Học sinh và thầy cô

Học sinh và thầy cô

Hắn nhớ hôm ấy, mẹ hắn bị kêu lên trường để gặp thầy giáo. Thầy hắn, chậm rãi kể cho mẹ hắn về những nghịch phá trong lớp của hắn, nhất là không chịu học, lười biếng không làm bài tập ở nhà,… hắn thấy mẹ hắn ngồi lặng câm, buồn nhìn về xa xăm. Mẹ hắn cực khổ, buôn bán để mong hắn có một ngày tươi sáng hơn đời của mẹ nhưng…

Ông thầy kêu con chị là một sự thất bại. Hết thuốc chữa. Nó sẽ bị ở lại với điểm số không nhiều hơn quân Nguyên. Điều tôi lo sợ là cháu sẽ không có một tương lai tốt như chị mong đợi.

Thầy giáo quay sang hỏi hắn, em nghĩ sẽ có tương lai như thế nào khi lười biếng nghịch ngợm, phá phách các bạn đồng lớp, không chịu làm bài,…

Hắn chán nản nhưng thấy mẹ hắn buồn nên bao nhiêu suy tư từ bấy lâu, hắn bổng nhiên nói với thầy. Dạ thưa thầy, em không phải là một thất bại vì thất bại chỉ là một sự kiện nhất thời, không phải vĩnh viễn. Cô Hiền có nói Thất bại là mẹ thành công.

Thầy nói là trong tương lai, tất cả mọi việc đều sẽ được tự động hoá, không cần người lao động, thậm chí bác sĩ cũng sẽ được ít sử dụng vì người máy, máy điện toán sẽ rà xét người ta kỹ càng hơn, chính xác hơn,.. Vậy chúng em học để làm gì, vì tương lai sẽ không được thâu dụng. Trong xóm em, có nhiều người học giỏi như anh Hùng, đậu thủ khoa ở đại học rồi thất nghiệp mấy năm, nay chạy xe ôm.

Thầy Hoàng nói là những ai muốn thành công sau này là phải có trí óc tò mò, tìm tòi mới đáp ứng được với xã hội mới, trong khi học ở lớp thầy, cứ bắt chép bài, học tập đạo đức, rồi thi đủ trò,…để làm gì khi ra trường không có việc làm. Tốn tiền gia đình, có mấy cái bằng khen treo tường, chứng nhận một thời ngu dại.

Thằng Tuấn, giỏi toán thầy lại phê; không làm đáp án như thầy, cần phải học thêm ở nhà thầy để thầy có thêm tiền bồi dưỡng. Khi thi thì thầy cho mấy đứa học thêm với thầy làm đề thi trước ở nhà trong khi tụi em không có tiền học thêm thì ít điểm hơn.

Đọc báo, họ nói có trên 1,500 giám đốc côngty Hoa Kỳ cho rằng; thế giới ngày nay cần những bộ óc sáng tạo, vì đó là là kỹ năng quan trọng nhất về lãnh đạo. Người ta không cần những gì mình biết hay nhớ vì chỉ cần Gú Gồ, hay Siri là trong 5 giây đồng hồ là có tất cả dữ liệu.

Do đó em chán học vì trong tương lai, người ta sẽ mướn người, có thể sử dụng sự hiểu biết của họ để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, thay vì A, B, C khoanh. Những gì con học ở trường là những gì người máy, robot đều làm được và hay hơn 24/24.

Ông Jack Ma, chủ tịch công ty Alibaba, nói chúng ta không nên cạnh tranh với máy móc, trí tuệ thông minh mà chú ý vào phát triển trí tuệ con người.

Những gì thầy dạy ngày nay, sẽ đưa học trò của thầy khi rời nhà trường, đến thẳng văn phòng thất nghiệp. Ông chủ công ty Tesla, Elon Musk cho rằng thâu nhận nhân viên dựa trên điểm cao của học bạ, đã lỗi thời.

Thầy dạy học sinh ngày nay như đã dạy 20 năm trước là thầy đã cướp đi tương lai của chúng em. Không chuẩn bị cho chúng em hành trang cho thế kỷ 21.

Ngồi lớp thầy chán như con gián, phải nhìn đồng hồ hoài cho qua thời gian. Người Mỹ hay nói; chúng ta có thể dẫn con ngựa đến bờ suối nhưng chúng ta không thể bắt con ngựa uống nước. Nếu thầy bỏ thêm chút muối trong cỏ ngựa ăn thì sẽ làm chúng khát. Đám bán rượu bia trong quán, hiểu vấn đề này nên chúng cho ăn đậu phụng rang ngâm muối ớt. Nếu thầy cố gắng làm cho không khí trong lớp vui vẻ thì học trò giỏi, dỡ,..đều cố gắng học tập vì học sinh tìm được niềm vui trong học thức thay vì thầy cứ giảng như cha tuyên uý hay cán bộ chính trị.

Em biết thiên chức của thầy là chuẩn bị cho học sinh một hành trang kiến thức để vào đời, là một công việc cao cả nhất hành tinh nhưng nếu thầy thật lòng muốn giúp chúng em thì phải tự hỏi; làm thế nào giúp chúng em hội nhập một thế giới, tương lai chưa từng có vì kỹ thuật, ngày nay trí tuệ nhân tạo đã thay đổi cơ cấu xã hội, thông tin,…

Những kiến thức của thầy nhồi sọ bọn em, không có đáp án cho mai sau. Thầy cứ kêu gào cách mạng 4.0 hay hệ thống 5 Gờ mà ngay chính thầy cũng không có i-meo, tài khoản về Facebook, Zalo,…để chúng em liên lạc, hỏi thầy.

Mẹ, con biết mẹ buồn vì con không được gọi là học sinh tiên tiến, cháu ngoan của Bác, trò ngoan của thầy nhưng con không ngu lâu dốt sớm. Con chỉ làm được 70% các câu hỏi đề thi của trường nhưng mấy câu hỏi này đưa đến 0% về tương lai của con. Đừng lo tuy không thích nhưng con sẽ cố gắng học để đậu ra trường dù không thích, cảm thấy mất thì giờ. Vì vậy mà một số bạn học chán học, phá phách, quậy phá. Nếu học trong một không khí vui vẻ thì ai cũng tham gia.

Mẹ đừng lo, quan trọng nhất là cho con một khoảng trống mà ông Kahlil Gibran cho rằng: con cái của mình được mình sinh ra nuôi nấng nhưng chúng không thuộc về mình. Mẹ thương con, nuôi nấng con nhưng hãy cho con đeo đuổi giấc mơ làm người.

Nếu chúng ta muốn thành công thì cả ba chúng ta phải thay đổi toàn diện, tư tưởng để giúp cho học sinh ngày nay sẽ không bở ngỡ khi rời ghế nhà trường, thay vì học những cái cũ xưa, lỗi thời.

Chán Mớ Đời
Nhs