Chợ Đà Lạt

Mình có một tên bạn học cũ ở Đà Lạt, rời xa Đà Lạt từ năm 1975, chưa một lần về lại cố hương nhưng có lẻ ký ức của hắn cứ lêu bêu, dừng lại ở cái chợ Đà Lạt. Cứ thấy tài liệu viết về Đà Lạt, nhất là cái chợ, hình xưa bóng cũ của Đà Lạt là hắn gửi cho xem. Hắn ray rức nổi nhớ đến nổi tự học, vẽ lại cái chợ Đà Lạt ngày xưa trong không gian 3 chiều rồi lồng vào những hình ảnh các học sinh cũ của Đà Lạt như thể thổn thức, gợi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của một thời thơ trẻ. Ký ức lưu vong của hắn dừng lại ở cái chợ Đà Lạt khi xưa nhưng vẫn được cập nhật hoá với hiện tại.
Mình chỉ ngạc nhiên là tên bạn này, gia đình thuộc hạng cao cấp khi xưa ở Đà Lạt, suốt ngày chỉ ăn và học, nhà ở Chi Lăng mà lại thương nhớ cái chợ Đà Lạt này khiến mình cũng buồn lây lất khi nhận mấy tài liệu của hắn. Nghĩ lại thì Chợ Đà Lạt, là trái tim của thị xã Đà Lạt khi xưa, là sức sống của thành phố tương tự khu chợ Les Halles của thủ đô Paris, trước khi được dời về Rungis, ngoại ô của Paris. Mình vẫn chơi vơi khi thấy bóng hình cũ của Đà Lạt như tìm lại bức thư tình cũ hay đôi mắt của cố nhân để rồi xót xa khi hình ảnh cũ được tô lên lớp son, lớp phấn cực quê mùa để che giấu cái già nua được thời gian tàn phá.
Bà cụ mình buôn bán từ khi rời quê vào Đà Lạt nên mình sinh ra và lớn lên với cái chợ Đà Lạt, thậm chí từ cái chợ cũ trên khu Hoà Bình trước khi chợ mới được xây vào năm 1958 do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế tại vùng dưới đồi của khu phố Hoà Bình mà người ta hay gọi khu vườn xà lách xoong.
Chợ Đà Lạt lúc đang xây do nhà thầu khoán Nguyễn lInh CHiểu trứng gthaauf
Góc gian hàng của bà Phòng bán trái cây cạnh gian hàng dì Bơn, bạn mẹ mình
Chợ Đà Lạt được thành lập nghe nói đâu vào năm 1929 tại khu Hoà Bình. Bà cụ mình kể họ kêu là Chợ Cây hay Chợ Gỗ vì được xây bằng gỗ sau đó bị cháy nên người ta mới xây lại bằng gạch. Sau này khi chợ Mới được xây xong thì họ phá chợ cũ để xây khu hội trường Hoà Bình, rạp xi nê ở trong được bao bọc bởi một dãy tiệm buôn bán phía ngoài. Hồi còn bé, chị giúp việc hay đưa mình ra chợ cũ, khu Hoà Bình thăm bà cụ, nhất là lấy đồ ăn đem về nhà ở Ấp Ánh Sáng nấu cơm. Sau khi chợ mới Đà Lạt được xây xong thì bà cụ bốc thăm được buôn hàng xén nên dọn xuống khu cạnh cái bễ nước ở dưới chợ. Dưới chợ có hai cái bể nước: một ở đầu phía tay trái từ cầu Ông Đạo đi vào và một ở phía sau chỗ chợ cá.
Hàng xén của mẹ mình nằm ngay cầu thang, phía ngoài có bồn nước 
Sau này khôi nguyên Grand Prix de Rome, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tốt nghiệp ở Pháp về, có vẽ lại mặt tiền nhất là chiếc cầu, đúc bằng bê tông, nối kết từ khu Hoà Bình qua chợ mới và cầu thang đi từ đường Lê Đại Hành xuống. Chiếc cầu này có lẻ bị ảnh hưởng của ông Le Corbusier, vì sau này mình thấy nhiều kiến trúc sư khác như Mario Botta, cũng thiết kế nhiều chiếc cầu tương tự. Năm ngoái đi viếng La Mã lại mình có chỉ cầu thang của công trường Piazza D'Espagna cho đồng chí gái xem, nói là sau 3 năm nghiên cứu ở La Mã, nội trú ở Villa Di Medici do chính phủ Pháp tài trợ sau khi đoạt giải nhất của Grand Prix de Rome, kiến trúc sư Thụ đã vẽ lại những thang cấp phỏng theo quảng trường này nhưng cô nàng cứ nhìn những cửa hàng thời trang. Chán mớ đời!
Từ cầu thang xuống thì có cái bùng binh tròn mà khi xưa mình hay ra đây chơi, đợi bà cụ tan chợ vì có cỏ xanh, có một cây tùng ở trọng tâm. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, người Pháp dùng bê tông trắng khá nhiều với ảnh hưởng của ông kiến trúc sư Le Corbusier nên kiến trúc sư Thụ thiết kế lại mặt tiền, tương tự Dinh Độc Lập ở Sàigòn được sửa lại với kỹ thuật bê tông trắng mới.
Mình nghe kể là Dượng Thụ ( vợ là bà con với bà cụ mình) thiết kế hai dãy nhà xung quanh cái chợ và những kiosk từ bùng binh chỗ cầu Ông Đạo vào. Mình chỉ nhớ là ống thoát nước mưa từ chợ và khu Hoà Bình chảy ra suối Ấp Ánh Sáng, chảy về Thác Cam Ly nên khá hôi nhưng không biết ngày nay có thay đổi gì không vì dân cư đông hơn thêm rác rưỡi khá nhiều.
Kỷ niệm của mình chợ Đà Lạt thì có khá nhiều vì từ bé mình hay ra chợ phụ giúp bà cụ mỗi khi có hàng về hay dọn hàng khi bà cụ có mang mấy người em. Mình thích nhất là chợ Tết nhất là Chợ Đêm trước Mậu Thân vì sau đó thì ban đêm bị thiết quân luật, giới nghiêm nên không có chợ đêm.
Chợ Đà Lạt là nơi hội tụ đủ các tầng lớp người Đà Lạt nên có nhiều chuyện quái quái mà xa Đà Lạt từ lâu, mình vẫn nhớ hoài, đến những nhân vật như người khuân vác, bà bán cá đánh ghen, bà Lại vì ai nói cái gì thì bà ta làm theo như vậy,…
Dạo ấy chỉ có một cái chợ to rồi có con đường nối hai bên phía sau lưng chợ, cắt ngang chợ với một khu chợ cá, chợ bán rau che mưa nắng bởi mấy cái nhà dù bằng tôn, màu của rét rỉ rồi đến bãi trồng rau, cạnh đó có nhà vệ sinh công cộng. Có một cô bạn học cũ, ở cái nhà to đùng cạnh đó.
Mình thích nhất cuối tuần, ra phụ bà cụ dọn hàng rồi được thưởng cho một đĩa bánh căn, ngay khu hàng thịt. Mình kéo cái đòn, ngồi đợi bà bán bánh căn đỗ. Có lần đang ngồi ăn, thấy một cô bạn học chung lớp, chắc cũng ra chợ phụ gia đình, ngượng suýt tí nữa là sặt ra mắm cá.
Mình thích nhất là ông Sơn Đông Mãi võ, hay đậu chiếc xe Lam trên con đường ngăn Chợ Cá và Chợ Rau. Ông ta biểu diễn nội công, tự xưng là em của võ sư Hà Châu, nổi tiếng, nằm cho xe Hủ Lô chạy qua không dẹp mà mình đọc trong báo Thao trường. Ông ta cầm cái micro, nói oang oang qua cái loa gắn trên mui của chiếc xe Lam còn bà vợ ông ta thì cầm mấy chai thuốc bổ tam tinh đi vòng vòng để bán. Sau này mình hay thấy loại thuốc này được bày bán ở tiệm thuốc bắc của một tên bạn học cũ.
Ra nước ngoài, xem cuốn phim "La Strada" do Federico Fellini đạo diễn với tài tử Anthony Queen khiến mình ngậm ngùi nhớ và thương vợ chồng ông bán cao đơn hoàn tán ở chợ Đà Lạt khi xưa. Cũng chiếc xe Lam 3 bánh, họ đi khắp nơi biểu diễn nội công, bán thuốc ba láp kiếm ăn.
Ông kêu như hét trong cái micro, ai đau trong thận, nhức trong xương, uống 3 ngày là bảo đảm hết đau. Đau thận dễ biết lắm, bằng đêm đi tiểu 6 , 7 lượt. Đàn ông yếu dương, xuất tinh sớm, phụ nữ đau lưng khi có kinh nguyệt nên uống thuốc này. Uống 3 ngày bảo đảm là hết. Không hết đem thuốc lại tụi hoàn tiền. Tui là môn sinh của môn phái Long Hổ, không bao giờ làm xấu mặt môn phái rồi cởi áo cho người ta xem hình con rồng bên tay phải và con cọp bên tay trái, lấy cái khăn quấn cái cùi chỏ rồi quỳ xuống đánh cái cùi chỏ vào trái dừa, được kê trên 3 cục gạch. Bụp! Trái dừa bị bể. Mình nghe khán giả đàn ông ai nấy đều kêu á đù rất dài rồi sau một phút im lặng, đám khán giả như cái tổ ong vỡ, ùa chạy lại bà vợ ông võ sư chi đó, kêu mua 2 chai, 4 chai…. Hà rầm trong khi ông võ sư thâu tiền, miệng gào thét uống không hết đem thuốc lại tui trả tiền lại.
Mấy tuần sau trong trường, Petit Lycée có cho học sinh xem xiếc, cứ hai lớp thay phiên nhau ra xem chỗ gần văn phòng y tá, cạnh cái cột cờ. Mình lại thấy ông bán thuốc này, làm xiếc với con khỉ bận áo đỏ, đạp xe đạp, đánh trống. Dạo ấy mình phục ông ta lắm, ước gì có một con khỉ như ông ta kiếm tiền. Về nhà mình cũng lấy khăn quấn cái cùi chỏ rồi dùng cùi chỏ đánh bể trái dừa. Đau thất kinh, tê dại và từ bỏ mộng làm Sơn Đen Mãi võ, làm xiếc từ đó.
Có bà T bán cá đánh lộn hay lắm. Đang xem Sơn Đông Mãi Võ mà nghe ồn ào trong Chợ Cá là thiên hạ chạy vào coi. Bà T bán cá này nghe nói có võ Bình Định Tây Sơn chi đó mà sau này lớn lên học ca dao " ai về Bình Định mà coi, con gái BÌnh Định múa roi đi quyền". Mỗi lần bà ta cãi nhau không lại mấy bà trong chợ, là bà tay tuột quần đối thủ, trong khi đối phương đang lo kéo quần lên thì bà ta rị tóc của đối thủ lại rồi vã vào mồm như điên như dại. Đàn ông cứ chăm chú nhìn nạn nhân kêu u chầu u chầu, không ai nghĩ can hay cứu giúp nạn nhân.
 Bên tay phải là gian hàng làm đồ thiết của hai anh em ông gì quên tên ở khu cư xá Nhà Địa Dư, chuyên làm mấy cái thùng để tưới vườn. Mình có học họ cách hàng thiết. Bên tay trái là tiệm Bình Lợi của cô Ba Chỉ làm kinh giầu cho Việt Cộng.
Có ông Tư Cà Thọt, chống nạng đi ăn xin ở chợ. Khi thì thấy ông ta ngồi ăn xin ở trên cầu chợ vào cuối tuần, khi thì thấy ông ta ở bến xe Chi Lăng. Tối về ông ta ngủ trên cầu thang nơi hàng bà cụ mình. Ông ta trải mấy thùng cạt tông đồ mỹ dưới đất rồi nằm trên đó, quấn mền để ngủ. Sáng ra thì ông ta dọn dẹp ngay nắp nếu không cảnh sát tống cổ ra khỏi chợ, nằm dưới hiên nhà thiên hạ thì lạnh hơn.
Có bà Lại, không biết bà ta tên chi nhưng thiên hạ kêu bà Lại vì bà này có cái bệnh lại. Mình nhớ có lần thấy bà ta đang bưng cái thúng gạo hay nếp chi đó thì có một đám con nít kêu Lại Lại bỏ xuống, bỏ xuống thì bà ta thả cái thúng xuống đất rồi bọn nhỏ bỏ chạy cười hét trong khi bà ta như định thần lại hốt gạo vào cái thúng. Lâu lâu thấy bà ta động cơn như lên đồng ngoài chợ cầm cái chuông nhỏ với đồ gõ bằng sắt. Bà ta gõ keng cà leng keng rồi nhảy múa như mấy bà lên đồng ở Am Mệ Cai Thỏ, hát: "Đàn bà buôn vụ bán mông" rồi nhảy lên trời kêu cái hứ rồi khỏ cái chuông nhỏ keng cà leng keng rồi nghêu ngao "Buôn khi mô tóp vụ rậm lông thì về". Mình hay tò mò đứng xem mỗi lần thấy bà ta lên đồng giữa chợ. Con nít bu lại xem đông như kiến rồi có đứa kêu tuột quần xuống, tuột quần xuống thì bà đang nhảy múa bổng đứng lại rồi tuột quần, may có bà nào chửi mồ tổ bây rồi chạy lại chụp quần bà Lại kéo lên.
Có hôm trời Đà Lạt bị ảnh hưởng bão nên mưa dai dẵng, tối bà Lại còn ngại chưa về, đi lên cầu thang, gặp ông Tư Cà Thọt, nghêu nghao "đàn bà buôn vụ bán mông ra răng rồi cười hề hề, buôn khi mô tóp vụ rậm rông thì về rồi cười he he he. Bà Lại chửi mả cha mi thì ông Tư Cà Thọt kêu cởi quần ra cởi quần ra thì bà Lại cởi quần rồi nhảy lên mấy cái cạt tông của ông ta.
Sau cái đêm lịch sử đó, mình thấy bà Lại với ông Tư Cà Thọt đi ăn xin ở bến xe Chi Lăng, mỗi lần mình đi học Grand Lycée, cuối tuần thì ngồi ở cầu thang chợ trên và cũng từ đó mấy đứa con nít không còn chọc bà Lại kêu bỏ xuống bỏ xuống vì có ông Tư Cà Thọt bảo vệ, đưa cái ba toong ra rượt mấy đứa nhỏ.
Hôm nào rảnh nhớ cái gì kể tiếp.
Sơn Đen

Chụp bên sẽ đò Chi Lăng, bên tay trái là nhà hàng và vũ trường La Tulipe Rouge