Học Triết Học ngày xưa

Học Triết Học ngày xưa

Hôm trước, mụ vợ thấy fim Alexander trên Netflix, có Anjelina Jolie đóng nên mở coi. Mình nói fim này đã coi chung từ lâu nhưng mụ vợ không nhớ nên phải ngồi bên vợ để xem nhưng đầu óc thì lại nghĩ đâu đâu, lâu lâu mụ vợ hỏi một câu thì phải giải thích, thuyết minh.

Vợ mình không học chương trình Pháp nên không biết nhiều về lịch sử tây phương, lại học chương trình của Việt Cộng sau 75 nên chỉ biết về chủ nghĩa Mác Lê khi học cấp 3. Đồng chí gái hỏi ông già dạy hoàng tử Alexander là ai, mình nói là Aristote, người đã khai trí cho đại đế Alexander này, đem quân đi chiếm đóng các nước lân bang và xa xôi, tạo dựng một đế quốc đầu tiên âu châu trong lịch sử loài người.
Nhờ bà mẹ do Angelina Jolie đóng, đã khiến ông ta tuy trẻ tuổi nhưng phải giết cha ruột của mình, vua Philip để lên ngôi, và thành lập đội quân hùng mạnh nhất lịch sử của Hy Lạp, khởi xướng từ vùng Macedonia, vì lí do đó mà khi mình bắt đầu cuộc hành trình thăm viếng Hy Lạp cũng từ vùng này.

Nhớ hồi nhỏ, có tên hàng xóm, học Văn Học, niên khoá 71-72. Mỗi lần trong ngày, thầy dạy hắn cái gì làm hắn hồ hởi, kể lại cho mình sau khi ăn cơm trưa. Hắn kể về thầy Tuyến, Thầy Diễm, thầy Viêm, thầy Bình, thầy An,.., đến khi mình sang Văn Học thì bộ Tam Sư, di tản chiến thuật qua trường Việt Anh.

Nghe nói về Thầy Diễm và Thầy Tuyến đến khi mình học năm 12 với hai thầy thì nay chỉ còn nhớ hai câu. Thầy Diễm, trong buổi học Luận Lý đầu tiên, nói: "đàn bà nói có là không, nói đi là ở, lấy chồng đi tu" còn thầy Tuyến thì cũng trong bài học Đạo Đức đầu tiên, giải thích triết học: " Philosophos = Philo + Sophos", Philo theo tiếng Hy Lạp là Bạn, còn Sophos là trí tuệ, thầy tóm tắc, Philosophos là Philo cái Sophos, hay bạn của trí tuệ. Xong om. Học triết học năm cuối cùng của trung học, mình chỉ nhớ chừng đó. May thi tú tài IBM nếu không dám rớt thì cuộc đời mình chắc sẽ có kết cục khác.

Sang tây thì thấy Tây Đầm, cứ xổ chữ Hy Lạp hay Latinh như dân mít mình, xổ Nho của Tàu khiến mình cứ như bò đội nón, ngồi đực nhưng để không mang mặc cảm là dốt, nên cứ phải gục gặc cái đầu như gà nuốt dây thung. Rồi không biết học lóm ở đâu một câu rồi mình cứ xào đi xào lại tuỳ theo trường hợp: "c'est la continuité dans la diversité" hay "c'est la diversité dans la continuité ". Một hôm nghe mình xổ câu này, một thằng tây học lớp khác, cắt cớ nói "tu es un philosophe" Khiến mình như ngỗng ị, lúc đó mới hiểu bọn tây đầm xổ từ ngữ Hy Lạp cũng như dân mít mình xổ nho cho oai, chớ không thằng tây con đầm nào hiểu gì cả, chỉ để loè cái hình thức bề ngoài, một bụng chữ nghĩa nhưng đầu thì dốt đặc cán mai như sơn đen. Chán Mớ Đời

