9, 11 Duy Tân Đàlạt xưa

9, 11 Duy Tân Đàlạt xưa

Nhìn tấm ảnh này đưa mình về một vùng trời kỷ niệm thời bé.



Như mình đã kể khi xưa, chỗ này có mấy kiosque, sau họ dẹp bỏ để nới rộng đường Duy Tân, cho xe chạy hai chiều thay vì một chiều như đường Minh Mạng. Thời tây thì đường này có tên của thống chế Foch của pháp.

Trước tiên là số 7, khách sạn Thuỷ Tiên, được xem là nhà lầu cao nhất Đàlạt thời đó, 4 tầng lầu ở gần Khu Hoà Bình. Căn bên cạnh  số 9 là của ông Đàng, chủ tiệm Long Hưng, bà cụ mình gọi bằng Cậu, số 11 là tiệm Hiệp Thạnh, của ông Phúng, anh của ông Đàng. Hai người này là em ruột của bà Võ Quang Tiềm, đều làm thợ may khi từ Huế vào Đàlạt lập nghiệp, làm ăn buôn bán giàu có, xây hai căn nhà to đùng.

Mình nghe kể là ông Tiềm với ông Phúng, dạo hàn vi, may quần đùi, áo rồi gánh xuống công trường mà tây cho xây tuyến đường  hoả xa Song Pha và Đàlạt, bán cho các người phu làm hoả xa. Phải gánh, đi bộ 3 ngày 3 đêm. Cho thấy khi xưa, mấy người từ Huế vào Đàlạt, chịu cực để làm ăn. Phục lăn chiêng.

Căn số 13, bán đồ bàn ghế, tủ áo, số là nhà mình có thể sống tại đó. Chủ nhà bán đâu 1 triệu, bà cụ tính mua nhưng bà Phúng kêu số 13 xui xẻo nên bà không mua nếu không thì mình có thể lên mặt làm dân ở phố chợ. Sau ông Phúng kêu ăn chi mà ngu rứa, mua ngay thì đã có người chồng tiền. Sau này bà cụ bỏ 500,000 xây căn nhà ở cư xá Công Chánh. Chán Mớ Đời

Tấm ảnh này đối diện khách sạn Thuỷ Tiên, đối diện qua đường Trương Vĩnh Ký, có một dãy quán hàng ăn. Tấm hình này chụp quán miến gà và xôi gà của bà Bảo. Nghe nói khi xưa, trước Mậu Thân thì họ mở cửa buổi chiều đến 2, 3 giờ sáng. Sau Mậu Thân có vụ giới nghiêm, chắc đóng sớm.

Mình nhớ ăn chỗ này vài lần; một lần với Dì Thanh, con ông Phúng tiệm Hiệp Thạnh, một lần với chú Điềm, ty công chánh ngày xưa, ở cạnh bên nhà. Đánh bài thắng, chú kêu mình chở ra đây ăn miến gà để bồi bổ sau bao nhiêu giờ lao lực binh xập xám.

Anh chàng đang uống nước coca cola, bận áo blouson ngày xưa, trai Đàlạt hay bận. Thấy mấy chai bia con cọp của hãng Larue thêm mấy đòn chả treo lũng lẳng bên cạnh mấy bao bánh phòng tôm.

Bên cạnh là quán mì của người Tàu, thấy cái nắp bằng đồng thêm mấy bản vẽ tranh về truyện phong thần thường là Tam Quốc Chí.

Cuối dãy có quán bán bánh xèo người Huế. Mình có gặp người con của ông bà này bên pháp lúc mới sang, lấy vợ đầm, sau này mất tin tức.

Tấm hình này chụp trước tiệm Long Hưng, số 9 Duy Tân, nhà của ông bà Đàng. Xem tấm ảnh này làm mình nhớ đến mấy trái banh khi xưa, mua để đá. Mấy nồi bếp lửa nấu bằng dầu hôi để bày bán dưới đất.



Theo mình thì ông Đàng bán nhiều nhất là các huy hiệu cho sinh viên sĩ quan Võ Bị, Chiến tranh chính Trị,.. Hướng đạo Lâm Viên. Hình như có bán lư đồng chi nữa đó, nói chung là bán đủ thứ.
Khi xưa, mình có vô đây một lần khi cậu Nghị, con ông bà Đàng sắp sửa đi du học ở Pháp. Cậu này sau làm y sĩ ở Lille. Cậu có xin cho mình học đại học Roubaix về kỹ sư dệt, khi mình nộp đơn xin du học ở Pháp. Sau Sàigòn mất nên mình ở lại Paris và đổi ngành, học kiến trúc.

Bên cạnh số 11, nhà của ông Phúng cũng bán buôn tương tự. Mình mua 3 trái banh túc cầu và một bóng rổ, đá muốn tét chân luôn. Có bán mấy cái đĩa hát 78 vòng cũ, nặng như búa tạ như Tình anh bán chiếu của Út Trà Ôn,… sau này không ai mua, dì Thanh cho mình đem về xài nghe máy đãi của nhà, phải thay kim hoài vì đĩa hát 78 vòng quay rất nhành nên mòn cây kim. Chán Mớ Đời

Nhà ông Phúng thì mình vô hoài vì khi xưa bà cụ mình làm cho ông bà trước khi đi lấy chồng. Có dạo nhờ gửi hàng trong nhà nên hay sai mình vào nhà lấy hàng đem ra chợ bán cho thiên hạ. Lâu lâu vào thấy toàn mấy bà gốc Huế, cứ mô tê răn rựa. Sau Mậu Thân, tối mình và ông cụ ra đây ngủ để tránh Việt Cộng nằm vùng về thăm hỏi. Mình sợ nhất là mấy cái hòm của ông bà Phúng để chình ình trong nhà.



Khi xưa, người lớn tuổi, họ chu đáo, lo đóng hòm đủ thứ rồi để sẵn trong nhà vì khi qua đời, họ chắc chắn sẽ có hòm chôn. Sau 75, ông Phúng qua đời, may quá có hòm sẵn nếu không cũng mệt. Lần đầu về thăm nhà, mình có lên Mả Thánh viếng mộ mấy người em và mộ ông bà Phúng, ông bà Tiềm do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Sau này họ phá, giải toả Mả Thánh, không biết con cháu dời đi đâu nên mình cũng không biết đâu mà đi thắp hương.

Ông Đàng mất được 3 năm, mới mãn tang. Khi xưa, mỗi lần mình về đều vô thăm ông, có khi ông nghe tin mình về, chưa kịp lên thăm, ông đã chạy xe lên nhà mình thăm.

Thấy lại tấm ảnh khiến mình nhớ đến một thời con nít, hay lởn vởn ở khu này. Nay trở về thì nhà cửa xây bú xua la mua không nhận đâu vào đâu. Có lẻ đó là luật của thời gian.

Chán Mớ Đời
Nhs