Quảng trường Hoà Bình Đàlạt khi xưa

Quảng Trường Hoà Bình Đàlạt khi xưa

Hình #1

Ở Pháp, hay các nước Âu châu, về thiết kế đô thị, đa số các thành phố nhỏ đều có một quảng trường để người ta họp chợ và có một nhà thờ công giáo với cái chuông cao vời vợi làm điểm nhấn, để mọi người từ xa có thể định hướng của mọi nơi.

Qua tấm ảnh này, chụp từ đường Thành Thái, (thời tây gọi là đường Đồng Khánh) góc đường Lê Đại Hành (thời tây gọi là đường Gia Long), cho thấy “place du Marché” (quảng trường chợ) có bến xe Taxi và xe đò xe đi Chi Lăng (thời Tây gọi là Saint Benoit) gần hồ Than Thở.

Mặt tiền của chợ cũ Đàlạt, có mấy lỗ thông hơi trên cao, xung quanh cái chợ để thoát hơi cho chợ ở trong. Mình nghe kể chợ này khi xưa gọi là chợ gỗ, sau bị cháy nên họ làm lại. Mình có một tấm ảnh cũ này nhưng lười đi lục lại.

Sau bến xe là Chợ Cũ của Đàlạt khi xưa, trước khi họ xây Chợ Lớn (Chợ Mới) phía dưới vườn rau xà lách xoong. Chợ cũ thấy có cái tháp chuông để tạo điểm nhấn, điểm cao nhất của thành phố để khắp nơi có thể nhắm về phía chợ, trung tâm thành phố.

Chợ Cũ được bao bọc bởi hai dãy nhà mà theo hồi ký của luật sư Giao, mấy dãy nhà này đều do thầu khoán Võ Đình Dung xây cất và cho thuê, sau này có một số đã được bán cho người thuê và số còn lại mất trắng thêm đất đai cho thuê như vườn ông Ba Đà khi Việt Cộng vào năm 1975.

Bên tay trái là dãy tiệm Đức Xương Long của gia đình Huỳnh Quốc Lương, nay ở Úc Đại Lợi, góc đường Minh Mạng mà nay người ta gọi là Trương Công Định.

Trước chợ (khu Hoà Bình) thấy các xe đò Chi Lăng và xe tắc xi đậu, chắc là bến xe, vẫn còn chiếc xe thổ mộ bên tay trái trước tiệm Đức Xương Long, góc khu Hoà BÌnh và đường Minh Mạng.

Quảng trường Hoà Bình sau 1960





Hình #2

Tấm ảnh thứ 2 này chụp từ Đường Thành Thái, đoán ngay địa điểm tiệm kem Việt Hưng. Ông chủ người bắc, có đến nhà mình vài lần. Thấy cái banderole mà rạp Ngọc Lan luôn luôn treo ở đây để quảng cáo phim đang chiếu tại rạp (A tout Casser) vì rạp này nằm sâu trong đường Thành Thái, ít ai đi qua đó như rạp Hoà Bình hay Ngọc Hiệp.

Hình này sau 1960, khi khu Hoà Bình được chỉnh sang lại với mặt tiền khác với khi xưa và cái tháp chuông to hơn trước, chắc là cái cầu thang được xây bên trong nhưng có vẻ theo trường phái “Brutalisme” với tam quan, 3 cửa sổ thêm cái véranda rộng hơn để che phía trước rạp xi nê Hoà Bình và đi vòng hai bên hông, xung quanh khu Hoà Bình để che nắng và mưa cho người bộ hành.

Bãi đậu xe Taxi được dời qua dãy nhà hàng Nam Sơn bên tay trái còn bãi đậu xe đò Chi Lăng được dời xuống chợ Mới, trước vũ trường La Tulipe Rouge.

Bên tay trái tấm ảnh thấy mấy thang cấp, nay vẫn còn, đi từ chợ Mới, băng qua đường Lê Đại Hành, đến đường Trương Vĩnh Ký. Căn đầu tiên là nhà trồng răng Nguyễn Văn Trình, bố thằng Nguyễn Hy học chung với mình khi xưa, sau này thấy nó đánh vũ cầu cho đội tuyển Đàlạt với Mã Kiến Hậu. Trên dãy này có tiệm ăn Chic Shanghai, nhà hàng Nam Sơn rồi tiệm rượu của ông bà Võ Quang Tiềm, tiệm thuốc tây Nguyễn Văn An, cuối cùng là tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, ngay góc đường Duy Tân (thời tây gọi Maréchal Foch).

Hình này khi họ làm lại khu Hoà Bình, đem chợ xuống chợ Lớn (chợ Mới)
Khu này trước khi mình ra đời là chợ chính của Đà Lạt, sau này Chợ Mới được xây cất thì khu chợ này được đập phá để xây lại, dân địa phương gọi là Chợ Cũ hay Khu Hoà Bình. Ở trong thì họ làm nhà hát, rạp xi nê Hoà BÌnh. Mình đi xem phim đầu tiên tại rạp này là phim Hương Cảng “Tần Thuỷ Hoàng”, không nhớ năm nào nhưng sau khi ông Diệm bị lật đỗ vì trước đó, ông bà cụ hay dẫn đi xem xi nê ở rạp Ngọc Hiệp và Ngọc Lan. Xung quanh rạp hát là các tiệm buôn bán như hướng tây là có căn đầu tiên là tiệm đồng hồ Tiến Đạt, sau đó là tiệm kinh Anh Lân, rồi Việt Quang,…

Sau này, KTS Ngô Viết Thụ thiết kế thêm cái cầu nối liền khu Hoà Bình tới lầu 2 của chợ Mới góc tiệm chụp hình Hồng Châu và cái cầu thang từ góc Lê Đại Hành và Thành Thái xuống chợ Mới ngay bến xe Lam, Chi Lăng, cạnh vũ trường La Tulipe Rouge. 

Trước hội trường Hoà Bình là công trường khá lớn của hai đường Thành Thái từ rạp Ngọc Lan đến và đường Lê Đại Hành từ cầu ông Đạo lên. Mỗi lần có mít tinh thì được tổ chức tại đây. Hồi nhỏ thời đệ nhất Cộng Hoà, mình thấy các cuộc mít tinh của đoàn Thanh niên Cộng Hoà, áo xanh mà ông cụ là thành viên được tập họp tại đây. Sau này thời chính phủ NCK, có cho dựng một pháp trường bằng bao cát gần khu bán Lan, phía sau vũ trường Tulipe Rouge. Ngay căn nhà bên tay trái của ảnh #3, sau bị đập phá. Nghe nói để xử tội các gian thương như Tạ Vinh ở Sàigòn. 

Nhìn tấm ảnh này, mình có một cái nhìn rõ về khu Hoà Bình trước 1960, trước khi họ xây cái chợ Mới, tại vườn rau, bên tay trái của tấm ảnh. Có dãy nhà mà bà cụ mình kể, sau này họ đập bỏ khi xây cái chợ Mới. Hình #1, bên tay phải có thấy khúc đầu.

Hôm nào rảnh sẽ kể thêm về tấm ảnh này vì có đường Phan Bội Châu, Tăng BẠt Hổ, Duy Tân, Minh Mạng,…. (#3)



(Mình có thắc mắc tên đường Tăng Văn Danh gần trường Bùi Thị Xuân , giáp với đường võ Tánh vì không có ông thần tên Danh họ Tăng là ai trong lịch sử Việt Nam thì gần đây, nói chuyện với anh cựu giáo sư Bùi Thị Xuân, tên Võ Văn Điểm. Anh này nói Tăng Văn Danh là tên một người cảnh sát bị Việt Cộng giết khi tấn công vào Đàlạt năm Mậu Thân. Khi xưa, anh ta ở trọ đường này nên có hỏi xung quanh về vụ này.)

Theo Xuan Nguyen thì “Tăng Văn Danh là ông chủ tịch khu phố 4 tức khu vực Trại Hầm bị vc sát hại vào thời điễm bà Nguyễn Thị Hậu làm thị trưởng Đàlạt”.

NHS

Có bác này biết cách tải PDF lên facebook thì chỉ em với. Mỗi lần tải lên là thành tấm ảnh nên chữ nhỏ như con kiến. Cảm ơn