Khi ông Napoleon lên ngôi hoàng đế, có cải tổ lại hành chánh và giáo dục của Pháp quốc sau cuộc cách mạng long trời lở đất 1789. Pháp quốc cho thành lập các trường đại học lớn (grande école) để đào tạo các nhân tài cho đế quốc Pháp. Và từ đó mọi người dường như công nhận, tin vào một chế độ nhân tài, những người giỏi sẽ thi đỗ vào các trường lớn. Ở pháp có những trường dạy luyện thi để thi vào các trường đại học nổi tiếng.Nhớ dạo còn đi học ở pháp, mỗi lần đi bal, có tên nào mà học trường Bách Khoa hay những trường lớn là gái bu như ruồi dù xấu trai. Có cô đầm quen kể là ở trung học thì con gái thích con trai có cá tính, lêu lõng nhưng khi lên đại học thì cái nhìn về người tình được thay đổi, họ nghĩ xa về tương lai với cuộc sống sung túc, đi chơi với bồ học trường lớn là một niềm hãnh diện cho gia đình và dòng họ. Mình thì cũng học trường cao đẳng quốc gia nhưng về Nghệ Thuật nên bù trớt (École Nationale Supérieure des Beaux-Arts). Mình chỉ được mấy cô chiếu cố khi trường tổ chức nhảy đầm, mà dân kiến trúc gọi là “Prince-fesses”, béo Mông, trang trí rất đẹp, nhưng có tập tục khá vui là đi vòng thấy Mông cô đầm nào căng đầy thì béo một cái. Mấy cô muốn tham dự mấy Bal danh tiếng, một năm được tổ chức một lần nên cứ réo mình cho đi chung. Sau đó thì họ quên mình đến năm tới. Chán Mớ Đời
Ở Trung Cộng hay các nước á châu bị ảnh hưởng của Nho Giáo cũng lâm vào tình trạng với trường Quốc Tử Giám. Cuối năm, học sinh học gạo để thi vào các trường đại học nổi tiếng. Khi xưa, họ cố gắng đậu để ra làm quan, thay đổi cuộc đời của cả dòng họ vì một người làm quan cả họ được nhờ.
Chế độ nhân tài được cho là hoàn mỹ vì người giỏi tài trí được hưởng các bổng lọc vì đem tài sức mình ra giúp nước và cộng đồng. Gần đây, có mấy vụ tai tiếng như đại học Nam California (USC) mà con gái mình đang theo học. Có mấy người giàu có, nổi tiếng, mua chuộc, trả tiền cho các huấn luyện viên thể thao để được nhận vào trường dù chả có thành tích gì cả về thể thao. Muốn vào trường đại học thì họ ưu tiên cho học giỏi hay giỏi thể thao để thi đấu cho trường kiếm tiền. Dạo này toà đang xử họ, có người vừa bị tuyên án mấy tháng tù.
Trong cuốn “The Meritocracy Trap “ của giáo sư đại học Yale Daniel Markovits nói về những huyền thoại, sai lầm của chủ nghĩa sử dụng và đào tạo nhân tài. Chúng ta thường nghĩ hệ thống này tưởng thưởng những ai tài giỏi và thông minh nhất. Trên thực tế là một cái cớ để che dấu sự bất công về sự chia sẻ các quyền lợi trong xã hội.
Theo tác giả, sự khác biệt lợi tức gia đình giữa các sinh viên giàu có và sinh viên nghèo lên đến 350%. Có thể nói chế độ nhân tài này là một cách chuyển nhượng tài sản từ thế hệ này sang thế hệ sau nhưng người ta không thể nói là bất công.
Không những tác giả lên án sự bất công mà còn nói đến sự nguy hại cho những ai hưởng được quyền lợi này. Họ không cảm thấy hãnh diện hay hạnh phúc về thành quả của mình. Khi xưa ở Đàlạt nghèo, mình thiếu thốn đủ thứ nên khi ở Hoa Kỳ, ăn được cái bánh hay đi chơi đâu đó là cảm thấy hạnh phúc trong khi con mình, đối với chúng như chuyện cầm cái điện thoại. Không có chi là đặc biệt.
Meritocracy (chế độ nhân tài?) không biết dịch ra sao.
Chế độ cho rằng con người ai cũng bình đẳng như nhau, đều có cơ hội để vượt lên để thành đạt bất chấp sinh ra nghèo hay giàu. Trong cuốn “The Rise of the Meritocracy: A Philosophical Critique của đại học Cambridge đã mô tả một xã hội tương lai trong đó cá nhân được giám định bởi chỉ số thông minh và tham gia vào xã hội. Xã hội sẽ trọng dụng nhân tài, phát triển mạnh.
