Nhớ vườn Suối Tía

Mấy tuần nay, chân bị què nên chả làm gì được. Xem phim hoài cũng chán, đọc sách riết cũng nản. Ngồi thừ nhìn ra vườn bổng mình nhớ đến thời bé, làm vườn ở trong Suối Tía, ấp Sòng Sơn, chỗ đồn Quân Cụ đi vào trong sâu. Dạo ấy con đông nên bà cụ mình mua mấy mẫu đất trong vùng Suối Tía để làm vườn, kiếm thêm tiền nuôi con, có việc để ông cụ khỏi đi đánh bài vào cuối tuần.
Mua đất xong thì ông cụ sắm cái rựa, cuốc xẻng,… người cứ phừng phực như Alexey Stakavov, muốn làm người anh hùng lao động. Cuối tuần, ông cụ đèo mình trên chiếc xe đạp hình như mượn của ai trong xóm vào vườn. Ông cụ đạp xe tới cầu Bá Hộ Chúc, rồi kêu mình xuống xe, dắt chiếc xe đạp lên dốc đường Bà Triệu, lên đến đường Pasteur thì ông cụ đạp một khoảng rồi mình dắt xe đến khi rẽ qua đường Triệu Việt Vương thì bớt dốc nên ngồi xe đạp lăn trên đường đầy ổ gà vẫn thấy cuộc đời đẹp sao.
Tới khúc đồn Quân Cụ thì rẽ phải, hình như người ta gọi tên đường là An Sơn hay chi đó, qua đồn xong thì có cái dốc cao vời vợi với cái bảng to đùng "Ấp Sòng Sơn". Nói là ấp nhưng chả thấy ai ở ngoài lác đác vài cái vườn, vài cái am. Đồn Quân Cụ, có chú Ba đóng ở đây. Chú biết lái xe Jeep trông rất chiến, ra chợ tán dì G, bạn hàng của bà cụ mình là dính ngay. Chở dì G đi một vòng bờ hồ là đăng ký quản lý đời nhau. Sau khi VC vô thì gia đình chú khá lắm, chú dạy VC tập lái xe rồi chạy xe hàng. Thời ngăn sông cách chợ, mấy tài xế xe hàng là hot boy, ai cũng muốn gã con gái cho.
Nói tới dì G, mình nhớ có lần, nhà mình bổng nhiên như có hội. Hôm ấy, có ai đem người nhà đến xem mắt dì G nhưng ông bố dì chưa chịu nên mượn nhà mình để tên nào đem gia đình đến làm quen. Rượu bia đồ nhắm thay nhau chúc tụng hẹn ngày lành tháng tốt sẽ cho hai cháu nên duyên Tần Tấn. Tuần lễ sau, vợ của tên đem ông chú lên nhà mình ra mắt họ nhà Gái, ra chợ đến hàng Dì G, tự xưng là vợ của tên kia, kêu hắn có 5 con, đi lính bị đổi lên Đà Lạt, rồi kêu thượng sĩ già đến làm chú thay thế ông bố đã qua đời thật ra còn sống nhăn răng ở Bến Tre. Thế là mình hụt ăn đám cưới dạo đó.

Cứ đi theo con đường đất được xe máy cày ủi nhưng không tráng nhựa đường độ thêm 3 cây số thì đến vườn nhà mình. Mùa mưa là cực hình vì bùn lầy lội còn mùa khô thì khi xe vận tải chạy qua là hít bụi mệt thở. Dạo ấy chưa có xe gắn máy Honda, ông cụ mình sau đó có mua một chiếc xe hiệu Gobel hay Ischia thì phải. Trên quãng đường này toàn là thông, gió thổi lá thông rì rào nghe đã lắm, lâu lâu thấy mấy ông già hay người Thượng đeo gù đi hái Phong Lan. Có vài cái am thờ người chết nên cũng rợn tóc gáy nhất là vào mùa mưa. Mỗi lần đi qua đây là mình khấn Phật Bà mệt thở. Thường ngày thì chả nhớ Phật gì cả nhưng khi thấy cái am với ngọn đèn hột vịt le loé là rợn người. Những hình ảnh cái am với đèn hột vịt được đặt khắp nơi khiến trong tiềm thức con người có gì bất ổn, lo sợ khiến họ cần phải đi chùa, nhà thờ cầu khấn để tâm được bình an.
Đi độ 3 cây số thì con đường rẽ sang phải, có con đường đất do ông bà cụ mình kêu xe máy cày ủi con đường đi xuống thì đến địa phận vườn của gia đình. Ngày đầu tiên, ông cụ mình hăng lắm, mặt ông cụ đỏ hồng, mắt ông cụ sáng quắt với giấc mơ Phù Đổng trở thành một đại gia bắp sú Đàlạt. Cầm cái rựa để phát cỏ dại, cây hoang trong khi mình ôm cỏ, cây hoang đem đi chất thành đống để khô sau này đốt nhưng dần dần thấy ông cụ bớt hồ hởi, ngồi nghỉ hỏi mình đói không.
Ngày nay có con, thấy thằng con y chang ông cụ mình, lười lao động nên không muốn đem nó theo vào vườn. Dạo mình mới mua cái vườn bơ, 20 mẫu. Một mình tự thay thế hệ thống nước đã cũ. Nay nghĩ lại thất kinh. Có lẻ nhờ khi xưa, 2 ngày cuối tuần, đi bộ, vác gạo vào vườn mấy cây số khiến mình không sợ mệt nhọc. Có mệt cũng phải lết về nhà nếu không trời tối mà khu này nghe nói Việt Cộng hay về ban đêm.
Hôm ấy, chị người làm, bới cho hai cha con món cơm vắt, thêm cái sườn heo được rô ti. Sau này quen con gái tiệm BH, mỗi lần cô nàng xuống Nam Cali, làm cơm vắt muối vừng cho mình ăn mệt thở. Ngày nay mình thèm món cơm vắt vì mỗi lần ăn, khửu giác của mình vẫn nhớ về cái mùi cỏ khô, cây khô cháy khi người ta làm rẫy. Đi học nghe tả cảnh nhà quê với khói lam chiều gì đó mà ở thành phố thì mình đâu có hiểu, biết khói lam chiều, lam sáng nhưng khi đi làm vườn thì mường tượng ra hình ảnh đấy nhưng cái mùi cỏ khô cháy, Đà Lạt mưa nhiều nên cỏ khô bị ướt nên có mùi rất đặc biệt, quyện vào ký ức mình đến ngày nay.
Tuần thứ nhì thì bà cụ mình mượn thêm chú Chiếu, người Huế, làm lao công của ty công chánh. Ông cụ mình chắc oải quá, hết mơ thành anh hùng lao động sau 2 ngày chiến đấu, chém cây. Chú Chiếu đào mương, làm đường rồi cuối tuần thì ai mượn, nhờ làm vườn, đào đất thì chú đi làm thêm vì con đông. Nhà chú ở ấp Hà Đông, mình có đến 2 lần, mới hiểu cảnh nghèo ra sao. Nhà chú dạo ấy có 4 đứa con, nhà nghèo, ở nhà con trai con gái nước dãi, nước mũi chảy thò lò nhưng không có quần áo gì cả, bò lăn bò lốc dưới đất. Nền nhà thì đâu có tráng xi măng như nhà mình nên bụi đất đỏ bám đầy vách tranh, bàn ghế… cửa sổ không có kính, chỉ có cái phêng chống lên cho ánh sáng lọt vào và ruồi bay ào ào như tổ ong. Tường nhà thì làm bằng đất đỏ trộn với rơm, mái thì lợp tranh. Nhà độc nhất có một cái bàn và 3 cái ghế đẩu, một bộ ván ngựa để cả gia đình ngủ. Mình không bao giờ quên cái cảnh ấy nên sợ nghèo từ dạo ấy.
Chú Chiếu ăn rất khoẻ mà cuốc đất, phạt cây rừng rất chiến đấu. Ông cụ mình thì tà tà phạt cây kiểu thằng con mình. Hè mình cho nó vào vườn phụ mình, rất công tử, đeo đồ nghề, dây nịt, dao mã tấu,….rất phong độ như tay chuyên nghiệp. Leo dốc một lần là quăn hết đồ nghề, đi tay không cũng oải. Mình làm việc theo kiểu bà cụ nên không bao giờ than, rên nên sau này gặp đồng chí gái, cô nàng y chang bà cụ mình làm việc ào ào khiến mình phải phục lăn phục lết.
Làm được 2, 3 tuần thì ông bà cụ mình nghe ai, mướn người thượng làm rẫy cho nhanh chớ cở Chú Chiếu, ông cụ và mình làm 2 ngày cuối tuần thì đến Tết Congo cũng chưa chắc đã khai phá được mấy mẫu đất. Mình thấy ông cụ mình trả giá với mấy người Thượng nhưng rốt cuộc, trả giá của người ta nêu. Cuối tuần sau mình vào vườn, kỳ này không có chú Chiếu, thấy mấy ông Thượng đã san bằng 1/3 cái vườn và 2 tuần sau đó là xong hoàn toàn. Họ đốt cỏ và cây xong thì lấy tro rãi lên đất để làm phân. Rựa của họ khác với rựa người Kinh. Rựa người Kinh thì tròn cong còn rựa của họ thì dài thẳng.
Không biết từ đâu hay ai giới thiệu, bà cụ mình mượn được hai cặp vợ chồng để làm vườn, anh em tên Chú Hai và Chú Nhị, dân Quảng Ngãi, giặc giã chạy vào Đà Lạt, rồi xây một căn nhà bằng gỗ thông mà sau này mình về Đà Lạt vẫn còn thấy họ làm kiểu này. Nhà có hai gian, 1 để nấu ăn, đựng củ giống, một kê hai cái giường ngủ. Có mấy cột nhà, lợp mái tôn, còn tường thì đóng mấy tấm gỗ còn vỏ thông. Sau này, mình gặp lại Thím Nhị, mang bầu khi chú đi lính Địa Phương Quân tử trận ở Núi Voi khiến mình khóc như mưa trong khi bà cụ cho tiền Thím lo bụng mang dạ chửa. Đó là lần chót mình gặp Thím.
Năm đầu tiên thì trồng khoai tây, bà cụ mua mấy cần xé đầy áp củ khoai tây về, trái to thì cắt nhỏ rồi ủ, lâu quá nên không nhớ là bao lâu, củ khoai mọc mầm ra. Phải mài dao cho thật bén vì sợ cắt không ngọt thì củ khoai sẽ bị hư. Trong khi chờ đợi khoai nẩy mầm, hai cặp vợ chồng làm vườn đánh vồng để chuẩn bị trồng khoai. Bắt đầu thấy trang bị mấy bình thuốc trừ sâu, phân bón, có cái nhà đựng cái máy bơm nước Kubota gần bờ suối, có cái ống nước to bỏ dưới suối để bơm nước tưới vì vườn làm trên đồi nên khá dốc.
Từ dạo đó, mình có nhiệm vụ vào vườn cuối tuần. Sáng sớm, mình ra chợ dọn hàng cho bà cụ xong thì bà cụ mua gạo và nước mắm, đồ ăn, bảo mình đem vào vườn, tiếp tế gạo và thức ăn cho hai cặp vợ chồng bồi dưỡng một tuần. Sợ mua nhiều thì người làm vườn thuổng mất, mình cứ nghe bà cụ rên sao ăn chi ăn hung rứa. Khi đến mùa hái bắp sú hay khoai tây thì đỡ phải vác đồ ăn, chỉ vác 10 ký gạo mỗi tuần. Vác gùi đựng gạo, nước mắm vào, mình cũng phải phụ mấy người làm vườn tưới xú, mình được dặn phải ở tới chiều vì sợ người làm không có ai thì đâm bệnh lười. Trưa mình ở lại, ăn cơm với hai cặp vợ chồng như thằng ăng ten ghi nhận tất cả để về báo cáo bà cụ. Chỉ có bắp xú luộc chấm với nước mắm, chang nước xú luộc sao mà ngon, không sợ bị cồ lét tê rôn, dạo ấy mình như con mắm, đen đui đen đủi. Trong căn nhà, mùi thuốc sâu, mùi khoai tây ủ, ruồi xanh bay vòng vòng đậu trên mấy bao phân rồi ghé thăm bữa cơm, kêu o o như sáo. Tay bưng chén cơm tay kia quạt ruồi, miệng thì húp nước xú. Ngon chi lạ.
Xem lại mấy năm nhà mình làm vườn thì coi như cuối tuần mình không có dịp chạy chơi với con nít trong xóm vì chiều đi bộ về tới nhà là oải rồi, chỉ muốn ăn rồi đi ngủ. 10 cây số thêm vác gạo, xăng cho máy bơm nước làm vườn còn ông cụ thì đi đánh bài nhờ tư duy đột phá làm tiền nhanh trên sòng bài hơn là lao động trồng khoai tây, khoai ta. Có lẻ vì vậy mà mình quen ngủ sớm và dạy sớm từ dạo ấy.
Năm ngoái gặp NTV, tên này nói học Yersin trên mình một lớp, sau này qua Văn Học, nhà ở Dốc Nhà Bò khiến mình nghi nghi, nhớ lại một đám trong Dốc Nhà Bò, hay chặn đường ăn hiếp mình khi vào vườn. Mình hỏi hắn khi xưa có hay chận đầu thiên hạ thì hắn gập đầu. Mình muốn bợp tai hắn để trả thù nhưng nhận ra mình không phải là quân tử nên 50 năm sau trả thù thì đã quá muộn. Muốn vào vườn mình thì có ngõ đi tắt, đi xuống đường Đào Duy Từ rồi đi lên cái dốc đến đường Nguyễn Thiền Thuật, rồi gặp đường Triệu Việt Vương. Mình chả biết ông Triệu Việt Vương là ông nào nhưng chỉ nhớ con đường này đưa mình vào Ấp Sòng Sơn, sau này mới khám phá ra là ông Triệu Quang Phục, không biết có họ hàng gì với Triệu Đà. Vào trong khu Dốc Nhà Bò thì có một đám du côn, hay bắt nạt người lạ nên mình đi vào khu này là cúi mặt, e thẹn như gái 13. Sau này, để tránh bị bợt tai bởi đám Dốc Nhà Bò, mình phải đi vòng lên đường Pasteur rồi rẽ qua Triệu Việt Vương, xa hơn 2 cây số.
Bà cụ mình làm vườn được vài năm đều lỗ chỏng cẳng vì ông cụ. Ông cụ có cái bệnh tứ đổ tường nên thua bài là kêu bà cụ đưa tiền mua phân, mua thuốc sâu,… dù tuần trước đã hỏi tiền bà cụ. May thay Việt Cộng tấn công năm Mậu Thân, giải phóng mình khỏi đời làm vườn. Sau Tết Mậu Thân, thiên hạ sợ đi xa trung tâm thị xã, sợ mấy ông kẹ ra bắt đi lính giải phóng miền Nam. Đường Đà Lạt-Sàigòn lâu lâu bị tăng-bo, Việt Cộng chận đường thêm hai anh em làm vườn cho gia đình mình bị động viên nên bà cụ thấy lỗ nên ngưng trò cung cấp tiền cho ông cụ đi đánh bài. Hồi làm vườn cho gia đình mình, hai anh em này đều có vợ mà giấy tờ cứ kêu là 16 tuổi. Chán Mớ Đời
Trên Số 4, ban đêm Việt Cộng nằm vùng mò ra bắt trưởng khu phố, công chức, xử tử,… tối tối mình và ông cụ ra phố ngủ ở tiệm Hiệp Thạnh, số 11 đường Duy Tân đến khi hơi yên yên. Từ đó, mình chưa bao giờ trở lại vườn. Mình có dặn nhà là đừng bán vườn vì trong tương lai rất có giá nhưng rồi ông cụ đem bán không cho bà cụ biết. Mình thì ngược đời ông cụ, mình mua nhà, mua đất không cho đồng chí vợ biết. Chỉ mua xong mới báo, hỏi muốn đi xem để lỡ mình có chuyện gì còn mò ra.
Ngồi nhớ lại thì nhớ đủ thứ, nhớ nhất cái lạnh lạnh của những ngày mùa đông, gió thổi ào ào, phải đi bộ qua mấy cái am thờ người chết. Hình như mấy người bị Việt Cộng bắn chết. Gió lâu lâu ập đến tung thổi bụi hồng xoắn vào người mình, quần áo coi như phải giặt lại. Nếu mình không lầm thì ngã ba xuống vườn nhà mình, có một cái am to đùng. Gió rít lên khiến cây thông reo hét như ma gọi hồn đòi nợ, khiến mình càng đi nhanh như chạy càng tụng kinh cứu khổ cứu nạn.
Lớn lên nghe ca sĩ Thái Thanh hát "Ngày Xưa Hoàng Thị", mình rất ngạc nhiên là ông Phạm Thiên Thư cứ tiếc ngẫn ngơ kêu "ai đem bụi đỏ đi rồi…" mình mà có kết cô nào mà nhà ở đường kiểu vào ấp Sòng Sơn thì thà rằng không có bồ còn hơn hít bụi đỏ hay té xình khi mùa mưa đến.
Con đường này ít người đi lại, chỉ thấy mấy chiếc xe be vào rừng đốn cây, vườn tược thì có vài người làm lại không quen biết. Mảnh vườn được chia làm hai bởi cái suối, chắc là suối Tía nên khi qua bên kia vườn là phải cởi dép, lội qua. Nước suối rất lạnh, vào mùa hè thì quá đả nhưng mùa đông thì buốt xương. Trước khi về, mình nhảy xuống suối tắm, giặt quần áo, ngồi đợi khô, bận lại rồi đi về. Mình nhớ cái thú ị vất trong rừng. Ở nhà thì không buồn cầu nhưng sau khi đi 6 cây số vào tới vườn thì phải lấy cái cuốc làm một lỗ rồi thả bom, sau đó lấp đất lại vì sợ ma lai, ban đêm rút đầu ra đi ăn kít của mình biến mình thành ma lai. Chán Mớ Đời
Có lẻ nhờ bà cụ làm vườn nên mình học được nhiều bài học từ nhỏ; thợ không có chủ bên cạnh là ngồi chơi sơi nước và phải kiểm soát những chi tiêu, hè phải vô vườn mỗi ngày nhất là khi mùa sú và khoai tây sắp được hái vì sợ thợ ăn cắp lấy bán riêng. Sau này xây nhà cho thiên hạ mình không mướn thợ, chỉ khoán cho tụi thợ, làm sớm thì ăn nhiều làm trễ thì mình kêu thằng khác làm rồi trừ tiền theo giao kèo. Xong om.
Mình nhớ mùi nhựa thông vi vu reo vang, gió thổi. Nhớ tiếng chim hót reo vang trời, nhớ dấu chân heo rừng đêm chạy ra, bừa mấy vồng ăn khoai tây, nhớ tiếng máy bơm nước Kubota với mùi dầu xăng, nhớ những quãng đường phải đi qua, mang theo gạo, tay xách bình xăng, nhớ những lần lội bùn dép bị đứt quai sau đó rút kinh nghiệm, đi chân không, dép bỏ trong gùi, ra tới đường, không có nước xối chân,…. 
Sơn đen một thời làm vườn ở Suối Tía, ấp Sòng Sơn Đà Lạt 
Nhớ sao là nhớ, những hình ảnh vẫn in đậm trong ký ức của mình. Ước gì được bay về lại khung trời ấy dù một phút. Khi về Đà Lạt, có anh bạn chở đi viếng lại vườn thì họ xây đủ thứ nhà cửa, không nhận đâu ra đâu. Nghe nói dân miền bắc, sau 75, vào Đà Lạt đông còn hơn quân nguyên. Nghe nói nay lên hơn 60% dân số Lâm đồng. 
Nhs