Gia đình xào xáo vì tiền

Hôm qua, thấy có số lạ từ miền đông Bắc gọi nên mình không bắt, sợ gặp đám buôn bán, chào hàng. Sau nghe tin nhắn mới biết em trai của một chị bạn mà 32 năm qua chưa gặp lại từ ngày về Cali lấy vợ. Nghe anh bồ cũ của chị ta nói làm bác sĩ ở Bắc Cali. Mình quen anh bồ cũ khi mới sang New York, rồi từ đó lan tới gia đình này. Gia đình này đông anh em, mình chỉ quen hai cô chị, tốt nghiệp y khoa tại đại học Cornell, khi mình đi làm ở New York. Sau này về Cali thì không gặp lại nữa. Cuộc đời lạ, có người mình quen một thời gian rồi biến mất như đi chung một đoạn đường rồi khi mình rẽ tay phải hay tay trái theo một hướng khác thì không bao giờ gặp lại. Lâu lâu gặp bạn bè chung thì nhắc đến để biết tin tức nhưng cũng không muốn liên lạc vì xa xôi. Mỗi lần lên miền Bắc Cali thì ít ngày, nên không cơ hội gặp lại. 


Cậu em trai tốt nghiệp đại học Yale. Gia đình này học rất giỏi, toàn là tốt nghiệp Harvard, MIT, Yale,… Mình nhớ cậu em trai, lúc mới tốt nghiệp Yale thì có ra một tờ báo anh ngữ địa phương. Anh ta hỏi mình muốn đầu tư thì mình đưa anh ta đâu $1,000 thì 2 tháng sau, nhận cái chi phiếu $1,500, với lá thư là đã bán tờ báo cho người Mỹ, xem như mình lời 50% sau 2 tháng. Từ đó, anh ta muốn mình đầu tư thì mình ghi danh ngay.


Hồi thằng con còn học trung học, mình có gọi điện thoại cho anh ta, để thằng con nói với anh ta, giải thích học hành ở Hoa Kỳ vì mình không học ở xứ này. Mình nghĩ anh ta trẻ, sinh sống tại Hoa Kỳ lâu hơn mình nên có thể nói chuyện với thằng con,… sau này anh ta về Việt Nam làm ăn nên mất liên lạc.


Hôm qua, anh ta gọi hỏi thăm và nói có một ý tưởng làm ăn, cần người bỏ vốn. Anh ta trả 20%. Mình nói cuối tháng này sẽ bay sang Boston ăn cưới cô cháu, sẽ bàn luôn. Sẽ dùng Roth IRA để cho vay. Anh ta nói có quen và ở nhà Jim Rogers, nói là ông Jim Rogers dọn về Tân Gia Ba vì gặp anh ta. Mình nói mình biết ông này, có đọc sách ông này. Ông này có hai cô con gái, mướn vú nuôi người Tàu để nói tiếng quan thoại. Ông ta nói tương lai là Á Châu. Ông này khi còn trẻ, lái xe mô tô chạy khắp thế giới. Mình tin anh ta vì anh chàng này rất tham vọng, muốn làm thương mại. Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, nhưng thích làm ăn. Anh này là cháu của một bộ trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim, rất nổi tiếng ở Pháp. Anh ta có gửi mình tấm ảnh chụp tại nhà ông Jim Rogers trước khi ông này dọn về Tân Gia Ba. Từ đó, mình bắt đầu theo dõi thị trường Trung Cộng để mua cổ phiếu.

Hình trên mạng, không biết tác giả 

Nói chuyện, mình hỏi về hai cô chị thì được biết một cô nay làm bác sĩ ở Saint Louis và một cô ở Bắc Cali. Nhưng anh ta không liên lạc vì anh chị em trong nhà thưa kiện nhau từ năm 2008. Vụ này thì mình đã biết qua anh bồ cũ. Lý do được anh bạn kể là bà mẹ có một cơ sở thương mại bán thức ăn. Mình đoán là khi sang mỹ, cả gia đình có xe bán thức ăn, có tiền nuôi con học các đại học danh tiếng Hoa Kỳ. Ở Hạ Uy Di, mình có quen một gia đình người Việt, họ có chiếc xe bán thức ăn. Mỗi ngày hai vợ chồng lái xe đi đến đậu chỗ nào, gần các công sở hay công trường. Sáng hay trưa, thiên hạ ra mua thức ăn. Giàu lắm. 2 giờ chiều là xong, lái xe về, chuẩn bị ngày mai. Có cô con gái độc nhất nhưng có lẻ ăn thức ăn của bố mẹ nhiều nên khá bự con. Kinh


Anh chàng này có người anh, tốt nghiệp MIT, mình có gặp mặt vài lần nhưng không thân, chỉ chào hỏi vì mình quen 3 cô em gái, sinh viên y khoa của anh ta.