Một trường hợp có thể biểu tượng cho chế độ nhân tài là ông phó tổng thống Hoa Kỳ J.D. Vance. Đọc sách viết về ông ta thì được biết ông ta sinh ra trong một nhà nghèo, bà mẹ thì nghiện. Xong trung học, ông ta đăng lính, sau khi xuất ngủ thì dựa vào luật G.I., giúp các cựu chiến binh, đi học lại và đậu ngành luật sư rồi đi làm dần dần lên đến chức thượng nghị sĩ rồi phó tổng thống.
Có lẻ ý tưởng này khởi đầu từ khi cuộc cách mạng kỹ nghệ xảy ra. Trước đó dưới thời đại nông nghiệp, con người ít được đi học, làm nông do đó con tá điền thì sẽ trở thành tá điền, làm công cho địa chủ như mấy ngàn năm qua, con vua thì lại làm vua. Làm nông thì ít cần học hành nhiều nhưng để chế biến máy móc, tàu hỏa, xe cộ thì cần kiến thức hơn.
Đến khi cuộc cách mạng kỹ nghệ bắt đầu, lần đầu tiên con người với ý chí hay năng động có thể trở thành giàu có. Họ không bắt buộc sống cuộc đời nông dân tá điền, làm nô lệ cho địa chủ. Nhưng gương sáng như Andrew Carnegie, Rockefeller, Ford,… đã gieo vào đầu mọi người trẻ một giấc mơ không phải xoá đói giảm nghèo mà trở thành người giàu có nhất thế giới với ý chí và ý tưởng của họ.
Trên thực tế thì hệ thống này không cho mọi người có cùng một khởi đầu vì sinh ra trong môi trường khác nhau. Mình có hai cô cháu bên vợ, sinh cùng năm, đều có chồng. Một cô thì có chồng giàu có và một cô lấy chồng không có cơ hội học cao và làm công nhân.
Xem trên facebook, thì thấy con cô cháu giàu, cứ chụp hình đi du lịch ở Nhật Bản, Nam Dương đủ trò rồi đánh đàn dương cầm trong các lần trình diễn của trường. Học ở trường tốt vì ở khu sang trọng trong khi cô cháu kia, chỉ thấy tải hình ảnh con cháu đi ăn sinh nhật,… mình chắc chắn là mấy đứa con của cô cháu giàu có sẽ khá hơn, có khả năng vào đại học danh tiếng vì cha mẹ có khả năng cho đi học các kỹ năng để có thể nộp đơn vào đại học danh tiếng. Trong khi con của một cô cháu ít tiền cũng có thể học nhạc ở trường nhưng cần phải có một đam mê rất cao mới có thể tạo cho mình một hành trình ít chông gai sau này. Phải thật sự có ý chí bền vững mới tạo dựng nên sự nghiệp sau này. Nay vào học đại học UCLA.Học cho cố rồi làm nông dân như mình, cởi con ngựa sắt và cái rờ-mọc chứa đồ.
Nếu hai thí sinh xin vào đại học; một với điểm SAT giỏi với những chương trình ngoại khoá từ bé và một thí sinh chả có gì cả thì nhà trường sẽ chọn ai vì họ không biết ai nghèo ai giàu cả qua đơn xin. Học bổng chỉ đến sau khi được chấp nhận vào trường. Hệ thống nhân tài giúp người giàu nhiều hơn là người nghèo.
Người giàu có khả năng nuôi nấng con họ trở thành một người đại tài hơn người lo kiếm gạo chưa xong. Do đó người ta hay lầm lẫn chế độ nhân tài và kỳ thị chủng tộc. Đưa đến chế độ DEI (Diversity, Equaty and Inclusion), tạo ra tình trạng mướn người không vì khả năng mà vì màu da, tạo thêm các cuộc chống đối ngầm trong tổ chức, công ty.
Theo thống kê thì người ta thấy học sinh thi SAT để vào đại học được điểm cao thì đa số là bố mẹ có trình độ học vấn cấp đại học. Khi xưa, mình đi học, về nhà đâu có biết hỏi ai về bài tập vì bố mình học tới lớp 5, sau mấy năm cố gắng đi học ban đêm sau khi giải ngủ còn mẹ mình thì chưa bao giờ được đi học. Mình học dốt từ đó và ngu lâu dốt bền đến nay. Mình được đi tây là nhờ dòng họ có mấy người du học trước đó nên giúp đỡ, xin học bổng dùm, xin vào đại học,...
Các học sinh gốc mễ hay tỵ nạn Việt Nam,…cha mẹ không được đến trường vì phải đi làm kiếm tiền, con của họ là cửa sổ của họ ra xã hội Hoa Kỳ. Cứ nhìn các học sinh nhỏ tuổi làm thông dịch viên cho cha mẹ thì làm sao họ có thể giúp con họ trong vấn đề học hành.
Ông giáo sư Markovits cho rằng 20 năm trước, khi ông ta bắt đầu giảng dạy tại đại học Yale thì sinh viên năm thứ nhất cảm thấy hạnh phúc như trúng số vì được nhận vào trường này. Ngược lại ngày nay, sinh viên cảm thấy lo âu vì đã trải qua mấy năm gian khổ để vào trường này rồi nay lại nghĩ đến 4 năm sau phải đi lo tìm việc sau này,… 70% sinh viên của trường ngày nay cho biết là họ cần các cố vấn về tinh thần, vì bị stress quá. Nói chung sinh viên không vui vẻ, hạnh phúc. Tự tử xảy ra khá nhiều ở đại học.
Mình thấy mấy đứa con khi xưa, học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm, rồi phải đi bơi mỗi ngày, cuối tuần đi hướng đạo, học việt ngữ,… không phải để cải thiện hay học tập thêm mà vì muốn vào trường lớn thì phải có những sinh hoạt ngoại khoá. Nếu cho làm lại thì có lẻ mình sẽ cho con mình chơi mút mùa như mình khi xưa. Sau này, còn có chút gì để nhớ để viết bờ lốc. Mấy đứa con đi theo đoàn hướng đạo làm việc thiện, không phải vì chúng có tinh thần bác ái mà để lấy điểm khi xin vào đại học. Hệ thống vào học đường không vì cái tâm mà vì lợi ích cho mai sau.
Thằng con mình lấy được cái bằng Đại Bàng hướng đạo Hoa Kỳ nhưng mình thấy nó thua mình xa về kỹ năng sống thời còn bé. Con gái mình thì phản động, không muốn lấy bằng hướng đạo Silver Award hay Gold Award của hướng đạo Hoa Kỳ khiến mình mừng nức nở. Cũng được vào vào trường lớn, chỉ tội là mình tốn tiền.
Cái mất dạy là khi ra trường danh tiếng chưa chắc đã có công ăn việc làm. Thời mình qua mỹ, công ty Kodak ở New York có trên 140,000 nhân viên với một cuộc sống êm ả, không lo âu. Ngày nay chúng ta thử hỏi một công ty mới được thành lập như Instagram, có 13 nhân viên và bán cho Facebook 1 tỷ mỹ kim. 139,987 nhân viên kia về đâu?
Dần dần con người bị trí tuệ nhân tạo phế thải để tạo nên một giai cấp vô dụng vì không tìm được việc làm. Các hiệp đoàn lao động đòi hỏi phải tăng lương tối thiểu $15/ giờ thì các công ty như MacDonalds trang bị các máy móc hay trên mạng để thực khách gọi các món, trả tiền rồi đến quầy lấy đồ ăn, giảm thiểu các giới trẻ tập sự làm việc, học tập đạo đức sản xuất. Một cô thâu ngân viên của siêu thị từ 20 năm qua, nay 40 hay 50 tuổi, bị cho nghỉ vì siêu thị trang bị các hệ thống tính tiền bằng máy móc tự động. Người này có khả năng đi học lại để có thể viết phần mềm cho máy tự động đã thay thế mình? Đó là vấn nạn của thế kỷ 21.
Chế độ nhân tài được sử dụng vào năm 1833, bởi công ty British East India, thay vì tuyển dụng nhân viên theo giai cấp như từ xưa, họ tuyển mộ và thăng chức nhân viên qua các cuộc thi cử. Ông hồ thi vào trường Bảo Hộ rớt nên xuống tàu qua tây chớ nếu ông ta đậu thì chắc sẽ ra làm quan như ông Trần Trọng Kim,…
Từ 1833 đến 1980, gần 150 năm, các xã hội và kinh tế Tây phương đã được thành lập trên mô hình này với sự tham gia của các trường , kỹ thuật, chính phủ và quốc sách. Do đó muốn thay đổi chế độ này sẽ cần thời gian và tư duy rất nhiều để xoay đổi tư duy của các xã hội.
Vấn nạn ngày nay, con người bị tha hoá, họ chạy theo danh vọng, đồng tiền. Từ bé họ đã được huấn luyện để tranh đua từ học đường, thể thao,… họ xem bạn học, bạn đồng đội như một đối thủ khiến mất đi tình cảm giữa đồng đội hay lớp học. Thậm chí phụ huynh còn đánh nhau ở sân cỏ khi cãi nhau về con mình đang thi đấu hay không được huấn luyện viên sử dụng trong cuộc tranh tài.
