Chuyện cuối tuần


Tuần này tối cao pháp viện Hoa Kỳ bàn về vấn đề được chọn vào đại học với màu da. Vấn đề này rất quan trọng. Lý do là có bằng cấp đại học sẽ giúp thay đổi các thế hệ sau này. Sau năm 1945, khi các chiến binh mỹ trở về, chính phủ Hoa Kỳ có ra đạo luật G.I., (GI Bill) nhằm giúp đỡ các cựu chiến binh tiền bạc, đi học đại học hay mượn tiền mua nhà và đã thay đổi các thế hệ con cháu sau này.


Vấn đề là chỉ có chưa tới 5% người da màu được hưởng quyền lợi này và từ đó cộng đồng người Mỹ da trắng tiến nhanh, và lợi tức của họ cũng cách xa với người da màu tại Hoa Kỳ. Sau mấy chục năm, bao nhiêu thế hệ, ngày nay, lợi tức trung bình của người da trắng hơn 85% người da màu. Với đà này thì càng ngày càng cách biệt xa hơn.


Cách gầy dựng tài sản bình thường là mua một căn nhà. Mượn được tiền của ngân hàng và trả xong trong vòng 30 năm. Khi qua đời, chúng ta để lại cho con cháu, sẽ giúp chúng có một tài sản mà từ từ đi lên. Các ngân hàng dạo ấy, không cho người da màu mượn tiền, kiếm đủ cớ khiến họ bỏ cuộc. Họ hy sinh bao nhiêu năm trong quân đội nhưng không được đền bù trong khi người Mỹ da trắng được hưởng hết các quyền lợi này. Mình có kể vụ này rồi. Ai tò mò thì tìm trên mạng đọc còn không thì kiếm trên bờ lốc của mình.

Một căn nhà tại Cali giá trung bình là $36,000 năm 1945, nay là 1 triệu. Nếu một ngữ cựu chiến binh được mua căn nhà giá $36,000 với luật G.I. Bill thì không cần tiền đặt cọc, chính phủ Mỹ cho mượn $36,000 (100%) thì ngày nay con cháu họ có thể họ vẫn còn sống thì có tài sản một triệu đồng, chưa kể là sau năm 1975, họ không phải trả tiền nhà nữa, để dành được bao nhiêu tiền. Do đó có sự chênh lệch về tài sản giữa người Mỹ da trắng và da màu. Chưa kể là người Mỹ gốc Nhật Bản bị bỏ vào trong các trại tập trung suốt thời gian đánh nhau, khi về thì đất đai bị người Mỹ da trắng lấy gần hết. Điển hình là khu đất Pablo Verde ở Nam Cali. Kinh


Người mỹ gốc á châu như người Việt chỉ chiếm có 7% dân số Hoa Kỳ (22.4 triệu người Á châu), trong đó người Việt chiếm có 2.2 triệu chưa đến 1%. Vấn đề là người Mỹ gốc á châu là thiểu số nhưng khi con cháu họ nạp đơn vào đại học thì không được xem là thiểu số mà tương đương với người Mỹ da trắng. Đây là một thiệt thòi rất lớn mà chúng ta ít để ý. Họ viện lý do là học sinh á châu học giỏi, thậm chí còn hơn cả người Mỹ da trắng nên không được hưởng ưu đãi của thiểu số. Thậm chí người Mỹ da trắng được ưu tiên hơn vì không phải da vàng, học giỏi, lại chơi thể thao giỏi hơn vì cao to.

Thay vì chửi nhau là bò đỏ bò vàng, phe Trump phe Biden, chúng ta nên chung sức tranh đấu cho quyền lợi con cháu của chúng ta. 1 trong những quyền làm người là giáo dục, con cháu chúng ta bắt buộc phải học cho xong trung học miễn phí nhưng khi vào đại học mới là quan trọng. Nếu được vào các trường đại học danh tiếng thì có khả năng thành công nhiều hơn tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, các người Mỹ da trắng vào đại học được ưu tiên qua diện Legacy Admission, không biết tiếng Việt dịch làm sao. Đại học ưu tiên cho những thí sinh có cha mẹ hay ông bà đã từng là sinh viên của trường. Nói đúng hơn là người Mỹ da trắng thuộc thành phần này nhiều hơn vì họ đã sống tại đây từ lâu, trên 43% sinh viên được nhận vào đại học Harvard là thuộc hệ này. Xem như mỗi năm phân nữa sinh viên ưu tiên được nhận là da trắng, thêm 30% nữa, còn lại độ 20% thì chia đều cho người da màu.


Theo NPR sáng nay thì người có cha mẹ, ông bà là cựu sinh viên của trường thì có khả năng gấp 6 lần được nhận vào trường. (From 2010 to 2015, Harvard’s admission rate for legacies was 34%, while its admission rate for non-legacies was 6%. In other words, legacy applicants are nearly six times more likely to be admitted than applicants who do not have a Harvard-educated parent. The advantage is even greater for double legacies, or those with two parents who graduated from Harvard.) theo báo Los Angeles Times. Họ cho biết là đại học Harvard đang bị kiện vì các tiêu chuẩn nhận sinh viên, bất lợi cho người Mỹ gốc Á châu. Họ viện cớ, cho rằng sinh viên gốc Á châu rất giỏi về học vấn nhưng về cá nhân thì không, trong khi người da trắng chơi thể thao, tham gia các hoạt động xã hội.


Mình cho con gái mình chơi bóng rổ, mấy cô gái Mỹ cùng tuổi cao hơn mình thì làm sao nó chơi lại. Nó đứng chưa tới lỗ rốn của mấy cô gái Mỹ. Đa số người Mỹ gốc Á châu là cho con chơi dương cầm, vĩ cầm, rất là stereotype. Con gái mình khi được nhận vào trường đại học theo ngành nó thích, kêu cảm ơn bố mẹ đã không bắt nó học y khoa hay nha khoa như bạn học chung gốc á.  


Người Mỹ gốc á châu lại được xem là đa số dù ít hơn người Mỹ da trắng nên sẽ bị hạn chế. Người Mỹ gốc Việt chỉ có 2.2 triệu sinh sống tại Hoa Kỳ so với 368 triệu người Mỹ thì quá ít, chưa tới 1% dân số Hoa Kỳ, nhưng khi vào đại học chúng ta lại được xem là đa số.


Cách đây đâu 8 năm có vụ một sinh viên người Mỹ gốc Đại Hàn kiện đại học Princeton. Lý do là anh ta đạt điểm SAT 100% nhưng bị loại trong khi một sinh viên khác cùng trường da trắng, ít điểm hơn nhưng lại được nhận.


Ủng hộ Biden hay Trump không giúp con cháu chúng ta vào đại học danh tiếng hay được học bổng. Hôm trước mình xem một phim tài liệu về người Mỹ gốc da đen. Họ hỏi một bà, có tham dự cuộc tuần hành của nhóm đồng giới tính. Bà ta trả lời không ăn nhập gì đến người da màu chúng tôi cả và tôi hy vọng họ sẽ được cảnh sát cho ăn lựu đạn cay. Toàn là những vấn đề của người da trắng, không liên quan gì đến quyền lợi của người da đen. Bà ta hỏi võ sĩ Cassius Clay muốn đổi tên khi ông ta theo đạo hồi giáo, bị chính phủ làm khó dễ mặc dù ông ta đem về huy chương vàng cho Hoa Kỳ. Trong khi đó, ông thần nào đổi giới tính mang tên Caitlyn Jenner thay vì Bruce Jenner, được bầu là người đàn bà trong năm sau 1 năm trời được phép gọi mình là đàn bà. Ngày nay, các vụ tranh tài thể thao học đường, mấy cậu con trai đổi giới tính thắng hết, toàn là mỹ trắng. Chả thấy một người da màu nào đổi giới tính thắng cả.

Câu trả lời này khiến mình suy nghĩ khá nhiều. Chúng ta là người Mỹ gốc da màu mà cứ tưởng là da trắng nên cứ chạy theo văn hoá của người da trắng vô hình trung nhận bá vơ, xem đó là quyền lợi của mình. Chúng ta cần có 100 người như Ocean Vương, 1000 người như Nguyễn Việt Thanh, 10,000 như Ngô Bảo Châu,… bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ thì đông như quân Nguyên, phải cần những chính trị gia bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, giúp người Mỹ gốc Việt thăng tiến trong xã hội Hoa Kỳ. Lợi tức chung của người Việt không khá lắm nếu bỏ lợi tức của giới bác sĩ, kỹ sư ra.


Mình nhớ dạo con mình học trung học, học chết cha mới được toàn điểm A, mới được kêu lên để phát bảng danh dự hay chi đó. Trong khi một học sinh gốc Mễ, được 3 điểm C, được tuyên dương như là thánh. Sau này anh ta được vào đại học Stanford và được học bổng toàn phần. Vấn đề là người Mỹ gốc la-tinh nhiều hơn người á châu, trong tương lai họ sẽ qua mặt người Mỹ da trắng. Nếu người Mỹ gốc á châu hợp lực tranh đấu cho quyền lợi thì có nhiều con cháu gốc á châu được vào đại học danh tiếng và có học bổng như anh Mễ, chỉ được điểm C vì là người thiểu số. Hôm qua nói chuyện với một chị bạn, chị ta có cùng ý định như mình là đổi tên qua tên Mễ, có học bổng toàn phần và vào được trường danh tiếng. Chán Mớ Đời 


Mình đọc tài liệu về cộng đồng người Ấn Độ thì kinh hoàng. Họ giúp nhau, không chửi nhau dù có nhiều vấn đề. Không tự nhiên cộng đồng họ có người trở thành giám đốc Pepsi, hay Google,… mấy chục năm trước, người Anh quốc đô hộ người Ấn Độ, nay có một người gốc Ấn Độ làm thủ tướng xứ này. Họ giúp đỡ mấy người gốc ấn vào quốc hội Hoa Kỳ, Anh quốc để bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng của họ.


Có lẻ nhờ các vụ kiện mà năm nay đại học Harvard cho biết sinh viên gốc á châu được thâu nhận gia tăng thêm 2.1% so với các năm trước. (Harvard revealed that 29.9% of admitted applicants are Asian American. It’s a 2.1% jump from last year’s number.) bù lại thì thiểu số da đen và gốc la-tinh lại giảm, còn da trắng vẫn mạnh như thường. (A 2019 study found that 43% of white students admitted into Harvard got in because they were legacy students, their parents had donated). 43% người Mỹ da trắng được nhận vào đại học Harvard vì có bố mẹ hay ông bà đã từng là sinh viên của trường hay tặng tiền cho đại học. 


Nếu muốn tạo một xã hội công bằng, phải bỏ chế độ chọn sinh viên qua tiêu chuẩn chủng tộc. Cộng đồng á châu chiếm 7% dân số Hoa Kỳ nhưng không được xem là tiêu chuẩn người thiểu số trong khi người da đen 12.1% và người Mỹ gốc la-tinh là 18.7% được xem là người thiểu số với những đặc ân và học bổng.


Giáo sư Nguyễn Việt Thanh, người mỹ gốc việt đầu tiên, đoạt giải Pulitzer kể khi đài truyền hình Pháp phỏng vấn, họ giới thiệu ông ta là nhà văn mỹ, trong khi truyền thông của mỹ giới thiệu ông ta là người Mỹ gốc việt. Người Mỹ da trắng định nghĩa người Mỹ da đỏ, là Native American, tổ tiên họ sống tại Hoa Kỳ trước khi người da trắng di cư đến. Người Mỹ khác như người Mỹ gốc Hispanic American là người gốc Mễ,… gốc da đen là afro-American, gốc á châu là Asian American, trong khi người Mỹ da trắng là American. Xong om


Chúng ta nên xem xét các quyền lợi của chúng ta mà tranh đấu thay vì cứ tự xem là người Mỹ da trắng, rồi chửi nhau bò đỏ bò vàng vì bò màu gì cũng là bò. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn