Ký ức và âm nhạc

Ký ức và âm nhạc

Hôm trước, nhận được i-meo của tổ trưởng Mái ấm Văn Học, cập nhật tin tức bài vở cho tháng này. Mò mò xem sao thì khám phá tên bạn học thời tiểu học hát hò đủ thứ nên mở nghe như mấy chục năm trước nghe hắn hát hò, khá vui. Mỗi lần đi xa, mình hay mở nhạc thâu của mấy người bạn học cũ như tìm lại chút hương xưa của tuổi học trò. Mình có tếu cho anh chàng là mày hát nhạc tây vẫn còn đượm mùi nước mắm.

Ca nhạc sĩ Enrico Macias, nổi tiếng với bản nhạc mà ngày xưa giới học sinh như mình thích nghe  “L’amour c’est pour rien” mà ông thần nào dịch ra tiếng Việt rất phản cảm “tình cho không biếu không”, không diễn đạt được ca từ chính của bài hát. Sau này sang tây thì thích nghe bản nhạc ông ta kể về ngày lên tàu lưu vong rời quê hương “Adieu Mon Pays”,..

Lấy vợ thì thích nghe bản nhạc của ông ta, viết cho vợ, chỉ tiếc mụ vợ không hiểu tiếng Tây “Pour toutes ces raisons, je t’aime ». Ông này hát tiếng Tây với giọng Ả rập cho nên dân Tây không thích lắm nhưng được khán thính giả ngoại quốc nhất là người gốc Malgreb ưa chuộng. Cho nên người Việt mình hát với giọng nước mắm không có chi là phải ngại cả. Lâu lâu đến nhà bạn bè mới sang định cư gần đây, nghe họ hát nhạc Mỹ cũng kinh hoàng lắm. Mình có anh bạn người Quảng nhưng lại thích hát tiếng tây nên mỗi lần nghe anh ta hát là vừa có mùi nước mắm thêm quảng quảng. Vui ra phết. Cứ như thời học sinh ngày nào.

Anh bạn hát toàn nhạc thể loại Tiền Di Tản, nhạc tây, nhạc mỹ, nhạc Việt khiến mình thấy làm lạ, mò sang mấy người khác thì cũng như anh này. Dân hải ngoại thì hát nhạc tiền 75 còn dân trong nước thì có khuynh hướng hát những bài hậu 75, nhưng làm tại hải ngoại. Có người chưa bao giờ đi di tản, ở Việt Nam từ 75 đến nay, vẫn rên rỉ “Người di tản buồn, Khóc một dòng sông,…” Mình không học về tâm lý học nên không biết giải thích hiện tượng này ra sao ngoài ký ức nhà tù.

Người Việt rời Việt Nam, dù dưới bất cứ dưới dạng nào; di tản, vượt biển, đoàn tụ, du học,… đều bỏ lại sau lưng những hình ảnh của một đoạn đường đời của họ tại Việt Nam. Những hình ảnh ấy tường như bị hoá đá từ lúc bước chân lên tàu hay máy bay ra khỏi hải phận hay không phận Việt Nam. Người ta khám phá ra là các người bị bệnh mất trí nhớ, cho họ nghe lại những nhạc phẩm xưa thì bổng nhiên họ như được thức giấc, nhảy nhót, hát theo. Người mỹ hay vào các viện dưỡng lão để hát cho các người lớn tuổi nghe, giúp họ trở về ký ức.

Đồng chí gái hay theo bạn bè vào các viện dưỡng lão ở vùng này để hát giúp vui cho mấy người già cô đơn. Mình thì lạ, không thích nghe nhạc tiền 75. Mình tìm kiếm nhạc làm ngày nay như ca sĩ Mai Khôi, Lê Cát Trọng  Lý,… nhưng ở Việt Nam khó tìm nhạc hay có chất lượng.

Nay về già, con cháu đã lớn, người lưu vong bổng chợt nhận ra mình đã già như Omar Sharif trong vai Doctor Zhivago, đứng trước cái gương cũ, đưa tay chùi lấy lớp bụi phủ đầy gương, bổng nhận ra mình đã già. Ôi xót xa.

Họ tìm lại những câu ca của thời non dại của tuổi dậy thì, tập tành biết yêu như Erich Maria Remarque đã kể trong “Zeit zu leben und Zeit zu sterben” (Một thời để yêu một thời để nhớ?). Nhiều lần thân hữu họp mặt, mình thấy nhiều người bạn gân cổ hát những bản nhạc tiền chiến, thời họ chưa sinh, ông chồng thì ngồi nghe còn bà vợ khóc than một cuộc tình đau khổ, thương nhớ người yêu cũ. Mình chỉ biết cười và Chán Mớ Đời

Khám phá tại Hà Nội có ông nào tên Lộc Vàng, đi tù vì tội hát nhạc vàng, nhạc nguỵ của miền nam. Ông này kể bị ở tù 10 năm về tội hát nhạc miền nam, bạn tù chết trong tù vì thích hát nhạc này. Khi ông ra tù thì mọi góc phố của Hà Nội rên vang đầy tiếng nhạc vàng.

Có lần con gái hỏi mình sao hay nghe nhạc Đức, Tây và Ý hay Tây Ban Nha thì mới nhớ lại những ký ức của thời sinh viên ở Âu châu. Dạo còn sinh viên, mình cũng nghe hay hát những nhạc vàng thời trước 75 nhưng một hôm con Dominique Alba kêu mày hát toàn nhạc Hit Parade không à. Nhạc được yêu cầu nhiều nhất trên đài phát thanh, truyền hình Lục Xâm Bảo (radio television Luxembourg) do Andre Torrent đảm trách, mang danh hiệu Hit Parade. Hôm nào rảnh mình kể về chương trình này, được giới choai choai các nước pháp ngữ yêu chuộng như Bỉ, Pháp, Lục Xâm Bảo, Thuỵ Sĩ,... Sao không nghe nhạc vàng của Tây khiến mình như bò đội nón. Nó mới cho mình mượn băng cassette nhạc pháp thuộc dạng cao cấp tương tự như Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Văn Cao của Việt Nam thay vì Lam Phương, Duy Khánh,…

Dần dần mình bắt đầu làm quen với Georges  Brassens, Georges Moustaki, Léo Ferré, Barbara, Jacques Brel, Tuto Cutugno,… rồi những năm tháng sinh sống tại quê người, tạo dần những kỷ niệm về một đoạn đường đời khác, hậu Việt Nam với những bản nhạc tây, ý, đức, Tây Ban nha mà mình có dịp nghe khi sống tại các xứ này.

Tương tự khi mình viết kể chuyện đời xưa trước 1975 thì đám bạn thích lắm. Triệu Like. Dễ đọc, còn khi mình viết về lịch sử, kinh tế, tôn giáo,..thì chúng kêu chán con Gián khiến mình Chán Mớ Đời. Cho thấy về già chúng ta vẫn khó rời khỏi ký ức nhà tù, đậm mùi nước mắm của thời sinh sống tại Việt Nam.

Xong om