Cư xá Công Chánh Đàlạt xưa

Cư xá Công Chánh Đàlạt xưa

Mình kể tìm lại cô hàng xóm ngày xưa với những kỹ niệm trong xóm thì Chử Nhất Anh kêu viết tiếp. Cô bạn này là người khơi cái mạch viết của mình về Đàlạt ngày xưa. Mấy năm trước, email cho cô nàng, kể vài chuyện về bạn học khi xưa, cô nàng có vẻ thích nghe kể chuyện thời xưa dù đã lên chức Bà Nội, cứ kêu mình viết tiếp đến ngày nay. Kinh

Bà con hay hỏi sao mình nhớ chuyện ngày xưa khiến mình như ngỗng ị, không biết trả lời ra sao. Sinh ra và lớn lên tại Đàlạt đến năm 18 thì đi tây, xem như 18 năm cuộc đời đều dính vào Đàlạt thì phải nhớ nếu không xem như mình đã thoát ly, từ bỏ 18 năm đầu của đời mình. Người Mỹ hay nói: “chúng ta là những gì chúng ta nhớ”.

Hôm qua, đọc tài liệu về bệnh Alzeimer thì họ cho biết nếu chúng ta sống đến 85 tuổi thì có khả năng 50% sẽ bị bệnh trả nhớ về không. Cái khổ là khoa học chưa tìm ra thuốc để trị bệnh này. Người ta chi tiền gấp 10 lần để nghiên cứu điều trị bệnh ung thư trong khi bệnh mất trí nhớ lại tốn gấp 10 lần để chữa trị. Ung thư thì vài tháng hay vài năm là theo ông bà còn bệnh trả nhớ về không thì có thể 10 năm rồi lại thêm 10. Chán Mớ Đời

Hình này chụp từ nhà thờ Tin Lành, trên đường Hàm Nghi

Được cái là họ cho biết, tuy chưa tìm ra thuốc chữa bệnh Alzeimer nhưng nếu chúng ta chịu khó làm hai điều thì sẽ giúp kéo dài trí nhớ của chúng ta. Mình nghiệm bà cụ mình, năm nay 86 tuổi mà đầu óc minh mẩn còn nhớ làu làu Lục Vân Tiên, không phải vài câu mà nguyên cuốn sách do ông Phúng, tiệm Hiệp Thạnh, số 11 đường Duy Tân cho mượn 65 năm về trước. Mình thâu bà cụ đọc Lục Vân Tiên mà kinh hải. Mình đã quên từ thời Bảo Đại. Bà cụ mỗi ngày đều đi bộ mấy cây số, lên Số 4 tập dưỡng sinh rồi đọc báo, đủ trò.

Khoa học cho rằng não bộ con người bị thoái hoá mỗi ngày. Các tế bào não bộ được liên kết với nhau qua “synapses” không biết tiếng Việt gọi là cái gì. Về già thì synapses bị thoái hoá, do đó chúng ta cần gìn giữ loại này bằng cách đọc sách, tư duy một tí và tập thể dục để giúp các synapse hoạt động bình thường.

Thứ nhất là tập thể dục và thứ nhì là đọc sách hay viết do đó mấy bác nên đọc chuyện đời xưa do sơn đen kể và tập nội công Hồng Gia và Nội Kình Nhất Chỉ Thiền do sơn đen hướng dẫn. He he he

Lý do là khi đọc sách và tập thể dục, cơ thể sẽ tạo thêm những neuron mới mà người ta gọi là neurogenesis, não bộ bị mất hàng ngày như xe hết xăng thì mình đỗ thêm cho đầy bình.

Xóm mình chỉ là có 7 căn hộ trong cư xá công chánh gồm 26 gia đình ở đường Hai Bà Trưng, Đàlạt xưa. Con đường này được xem là dài nhất của thị xã Đà Lạt. Thời tây con đường này mang tên nhà toàn quyền Joost van Vollenhoven , từ 01/1914 đến 7/1915, sau này tử trận tại chiến trường Marne năm 1918 trong thế chiến thứ 1. Trước khi kể đến mấy căn nhà khác trong cư xá, mình xin mở ngoặc, kể thêm tại sao đường Hai Bà Trưng Đàlạt, khi xưa toàn là cư xá dành cho công chức làm việc tại các sở hành chánh của thị xã. Ai biết thì xin bổ túc, em sẽ cập nhật hoá, cứ xem là ký ức cộng đồng của người Đàlạt.

Sau khi toàn quyền Paul Doumer đồng ý thỉnh nguyện thư của bác sĩ Yersin, xây dựng Đàlạt làm một nơi nghỉ mát, điều dưỡng cho cán bộ thực dân. Thay vì về Pháp nghỉ dưỡng xa xôi, tránh cái nóng của miền nhiệt đới thì lên cao nguyên với cái lạnh như ở quê nhà của họ vào mùa hè. Mình có cô bạn đầm, năm ngoái có ghé thăm mình ở Cali. Cô này có bà mẹ sinh tại Nam Định vì ông bà ngoại sang Việt Nam đi làm cho sở thuế và dạy tiểu học ở Nam Định. Mẹ cô này có kể cho mình khi xưa ở Paris là hồi còn bé có lên Đàlạt nghỉ hè.

Họ cho xây khu nghỉ dưỡng đầu tiên “Cité des Pics“ mà sau này là trường học Trần Hưng Đạo, cạnh hồ Vạn Kiếp, và vài biệt thự gần đó dành cho mấy viên chức cao cấp. Thời Bảo Đại, trường Trần Hưng Đạo là nơi lính Ngự Lâm Quân của vua đóng quân, ông cụ mình, ông nội của tên bạn Đinh Anh Quốc đóng tại đây. Sau này giải ngủ, ông cụ mình vẫn đến thăm cấp chỉ huy cũ ở tiệm hớt tóc Như Ý, đường Phan Đình Phùng là ông nội tên bạn học mình ngày xưa nên hai thằng thân nhau từ bé. Tên này hiện ở Virginia.

Mình có một tấm ảnh xưa của đường Hai BÀ Trưng chụp từ đường Hàm Nghi, ngay chỗ nhà thờ Tin Lành thì chỉ thấy những cư xá; khởi đầu là cư xá nhân viên viện Pasteur bên cạnh trường Nữ Công Gia Chánh, gồm nhiều nhà dành cho nhân viên của sở Pasteur mà ngày nay người ta gọi viện Vắc Xin chi đó, rồi đến cư xá nha Địa Dư, rồi cư xá ty Công Chánh, nơi gia đình mình cư ngụ rồi đi lên phía số 4 là ty Kiến Thiết và sau cùng là cư xá Bưu Điện, cạnh trường Đa Nghĩa.

Có người nói là không hình dung được trường Nữ Công Gia Chánh ở đâu. Nếu từ cầu Cẩm Đô, quẹo phải qua đường Hai Bà Trưng, đi lên cái dốc đầu tiên, bên tay trái có một căn nhà to đùng. Nay vẫn còn hiện hữu, chưa thấy họ chiếm đất phía trước xây nhà. Khi xưa, là trường dạy mấy bà làm nội trợ, có lẻ thời bà Nhu vì nhà xây theo loại kiến trúc mới sau thời Pháp. Khi xưa, mình có tập Vovinam tại đây, bên cạnh có cái dốc lên nhà thương, xóm trong này có gia đình hai tên du đảng khét tiếng một thời Lai và Thái. (Xem hình ở dưới sẽ thấy có mấy cây thông và trụ cờ ở sân trường).

Chiến tranh bùng nổ lớn khi quân đội mỹ đổ bộ, đốt nhà dân làng rồi lùa dân quê vào thành thị, hầu bao vây kinh tế Việt Cộng. Dân ở quê bỏ chạy trốn Việt Cộng, vào thành phố, cắm dùi, xây nhà bú xua la mua nên mới thấy nhà gỗ mọc đầy, xung quanh những căn nhà của các cư xá được xây bằng đá và hắc lô, rồi đến mấy ông thương phế binh cắm dùi khắp nơi như miếng đất đối diện cư xá Pasteur mà khi xưa mình hay đá banh (xem hình có vạc đất trước mấy ăn nhà của cư xá Pasteur, bên tay trái của chung cư thứ nhất của cư xá địa dư) với đám cư xá Địa Dư hay đường Cường Để hay gần am Sohier,..  vô hình trung phá nét đẹp ban đầu của đường Hai Bà Trưng mà mình được thấy khi gia đình mới dọn về cư xá ty Công Chánh.

Dạo ấy, người ta kêu có ma quỷ chi đó vô nhà bắt con nít nên nhà nào cũng vẽ chữ Vạn trước cửa. Mình nhớ một sáng thức dậy, ra sân chơi thì thấy trên cửa nhà, của xóm, có ai vẽ lên chữ Vạn đêm qua. Sau này mới hiểu là Việt Cộng, tuyên truyền bài trừ ma quỷ, nếu đọc lái là trừ ”Mỹ Qua”, chống quân đội mỹ đổ bộ mà đi xem xi nên hay chiếu phim thời sự, mấy cô gái Việt Nam trao vòng hoa cho lính mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Đại loại, xóm mình khởi đầu là anh Bình, chiếm miếng đất phía sau cầu xí công cộng, làm cái nhà gỗ rồi mấy năm sau chiếm thêm đất xây cái nhà gạch mà con cháu ở đến ngày nay. Rồi đến nhà bà Hiển chiếm miếng đất xây cái nhà 2 tầng rồi đến ông Vinh chiếm đất xây nhà rồi bà cụ cũng làm một căn. Từ từ xóm trở nên đông đúc, cứ thấy chỗ nào có bụi Quỳ hoang là họ tới phác mấy cây quỳ và mác mác, bìm bịp xây nhà riết không còn thấy trái mác mác, bìm bịp hay hoa ngũ sắc nữa.

Như bà Hành, mẹ thằng Nhân và con Xuân, vợ ông làm vườn, cạnh nhà ông Ba Tây, không chịu được ông chồng có vợ bé, phác bụi quỳ ở đường Thi Sách làm quán bán hàng rồi đến bà Phúc, mẹ thằng Khánh ù, em bà Ron cũng xây cạnh đó rồi bà Thới, mẹ thằng Minh Tây Lai học Thái Cực Đạo với mình cũng xây cái nhà gỗ nhỏ bán quán.

Chỗ giếng ông Ba Tây, ông Rị làm nhà nuôi heo, con cái không có quần áo, bò chung với heo. Sau 75, thì gia đình ông Rị có thớ với cách mạng. Kinh

Từ đường Phan Đình Phùng, có hai con hẻm, đi tắt sang đường Hai Bà Trưng, để đến cư xá công chánh. 1 ngay cây xăng ngã 3 chùa, băng qua vườn ông Ba Đà, mướn đất của ông Võ Đình Dung, sau 75 thì xem như của ông ta, nay bán đất, con cháu giàu. Hẻm này ăn thông đến giữa nhà ông Nhị (công chánh) và nhà ông Lào (nha địa dư). Hẻm này vẫn còn nhưng bị thu hẹp lại vì người ta lấn đất xây nhà.