Anh này tốt nghiệp MIT, đậu bằng MCAD để đi học y khoa như mấy người khác trong gia đình. Bổng nhiên anh ta nổi hứng, bỏ học y khoa, mở xe bán bánh mì với người em trai, tốt nghiệp Yale. Họ có mộng ước sẽ trở thành như tiệm “Au Pain Dore” ở Harvard Square, nơi mình hẹn đồng chí gái lần đầu tiên, và bị phạt vì đậu xe bậy, khiến mình và đồng chí gái lấy nhau. Có kể rồi.


Cô bồ đang mơ lấy chồng bác sĩ thì nay phải ra phụ bán bánh mì nên xù ông anh. Mình thì nghĩ phi thương bất phú nên thấy hay hay mến họ. Bạn bè thì chê bai. Từ vụ xe bị phạt, mụ vợ réo mình để trả tiền phạt nên đả thông tư tưởng rồi rủ nhau về Cali làm đám cưới. Mình mất liên lạc với mấy anh em của gia đình này từ đó. Lâu lâu gặp anh bạn thì anh cho thông tin về họ. Mỗi lần mình lên San Jose thì có mấy ngày, không có thời gian liên lạc. Chắc lần sau, kêu anh bạn tổ chức họp mặt cả đám. Hình như bà chị đầu cũng dọn về vùng này. Khi xưa, ở New YOrk, mình gửi tiền về Việt Nam qua người anh rể bà con của mấy người này.

Bơ bắt đầu có vỏ đen vào cuối mùa.

Năm ngoái hay đầu năm nay, không nhớ rõ, vì mình đi chơi từ hai năm qua với đồng chí gái khá nhiều nên không nhớ ngày tháng nữa. Anh bạn xuống Nam cali tham dự họp mặt cựu sinh viên MIT thì hú mình để ôn chuyện xưa. Anh ta hỏi mình nhớ đến mấy anh em nhà này. Nói nhớ chớ. Vì khi ở New York, mình quen rất ít người. Cali cũng vậy, chỉ ăn theo diện của vợ, bạn của đồng chí gái. Anh bạn kể là bà mẹ bị ung thư nên nhờ người em trai lo quán xuyến cơ sở bán thực phẩm. Anh này bỏ tiền ra để khuếch trương theo cách làm ăn của người Mỹ nên phát triển mạnh, tiền vô như nước. 


Đùng một cái, bà mẹ lành bệnh, kêu giao lại cơ sở làm ăn thì người em trai kêu phải trả tiền mà anh ta đã đầu tư trong thời gian bà mẹ bị bệnh. Thế là gia đình chia ra hai phe, phe làm ăn thì kêu đúng rồi, phải trả lại tiền người em đầu tư. Còn phe mấy người làm bác sĩ thì kêu không đúng, thế là anh em, chị em rủ nhau ra toà, kiện nhau từ 2008. Ông em nói với mình là đã tốn 3 triệu đồng luật sư mà chưa đi đến đâu. Dạo anh ta về Việt Nam, có cơ hội lấy lại căn nhà của gia đình ở quận nhất tại Sàigòn, cạnh bờ sông nhưng gia đình xào xáo nên không lấy lại được. Mình chưa gặp ai nói về Việt Nam làm ăn mà thành công cả, chỉ ôm đầu máu, bỏ của chạy lấy người. Có một người nhưng được các người em giàu có, làm giúp nên cũng có tiền vô. Nhưng cũng nhỏ, xây được cây xăng tốn 2 triệu, mỗi tháng lời được $10,000. Còn thì bỏ của chạy lấy người. Ở Cali có 2 triệu, cho vay 12% thì được $20,000/ tháng, khỏe đời, khỏi phải lo chuyển tiền lậu vớ vẩn.


Anh em trong nhà từ bé đã ganh tị nhau, lớn lên thì cái tính này càng lớn mạnh, nên khi có của gia tài cha mẹ để lại là có vấn đề. Kiện tụng nhau, hầu như mọi sắc dân, không chỉ người Việt thôi. Mỹ trắng cũng kiện, mỹ vàng cũng thưa, mỹ đen cũng rứa. Nếu họ nghèo khó thì không nói đây là có bằng cấp, làm ăn khá hết nhưng chỉ vì lòng đố kỵ nên muốn khẳng định mình giỏi hơn em, hay chị, hay anh mình rồi anh em không nhìn mặt nhau. Xem như dòng họ từ bỏ nhau. Chán Mớ Đời 

Ảnh chụp không biết tác giả, thấy trên mạng. Dạo này thấy trên mạng có một ông thần dòng Tôn Thất chụp hình rất đẹp tên Hưng thì phải.

Mình hỏi năm nay bao nhiêu tuổi, anh ta cho biết thua mình một giáp. Mình nói nên thua mấy bà chị cho khoẻ đời, cứ kéo dài thua kiện thì càng khiến tinh thần mình không khá, có thể gây bệnh ung thư, hay bị đột quỵ thì cũng chả sống vui vẻ…..


Anh ta kêu chỉ trong tích tắc nói chuyện với mình khiến anh ta suy nghĩ. Có lẻ anh ta sẽ chấp nhận thua để mấy người chị bác sĩ thắng kiện cho xong. Mình nói nếu cần, mình sẽ nói chuyện với mấy cô chị vì quen khi xưa.

Thấy hình cái nôi của người da đỏ, khá hay. Anh em cùng một nôi để rồi như gà đá nhau. Chán Mớ Đời 


Mình nói anh ta giỏi thì cho hết, có thể làm lại với tài trí của anh ta. Chớ để bản ngã giết lần mòn trí tuệ của mình. Kiện tụng sẽ làm mình khó chịu, biết đâu sẽ gieo các tế bào ung thư. Anh em trong nhà, cãi nhau, tranh chấp về tiền bạc là bình thường dù không đáng bao nhiêu. Họ giàu có nhưng lòng tham không đáy khiến họ, muốn kiếm thêm. Người không biết giữ tiền thì cố tranh chấp, dành cho nhiều rồi cũng bay hết.


Anh ta kêu nói chuyện với mình giúp anh ta suy nghĩ lại vụ kiện tụng trong gia đình. Chắc anh sẽ để mấy người kia thắng. Để đầu óc lo làm ăn. Mình hẹn anh ta cuối tháng này khi mình bay sang Boston ăn đám cưới, sẽ gặp nhau, nói vụ làm ăn.


Càng học cao, tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng với các tước vị trong xã hội khiến con người cứ nghĩ tới danh vọng hảo huyền nên anh chị em kiện tụng thay vì dàn xếp nhẹ nhàng, mỗi người thua thiệt một tí thay vì để luật sư ăn hết. Chán Mớ Đời 


Đây là trường hợp cha mẹ còn sống, khi cha mẹ chết thì còn nguy hiểm hơn. Hôm trước, nói chuyện với một anh đến thăm vườn mình. Anh ta kể bà chị dâu tham, có nhà cửa ở đây, muốn về Việt Nam, tranh chấp với anh em để có 70 mét vuông, xây một căn hộ, mai mốt về ở mà bà ta trên 7 bó, không biết sống chết ngày nào. Lòng tham vô đáy.


Anh này là người duy nhất đến vườn mình, hiểu lý do mình cho thiên hạ thăm vườn hái bơ. Năm nay, hái bơ đủ sở hụi nên mình kêu bạn bè, người quen đến hái bơ cuối mùa lấy thảo. Mọi người đến sớm hơn giờ đã định. Mình đến mở cửa, họ chạy vào hái bơ rồi về. Có người nói tiếng cảm ơn, có người không. Chỉ có anh này thì không hái bơ nhưng ngồi nói chuyện với mình. Chỉ có anh ta hiểu lý do mình cho thiên hạ đến vườn, để họ có cơ hội nhìn lại mình, cuộc sống vội vã, cứ chạy theo tiền bạc, công ăn việc làm không có thời gian nhận thức, chậm lại, chánh niệm về cuộc sống. Anh này gốc Huế, anh ta kể gái Huế ngày nay không như xưa. Anh nói “gái Kim Long đẹp Mỹ miều, kiểm tra dân số đĩ nhiều hơn dân” khiến mình thất kinh. Về Cần Thơ thì dân gian kêu “chiều chiều ở bến Ninh Kiều, dưới chân tượng Bác đĩ nhiều hơn dân”. Mình tưởng chỉ có vụ này thời quân đội mỹ qua Việt Nam, ai ngờ gần 50 năm sau kết thúc chiến tranh, lại nhiều hơn xưa. Chán Mớ Đời 


Có một chị, kêu lúc covid, có nhận khẩu trang và diện trang từ mình qua chương trình Masks Save Lives của Lửa Việt, tặng mình 1 vé. Đồng chí gái đến vườn với bạn, đem đàn đến ngồi hát nghêu ngao cho chuột sóc, coyote nghe trong thiên nhiên thấy họ hạnh phúc hơn mấy người đến hái bơ cho nhiều, rồi đem về, không biết AW có hết hay không. Chán Mớ Đời 


Từ ngày, có cái vườn, mình thấy cuộc sống vui hơn, vào vườn khiến đầu óc mình nhẹ đi. Đủ sở hụi không cần hái bơ bán nữa. Có ông thần nào vào vườn mình nhưng không hái bơ, chỉ muốn cho mình con chó Berger. Anh ta kêu là bán nhà, dọn vào chung cư nên họ không cho nuôi chó. Mình đi bộ một vòng vườn thì con chó chạy theo đi kiếm sóc với thỏ. Không biết nó đã bắt được con nào chưa. Thấy con chó như vui lại vì về với thiên nhiên, thay vì sống trong thành phố. Sáng nay vào vườn không thấy con chó, chắc theo trai. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn