Biết ai đây?

 Biết ai đây không? Câu hỏi này mình thường được nghe rất nhiều lần khi gặp người lạ. Mỗi lần khiến mình đã ngọng lại phải câm luôn. Đây là chị của một tên học chung trường khi xưa, không thân. Người học chung lớp mà 50 năm sau, gặp lại, mình còn đứng như ngỗng ị khi được giới thiệu, đây lại người chưa bao giờ gặp mặt. Có lẻ mình chưa bao giờ gặp mặt chị ta khi xưa tại Đà Lạt. Thêm ông chồng lại kêu khi xưa, gặp ông cụ mình hàng ngày tại toà tỉnh ở đường Yersin, gần kho bạc thế là ngọng câm luôn. Hoá ra vợ chồng con gái đầu của ông bà tiệm vàng Hoàng Ngọc Bửu ở khu Hoà Bình, người làng Kế Môn, học trò của ông BÙi Duy Chước, đường Minh mạng khi xưa.

Chỗ từ đường Tăng Bạt Hổ lên thấy cái hẻm đi luồng vào trong, có tiệm vàng Hoàng Ngọc Bửu, sau đó có tiệm bánh Thanh Nhàn, nơi lấy mức của bà cụ mình khi xưa để bán chợ Tết

Nếu dân Đà Lạt khi xưa, chắc không ai quên đối diện nhà hàng Mekong, có một passage, một đường luồng phía trong khu Hoà Bình, nối tiếp xuống cầu thang chợ Mới, có tiệm bánh Thanh Nhàn, đầu hẻm là tiệm vàng Hoàng Ngọc Bửu, hình như có bà con với ông bà Tư Bổ, tiệm vàng Huỳnh Ngọc, cạnh tiệm ông bà Võ Quang Tiềm mà cách đây 1 tháng, ông con ở Annecy, Pháp quốc, hỏi mình sao biết tên cúng cơm của mẹ anh ta. Như đa số các tiệm vàng tại Đà Lạt, thuộc dân làng Kế Môn. Nay họ di dân qua Houston rất đông. Mình có kể lý do làng này nổi tiếng về nghề thợ bạc vì ông tổ nghề này ở Làng Kế mÔn được đưa vào triều đình làm việc.
Dân học sinh Yersin khi xưa có con tiệm vàng rất nhiều như Kim Thịnh, Bùi Vàng, Tư Bổ (Huỳnh Ngọc), Hoàng Ngọc Bửu…

Mình đi ăn cưới cô cháu ở Boston, hai vợ chồng này là bạn của vợ chồng bà chị vợ nên gặp người đồng hương Đà Lạt xưa. Mình có nghe chị vợ nói đến cặp vợ chồng ni nhưng nay mới hội kiến người Đà Lạt xưa. Hoàng Ngọc Ánh có email mình một lần nói có bà chị ở Boston, quen với chị vợ mình. Hai vợ chồng, đại diện nhà gái để nói đôi lời với nhà trai. Nghe kể anh chàng mới ghé Boston chơi xem như hụt gặp lại bạn học cũ.

Sau đó ngồi nói chuyện, bổng nhiên anh chồng kêu mi kể chuyện về Đà Lạt đúng y bong, những người nào là anh nhớ hết. Kêu Lai Thái, Xí rổ,… hay thiếu tá Lê Xuân Phong của đại đội 302. Anh ta kể nhớ khi ông Đoàn thăng chức thiếu tá Phong tại toà tỉnh, thấy hắn còn trẻ ghê mà đã lên thiếu tá. Mình nói may là vì anh ta bị quân lệnh, không được thăng chức mấy năm vì có đàn em đánh lộn với quân cảnh và bắn súng vào đám lính gác trường Võ Bị khi ông Thiệu đang ở trong trường khi tổ chức lễ mãn khóa. Nếu mình không lầm thì theo ông Cornett thì anh Phong có đâu 50 huy chương của Việt Nam Cộng Hoà và 5 cái của quân đội Hoa Kỳ. Anh ta không biết Anh Phong đi cải tạo 10 năm rồi vượt biển. Kêu Việt Cộng bắt chắc là giết ngay vì đại đội 302 khi xưa nổi tiếng sát cộng tại Đà Lạt.

Lại kể vào những ngày hấp hối của Đà Lạt, tiểu đoàn 204 đánh chiếm lại Di Linh nhưng cũng  thiệt hại khá nhiều, bắt sống được một ông thượng tá của Việt Cộng và chiếc xe Molotova nên kéo lên Đà Lạt, để trước bùng binh vào chợ Đà Lạt, đối diện cà phê Hạnh Tâm, để trấn an người dân thị xã. Dựa theo cuốn sách của ông Al Cornett, cựu cố vấn của đại đội 302, thì dạo ấy quân số của đại đội 302 lên hơn 300 binh sĩ, xem như nhiều hơn cả quân số của một đại đội. Thay vì giải tán bớt cho các đội quân khác thì ông Nguyễn Hợp Đoàn, đề nghị thành lập tiểu đoàn 204, để giữ hết quân số của đại đội. Do đó vẫn giữ được chủ lực đại đội 302 của Đà Lạt xưa.
Nhà ga xe lửa Đà Lạt xưa

Đi ăn đám cưới thì gặp anh rể của chú rể là lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ, hiện đang tập luyện đợi bổ đi nơi khác. Anh ta kể là nhóm lính cuối cùng rời Á Phủ Hãn theo lệnh rút lui của ông Biden. Anh ta cho biết xứ này tham nhũng kinh khủng nên ai thờ ma nhà đó, không như người Ukraine tranh đấu vì đất nước họ, đây thì các bộ lạc ăn chia nên tốn của người Mỹ mà chả đưa đến đâu nên họ rút lui. Nay có lẻ sẽ đi Phi Châu vì ở Phi Châu, lính Nga ở đó khá đông. Dạo này cứ nghe nói về Phi châu, cứ đảo chính đủ loại. 
Xa quê hương, lâu lâu gặp lại một người đồng hương, kêu biết bố mẹ mình khi xưa thấy ấm lòng.