Hẻm thứ 2 ngay chợ nhỏ, nằm kẹp hai bên bởi nhà thuốc Tây Lâm Viên, số 195 và tiệm may của ông Ba Hoà, hiệu Viên Quang thì phải, sát bên là nhà bán gạo và tạp hoá của gia đình Liên Thái Cực Đạo, khi xưa rất là tomboy, học thái cực đạo, học sinh Bùi Thị Xuân, mình có gặp lại một lần ở Virginia, làm nghề bán nhà, khi cô này chở vợ chồng Nhị Anh đi xem nhà. Cạnh tiệm thuốc tây Lâm Viên là bác Phú, hàng xóm vài năm khi xưa. Mình nhớ dạo ấy nhà này chỉ có 4, 5 mạng mà nay nghe chị Mẫn kêu là 9 mạng nên đoán bác Phú gái sản xuất thêm 4, 5 trự sau khi dọn qua số nhà 197 đường Phan Đình Phùng.

Đường hẻm này băng qua hai con suối, có 2 cái vườn trồng rau, gia đình cậu Liễu, bà con bán thuốc Cẩm Lệ ở đây, bên tay phải, nhà có cái am mày xanh. Hai cái cầu nhỏ làm bằng gỗ. Cái cầu ở gần cư xá Địa Dư được xây lại bởi đoàn hướng đạo Lâm Viên, do cậu Đằng, huynh trưởng chạy xe Lambretta, ở đường Phan Đình Phùng, gần nhà Nguyễn Minh Dũng, bà con chi đó với bà cụ mình và anh Ngữ, con đầu ông bà Ấm Thảo, gần xóm mình trên đường Thi Sách, sau này đi Thuỷ quân Lục Chiến, bị mất một con mắt khi đánh tái chiếm lại thành Quảng Trị, điều khiển đám hướng đạo sinh. Nghe anh Ngữ kể lại trận đánh khá sôi nổi, nay không biết ở đâu, chắc Sàigòn.

Dạo gia đình mình dọn về đường Hai BÀ Trưng, mình hay đi qua cây cầu này, chỉ có vỏn vẹn hai miếng ván, đi trên cứ nhúng lên nhúng xuống, nhất là có ai đi ngược với mình, thường thì ai lên trước có ưu tiên, bên kia cầu, nhường. Trời mưa, bộ hành hay bị trượt té xuống suối. Sau này Hướng Đạo Lâm Viên xây lại có lan can và rộng hơn nên đở sợ hơn xưa.

Từ chiếc cầu này, lên con dốc có thang cấp, nằm giữa hai khu căn hộ của cư xá Địa Dư. Cư xá có tổng cộng 3 dãy nhà làm bằng gỗ, hai tầng. Tầng dưới được xây bằng gạch còn tầng trên thì bằng gỗ, đi vào nhà từ đường Hai Bà Trưng qua mấy cái cầu nhỏ làm bằng gỗ. Tới mùa mưa, nước dưới suối dâng lên ngập nhà. Kinh

Khi trời mưa thì mấy cái vườn ở đây thấp nên bị lụt. Lý do là thiên hạ sống khu này hay đường Phan Đình Phùng, cầu Cẩm Đô,.. cứ đem rác quăn xuống suối vào mùa khô nên rác làm nghẹt con suối, ruồi bu đông như ruồi xanh, hôi thối. Đến khi mùa mưa thì nghẹt nên nước dâng cao, ngập nhà thiên hạ.

Lên đến đường Hai Bà Trưng thì băng qua đường có một con dốc nhỏ, nước mương trong nhà của khu cư xá Pasteur xã đầy, chảy xuống ống cống đường Hai Bà Trưng, lên tới đường Thi Sách. Khúc đường Hai Bà Trưng, ngay xóm Địa Dư có mấy bà ngồi bán thuốc lá và bắp rang.

Xin mỏ ngoặc, đường Hai Bà Trưng có một cái cống rãnh, nằm phía bên mấy nhà mang số lẻ. Nước cống từ nhà bếp thì thiên hạ làm mương, cho chảy xuống đường Hai Bà Trưng rồi chảy xuống suối. Điển hình xóm mình thì nhà 47/1, 47/2, 47/3 và 47/4 có một đường mương chung, chảy ngang nhà mình rồi chảy xuống đường qua nhà bà Ngần, số 47 Bis. 3 căn kia thì chảy qua nhà ông Vinh rồi xuống đường Hai Bà Trưng. Ống cống, mương chảy xuống suối vô tư về Cam ly do đó đến thác Cam ly là hôi không thể tả vì bao nhiêu xú uế của Đàlạt đều chảy ra đây.

Còn cầu tiêu thì dạo ấy nhà nào cũng làm hầm phốt nên khi đầy thì kêu xe đến hút chỡ đi. Xong om. Do đó đi lên mấy cái dốc thường có mương chảy xuống đường hôi rình. Khu dốc Nhà Làng ở đường Phan Đình pHùng, có ống cống hôi không thể tả tương tự ai lên dốc chỗ khách sạn Mimosa lên đường Hàm Nghi cực hôi. Ống cống mương rãnh gì chảy xuống cái suối ở Cẩm Đô rồi chảy về Cam Ly. Đi chơi với đào ngang mấy chỗ này là sẽ bị chửi. Chán Mớ Đời

Phía bên phải con đường dốc này thì khởi đầu cư xá Công Chánh. Nhà của cư xá Công Chánh ở đường Hai BÀ Trưng rất dễ nhận vì toàn là nhà hình chữ A, 2 tầng, sơn vôi màu vàng, cửa màu đỏ gụ, được ngăn làm hai cho hai gia đình ở. Dạo ấy đến tết, chú Chiếu của ty công chánh được giao nhiệm vụ đi Quét vôi máy căn nhà của cư xá.

Nhà đầu tiên là căn nhà chữ A với số 41 và 41 Bis. Số 41 là nhà thằng Banh, bố nó là em hay anh của ông Lào, cư xá Địa Dư, thầu đóng thùng gỗ, đựng rau cho mỹ. Hồi nhỏ mình hay chơi bắn bi, vào nhà thằng Banh nhưng rồi lớn lên, không chơi với nhau nữa. Nó học Trần Hưng Đạo thì phải, có người chú hay cậu ở chung nhà, sau này hay tới dụ ông cụ mình mua lô đề để hắn ăn huê hồng nên mình không ưa. Lần đầu về thấy nhà nó mở tiệm karaoke.

Bên cạnh nhà thằng Banh, số 41 Bis là nhà ông Tân Ù. Ở cư xá có đến 3 người tên Tân nên để dễ phân biệt, người ta gọi Tân Ù, Tân ốm và Tân Huế. Tân Huế là chồng của dì Tân, con bà Dụ, chị ruột bà Võ Quang Tiềm. Nhà ông Tân Ù này bắc kỳ, có mấy cô con gái xinh lắm, có cô tên Hoàng Giang, cùng tuổi mình, học Văn Học.

Căn nhà thứ 2 là số 43 và 43 Bis. Căn số 43 là nhà của ông Kham, bố của Thanh Tịnh, học chung 11B với mình ở Văn Học. Hôm hội ngộ Văn Học cô nàng có đến, nay ở xứ Ohio thì phải. Nhà ông Kham bị Việt Cộng chiếm làm trụ sở công an Phường 6. Bên cạnh số 43 Bis là nhà ông Hiển. Sau này ông chết thì bà Hiển trả nhà, cắm dùi cái ga ra phía sau, đậu chiếc xe Datsun đỏ, xây căn nhà 2 tầng. Ông Hiển này ghét ông cụ mình nên tìm cách tống lên Ban Mê Thuột, mấy năm sau bà cụ mình nhờ ai xin cho về Đàlạt lại.

Đại loại là trong phòng làm việc, ông cụ không chịu nhận hối lộ nên mấy tên kia tìm cách hại ông cụ, bỏ thuốc lá và rượu trong học bàn ông cụ rồi khi thanh tra từ Sàigòn lên thấy. Tình ngay lý gian ông cụ bị đổi lên Ban Mê Thuột mấy năm. Do đó gia đình mình không qua lại với gia đình này, chỉ nhớ có thằng Sanh, Lâm Đồng sau này lấy ca sĩ Duy Quang, học Yersin. Ngoài ra có người con đầu tên Kiệt, an ninh quân đội và cô con gái út, không nhớ tên.

Ông Hiển là dân nhậu, mỗi ngày nghe nói uống một chai rượu mạnh nên hay lên nhà thương nằm điều trị. Bà Hiển chuyên cho vay mấy bà ngoài chợ. Mỗi ngày cứ thấy bà ta đi qua chợ nhỏ, ngồi xuống nói chi với mấy bà bán hàng rồi thấy họ móc bao ra đưa tiền. Rồi bò lên chợ lớn Đàlạt. Nghe nói cho vay lời 2 phân nghĩa là 24% một năm. Ai mượn 10,000 là 200 đồng tiền lời một tháng hay 2,400/ năm. Kinh

Gia đình ông Hiển dọn ra thì gia đình ông Châu dọn đến. Mình không rành nhà ông Châu lắm vì con họ nhỏ hơn mình. Hình như ông ta mới qua đời, con cháu ở bên mỹ khá nhiều.

Chỗ này có con đường nhỏ đi từ Hai Bà Trưng lên Thi Sách, là ngỏ vào nhà mình. Dạo còn nhỏ, một sáng mình nghe cái ẦM to đùng, sau đó thiên hạ kháo nhau có người tự tử chết dưới đường Hai Bà Trưng. Mình chạy xuống đường, ngay cái dốc, trước nhà ông Kham và ông Hiển có một cái trụ điện thì mình thấy xác một ông lính, cái đầu bay một nữa lên cột điện. Nghe nói ông lính này tự tử vì tình chi đó, đến gần nhà đối tượng say nắng rồi bị say sóng, rút chốt lựu đạn, thà chết vì tình hơn là bị súng đạn Việt Cộng giết ngoài sa trường. Nếu hắn biết là lấy được đối tượng về thì bị đì cả đời đến trọc đầu thì chắc chắn không tự tử và đã khước từ mối tình hữu nghị say nắng cà pháo này.

