Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Hôm nay, mình bò đi xem xi nê của festival phim do người gốc Việt và người ngoại quốc thực hiện tại hải ngoại về người tỵ nạn do VAALA (Vietnamese American Arts & Letters Association) tổ chức. Ngày đầu thì toàn là phim ngắn, nói về cuộc sống của người Việt, trốn khỏi Việt Nam, đi tìm tự do, tại đất khách quê người.

Phim đầu tiên là “Der Garten des Herrn Vong” (căn vườn của ông Vong, 18 phút) của Đức quốc, do đạo diễn Dieu Hao Do thực hiện. Nói về ông Vong, một người Việt, gốc tàu, vượt biển được tàu Cap Anamur của người Đức, phái đi cứu vớt người Việt vượt biển. Nay ông ta sinh sống tại Đức và có cái vườn nhỏ, ông ta trồng các loại rau quê nhà ở Việt Nam như tìm lại, cố gắng đừng quên nơi chôn nhau cắt rốn.

Xem ông này làm mình nhớ đến mẹ vợ mình khi xưa cũng trồng mấy cây bí, khoai lang,…để ăn như sợ mất một không gian, một cái gì quý giá để lại sau lưng khi đi định cư.

Hình như người Việt xa xứ, về già, họ tìm về nguồn qua các hoạt động để tìm lại chút gì của quê hương bỏ lại như làm vườn, hát karaoke các bài hát cũ, tập nấu ăn hay mò lên mạng,…

Phim thứ nhì tên “Walk Run Cha-Cha” (20 phút) nói đến cặp vợ chồng người Việt gốc tàu do một đạo diễn Laura Nix, có tham dự giải phim Tribecca. Nói về cặp vợ chồng này bị mất tuổi trẻ, nay muốn tìm lại nhau. Chuyện được khởi đầu khi ông chồng mời bà vợ lúc còn trẻ đi nhảy đầm ở Sàigòn khi xưa. Bà ta kể là lúc đầu không thích ông chồng nhưng từ khi đi nhảy đầm thì bà ta thích ông chồng qua nhảy đầm.

Rồi Việt Cộng vô, ai nấy te tua, ông chồng tìm cách vượt biển và có gặp trước khi ra đi và xin lỗi cô bạn gái là không đem theo bà ta được. Ông chồng vượt biên đến bờ tự do, gửi thư cho bà rồi sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông chồng bảo lãnh bà vợ, gốc Chợ Lớn qua mỹ.

Về già, đâu năm 2011, họ bắt đầu đi học nhảy với cặp vợ chồng giáo sư người Ukraine. Học để đi thi giải nên họ bỏ thì giờ rất nhiều để tập luyện. Bà vợ nói nhảy đầm như muốn tìm lại những tình cảm vợ chồng khi xưa, sự nối kết lúc hai người còn trẻ, đi bal. Do thời cuộc cả hai bị xa nhau một thời gian dài, trước khi hội ngộ tại Hoa Kỳ. Lúc đầu bà ta hơi khựng khựng khi gặp ông bồ cũ, qua giấy tờ bảo lãnh là vợ chồng. Tình cảm của bà ta đối với ông chồng khởi đầu bởi các bước nhảy đầm, trong vòng tay của ông ta.

Mình đoán xa nhau với hai khung trời cách biệt, người ở Hoa Kỳ người ở với Việt Cộng nên có một bức tường ngăn cách. Được bảo lãnh sang thì bà ta làm vợ như bổn phận, trả ơn người cưu mang nhưng chưa chắc đã có tình yêu đã mất sau bao nhiêu năm xa cách. Bà đạo diễn diễn đạt khá hay khi thấy cặp vợ chồng múa cha cha, ôm nhau, mời gọi nhau đến,…

Lần đầu tiên đi chơi với vợ thì vợ bị phạt đậu xe không đúng chỗ và ăn phở. Không muốn tìm lại nhau qua cảnh phải đóng tiền phạt. Tháng trước, vợ mình lái xe vượt đèn đỏ, bị phạt $560 thêm đóng tiền đi học lại thêm trên $100. Xe đứng tên mình mà họ truy ra người lái là vợ. Cho thấy an ninh chụp ảnh là biết mặt ai nên mình mua cái kính to gắn trước mặt, cho ban đêm và ban ngày. Camera an ninh không thấy. Khoẻ re.

Phim thứ 3. Tên “Blue Noise” của một đạo diễn trẻ tuổi, nói về cuộc điện đàm của anh ta với một người bà con chết trên đường tìm tự do. Cuốn phim dài 2 phút, quay rất nhanh, cuộc điện đàm khuya như anh ta gọi nói chuyện với người bà con nhưng diễn tả người sắp chết đuối trên biển. Rất cảm động, giới trẻ vẫn khắc khoải, tìm kiếm đâu là cội nguồn. Cuốn phim đoạt khá nhiều giải thưởng quốc tế. Rất mới lạ.

Phim thứ 4 là “Finding the Virgo” nói về cuộc tìm kiếm con tàu mang tên Virgo, đã cứu gia đình bà Lauren Vuong (Vương Ngọc Lan) khi họ tìm cách vượt biển, đi đến Phi Luật Tân. Trời sắp bão và bất chấp mọi thứ ông thuyền trưởng của chiếc tàu mang tên Virgo, quyết định ngừng lại để cứu chiếc tàu mong manh đó.

Dạo ấy, lúc đầu các con tàu hàng hải có ngừng lại cứu các con thuyền vượt biển nhưng sau vì chính phủ cấm không được nhất là tốn tiền vì họ phải ghé một hải cảng nào đó để cho thuyền nhân xuống, mất thì giờ nên các tàu này được lệnh không được ngừng và cứu các con thuyền của người Việt ra đi tìm tự do.

Trong vòng 30 năm, bà Lauren Vương tìm kiếm ông thuyền trưởng để cảm ơn người đã cho gia đình bà ta một cuộc đời mới. Có cảnh gia đình này bay từ San Jose sang Florida để gặp lại thủy đoàn của con tàu nhân đạo ấy.

Ông thuyền trưởng là người gốc đức, di cư sang Hoa Kỳ sau thế chiến thứ hai. Ông ta nói lên tinh thần người mỹ, Hoa Kỳ là nơi được thành hình của mọi thứ dân trên thế giới bị quê hương ruồng bỏ, chạy trốn tìm tự do.

Bà ta phỏng vấn bố mẹ, để hiểu lý do vượt biển ra đi dù cái chết. Ông bố là người gốc Hoa, đi lính Việt Nam Cộng Hoà rồi bị bỏ tù cải tạo. Bà mẹ với 3 đứa con dại, buôn bán chợ trời, đi thăm nuôi chồng, đút lót cho quản giáo như bà cụ mình khi xưa để giúp chồng bớt cực khổ.

Ra trại thì đàn ông không được đi đâu vì công an khu vực dòm ngó nên bao nhiêu chuyện đều do người đàn bà Việt Nam gánh vác hết. Ông chồng giác ngộ may mắn có người vợ tuyệt vời vì cả đời chỉ biết đánh giặc.

Bà mẹ lo tiền bạc để vượt biên, bị giựt, bị bể, mất hết tiền nên tìm tàu nhỏ đi có 3 gia đình, đi hướng Phi Luật Tân để tránh hải tặc của vịnh Thái Lan.

Có lẻ hình ảnh cảm động nhất khiến cả rạp khóc, khi bà Vương NGọc Lan đứng trước các sĩ quan của trường hàng hải ở New York. Bà ta kể lại cuộc hành trình của những người trên tàu và cảm ơn người thuyền trưởng với lòng từ bi, đã cứu vớt gia đình bà ta và các thuyền nhân khác. Bà ta hy vọng khi các thuyền trưởng tương lai đi trên biển, gặp những người đi tìm tự do thì nên ngừng lại để cứu vớt họ.

Coi phim này thì mình hiểu vợ mình hơn một chút. Vượt biển đi qua cái chết để tìm tự do nên vợ mình hay đi làm thiện nguyện, giúp người khổ hơn mình. Không đi chùa gì cả nhưng lại thích mấy vụ thiện nguyện, gây quỹ giúp người nghèo ở Việt Nam hay người vô gia cư ở Quận Cam. Như trả ơn người mỹ đã cưu mang mình khi xưa, tiếp nối truyền thống của người mỹ, giúp đỡ người tỵ nạn. Hình như tuần tới có vụ gây quỹ cho phái đoàn y tế về Việt Nam.

Ai muốn tìm hiểu thêm vì bà Vương đang gây quỹ để đem chiếc tàu ấy về Virginia hay sao đó. WWw.findingthevirgo.com

Mình có một chị bạn vượt biển với ông chồng, may mắn được thuyền vớt rồi đưa đến Hương Cảng. Chị ta kể là sau khi được vớt thì có thấy những chiếc tàu khác nhưng họ không ngừng và tối đó mưa bão ụp xuống vùng biển đông. Các con tàu kém may mắn kia chắc chắn sẽ không bao giờ đến bờ tự do.

Theo cao uỷ tỵ nạn liên hiệp quốc thì có đến 50% thuyền nhân không bao giờ đến bến bờ tự do.

Cuốn phim cuối cùng của một đạo nữ diễn trẻ, sinh ra trong trại tỵ nạn, định cư tại Hoa Kỳ, nói về sự dạy bảo của người mẹ với những cụm từ Khó Khăn, Chịu KHó,…khá cảm động.

Theo tin tức thì đạo diễn Trần Thanh Huy (Việt Nam) có ghi danh dự giải Busan 2019, phim “Ròm” của ông ta có cơ hội thắng giải thì Hà Nội ra lệnh, rút tên ra khỏi giải này. Nghe nói đại hội vẫn tiếp tục cho trình chiếu. Họ cấm phim “Cyclo”, phim “Người tử tế”, đủ trò dù là những phim đoạt giải quốc tế. Không cho sáng tạo thì sao có nghệ thuật. Chán Mớ Đời

Hôm nay mình sẽ đi xem phim về ông Nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Vợ phải đi nấu cơm phát cho người vô gia cư.