Lâu lâu mình có nhận email của hàng xóm hỏi thì nhớ, chớ những người không bao giờ gặp khi xưa mà hỏi biết ai đây không là ngọng. Khi xưa, mình không thích xem chương trình đố vui để học.

Nói chung thì sau bao nhiêu năm trở lại thành phố Boston đầy ắp kỷ niệm của một thời dại gái. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 


Vợ mình Văn người


Mình thường nghe người lớn tuổi kêu "văn mình vợ người" nên thắc mắc không hiểu lắm nhưng không dám hỏi, sợ bị chửi đồ ngu, dựa cột mà nghe. Không biết lý do gì, mà người ta khen vợ người khác, lại chê vợ nhà, ngược lại cho văn của mình là số một còn văn người khác là cà chớn.

Có lẻ khi xưa, ở làng quê, ít ai học chữ, truyền thông không như ngày nay nên lâu lâu ai hứng làm được bài thơ, vài người bạn biết chữ trong làng xúm lại, nhậu xỉn, bình bầu nên tự cho là số một như con ếch ở đáy giếng, kêu ẹc ẹc còn ngày nay sách báo tràn lan nên không thể tự cho văn thơ của mình là số một.


Mình tình cờ viết kể vài kỷ niệm của thời đi học ở Đà Lạt cho cô bạn học cũ ngày xưa rồi cô nàng hỏi còn nhớ gì khác kể tiếp, hứng lên viết ào ào chuyện đời xưa như sợ quên ký ức một thời. Viết xong mình cũng không nhớ đã viết gì vì không đọc lại. Hôm trước đi Yosemite chơi thì đồng chí gái mở nghe đài phát thanh Văn Học, có anh bạn kể lý do anh ta đọc lại và chọn lựa một số bài tiêu biểu để in thành tập “Mực tím sơn đen”. Kỷ yếu thứ 2 của cựu học sinh trường Văn Học, Đà Lạt xưa. 


Lúc đó mới hiểu ý định của anh ta thực hiện cuốn Mực Tím sơn đen. Anh ta cho biết những câu hỏi mình đặt ra về bản sắc, văn hoá,…, tố chất Việt sau 48 năm xa Đà Lạt cũng là những câu hỏi mà chính anh ta cũng tự hỏi. Anh ta kể nếu in hết thì mất đến 3 ngàn trang. Rốt cuộc cuốn sách đúng 471 trang mà cô em ở Đà Lạt kêu đúng số nhà của gia đình ở từ 60 năm nay. Mình không bao giờ nghĩ đến in sách vì ngay trong Ipad cũng để lộn xộn nhưng anh bạn này mến nên bỏ công sức rất nhiều, soạn theo thứ tự rồi xuất bản để bạn bè đọc cho vui như một kỷ yếu của cựu học sinh trường Văn Học, Đà Lạt một thời.

Hình ảnh từ Internet 


Lâu lâu có người imeo nói thích đọc loại thể bài về loại này, loại kia, người thì yêu cầu, đặt hàng viết về đề tài nào đó như Áo lụa Hà Đông, lịch sử ngục Bastille, nói đọc những gì mình viết đỡ mất công đọc sách vì đã được mình Bình Dân Học Vụ,… có người kể là đi xe với nhóm bạn, lấy bài mình viết, đọc cho mấy người bạn trong xe để quên đường xa. Mấy người này rảnh thì đọc bài thâu băng để hms tải lên đài phát thanh Văn Học cho vui.

Cũng có người đề nghị bỏ dấu chấm phẩy vì đọc mệt thở, vì phải uống mấy ly nước, người thì kêu ráng xem lại tự vị dấu hỏi dấu ngã. Nhiều khi mình viết với iPhone nên lười đổi Keyboard. Đọc i-meo của họ khiến mình vui nhất là những lời khuyên chân thành, giúp mình cố gắng đừng xúc phạm thiên hạ vì có nhiều người không thích tên cúng cơm của họ đăng trên diễn đàn, ngược lại có người gọi điện thoại hỏi tên này con kia mày viết tắc là ai bú xua la mua. 

Có người 10 giờ đêm, gọi hỏi câu gì mày viết tao chịu lắm nay bổng quên mẹ nó mất khiến mình như bò đội nón, không biết đâu mà trả lời. Hắn ngủ không được vì không nhớ lại đánh thức mình dậy. Mấy tuần nay mình cứ đoán mò xem cái cụm từ ấy là gì. Nhiều khi đang viết, bí chữ nên chế luôn, ai hiểu thì hiểu vì ngữ vựng tiếng Việt của mình rất ít vì học chương trình pháp ngữ khi xưa rồi học đại học ở Pháp quốc, nay ở Hoa Kỳ nên tiếng Việt cũng lọng cọng nên các bác châm chước dùm, đừng kêu em mất gốc. Còn lai nhai được một chút việt ngữ mà cô giáo dạy việt văn mấy năm trung học đệ nhất cấp (premier cycle) lâu lâu có đọc bài mình.

Nói đến đây thì phải cảm ơn những bạn đã bỏ công thành lập diễn đàn, xếp bài vỡ trên trang nhà để bạn học cũ có thể tìm lấy mà đọc hay nghe nhạc. Người thì ghi lại hết tất cả điện thoại, imeo của bạn học xưa mà hôm trước Cô Liên có nhắc đến. Những công sức âm thầm của những chiến sĩ vô danh đó thường không được nhắc đến. Nay tổ chức hội ngộ, họ lại tốn công, sửa soạn cho bạn học cũ và thầy cô giáo ngày xưa gặp nhau. Đó là những chân tình của những kẻ không muốn được nêu tên, đã đóng góp nhiều tiền bạc, thời gian để mọi người có một diễn đàn nho nhỏ để tìm lại nhau.

Tuần trước, có anh chàng lâu nay không thấy vào diễn đàn, nay từ Việt Nam mua vé sang Hoa Kỳ chơi luôn tiện ghé Cali thăm cô Liên, bổng kể những kỷ niệm ngày xưa học cô những gì. Có cô hát hay nhưng dạo này không thấy xuất hiện, bổng gửi những chuyện đời vui vui lượm lặt, chia sẻ với bạn học cũ,

Tương tự ở làng thì quanh đi quảnh lại cũng chỉ bao phụ nữ nên khi họ lên tỉnh thì khám phá ra nhiều cái lạ, thời trang như nhà thơ Nguyễn Bính khi xưa, ghen khi thấy cô gái trong làng đi tỉnh về, hoa đồng cỏ nội chút gì bay đi. Dạo mới sang Tây, mình thấy Đầm đẹp mê tơi, rồi sang Ý thì lại mê gái ăn spaghetti rồi sang Tây Ban Nha lại thấy đẹp nức nở rồi đi Đan Mạch, Thuỵ Điển thì mê gái tóc vàng, mắt xanh đến khi sang Mỹ thì thấy phụ nữ đẹp lạ lùng. Ở lâu quen thì thấy không có chi là đặc biệt nhiều khi thấy hơi thô thô, tương tự gái gốc Việt đều khác nhau vì bị ảnh hưởng văn hoá của nước sở tại.
Hình từ Internet 

Còn "vợ người" theo mình hiểu là vợ người ta hơn vợ mình thì mình như ngỗng ị. Nhiều người bạn chửi mình sao lại khen đồng chí gái khiến mình đã ngu lâu dốt sớm lại càng ngu bền vững, ngu có lập trường, ngu theo chế độ. Vợ mình thì mình khen chớ có khen vợ chúng đâu lại đi quở thiên hạ.

Ngày nay, có hai trường phái sử dụng máy điện toán: Apple và Microsoft. Công ty Apple có làm phật lòng khách hàng dùng máy móc của họ trước đây nhưng khách hàng vẫn trung thành tha thứ, đưa đến những iphone ngày nay nếu không thì đã xập tiệm từ lâu như AOL,… công ty Microsoft thì có đông khách hàng hơn nhưng khách hàng không trung thành với công ty này, kiểu xài tạm.

Mình có nhiều người quen, lấy vợ lấy chồng kiểu Microsoft nên khi thấy phần mềm khác thì khen chồng người ta như thế này, vợ người ta như thế kia, không bảo vệ thương hiệu của mình, mua dùng không đếm xỉa chi đến Microsoft. Anh dùng Microsoft Office nhưng thấy Google cho ra lò loại không tốn tiền thì anh bỏ trong khi người sử dụng Apple thì nhất trí dùng phần mềm của công ty này từ đầu đến mai sau cho dù phải trả giá đắt hơn.


Lấy vợ lấy chồng tương tự như xài Apple hay Microsoft. Mình phát hiện ra đồng chí gái và cố tạo dựng thương hiệu cho mối tình hữu nghị "Sơn Trinh", môi liền môi, răng liền răng, đời đời bền vững dù sông có cạn núi có mòn theo kiểu Apple. Vợ mình dù có cà chớn đến đâu cũng là vợ mình. Nếu vợ mình cà chớn là lỗi tại mình không biết giác ngộ vợ mình là mặt trời cách mạng, chớ không dính dáng gì đến thằng hàng xóm.


32 năm quản lý đời mình, đồng chí gái đã trải qua nhiều gian nan. Những ngày đầu, đem về giới thiệu gia đình bị bà con họ hàng chê bai, nói lấy chồng nghèo, để họ giới thiệu bác sĩ, nha sĩ nhưng đồng chí vợ vẫn kiên định, giữ vững lập trường, kiên quyết thoát ly theo mình làm cách mạng 1 cuộc sống 2 đời người. Mình nhớ tên 2b kể khi hắn đi lấy vợ, đàn bà có nhiều ước muốn, họ lên chương trình, năm này mua sắm cái này, năm tới mua cái kia,… đến khi gặp đồng chí gái thì mới hiểu.


Đồng chí vợ ra chỉ thị mua nhà trước khi làm đám cưới nên bao nhiêu tiền để dành, rút ra mua cái nhà. Ngày cưới, hai vợ chồng ngồi đếm tiền sau khi chào bàn để trả tiền nhà hàng. Đến khi mời ông bà cụ sang chơi năm 2000 thì đồng chí gái kêu mua cái nhà khác cho tươm tấc để ông bà cụ ở chơi cho vui và từ đó mình mới nghĩ đến mua nhà cho thuê. Nay thì đồng chí gái lại cấm mình mua thêm nhà, đành phải mua lén rồi về viết bản tự thú. Mình chỉ có một đam mê là tìm mua nhà không phải đặt cọc, ngoài ra không có gì làm mình nức nở cả.


Mình có tìm đủ mọi cách để xem vợ mình có khuyết điểm gì không thì không thấy, chỉ thấy đồng chí vợ cho ta mùa xuân, giúp mình sáng mắt sáng lòng. Có lẻ mình chủ quan. Đọc cuốn "Đắc nhân tâm" của ông Dale Carnegie thì có đoạn kể một bà vợ tham gia hội phụ nữ vùng lên. Bà ta hỏi ông chồng viết xuống 12 điều mà ông ta cần bà ta thay đổi. Chiều đi làm về ông chồng ghé tiệm hoa, mua cho bà vợ một tá đoá hồng rồi viết cho bà vợ là em không có khuyết điểm gì cả, cứ tiếp tục như vậy. Bà vợ khóc như mưa bất, chìm đắm trong hạnh phúc. Nhiều khi chấp nhận, thương người phối ngẫu, không cần họ phải thay đổi gì cả mà lại hay. Lâu lâu thấy khuyến mải, mua chậu lan về tặng vợ.


Có dạo mình đọc một cuốn sách của một tên mỹ nói là mỗi ngày hắn viết nhật ký, xem có cái gì hay của người vợ rồi ghi lại nên bắt chước nhưng mình thì thuộc loại đại lười, sau một tuần lễ ghi lại những ưu điểm thì mấy cái hay của đồng chí gái làm biến mất mấy cái tật cằn nhằn, cửi nhửi thường nhật như cái loa phường nên từ đó xem đồng chí vợ là tối thượng. Như xem Apple là tối cao, quang vinh, luôn tôn thờ. Ngược lại ai lấy vợ Microsoft thì cứ khen đáo, khen để phần mềm của vợ thằng hàng xóm, diễn biến hoà bình, ôm vào thì ôm đầu máu.

Hình từ Internet 


Trên facebook, có tên nào ngu dại, khen vợ người kể: "1 year ago, I swapped my wife for another attractive woman, I thought my wife was slovenly and unkempt. A year later, I met my ex-wife, she is incredible! She was just as beautiful as she has been the day we first met. And I understood everything. I didn't perceive the wonderful woman and mother in my wife. She created a cozy home and looked after the kids. She dedicated her free time not to herself but to me. She wasn't embarrassed by her sagging bust, and was proud of the fact she breastfed. She needed my support but I didn't even clean the dishes after myself. I didn't perceive the wonderful woman and mother in my wife but another man saw this."


Tình nghĩa vợ chồng như trồng cây, phải chăm sóc, tưới, vun sới, cắt tỉa cành xấu để cây hạnh phúc mới lên đều chớ một người bón phân, một người bỏ muối vào thì cây không sớm thì muộn phải chết.


Lâu lâu nhận imeo của vài người bạn, kêu chào nhà văn khiến mình ngượng vì không bao giờ có ý làm nhà văn. Nhà văn là người kiếm sống nhờ bài viết của mình trong khi mình chỉ bán được vài cuốn trên Amazon do một tên bạn mua tặng cho vợ hắn, 1 của một anh bạn đồng môn của đồng chí gái ở Việt Nam gửi mua mà cũng không thấy tiền nhuận bút gì cả. Mình chỉ tình cờ viết kể vài kỷ niệm của thời học trò rồi cô bạn kêu viết tiếp thì mình viết tiếp, không ngờ lên đến 3,000 trang mà nay thì chắc nhiều hơn mà mình cũng không cần nhiều đọc giả. Ai thích thì họ đọc rồi chuyền cho nhau nhưng mình đoán có độ 10 người đọc là quá.


Có cô bạn ngày xưa ở Việt Nam, nói là đều lưu hết những bài mình viết khiến mình rất cảm động. Cô này kêu khi xưa mình giỏi toán mà sao ngày nay lại viết kể chuyện đời xưa, đời nay hay đời mai khiến mình ú ớ, không biết trả lời. Có lẻ cô nàng sống ở Việt Nam nên quen cách phân chia, chọn lọc của chế độ, ai có quyền viết, ai có quyền hát,... phải là nhà văn ưu tú nhân dân anh hùng mới được viết, hay nghệ sĩ nhân dân mới được hát, trình diễn, ngoài ra chỉ được đọc và nghe.


Mình thích đọc văn thiên hạ hơn vì học hỏi được nhiều điều còn những gì mình viết thì trong vòng 1/2 tiếng đồng hồ, nhớ cái gì viết cái nấy, ai hỏi lại thì cũng chả nhớ đã viết gì, lại viết lén vợ cả bị la. Ai không nhớ cái gì mình viết thì đừng bắt chước ông thần kia gọi mình vào lúc 10:00 đêm. Mình cũng mù tịt vì ít bao giờ đọc lại những gì đã viết. Như những chi tiết mình ghi lại trong ngày trước khi đi ngủ, có thể gọi là nhật ký mà mình quen viết mỗi ngày từ khi đi học khoá của ông Steven Covey. Chỉ khác là mình viết tiếng anh và tiếng việt. Nên hơi mất công, bị vợ la hoài.


Một hôm có ông thần nào, đọc bài mình trên mạng, liên lạc hỏi tìm kiếm bài viết về đề tài nào đó đã đọc khiến mình ngọng vì mình chỉ ghi lại cho mình, chia sẻ với bạn bè. Thế là ông thần và người bạn học cũ của anh ta ở Việt Nam, làm cái bờ lốc mang tựa đề “Mực tím Sơn đen”, rồi tải trên 1,800 bài lên đó để ai muốn tìm thì tìm vì mình hay viết đủ loại. Họ phong mình là bờ-lốc-gơ chớ mình thì chưa bao giờ nghĩ. Có anh bạn học cũ, bỏ công để in cuốn sách gồm 100 bài viết tiêu biểu của mình về Đà Lạt, về cuộc đời  giang hồ phiêu bạt của mình thời độc thân vui tính hay những thắc mắc, suy tư về văn hoá việt hay tương lai của Việt Nam, nơi gia dình mình vẫn còn sinh sống.


Cuộc đời mình thích sống bình thường, không muốn ai biết đến. Mình chỉ ăn theo mụ vợ, bạn bè rất đông nhưng bạn mình ít ỏi. Có người đọc bài mình viết mấy năm liên tiếp nên buồn đời, in sách một số bài của mình mà anh ta cho là đáng đọc. Lý do là mình kể tùm lum chuyện nên anh ta phải chọn lọc, người thì tự ý làm bờ lốc cho mình. 


Tính đến nay có viết trên 1,819 bài, bài này là thứ 1,820, có trên 642494 lượt đọc. Trung bình có trên 1,000 lượt đọc mỗi ngày, bài được được nhiều nhất gần 10,000 lượt đọc. Thể loại được đọc nhiều nhất là về Đà Lạt xưa, cuộc nội chiến khói lửa với đồng chí gái và ký ức chiến tranh Việt Nam. Bài gần đây, chỉ trong vài tiếng đồng hồ có trên 1,500 lượt đọc là Giả Từ Ác Mộng, bị đồng chí gái kêu gỡ xuống. Đồng chí gái có nằm vùng trên mạng, nên dù không đọc bài của mình, cô nàng vẫn được các chiến sĩ an ninh mạng báo cáo đều. Cái gì họ không thích là kêu đồng chí gái bắt mình gỡ xuống vì diễn biến hoà bình, do thế lực thù địch đâm chọt. Chán Mớ Đời 

Hình từ Internet 


Trước đây, độc giả đa số là tại Hoa Kỳ nhưng nay thì Việt Nam chiếm đa số, có nhiều người đọc từ các xứ sở mình không ngờ. Người thích cũng có. Người chỉ trích cũng có, họ cò mồi để xem mình có phản ứng. Thật ra mình chỉ thích đọc sách báo, không có thì giờ để ý đến chỉ trích hay khen tặng. Ông thần làm bờ lốc cho mình, cứ than là mình chả trả lời nhiều những comment của thiên hạ. Mình thường trả lời cho người bạn quen ngoài đời. Còn trên mạng, không biết họ là ai nên không thể nào trả lời cho đúng, ghi tóm tắc lại rồi bỏ lên bờ lốc. Ai thích thì đọc không thích thì chịu, tương tự bạn bè hay gửi cho mình bài của họ viết. Họ mến mình nên muốn chỉa sẻ, mình thích thì nhấn like còn không thì thôi.


Có nhiều còm mình đều đọc và ghi nhận để trả lời trong một bài khác vì cứ trả lời từng còm là hết thời gian làm vườn.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

USA vs VN, bạn ủng hộ phe nào?


Hôm kia xem trận đầu tiên giải túc cầu nữ thế giới, giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hóa ra mình ủng hộ đội Hoa Kỳ còn Việt Nam thì cảm xúc khó hiểu. Cứ nhìn những cái áo đỏ là mình rất khó chịu như bị dị ứng. Lâu lâu mình có xem trên kênh Paramount +, tóm tắc các trận đấu giải ở á châu. Khi đội tuyển Hà Nội, bận áo vàng hay trắng thì mình xem, còn áo đỏ là mình tắt.


Mình đều thích các đội banh mặc áo đỏ như Liverpool, Bayern Munich, Manchester United nhưng mầu đỏ của mấy đội tuyển rất khác, trong sáng không như màu lá cờ đỏ Hà Nội. Có lẻ đẫm máu người Việt rất nhiều từ 80 năm qua.



Cứ như những lá cờ đỏ mà ông Trần Dần đã viết lên khi xưa trong bài “nhất định phải thắng” mà lần đầu tiên về Đà Lạt sau 18 năm xa cách, mình mới cảm nhận được khi đi đến phố Hoà Bình để tìm lại chút hình ảnh ngày xưa trong cơn mưa với đầy cờ của chế độ mới.

……


Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
        không thấy phố
              không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa.
         trên màu cờ đỏ

…….. (Trần Dần)


Có một đội tuyển á châu khác tham dự có 10% dân số của họ sinh sống tại hải ngoại. Là nước cung cấp y tá điều dưỡng và ô sin cho thế giới. Cách đây 30 năm mình ghé Hương cảng, vào ngày chủ nhật, đi ra gần bến tàu thấy toàn là phụ nữ Phi, bỏ gia đình con cái để đến đây làm ô sin hay điều dưỡng viên cho dân xứ sở này, chủ nhật họ rảnh nên ra đây ngồi, đem thức ăn theo để chia sẻ với bạn bè cũng quê, cùng một lứa bên trời lận đận. 5 năm trước, mình trở lại Hồng Kong tương tự hình như còn đông hơn xưa, khiến họ phải vào ngồi trong các cầu bộ hành. Những nạn nhân của một tầng lớp nắm quyền dốt nát, tham nhũng mà chúng ta thấy ngày nay con trai của tên độc tài Ferdinand Marcos, trở lại xứ này làm tổng thống, sau mấy dòng họ khác giàu có thay phiên như Aquino,…

Đội bóng Filipinas chỉ có 1 cầu thủ duy nhất sinh sống tại Phi Luật Tân, còn lại sinh sống tại người quốc, có đến 18 người từ Hoa Kỳ. 


 Đội tuyển của họ gồm 23 cầu thủ mà chỉ có 1 người sinh tại Phi Luật Tân còn ra 18 người từ Hoa Kỳ, 1 người từ Gia-nã-đại,… huấn luyện viên của Phi luật Tân cho biết là đội tuyển của họ được kiều bào phi, ủng hộ khắp nơi khi đi thi đấu bởi người Phi sinh sống tại nước sở tại. Ông ta gốc người Serbia và sinh sống tại Úc cho biết là người Úc, cổ động cho các quốc gia, quê cha đất tổ của họ rất nhiều.


Người Việt trong nước lại kêu chưa chắc đã được cho xem trực tiếp vì sợ có thế lực thù địch, đem cờ Việt Nam Cộng Hoà ra phất trên khán đài.


Kỳ đại hội thể thao đông Nam Á vừa qua, mình có đọc báo Việt Nam, cho biết có 2 chị em người Mỹ gốc việt tham gia đội tuyển Việt Nam, đoạt huy chương vàng. 2 cầu thủ chính cho đội chính 6 người, xem như 33% đội tuyển. Có rất nhiều sinh viên hay học sinh người Mỹ gốc việt, được đào tạo bài bản của hệ thống học đường Hoa Kỳ nhưng khó chen chân vào đội tuyển quốc gia nên có thể chơi cho đội tuyển Việt Nam. Cái này nếu Việt Cộng khôn khéo có thể kéo thế hệ thứ 2 về  đầu quân cho đội tuyển họ.

Trước trận đấu mình thấy dư luận viên Hà Nội đưa ra tấm ảnh này khiến mình thất kinh.

Có điểm mình thấy rất lạ nhưng đã phản ánh văn hoá người Việt. Gia đình Việt Nam lúc nào cũng trọng nam khinh nữ, chăm sóc, cưng chiều mấy người con trai, bỏ bê con gái nhưng cuối cùng thì con gái lại sáng hơn con trai. Mình đoán đội tuyển nữ Hà Nội, chắc lương bổng không bao nhiêu, thậm chí khi chụp hình, cũng phải nhường cho con trai, mấy nhà mạnh thường quân đứng trước dù mình nhỏ thấp hơn nhưng lại được vé tham dự giải túc cầu thế giới, còn mấy ông con trai thì chỉ loanh quanh với khẩu hiệu Thái Lan thua Việt Nam đến 15 năm. Kinh


Lương bổng của nữ cầu thủ Hoa Kỳ không hơn thậm chí thua xa, rất xa nam cầu thủ. Lý do là ít khán giả xem nên ít quảng cáo truyền hình và trên sân. Dù nữ cầu thủ lên tiếng đòi lương bằng nam càu thủ nhưng ở Hoa Kỳ, cái gì cũng qua quảng cáo. Nếu ít lượng khán giả xem thì ít ai mua quảng cáo ngoại trừ coca cola. Chán Mớ Đời 


Đây là một bước lớn cho đội tuyển Hà Nội, hy vọng họ tiếp tục tập luyện nhất là có môi trường cho mấy cô gái Việt Nam chơi thể thao. Thời mình ở Việt Nam, ít thấy con gái chơi thể thao, có vài cô đánh bóng bàn, vũ cầu…. Sau khi ông huấn luyện viên họ Mai về hưu thì đội tuyển không biết ra sao, hay mấy người ăn có nhảy vào phá nát hết những gì ông ta đã xây dựng.


Mình ủng hộ đội tuyển Hoa Kỳ và pháp vì có sổ thông hành của hai nước này. 


Có người tự cho là người khôn lanh, kêu chỉ ủng hộ ai đá hay thôi. Thể thao mà. Toàn là bố láo. Họ mở mồm nói thế là chưa bao giờ đi xem một trận đấu. Mình nhớ lần đầu tiên đến Luân Đôn, thấy có đá banh ở sân vận động quốc gia nổi tiếng nơi đã có trận chung kết nghẹ thở năm 1966 giữa Anh quốc và Đức quốc tại Wembley. Mình bò đi xem thì không may đúng hơn là không biết mua vé. Dành cho đội mình yêu thích. Thay vì mua Liverpool mình lại mua nơi khán đài  của Arsenal. Khi cầu thủ Keegan của Liverpool đá lọt lưới thì mình hoan hô trong khi nguyên một cánh khán đài của mình đang đứng, đều xoay qua nhìn mình với những ánh mắt hoả châu. May thời đó chưa có Hooligans không thôi là Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen đã bị đánh nằm viện.


Mình nghĩ trong trận này thì gia đình mình bị chia hai phe; phe ủng hộ Hoa Kỳ là mình, có thể hai người em bên Pháp còn số còn lại ủng hộ Việt Nam. Có một cô em ở Hoa Kỳ nhưng cô nàng được nuôi dưỡng từ mái trường xã hội chủ nghĩa từ bé, đến Hoa Kỳ sau khi lập gia đình nên cách nhìn rất Việt Nam, gắn bó với Việt Nam nhiều hơn. Không tham gia vào dòng chính của Hoa Kỳ.


Xem trận đấu thì cầu thủ Việt Nam đứng đâu tới nách của cầu thủ người Mỹ là thấy thua vụ đội đầu banh đưa cao. Đội Việt Nam chỉ thủ và hy vọng phản công nhưng phản công thì phải chạy nhanh, mà đứng tới vai thì khó mà chạy qua mặt hậu vệ mỹ, chân dài như ngựa. Chán Mớ Đời 


Ngoài ra, nay là mùa đông ở Nam Bán cầu, cầu thủ Hà Nội không quen với độ lạnh nên cũng thất thế. Không biết Hà Nội có cho họ luyện tập vài tháng hay đá giao hữu với các đội bóng ở âu châu để quen với độ giá lạnh để quen đá vào thời tiết lạnh. Chắc không vì trình độ thấp, chắc không có liên đoàn bóng đá nào mời nên muốn đá thì bỏ tiền ra, cho đội tuyển qua các xứ lạnh tập.


Có lẻ thủ môn của Hà Nội, là cầu thủ hay nhất của trận vì không có cô ta thì Hà Nội còn bị thua đậm hơn. Cô ta nhảy cao để đấm banh, giải vây. Nếu cô ta không đỡ được cú phạt đền thì có lẻ tinh thần sẽ xuống và số bàn thắng còn đậm hơn.

Rốt cuộc mỹ sút 28 lần và lọt 3 trái, 1 quả bị lỗi việt vị, 2 trúng xà ngang trong khi Việt Nam không có màn tấn công nào cả khiến thủ môn Hoa Kỳ phải chống đỡ. Có lẻ sợ bị như đội tuyển Thái Lan ăn 13 trái như lần xuất quân đầu tiên 4 năm về trước. Cho thấy đẳng cấp đá banh Hà Nội ngày nay rất kém với so với thế giới, giúp Hà Nội có cái nhìn rõ hơn để có một chương trình huấn luyện từ học đường. Phải mấy chục năm nữa mới hy vọng đá ngang hàng với âu mỹ.

Thua thì nói thua, tại sao lại vác đội tuyển Thái Lan vào. Đội tuyển Hoa Kỳ năm nay, thực lực không bằng 4 năm về trước, có đến 14 cầu thủ mới và trẻ. Những người như Alex Morgan đã già, Rapinoe thì đã lấy vợ nên hết sức, chỉ đá được 20 phút cuối. Nghe nói được vớt vào đội tuyển vì cần có chút cầu thủ kinh nghiệm để truyền lại cho đàn em mới.


Mình nhớ khi xưa, xem đội nữ của Nhật Bản đá rất te tua nhưng ngày nay thì da trắng da đen gì cũng sợ họ cả. Có lẻ họ có cái tính khiêm nhượng, học hỏi, tập luyện ở người tây phương. Đã từng đá bài Hoa Kỳ trong trận chung kết 12 năm về trước.

Thái Lan chúc mừng và cổ vỏ đội tuyển Việt Nam, đại diện cho vùng Châu Á trong khi Việt Nam thì chê họ thậm tệ. Chán Mớ Đời 


Hôm nào Việt Nam đá với đội tuyển Hoà Lan vào trận chót thì càng chới với vì cầu thủ của họ cao lêu nghêu như Johans Cruyff. Toàn là cao trên 1.8 m. Là trận chót nên Hoà Lan sẽ tìm cách đá lọt bàn cho nhiều để đứng đầu bảng, cứ đá vào vòng cấm địa rồi cầu thủ cao lớn của họ cứ nhảy lên đánh đầu là xong om. 3 đội kia đều có trình độ gần nhau, ai thắng Việt Nam đậm nhất là có hy vọng bước vào vòng trong.


Chán Mớ Đời 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Cha bú sữa con gái

Dạo này trên mạng họ chuyền nhau một câu chuyện về một tấm tranh, cô con gái viếng thăm ông bố, một tử tù, không được ăn nên cô ta lén cho bố bú sữa của mình, giúp ông ta sống và cuối cùng được ân xá. Tấm tranh này được bán với giá đâu trên 30 triệu đô-la khiến mọi người ùa vào nhấn like mệt thở cũng như chửi bới, kêu loạn luân đủ trò. Ông bố ăn cắp một ổ bánh mì và bị vua Louis 14 kết án tử hình không cho ăn đến khi chết. 


Rồi họ bình luận, cho là ghê tởm, người thì kêu loạn luân, người thì ủng hộ, nói lên sự hiếu thảo,… như mấy quan toà, ra lệnh thả ông ta. Vấn đề là hình ảnh này cô con gái cho bố bú sữa nói lên lòng hiếu thảo, được rất nhiều người vẽ từ xa xưa. Mình có dịp xem vài tấm khi xưa ở Paris như của ông Paul Rubens, vẽ trước thời vua Louis 14. Tuyệt nhiên tấm ảnh được đăng trên mạng, thì chưa bao giờ xem nên tò mò.


Có tấm ảnh chụp năm 2002, thấy chữ «Donné par l’état  Bức tranh để trong mairie của thành phố Melun, phía đông nam của Paris, có ảnh của tổng thống Paul Doumer, cựu toàn quyền Đông Dương, người ra chỉ thị xây dựng Đà Lạt. Nếu đọc kỷ sẽ thấy câu “donné par l’état “ biếu bởi nhà nước thì chắc chắn không được bán.

Đọc tin tức này với tấm ảnh thấy có gì không thật lắm, thời vua Louis 14 khác với thời Louis 16, dân chúng đói khát nên vùng lên đập đỗ chế độ quân chủ. Thêm nữa một ông vua của một xứ to đùng lại ngồi toà phán xét một người ăn cắp bánh mì baguette. Chán Mớ Đời  Mình bắt chước ông Nguyễn Du, 100 năm trong cõi người ta những gì không biết thì tra gú gồ thì không thấy nhiều tin tức về vụ này, tấm tranh được bán trên 30 triệu. Tuyệt nhiên không thấy các báo nghệ thuật hay các công ty chuyên về buôn bán tranh ảnh, nói đến vụ bán tấm tranh này.


Họ cho rằng tấm tranh La Charité  Romaine của họa sĩ Jules Joseph Lefèvre và tấm tranh này chưa bao giờ được bán đi. Lý do là tấm ảnh đã được chính phủ Pháp mua năm 1864 với giá 1,500 phật lăng, được trưng bày tại viện bảo tàng thành phố Melun năm 1865. Sau đó chính phủ Pháp đã tặng thành phố Melun, được treo ở sảnh làm đám cưới của thành phố.


La charité là một câu chuyện Cimon et Pero thời La Mã. Kể về ông Cimon bị tuyên án hình sự bị bỏ đói đến chết. Tuy không được phát lương thực nhưng ông ta vẫn sống sau 1 tháng trời nhịn ăn. Cuối cùng quản giá khám phá ra cô con gái tên Pero, có chuyện kể là vợ ông ta, lén cho ông ta bú sữa, giúp ông ta sống sót. Có người kể là cô con gái bị giết luôn, có người kể có hậu hơn là cô con gái đã giúp bố cô ta thoát chết và được tha.


Mò mò thêm thì được biết câu chuyện cô con gái cho bố bú sữa để sống đã có vào thời La Mã mà các sử gia gọi là lòng từ thiện La mã. Họ có tìm thấy một bức tranh vẽ cảnh này trong đống gạch vụng của  thành phố Pompei, đã bị chôn vùi dưới tro tàn của núi lửa Vésuve. Mình chưa tìm ra tấm tranh này, bác nào thấy thì cho em xin.

Thật có nhiều hoạ sĩ đã vẽ bức tranh “la charité romaine” như ông hoạ sĩ nổi tiếng Paul Rubens ở viện bảo tàng Amsterdam hay lâu đài Fontainebleau cũng có xem được một lần khi viếng chỗ này.

Dạo này, mình bị hố hai tin tức mình đưa lên mạng, sau phải xoá đi vì bạn bè kiểm chứng lại thì cho là fake news.


Như tin bức tranh được bán với giá khủng, rồi dện vào tin tức thời vua Louis 14 thì hơi quá. Bị hố hai tin nên mình phải mò kiếm tin tức về tấm tranh này thì khám phá ra fake news. Cho thấy thiên hạ muốn thiên hạ nhấn like nên tạo ra những thông tin giật gân. Do đó chúng ta cẩn thận hơn khi xem tin tức trên mạng.


Trong phim Áo lụa Hà Đông, có cảnh một bà vừa có con nhưng nghèo nên phải bán sữa cho một gia đình giàu ở Hội An. Thấy cảnh lúc đầu, có tấm cửa, khoét một lỗ tròn để người đàn bà bán sữa mình, bỏ cái vú vào đó. Sau tấm cửa thì ông già gốc Hoa bú. Rồi từ từ ông ta yếu quá đứng không nổi nên có cảnh ông ta nằm trên chân của người phụ nữ để bú như con nít ngày xưa bú sữa mẹ. Đạo diễn tạo ra không gian khá đặc biệt. Xem phim xong mình hỏi đồng chí gái sau này anh già có cho anh bú sữa đàn bà không. Mụ liếc mắt Xí một cái thật to . Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đà Lạt sạt lỡ

Tuần trước đi chơi, thấy trên mạng đưa tin sạt lỡ đất đai ở Đà Lạt. Xem hình ảnh thì phải công nhận người dân Đà Lạt ngày nay không sợ súng, xây talus khơi khơi, nữa vời.

Sạt lỡ Đà Lạt khiến mình thất kinh. Việt Nam đoạt rất nhiều giải quốc tế như áo dài dài nhất, bánh chưng dài nhất, toàn là những thứ mà ở xứ khác không ai biết đến và nay là xây talus cực đỉnh nhất.

Vụ sạt lỡ khiến mình nhớ đến khu vực cạnh chợ Mới và khu Hoà Bình. Khu vực Hoà Bình, trước khi xây chợ Mới phía dưới thì có một khu phố 1 tầng bên tay phải chỗ đường Lê Đại Hành chạy lên, xem hình, tạo một không gian của khu Hoà Bình khá hay như mấy quảng trường ở bên tây hay Ý Đại Lợi. Có nhà thờ ở giữa rồi phố xá bốn bên, đây không có nhà thờ nhưng họ cho xây cái tháp chuông, còi hù giới nghiêm cao lừng khừng như nóc chuông nhà thờ.

Hình này chụp từ đường Thành Thái. Bên tay phải chỗ dốc Lê Đại Hành chạy lên, chúng ta thấy một dãy phố, 1 tầng xây như kiến trúc của vùng Normandie của pháp. Cái chuông còi hụ thay vì cái chuông nhà thờ là điểm nhấn của Đà Lạt, vì ở đâu người ta cũng nhìn thấy như ở các làng hay thành phố ở âu châu.

Bổng nhiên kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cho phá vỡ khu này và đền cho chủ mấy căn ở dưới chợ mới như ông bà Nguyễn Văn Ngạch,… mình không hiểu lý do vì sau đó có cho xây một đám kiosque nhỏ rồi cũng dẹp luôn, còn lại vài kiosque bán áo len, xấu xí.

Mình đoán là các kiosque này được xây trước khi họ cho xây dãy phố một tầng như hình trên. Theo mình có lý hơn vì sẽ bao quanh chợ cũ (Chợ Cây), tạo dựng một không gian riêng biệt. Lý do là thấy cây thông và vườn rau tại địa điểm của Chợ Mới sau này. Phía trên đồi, là dinh tỉnh trưởng. Lúc này khu phố của photo Hồng Châu chưa được xây cất, chỉ thấy thấp thoáng dãy phố của đường Phan Bội Châu. Phía bên vực thì có mấy quán cốc lèo tèo, sau này được dỡ bỏ.

Hôm trước thấy hình ảnh và video của người Đà Lạt quay cảnh sạt lỡ đất thì mình mới hiểu lý do, họ cho phá dãy phố phía đông của khu Hoà BÌnh.

Đây là bản vẽ thiết kế khu Hoà BÌnh năm 1932, khi bão lụt phá vỡ cái đập Hồ Lớn (Grand Lac) khiến người Pháp phải chuyển chợ người Việt từ khu vực ấp Ánh Sáng lên khu Hoà BÌnh, trước đây đã có một chợ nhỏ cho người Pháp. Ta thấy chỗ dãy Photo Hồng Châu, dãy nhà của Đội Có và dãy phố Bùi Thị Hiếu, cà phê Tùng đã được xây dựng. người Pháp họ có vẽ đến cái talus để chống sạt lỡ phía Chợ Mới sau này


Chợ mới Đà Lạt được xây trên một thung lũng khi xưa được trồng rau nên khi xây chợ và hai dãy phố bên hông chợ, họ cần xây cái talus để tránh đất sạt lỡ sau này. Dãy phố này quá cận với sườn đồi nên vì an toàn cho dãy phố và chợ, họ quyết định phá vỡ để tránh hậu hoạn cho thị dân Đà Lạt. Cho thấy người xưa, rất có đạo đức, họ không vì lợi tức mà để tai nạn có thể xẩy ra sau này. Có thể kỹ sư được người Pháp dạy nên bằng cấp đàng hoàng, không mua bằng.

Đây là tấm không ảnh mà chúng ta thấy căn nhà 2 tầng của ông Nguyễn Văn Ngạch, ngói đỏ lúc kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chưa thiết kế cầu thang chợ đi vào. Sau này bị phá bỏ và được đền bù lại căn phố 2 tầng bên cạnh tiệm Bình Lợi của cô BA Chỉ dưới chợ. Ngoài ra dãy phố 1 tầng vẫn còn, chỉ sau này kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế xung quanh chợ Mới , cho phá bỏ. Theo mình thì có lẻ vì sợ đất trùi. Xem hình thì không thấy có talus.

Mình tiếc là dãy phố này, nói về kiến trúc thì rất tây so với dãy nhà ông Đội Có và ông Võ Đình Dung xây cất. Họ không dám xây nhà cửa nặng ở khu vực này nên chỉ có lèo tèo vài kiosque xấu xí, bán áo len và quà lưu niệm cho du khách. này.


Đây tấm không ảnh nhìn toàn diện chợ Mới Đà Lạt, thấy họ làm talus để chắn bị sạt lỡ từ đó Lê Đại Hành đến cuối đường Phan Bội CHâu. Nay về thì họ xây bú xua la mua ngay chỗ Phan Bội CHâu đủ trò. Nên nhớ khu vực chợ Mới khi xưa là vùng nước đọng của khu vực Hoà Bình, trời mưa, nước chảy xuống đây như cái hồ chứa. Nếu mình là dân Đà Lạt mà ở khu vực này thì sẽ bán gấp nhà để dọn về chỗ khác vì có thể trong tương lại sẽ bị sạt lỡ.


Nhất là khi họ thi công xây nhà cửa, bê tông hoá khu đồi dinh tỉnh trưởng là bao nhiêu cống rãnh chảy xuống. Thế là Capri! C’est fini. Có ông thần nào ngoài bắc kêu tinh hoa đất bắc đã xây dựng miền Nam đẹp gấp 10 lần xưa. Kinh

Hôm nào, buồn đời mình sẽ viết lại những bài về Đà Lạt vì có thêm nhiều tài liệu từ khi viết. Để xem có người thích đọc không. Ai muốn mình viết thì nhấn nai-ke để mình xem có nên bỏ thời gian viết lại hay kể chuyện tếu lâm cho qua ngày.


Trong cuốn biên khảo đặc biệt về Đà Lạt, các nhà nghiên cứu có đề cập đến vấn đề địa dư, đất của Đà Lạt. Hôm nào đồng chí gái chửi, mình buồn đời sẽ kể thêm. Về Đà Lạt ngày nay, mình Chán Mớ Đời chỉ để thăm gia đình ba hôm rồi đi lại vì họ phá nát hết. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen

Nguyễn Hoàng Sơn