Trần Văn Phước, thị trưởng Đàlạt

Trần Văn Phước, thị trưởng Đàlạt

Cách đây hai tuần trong buổi triển lãm tranh tại phòng khánh tiết của tờ báo người Việt, mình làm quen được với một cựu sinh viên đại học Đàlạt, cựu giáo sư trường Bùi Thị Xuân Đàlạt. Ngồi nói chuyện về Đàlạt khi xưa như thời sinh viên học sinh Đàlạt bị Việt Cộng nằm vùng giựt dây, xuống đường, đình công bãi thị, đóng đô ở chùa Linh Sơn mà từ nhà mình thấy cảnh sát dã chiến chạy vào sân chùa, quăng lựu đạn cay đủ trò,….

Mình nhớ tối chiều là mấy ông sinh viên hò hét kêu đưa Nguyễn Cao Kỳ lên đoạn đầu đài, hát hò đủ trò qua máy vi âm. Tới một hôm như chán ngấy, thấy cảnh sát dã chiên, vác dùi cui nhảy xuống xe GMC, rượt bắt đánh mấy người biểu tình đủ trò. Lựu đạn cay mờ mắt luôn.

Hôm qua mình đi học, anh ta chạy từ San Diego lên Tiểu Sàigòn có việc nhà, nhắn tin có đem theo cuốn sách về Đàlạt, Bên Dưới Sương Mù, của Nguyễn Vĩnh Nguyên, để cho mình mượn. Mình nhờ thằng con chạy ra Bôn sa lấy dùm. Đi học về, đói meo nhưng thấy cuốn sách thì mình đọc cái vèo trong một tiếng đồng hồ.

Về Đàlạt tháng 4 vừa qua, có anh bạn học cũ chở mình ra tiệm sách ở dưới hầm, cạnh hồ Xuân Hương, địa điểm sân vận động cũ Đàlạt khi xưa. Mình có mua một cuốn sách của cùng tác giả “Đàlạt, một thời hương xưa”. Hà Nội, sau 75 cho phá hết tất cả những gì mà chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đã xây dựng khi xưa, như xoá đi tất cả vết tích của chế độ cũ vô hình trung lại phá hết di tích của lịch sử Đàlạt.

Đọc xong cuốn sách thì có một cái tên cứ lởn vởn trong đầu mình: Trần Văn Phước. Có lẻ ai thuộc thế hệ mình đã từng sinh sống tại Đàlạt chắc không nhớ ông thị trưởng Đàlạt dân sự, tại chức lâu nhất lịch sử Đàlạt trước 1975, nhưng thế hệ của bố mẹ mình thì chắc chắn là phải nhớ như thế hệ mình nhớ bà Nguyễn Thị Hậu, người mẫu đầu tiên của Cát Tường Le Mur và ông Nguyễn Hợp Đoàn từng làm thị trưởng Đàlạt và tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức. Mình có bà dì họ, làm thư ký cho bà Hậu.

Ông này sinh trưởng tại Nam Vang, thủ đô Cao Miên, làm thị trưởng Đàlạt từ năm 1956 đến 1963. Trong 8 năm trời, ông ta đã biến thị xã Đàlạt thành một thành phố đẹp, có nhiều công trình xây dựng như Chợ Mới, giáo hoàng học viện, viện đại học Đàlạt, Thao trường, lữ quán thanh niên, sân vận động,….được xem là đẹp nhất đông Nam Á. Nhất là các chương trình trồng cây ở Đà Lạt, khuyến khích người dân Đà Lạt trồng cây.

Điểm hay là ông ta sử dụng toàn là kiến trúc sư người Việt. Hình như dạo ấy tuy có chiến tranh nhưng Việt Nam có một thế hệ kiến trúc sư trẻ rất giỏi như Nguyễn Duy Đức, người thiết kế Chợ Mới Đàlạt, hay Tô Công Văn thiết kế Giáo Hoàng Học Viện, Ngô Viết Thụ thiết kế trung tâm Nguyên Tử Lực, Phạm Khánh Chù thiết kế nhà thờ Franciscaine,… có dịp mình sẽ kể về mấy người này.

Điểm nhấn của Đàlạt dưới thời ông ta làm thị trưởng là chợ Đàlạt mà thế hệ mình thường gọi Chợ Mới, để thay thế Chợ Cũ, địa điểm tại hội trường Hoà Bình.

Chợ Đàlạt được thành lập năm 1929, mình có tấm ảnh thời đó, Mà người ta gọi là Chợ Cây vì làm bằng gỗ, sau bị cháy nên năm 1937, công ty xây lại bằng gạch mà mình đã kể về Khu Hoà BÌnh xưa. Mình có tấm ảnh thời ấy và một tấm chụp từ cầu ông đạo lên khu Hoà BÌnh còn hoang sơ.

Đàlạt không có tiền nhưng ông Trần Văn phước đã đứng tên ký một khế ước với bộ trưởng tài chánh, mượn 30 triệu đồng của quỹ Hưu Bổng Văn Giai Việt Nam, để xây Chợ Mới và sẽ trả trong vòng 15 năm, đến năm 1973 thì trả dứt. Nội bán mấy hàng quán cho người buôn bán Đàlạt đủ lấy lại vốn.

Ngày 4-7-1958, có cuộc đấu thầu công khai diễn ra tại toà hành chính Đàlạt. Có 3 nhà thầu tham dự: công ty của ông Nguyễn Đình Quát, công ty của ông Nguyễn Linh Chiểu và công ty của ông Nguyễn Văn Hưởng-Tôn Thất Hường (người của Ngô Đình Cẩn). Ông Linh Chiểu thắng thầu với giá thấp nhất 30,326,000 đồng và thời hạn sẽ hoàn tất là 20 tháng. Ngày 10-10-1958, lễ đóng cây cừ đầu tiên Chợ Mới Đàlạt được khởi công.

Ông Ngô Đình Cẩn có cho đàn em đấu thầu nhưng không được. Ông Chiểu là người bỏ thầu rẻ nhất nên được thắng. Sau này ông Cẩn cho đàn em lên làm khó dễ ông Phước để xem có ăn bớt hay được thầu khoán lại quả nhưng không tìm ra điều gì cả. Ông thầu khoán Chiểu này cũng ma đầu lắm, ông ta xây khách sạn Mộng Đẹp thêm một tầng không được phép, che tầm nhìn từ khu Hoà Bình xuống hồ Xuân Hương theo đường Lê Đại Hành. Khi xưa đi ngang qua đây mình thấy khó chịu không hiểu vì sao nay mới hiểu thêm có dạo lính Mỹ mướn khách sạn này, chất bao cát, hàng rào dây kẽm gai đủ trò khiến mình không ưa quang cảnh này.

Chợ Mới có chân móng dài 4,000 thước cừ bê tông cốt sắt, mỗi chiều 0.25 m x 0.25 m x 0.20 m. Chợ có 3 tầng, mỗi tầng có diện tích là 1,600 mét vuông, cao 19.45 m, dài 80 m, rộng 18 m. Tầng lầu 3 là thiên khai để ngỏ, dùng để tổ chức hoà nhạc,…nhưng dạo mình ở Đàlạt thì không thấy gì cả, chỉ đóng lại. Có lẻ vì an ninh nên họ không lên sân thượng. Nay thì có thấy quán nước chi đó hay công ty lụa nhưng mình không lên.

Ngoài ra, xung quanh chợ có mái hiên bằng xi măng cốt sắt, rộng 6 mét, để che nắng mưa, hàng bà cụ mình được che bởi tấm dalle xi măng này. 4 góc chợ có 4 cầu thang, từ tầng 1 lên lầu 2 thì có 51 bậc thang, lên lầu 3 thì có 34 bậc thang (hơi lạ vì thông thường các bậc thang đều số lẻ) và mỗi cầu thang đều rộng 4.70 mét. Ngay chỗ hàng bà cụ mình có một cầu thang, dưới cầu thang có bà người Tàu bán tương ớt.

Giữa năm 1959, tổng thống Ngô Đình Diệm có lên Đàlạt kinh lý và đề nghị kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế xung quanh Chợ Mới Đàlạt như dãy nhà hai bên chợ như tiệm Lộc Sơn, BÌnh Lợi, Nguyễn văn Ngạch ,…trước hàng bà cụ mình. Mình thấy bản vẽ của ông kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, xung quanh chợ Đàlạt ngoại trừ cái chợ . (Xem ảnh dưới)


Tổng thống Diệm cũng đề nghị cây xăng Caltex, bỏ tiền để làm bến xe đò, cạnh ấp Ánh Sáng. Mình có tấm ảnh chợ Đàlạt mới xây nhưng bến xe đò và cây xăng Caltex thì chưa.

Lễ Khánh thành chợ Đà Lạt. Phía trên khu Hoà Bình, thấy dãy phố bị kiến trúc sư, thiết kế phá bỏ, thấy căn phố của ông Tân  Lập và ông Nguyễn Văn Ngạch 2 tầng bị phá bỏ và đền bù hai căn ở Chợ dưới. 

Thiên hạ cứ lầm là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người thiết kế chợ Đàlạt, ngay cả mình khi xưa. Người thiết kế là kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức, còn kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chỉ thiết kế lại cảng quang xung quanh chợ, cầu thang vào chợ và hai dãy nhà bên hông CHợ. Ông ta cho dẹp hai dãy tiệm bên tay phải của rạp Hoà BÌnh, nhưng sau này, họ lại bỏ mấy panneau quảng cáo hay tuyên truyền, lại che quang cảnh hồ Xuân Hương thêm ông thầu khoán Chiểu chơi khách sạn Mộng Đẹp thêm một tầng rồi chạy chọt cho thiên hạ im mồm nhất là quân đội Mỹ mướn khách sạn này nên hết cãi nhau. 

Thao Trường được xây cất thời Việt Nam Cộng Hoà. Mình không biết ai là kiến trúc sư nhưng mình nghĩ rất đẹp so với thời gian đó.

Ông Phước và bà vợ Nguyễn Thị Quới đều sinh ra tại Cao Miên. Ông sinh ngày 23-8-1918 tại Takeo còn bà vợ sinh tại Nam Vang. Khi ông Diệm bị lật đổ thì ông Phước cũng bị hội đồng cách mạng cách chức thị trưởng Đàlạt luôn. Ông ta còn bị mấy người của chế độ mới tố cáo tham nhũng, ăn bớt tiền xây chợ Đàlạt,… sau mấy tháng, cảnh sát của chế độ mới, không tìm được bằng chứng nên thả ông ra.

Được biết thêm bà vợ của ông trong thời gian tại chức, đã thành lập lữ quán thanh niên cho học sinh và sinh viên ăn trưa. Dạo mình học mấy tuần ở đại học Đàlạt, trước khi đi Tây có ghé đây ăn nhưng dỡ quá nên trưa chạy về nhà ăn cho khoẻ đời.

Nhìn lại Đàlạt trong thời đệ nhất cộng hoà, có ông Trần Văn Phước, thông minh và liêm chính nên đã xây dựng khá nhiều công trình lớn, đặc sắc cho Việt Nam Cộng Hoà. Nếu ông Diệm không bị truất phế thì Đàlạt chắc khá hơn. Còn ngày nay thì phải công nhận Đàlạt rất quái quái. Cái điểm nhấn của Hà Nội là toà hành chánh ngay đường Hùng Vương, xấu không thể tả.

Mình về Đàlạt thấy tan thương, nhà cửa mọc lên như nấm vô tổ chức. Nếu so điểm nhấn của Hà Nội với toà nhà hành chánh và những công trình như chợ Đàlạt, giáo hoàng học viện, viện đại học Đàlạt,… thì trình độ cách nhau quá xa, dù là 48 năm sau.

Chán Mớ Đời

Nhs