Đứa trẻ lớn lên với cái nhìn ai cũng là đối thủ của mình tranh dành bản danh dự, bằng khen hay huy chương, do đó mới nghe những câu tung hô “đoàn kết là sức mạnh, đủ trò”. Hệ quả ngày nay là khi về già, chúng ta vẫn duy trì cái tư duy hấp thụ từ bé. Cứ thấy mấy người kêu gọi Đời là Vô Thường nhưng khi gặp họ thì thấy họ tranh cãi đủ trò, khoe khoang bú xua la mua.
Ngày nay con người trong xã hội đã trải qua một thời gian từ bé, khắc phục, xem ai cũng là đối thủ khiến họ cảm thấy Chán Mớ Đời, đâm ra xét lại con đường đời mình đi, những chán chường của con cháu thậm chí học sinh hay sinh viên tự tử khá nhiều vì bị áp lực. Khi học trung học, thằng con mình chới với vì có một cô bạn chung lớp và ban nhạc của trường, tự tử chết vì bị áp lực lúc học lớp 5.
10 năm trước, có một cô học sinh da trắng, tự tử chết vì chính sách của Obama “race to the top”. Cô này học giỏi nhưng vì bị rớt một môn hay điểm thấp khiến cô ta cảm thấy bị nhục nên tự tử. Bà mẹ mới làm cuốn phim để cảnh báo phụ huynh “Race to nowhere” khá cảm động. Trường đại học của con gái mình, khoá học kỳ này đã có 9 mạng chết vì đụng xe và tự tử.
Tác giả cho rằng phải khuyến khích con nhà không khá giả, không những phải vào các đại học danh tiếng mà còn các đại học tư khác, để thay đổi tư duy của xã hội sau này. Vấn đề là tiền học đại học của các trường tư rất đắt.
Nếu cứ duy trì chế độ này thì một ngày nào đó sẽ thấy có những người chán ngấy, trở thành đa số và sẽ bạo loạn, làm một cuộc cách mạng như thay đổi. Đó là lời cảnh báo của những người có viễn kiến tương lai, khuyến cáo chính phủ và các đại học.
Hoa Kỳ ngày nay có đến 47% dân số, Cali thì 49% được xem là giai cấp vô dụng (useless class). Họ là những người không lao động mà nhận lãnh trợ cấp của chính phủ. Mình sang Mễ tuần rồi thì khám phá ra thể chế an sinh xã hội của Mễ tương tự như ở Cali. Cứ lãnh trợ cấp để không đi làm.
Dần dần xã hội được trí tuệ nhân tạo hoá, các công việc sẽ do người máy đảm trách, con người sẽ đi về đâu, khi không tìm ra công ăn việc làm khiến giai cấp vô dụng càng ngày càng gia tăng. Chán chường vì không làm gì để rồi sẽ sa vào con đường nghiện ngập rượu hay thuốc phiện,…
Mấy người em vượt biển của mình kể là Hà Nội không cho con cháu nguỵ quân nguỵ quyền học lên đại học khiến cắt đứt tương lai của biết bao nhiêu triệu người sinh ra tại miền nam. Còn đày họ đi kinh tế mới.
Mình có anh bạn, học giỏi thi đậu cao, thủ khao Huế, được đề nghị đi du học ở Nga Sô nhưng rồi mấy ông Hà Nội gạch tên để con của họ đi thế. Có một anh đậu thủ khoa miền nam, cũng bị loại chán đời nên tự tử. Anh bạn thì xuống thuyền ra khơi, nhờ nhà còn chút đỉnh sau những cuộc đánh phá tư sản, theo chính sách “xoá giàu tăng nghèo” giúp người Việt trở thành vô sản chuyên chế, ai mà bận áo quần rách là một niềm vinh dự cho dòng họ, là cháu Ngoan của bác . Chán Mớ Đời
Mình có đọc tài liệu về các “hạt giống đỏ”, nghe nói họ gửi 100 người con của các cán bộ lớn sang Liên Xô để được đào tạo. Mình đoán là trên thực tế là để làm con tin như các nước tây phương xưa hay dùng cách này từ thời La mà để người ta phục tòng chế độ nếu không thì mất con. Mình có gặp mặt một lần một trong những hạt đỏ này tại Đàlạt khi về thăm nhà. Xét lại thì con các cán bộ lớn được đào tạo tại Liên Xô cũng không đem gì về cho lợi ích Việt Nam. Vì ông bố xuống chức nên không còn bè phái.
Hôm trước nói chuyện với một bác ở vùng Đông Bắc. Bác kể khi xưa, sinh viên du học từ Hà Nội, bác có giúp đỡ họ khi mới sang Hoa Kỳ, hy vọng các du học sinh này sẽ hiểu rõ thêm về nước mỹ, nền dân chủ thì mai sau các du học sinh trở về sẽ giúp thay đổi Việt Nam. Khi bác về thăm Việt Nam, mấy cựu du học sinh này đối xử rất tử tế nhưng bác thất kinh, kêu chúng còn gian ác hơn bố mẹ chúng vì được học tập có bài bản ở Hoa Kỳ. Chúng ăn hối lộ còn kinh khủng hơn bố mẹ nữa. Chán Mớ Đời
Do đó mình hơi lo khi con lãnh đạo, bị người ta ganh ghét nên nâng điểm từ 1 lên 9.5, đậu thủ khoa rồi lên báo khuyên các bạn học noi gương đạo đức bác hồ. Kinh. Trình độ 1 điểm để lãnh đạo đất nước, đúng là hồng phúc của dân tộc.
Dạo này, ở Việt Nam người ta nhắc đến sử dụng nhân tài người Việt tại hải ngoại. Nếu xét lại thì Việt Nam sau 75, có cả triệu người di tản rồi vượt biên xem như tự nhiên có biết bao nhiêu du học sinh, làm việc có kinh nghiệm tại các nước Tân tiến. Nếu Hà Nội khôn ngoan thì đã sử dụng chất xám được ngoại quốc đào tạo. Chỉ cần 5-10% chất xám này cũng giúp Việt Nam khá nhiều. Họ đưa ra đề án tạo dựng 20,000 tiến sĩ, cuối cùng toàn là tiến sĩ ma, mua bằng làm sao phát triển được đất nước. Gần đây họ nói đến 50 năm về trước, Sàigòn hoa lệ ra sao, người dân Tân Gia Ba muốn sang Sàigòn để được chữa bệnh ở bệnh viện Sàigòn. Mặc dù thời đó có chiến tranh, Việt Cộng nằm vùng không ngừng đặt chất nổ hay pháo kích hàng đêm, giết không biết bao nhiêu người vô tội.
Thay vì kêu gọi các người Việt hải ngoại về giúp Việt Nam cải tiến, họ lại làm đủ cách để trù dập. Chửi tàn dư của chế độ cũ. Ngày nay, nhạc vàng của Việt Nam Cộng Hoà trước 75 được giới trẻ sinh sau 75 hát khắp nơi. Còn nhạc Hà Nội sáng tác không ai nghe. Mình có cho thằng con về Việt Nam theo một phái đoàn y tế, trong một chương trình thiện nguyện. Nó thấy Hà Nội làm khó dễ phái đoàn y tế từ Hoa Kỳ nên nó chán, chả muốn dính dáng gì đến Việt Nam nữa. Xem như Việt Nam mất thêm 1 thế hệ coi như hết vì thế hệ thứ 3 không còn gắn bó gì với Việt Nam.
Anh bạn mà mình kể trên, thủ khoa đại học Huế, được giấy tờ đi Liên Xô. Về Sàigòn ở và học tại Võ Văn tần 1 năm nhưng cuối cùng bị gạt ra để con mấy ông ở Hà Nội đi thế. Buồn đời anh ta xuống thuyền vượt biển. Sau này, anh ta được hãng gửi về Việt Nam để xin phép xây dựng nhà máy cho 5,000 nhân viên. Hà Nội chỉ hỏi tiền lại quả của họ đâu còn 5,000 công ăn việc làm cho người Việt thì không quan trọng. Vì họ có chương trình gia tăng thêm 500,000 lao động quốc tế, gửi ngoại tệ về nhiều hơn là lương bổng nhân công tại Việt Nam. Cuối cùng thì công ty thành lập nhà máy ở một nước khác tại vùng Đông Nam Á, nay có trên 20,000 nhân viên.
Nhớ dạo mình đi làm ở New York, có bố anh bạn, gốc đại Hàn, giáo sư đại học New York, được chính phủ Nam Hàn mời gọi về, trả lương cao hơn bên Mỹ, cung cấp nhà cửa để ông ta dạy đại học ở Nam Hàn. Ông ta nói chính phủ Nam Hàn chiêu dụ rất nhiều người gốc Triều Tiên ở Hoa Kỳ vì không phải tốn tiền đào tạo. Nhờ đó mà họ tiến nhanh như ngày nay.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nhs
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nhs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét