Võ Học và Thực Nghiệm *

Võ Học và Thực Nghiệm *

Trong cuốn "Surely You're Joking, Mr. Feynman", tiến sĩ Feynman, khôi nguyên  Nobel về Vật Lí Quantum, có nhắc đến giai thoại khi ông ta dạy đại học ở Ba Tây. Trước khi về Mỹ, ông ta được khoa trưởng, mời nói chuyện cho cả phân khoa; nhận xét của ông ta về ngành giáo dục của xứ BaTây.

Ông ta khởi đầu, nói với sinh viên: mục đích của buổi nói chuyện là để chứng minh; xứ Ba Tây không có giảng dạy Vật Lí. Ông ta nhận thấy trẻ em ở xứ này bắt đầu học Vật Lí sớm hơn trẻ em Hoa kỳ nhưng thực tế cho thấy xứ này không đào tạo được các nhà vật lí. Ông ta đơn cử câu chuyện về một học giả người Hy Lạp, dạy ngữ văn Hy Lạp cổ điển mà ngày nay, chính học sinh xứ này, ít người chịu học ngôn ngữ chết này.

Khi vị học giả được mời dạy môn này ở một nước khác ở Âu Châu thì khám phá nhiều sinh viên, ngay cả học sinh tiểu học đều thích học môn này. Có lần, trong kỳ thi tốt nghiệp, ông ta hỏi một sinh viên " Socrates nghĩ gì về sự liên hệ giữa Cái Đẹp và Sự Thật?" thì sinh viên này ú ớ. Ông ta hỏi lại " Socrates nói gì với Plato trong Symposium thứ 3?" thì sinh viên này trả lời bằng tiếng Hy Lạp cổ, thao thao bất tuyệt những gì Socrates đã nói với Plato. Third Symposium là tóm tắc những gì Socrates nói về sự liên hệ giữa sự thật và cái đẹp.
Ông Feynman cầm cuốn sách vật lí xuất bản tại xứ này, cho sinh viên biết là trong cuốn sách, không thấy nói đến thí nghiệm, chỉ có học thuộc lòng. Ông ta lật một trang gặp từ Triboluminescence, rồi đọc tiếp "Triboluminescence: ánh sáng tỏa ra khi các chrystal bị đè nát." Ông ta hỏi các thính giả, đây có phải là khoa học? Không! Đây chỉ là một từ được giải thích bằng những cụm từ khác như trong tự điển. Nếu người soạn sách viết thêm, nếu lấy đường và dùng cái kềm để nghiền nát trong bóng tối thì sẽ thấy ánh sáng tỏa ra thì các học sinh có thể thí nghiệm ở nhà. Hiện tượng này gọi là Triboluminescence.

Ông ta nói là trong số sinh viên được ông giảng dạy năm vừa qua, chỉ có hai sinh viên, có đầu óc tư duy đột phá, ngoài ra các sinh viên khác chỉ học như vẹt tương tự sinh viên học tiếng Hy Lạp cổ điển, thuộc làu Symposium III nhưng không hiểu những gì Socrates nói với Plato. Trong phần đặt câu hỏi thì có hai sinh viên đứng dậy; một sinh viên kể là lúc trẻ, cha mẹ làm ăn buôn bán ở Đức nên đi học bên đó, mới trở về Ba Tây năm ngoái. Một sinh viên khác nói vì ở làng quê, không tới trường được nên anh ta học qua sách, tham khảo các sách Anh ngữ. Phương pháp giáo dục ở xứ Ba Tây là cách mình học tại Việt Nam từ bé đến tú tài.

Khi mới bắt đầu tập Hồng Gia và Khí Công thì mình có tìm tòi sách vở, tài liệu trên mạng để đọc. Cái khó là từ bé đến đại học thì mình học chương trình Pháp, ngoại trừ hai năm cuối của trung học là chương trình Việt nhưng học ban toán nên không cần Việt ngữ nhiều. Khi đọc sách báo Việt ngữ thì mình không quen lối viết của tác giả nên không hiểu tường tận cái ý của họ, nhất là họ dùng Hán tự khá nhiều.

Đọc các tài liệu về Võ học thì mình cảm thấy các tác giả, viết sách kiểu từ chương như "Triboluminescence, là ánh sáng tỏa ra khi các chrystal bị nghiền nát". Có nhiều người viết liên tu như 3rd Symposium nhưng chắc chắn khi hỏi họ:  Socrates nói gì về sự liên hệ của cái đẹp và sự thật thì chắc họ chỉ đứng như bò đội nón. Mình thấy nhiều người viết về khí, tập tiểu Chu Thiên, đại Chu Thiên,.. nhưng mình đảm bảo là họ chưa bao giờ chứng nghiệm được những gì họ viết. Họ nghe thầy của họ hay đọc sách báo rồi viết lại. Khi mình đọc cái gì chưa được kiểm nghiệm mà lại tin, cho đó là sự thật, tương tự như người ta đi tìm Lá Diêu Bông.

Cái khó thứ hai là một số đông tập võ, bị huyễn hoặc bởi tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, nên có cái nhìn sai lệch về tập võ. Người tập võ cứ mong đạt được Võ công thượng thừa, tìm một bí kíp Võ công như Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần,...nên vô tình chạy theo những cái gì chưa được kiểm nghiệm, chế biến xào nấu bởi các nhà văn hay dịch giả truyện kiếm hiệp.

Dạo mới tập Nội Công Hồng Gia, ông thầy đi làm ăn ở VN, nên lâu lâu mới về. Ngày thường thì ít ai đến tập nhưng nghe ông thầy về thì võ đường chật như nêm,  không có chỗ để đứng. Mọi người đến, hy vọng được ông thầy chỉ cho vài chiêu mới như học được bí kíp của môn phái. Họ chạy theo, tìm kiếm một bí kíp "mì ăn liền" để trị bá bệnh hay trở thành một Độc Cô Cầu Bại, tương tự cô gái mới lớn, Mỵ Nương mơ tưởng một chàng trai, một vị hoàng tử khi nghe tiếng sáo của anh lái đò trên sông. Trong cuộc đời, nhiều người như Mỵ Nương, khi nghe tiếng sáo, tơ tưởng đến những cái không tưởng để rồi thất vọng khi gặp mặt Trương Chi.

Quá trình tập luyện võ như đi trên con đường từ A đến Z. Trên đường đi, nếu tình cờ thấy một cô gái đẹp hay một đóa hoa đẹp, chân vẫn bước đi tới nhưng đầu óc vẫn nghĩ đến cô gái hay đoá hoa mới phát hiện, vô hình trung mình lại mất cơ hội nhận thấy những cái đẹp khác đang diễn ra trước mắt. Có người nói với mình; nhìn lên trời, thấy một đám mây, vài phúc sau thì đám mây ấy sẽ bay mất, thì tại sao lại cố tìm đám mây đã biến dạng?
Người ta đi tập ở câu lạc bộ thể thao, lại đậu xe cho gần cửa và đi cầu thang cuốn

Dạo mình mới tập Trạm Trang Công thì thường nhận thấy một luồng khí nóng ở bắp vế nhưng ráng quên để tiếp tục nhận xét những hiện tượng khác trong cơ thể. Trong cơ thể của mình nhiệt độ trung bình là 92 độ, khi máu là chất lõng, được di chuyển sẽ tạo ra nhiệt năng như dòng sông chảy qua đập thuỷ điện, có lẻ vì vậy mình hay nhận ra những luồng khí nóng nhưng một thời gian sau thì quen nên không để ý lắm. Nếu mình nghĩ đó là khí lực rồi cứ cố gắng tìm kiếm nguồn năng lực đó trong cơ thể như tìm đám mây đã bay mất thì rất khó mà tập cho tới đích.

Tương tự một chiếc máy bay cất cánh từ phi trường New York để bay đến Chicago thì không thể nào bay thẳng đến mục tiêu vì trên đường bay sẽ có những ngọn gió, mưa bão,..đẫy đưa chiếc máy bay ra khỏi đường bay. Nếu phi công không dùng địa bàn để chỉnh hướng cho máy bay trở lại đường bay, cứ để ngọn gió, đong đưa chiếc máy bay như con thuyền không bến thì chắc chắn sẽ không bao giờ đến đích.

Dạo mình mới tập Hồng Gia thì anh đứng lớp, nói rất nhiều,... Có nhiều người trách anh ta nói nhiều nhưng nghiệm lại, mình tiến bộ là nhờ nghe anh này nói. Hàng ngày, chúng ta có những lo toan nên khi đến Võ đường để tập thì đầu óc vẫn chưa định hướng được. Trong đầu cứ nghĩ; không biết đã tắt cái bếp chưa, nhớ phải trả tiền nhà, ngày mai nấu món gì cho chồng con ăn, trong sở cần làm cho xong công việc để cuối tuần khỏi phải vào sở, lâu lâu ngưng tập để trả lời điện thoại hay nhắn tin cho ai,.... Cho nên khi tập, chúng ta không tập trung được tâm trí, như chiếc máy bay, bị gió từ nhiều hướng thổi bạt bên trái rồi bên phải,.. dần dần khó mà đến đích. Chúng ta đứng tập trong lớp 2 tiếng nhưng kết quả không được nhiều so với ai bỏ tâm trí tập trong vòng một tiếng.

Mình có cái Duyên, gặp được nhóm Đông Phương Hội, giúp mình cởi bỏ những thông tin về Võ học, pha kiếm hiệp của Kim Dung. Mình bắt đầu lại từ đầu, kiếm đường rồi nghiền nát để xem có ánh lửa nào loé lên trong bóng tối để hiểu được hiện tượng này được gọi là Triboluminescence. Mình không muốn tìm bí kíp Võ công mì ăn liền, chỉ cần tập đều mỗi ngày. Mỗi ngày bỏ hai tiếng để tập, giúp thêm sức khoẻ để sau này trong tuổi già, không phải bị đau ốm như những người bệnh đến Đông Phương Hội, nhờ NLT chữa bệnh.

Vợ mình có người cháu bà con nhưng bằng tuổi mình. Mỗi lần đi ăn giổ là nghe anh chàng nói về những người bạn của hắn làm cái này, phát minh cái khác, trúng thầu, thắng lớn stocks, mua nhà lời to,.... Dạo mình mới mua cái vườn trên Riverside thì nhớ có lần nghe anh chàng kể; có người bạn, có cái vườn trồng bơ, kêu mấy người nuôi ong đem ong đến vườn để thay phấn nhuỵ hoa để tạo ra trái. Mình gọi hắn để xin cái số điện thoại của người bạn của hắn để học nghề thì được biết là người bạn, mà hắn kể thật ra là bạn của người làm chung sở với vợ hắn mà nay vợ hắn đổi hãng nên không liên lạc được.

Tương tự, khi mới tập thì mình hỏi mấy người đi trước thì họ nói như thể là họ đã nghiệm hết nhưng dần dần mới hiểu là họ chỉ nghe người nào nói, rồi thêm mắm thêm muối vào rồi cứ dây chuyền, sao thất bản chính. Vì vậy mình thích tập ở Đông phương Hội, để tránh bị lôi cuốn theo những cái huyễn hoặc.

Mình có cuốn sổ để ghi lại những cảm nhận khi tập hay làm những gì trong đời sống để sau này đọc lại để hiểu quá trình thực nghiệm của mình, tương tự các thất bại trong cuộc đời. Khi đọc lại để rút kinh nghiệm, nếu trường hợp nầy xẩy ra lại thì ứng phó ra sao. Sau này con cháu có cơ hội đọc những trãi nghiệm cuộc đời mình thì chúng sẽ thấy Triboluminescence : là đem các chrystal, như đường phèn, đường cát, đường mía,… nghiền nát trong bóng tối sẽ có những hiện tượng như sau.

Chúng sẽ hiểu những gì mình nói về cái đẹp và sự thật thay vì những câu chuyện kể về những người bạn của những người mình quen, đã làm cái này, thực hiện cái kia như Symposium III. Những gì mình ghi lại là những gì mình đã trải nghiệm, không phải nghe người khác kể rồi ghi lại. Tuy đơn sơ, không có gì to lớn nhưng vẫn thuộc về mình, do chính mình tự tạo hay đã kiểm nghiệm trong quá trình tập.

(còn tiếp)

Sovo89
June 11, 2014