Sau này tình cờ, đọc cuốn sách của khôi nguyên Nobel về vật lý Quantum, giáo sư Richard Feynman, nói về câu chuyện một giáo sư dạy môn ngữ chết Hy Lạp mà ngay chính người Hy Lạp thời nay, ít ai học. Khi sang dạy tại một quốc gia khác ở âu châu, Ông ta ngạc nhiên khi thấy sinh viên của trường đại học này, hâm mộ học môn này thay vì thờ ơ như người Hy Lạp. Trong một buổi học, ông ta hỏi một sinh viên về Plato đã nói gì với Aristote về cái đẹp và nghệ thuật thì anh chàng này đực ra như bò đội nón, đến khi ông đặt lại câu hỏi là trong Symposium III, hai người này đã nói với nhau điều gì thì anh sinh viên, xổ tiếng Hy lạp, thuộc làu làu không sót một chữ tương tự những người mê truyện kiều.
Thấy câu chuyện hay hay nên mình tìm đọc sách về giai đoạn này, thêm lịch sử Hy Lạp đã học trong giờ sử nghệ thuật ở trường. Có 3 triết gia mà mình hay lầm là Socrates, Plato và Aristote. Sau này mới hiểu, Socrates là thầy của Plato, Plato là thầy của Aristote và ông này là người dạy, gây nhiều ảnh hưởng  đến mộng chinh phục thế giới của đại đế Alexander. Nếu ông ta không chết sớm thì có lẻ đế quốc của ông ta đã tràn sang đến Á Châu.

Có sự ngẫu nhiên hay trùng hợp, cũng khoảng thời gian này, xê xích vài chục năm ở Trung Quốc học trò của ông Khổng Khâu, cứ một là kêu Khổng tử viết (nói) hai là Khổng tử cỏn (nói), hai đồ đệ đắc ý nhất của Socrates là Plato và Xenophon đều viết lại những gì được nghe thầy nói. Mình đoán tuy nghe thầy giảng nhưng họ cũng phải tư duy đột phá, như con tằm ăn lá dâu rồi cũng phải nhả tơ.

Qua những gì kể, viết của hai đệ tử ruột Plato và Xenophon thì ông Socrates giải đáp vấn đề bằng đặt câu hỏi, tương tự khi gặp một người muốn bán nhà thì mình phải hỏi và hỏi và hỏi để hiểu lí do họ muốn bán nhà để có thể hiểu hoàn cảnh của gia chủ để mua nhà có lợi cho đôi bên. Ông Socrates không để lại cho hậu thế những bài viết, lý luận gì cả. Người ta biết đến ông qua những bài viết của học trò tương tự ông Khổng Khâu, không để lại 1 cuốn sách nào nhưng các học trò như Mạnh Tử, Tăng Sâm, Tử Tư,...., đã viết lên Tứ thư Ngũ kinh cho thiên hạ biết đến tư tưởng của ông ta.

Mình chỉ biết ông Socrates sẵn sàng chết về tư tưởng của mình. Khi các người đả kích ông, buột ông phải thâu lại lời nói, tuyên bố của mình hoặc uống thuốc độc để chết. Ông ta đã chọn cách uống thuốc độc mà người dân Athens đã ép ông để không phản bội lại tư duy của mình. Ông được xem là cha đẻ của nền triết học tây phương.

Lúc còn trẻ, mình hâm mộ ông Aristote vì ông ta chủ trương thuyết trung dung, cho rằng không ai có thể biết cái đúng và đâu là cái sai. Nhiều người biết việc mình làm là sai nhưng vẫn cứ tiếp tục làm vì bản chất con người sinh ra là vậy. Ông đề cao tinh thần bao dung, không phải chỉ có một cách sống đúng duy nhất vì những gì đúng cho một cá nhân, không nhất thiết là đúng cho tất cả mọi người. Đúng hay sai là tuỳ theo quan niệm cá nhân của mỗi người.

Điển hình khi mình kể, thấy bà Mễ dọn nhà hơi ác ác khi được biết bà ta phá thai khi thai nhi đã 6 tháng. Có người cho rằng, mình không nên dính dáng vào vụ này vì đó là quyền cá nhân tuyệt đối của bà. Giả sử, bà ta cãi lộn với ông chồng, ông chồng giận lên, vát cái búa để phang bà ta, có thể làm nguy hại đến tánh mạng của bà. Mình có thể ngồi yên? Kêu là vợ của ông Mễ không dính dáng gì đến mình. Cứ để ông ta nện bà ta chết vì đó là quyền tuyệt đối sở hữu của ông ta giúp thế giới, bớt đi một người đàn bà.
Như trường hợp xẩy ra cho chiếc xe buýt số 44 bên tàu, khi mấy tên côn đồ, hiếp dâm cô tài xế mà trong xe, không một ai lên tiếng để bảo vệ cô tài xế. Họ có thể nghĩ như Aristote, đúng hay sai là tuỳ quan niệm cá nhân. Mình nhớ có coi thời còn sinh viên, một cuốn phim ý có tựa là "Il  trafico" thì phải. Có cảnh hổn loạn khi xe kẹt cả mấy ngày. Có một đám côn đồ, hiếp dâm một phụ nữ trong xe nhưng hành khách trên xe, ai nấy đều thấy, đều đóng cửa xe lại, duy chỉ có một anh thanh niên chạy lại can thiệp thì bị một trận đòn nhớ đời. Cuối cùng anh ta tính tẩm xăng đốt cháy cả bọn trong xe nhưng lương tâm anh ta không cho phép.

Aristote cho rằng giá trị đạo đức chỉ có mức trung gian. Thí dụ: dũng cảm là trung gian giữa sự hèn nhát và sự liều lĩnh, hãnh diện là trung gian giữa cái huênh hoang và sự hèn hạ. Thấy người bị nạn nhưng ta không ra tay cứu giúp là trung gian giữa cái hèn hạ và ích kỷ. Nói chung, quan điểm của Aristote là quan điểm của sự tương đối, chủ quan và thực nghiệm.

Sau bao nhiêu năm, đấu khẩu với đồng chí gái thì mình đâm ra thích quan điểm của Plato, thầy của Aristote hơn. Plato đặt câu hỏi về căn bản đạo đức học; phải sống và hành động như thế nào. Ông cho rằng vừa tu thân, trau dồi kỷ năng để sống một cách đúng đắn. Học để mở mang trí tuệ vì sự gian trá, vô đạo đức là hậu quả tất yếu của ngu dốt, u mê. Ông ta cho rằng khi con người hiểu vấn đề thì tất nhiên sẽ sống lương thiện.

Thí dụ: nếu mình hiểu biết trước khi ăn cắp buồng chuối của bà làm vườn, hậu quả sẽ nghe mẹ con bà ấy thi đua chửi ngày chưa đủ tranh thủ chửi đêm, cộng thêm dú buồng chuối không chín thì chắc chắn sẽ không ăn cắp. Ở thời đại này học là học toán và triết vì chỉ có hai môn này.

Theo ông thì những người đã tu thân, quán triệt được hai môn học này thì sẽ biết sống và làm gương và quần chúng sẽ noi theo mà sống tương tự các sách ngày nay đều nói những người lãnh đạo phải thực thi sự hiểu biết, làm trước để cho các người dưới quyền bắt chước làm theo. Ông ta đề cao những thiểu số ưu tú.

Con chim đầu đàn phải bay cho đúng hướng, cao độ để cả đàn chim phía sau có thể tránh gió, tiết kiệm năng lượng rồi tuần tự thay phiên nhau dẫn dắt nhau bay về cùng nắng ấm. Nói nôm na, cái đầu tàu của chiếc xe lửa phải chạy cho đúng đường rầy nếu không sẽ gây ra tai nạn. Hồi còn ở Việt Nam, mình là anh cả trong nhà nên phải làm gương cho mấy người em như cái đầu xe lửa, kéo các toa xe lửa (mấy đứa em ) theo sau.
Sau này có con thì thiên chức làm cha càng khiến mình phải tự học, đi seminar để tự rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng hầu có thể dạy con, cho xứng đáng với thiên chức và bổn phận của mình. Mình lại thấy Plato đúng hơn vì không thể tư duy như Aristote, giá trị đạo đức trung dung, cứ để mấy đứa con tự hoạch định căn bản đạo đức của chúng, laisser à faire.

Nếu mình chấp nhận tư duy của Aristote, cho rằng không ai biết đúng hay sai. Nếu lương tâm mình xét đoán, cho biết hành động của mình là sai, mình vẫn tiếp tục làm thì sẽ làm gương xấu cho con mình noi theo. Trong bài hát "papa" của Paul Anka, có câu: "your children will live through you". Nếu mình gian ác thì con mình sẽ bắt chước vì nó nghĩ và chấp nhận gian ác là sự thường tình. Dân gian thường dặn dò con cháu "mua heo xem nái cưới gái xem dòng" để nhắc nhở giáo dục của mỗi gia đình.

Điểm vui là ở Hy Lạp, từ ông Socrates lại thấy các học trò như Plato, Aristote đều đưa ra những lập luận khác nhau rồi với thời gian tây phương đã thay đổi theo thời gian với những triết gia hậu thế trong khi ở phương đông, ông Khổng Khâu xuất hiện nhưng mấy ngàn năm sau, người ta vẫn tiếp tục nghe những lời giảng của ông Khổng Tử, không một ai dám phản bác.

Người ta biện luận cho rằng ông Alexander giết cha là đúng, Oliver Stone trong fim, chứng minh qua lời bà mẹ, bị thất sũng: nếu ông Alexander không giết cha mình là vua Philip, thì sẽ bị hãm hại sau này, bởi đứa em cùng cha khác mẹ vì mẹ của ông này được vua cưng chìu hơn và sẽ nối ngôi. Ông ta cho quay những đoạn fim, bà mẹ Angelina Jolie, trong vai Olympias bị ông chồng, vua Philip hiếp dâm trước mặt con trai khi nhỏ, để bào chửa cho sự việc.

Theo lịch sử thì ông vua Philip bị cận vệ mình giết chết khi Alexander mới có 19 tuổi thì rất khó mà quân đội của xứ Macedonia, dạo ấy phục tùng ông này nếu sự hãm hại cha mình là sự thật. Có người cho rằng người xứ Athens, chưa được thống nhất như ngày nay, ghét ông Alexander nên mới fao tin này, dần dần sự vu khống trở thành sự thật. Có người cho rằng Desmothenes, ăn tiền của vua Darius, Ba Tư, để fao tin này. Sau khi vua Philip bị ám sát, bà Olympias đã ra lệnh giết bà vợ kế và đứa con trai để trừ hậu hoạn.

Sự thật thì mình không biết rõ nhưng xứ Hy Lạp này xẩy ra nhiều bi kịch, huyền thoại đã làm nền tảng cho văn chương tây phương như Oedipus, một người khi sanh ra, được sấm tiên tri là sau này sẽ giết cha, lấy mẹ ruột mình làm vợ, sinh ra 4 đứa con. Khi biết ra sự thật thì bà mẹ tự tử còn ông ta tự móc mắt. Hy lạp cho nhân gian nhiều bi kịch cho nên không thể biết đâu là sự thật.

Theo mình hiểu, tuy là thầy trò nhưng cái thuyết của ông Aristote là tương đối, chủ quan và thực nghiệm trong khi ông thầy Plato lại tuyệt đối, khách quan và thực nghiệm. Plato cho rằng chỉ có một cách đúng cho tất cả mọi người. Có lẻ vì vậy người ngoan đạo, tin vào những điều răn của thượng đế, của Allah, của Abraham. Khách quan vì hành động của mình tự nó là đúng hay sai. Khi anh ăn cắp buồng chuối của người hàng xóm, dầy công chăm sóc là một hành động sai trái chớ không phải tuỳ cách nhìn của mỗi người.
Cái đúng và cái sai đều là tuyệt đối. Đạo đức là tuyệt đối vì con người không thể 99% hiền và 1% ác. Hôm nay anh hiền và ngày mai, buồn buồn anh trở nên gian ác. Đạo đức, sự thật phải là tuyệt đối 100%.

Mình và thằng Khánh Ù có thể bắt chước người cộng sản, tự bào chửa, hai đứa không có chuối trong khi nhà làm vườn có nhiều thì phải chia bớt, bà ta là địa chủ, có nợ máu với nhân dân. Tại sao mình không trồng chuối như bà làm vườn mà lại đi ăn cắp. Tương tự trong cuộc cải cách ruộng đất, người ta đấu tố các địa chủ, có nợ máu với nhân dân để cướp đất của người ta. Oái ăm thay là nữa thế kỷ sau,con cháu của những người đấu tố địa chủ để cướp đất lại bị một nhóm khác, nhóm đã xúi họ đấu tố địa chủ, cướp lại đất để làm giàu cho bản thân họ.

Mình nhớ thầy Nguyên nói với mình về chương trình "người cày có ruộng", chính quyền vnch, không kiểm soát an ninh các vùng có VC nằm vùng nên bỏ tiền ra, mua ruộng của các điền chủ, vì lý do an ninh, lên Sàigòn, rồi phát đất cho các tá điền nông dân cho chiến dịch dành dân. Trước sau cũng mất nhưng cho dân thì họ cám ơn, về với mình sau khi chương trình "ấp chiến lược " bị thất bại.

Theo ông Plato, tiêu chuẩn đạo đức không đến từ kinh nghiệm, phải thực nghiệm để tìm ra nguyên lý nhưng đạo đức đã có sẵn. Một người bệnh tâm thần thì không thể nào thực nghiệm để tìm cho mình một đáp số về cái đúng hay cái sai. Một thằng ngu lâu như mình, đi ăn cắp buồng chuối với thằng Khánh Ù, trải nghiệm nghe bà làm vườn chửi rồi đến con gái chửi vì cái lợi sẽ được ăn buồng chuối.

Một khi buồng chuối không chín, phải quăn thì mình mới chợp giác ngộ cách mạng là mình ngu dốt, không biết cách dú để cho buồng chuối chín. Công bà làm vườn, công mình và thằng Khánh Ù, rình mò cả tuần để chặt buồng chuối, dú cả tháng rồi không được ăn, hoá ra công cò công cốc hết. Do đó theo mình sự ngu dốt mới là cha đẻ của cái ác. Hành động ăn cắp buồng chuối của bà làm vườn là một việc fi đạo đức 100%.

Nhớ lần đầu về Hà Nội họp về phát triển Việt Nam trong thời Đổi Mới. Ngồi với các bộ trưởng và thứ trưởng của Hà Nội thì mình khám phá một điều là họ chưa vào giờ bao giờ đọc Karl Marx, Engel ngay cả Lenin dù khi họ phát biểu, cứ oang oang kêu gào xã hội chủ nghĩa vô địch, đánh cho mỹ cút nguỵ nhào, mặt dù Liên Xô đã xụp đổ 5 năm về trước.

Karl Marx viết chung với Engel; bản tuyên ngôn của đảng Cộng Sản (Manifest  der Kommunistschen partei) vào năm 1848, và Das Kapital (Tư Bản Luận) năm 1867-1894. Mình không hiểu nhiều chỉ thấy fong trào cộng sản là điều tất yếu, đáp án để trừ khử chủ nghĩa tư bản. Tư Bản Luận được viết sau đó gần 20 năm tương tự ông ta cho đáp số của xã hội nhiễu nhương thời đó với Bản tuyên ngôn của đảng cộng sản năm 1848, sau đó mới bắt đầu viết Tư Bản Luận để giải thích cho tuyên ngôn Cộng Sản mà ông ta và Engel đã viết trước đó 19 năm. Tương tự phương trình ax + b = 5,( 5) là đáp số, là Tuyên ngôn Cộng Sản (1848) còn Tư Bản Luận là ax + b, phương trình năm 1867-1894.

Người Đức đã từ chối những tư tưởng do Karl Marx đề xướng tại đại hội Gotha năm 1875, 47 năm trước khi cách mạng của nhóm Bolchevist thành công tại Nga Sô. Ông Lenin khi trốn sang Thuỵ Sĩ, đã dùng tư tưởng của hai ông Marx và Engel như một công cụ để giúp ông ta xây dựng sự nghiệp chính trị. Tương tự Mao Trạch Đông cũng dùng các tư tưởng lỗi thời này để mưu đồ làm chính trị vì Trung Quốc dạo đó chưa có công nhân thợ thuyền bị bốc lộ trong các hảng xưởng như ở Tây Phương.

Trong thời gian Cải cách ruộng đất, có cụm từ "tố lưng", người ta không dám nhìn mặt người bị toà án nhân dân đấu tố, những người này từng là ân nhân của gia đình họ, vì tình thế bắt buộc họ phải đứng ra đấu tố người quen, bố mẹ chồng, chủ cũ nhưng họ chỉ dám đứng sau lưng để làm xong bổn phận của toà án nhân dân.

Sự ngu dốt là cái ác. Người ta ngu dốt, không chịu tìm tòi học hỏi, tự luyện kỹ năng thêm để đáp ứng với tình hình kinh tế, xã hội đương thời. Nghe kể ông Trần Đức Thảo, tiến sĩ triết học, tốt nghiệp ở Pháp về, có tóm tắc chủ nghĩa Marx Lenin rồi đưa cho một tổng bí thứ của đảng cộng sản, khiến ông này khó chịu và trù dập, vì mặc cảm, tưởng ông tiến sĩ kia đánh giá ông ta ngu, nên cần bản thảo tóm tắc. Tổng bí thư này chỉ có công đi theo kháng chiến chống Mỹ nên cũng không học hành bao nhiêu.
Vì thời cuộc, con người có thể không được đi học nhưng người ta vẫn có thể bồi dưỡng trí tuệ, kỹ năng sống thêm. Về Việt Nam, mình chỉ thấy ăn và nhậu và khoe mẻ. Người giàu thì chỉ biết khoe cái xe hơi, bộ đồ mới, cái iphone cực đỉnh,..., xét về mặt tri thức thì rỗng chả hiểu gì cả. Xem truyền hình thì thấy một ông cán bộ khá to, nói không hiểu lí do gà mỹ lại rẻ hơn gà nuôi tại Việt Nam. Thay vì cố gắng nâng cao phẩm chất gạo trồng tại Việt Nam, họ bô bô cho rằng sản xuất gạo thứ hai trên thế giới với giá rẻ gấp đôi gạo Thái Lan và Kamphuchia. Không ai nghĩ là mua một cái iphone thì người nông dân cần bán bao nhiêu tấn gạo.

William James trong cuốn “pragmatism” (chủ nghĩa thực dụng?, không biết dịch như vậy có đúng không) có nói: “triết học không làm được một chiếc bánh” nhưng nếu không có triết học để con người tự đặt lại vấn đề thì xã hội, nền văn minh nhân loại sẽ không bao giờ thay đổi. Khi đạo thiên chúa ăn sâu vào tây phương thì mọi việc đều được giải thích bằng những câu chuyện trong Tân Ước. Engel đưa ra các tiền giải thuyết đã khiến mọi việc thay đổi rồi Marx nhảy vào với những tệ trạng xã hội thời ấy, đưa thế giới đến những điêu linh ở thế kỷ 20 với những hệ luỵ còn đến ngày nay.

Dạo mình mới vào trường thì chủ nghĩa hậu hiện đại đã cáo chung, chủ nghĩa của ông Jacques Derida đang ăn khách nên kiến trúc sư xoay qua thiết kế theo trường phái Deconstruction làm đảo lộn mọi vấn đề mỹ thuật.

Mình đang say sưa giải thích cho đồng chí gái thì nghe tiếng ngáy, quay qua thấy mụ vợ đang nằm nơi ghế sa lông,  gọi đò trên sông Hương. Chán mớ đời!

Nhs