Từ dạo đó, mỗi lần đi bộ về đêm, băng qua cột điện là mình ớn, miệng cứ răm răm cầu nguyện Phật Quán Thế Âm trong đầu lại nhớ đến hình ảnh ông lính mất nữa cái đầu, chết vì tình. Cái khổ là bóng đèn đường hay bị con nít bắn ná làm bể hay Việt Cộng nằm vùng cố ý, vì lâu lâu hay thấy ông nhà đèn leo thang gắn bóng đèn, nên tối tối là chỗ này đen như mực. Kinh

Sau lưng nhà ông Hiển, có một căn nhà chữ A khác, đi vào bằng con hẻm lên đường Thi Sách và Calmette, đối diện xóm mình bên kia hẻm số 43/1 và 43/2. Căn số 43/1 là nhà của một tên nào, quên tên, hình như Hoàng hay chơi với mình, cứ hát bản nhạc Kim: “cớ sao buồn này Kim, cớ sao sầu này Kim, ai yêu em hơn anh mà tìm,…”. Hắn có cô chị to béo, học Bùi THị Xuân, muốn giảm cân, ai chỉ uống dấm đến chết. Chán Mớ Đời

Bên cạnh là nhà ông bà Phú số 43/2, sau này dọn qua Phan Đình Phùng số 197, cạnh nhà thuốc Tây Lâm Viên. Có 9 người con, Chị Mẫn hình như học chung với chị Gái con bác Tước, hàng xóm mình, người đã cho mình mượn sách tiếng Việt khi xưa đọc. Rồi sau này lấy ông chồng là anh họ của chị Gái, kiến trúc sư, nếu mình không lầm tên Đức. Sau 75, ông thần này di tản qua mỹ, để lại vợ con ở Việt Nam nên gửi thư cho mình đang ở Pháp, nhờ chuyển thư về cho vợ con. Nay vợ con đoàn tụ, thấy hình vui vẻ trên Phây Búc. Dạo ấy mình làm tên đưa thư bất đắc dĩ cho vài người gốc Đàlạt, chuyển thư của họ về Việt Nam. Hình như có ông Rớt, khi xưa làm thủ môn cho đội banh Cảnh Sát ở Đàlạt.

Mình nhớ có lần thằng Hậu, con bà Hoà đứng ngoài cửa sổ nhìn vô nhà bà Tước, nó kêu thấy chị mẫn và anh Đức mớm nhau. Kinh. Mình tò mò nhìn vào thì chả thấy gì cả ngoài hai người ngồi nói chuyện. Chán Mớ Đời nếu không thì kể lại đây chắc vui.

Cạnh nhà ông Châu là căn số 45 và 45 Bis. Nhà ông Quán, số 45. Nhà này mình hay chơi với thằng Điệp, hơn mình mấy tuổi. Tên này hay, có tài chế đồ, nó bắn ná cực giỏi. Nó lấy cành cây ổi làm nạng, chim se sẻ đậu trên cây mai mà nó nhắm bắn cái phẹt là rơi. Sau này đi hải quân, nghe nói đang ở mỹ. Nó có thằng em tên Điềm, nhỏ hơn mình hai tuổi thì phải. Thằng Điệp có hai cô em rất xinh, tên Liễu và Mai, trai đến nhà bu đông như quân Nguyên, đánh nhau ngoài cửa hà rầm nên mình không dám nói chuyện, sợ chúng chận đường đánh là khốn.

Trên hắn có chị Nguyệt, nay vẫn còn sống tại căn nhà này. Trên chị Nguyệt là chị Hoa hay là em mình không nhớ rõ. Ngoài ra tên Điệp có 3 người anh tên Độ và Đường và Điền. Nếu mình không lầm Đường, đàn em của hai anh em du đảng khét tiếng Đàlạt một thời Lai và Thái, nhà ngay dốc Nữ Công Gia Chánh, có thời đâm ai chết ở trong tiệm hớt tóc đường Phan Đình Phùng bị đày đi Côn Đảo. Sau này về, mình có thấy vài lần nhưng rồi biến mất. Sau này hai thằng em của Lai Thái lại chơi với thằng Điềm và dê 2 cô chị. Chán Mớ Đời lần đầu về, mình có gặp anh chàng ở Thuỷ Tạ, kêu là chồng của Mai, cùng tuổi mình thì phải, đang chuẩn bị đi mỹ va nói mình là thằng Điệp, đi hải quân, rồi 75, tàu chạy luôn qua Phi luật Tân.

Mình nghe kể khi Xí Rổ, nhà ở đường Tăng Bạt Hổ, gần tiệm chè Vọng Nguyệt Lầu, chém Đại Cathay ở vũ trường La Tulipe khiến ông thần nổi điên, đem đàn em lên Đàlạt lùng Xí Rổ. Hai tên Lai và Thái phải ra Sân Cù xin lỗi Đại Cathay. Sau này dân Đàlạt đều kể chính mắt họ thấy Xí Rổ chém rồi họ có mặt ở Sân Cù,…Chán Mớ Đời

Sau này mình hay thấy Xí Rổ làm cái Tài Xỉu mỗi khi tết về ở đường Tăng BẠt Hổ, hắn ăn gian bằng cách dán miếng mousse dưới đáy chén để chận không cho hột xí ngầu di chuyển khi lắc cái. Có lần một tên ăn, kêu hắn chung tiền thì hắn rút con dao găm ra để lên tờ bàn khiến tên kia rút lui có trật tự. Kinh

Nhà ông Quán có nuôi con chó Berger, cắn mình hai lần phải lên viện Pasteur chích mấy chục mũi ở bụng. Có lần có con hoảng từ đâu chạy lạc vào xóm, hình như của nhà thờ Domaine, con berger dí vào hàng rào, gia đình bà Quán làm thịt, đem biếu nhà mình một cân. Ngon cực. Bà Quán người nam, hay làm bánh tráng khoai lang rồi phơi lên mái nhà bằng tôn, ăn ngon mệt thở. Bà này cũng lấy tiền của mình khá nhiều khi xưa.

Bên cạnh nhà ông Quán là số 45 Bis là nhà ông Ngần. Trước khi ông Ngần dọn vào thì có một gia đình khác, quên tên, mình có chơi với con họ. Hè có đám con gái ở Sàigòn lên chơi, cháu của họ, cứ gọi mình là thằng Mọi.

Ông Ngần chứa bài để lấy xâu mấy ông công chức trong xóm đến đánh. Có lần lính 302, xông vào nhà cướp tiền khiến mấy ông mặt xanh như đít nhái, hết dám chơi bạc, còn mấy bà thì hoan hô lính 302. Ông Ngần có mấy người con gái nhưng nhỏ nên mình không nhớ nhiều lắm. Nghe nói có một cô, sau này lấy con ông Bửu Duy, tên Vĩnh Hồ. Bà Ngần là em của bà Hân và bà Nghi. 3 chị em này mà đi ra phố là chật đường. Kinh

Cạnh nhà ông Ngần, là căn nhà số 47 và 47 Bis. Số 47 là nhà bà Tân ốm. Nhà này có thằng Đôn cùng tuổi mình, hay đánh lộn với mình khi xưa nên bà Tân không ưa mình, cấm mấy đứa con chơi với Sơn đen. Sau 75, Đôn đi bộ đội chết. Chị thằng Đôn tên Lan, hơn mình một tuổi học Bùi Thị Xuân, nghe nói nay ở San Jose, không bao giờ gặp lại. Thằng Đôn có thằng em tên Ân, một tên khác tên Ái và cô em út tên chi quên rồi. Về Đàlạt mình có gặp một hai lần, chăm sóc bà Tân đau yếu. Nghe nói bà Tân cũng mới qua đời.

Giữa nhà ông Ngần và bà Tân Ốm có một đường hẻm, thang cấp đi lên xóm mình, được gọi là số 47/1 đến 47/7, kể rồi trong “những ngày xưa thân ái”.

Bên cạnh nhà bà Tân số 47 Bis không nhớ là nhà của ai, vì dọn ra dọn vô nhiều gia đình. Cạnh đó là căn số 49 và 49 Bis. Số 49 là nhà ông chi quên tên, à ông Hân, anh em cột chèo với ông Ngần. Nhà này có cô gái đầu tên Huệ, học Việt Anh, hơn mình đâu 3 tuổi, cô thứ nhì tên Hương, hơn mình một tuổi, sau này lấy ông Tôn Thất Trai, giáo sư toán trường Trần Hưng Đạo. Nếu mình không lầm thì ông Tôn Thất Trai và bạn ăn cơm tháng nhà bà Hân rồi thấy đồ ăn ngon quá nên đăng ký làm rể luôn.

Sau 75 mở quán bán bún bò khá nổi tiếng, nay ở dưới San Diego rồi đến thằng Hùng, thua mình 1, 2 tuổi chi đó rồi đến một lô con gái nên không nhớ, nhỏ quá. Hình như có một cô tên Hoàng thì phải. Dòng họ này đặt tên theo vần H. Dạo ấy, bà Hân, bà Ngần hay lên nhà mình to nhỏ cho với bà cụ thêm mấy cô con gái, sau này mới biết họ lên mượn tiền bà cụ. Chán Mớ Đời

Bên cạnh nhà bà Hân là nhà ông Ngọc số 49 bis mà mình mới bắt được liên lạc với hai cô con gái lớn, nay ở Úc Đại Lợi. Bác Ngọc gái mất rồi còn bác trai thì vẫn sống với hai cô con gái. Nhà này có một tên con trai, hình như bằng tuổi mình tên Chân thì phải. Không thân lắm, nhà này đạo công giáo nên ít chơi với người lương. 30/4 Việt Cộng pháo kích vào Sàigòn thì bị tử nạn. Sau đó là vườn của bà bắc kỳ bị mình ăn cắp buồng chuối khiến bà ta chửi ngày chưa đủ tranh thủ chửi đêm khiến mình chịu không nổi đành sai thằng Khánh Ù, đem buồng chuối quăn vô lại vườn bà ta.

Đối diện bên kia đường, nhà ông Ngọc và ông Hân là số nhà 54, nhà ông Sâm, trưởng ty công chánh. Nhà này là một biệt thự có hàng rào vườn xung quanh. Mình chỉ nhớ ông Sâm có hai người con trai, một tên Chiến, học trường Trần Hưng Đạo, trên mình một hay 2 lớp chi đó. Hồi nhỏ mình có chơi với hắn nhưng có lẻ mình nổi tiếng phá xóm nên chỉ có vô nhà hắn được một hay hai lần. Mẹ nó thấy cái mặt gian gian của mình nên cứ bám theo sợ mình chôm đồ.

Bên hông nhà có một cái ga ra, rồi đến căn nhà với số 52 và 52 Bis. Số 52 Bis của gia đình ông Bửu Duy. Mấy căn nhà của cư xá ở phía bên này thì mùa mưa hay bị nước của suối dâng lên gần tới nhà còn sau vườn đều bị ngập, rau cỏ gì bị cuốn đi hết ngoài mấy cây chuối. Mình thấy họ trồng mấy cây chuối, rau đủ thứ.

Nhà ông Bửu Duy này thì có thằng Tí chuột, con riêng của ông Duy, con bà lớn hơn mình đâu vài tuổi. Sau này hắn đi đâu, hết thấy ở nhà ông Duy, chắc đi lính. Hôm trước có ai hỏi mình còn nhớ Tí Chuột khiến mình thất kinh. Một mảng ký ức xưa lại dội về. Tên này giống ông Duy như đúc, mấy đứa con bà sau giống bà hơn. Được cái là hắn và mình không bao giờ đánh nhau. Sau đó đến thằng Vĩnh Vinh, hơn mình một tuổi, con đầu bà sau. Lâu lâu mình và thằng Vinh hay đập nhau ngược lại mình rất thân với thằng Vĩnh Dũng, em kế nó. Thằng Dũng, bằng tuổi mình, rồi đến con Hương, thằng Hải, thằng Hồ đến con Hà. Nghe kể thằng Vinh, sau 75 đi thanh niên xung phong, đạp mìn Việt Cộng chết trong Cam ly với thằng HÙng ở cư xá Địa Dư, hay đá banh với mình. Thằng Dũng con Hương cũng chết sau 75, thằng Hồ thì lấy con ông Ngần, nay ở Texas còn con Hà thì ở Úc.

Có lần Tết, ông cụ mình hứng lên đánh mình đầu năm mừng tuổi nên mình bỏ chạy xuống nhà bà Duy, được cho tá túc qua đêm. Mình đi đánh bi da, đem theo chìa khóa xe ông cụ khiến ông cụ không đi đâu được nên khi mình bò về thì lì xì mình vài cái roi mây. Nằm trong phòng với thằng Dũng, nhìn ra cửa sổ ở lầu 2, thấy sướng mê tơi, ước gì có nhà lầu để ở.

Bà Duy được xem là phụ nữ hiện đại trong xóm vì biết lái xe Peugeot 203, nhảy đầm. Bà ta làm bánh bông lan khỏi chê, bỏ mối cho mấy tiệm ở Đàlạt. Đến mùa giáng sinh, thiên hạ đến đặt bánh bûche de Noël bà ta làm không kịp bán. Thằng Vinh con đầu phụ bà ta, kêu mình sai vặt rồi khi có cái bánh nào bị cháy khét thì hắn quăn cho mình một miếng ăn sướng mê tơi cuộc đời. Ngày nay nhìn không muốn ăn nhưng thời đó thèm ná thở.

Bà Duy có hai đứa con gái học Couvent Des Oiseaux nên mỗi lần sinh nhật hai cô con gái là tổ chức rầm trời. Xe hơi đến đậu trước nhà, chật đường Hai Bà Trưng từ đầu xóm đến cuối xóm. Nhà giàu có khác. Mình và mấy đứa trong xóm bò lại xem qua cửa sổ. Thấy đám con nhà giàu cắt bánh tây ăn, nhỏ nước miếng như chó rượng đực. Như Sabina, con gái ông tài xế trong phim Sabina, leo lên cây nhìn qua nhà chủ đang ăn tiệc thèm thò.

Mình và thằng Đắc, con anh Bình, thằng Điềm, con ông Quán dán mắt dán mũi vào cửa sổ để xem bọn con gái nhà giàu, thổi nến, cắt bánh sinh nhật, rồi vỗ tay om trời trong khi bà Duy lấy chổi ra rượt đuổi mấy đứa con nít nhà nghèo trong xóm như đuổi chó dính lẹo. Kinh

Lúc coi phim Sabina, thấy cô gái con tài xế leo lên cây để xem con cháu chủ nhà ăn uống khiến mình nhớ đến ngày xưa bị bà Duy cầm chổi chà rượt như đuổi chó khiến mắt mình cay cay.

Số 52 là nhà ông Bửu Ngự, có tiệm bánh Thanh Nhàn ở khu Hoà Bình. Bà Ngự và bà Duy khi xưa là bạn nhau, bà Ngự học nghề làm bánh của bà Duy, sau này mở tiệm bánh Thanh Nhàn trên khi Hoà BÌnh, nên hai nhà cùng họ nhưng không chơi với nhau nữa. Mình hay vô nhà bà Ngự nói chuyện với ông Ưng Quyền, bác của ông Ngự thì hay bị con bà Duy gán mình thích con Mina, con bà Ngự. Mình vô nhà bà Duy chơi thì bị con bà Ngự gán là thích con Hương. Chúng là con nhà giàu, gặp mình là trốn.  Chán Mớ Đời

Được cái mình học nghề làm bánh bông lan của hai gia đình này, biết nướng bánh trong lò, làm phè phè sau này mấy cô em gái lớn thì bàn giao lại. Dạo ấy, nhờ ông thợ thiết ngoài chợ làm cái lò thùng thiết, có cái nắp ở trên để mở khi lò quá nóng. Đặt lên cái lò dầu hôi để nướng bánh.

Bà Ngự cũng lái xe như mít, hình như chiếc Renault 4, có lần tông xe khi tập lái chi đó. Con gái đầu tên Mina, thua mình 3 tuổi thì phải, đến thằng Vĩnh Hội, sau này lấy con gái nhạc sĩ Tùng Giang tên Giáng Ngọc chi đó, hay thấy làm chương trình Việt Nam ở Bôn Sa, rồi đến một cô gái khác, sau này lấy con trai của ông đại tá Phạm Ngọc Thảo nằm vùng bị VNCH giết. Đến thằng Huy rồi sau đó mấy đứa khác không nhớ nổi vì khi xưa còn bé quá. Mình có gặp lại gia đình bác Ngự ở Cali. Bác trai mới mất còn bác gái thì trả nhớ về không.

Gần Tết, bà cụ mình hay làm mức để bán, bà Ngự sáng sớm, vừa hết giới nghiêm là lên nhà mình lấy hết mức rồi gói lại, đem ra bán ở tiệm Thanh Nhà ở khu Hoà Bình. Đến sớm vì sợ mấy tiệm khác đến lấy. Bà cụ mình rất khéo tay về bánh mức, nay có hai cô em thầu nghề này, mở tiệm Chez Nous ở đường Phan Đình Phùng. Dân Đàlạt nên đến tiệm này ăn thử, bánh ngày xưa của Thanh Nhà bán, cà phê ngon cực. Chú Điềm, cựu trưởng ty hay phó trưởng ty công chánh khi xưa kể đến đó hàng ngày với ông bạn già.

Bên cạnh nhà ông Ngự là căn nhà số 50 và 50 Bis. Số 50 Bis, nhà ông Địch có mấy người con gái lớn hơn mình, chỉ nhớ có một chị đầu, làm sở mỹ rồi 1 người tên Lực, sau đó đến anh Thắng học y khoa Sàigòn rồi đến Võ Việt Điểu, thua mình một tuổi, học Yersin, nay ở Virginia. Sau đó hình như có một cô em gái tên Thu, học hùng vương. Có liên lạc qua email.

Bên cạnh là số 50, nhà của Dì Tân, con bà Dụ, bà con với bà cụ mình, cháu gọi bà Tiềm bằng Dì. Khi xưa có giúp việc cho bà Tiềm. Nay dì nằm liệt cả 10 năm qua, biết nhưng không nói được. Mỗi lần mình về đều có ghé thăm. Có mấy người con gái lớn, không nhớ tên, chỉ nhớ thằng Thăng, hơn mình 1 tuổi, nay làm tổ trưởng dân phố chi đó. Lần trước về, hắn có đến nhà chụp hình bà cụ và nhân danh tổ dân phố, tặng mấy trăm ngàn, tuyên dương bà cụ là cao niên chi đó.

Bên cạnh nhà dì Tân là căn nhà số 48 và 48 Bis. Số 48 Bis, nhà của ông Điện, bố của thầy Trịnh Minh Đức. Mỗi lần về mình có gặp thầy nay cô dâu bán bún bò ở nhà. Bên cạnh là số 48, nhà của ông Nhị, bố của thằng Bảo, hơn mình 1 hay 2 tuổi chi đó. Khi xưa có chơi với nhau, nuôi vịt làm giàu, nghe nói ở Vũng Tàu, sau nó là thằng Toàn, nghe nói đang ở Mỹ, rồi đến thằng Miều, nghe nói chết rồi. Hình như có một cô con gái. Lần đầu về Đàlạt, có ghé thăm thì bác gái vẫn còn sống với cô con gái út.

Mình có nhiều kỹ niệm với mỗi gia đình trong cư xá nhưng kể ra thì dài quá, sợ thiên hạ không ở cư xá này oải đọc. Xin ngừng. He he he

Xong om

Chú thích tấm Hình: tấm ảnh này được chụp tại cái dốc chỗ khách sạn Mimosa, đường Phan Đình Phùng lên đường Hàm Nghi, đoạn nhà thờ Tin Lành.

Nhìn xuống sẽ thấy đường Phan đình Phùng, thời tây gọi đường Cầu Quẹo (mình có kể rồi). Thấy trường mầm non Minh Trí, bên cạnh là nhà bác sĩ Phán, nơi mình được sinh ra đời. Bên cạnh là nhà ai quên tên rồi đến nhà bảo sanh Hiền Chi của bà Tôn Thất Chí, bằng gỗ màu đỏ gụ, sau này hai người trợ tá là cô Tuý và cô Thanh (mẹ Võ Hoàng Đa, vợ ông Chín, thợ chụp hình ở hồ Xuân Hương, có xe chở học sinh)tiếp thu và mấy người em của mình được bà cụ sinh ra tại đây.

Bên cạnh là tiệm thợ hàn của tên gì quên tên, có thời làm chiếc “Cart” mà mình hay mượn chạy khắp Đàlạt. Có tiệm bán gạo số 197 Phan Đình Phùng của gia đình chị Mẫn hàng xóm đâu 2, 3 năm của mình ở Hai Bà Trưng rồi nhà thuốc Tây Lâm Viên số 195, có con hẻm băng qua vườn đến cư xá Địa Dư mà trong hình có chung cư số 1 của 3 chung cư.

Trên đường Hai Bà Trưng, ở giữa thấy có căn nhà trước cái sân có cột cờ , trường Nữ Công Gia Chánh, bên tay phải là những căn nhà của cư xá Pasteur, căn đầu tiên của anh Hành, hay bận áo blouson da, trốn lính sau bị bắt, tử trận. Đến nhà thằng Ngọc, đai đen Thái Cực Đạo rồi mấy nhà khác không nhớ tên,… đi tới nữa bên tay phải của tấm hình là cư xá Công CHánh.

Xong om
Hình này chụp từ nhà thờ Tin Lành, trên đường Hàm Nghi