Trong các nước mà mình đã từng sinh sống thì mình thích nhất nước Ý Đại Lợi, đồ ăn uống, kiến trúc, gái gú, văn hoá,... Nói chung là nếu không đi Mỹ thì mình đã nhận nơi đây làm quê hương. Mình nhớ hồi ở Đà Lạt, có coi phim "Made in Italy" ở rạp Ngọc Lan hai lần, vui thần sầu. Mình không nhớ tên ông thầy, dạy thế vài lần về sử thì phải. Cứ gần hết giờ, ông thầy người Nam này kể chuyện phim của Ý, ông này có tài kể chuyện phim. Ông ta cứ kêu học trò ngoan thì ông ta sẽ dành 15 phút sau giờ để kể chuyện xi-nê. Mình nhớ được nghe ông kể về xi nê Ý Đại Lợi, thuộc trường phái Tân Hiện Thực "người ăn cắp xe đạp" (ladri di biciclette, của Vittorio de Sica). Nghe ông ta kể khiến mình mơ ngày nào viếng thăm Ý Quốc nhất là mê xi nê Ý, thời sau chiến tranh thế giới thứ 2. Ở Paris cuối tuần là đi coi xi nê Ý ở trung tâm văn hoá Centre Pompidou.Mình xem phim này không biết bao nhiêu lần. Bằng tiếng tây, tiếng ý, tiếng anh.
Năm đầu vào trường kiến trúc thì lớp có tổ chức đi chơi một tuần ở Siena gần thành phố Firenze vùng Toscana (Ý). Mình muốn đi nhưng lại kẹt giấy tờ vì dạo ấy Saigon vừa mất cho nên sổ thông hành VNCH không còn giá trị. Dạo đó đang xin tị nạn chính trị nên chưa có giấy tờ đi nước khác, may có thằng bạn quen một tên VN có quốc tịch Pháp nên mượn thẻ căn cước của hắn để qua biên giới. Lúc tới biên giới mấy đứa bạn tây , đầm đều run cả nhưng thấy ngồi chung nên quan thuế cũng không dòm ngó gì cả. Tính ra là mình có 4 sổ thông hành, VNCH, Pháp, Cộng đồng Âu Châu nay thì dùng Mỹ.
Trong lớp thì chia ra nhiều nhóm thân nhau đi viếng thành phố này trong ngày nhưng mình lại thích đi với ông phụ giáo còn trẻ. Mỗi ngày ông này đi vẽ nên mình ngồi bên vẽ để học cách vẽ của ông ta. Mình có hai kỷ niệm vui nhất về ông này. Lần đi Siena thì sau một ngày vẽ thì hai thầy trò kéo nhau đi ăn tiệm ngay ở Piazza Del Campo, ông này lại muốn ngồi ngoài trời nên khi người bồi bạn vừa bưng đĩa spaggetti nóng hổi ra, chưa kịp ăn thì một con bồ câu bay ngang thả bom ngay xuống đĩa spaggetti làm phải tốn tiền kêu đĩa khác. Một lần khác ông ta rũ mình đi La Mã chơi vì có người em chú bác tên Marc Porel, cho mượn nhà trong vòng một tháng. Ông Marc Porel này là tài tử xi nê, nổi tiếng một thời đóng với Alain Delon, bồ với Ursula Andress nổi tiếng trong vai Bond Girl với Sean Connery trong phim Dr. No, sau này chết vì ma tuý.
Trong xe lửa từ Paris đến La Mã thì ông ta kể cho mình nghe những mánh mung của dân Ý móc túi du khách. Khi xe lửa vào ga Termini của thủ đô La Mã, ông ta dặn mình là cẩn thận, tụi móc túi đã để ý đến mày rồi. Hai thầy trò lấy xe buýt về tới nhà thì ông này rờ tay vô túi quần thì cái bóp của ông ta không cánh đã bay làm mình muốn cười nhưng không được. Đi ra đồn cảnh sát Ý để báo cáo thì thấy 2 cặp người Mỹ từ Mỹ sang bị mất chiếc xe chở bằng tàu thuỷ từ mỹ sang, ngay cả vali lẫn tiền bạc, sổ thông hành thấy tội thể thảm.
Dạo đó dân Ý nổi tiếng về ăn cắp, du khách đi xe lửa, ngủ couchette thì họ thổi thuốc mê để lấy đồ. Mình nghe kể chuyện ăn cắp như; có người lái xe hơi dừng ở đèn đỏ thì thấy trong kính chiếu hậu có người đứng tè vào xe mình nên mở cửa chạy ra chửi bới thì có tên khác nhảy lên xe vọt chạy đi. Có cặp vợ chồng Pháp đi chơi nhưng sợ bị mất xe nên bà vợ vào viếng viện bảo tàng trước trong khi ông chồng ngồi coi xe, buồn ngủ hay sao lúc bà vợ đi ra thì thấy mất bốn cái bánh xe. Trong mấy phim có tài tử danh tiếng Toto đóng có mấy cảnh dân Napoli ăn cắp tại Nhà ga, xe buýt.... Sau này mình đi Giang Hồ thì tới thành phố nào cũng mua tờ báo địa phương kẹp nách nên được yên thân, ngụ ý là mình thuộc dân địa phương.
Mình đi Ý lần thứ hai vào năm sau khi lớp tổ chức đi Venise. Phải công nhận thành phố này quá thơ mộng, tối sau ăn cơm cả đám rũ nhau ra Piazza San Marco, uống nước rồi nhảy Valse trong tiếng vĩ cầm do các nghệ nhân chơi. Sau này mình đi viếng thành phố này mỗi năm khi còn ở Âu Châu, lần chót đến là năm 2006 khi đưa vợ con đi Âu Châu thăm bạn bè cũ nhưng cái không khí khi xưa hình như không còn nữa, không còn ai chơi vĩ cầm nơi các tiệm ăn hay cà phê. Du khách đông hơn xưa nhiều.
Ở đây có cái vụ là dân bồi bàn gian lận khi thối tiền. Mình thấy rõ ràng tên bồi bàn đếm nhưng khi đến tay tên bạn thì thiếu hai tờ nên khi đi Ý là mình phải đếm lại trước tên bồi bàn nếu không là bị gian ngay. Dạo đó nước Ý còn dùng tiền Lire nên một quan Pháp ăn đâu 15,000 tiền Ý như thể mình về VN, lấy đô la đổi ra tiền đồng, đếm mỏi tay. Có mấy cái đảo nhỏ xung quanh thành phố này, có một đảo tên Lido mà mỗi năm có tổ chức giải xi nê quốc tế. Ngoài ra có Murano, Burano,.. rất dễ thương, ít du khách hơn, nhà cửa bớt đồ sộ vì khi xưa là làng đánh cá và làm ve chai, nay có mấy tiệm thổi ve chai thành ly tách, bình hoa,…
Giáng sinh năm 1980 thì được một cô bạn Ý quen ở Luân Đôn mời sang chơi. Nhà cô này cách thành phố lớn Brescia khoảng 50 km. Mùa đông nhưng mình cũng phải đi vẽ để bán tranh trả tiền tàu lửa. Sau bạn của cô này có một bà chị kiến trúc sư nên mình hỏi quen hãng kiến trúc nào mướn người vẽ thì cô ta giới thiệu một giáo sư ở đại học Torino (Turin), thủ phủ của hãng xe hơi Fiat nên mình đến Torino làm việc, nhân tiện kiếm tài liệu để làm luận án ra trường. Mình làm việc được 6 tháng rồi đi giang hồ 3 tháng hè từ nam chí bắc Ý Đại Lợi, vẽ tranh bán.
Đi từ Bắc xuống miền Nam Ý rồi qua đảo Sicily, có ghé lại thăm vài tên bạn ở chung kí túc xá nên có rất nhiều kỷ niệm vào thời gian ấy. Nhớ đi xe đò từ Agrigento đến cái làng Corleone, nổi tiếng qua phim Bố Già thì mình buồn chả biết làm gì nên vẽ hí hoạ anh tài xế, cuối cùng anh này cho mình đi không bù lại mình tặng cái hí hoạ của anh ta.
Làng này nhỏ nên chỉ có hai tiệm ăn mà một tiệm đóng cửa hôm đó nên mình phải vào tiệm còn lại. Mới vào cửa thì tên hầu bàn hỏi mình là sinh viên thì mình gật đầu. Khi xem thực đơn thì không thấy đề giá tiền nên hỏi người hầu bàn thì hắn nói đừng có lo, trường trả nên mình kêu đủ món, ăn cho nhanh vì có nhóm sinh viên Mỹ đi du lịch cả xe buýt sẽ ghé lại ăn tối. Ăn xong thì lo chuồn ngay vì thấy vài tên sinh viên Mỹ bắt đầu vào mà không chịu ngồi chung bàn với mình nên kí tên rồi ra cửa. Sau này kể cho tụi bạn sinh viên Ý thì không tên nào tin cả, nên đến mấy chục năm sau, gặp lại tụi nó vẫn bắt mình kể lại chuyện đó.
Nước Ý là một nước mới thống nhất bởi ông Garibaldi trên 150 năm nay, còn trẻ hơn Hoa Kỳ nên rất phức tạp. Mỗi vùng nói thổ ngữ địa phương tương tự như ở Thụy Sĩ, ở nhà thì họ nói thổ ngữ còn đi học thì nói và viết tiếng Ý. Gặp người lớn tuổi nhiều khi họ không biết viết hay nói tiếng Ý. Miền Nam Ý rất khác xa với miền Bắc cho nên có sự kì thị giữa Nam Bắc nhất là về khí hậu. Miền Nam nóng hơn nên khi mình ghé lại thăm mấy tên sinh viên ở chung kí túc xá thì trưa là đi ngủ, chiều khoảng 5-6 giờ là ăn bánh mì nướng trét dầu olive, sang thì thêm chút cà chua. Không có máy điều hoà không khí như ở Hoa Kỳ.
Xong thì đi rão phố, trong làng vào lúc đó thì nam nữ ăn bận rất là chải chuốt, đi đầy đường mà làng thì chỉ có một con đường chính, cứ đi dăm ba phút lại về chốn cũ nhưng thật ra rất lâu vì cứ đi vài bước thì bạn mình gặp người quen là đứng lại giới thiệu mình, rồi họ hỏi tông ti họ hàng của mình cũng mất 15 phút để trả lời rồi lại đi vài thước lại Ciao, Ciao bắt tay hỏi chuyện. Nhớ đến “Ciao” mà người Ý hay chào hỏi khi gặp nhau, dân Tây cũng bắt chước. Lúc mới sang Tây không biết nên khi thấy tụi Tây cứ kêu “Ciao” thay vì “Salut” thì mình tưởng chúng biết tiếng Việt nên khâm phục. Chán Mớ Đời
Dân Ý tương tự như người Huế, ra đường phải chải chuốt, nghèo nhưng ăn bận sang lắm. Dân Ý nghèo hơn với Pháp nên người dân di cư sang Mỹ hay đi lao động ở các nước âu châu miền bắc như Pháp, Bỉ, Đức,.. Ở Bỉ có một ca sĩ mà người Việt rất mến mộ, gốc Ý tên Salvatore Adamo với mấy bài như "Tombe la neige", La Nuit,...Có lẻ mình là thằng Á Đông đầu tiên đặt chân đến mấy làng này nên cả làng xôn xao, ùa ra hỏi chuyện. Hai ngày sau là mình quen hết làng, lại được họ mời về nhà ăn uống rất khuya.
Dạo còn ở VN mình thích bản nhạc Back to Sorriento mà ông Phạm Duy có phổ lời Việt, nên có ghé lại vùng Napoli để viếng núi lửa Vesuve, đảo Capri và thành phố này. Có dạo cả thế giới thích dịch các bản nhạc dân ca của vùng này như Bambino, O sole mio,...hình như Elvis Presley có dịch ra It's now or never.
Ở đảo Capri, đang ngồi vẽ thì có gia đình Ý kêu vào ăn cơm, ngồi xem biển đẹp lạ lùng làm nhớ tới bản nhạc “Capri c' est fini” mà mình hay bắt chước Hervé Vilard rống như bò “.
Capri, c'est fini,
Et dire que c'était la ville
De mon premier amour,…”
Capri, c'est fini,
Et dire que c'était la ville
De mon premier amour,…”
Mình viếng thành phố Napoli để vẽ những nơi mà Sophia Loren và Marcello Maestroiani từng đóng trong phim của Vittorio De Sica. Xứ này nghèo nên họ ăn Pizza hay spaggetti al dente, nấu hơi sống để lâu đói. Sau này dân vùng này di cư sang Mỹ nên làm pizza bán khiến món này trở thành phổ thông. Khi lính Mỹ đổ bộ vào Ý để đánh quân Đức quốc xã thì đi lùng kiếm pizza nên từ dạo đó các vùng khác ở Ý mới bắt đầu biết và ăn Pizza. Gregory Peck có đóng một phim, quên tên rồi kể về thời lính Mỹ đổ bộ tới Napoli rất cảm động.
Đảo Sicily phải công nhận đẹp thật, bao nhiêu công trình của Hy Lạp và đế quốc La Mã vẫn còn, phong cảnh thì khô cằn, chỉ có trồng cây olive, bị ảnh hưởng của Văn hoá Á rập vì bị đô hộ khá lâu tuy không bằng Tây Ban Nha. Có điều lạ là đàn bà ai cũng bận đồ đen cả vì để tang người thân 3 hay 5 năm, sau đó thì có người khác trong gia đình bị giết thì lại để tang, cứ thấy trên tường dán các tờ cáo phó mà rầu.
Mình nhớ lần đầu tiên đến Siracusa, đang ngồi vẽ thì có hai cô bé xinh lắm đến ngồi bên cạnh xem mình vẽ, kêu mắt mình một mí đủ trò nhưng mình chả dám hỏi han gì cả, sau đó có một cô hỏi chuyện thì mình trả lời nhưng cứ dáo dác xem xung quanh có anh em của mấy cô này không vì sợ bị lupara (bắn). Có lẻ bị ảnh hưởng của Á Rập nên ra đường con gái phải có anh trai đi theo. Vẽ xong là chuồn không dám ở nán lại. Sau này gặp tụi bạn thì tụi nó nói chỉ là đồn đại. Con gái vùng Sicily có lẻ bị lai Á rập nên tóc đen nhiều hơn, rất là đẹp.
Dạo còn ở Âu Châu thì mỗi Giáng sinh mình đều đi La Mã chơi với một gia đình Ý quen. Gia đình anh bạn này thì thuộc thành phần nghệ sĩ, đánh đàn... Ông bố thì khi xưa chơi ban nhạc, về hưu làm đàn accordeon để bán, cô chị thì dạy dương cầm, ông chồng cũng đánh đàn cho ban nhạc. La Mã có cái truyền thống là vào đêm giao thừa thì mọi người quăn liệng các đồ cũ qua cửa sổ nên ngày đó không thấy ai đậu xe ngoài đường vì người ta liệng lavabo, cầu tiêu,... Trai gái tặng quà quần sì màu đỏ cho hên. Nói chung mình thích dân ý miền Nam hơn. Kiến trúc ở đây thì quá đẹp khó mà kể hết.
Sau khi ra trường thì mình bỏ 6 tháng đi chơi vòng Âu châu với cô bạn gái Mỹ sang Pháp chơi một năm. Từ Hy Lạp mình đi tàu về Ý, có ghé lại vùng Bari và Foggia thăm vài người bạn quen khi còn ở kí túc xá. Vùng này là nền Văn hoá Etrusque, có lẻ đẹp hơn văn hoá La Mã, có dịp sẽ kể. Vào nhà người bạn ở lại thì hắn đem mấy cái đồ gốm, khảo cổ mấy ngàn năm đào ra cho cô Mỹ xem. Cô này xem xong nói ở Mỹ là phải ở trong viện bảo tàng, tên bạn kêu, đồ này nhiều quá nên ai cũng lượm về. Xứ Mỹ mới thành lập trên 200 năm trong khi các đồ gốm này đã có trên 2,500 năm. Trong phim Roma, đạo diễn Federico Fellini có quay các cảnh đào hầm để xây xe điện ngầm thì cứ gặp cái di tích lịch sử của thời La Mã nên phải dời đường rày đi chổ khác nên tốn tiền và mất thời gian.
Nếu ai chưa đi Ý thì nên đi nhất là thành phố trên biển Venise vì có câu xem Venise rồi chết, hình như đạo diễn Visconti có làm một phim có tựa đề này. Hai thành phố khác mà mình muốn đưa vợ đến thăm là Firenze và Roma. Hi vọng năm 2016 sẽ đi âu châu được vì 2014 thì có gia đình mấy người em sang chơi còn 2015 thì về Đà Lạt thăm ông bà cụ.
Còn tiếp
Nguyễn Hoàng Sơn