qua. Mình xin mạn phép chia sẻ 1 tin nhắn: 


Trong tuần này tôi nhận được tin báo tang về Cha Chương ở trong Facebook feed của mình từ nhiều friend khác nhau. Điều này cho thấy hai nhận xét. Thứ nhất là một số Facebook friend mà tôi chưa hề gặp mặt nhưng cũng chia sẻ một mẫu số chung. Thứ hai là Cha Chương đã giao thiệp và quen biết rộng. Từ một linh mục dòng Mary Knoll đi phục vụ tại Nhật Bản cho đến nhóm Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể của tôi tại Houston, Texas. Quen biết và giao thiệp rộng là tính cách của những người dấn thân phục vụ. Họ biết một mình họ không thể nào cáng đáng được mọi công việc và có thể phát triển lớn nên giao thiệp rộng rãi để tạo ra một hệ thống, mạng lưới (network) và đặc nền móng để người khác thấy được tầm nhìn của họ và dùng sự hợp lực của nhiều người đóng góp công sức hầu làm được việc to lớn hơn. Giống như Mẹ Teresa thành Calcutta chỉ là một nữ tu nhỏ bé nhưng Mẹ nhận sự giúp đỡ của nhiều ân nhân để thực hiện công việc chăm sóc người nghèo của dòng.

Cha Chương lớn hơn tôi đúng một con giáp. Lúc tôi biết Cha thì tôi còn đang làm huynh trưởng trong Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại hải ngoại. Tôi thì ở trong lứa tuổi hai mươi và Cha thì đã trong lứa tuổi ba mươi. Lúc đó Cha đã có mái tóc bồng bềnh như một lãng tử mà lại ăn nói hoạt bát như một nghệ sĩ nên nếu Cha không mặc áo dòng thì ít ai có thể nghĩ rằng đây là một linh mục. Cha xưng “anh” với các anh lớn hơn tôi. Các bạn tôi thì gọi cha bằng “Bố”. Tôi không ở trong nhóm trực tiếp liên lạc với Cha nên chỉ chào hỏi mà không có dịp nói chuyện. Lúc đó tôi có đọc tập san Lửa Việt do Cha chủ trương và thấy tờ báo rất phong phú. Tôi có ý định muốn cộng tác. Nhưng rồi bận rộn với cuộc sống nên tôi không có dịp thực hiện ý định và từ đó không còn cơ hội để liên lạc với Cha. Tuy nhiên nhóm Lửa Việt của Cha cũng mang lại một kỷ niệm không bao giờ quên trong quá trình trưởng thành của tôi.

Qua Lửa Việt tôi biết được các trại hè do nhóm Về Nguồn tổ chức. Năm đó họ tổ chức trại hè tại tiểu bang Kentucky. Tôi và các bạn mướn xe và lái 15 tiếng từ Texas đến Kentucky để tham dự trại hè này. Thời đó vì còn là trai trẻ và để tiết kiệm, chúng tôi thay phiên nhau lái xe thâu đêm để khỏi phải tốn tiền và thời gian ngủ lại nhà trọ. Ban tổ chức mời được ba diễn giả. Người đầu tiên nói chuyện với chúng tôi là nhà văn Phan Nhật Nam. Tôi không biết bao nhiêu trại sinh cùng lứa tuổi tôi biết tác giả của “Mùa Hè Đỏ Lửa”, “Dọc Đường Số Một”, “Tù Binh Và Hòa Bình” là ai. Nhưng riêng tôi, tôi đã đọc hết ba cuốn sách này. Tuy nhiên ông không kể chuyện đi lính hoặc viết văn của ông mà lại kể thời gian ông sống ở trong tù Cộng Sản. Trong thời gian 14 năm lao động ở trong tù Cộng Sản, ông đã áp dụng tinh thần Hướng Đạo sinh mà ông học được hồi còn trẻ để sống sót lao tù Cộng Sản. Hai người diễn giả còn lại không diễn thuyết mà biểu diễn nhạc cho chúng tôi nghe. Nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghĩa thổi sáo và gõ đàn t’rưng rồi kể chuyện hồi nhỏ ông đã theo học thổi sáo như thế nào và ông đã sáng chế cách gõ đàn t’rưng như thế nào để đạt được âm thanh khác lạ. Người diễn giả cuối cùng là một bác sĩ mà tôi đã quên tên. Ông này chơi đàn bầu. Ông cũng giải thích về những tinh hoa và nghệ thuật của đàn bầu. 

Ở lứa tuổi hai mươi đó, tôi ngưỡng mộ những người viết lách, làm văn chương như Cha Chương hoặc nhà văn Phan Nhật Nam. Nhưng buổi trình diễn của hai người nghệ sĩ lớn tuổi lại đem cho tôi một ấn tượng sâu đậm hơn. Nó cho thấy tôi cần chọn một cái gì mà mình thích rồi phải cố gắng để trau dồi kiến thức, thực tập và rèn luyện để có được một trình độ cao rồi mới có hữu dụng. Phải chọn một thứ rồi trở nên thật là giỏi trong lãnh vực đó chứ không thể cái gì cũng muốn biết sơ sơ rồi cuối cùng không làm nên tích sự vì không đủ khả năng làm hơn những gì người khác đã thực hiện. Tôi chọn cho mình con đường nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nên bao nhiêu năm tháng tôi đã dành thời gian để trao dồi kiến thức về văn hóa Việt Nam. Lâu lâu tôi lại nhớ về kỷ niệm trại hè Về Nguồn và buổi trình diễn nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, nhắc nhở cho tôi tiếp tục kiên trì trong con đường mà mình đã chọn. 

Tôi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân tôi để cho thấy khi chúng ta quan tâm và giúp đào tạo người trẻ, nó sẽ có những ấn tượng và ảnh hưởng lâu dài sau này. Những người như Cha Chương thật sự là giống như những người chăn chiên nhân lành. Họ thương yêu đàn chiên, biết nghe tiếng chiên và sẵn sàng dấn thân để tạo cơ hội cho đàn chiên là những con chiên non trẻ để giúp cho chúng nó phát triển một đời sống hữu ích cho xã hội. Có thể suốt đời của tôi sẽ không có đóng góp gì đáng kể cho văn hóa Việt Nam vì không phải hạt giống nào cũng có thể nào mọc lên thành một cây cổ thụ. Nhưng nếu chúng ta không gieo hạt giống thì làm sao có cây. Khi có cây mà chúng ta không vun sới thì làm sao có hoa trái nói chi tới nó phát triển đến trở thành cây cổ thụ. Thầy của tôi đã dày công phiên âm các tác phẩm Nôm cổ. Tôi hứa với Thầy của tôi là sẽ khai triển những gì mà ông đã bỏ công ra thực hiện. Việc này giống như thầy tôi đã bỏ công ra giết con gà để những người không biết giết gà như tôi có thể biến chế thịt thành những món ăn ngon miệng. Gia tài văn hóa cha ông để lại cũng chỉ có nhiêu đó, nhưng tùy theo sự hiểu biết của mình mà khai triển ra thành bao nhiêu biến hóa mới. Nhưng tất cả cũng phải bắt đầu từ hạt giống được gieo vào đất tốt. Xin cám ơn những người như Cha Chương và Thầy của tôi.”



“My Dear Cha Chương,


There aren’t words to describe how much I will miss you and how grateful I am to have known you. From a young age, you have always inspired me from your incredible work with the poor to the way you were able to connect with people of all ages. I was never able to tell you this, but your hard work with Lua Viet Youth Association inspired me to attend physician assistant school. I always said to myself that one day when I am a PA I could go to Vietnam with you on a mission trip. I promise to do that still, but this time with you watching over me from heaven. You have been a role model to me since I was young and I was so blessed to have a teacher like you to guide me and enrich my faith. I will miss all your jokes, your inspirational yet funny homilies, and your kindness. Even though you’re not here anymore, I know that you’re up in heaven right now, looking over us and keeping us safe. Thank you for making the world a better place and for bringing such a bright light to the Catholic community. “


Có rất nhiều tin nhắn nhưng 2 tin nhắn trên đã nói lên thành quả của việc làm của các anh chị em của Bút Nhóm Lửa Việt, đã đồng hành với anh ta 40 năm qua. Giúp giới trẻ Mỹ gốc Việt, tìm về cội nguồn, hãnh diện về gốc gác của mình. Khi con cháu chúng ta tại Hoa Kỳ hay tại một quốc gia nào khác, hiểu được lịch sử, hãnh diện về cha mẹ, cũng như Việt Nam Cộng Hoà thì sẽ giúp con cháu chúng ta thăng tiến trong xã hội ở xứ người.


Mình nhớ các sinh viên gốc việt tham dự các sinh hoạt với anh chị em BNLV, đều cảm ơn những người đi trước, kể lại cho họ những gì thật sự xảy ra tại Việt Nam khi xưa. Họ sang Hoa Kỳ lúc còn bé, không hiểu gì về Việt Nam. Vào đại học thì thầy giáo, đa số thuộc thành phần thiên tả, chống chiến tranh Việt Nam. Mời người của Hà Nội đến nói chuyện,  rồi trình diễn “Múa rối nước” hay văn nghệ, sẽ thu hút các giới sinh viên gốc Việt theo họ. Hà Nội rất giỏi về tâm công trong thời gian chiến tranh Việt Nam, để thu phục giới trí thức tây phương ủng hộ họ. Họ nghiên cứu rất kỹ về Nguyễn Trãi.


Các anh chị BNLV mời các nhạc sĩ như giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, dạy nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam tại đại học Hoa Kỳ, biểu diễn và giải thích nhạc cụ Việt Nam, tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa và gia đình mà khi xưa, mình có nghe được một lần tại Đà Lạt. Mời bác Huỳnh Sanh Thông của đại học Yale nói chuyện về Truyện Kiều, giáo sư Nguyễn Quỳnh nói về hội hoạ Việt Nam,…

Hoạ sĩ Vũ Đình Lâm, tại Paris


Các sinh viên gốc Việt tham dự các sinh hoạt này, cảm thấy hãnh diện về văn hoá Việt Nam, không cảm thấy nhục nhã của con cháu Việt Nam Cộng Hoà, bị giới truyền thông thiên tả chửi bới thậm tệ. Khi họ thấy các người vượt biển tỵ nạn cộng sản, nên dám đồng hành cùng các anh chị em BNLV, tổ chức biểu tình, chống cưỡng bách hồi hương tại đại lộ số 5, nổi tiếng nhất của thành phố New York. Cảnh sát chận xe để đoàn biểu tình được  tự do đi trên đại lộ, phát truyền đơn, kêu gọi người Mỹ ủng hộ, nhận thêm người tỵ nạn cộng sản. Có các dân biểu Mỹ đến tham dự  và nhận mấy chục ngàn chữ ký của người Mỹ kêu gọi chính phủ Mỹ, chống cưỡng bách hồi hương, thu nhận thêm người Việt tỵ nạn cộng sản.


Cha mẹ sang đây, bận làm ăn, không có thì giờ giải thích về tỵ nạn cộng sản. Cứ nghe đến cộng sản là họ chửi nhưng không giải thích. Con cái đi học ở Hoa Kỳ, chúng chỉ phục khi được giải thích nguyên nhân. Người Việt sống về cảm tính nhiều hơn nhưng không quen giải thích do đó con cháu không phục. Thêm đi học thì tài liệu về chiến tranh Việt Nam, người Mỹ rất nhục vì thua cuộc chiến nên đổ lỗi cho Việt Nam Cộng Hoà. Kêu chính quyền tham nhũng, đủ trò vô hình trung khiến con cháu người Việt xem thường sự chiến đấu của cha mẹ khi còn ở Việt Nam.


Mình có thời đi học tại Paris, gặp nhiều giới trẻ gốc Việt, rất hãnh diện về cuộc chiến Việt Nam, kiểu David mà dám chọi Goliath nên họ được Hà Nội thu phục, mang danh Việt kiều Yêu nước.

Làm báo Xuân BNLV, gây quỹ giúp Tỵ Nạn


Nếu Hà Nội được lập bang giao là xem như thế hệ con cháu sẽ bị Hà Nội thu phục. Do đó giới trẻ gốc Việt, thậm chí người Mỹ cần được giải độc về sự thất bại tại Việt Nam. Phải thành thật với lớp trẻ.


Ngày nay thì dễ vì có rất nhiều giới trẻ đã sinh sống tại Việt Nam sau 75. Họ hiểu thế nào là cộng sản nên không cần giải độc nhưng vào thập niên 80, phải giả thích vì sao làn sóng người Việt vượt biên, thà chết trên biển cả, đến sống lây lất trong các trại tỵ nạn. Báo chí tây phương cứ đổ lỗi là tỵ nạn kinh tế. Ngày nay, vẫn có nhiều người bỏ nước ra đi, có thể chết ngạt trong các thùng trên xe tải, hay đi du lịch rồi trốn ở lại.


Con mình theo phái đoàn y tế về Việt Nam vào mùa hè, thấy cán bộ và gai đình đến dành chỗ cua người nghèo, để khám bệnh, và hiểu được lý do mẹ chúng phải vượt biển tìm tự do. Do đó, Hà Nội rất sợ các phái đoàn y tế đến Việt Nam chữa bệnh cho người nghèo.


https://youtu.be/iit7aKRh5js



Có lẻ giây phút mình cảm nhận được việc làm của anh chị em BNLV đúng, khi đọc tiểu luận của thằng con, xin vào đại học. Mình cho nó học chơi đàn bầu của Việt Nam. Cháu kể là khi nghe tiếng đàn bầu lần đầu tiên, nghe rất quen thuộc nên muốn học và tập đàn món đàn này. Đến khi cháu đánh thuần thuộc mới nhận ra bản thể của mình là người Việt.



Nguyễn Hoàng Sơn 


Trại hè Bút Nhóm Lửa Việt

Khi sang New York, làm việc, mình mướn nhà, đúng hơn là cái loft ở khu Tribeca, khu nghệ sĩ, gần phố Tàu. Dạo ấy khu này không sang chảnh như ngày nay. Mình mướn lại một căn phòng của một tên hoạ sĩ nghèo người Mỹ. Đi làm về thì xuống xe điện ngầm ở Canal Street, ghé vào phố tàu ăn qua loa, phở hay tiệm tàu rồi về nhà trên con đường Canal đến Holland Tunnel, cạnh bên nhà mình ở. Dạo ấy làm việc ngày đêm ở sở, công ty trả tiền ăn trưa và cơm tối nên cứ ăn cơm tiệm. Năm khi mười hoạ mới mua thức ăn về nhà nấu.


Một hôm, thấy một lá truyền đơn dán trên tường trên đường Canal bằng việt ngữ, có hội họp với hội thanh thiếu niên ở vùng New York, tại một nhà thờ cạnh Canal Street. Tò mò mình bò đến tham dự để làm quen với người Việt sinh sống tại đây. Hội này được thành lập để giúp giới trẻ vùng này, hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ. Nhất là các em con lai. Họ sang đây, bị cộng đồng người Việt không chấp nhận, người Mỹ cũng không nhận nên bị khủng hoảng tâm lý, bản thể, đưa đến hay làm bậy. Họ cần những người lớn tuổi hơn, giúp họ, chỉ họ học hành, luyện thi….

Họ họp bàn định tổ chức trại hè cho giới trẻ vùng đông Bắc tại khuôn viên tu viện Don Bosco ở tiểu bang New Jersey, bên kia bờ sông Houston. Hôm đó, có nhiều nhóm người Việt trong vùng, họp nhau để tổ chức chung trại hè cho nhóm người Việt trẻ vùng đông Bắc. Thế là mình xin gia nhập. Lần họp kế tiếp, tại nhà ai bên New Jersey, hình như nhà của Trương Quang Huy, 1 trong những phụ rể của mình.


Số là lúc làm đám cưới, đồng chí gái có 2 cô bạn và 2 cô cháu đang tuổi cập kê nên muốn 4 phụ rể. Mình mới dọn sang Cali thì làm gì quen được 4 tên tại địa phương. Hỏi có thể mướn 4 người Mễ, di dân lậu, đứng đường ở Home Depot để kiếm việc được không, nhưng cô nàng không chịu vì phụ dâu không biết nói tiếng Mễ. Đành phải cầu cứu mấy ông bạn trong BNLV. Có 2 người ở New Jersey, 1 ở Texas và 1 người ở Berkeley, đồng ý bay về. Trong đám phụ dâu, phụ rể có hai cặp lấy nhau sau này. Nay hai ông phụ rể về Việt Nam cưới vợ và sống tại Sàigòn. Ai ngờ mấy anh chị BNLV rủ nhau kéo về dự đám cưới, khá đông khiến bên đàn trai đông không thua gì đàng gái. Đa số mình chưa bao giờ gặp mặt, chỉ nghe tên ở các tiểu bang khác thậm chí ở nước khác.

Cuối cùng thì mỗi họp mặt, bàn tổ chức trại hè hay giúp tỵ nạn đều họp tại nhà mình vì tiện cho thiên hạ đi lại. Ai có xe, chạy qua Holland Tunnel rất mất thì giờ, chỉ cần đậu xe ở Hoboken bên New Jersey rồi lấy xe điện ngầm chạy qua. Cuối cùng thì trại hè đến.


Mình không nhớ ai chở mình đến trại nhưng mình có nhiệm vụ cắm bảng chỉ dẫn từ ngoài đường vào tu viện. Tên Uber mình, tư duy đột phá, đề suất một ý đồ cực kỳ phản động, cực ngu, là cắm ngược bảng chỉ đường khiến thiên hạ từ các tiểu bang xa, chạy đến trại ngày thứ 6, sau tan sở vào lúc 1 hay 2 giờ sáng, lại lộn đường chạy lòng vòng. May có đám sinh viên U Conn, thích hát hò vang dội một trời nên thiên hạ bò lại được trại hè. Dạo đó chưa có karaoke, họ hát thâu đêm đến sáng nằm ngáo ngáp. Được cái là đến trại, có nồi cháo gà với nước mắm gừng ăn phê thấy Chúa luôn. Nếu mình không lầm, năm đầu tiên không có mưa vì mình đi 3 lần trại hè thì có một lần bị dính mưa. Sau đó dọn về cali thì ngưng, BNLV có tổ chức trại hè ở Cali, trên San Jose nhưng mình lười lái xe. Thêm đồng chí gái không thích cắm trại vì bị dị ứng với bụi đất.


Ngày thứ 7 là chính, có trò chơi thi đua đội, tối lại có văn nghệ lửa trại. Sáng chủ nhật thì ai là giáo dân thì đi lễ với ông cha, còn người lương thì chuẩn bị ăn sáng cho mọi người. Mình thì chả làm gì hết ngoại trừ được phân công làm bảo vệ nhà vệ sinh. Lý do là tu viện dành cho nam chủng sinh nên kiến trúc sư khi xưa chỉ thiết kế cầu tiêu cho nam. Họ lại thiết kế chỗ đứng đái nhiều hơn là bồn cầu nên tạo thêm sự đợi chờ. 1 nhà cầu có đến 6 cái bể đứng đái. Nay có mấy cô vào đòi tắm, đòi tè, đòi maquiller,…nên phải chia giờ sử dụng nhà vệ sinh, trai thì 5 phút, gái thì 1 tiếng. Cuối cùng mấy cô lâu ra mà mình thì không được vào nhà vệ sinh kêu họ ra, đành nói đám thanh niên, kiếm bụi cây nào của nhà dòng rồi tưới u-rê bón phân dùm nhà dòng cho khoẻ đời. Sáng dậy sớm, mình tranh thủ khi mấy cô chưa dậy đi vệ sinh nhanh cho khoẻ đời.


Màn trò chơi thi đua đội, có nhảy bao bố, đi guốc 3 người, chuyền trứng,…. Mấy ông thần nào đã chuẩn bị đóng mấy đôi guốc dài này từ lâu, đem đến cho bà con chơi khá vui. Hình như Dương Trọng Hiếu lo phần này. Anh chàng này khi xưa đi hướng đạo nên rất giỏi trong việc hoạt náo, sinh hoạt tập thể, thêm bố Chương rất giỏi về điều khiển đám đông. Anh ta nói với mình; mình làm hề nhưng biết mình làm hề còn đa số làm hề nhưng không biết họ làm hề.

Lâu quá mình quên các sinh hoạt buổi chiều. Chỉ nhớ mấy trò chơi khi xưa còn bé như cướp cờ, ngồi bàn tròn rồi có người đi bỏ khăn sau lưng, tạo cho mọi người những kỷ niệm, nhớ lại thời còn bé ở Việt Nam. Có màn kéo dây thì hơi căng vì anh nào anh nấy đều muốn làm gà trống, gây chú ý cho các cô nên la ầm cả tu viện. Sáng thì chia theo đội để gây dựng tình đồng đội giữa các người lạ từ mấy tiểu bang về. Chỉ nhớ trưa thì ăn nồi thịt kho trứng do bố mẹ cha Chương nấu, đem đến đất trại. Ai đó nấu cơm rồi ăn với dưa chua. Ai nấy đói lã nên ăn sạch ngầu thịt kho và mấy nồi cơm. Ngoài ra có người nấu ăn riêng, hay nấu thêm món gì mình không nhớ lắm. Mình chỉ nhớ BNLV sinh hoạt lúc nào cũng có nồi thịt kho và dưa chua.


Chơi mệt thì nghỉ trong khi mấy chị nuôi anh nuôi nấu ăn cho cơm chiều. Trong khi đó ban tổ chức họp mặt, giới thiệu về thành quả, các sinh hoạt trong năm vừa qua như gây quỹ được bao nhiêu, bán báo, báo thiệp Xuân, sinh viên trong nhóm đã lên đường giúp các đồng bào tỵ nạn tại các trại tỵ nạn ở Đông NAm Á. Các trại viên nào thích thì tham gia, giúp BNLV như gây quỹ tại địa phương mình, bán báo, bán thiệp tết,…


Lý do nhóm lấy tên là Bút Nhóm Lửa Việt vì dạo ấy có một tổ chức mang tên Lửa Việt nên không muốn trùng tên, gây ngộ nhận. Báo BNLV khá vui, mình bắt đầu viết từ dạo ấy, kiểu gỡ rối tơ lòng của bà Tùng Long. Đều phịa ra hết ngoài một vài thư độc giả gửi đến. Có bức thư tình gửi cho đồng chí gái được nhiều người đến nay vẫn còn nhắc. Ngược lại thì viết về chùa Việt Nam khá nhức đầu cho người đọc. Để hôm nào kể vụ làm báo, nhất là trước thời có photoshop, Corel,…

Sau cơm chiều thì có màn văn nghệ lửa trại. Mỗi nhóm tự biên tự diễn một màn văn nghệ bỏ túi. Trời tối đen, không thấy thằng Mỹ nào. Cũng gọi thần lửa búa xua la mua rồi nhảy lửa, rồi xem kịch tự biên tự diễn. Về khuya thì bà con ngồi gần nhau trao cho nhau những ánh mắt qua ngọn lửa rồi hát bản nhạc vào đời:

Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người
Gần nhau trao cho nhau tin yêu đừng gian dối
Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này
Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người.

1. Cho dù rừng thay lá xanh đi
Cho dù biển cạn nước bao la
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi.

2. Cho dù đồi hay núi di đi
Cho dù bầu trời thiếu mây bay
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi.


Bản nhạc này, thể loại nhạc vào đời của bên Công Giáo nhưng nghe rất hay. BNLV chuyên hát bản này và các bản nhạc họp đoàn hướng đạo khi xưa. Trong nhóm có một vị linh mục nên khi họp mặt, mọi người đều hát Vì tôi là linh mục, không bận chiếc áo dòng nên suốt đời đi tu….

Chụp hình chung sau khi biểu tình giải tán tại NEW YORK. Thời tóc chưa bạc

Đó là những ngày vui chơi, chưa có trách nhiệm với gia đình. Nay nhìn lại hình thấy vui, có nhiều kỷ niệm tưởng như đã quên. Nay bổng nhận hình ảnh xưa như một bóng mây bay trở lại tuổi thanh xuân, cho thấy mình cũng đã sống với thời của mình. Chập chững qua Hoa Kỳ, nhờ nhóm người Việt trẻ, đã giúp mình trở về nguồn như đứa con hoang đàng trở về cội nguồn. (Còn tiếp)


Đi khắp thế gian không ai bằng vợ 

Ở nhà với vợ thì Chán Mớ Đời 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Dòng sông ký ức

Tuần rồi, anh bạn đúng hơn là ông Mai, đã se duyên mình cùng đồng chí gái, gửi cho mấy tấm ảnh sinh hoạt thời trai trẻ, độc thân vui tính với các sinh viên và nhóm trẻ gốc việt tại vùng Đông Bắc, khiến mình chới với. Như xem lại một khúc phim chậm của quá khứ, tưởng rằng đã quên. Nhìn lại hình ảnh thì kỷ niệm bổng từ đâu như dòng sông ký ức, ào ào trở về như mới hôm qua, khó tưởng tượng đã trên 34 năm qua, 1/2 đời người. Kinh


Thời ấy, thị trường con gái Việt Nam hiếm vì vượt biển rất nguy hiểm. Đi party, trai dư gái thiếu nên cô nào có xấu đi nữa cũng có nhiều tên bu xung quanh như ruồi. Cô nào mà khá khá, học giỏi, là Mỹ chúng vớt hết vì có nhiều tiêu chuẩn khá hơn nam sinh viên việt. Như cao ráo, da trắng, học giỏi bằng sinh viên người Việt,… đúng hơn Mỹ trắng mà học giỏi thì chúng rất giỏi. Á đông được cái là học gạo chớ tư duy thì không quen như người tây phương.


Hôm qua, có anh bạn còm về một tấm ảnh cũ, kêu nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc một thời. Mình nhớ có lần đi ăn đám cưới anh bạn trong nhóm, thấy anh ta ngồi buồn khi thấy cô bạn xưa, lấy chồng Mỹ, đang nhảy múa trước mặt. Chán Mớ Đời 

Trại hè BNLV

Ngược lại đàn ông gốc việt, ít thấy lấy vợ Mỹ trắng. Ở Âu châu, đầm lấy mít khá phổ thông nhưng ở Hoa Kỳ thì hiếm, không hiểu lý do. Ai có tài liệu nghiên cứu vấn đề này thì cho mình biết. Mình có một bà người đức, theo dõi bờ lốc của mình, cho biết lấy chồng gốc việt, thích các bài mình viết về Đà Lạt, để tìm ý tưởng viết truyện. Cô ta là một nhà văn đức ngữ, ở Seattle, có gửi cho mình bờ lốc của cô ta. Chắc ông chồng gốc Đà Lạt, cho cô ta hay dịch bài của mình. Mình có đọc vài đoạn văn ngắn của cô ta, đức ngữ của mình ngày nay, đã mai một khá nhiều nên lười vào lại bờ lốc của cô ta.


Mình có duyên tình yêu khi ghé Boston. Lần đầu đến xứ này, nữ thần tình yêu Eros bảo một anh bạn học cũ Đà Lạt, đang làm luận án tiến sĩ tại MIT, giới thiệu mình với một cô sinh viên khiến mình bị tiếng sét ái tình lần đầu tiên trong đời, phải bỏ Luân Đôn qua Hoa Kỳ làm việc. Nhưng mối tình hữu nghị không trọn vẹn, khi bố mẹ cô nàng xét lý lịch trích dọc trích ngang thì cấm cô nàng đả thông tư tưởng với giai cấp phản động, kêu phi bác sĩ bất thành phu phụ.


Trước khi dọn qua Cali, một anh bạn khác, cũng đang làm luận án tiến sĩ ở MIT, được nữ thần Eros, mách anh ấy, rủ mình lên Boston chơi, và giới thiệu đồng chí gái. Kể ra để khoe, mình thuộc gia đình thuần nông nhưng quen khá nhiều tiến sĩ. Tính ra trên một tá. Chắc nhờ mình là hậu duệ bên ngoại của Mạc Đăng Dung. Sau này, đồng chí gái mới thố lộ, đã chấm tọa độ mình từ trước, khi lên vùng này sinh hoạt với sinh viên MIT. Thế là cả hai nhất trí bò về Cali, đăng ký quản lý đời nhau đến giờ.


Xem tấm ảnh cũ, chụp trong khuôn viên tu viện Don Bosco, New Jersey. Mọi người ngồi trên cái thang khán đài để xem đánh banh bầu dục. Đồng  chí gái nhận ra ngay người chồng ô sin của cô nàng ngày xưa. Em vẫn tìm thấy tôi trong đám đông xa lạ. Tấm ảnh nhất là anh bạn trưởng nhóm, con chim đầu đàn vừa gãy cánh tuần rồi, để lại nhiều tiếc thương cho giáo dân cũng như thân hữu. Mai sẽ gặp lại nhiều người sinh hoạt chung, đã biết nhau cũng như chưa bao giờ gặp mặt.


Xem tấm ảnh thì người đầu tiên mình nhận ra là anh chàng tên Trung, có râu, ở Uptown của Manhattan. Anh này có hát cải biên bài hát Mambo Italiano qua lời việt “Cha cha cha Ma ní lấy chồng Chà dà. Cha cha Cha ông Táo xức dầu cù là. Buông tôi ra vì tôi có chồng rồi mà. Tôi không buông vì tôi cũng có vợ rồi mà,… ba xi lô! Con gái lấy chồng chà dà” chỉ tiếc là mình không nhớ hết ca từ của bài ca chế này.


Người thứ nhì thì một anh không nhớ tên, cũng ở New York, ngồi cạnh linh mục Nguyễn Hoài Chương. Anh này thì tếu vô cùng, anh ta đóng kịch vào những dịp tết cộng đồng và lửa trại. Có lần anh ta đóng vai bác sĩ Việt Cộng, cứ kê toa thuốc “xuyên tâm liên” cho bệnh nhân. Bệnh gì cũng kê toa xuyên tâm liên đến khi lấy dao phay để mỗ bệnh nhân cũng cho xuyên tâm liên để cầm máu.


Người thứ 3 là Dương Trọng Hiếu, ở Philadelphia và anh vợ Nguyễn Duy Quốc Anh. Vào nhà anh chàng này thì thấy trên bàn thờ ông bố, nhận bảo quốc Huân chương trước 75. Hai anh chàng này là trụ cột văn nghệ của BNLV. Mỗi lần đi trại hay có họp mặt của nhóm là hai ông thần này đều có mặt. Hiếu chơi guitar, và nghiện phim bộ Hương Cảng còn Quốc Anh chơi Mandolin, nhưng sở trường là dương cầm. Hình như anh chàng có dạy các lớp dương cầm cho con nít hàng xóm. 2 ông thần này thì không gặp lại từ khi mình dọn qua Cali. Có liên lạc thỉnh thoảng qua nhóm.


Người kế tiếp tên Trung, làm cho IBM ở Poughkeepsie, anh chàng này lấy vợ sớm, người Mỹ thì phải nên vợ bỏ cũng sớm. Lâu lâu hay chở mình về nhà sau khi họp mặt với nhóm. Kế đến là Đinh Sơn Lâm, làm cho Bell Labs, phụ rể của mình. Đến An, em trai của linh mục Nguyễn Hoài Chương, nay ở San Jose. Đến anh chàng sinh viên U Conn, hát hò cả đêm, không cho ai ngủ hết. Đến Việt Anh, sinh viên MIT, có thời lo Vietnet, hệ thống liên lạc giữa các sinh viên gốc Mít. Hình như hệ thống này do Trung Dung (BU) và Nguyễn Thiều (UCI) thành lập. Mình có gặp Thiều mấy năm trước ở Cali, làm cho Toshiba. Sau này, buồn tình không chịu làm tiếp luận án tiến sĩ, bị bố mẹ la, lấy vợ, từ úc Đại Lợi thì mất tích luôn còn Trung Dung thì nghe nói sau này thành lập công ty riêng với bạn, trở thành triệu phú. Mình không gặp lại từ khi rời miền Đông.


Cạnh đó là Mai Ly, sau này lấy anh bạn học của mình khi xưa ở Đà Lạt, đã giới thiệu đối tượng một thời khi mình ghé Boston thăm anh ta khi sang Hoa Kỳ lần đầu. Có Khuê, em của anh chàng có cô bồ cũ lấy chồng Mỹ, nghe nói vẫn còn độc thân, tương tự Trương Quang Huy, một phụ rể khác của mình. Mấy cô thì nhận ra Bích Ngọc, sinh viên luật tại Columbia, bạn học với Đinh Đồng Phụng Việt, sau này làm tới thứ trưởng, bộ tư pháp Hoa Kỳ, viết đạo luật Patriot sau 9/11. Anh chàng này khi xưa, ăn nói rất nhẹ nhàng. Dạo ấy có Mai Lan, em của Mai Ly, 3 sinh viên luật khoa Harvard mà mình từng quen. Dạo ấy, đa số người Việt học kỹ sư và bác sĩ, gặp 3 người học luật nên mình phục họ, đi ngoài mô hình của người Việt hải ngoại. Có gặp lại Mai Lan ở Virginia, khi viếng thăm vợ chồng anh bạn. Có hai chị em sinh đôi ở New Jersey, một cô là dược sĩ, mình có gặp lại tại Virginia, cách đây 5 năm, lấy chồng, làm nhạc khá nổi tiếng trong cộng đồng người việt tại Virginia, quên tên, hình như Ngô Minh Trí, bạn một người bạn cũ của mình ở Đà Lạt. Cô này sinh hoạt nhiều đi xuống Virginia thì dính ông chồng, ở lại đó luôn.


Có một cô dược sĩ khác ở Florida, không nhớ tên. Chỉ nhớ là cháu của ông hội trưởng gia đình phật tử ở Connecticut, cựu đổng lý văn phòng của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, đã nhờ mình vẽ chùa cho họ. Sau đó, muốn cá độ mình với cô cháu trong khi mình lại thích con gái ông ta và một cô sinh viên Yale, cháu của tướng Ngô Du. Bà mẹ là bạn với ông Nguyễn Trọng Nho, một thời xuống đường chống chính phủ Ngô Đình Diệm, đàn áp Phật giáo, sau này làm chánh án tại Cali. 


Một cô khác là cháu của ông mai mình tên Thuỳ Dương thì phải, nghe nói ở San Diego nhưng không gặp lại từ đó. Cô cuối cùng mình nhận ra tên Thảo, sinh viên MIT, hình như bạn gái của anh chàng tên Vũ, cũng sinh viên MIT, sau này qua Nhật Bản làm việc rồi lấy vợ nhật luôn. Có một anh tên Hiền, học sinh cao học ở Princeton, hình như sau này anh ta đi Nam Cực để làm việc trong phòng thí nghiệm gì đó mấy năm. Hình như anh ta không thích mình, thân Hà Nội.

Có người yêu cầu đăng tấm này 

Có anh chàng tên Minh làm việc ở New York, được mình giới thiệu cho cô bạn, làm designer ở New York, trong một buổi họp mặt tại nhà mình. Sau đó hai người lấy nhau, về Việt Nam làm ăn rồi bỏ nhau. Cô vợ đã qua đời vì ung thư, mình có gặp bà mẹ ở chùa Virginia, khi sang thăm Đinh Anh Quốc.


Ngoài ra thì không nhận ai khác. Có lẻ những người này, không tham gia các sinh hoạt khác của BNLV, chỉ dự trại hè. Xem hình thì trại hè tương đối có nhiều nhân vật nữ, khác với các buổi họp mặt thường.


Cô ngồi bên cạnh mình, là cô hỏi mình sau khi nghe mình kể chuyện ông thầy hiệu trưởng Tây doạ cả lớp, ai ăn cắp nỏ thần An dương Vương thì trả lại còn không sẽ bị đuổi: “rồi sau đó có bắt được người ăn cắp nỏ thần không anh?”. 35 năm sau vẫn còn nhớ câu hỏi vớ vẩn này. Sau này, ở lâu tại Hoa Kỳ mới hiểu là giới trẻ ở đây nói tiếng Việt không rành, vì sang đây khi còn bé. Lịch sử Hoa Kỳ còn không tường huống chi lịch sử Việt Nam. Ngược lại ở Âu châu thì dân mít, dù sang Âu châu hồi nhỏ nhưng cũng ngáp ngáp được tiếng Việt. Ngày nay thì khác, với toàn cầu hoá nên giới mít sinh ra tại Âu châu hết nói tiếng Việt.


Qua Mỹ lần đầu chơi, mình được xem một video thi hoa hậu người Việt. Ban giám khảo hỏi một thí sinh, em muốn làm nghề gì sau này? Cô ta trả lời là muốn làm nghề bán bún khiến thiên hạ cười hà rầm khiến mình ngọng. Sau khi được cô bạn thuyết minh, hóa ra cô ta muốn theo nghề buôn bán nhưng nói lơi khơi ra bán bún bò như Mụ Rớt ở chợ Eden.


Bà chị dâu của mình, sang đây năm 75 nên tiếng Việt hơi ngọng. Bà mẹ kêu ra chợ mua bao gạo hiệu ông Địa. Cô ta ra chợ kêu cho tôi bao gạo ông Đĩ. Cô nàng về Việt Nam, hải quan hỏi địa chỉ ở Sàigòn, cô nàng kêu bỏ quên trong hành lá rồi khiến anh chàng hải quan chới với, cuối cùng cầu cứu một ông hải quan khác thì mới hiểu là để quên trong hành lý. Chán Mớ Đời 

Một số anh chị em BNLV đến dự đám tang chim đầu đàn đã ra đi

(còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 



Tôi không nhìn thấy tôi

Tuần này, có anh bạn thân, quen từ lúc đặt chân đến Hoa Kỳ, được Chúa gọi về. Bạn bè khắp nơi, lục hình ảnh sinh hoạt cũ, gửi cho nhau để ôn lại kỷ niệm về anh bạn. Mình đưa cho đồng chí gái, hỏi xem có nhận ra ai ngày xưa trong đám sinh viên miền Đông Bắc mà cô nàng đã theo học sau khi vượt biển, rồi định cư Hoa Kỳ. 

Cô nàng chỉ hình, nói anh nằm thẳng cẳng kìa khiến mình thất kinh. Mình chỉ thấy vài người bạn quen khi xưa nhưng không để ý đến 1 tên nằm trên đất. Hóa ra mình không nhìn thấy mình trong đám đông quen thuộc nhưng đồng chí gái vẫn nhìn thấy mình trong đám đông xa lạ. Phụ nữ giỏi thiệt. Có lần đi ăn cưới, một cô ca sĩ được giới thiệu lên sân khấu, mình hỏi đồng chí gái sao bà này thấy quen quen. Mụ vợ kêu bạn anh chớ ai. Hóa ra cô bạn học cũ ở Đà Lạt, đi hỏi vợ cho mình rồi mất liên lạc từ đó.


Mình chợt nhớ cảnh Omar Sharif, trong vai bác sĩ Zhivago, nhìn trong tấm gương phủ đầy bụi mờ, thấy bóng hình một lão già. 30 năm nội chiến, khói lửa đã biến 1 người thanh niên độc thân vui tính ngày nào, thành một lão già không còn nụ cười trên môi. Nhìn kỷ thì như đồng chí gái nói, dạo đó mình quá trẻ. Bây giờ thì Chán Mớ Đời 


Nhóm cựu sinh viên MIT và Harvard vùng Boston trong ảnh, mình có gặp lại vài người, nhất là ông mai, giới thiệu đồng chí gái cho mình, số còn lại thì từ khi lập gia đình, dọn về Cali, chưa gặp lại. Cho thấy đường đời không thẳng như chúng ta nghĩ mà phải chuyển hướng đi theo những khúc quanh dòng sông của cuộc đời. 


Khi lập gia đình, chúng ta đi chung với người bạn đời, trên con đường đời mới, bỏ lại sau lưng những người quen, đã đi chung một đoạn đường đời vừa qua. Trên con đường mới, lại gặp, làm quen những người bạn mới rồi từ từ lại đổi đường, đổi bạn. 


Mình thấy một tấm ảnh cũ ở Luân Đôn, tải lên thấy là lạ, có một anh ở đâu bên Anh quốc, kêu biết anh bạn đánh đàn chung với mình hôm văn nghệ của cộng đồng người Việt tại Luân Đôn. Mình không nhớ tên anh này. Sau vụ văn nghệ này thì mình đi Mỹ làm việc rồi ở lại luôn tới nay.


Mình thất kinh vì mấy chục năm nay không hát hò, chơi nhạc gì cả. Không lẻ khi xưa mình có làm mấy vụ này. Nếu không có tấm ảnh thì chắc cũng không nhớ một thời đã quên. Con gái xem ảnh kêu thằng con giống mình, tuổi xấp xỉ mình khi xưa. Nhìn lại mình đời đã rong rêu. Nói chung từ khi lấy vợ, mình không còn văn nghệ, tranh hoạ hay đọc sách gì cả ngoài làm thợ hồ, nông dân. Mình đã thoát ly quá khứ.


Hồi nhỏ có bạn học, bạn hàng xóm rồi đi tây, làm quen mới những người bạn ở xứ người, quên những người bạn cũ tại Việt Nam. Rồi đi làm ở Ý Đại Lợi, lại quen dân bên đó, rồi khi đi làm ở Thuỵ Sĩ, lại quen người bên ấy, quên người ở Pháp rồi sang Luân Đôn, lại làm quen, gặp gỡ người khác…. Ngày nay, chỉ còn liên lạc với một số ít. Đến khi lấy vợ thì cảm thấy không cần tìm bạn mới như xưa nữa. Đã tìm ra kẻ nội thù để đối chọi hàng ngày. 30 năm khói lửa, nội chiến từng ngày đã biến mình thành một ông lão.


Hôm ở Sàigòn, mình được hai chị em cô hàng xóm khi xưa ở Đà Lạt, mời ăn cơm. Cũng nhờ Facebook mới tìm lại nhau. Xem ra phải có duyên mới gặp lại. Anh của hai cô này khi xưa, chơi thân với mình nhưng nghe nói anh chàng mệt nên không đến gặp nhau được. Mình cũng có gặp lại vài người học chung ở Yersin. Nếu không có facebook thì xem như mất tiệt trong quá khứ. Xem ra cũng phải có duyên mới gặp lại. Tháng tới mình lên Seattle chơi với bạn của đồng chí gái, hy vọng gặp lại gia đình một chị hàng xóm khi xưa tại Đà Lạt, mới tìm lại năm ngoái.


Nhìn lại không biết những người đã gặp trong cuộc đời là bạn hay chỉ quen qua đường. Có chút nợ với nhau ở kiếp trước, kiếp này trả lại một nụ cười, một tô phở hay cái bánh rồi lại biệt tích, không bao giờ gặp lại. Cũng may có internet nên lâu lâu đọc tin tức những người quen một thời, một thời đã quên.


Tấm ảnh này, chụp khi mình đi trại hè lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Đúng hơn là lần đầu tiên mình đi sinh hoạt với người Việt đông như vậy. Nhờ trại hè này mình như lá rụng về cội, gửi mua sách báo việt ngữ đọc để học tiếng Việt lại sau 14 năm xa rời Việt Nam. Qua Âu châu, mình ít quen người Việt sinh sống tại đây. Có quen vài người rồi thay đổi chỗ ở, công việc. Qua Hoa Kỳ thì người Việt đông nên dễ gặp nhau, sinh hoạt chung, không cần tiếp xúc với người Mỹ như tại Âu châu. Bạn gốc việt tại Âu châu, mình có thể đếm trên đầu ngón tay.

Hình này còn một số người ngồi ngoài khung hình. Có mấy anh sinh viên từ Connecticut, New York, hát hò cả đêm, không cho ai ngủ cả. Nói cho ngay đi trại là không ngủ. Nhớ có chị bạn chở về sau khi hạ trại. Chị ta lái xe chạy lộn vòng vòng cả tiếng đồng hồ.

Trại hè được tổ chức trong khuôn viên của tu viện Don Bosco tại New Jersey. Như ở các nước hồi giáo, tu viện chỉ có mấy ông cha ở, không có thiết kế nhà vệ sinh cho phụ nữ nên mình được cử làm bảo vệ nhà vệ sinh. Chia phiên trai gái vào nhà vệ sinh. Lần đầu tiên mình khám phá ra con gái họ đi tè từng bầy đàn và rất lâu. Mình kiếm bụi cây nào đó làm một phát cho nhanh, đợi đến giờ mấy ông được sử dụng nhà vệ sinh thì vãi trong quần. 


Đứng canh đàn bà con gái đi tiểu nên có cô hỏi chuyện về chương trình của trại hè thì mình i tờ, lần đầu tiên đi trại hè, được ban tổ chức xung phong làm nghề gác cầu tiêu. Mặt mình thì đen đủi, hình sự như hải quan ở phi trường Tân Sơn Nhất, thêm thẹo thiết nên thiên hạ không có cảm tình, tống cổ mình ra gác nhà vệ sinh. Đứng xếp hàng đi vệ sinh thì có cả khối em gái rất xinh, rất thời trang. Có em đi giày cao gót, bận váy ngắn lên đất trại lại kéo theo cái vali to đùng cho hai ngày trại như cô dâu xứ Hàn về quê.


Lần đầu tiên trong đời mình từ ngày rời Việt Nam, mới đứng trước một đám con gái gốc mít nhiều như thế nên cũng hoảng. Đứng bên cạnh mấy em hít hà cái mơn mởn khiến mình cảm thấy yêu đời ra phết, quên mất người tình phụ.


Mình muốn gây một ấn tượng đẹp cho các em nhưng lại xấu trai, đen đúa. Con gái Việt Nam chỉ thích trắng như da hột gà nhưng ngẫm lại mình có duyên ngầm vì ông bà mình hay nói cái duyên bằng 10 đẹp trai. Mình vốn săn chuyện tếu lâm để kể cho mấy con đầm cười nên chọn kể chuyện tếu để tạo nét duyên dáng trai Việt cho các em.

Mình chọn kể chuyện về sử Việt Nam vì đang đọc cuốn sử Việt Nam, đại việt sử ký toàn thư.

Năm mình học lớp 9ème, trong giờ sử Việt đầu năm, thầy giáo nói về chuyện tình Trọng Thuỷ, Mỵ Châu rồi hỏi: "ai ăn cắp nỏ thần của vua An Dương?' Cả lớp im như chùa Bà Đanh. Mình ngồi bàn đầu nên ánh mắt của thầy chiếu tướng mình, mình kêu không phải em thầy rồi thầy chiếu tướng thằng T, một học sinh cá biệt, hắn cũng kêu không phải hắn, thầy đừng có nghi oan, đổ lỗi cho em. Ông thầy bổng nổi điên, chửi cả lớp, bảo nào là học đến lớp 9ème mà đếch biết ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương. Đó là bài học vỡ lòng về lịch sử Việt Nam. Bổng nhiên ông hiệu trưởng Tây, đi ngang nghe lao nhao trong lớp, tiếng ông thầy việt văn chửi bới nên chạy vào. Ông tây hỏi ông thầy dạy việt văn thì được giải thích là không có học trò nào biết Trọng Thuỷ, người đánh cắp nỏ thần An dương vương. Không nhớ ông thầy việt văn giải thích bằng tiếng Tây ra sao, khiến ông tây hiệu trưởng, mặt đỏ như Trương Phi, quát mắng cả lớp, bảo rằng đứa nào ăn cắp nỏ thần thì nhận ngay sẽ tha còn không nhận mà ông biết được sẽ đuổi luôn học sinh nào ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương. Mình ngừng.

Các cô chăm chú nghe quên cả mót đái, mồm hả to nhìn mình như con chiên nhìn thánh giá trong nhà thờ. Cái mặt mình bổng nhiên thấy ngu ngu chi lạ trong khi mặt mấy em như bò đội nón, nhìn mình như thể hỏi sao anh không tiếp tục kể. Rồi...., có em bổng như không chịu nổi sự yên lặng, quên cả mót đái hỏi: " cuối cùng có tìm được đứa ăn cắp nỏ thần của vua không anh?"

Mình chả biết trả lời ra sao, bổng nhiên chán vì trong đời không có gì khốn nạn bằng khi kể chuyện tếu mà không ai cười, mình phải nhắc giải thích lý do phải cười. Cuộc đời kể chuyện tếu lâm của mình chấm dứt từ đó. Lúc đó mới hiểu là các cô này sang Mỹ vào tuổi còn đái dầm, tiếng Việt bập bẹ, nhà nói đi chợ Việt Nam mua bao gạo hiệu Ông Địa, cô lại kêu bán cho bao gạo Ông Đĩ mà mình kể chuyện về Triệu Đà, Tỷ Đà… Chán Mớ Đời 

Tấm này, trại hè năm 1988 hay 1989, ban tổ chức in áo lửa trại đầu tiên. Mình còn bận đến ngày nay. Có anh bạn ở New York, làm nghề in áo thung bán cho du khách viếng thăm New York nên nhờ làm để phát cho trại viên. Hình này có cha Chương, con chim đầu đàn của BNLV.

Tấm ảnh này chụp khi mình và anh bạn giúp vui văn nghệ trong một buổi lễ của cộng đồng người Việt tại Luân Đôn. Tại Luân Đôn, cộng đồng người Việt tỵ nạn được chia thành 2 khối: khối đi từ miền nam và khối đi từ miền Bắc. Tuy là mang tiếng tỵ nạn cộng sản nhưng hai khối không thống nhất với nhau về lá cờ. Người đi từ miền Bắc chỉ muốn chào cờ đỏ sao vàng còn người đi từ miền nam chỉ muốn chào cờ vàng 3 sọc đỏ. Đưa đến lộn xộn, tranh cãi, cuối cùng đưa đến kết luận là chỉ chào cờ Anh quốc, không đem cờ Việt Nam ra mỗi khi họp mặt.


Đức Phật có lần chỉ mặt trăng, nói trăng đẹp nhưng học trò đều nhìn ngón tay của ngài. Quê hương là mặt trăng nhưng chúng ta cứ nhìn vào ngón tay để rồi tranh cãi, ngón tay xấu hay đẹp. Chúng ta đã đánh nhau, mất mát rất nhiều sau cuộc chiến uỷ nhiệm. Đánh cho tàu, cho Liên Xô, cho Mỹ, tạo nên hận thù đến ngày nay. Chán Mớ Đời 


Nhìn lại mấy tấm ảnh cũ, bổng nhiên cảm thấy lạ. Ngày xưa, chưa lập gia đình, không mong đợi gì nhiều. Cứ làm việc chỗ này vài năm rồi buồn đời, tìm được việc chỗ khác, lại đi tiếp. Dạo ấy cũng không biết làm việc ở Hoa Kỳ đến bao lâu. Có lần tính trở về Âu châu nhưng rồi bạn bè rủ lên Boston chơi, rồi phát hiện ra đồng chí gái. Về cali, lập gia đình đến ngày nay.


Nếu dạo ấy, mình trở lại Âu châu thì có lẻ sẽ có kết cục khác ngày nay. Cuộc đời như một dòng sông chỉ trôi ra biển, không bao giờ trở lại nơi khởi đầu. Hàng năm, các con cá hồi bơi ngược dòng sông, suối để sinh sản, rồi chết. Khi về già, người ta cố tìm về nguồn cội như các con cá hồi, chuẩn bị cho cuộc từ giả cuộc hành trình ra khơi theo dòng sông ra biển. Mình vẫn còn tiếp tục ra khơi. Có lẻ vì vậy chưa nhận ra mình trong dòng sông ký ức.


Mình kể chuyện Đà Lạt vì có nhiều người yêu cầu để họ tìm lại chút ký ức của Đà Lạt xưa.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 



Du hành động Sơn Đoòng, Quảng Bình

Bất đáo Sơn Đoòng phi sơn đen

Mình nghe đến động Sơn Đoòng lâu rồi nhưng không để ý lắm và cũng không bao giờ nghĩ sẽ đi viếng vì nghe nói ở  Việt Nam, họ phá nát các điểm du lịch tại Việt Nam do sự phát triển vô tội vạ, man rợ để lấy tiền ngay bây giờ mà không tường đến hậu quả cho mai sau.


Mình gốc Đà Lạt nên mỗi lần về thăm gia đình, không muốn đi đâu cả. Năm 1995, mình về Hà Nội, được đi viếng Chùa Thầy, quê nội mình, Chùa Hương và Hạ Long,… Quá đẹp! Nay xem hình ảnh các nơi này thì không muốn trở lại.


Năm ngoái có một anh do người quen giới thiệu, cũng dân Đà Lạt. Anh ta kêu 20 năm qua đi leo núi một mình, nay kiếm được người Việt leo núi nên mừng. Anh ta ở Florida thì lấy núi đâu mà trèo để tìm người leo núi. Mình đang dự định leo núi Kilimanjaro, rủ anh ta luôn. Tuần lễ sau, anh ta gọi muốn đi Sơn Đoòng không, còn một chỗ. Mình dự tính về thăm gia đình nên gật đầu đi. Đồng chí gái chửi tại sao không ghi danh cô nàng.


Mình nói chuyện với bà Deborah Limbert, 1 trong những người đã khám phá ra hang động lớn nhất thế giới. Ông Hồ Khanh, đi kiếm trầm, bị mắc mưa nên bò vào khu vực này núp mưa thì khám phá ra hang động. Thật ra là cửa hang thôi. Thấy hơi gió thổi ra thì biết có hang động vì vùng này có vô số hang động. Nghe nói có đến hơn 400 hang động. Hà Nội sử dụng các hang này khi xưa để trú bom, cất quân nhu,…

Sơn đen ngồi đâu cũng đen

Ông Hồ Khanh tìm ra hang động nhưng phải đợi vợ chồng bà Deborah Limbert và một người bạn, để dành tiền đến thám hiểm tìm phía trong. Phải những tay nhà nghề leo núi, hang động mới làm được trò này. Họ sử dụng laser để đo đạt cho chính xác ở trong hang, và tuyên bố là lớn nhất thế giới, phá kỷ lục của một hang động ở Mã Lai A. Không có ai tranh cả nên cứ giữ như vậy. Lý do là các hang động trên thế giới, đa số được giữ kín, chính phủ không đụng đến, muốn bảo tồn. Còn ở Việt Nam thì cần tiền nên phải khuyến khích du lịch.


Theo bà Deborah, sinh trưởng tại vùng Yorkshire, nơi đã có nhiều hầm mỏ đã giúp cuộc cách mạng kỹ nghệ của Anh quốc, biến xứ này thành một đế quốc rộng lớn nhất lịch sử. Bà ta kể khi còn học trung học, trường cho đi tham quan một cái hầm mỏ trong vùng thì bà ta đâm mê các hầm và hang động nên từ đó bắt đầu nghiên cứu các hầm mỏ, hang động. Sau này lớn lên, đi làm để dành tiền để đi viếng thăm các hang động trên thế giới. Bà ta rất khoẻ, không biết bao nhiêu tuổi nhưng mang dép rọ, leo hang để huấn luyện các nhân viên của công ty Oxalis.


Mình nghĩ là một may mắn cho Việt Nam, ông chủ của Oxalis đã mời vợ chồng bà ta làm cố vấn cho các hoạt động du lịch trong vùng này, dưới sự bảo trợ của công ty. Nhờ vậy mà vẫn giữ nguyên vẹn các hang động trong vùng. Họ cho biết lượng du khách muốn tham quan các hang động ở vùng này lên đến 500,000 người du khách, chưa kể thêm 1.5 triệu người hậu cần nhưng theo hiệp hội hầm mõ Anh quốc thì nên cho phép tối đa mỗi năm 1,000 du khách đến thăm viếng động Sơn Đoòng. 10 du khách thì có đến 26-29 nhân viên của hãng đi theo để lo hậu cần. Hai ngày đầu có 26 người và hai ngày sau thêm 3 người đem thức ăn tươi, tiếp tế trên đường. Vị chi có đến 39 người thêm bà Deborah là 40. 


Mình có quen vài tên ở Bolsa, nghe mình nói đi Sơn Đoòng, họ kêu là có đàn em, muốn đi là kêu chúng chuẩn bị là vô. Kinh. Mấy ông thần này ăn đặc sản Quảng trị nên nổ banh xác. Mình thì ngu, ai nói gì cũng tin đến khi bò lại đây thì trớt quớt.


Lý do khí hậu, vào tháng 9 là có mưa lũ nên họ chỉ hoạt động du lịch từ tháng 1 đến tháng 8, là đóng cửa. Do đó mỗi năm chỉ có 1,000 du khách được ghi danh đi viếng động Sơn Đoòng. Họ chia ra 100 tour, mỗi tour chỉ có 10 người khách. Cứ tượng tượng nữa triệu du khách đến vùng này thì chỉ cần 3 tháng là bay hết, tan hoang hết động với động.


Mỗi người trả $3,000, chính quyền lấy $750. Anh trưởng toán được trả 3 triệu, anh nuôi 2.7 triệu, phó anh nuôi thì 2.5 triệu, còn mấy người khác thì chắc 2 triệu. Hỏi họ khi không đi tour thì làm gì, họ nói đi làm hồ.


Mình đi 7 ngày đến Machu Picchu. 2 ngày đầu chỉ có toán của mình lang thang trên đường mòn. Đến khi nhập vào đường mòn Inca, mỗi ngày từ Inca trail có đến 500 người, đông như kiến. Còn đi kilimanjaro thì đông như quân Nguyên. Nội một công ty tên Altezza có đến mấy đoàn. Mỗi đoàn trung bình có thêm 30 người hậu cần. Mình thấy chai nhựa, giấy đi cầu được quăn khắp vùng chiến thuật trên đường leo lên núi. Cứ lấy Hạ Long mà xem hay Sapa là ớn lạnh, rợn người.


Được biết là hợp đồng oxalis và chính quyền đến 2036 nhưng cũng có thể họ hứng là huỷ bỏ hợp đồng nếu có ai tai to mặt lớn ở Hà Nội, muốn làm ăn ở đây. Oxalis là tên me mà mình hay bức ăn khi nhỏ.

Tên công ty oxalis mang tên loại me này

Lúc đầu họ tổ chức chuyến đi là 5 ngày 4 đêm. Nghĩa là đi vào cuối hang rồi trở lại. Hai năm gần đây, họ khám phá dốc đá, có lối thoát ra ngoài, không phải trở lại, được mệnh danh là bức tường Việt Nam. Nên chuyến đi được rút ngắn lại còn 4 ngày 3 đêm. Rút ngắn nên dư thì giờ nên họ cho du khách thay phiên chụp hình tạo dáng nghĩa là leo lên đồi, trên cao để chụp hình, toả dáng, lạng quạng là lăn xuống sông Son là ngọng. Trước kia vì đường xa nên ít có thời gian tạo dáng khoe lên mạng.


Chuyến đi khởi đầu tại văn phòng hay tiệm ăn của công ty Oxalis để mọi người đi chung toán gặp mặt,làm quen. Sau đó được hướng dẫn viên chính tường trình về lộ trình của chuyến đi. Họ xét giày của mình thì khuyên không nên sử dụng vì đường trơn và lội suối nên khó khô và nặng. Thế là mình mượn đôi giày bộ đội của họ. Giày mới hay mới giặt lại mà đã thấy có chỗ rách. Mình lấy đôi hơi rộng để trừ hao khi xuống núi. Ai ngờ đó là lỗi lầm tệ hại nhất. Leo núi, mình thường mang hai đôi vớ vì lạnh, đây ở Việt Nam nên nóng kinh hồn, chỉ mang một đôi tất thế là giày rộng, trơn trợt, khó đi khiến mình phải đi chậm cho chắc ăn. Phần bị jet lag. Lần sau, nên về trước ít nhất là 3, 4 ngày trước khi khởi hành. Để tránh jet lag.

Đây là Hang Én, nhìn trên cao. Ấn tượng nhất của chuyến đi. Mấy hang kia thì không thấy ánh mặt trời, ngoại trừ hai hố sụp.

Họ khuyên nên bận áo toả sáng vì trong hang tối, không thấy thằng tây đen nào. May mình mang theo hai cái áo của vườn mình, rất sáng chói vì mình bận để làm vườn. Lỡ có chuyện gì thì thiên hạ còn mò ra mình trong 20 mẩu đất, đầy cây cối. Vào hang tối, muốn chụp hình thì họ bố trí mấy anh hổ trợ tại nhiều góc với đèn pin để có ánh sáng mà chụp hình. Do đó có thể kéo dài thời gian di chuyển đến 3 giờ chiều mới đến đất trại. Tối đó mọi người ngủ tại nhà nghỉ do công ty đặt trước.


Ngày thứ nhất:

Sáng hôm sau, sau điểm tâm thì mọi người đem hành lý ra để họ cất ở văn phòng và sẽ đưa lên nhà nghỉ khi rời khỏi hang động. Sau đó thì mọi người lên xe vào vùng công viên quốc gia Phong Nha-Kế Bàng. Xe ngừng trên chiếc cầu để chụp chung tấm ảnh lưu niệm. Họ chỉ dòng sông phía dưới cầu rồi nói mùa lũ nước ngập lên tời cầu khiến mình thất kinh vì độ 40 mét chiều cao. 

Chụp kỷ niệm trên cầu, chuẩn bị đi xuống. Toán 10 người thêm bà quản lý Deborah Limbert. Người tìm ra hang động Sơn Đoòng với chồng và 1 người Anh quốc khác.

Trong xe, mọi người bắt đầu tự giới thiệu. Có hai ông tây bà đầm xứ Gia-nã-đại, gần Toronto đi nghỉ hè kỷ niệm 10 năm khói lửa, nội chiến từng ngày. Mình và một anh gốc việt từ Cali, 1 anh gốc việt từ Berlin, xem như 5 người ngoại quốc. Còn 5 người còn lại là sinh sống tại Sàigòn. Hình như có một anh làm việc ở Tân gia Ba. Một anh làm luật sư tại Sàigòn và 3 cô gái cũng từ Sàigòn ra. Có một cô bác sĩ.


Xe đến điểm khởi hành, mọi người xuống xe và đi tè trước khi lên đường. Mình nói cho cặp vợ chồng Gia-nã-đại, khiến ông ta mừng, cảm ơn đã thông dịch những gì hướng dẫn viên bảo cả toán. Sau đó mọi người bắt đầu đi xuống núi đến dòng sông, rồi đi dọc bờ sông, lội qua lội lại dòng suối, mùa lũ thì thành con sông lớn. Ướt giầy rồi khô rồi ướt, rồi khô lại ướt. Chán Mớ Đời 


Vấn đề là vắc. Mình nghe đến con này do mấy người đi lính kể nay mới thấy tận mắt. Họ kêu lấy vớ phủ cạp quần để tránh con vắc chui vào trong. Thấy một anh bị vắc hút máu, kinh.


Gần trưa thì đến cái bản người dân tộc. Hình như tên Đoong. Từ xa đã nghe karaoke vang ầm cả góc trời, cô gái dân tộc nào đang bolero tiếng chày bon bon. Kinh. Lần đầu tiên nghe sơn nữ Bru-van kiêu hát bolero. Đến nơi, họ chỉ cho xem trường học do oxalis, bảo trợ xây cho dân trong bản. Sau đó thì ghé nhà trưởng bản để ăn trưa. Nhà ở vùng này là nhà sàn. Thấy bà mẹ ông ta chạy theo vì ông ta đã xỉn vào lúc trưa. Họ giải thích; dân ở đây gọi bố là mẹ, còn mẹ là vợ. Vợ mình là mẹ mình là đúng đắn, cứ bắt mình làm cái này, cái kia, không được làm cái cái nọ. Chán Mớ Đời 


Anh nuôi cho ăn 6 món, xem như bửa ăn nào cũng có 6 món. Có lẻ để cho những ai thích ăn chay, không ăn mặn,.. ăn xong mọi người rủ nhau đi tè rồi khăn gói lên đường. Gặp toán đi Hang Én 2 ngày 1 đêm, đang trở lại.


Mình thấy cây môn rừng mọc khắp nơi, nghe nói chỉ để cho trâu bò ăn vì hơi độc. Băng rừng lội suối thêm hai tiếng thì anh hướng dẫn viên chỉ cái lỗ như 1/3 hình tròn trên núi, kêu đó là Hang Én. Nhưng cũng mất hơn 1 tiếng mới bò lại đây. Thấy hòn núi cao, có 1/3 lỗ bị khoét, phía dưới thì đá bị bào mòn bởi dòng sông nên có cái khe cách mả đất độ 1 .5 mét. Mọi người lội suối đi vào thì thấy hang to đùng. Mọi người bỏ ba lô lên cái phà được bơm hơi rồi theo hướng dẫn viên leo lên núi cao ngay cái miệng hang, 1/3 hình tròn. Nhìn xuống thấy một dãy lều cá nhân được xếp hàng dọc bờ hồ, với nước xanh. Đẹp lạ lùng.

Từ vượn lên người 

Sau chụp hình toả nắng xuống thì mọi người đi xuống, lên phà để được kéo qua bên kia hồ. Họ nói bận quần tắm vào rồi nhảy xuống hồ bơi. Mình đâu biết có vụ này nên không đem theo goggle nên chỉ dám quờ quạng gần bờ. Phải công nhận đã thật. Sau một ngày vượt Trường Sơn, được tắm ở đây quả là sướng như tiên. Họ kêu không được tắm tiên vì cá tra sẽ cắn con chim. Chán Mớ Đời chỉ có ở Nhật Bản là được tắm tiên.


Tắm xong thì lên có hai cái lều xông hơi. Họ đun nước xông, bỏ dầu xả vào rồi khi nóng thì họ bơm hơi vào lều. Đã thật.


Mình về lều cá nhân, ngủ một giấc vì còn jet lag. 6 giờ họ gọi dậy ăn cơm rồi đi ngủ lại. 1 giờ sáng bò dậy. Hết ngủ nên tới sáng là đừ người nhưng phải dậy để ăn sáng chuẩn bị lên đường.


Ngày thứ 2:

Mới năm giờ sáng, mình bò ra khỏi lều thì thấy anh chàng làm việc ở Tân gia BA, đang ngồi nhìn không gian, hay thiền chi đó. Từ từ thì ánh sáng mặt trời bắt đầu len kẻ từ từ vào miệng hang. Họ kêu mọi người ra thay phiên chụp hình. Kêu mình ngồi trên cái ghế làm như Le penseur của điêu khắc gia Rodin. Mọi người chụp xong xuôi, tính đi lên trên cao thì bổng nhiên có những tia nắng rọi vào miệng hang lại. Thế là bà con chạy lại tạo dáng tiếp. Phải công nhận có những ánh nắng bình mình rọi vào rất là đẹp. Mình chỉ muốn ở lại đây thêm vài ngày.

Hang Én nhìn phía trong thấy dãy lều cá nhân, cái lều để ăn cơm và chỗ đầu bếp.

Xong xuôi thì mọi người theo anh trưởng toán đi lên khe núi để nhìn xuống và chụp hình. Đẹp lạ lùng. Họ có tour Hang Én 2 ngày 1 đêm, ở lại đây một đêm, 1 ngày bò đến, ngủ lại 1 đêm rồi hôm sau bò về lại. Có lẻ mình sẽ đi chương trình này với đồng chí gái.


Sau đó thì đi xuống lấy ba lô bắt đầu lên đường, theo con suối đi vào sâu. Nghe nói đây là địa điểm họ quay phim Peter Pan-Pan and Neverland. Lại lội suối băng rừng qua lại rồi đến miệng hang, nơi ông Hồ Khanh trú mưa, khám phá ra cái động. Mọi người bắt đầu đi xuống thì cảm nhận luồng gió thổi ra nên bận thêm cái áo chắn gió cho chắc ăn. Vào hang Sơn Đoòng thì anh nuôi cho ăn trưa. Mỗi người mỗi suất cơm. Mọi người thay phiên nhau đi vệ sinh. Họ làm nhà vệ sinh hữu cơ như dân làng khi xưa. Bồn cầu rồi mỗi lần đi cầu thì lấy cái gáo múc trấu đổ vào bồn cầu. Phân sẽ làm nóng trấu và ủ lâu ngày sẽ thành phân hữu cơ. Trong thành phố có nhiều tên làm bồn cầu kiểu này trên sân thượng. Mình có tên quen ở New York, làm cái này trên sân thượng vào mùa hè.

Bồn cầu hữu cơ mà thành thị ngày nay ở tây phương hay làm lấy phân hữu cơ trồng rau sạch. Kinh. Lấy trấu rắc lên phân để phân tự huỷ

Ăn xong lại leo lên leo xuống núi đá rồi đến trại qua đêm. Họ kêu bỏ ba lô. Xuống rồi leo lên núi lại thì khám phá một khe núi có chiều ngang độ 1.5 mét. Thế là bà con nhảy xuống với áo quần, giày dép bơi qua bên sông. Nước lạnh nhưng đã kể gì. Bơi về rồi lên xông hơi lại. Tối ăn cơm cũng 6 món rồi đi ngủ.

Tắm cả quần áo và giầy. Lâu lâu cảm nhận một làn nước ấm trong giá lạnh. Chán Mớ Đời 

Ngày thứ 3:

Ngày này sẽ đi đến Hố Sụp 1 và Hố Sụp 2. Nước bào mòn phía dưới nên làm sụp một khoảng đất, để lại cái vòm trời cao. Họ nói băng qua vườn địa đàng chi đó, cây cối xanh rì, khá lạ như trong phim Avatar. Toán được chia ra hai nhóm để khỏi mất thì giờ. Toán này chụp hình ở đây thì toán kia chụp hình chỗ khác rồi thay phiên.

Cứ lội qua suối rồi qua suối để đi nên ướt giày lại trơn vì đi trên sỏi

Sau đó lại leo lên dốc đá với dây thừng buộc vào vách đá hay đu dây tử thần đi lên hay đi xuống. Mình bị té vì trơn thêm đôi giày bộ đội. Nghe bà Deborah đứng gần đó chỉ bảo bước qua trái qua phải rồi làm cái bịch va vào đá nhưng nhẹ không sao. 

Rồi đến hố sụp thứ 2, cũng lạ cảnh lạ nơi. Chụp hình tạo dáng. Trong sương mờ toả ra thì thấy dưới hang có dãy lều để ngủ lại qua đêm. Cả toán từ từ đi xuống. Hôm nay không có suối gần trại nên không tắm. Đi Machu Picchu 7 ngày, Kilimanjaro 10 ngày không tắm nên không sao. Ăn tối rồi đi ngủ vẫn còn bị jet lag.

Tạo dáng Thái Cực Quyền trên chiếc bánh cưới

Ngày thứ 4:

Hôm nay là ngày cuối cho chuyến du hành. Tối qua trời mưa, nước dâng cao nên có thể chèo thuyền, còn không có mưa thì lội bùn suốt 600 mét. Không hiểu sao họ không cho đứng lại chụp hình. Họ rửa giày mọi người trước khi lên phà để chèo đến bức tường Việt Nam mà họ mới khám phá cách đây 2 năm, nên có thể leo lên bức tường đá 90 mét rồi ra khỏi hang động Sơn Đoòng.


Mấy anh bao hộ chèo nhưng chắc oải quá nên họ không còn tinh thần chống Mỹ cứu nước nữa nên hò rất xìu. Quảng Bình quê Tôi ơi, khoai khoai khoai khoai, toàn khoai. Xứ này cứ ăn khoai rồi sậu. Bắp Ngô nhưng địa phương này gọi là sậu. Nay người ta khám phá ra ăn khoai lang là tốt. Chán Mớ Đời 

Đây là bức tường Việt Nam cao 90 mét. Phải chèo thuyền 600 mét hay lội xình tuỳ mùa rồi đu dây tử thần leo lên vách núi này để ra khỏi hang động Sơn Đoòng. Đá trơn vì nước nhiều xuống 

Đến cầu thang thì mới hiểu lý do phải rửa giày vì phải leo cầu thang cao 18 mét và đá trơn. Nếu còn bùn là khổ. Mình già nhất, đi chậm nhất nên họ xung phong mình leo trước. Bắt đầu cái thang dài 18 mét, sau đó móc dây thừng, đu dây tử thần lên nốt 62 mét dốc đá nghe nói 45 độ. Rồi cũng lên. Đỡ hơn lần đầu. Mình quên mất phải ưởn người ra phía sau nên cứ lêu bêu bị trợt té cái bạch va vào đá. Cuối cùng mọi người đều leo lên rồi bắt đầu ra cửa hang.


Lúc này mới châm vì đá vôi bị a-xít hoá nên cạnh rất sắt. Họ gọi là đá tai mèo. May là có găng tay để bám vào. Có lúc phải ngồi xuống bò cho chắc ăn. Họ cho mình nghỉ mấy lần để mấy anh bảo hộ hút thuốc lá. Rồi lội suối mới lên rừng, nơi vắc nhảy tưng tưng. Kinh


Cuối cùng cũng bò lên đường nhựa. Mình là kẻ lên sau cùng nên mọi người vổ tay hoan hô vì hết phải đợi trong cái nóng kinh hoàng. Mọi người chụp hình kỷ niệm với mấy anh hậu cần rồi lên xe về nhà trọ, kiểu sinh thái.


Có chị ở Sàigòn đề nghị cho tiền boa mấy người hậu cần 10% chuyến đi là $300/ người. Hai vợ chồng Gia-nã-đại lúc đầu nhất trí sau họ tính lại thì không chịu vì hai vợ chồng bỏ $600. Chỉ có dân Mỹ mới boa chớ tây đầm không quen vụ này. Bà Deborah cho biết thường tiền boa thì bà ta chia đều hết. Thấy cũng đúng vì du hành thành công là do sức của mọi người. Ai muốn cho thêm thì cho. Cuối cùng thì mọi người đồng ý 80% cho toàn hậu cần, 20% thì họ thêm mấy người bảo hộ và trưởng toán. Mình nhất trí nhưng lúc ăn cơm tối chung, mình lén đưa cho anh trưởng toán $100 riêng. Anh này có vấn đề đầu gối. Nói đi nhiều quá nay cái đầu gối phải bị lộn xộn. Chắc đi thêm 2 năm rồi xin nghỉ.

Cơm mỗi bữa tối thiểu 6 món
Nhóm chụp trước khi rời Phong Nha

Ăn xong thì mưa nên mình về phòng ngủ. Sáng mai dậy ăn sáng xong thì mưa nên bò vào phòng nằm tiếp đến giờ trưa ra ăn rồi đến giờ lên xe ra phi trường đi Hà Nội, về thăm quê, ở lại một đêm rồi bay vô Đà Lạt. 


Chuyến đi đưa mình ý tưởng trở lại Việt Nam, để viếng con đường mòn Hochiminh và dãy Trường Sơn nhưng không biết đồng chí gái có chịu hay không. Vùng này là nơi có chiều ngang nhỏ nhất Việt Nam, đâu có 50 cây số từ biên giới Lào đến biển. Học địa lý khi xưa nên không nhớ kỷ lắm. Có nhiều kỷ niệm cho chuyến đi. Ăn uống cực ngon so với chuyến đi Kilimanjaro. Đi chuyến đó họ cho ăn cực kỳ dỡ nhưng phải nuốt. 


Trong toán mình đi có 50% người bỏ cuộc không lên nổi trên đỉnh. Mình đoán là họ ăn không được nên mất sức. Có người chỉ ăn có quả trứng thì sức đâu mà leo lên 8 tiếng đồng hồ lên đỉnh. Không ngon nhưng cố nhắm mắt nuốt để có sức. Đây thì ăn ngon cực kỳ đến 6 món.


Mình nhớ nhất là khi mình hỏi một cô ở bến thuyền Phong Nha, xin ghép thuyền. Cô ta trả lời giọng Quảng Bình : “Dạ đụ rồi chụ ơi”, mình hỏi đụ khi mô, cô ta kêu đụ khi hôm. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn