Những ngày xưa thân ái

Những ngày xưa thân ái

Tuần này, bổng nhiên có người còm, kêu đã nhận ra “Sơn con Thím Đoài”, khiến mình thất kinh vì ít ai biết tên cúng cơm ông cụ. Bạn học khi xưa, chỉ có Đinh đóng Guốc là nhớ. Ngạc nhiên và biết chắc người này rất thân với gia đình mình nên hỏi “ai rứa” thì được trả lời “Tí Em”, cô hàng xóm khi xưa ở cạnh nhà, cùng tuổi với mình, học sinh Bùi Thị Xuân, có học Hội Việt Mỹ chung vài khoá.

Nhận ra cô nàng khiến bao nhiêu kỷ niệm của một thời mới lớn ở Đàlạt bổng từ đâu quay về như bão Dorian đang càn quét ở vùng Trung Mỹ.

Mình sinh ra ở Ấp Ánh Sáng, suýt chết, được mấy tháng đã té xuống giường một mình cạnh lò lửa. Mấy chục năm sau, người dì chăm sóc mình khi mới sinh, cứ tự hỏi dạo ấy mình chưa biết bò, biết lật lại lọt xuống đất mà không rơi vào cái lò than bên cạnh giường. Có lẻ vì vậy mà bà cụ bán vía mình cho am Mệ Cai Thỏ ở ấp Hà Đông.
Học lớp vỡ lòng ở trường Ấu Việt, cạnh nhà, gần cầu Bá Hộ Chúc, nằm dọc theo con suối từ hồ Xuân Hương, đập nước cầu Ông Đạo chảy về Cam Ly, đối diện qua con suối là đường Cường Để. Khi mình vào học Petit Lycée, nhà dọn về đường Hai Bà Trưng, cư xá công chánh. Ông cụ giải ngủ, thi vào làm công chức cho ty công chánh, đứng thứ nhì sau ông Đượm, được ty công chánh cấp cho căn hộ, khỏi phải thuê nhà ở Ấp Ánh Sáng.

Xóm Công Chánh mình ở gồm có 7 căn hộ nối liền nhau. Căn số 47/1 có vợ chồng ông Hai lục lộ ở, có cái sân to đùng. Ông này là bạn nhậu của ông Đỗ Cao Lụa, bố của tướng Đỗ Cao Trí. Cứ chiều chiều, tài xế chở ông Lụa đến nhà ông Hai nhậu, lâu lâu có ông Hiển, có bà vợ chuyên cho vay 2 phân, ngày ngày xách cái giỏ, ra chợ thâu tiền lời, hàng xóm bên kia dốc, nhậu ké. Mấy ông này người Nam nên chơi với nhau. Mình nhận thấy dạo ấy mấy ông công chức người Huế thì húp bún bò với nhau, người nam thì nhậu với nhau còn bắc kỳ như ông cụ thì đánh chắn, tổ tôm với nhau.

Căn thứ nhì, 47/2 gia đình mình ở, kế bên là căn 47/3 là gia đình Bà Thường, gốc Bắc 54, hai chị em lấy chung một chồng. Ông chồng Kim Trọng lấy cô chị, không có con nên giải phóng mặt bằng cô em vợ, làm mẹ mấy đứa con ông ta nên sau này mấy người con gọi bà lớn là Mẹ còn bà nhỏ là Đẻ, người sinh ra họ. Không có vụ ghen tương, đánh ghen, vợ lớn vợ nhỏ. Cái này hay à. Muốn lấy vợ nhỏ thì nên lấy em vợ, khỏi lộn xộn.

Căn thứ 4 là 47/4 có gia đình ông Khoa, bố của anh Bình, bị bắt đầy ra Côn Đảo, sau này về dạy học lớp mầm non trong xóm, tên cúng cơm là Lê Minh Sớm được ghi trên mộ, mình có thắp hương cho anh Bình khi về thăm nhà lần đầu tiên, tại nghĩa trang Du Sinh khi viếng mộ 2 người em đã qua đời.
Căn thứ 5 là 47/5 là nhà ông bà Kiếm, làm ty Kiến Thiết, người Quảng Trị, bố mẹ của thằng Sữu, sau này làm nghề sửa xe Honda.

Căn thứ 6 là 47/6, nhà thằng Dư, con Thuý.

Căn cuối là 47/7 là nhà của chị em con Oanh.

Cuối cùng là nhà xí cho cả xóm, gồm 3 cầu xí, 2 bồn nước để giặt quần áo, và 2 phòng tắm nước lạnh. Hồi nhỏ, thằng Dư, thằng Sữu hay đánh lộn với đám xóm Địa Dư, bị chúng rượt, trốn vào nhà xí, bị liệng đá, khiến mái ngói nhà xí bị bể nên mùa mưa đi cầu xí là mưa lộp độp, phải bận áo mưa, đội nón lá.

Vấn đề là lâu ngày ống nước bằng gan, làm từ thời Tây, bị sét rỉ nên nước chảy như thằn lằn đái nên không ai giặt áo quần ở đây hay tắm nhất là nước đỏ vì ống nước sét rỉ. Có lần mình thấy bà Kiếm giặt ở đây thì áo quần trở thành cờ hồng. Kinh

Sau này, ông cụ mình làm cho ty Công Quản Nước Đàlạt, cho bắt ống nước mứoi nên cả xóm có nước xài, khỏi phải đi gánh nước như xưa ở giếng ông Ba Tây trên đường Thi Sách hay giếng ông Ba Đà, làm vườn, gần ngã ba chùa.

Bà Hai thì mình ghét lắm, có thể nói là căm thù vì bà ta hay đánh mình. Trưa mình không ngủ, chạy chơi ngoài sân, la hét dang nắng cho đen người như Nùng Trí Cao, khiến bà ta không ngủ được. Có lần, mình bắt chước đại tá Nguyễn Chánh Thi, mình mục kích cầm cờ nhảy dù ra khỏi máy bay, đáp trên đồi Cù, mình leo lên mái nhà rồi cầm cờ Việt Nam, nhảy xuống mái nhà, té vào thang cấp, u đầu, nay vẫn còn cái xẹo to đùng ở trán. Bà cụ mình gọi ông Thi bằng Bác họ, ông ta giúp ông cụ mình giải ngủ. Khi làm lớn ở Huế, ông ta có về làng làm cái cổng to đùng mà dân làng hay kể.

Bà Hai này có lệ buổi chiều ra sân, thắp hương nên mình hay leo cây Mai, nấp trong cành lá để khi bà lạy tứ phương 8 hướng là phải lạy mình, làm khỉ ngồi trên cây Mai để trả thù cho những trận đòn roi mây. Có lần trời chưa chạng vạng, bà ta bắt gặp chửi mình như điên khùng. He he he. Lạ! Khi xưa mình hay bị thiên hạ đánh, bà cụ mình còn cảm ơn đã giúp bà cụ dạy dỗ mình. Kinh

Sau này, nhà mình dọn qua nhà bà Hai thì mình lại bắt chước bà Hai, mỗi chiều thắp hương đến khi đi Tây và xem có thằng nào con nào ngồi trên cây mai. Cây Mai này lạ lắm, có gì khiến mình thích nó.

Năm Mậu Thân, mình đứng dưới cây Mai với mấy người lạ, xem trực thăng bắn hoả tiển, đại liên 60 về phía Số 4 hay Domaine de Marie. Chắc nhờ mình hay thắp hương mỗi ngày nên có ai nói bên tai, kêu mình vô nhà. Mình mới bước tới dưới cái hiên nhà thì một loạt võ đạn đại liên M60 rơi xuống ngay chỗ mình mới đứng dưới cây Mai. Có một tên đứng đó, cạnh mình mấy giây trước đó, bị lũng đầu, phải đem lên nhà thương. Máy bay thường thường bay đến chỗ trường Nữ Công Gia Chánh thì bắn nên võ đạn rơi theo đường Parabol xuống vùng nhà mình. Kinh

Ông bà Hai không con, có một người con gái nuôi ở Biên Hoà, hè hay dẫn đàn con nữa tá lên Đàlạt. Mình thấy mấy đứa con gái Biên Hoà hay múa hát sau cơm chiều nên mình qua nhà đứng phía ngoài xem cọp.

Chúng hát múa Má Tía em hừng đông đi cày bừa rồi quơ tay quơ cẳng khiến mình chả hiểu cày bừa ra sao. Cái đám miền nam lạ lắm, chúng ăn cơm với đường. Sáng mình thấy họ nấu cơm, rồi bỏ đường lên ăn như người Lào ăn phở với đường. Kinh

Sau này, ông Hai Lục Lộ mua hay chiếm đất ở góc đường Nguyễn Trãi và đường Yersin lên Grand Lycée, đoạn trạm xe đò Chi Lăng ngừng cho học sinh xuống, kêu bà bạn ở Sàigòn, có con học Couvent des Oiseaux xây hai căn; một cho ông bà và một cho bà bạn. Bên có đất bên có của rồi hai ông bà dọn về đó.

Sau này mình học Grand Lycée hay ghé thăm, xin nước uống khi đợi xe đò Chi Lăng thì khám phá ra bà ta ăn cắp cái kéo y tá của ông cụ mình, gia tài sau bao nhiêu năm chinh chiến làm y tá quân y nên mình thuồng về lại. Từ đó mình mất tin tưởng vào người lớn, bà ta đánh mình, dạy mình không được ăn cắp nho của bà trồng nhưng lại vớt đồ của ông cụ và cũng không bao giờ gặp lại hai ông bà.

Mình có kỹ niệm khá vui với bà này. Bà ta thích cải lương nên chiều nào cũng mở đài Sàigòn nghe cải lương. Mình nghe ké nên riết rồi mê Út trà Ôn luôn. Một hôm, có đoàn cải lương Hương Mùa Thu của bầu Thu An và đào Ngọc Hương lên Đàlạt, hát ở rạp Ngọc Hiệp. Trong ngày đoàn cải lương mướn chiếc xe Lam, gắn cái ống loa lên mui xe rồi chạy khắp phố Đàlạt, ngang cùng ngỏ hẹp để quảng cáo tuồng cải lương. Hình ảnh này mình thấy lại khi xem phim La Strada của Federico Fellini do Anthony Quinn đóng với bà vợ của ông Fellini, Giulietta Masina.

Bà Hai nghe oang oang tiếng loa xe Lam bên đường Phan Đình Phùng nên kêu mình chạy xuống đường đợi xem họ hát tuồng gì để bà ta đi xem. Mình chạy xuống đường, đợi xe Lam chạy từ Phan Đình Phùng, qua Số 4 chạy về Hai BÀ Trưng. Khi xe đến xóm, mình và mấy đứa trẻ khác chạy theo xe Lam.

Dạo ấy chạy theo xe Lam với khói xăng dầu, biểu tượng của thành phố, của văn minh hiện đại, mình vừa chạy vừa hít khói xăng thấy phê không thể tả nhưng chạy theo không lại tụi con nít ở dưới đường Hai Bà Trưng, xóm Địa Dư nên chúng lượm hết mấy tờ chương trình, in đỏ xanh tím vàng mà tên trên xe tung xuống đường như rãi truyền đơn. Mình chỉ kịp nhìn hai cái panneau gắn hai bên hông xe Lam, nói về tuồng hát đêm đó.

Mình hồ hởi, chạy về khoe bà Hai. Vừa thở vừa mệt, mình kêu họ hát tuồng “Hai Lan Thu Hen” khiến bà Hai đứng như bò đội nón, hỏi lại tuồng gì mình kêu “Hai Lan Thu Hen”. Mặt bà Hai vẫn như ngỗng ị bị thằn lằn đái vào mặt. Bổng nhiên con Thuý, hàng xóm làm tài khôn chu mõ vào kêu: không phải, người ta hát “Hai Lần Thu Hẹn”. Thế là từ đó mình mang tiếng thông minh nhưng học ngu.

Nói đến rãi truyền đơn, mình nhớ dạo ấy có trò máy bay bà già, cất cánh từ phi trường Cam Ly, hay bay qua vùng nhà mình, số 4, rãi truyền đơn, kêu gọi cán binh Việt Cộng hồi chánh. Nhớ dạo ấy đài Sàigòn cứ rao rão tiếng ông nào giọng miền Nam “tôi là Nguyễn Văn Bé hiện còn sống đây,…”. Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ cho in truyền đơn hình ảnh ông Bé này, được Hà Nội vinh danh là liệt sĩ như anh hùng Lê Văn 8. Con nít như mình chạy đi lượm truyền đơn mệt thở, riết không biết làm gì nên cũng chán. Vài năm sau, có tên trên xóm Thi Sách, hay chơi bắn bi với mình, lớn hơn đâu 3 tuổi, học trường Trần Hưng Đạo, bị còng đầu vì theo Việt Cộng. Có lần mình được ba thằng Hùng chở lên trung tâm thẩm vấn, thấy tên này ngồi trong ca sô. Kinh

Ông Đỗ Cao Lụa rất ghét nghệ sĩ Hùng Cường nên mỗi lần đài phát thanh bài hát gì mà ông Hùng Cường ré “Tôi đi giữa hoàng hôn chi đó” là ông Lụa kêu tắt tắt tắt. Bà Hai mê radio, chìu khách quý đành phải tắt.

Nhà bên cạnh số 47/3 là nhà bà Thường, có 5 người con gái và một trai. Cô Oanh, con đầu sau này lấy chồng ở Nha Trang, ông thần này thổi sáo hay lắm, tối hai người ăn xong là ra ngồi nơi bậc thềm đá, trước sân để ông chồng thổi sáo nên sau này khi nghe ca sĩ Lê Dung, hát bản nhạc “mặt trời bé con” của Trần Tiến , khiến mình nhớ lại những đêm trăng nghe tiếng sáo của chồng cô Oanh. Hình như sau này chồng cô Oanh chết trận thì phải. Lâu quá không nhớ, vì cô dọn về gia đình chồng ở Nha Trang.

Khi cô Oanh sinh con so, bà Thường sáng nào cũng vác cái lon Guigoz sang nhà mình, bảo tè vào để cô Oanh uống. Có lần mình dậy sớm, đi tè đến khi bà Thường sang, bắt mình tè nhưng mồm bà ta cứ xi xi, vòi nước mình vẫn ngoan cố, không chịu tè. Bị chửi một tăng. Cô thứ nhì quên tên, đi du học ở Nhật Bản, học nghề cắm hoa, sau về nước, dạy tiếng Nhật ở Sàigòn.

Căn nhà 47/3 này, tính ra có 3 người đi du học. Hình như trước khi gia đình bà Thường đến thì có gia đình chú Kỳ ở. Chú kỳ đậu tú tài rồi đi du học bên tây, cho mình mấy cuốn Spirou, Lucky Luke,.. mình không bao giờ nghe tin tức chú lại, người em tên Lộc thì phải, sau này đi lính có ghé thăm nhà mình khi về phép.

Cô thứ 3 lấy chú Minh, trung uý quân cụ, đóng trong ấp Sòng Sơn mà mình có kỹ niệm khá kinh hoàng với cặp vợ chồng này. Mình có thằng bạn học Thái Cực Đạo ở Lasan Adran, tên Lê Công Hùng, con ông Lê Công Oai, công an, chuyên bắt Việt Cộng nằm vùng, nhốt ở trung tâm thẩm vấn ở đường Bá Đa Lộc. Nhà nó đối diện với nhà trung tá Tốn trên đường Thi Sách.

Một hôm, tên này xuống nhà mình chơi, không biết chơi cái gì nên mình rũ nó leo lên trần nhà. Cư xá có 7 căn nhà nối liền thì trên trần nhà có một lỗ hổng để thợ sửa chửa điện,…có thể đi ăn thông tới cuối dãy. Mỗi căn đều có một cái nắp đậy nơi trần nhà, để leo lên phòng khi sửa điện hay trốn trên đó nếu Việt Cộng về ban đêm. Thường được gắn ngay nơi độ cao nhất của mái nhà để lúc lên không đụng đầu.

Mình leo lên, khá tối nhưng cũng có chút ánh sáng từ các khe ngói rọi vào, mình dặn thằng Hùng là cẩn thận cái nắp nhà bà Thường ngay đường đi. Thằng Hùng mò đi theo mấy cái đà đi, mỗi nhà thì tường làm bằng hắc lô, cao đến nóc nhà, có cái lỗ vuông, ăn thông qua căn bên cạnh. Mình leo qua cái lỗ nhà chú Mãn, rồi nhà bà Thường, đến khi leo qua lỗ nhà ông Tước, số 47/4. Tên này mập như con heo, chui qua không lọt lại làm rơi cục gạch bên cạnh xuống trần nhà nghe cái độp. Mình nghe dưới trần nhà tiếng Tí Chị kêu “Tèo làm gì đó? ngủ đi” khiến hai thằng hoảng vía. Mình ra hiệu thằng Hùng trở lui thì nghe cái RẦM rồi loảng choảng, leng cheng…..

Thằng Hùng quay lại, hoảng vía quên tránh cái nắp trần nhà của nhà bà Thường, thế là nó đạp bố lên cái nắp và rơi xuống trần nhà qua cái lỗ vuông. Mình tá hoả tam tinh nhìn qua cái lỗ thì thấy cô Minh và ông chồng quân cụ đang ngủ trưa, mặt xanh như đít nhái, tưởng Việt Cộng nằm vùng núp trên trần nhà đột kích xuống, bắt trung uý quân cụ nên mình dọt về nhà luôn.

Thằng Hùng là công giáo nên không tin bàn thờ ông bà tổ tiên chi đó nên khi nó rớt xuống trần nhà, lại nhắm ngay cái bàn thờ gia tiên bà Thường, kê ngay dưới cái lỗ leo lên trần nhà vì có cái bàn thờ nên leo dễ hơn, làm rớt chân đèn bát hương, chuối bông đủ trò. Nó bò về nhà mình, mặt như người ngoại cảm, xanh còn hơn đít nhái, miệng cứ hỏi tao ăn cơm chưa tao ăn cơm chưa. Mình nói mày mới ăn hết nồi cơm nhà tao. Kinh

Thằng này, thuộc loại thấp, to con, lại béo, ăn nhiều kinh hoàng. Mỗi lần nó đến nhà mình mà lỡ mồm rũ nó ở lại ăn cơm là nó chơi 5 bát cơm một lèo, mình phải nhường phần cơm của mình cho nó. Nó nhờ mình xin ông Ưng Quyền, bác của ông Bửu Ngự, con chó cho nhà nó nuôi, ai ngờ gia đình nó làm thịt cầy, còn mời mình ăn. Nhờ thằng này mà mình biết mùi vị thịt cầy. Kinh

Bà Thường, sau khi hoàn hồn, tưởng Việt Cộng nút trên trần nhà, chạy qua nhà chỉ mặt nó chửi đồ mất giày mất dép trong khi nó lại hỏi bà Thường cháu ăn cơm chưa, con ăn cơm chưa, lại khiến bà này điên lên kêu ăn cái mã cha mày. Tối đó bà Thường qua nhà mắng vốn với ông bà cụ mình.  Chán Mớ Đời

Bà Thường có người con trai tên Dũng, học Yersin trên mình đâu 5 lớp. Mỗi lần mình cúp cua đi đá banh ở sân Cô Giang là nhờ ông thần này viết thư xin phép. Ông thần này cho mình xem báo Playboy, hình mấy cô đầm ở truồng khiến mình đã ngu lại càng ngu bền vững. Ông thần này có lần, trong Gala trường Yersin, có đóng kịch, vai Thân trong “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh, bị Loan đâm cho một cái kéo chết không kịp hét. Sau này về Sàigòn học sư phạm, dạy pháp văn. Mình có ghé thăm một lần ở Sàigòn.

Cô Bích là út, mình không nhớ có gì đặc biệt cả ngoài đeo kính cận.

Nhà bên số 47/4 là nhà ông Khoa, làm ty kiến thiết, bố của anh Bình. Anh này theo Việt Cộng chi đó, bị bắt đày đi Côn Đảo, sau về lại, đổi tên, giấy khai sanh, dạy học ở nhà, làm ông giáo mầm non. Sau này bị động viên, đi Địa pHương quân, làm ở lao xá, nhà tù ở gần hồ Xuân Hương.

Anh Bình này, có dạo nổi điên, lấy áo quần cô em tên Cúc, cắt xé hết còn giày dép, lấy búa đập nát hết. Cô Cúc sảng hồn, chạy qua nhà mình núp, khóc hu hu. Số là thằng con anh Bình đau, anh nhờ cô Cúc đưa nó đi bác sĩ, cô bận chi đó, không đi khiến anh ta nổi điên, biểu lộ tinh thần gia trưởng trai việt bất diệt.

Nói đến cô Cúc mình nhớ có lần đang làm bài ở nhà, cô sang nhà chơi, hỏi mày học hành ra sao rồi lấy cặp của mình ra kiểm điểm. Bổng mình nghe cô Cúc hét to, ré lên rồi té cái bịch, mặt xanh như tàu lá chuối. Hoá ra trong cặp của mình, có một ngăn mà mình ít khi mở ra có mấy con chuột con đỏ hỏm mà mình không biết. Kinh

Được cái là anh Bình và mình hay tụ nhau, đấu láo về đá banh. Ông cụ mình mua báo Thao Trường nên mình đọc mệt thở, rồi gặp anh Bình, bàn tán về trung phong Chiêu, Phạm Huỳnh Tam Lang, hay trung phong Yamamoto của Nhật Bản,…dù chưa bao giờ hiển thị, xem họ đá ra sao, chỉ trong trí tưởng tượng.

Dạo VNCH thắng giải túc cầu Merdeka ở Mã Lai. Mình, anh Bình, thằng Đắc, con anh Bình ngồi dán cái lỗ tai vào cái radio rè rè, nghe phóng viên Huyền Vũ, tường trình từ Mã Lai. Khi trung phong Nguyễn Văn Chiêu đá lọt bàn, cả đám nhảy hét om xòm, hát như có chính phủ Nguyễn Cao Kỳ trong ngày vui đại thắng.

Cô Cúc, có dạo đi chơi với ông tây nhà đèn, lái chiếc xe 2CV. Một hôm, mình thức dậy sớm, thấy chiếc xe đậu ngoài sân nhà bà Hai nên tò mò rờ xe. Thấy có cục gạch để chấn cửa nhà mình, bị ai lấy chắn dưới bánh xe sau nên mình gở cục gạch, lấy lại đem vô nhà cất. Mình đang hồ hởi lấy lại được cục gạch thì tái mặt khi thấy chiếc xe đậu trên dốc, không thắng, bị lấy cục gạch chêm.

Mình và cô em kế, nhìn chiếc xe 2 CV từ từ lăn bánh chạy lui không người lái, lọt xuống mương, nghiêng qua một bên khiến hai anh em sợ quá, chạy vô nhà núp dưới giường suốt 2 tiếng đồng hồ, trong khi ở ngoài thiên hạ la bãi bãi, hò dô ta kéo chiếc xe khỏi mương. Tối đó, hai anh em bị bà cụ tẩm quất một trận bằng chổi lông gà. Kinh

Nhà ông Khoa còn có chú Sanh đi Võ Bị, chú Hành hay chỉ bài tập cho mình, học không lưu, làm cho phi trường Tân Sơn Nhất. Sau này ông Khoa về hưu, trả nhà lại, dọn về Ba Ngòi ở. Gia đình anh BÌnh cắm dùi miếng đất, đầy hoa quỳ sau cầu xí của xóm, xây căn nhà gỗ ở đó. Nhà này lạ, bị kẹp giữa cầu xí và chuồng heo nhà bà làm vườn, bị mình và thằng Khánh Ù, ăn cắp buồng chuối, chửi cả xóm mấy ngày mấy đêm.

Ai mà tin phong thủy là không khá. Cứ tưởng tượng, nằm trong nhà nghe heo nhà bà làm vườn ọt ẹt rồi bên kia cầu xí có người thả bom. Sau này có tiền thì xây gạch. Nay vợ anh Bình vẫn còn ở đó với cô con gái út. Mình có ghé thăm, mấy đứa em của thằng Đắc không biết mình là ai, nghe nói cô Kim đã bị lẫn.

Căn 47/5 là nhà của ông bà Kiếm, người Quảng Trị. Bà Kiếm hay nhờ mình xỏ kim chỉ cho bà ta vì tra nên mắt không còn sáng nữa. Nhà bà này, chiếm đất trước nhà ông Khoa, trồng mía, cây bưởi và cây ổi. Mình hay ăn cắp, chặt mía của bà ta, ăn gãy răng. Họ kêu mía lau chi đó màu đen, cứng kinh hồn.

Ông bà Kiếm có thằng con tên Sữu, hơn mình đâu 4 tuổi chi đó. Lớn lên chơi sì ke, lấy con ông bán thịt trong chợ đối diện hàng bà Phòng bán trà. Nó sửa xe Honda, bán cho ông cụ mình chiếc xe Bridgestone đỏ, để mình chạy. Tên này cưa ống bô nên kêu to kinh hồn. Sau này bà cụ bán, mua cho mình chiếc xe honda dame, kêu bớt du côn hơn.

Sau này ông Kiếm về hưu, dọn về quê ở Quảng Trị rồi mình không biết tin tức gì cả. Thằng Sửu, sau này mình có gặp lại nó một lần ở tiệm chè Mây Hồng, đường Tăng Bạt Hổ nhưng nó chơi sì ke quá độ nên không nhớ hàng xóm khi xưa bắn bi với hắn nên sau này mình cũng chả chào.

Cạnh đó là nhà của thằng Dư, học chung lớp với thằng Sữu, anh con Thuý. Mình không nhớ bố con Thuý là ai, chỉ biết là mẹ nó bán cơm ở chợ Đàlạt. Đến mùa chợ đêm Tết thì thằng Dư và mình hay đi chung, xách đồ từ chợ về nhà.

Thằng Sữu và thằng Dư học anh Bình, thi vào trường Trần Hưng Đạo, cả hai đều rớt. Dạo ấy có hai trường trung học công Trần Hưng đạo và Bùi Thị Xuân; mỗi năm họ thi tuyển vào năm lớp đệ thất. Ai rớt thì học trường tư. Hình như học trò anh Bình đều rớt khi thi vào trường công vì thằng Sang, thằng Bình, thằng Phú ở xóm nhà thương đều đi học trường tư.

Nhà bên cạnh là cuối dãy, có hai chị em con Oanh, con ông Nhân. Có lần hai chị em con này rũ mình chơi vợ chồng chi đó.

Đùng một cái thì con Thuý báo tin là gia đình nó dọn về Ban Mê Thuột rồi gia đình chị em con Oanh dọn về Sàigòn. Mình có gặp lại ông Nhân một lần. Nhà bà Hai dọn đi, nhà con Thuý, con Oanh dọn đi, gia đình bà Kiếm dọn đi, ông Khoa dọn, xem như 5 gia đình di tản chỗ khác, chỉ còn lại nhà bà Thường và gia đình mình vẫn tử thủ tại xóm.

Nhớ dạo ấy, tối tối mà đi cầu xí là run vì sợ ma vì không có đèn đuốc lại không có ai ở gần đó. Được cái là mỗi nhà dành riêng mỗi cầu xí vì trước đây, 7 gia đình chia nhau 3 cầu xí. Trời mưa là một cực hình vì phải bận áo mưa, đội nón là, đem theo cái đèn hột vịt hay cây nến. Ngồi chồm hổm nghe từng giọt mưa rớt xuống nón lá trong tiếng mưa gió. Kinh

Con bà Thường, Chú Dũng nhảy qua căn số 47/2 câu điện ở ké cho rộng rãi. Căn ông Khoa thì mình , thằng Điệp, thằng Điền, con ông Quán dưới đường Hai Bà Trưng, mở cửa chạy vào chơi khi trời mưa. Thằng Điệp làm cái xe chạy bạc đạn. Tấm gỗ, có 2 cái bạc đạn phía sau, một phía trước, ngồi lên kêu mình đẩy chạy vòng vòng căn nhà hội. Có lần thằng Điệp lớn hơn mình đâu 4 tuổi, đẩy mạnh quá khiến mình hãm không được, bay vào tường lăn mấy vòng. Tởn luôn, hết dám chơi.

Bà cụ tính dọn luôn, có người rao bán cái tiệm bán đồ gỗ số 13 Duy Tân, cạnh nhà bà Phúng. Bà Phúng kêu số 13 xui, khi ông Phúng biết được thì kêu mua nhưng đã có người đặt cọc nên bà cụ bỏ mộng mua nhà ngoài phố, bỏ tiền đâu 500 ngàn, xây căn nhà 2 tầng ở miếng đất bên cạnh nhà, khi xưa bà Hai trồng nho, mà mình hay ăn cắp, bị ăn đòn roi mây mệt thở. Hè năm 3 ème, mình và ông thợ tên Lộc, nhà ở ấp Mỹ Lộc, bên Phan Đình Phùng, cuốc đất, bỏ lên xe bồ ệch đẩy ra vạt đất phía trước, sau lưng nhà bà Ngần để lấy đất đồi, xây nhà. Có lẻ theo dõi xây căn nhà này mà sau này mình học kiến trúc rồi đi thầu xây nhà cho thiên hạ.

Xóm bổng nhiên vắng tanh không còn con nít. Chỉ còn nhà anh Bình ở sau cầu xí, nhà mình và nhà bà Thường. Xóm vắng con nít để chơi nên mình mò đến xóm Địa Dư chơi. Hay bị chúng đánh, bỏ chạy. Được cái là khi đá banh thì tụi nó đều năn nỉ mình đá cho đội chúng. Sau này mình đi học võ thì không sợ thằng nào con nào cả, đến khi lấy vợ.

Trước Mậu Thân, khu công chánh cao nguyên trung phần, từ Ban Mê Thuột đổi về Đàlạt, các căn nhà trống lại có mấy gia đình từ xứ Buôn dọn vào. Con nít con nôi lại mọc đầy ra, vui vẻ, nhộn nhịp hơn xưa.

Gia đình bà Hai dọn đi thì gia đình mình dọn qua ở vì nhà rộng hơn và có sân rộng. Nhà mình ở trước đây số 47/2 thì có chú Mãn dọn đến, cháu ông bác sĩ Hà Thúc Nhơn, sau này chống tham nhũng bị bắn ở Nha Trang. Căn 47/3 thì có gia đình chú Nhân, đi Xây Dựng Nông Thôn dọn vào. Ông này hay cho mình mượn sách Học Làm Người để đọc. Nghe nói nay chú giàu lắm. Về Đàlạt tìm gặp nhưng chưa có duyên.

Căn số 47/4, to nhất xóm vì khi xưa là nhà hội. Cư xá có 7 căn, 3 căn hộ được xây ở hai bên còn căn to đùng ở giữa. Khi nhà ai có tiệc thì họ dùng căn này để nấu nướng, họp mặt. Tương tự ở Hoa Kỳ, trong các chung cư, có một nhà hội, người ta mượn khi có tiệc, không muốn làm ở nhà.

Nay thì vấn đề nhân khẩu nên không chơi kiểu tây như xưa, gia đình bác Tước dọn vào, có lẻ vì có đến 10 người con. Bên cạnh số 47/5, không nhớ là ai dọn đến, không thân lắm, hình như không có con. Ông nào độc thân thì phải. Ai nhớ xin cho biết. Phía sau nhà có chỗ trống nên trước Tết, nhà bác Tước hay nấu bánh Tét bánh chưng ở đây.

Nhà con Thuý, thằng Dư thì gia đình bác Hoà dọn vào còn nhà hai chị em con Oanh, con ông Nhân dọn về Sàigòn thì gia đình ông Vinh làm trù trì.

Giữa nhà ông Vinh và cầu xí, có miếng đất nên ông ta chơi luôn, cắm dùi làm nhà gỗ ngay chỗ đó cho gia đình ở luôn. Sẵn trớn, ông ta làm cái ga ra để xe hơi phía đường Thi Sách, sau này để cái bàn đánh bóng bàn, hàng xóm đến chơi ké. Ông ta chơi kiểu này khiến hàng xóm khó đi cầu xí vì bị lấn đất, mò mò vào. Kinh. Rốt cuộc, mọi người lấn đất phía đường Thi Sách, xây hầm xí tại nhà hết, tránh nạn vác thùng nước đi cầu ở cuối xóm. Mình có kể lại bức tranh đi nhà xí công cộng như trong phim Slumplord Millionaire của ấn độ.

Sau này, ông bà Vinh mua đất, xây cái nhà to đùng ở dưới Chi Lăng, dọn về đó rồi mình đi Tây. Mình có đến thăm một lần. Gia đình ông bà Vinh có 6 người con, 3 trai 3 gái. Trai đầu là anh Thanh, đi lính pháo binh chi đó, đóng tại Đàlạt, đến anh Tú, học toán lý hoá ở Sàigòn, chị Tân, hơn mình đâu mấy tuổi rồi đến thằng Tiến, nhỏ hơn mình 1 tuổi rồi 2 cô em gái, tên Tâm và Tuyết, không được đẹp lắm nhưng rất là “Lemon Question” vì gia đình được xem là giàu nhất xóm.

Cạnh nhà ông Vinh là nhà ông Hoà, người Quảng Bình hay Hà Tỉnh chi đó có hai tên con trai nhỏ tuổi hơn mình tên Hiếu và Hậu. Mình có gặp lại Hiếu, làm cho khách sạn Novotel còn Hậu thì đã chết sau 75. Nhà này đặt tên vần H hết, cô đầu tên Hợp, học Văn Học, nghe nói mới chết cách đây vài năm, cô thứ 2 tên Hiền, học Văn Học, mình có gặp lại một lần ở San Jose. Cô thứ 3 tên Phương, cùng tuổi mình, học Bùi Thị Xuân, chưa bao giờ nói chuyện rồi đến Hiếu, Hậu rồi Hương và cuối cùng là Hà. Mình về có gặp lại bác Hoà gái vài lần đến khi bác qua đời.

Có dạo sau Mậu Thân, nhà ông Lào ở xóm địa Dư, dưới đường Hai bà Trưng, thầu đóng thùng gỗ, đựng rau bán cho quân đội mỹ. Bà Hoà lãnh về cho hai thằng con đóng rồi mình bò lại đóng ké, kiếm tiền. Mỗi lần lãnh lương, là bà Hoà làm bột chiên. Loại bánh bột mì ve ve như mấy con sâu đóm với bột nổi rồi bỏ vô chảo chiên dầu, dụ mình mua ăn trừ lương. Sau này mình Chán Mớ Đời vì bị chủ chơi ép nên vác búa, bò xuống nhà ông Lào, năn nỉ mấy thằng con ông Lào cho đóng. Lúc đó mới có dư tiền, không bị bà Hoà ăn chận, trả lương bằng bột chiên.

Cạnh nhà mình thì có gia đình chú Hà Thúc Mãn, cán sự, về Huế lấy cô vợ rất xinh, học Mỹ Thuật Huế. Sau này dạy hội họa ở trường Việt Anh. Nghe nói sau 75, về Sàigòn làm thầu khoán.

Mình có kỹ niệm khá vui với hai vợ chồng son này. Một hôm trưa, có người đến hỏi, mình kêu tên chú Mãn ơi có người hỏi thăm, không thấy trả lời. Mình đi cửa sau, cửa nhà lại mở nên mình đi vào kêu tên nhưng vẫn im re. Vào phòng ngủ thì thấy thiếm MÃn đang ngồi trên người chú Mãn, đang hò giả gạo. Kinh. Dạo ấy mình còn ngây thơ lắm, chẳng biết gì, kêu có người hỏi thăm khiến thiếm Mãn mặt xanh như đít nhái, như một pho tượng nhìn mình rồi chợt nhận ra có cái gì lạ lạ, vội vàng lấy mềm quấn vào người như trong xi nê ma. Sau này gặp mặt, thiếm hay tránh mặt vì ốt dột. Chán Mớ Đời

Sau này, chú Mãn về Sàigòn thì chú Điềm đến ở mà gần đây mình có liên lạc lại được. Hy vọng lần sau về, sẽ cà phê với chú. Hỏi chú còn đánh bài nữa không vì khi xưa, mỗi lần chú đánh bài ăn, là kêu mình chở ra đường Trương Vĩnh Ký, ăn miến gà nhớ đến ngày nay. Trong khoản thời gian này, có một anh kiến trúc sư, lấy cô vợ trẻ cũng ở đây. Có lần cô vợ đau răng, ngồi khóc cả đêm. Anh ta dạy mình vẽ nên khi vẽ bản đồ là mình luôn luôn đứng nhất trong lớp, vì vậy sau này mình theo học kiến trúc.

Có lẻ dạo đó, nhà mình và gia đình bác Tước thân nhất trong xóm. Bác gái hay sang nhà, ngồi hút thuốc rê và ăn trầu với mệ ngoại mình. Mình hay ngồi hóng chuyện người lớn, hay bị sai chạy ra chợ mua thuốc rê hay trầu cau về. Bác gái chuyên vấn thuốc Cẩm Lệ cho mệ ngoại, hút xong, hai bà lại ấn mấy điếu thuốc hút dỡ, còn ướt vì nước miếng trên tường, đi nấu cơm.

Lâu lâu hết thuốc thì sai mình đi mua, còn hai bà lấy mấy điếu hút dán trên tường xuống, vấn lại hút đỡ ghiền. Qua những lần hóng chuyện này mà mình mới hiểu và thương mệ ngoại mình, kể về tình sử, cuộc đời của mệ.

Qua nhà bác gái, hay đưa cho mình xem cuốn album hình ảnh đám ma của ông anh hay chú chi đó, bị Việt Cộng ám sát. Đám tang rất lớn. Có lẻ vì vậy gia đình này thuộc loại chống cộng sản gộc như nhà mình.

Bác Tước có nghề làm bánh bèo ngon lắm. Lâu lâu làm cho ăn ngon nhớ đến ngày nay. Không hiểu mấy cô con gái có học nghề của bác để khi nào gặp lại, ăn cho nhớ một thời. Nghe kể trên Ban Mê Thuột, bác có bán bánh bèo đến nổi tướng Vĩnh Lộc còn mê, hay ghé ăn.

Mình chỉ tiếc khi xưa, không học nghề chích lể của bác. Mỗi lần mình và mấy đứa em đau, bị cảm là bác hay qua nhà, lấy cái mẻ chai rồi chích trên mặt và đầu mình rồi nặn máu đen ra. Khỏe lại liền. Không biết mấy người con có học nghề của bác, nếu có thì khi nào gặp lại sẽ học nghề. He he he

Cuối năm có chợ Tết, bà cụ mình hay kêu nhà bác Tước và bác Hoà, lấy một chỗ ngoài đường ở chợ rồi đem hàng của bà cụ mình ra bán chợ tết, kiếm chút tiền ăn Tết. Nếu mình không lầm thì chỉ có Tí Em là lanh lợi, biết chào hàng còn mấy cô kia, cứ đứng xớ rớ, ngơ ngơ ngác ngác. Mình đoán cô này, ngày nay thành công nhất trong mấy chị em.

Nhà bác Tước có 7 gái 3 trai. Đầu là anh Lâm, đại uý Biệt Cách Nhảy Dù, có lần mình thấy anh ta về phép, đi lang thang chỗ rạp Ngọc Hiệp, bận đồ Việt Cộng, đeo K54, AK 47, đi dép râu với một đồng đội. Mấy ông thần tuần cảnh không dám hỏi han chi cả, khác với đám trẻ như mình hay bị chận lại trình giấy tờ hoản dịch, nhân dân tự vệ. Dạo ấy mình phục anh này nhất xóm. Sau này, mình có đọc tài liệu về trận Phước Long, họ có kể về đại uý Trương Việt Lâm rất dũng cảm. Hôm trước, cô hàng xóm gửi hình anh ta. Nhận ra ngay.

Sau anh Lâm là chị Phương, mỗi ngày ngồi học, nghe đài “Mẹ Việt Nam” và “Gươm Thiên Ái Quốc”. Có lẻ anh Lâm hay đi nhảy toán nên cả nhà hay nghe tin tức của 2 đài này. Hai đài này của Hoa Kỳ thành lập để tuyên truyền, nghe nói phát thanh từ hòn đảo nào ngoài Đà Nẳng thì phải. Hình như mình có kể vụ này rồi. Nếu mình không lầm, người em kể mình là có lần anh ta nhảy toán, núp trong bụi cây, có bộ đội bác hồ đến tè vào lùm cây, phát giác ra nên phải bắn bộ đội rồi chạy thoát. Mấy ngày sau mới được trực thăng bốc về.

Chị này cũng như mấy cô em gái đều xinh nên có nhiều tên đến nhà, trồng cây si, cho mượn truyện đọc. Mình nhớ có một tên, tên Hạnh thì phải, con của ông Marcel, anh Dương Quang Phước và Trí. Tên này là chồng cũ của chị một cô bạn, có cho mình số điện thoại của Trí khi về thăm Đàlạt, có gặp lại trước khi hắn chết. Mình nhớ chị Phương cho mình mượn cuốn “Dr Zhivago” và “Chiến Tranh và Hoà Bình”. Khổ một cái là cuốn sách của ông Pasternak, chị ấy nói là ngày mai phải trả cho bạn nên mình phải thức xuyên đêm để đọc sau này có xem phim này ở rạp Hoà Bình. Kinh

Chị Phương cho mượn sách loại khó nhai khó nuốt như “Giờ thứ 25” của Giorghiu, lâu quá không nhớ hết còn hai cô em thì cho mượn báo “Tuổi Hoa”, cái này thì vừa trình độ tiếng Việt bình dân học vụ của mình, gốc nông dân hơn.

Sau chị Phương là Bi, tên này hơn mình đâu 3 tuổi gì đó, học Văn Học nhưng hay đi chơi với mình, mày tao bú xua la mua nên khi gặp mấy cô em của hắn thì không biết xưng hô ra sao. Khi có tiền, hai thằng hay bò ra đường Minh Mạng, uống sữa đậu nành của bà 7 Quốc, trước tiệm vàng của bố bà Bùi Thị Hiếu, cạnh tiệm may Hoàng Nho.

Sau tên Bi là Tí chị, hơn mình đâu 2 lớp, học Văn Học, nghe nói đã qua đời 10 năm trước rồi đến Tí em. Cô nàng cùng tuổi con khỉ với mình, học Bùi Thị Xuân. Tết hay qua nhà chơi, bà cụ mình hay hỏi cô này và Tí Chị, làm dâu bác nghe khiến mình ốt dột nhưng khóai lắm. He he he

Sau này có học hội Việt mỹ chung vài khoá, cô nàng cho mình đáp án của bài thi trước. Hình như mỗi lần thi đều có 2 hay 3 loại đề nên mình luôn luôn đậu khiến mấy ông thầy như bò đội nón vì trong lớp, mỗi khi thầy hỏi là mình đực ra như ngỗng ị. Cô nàng kể khi xưa học Hội Việt Mỹ mà nay đi du lịch sang Hoa Kỳ, Gia Nã đại không khạc được một câu. Khi xưa đi thi toàn là có đáp án trước. He he he

Sau Tí Em là Bé LỚn, cùng tuổi với cô em kế mình, rồi Bé Nhỏ cũng học Bùi Thị Xuân rồi đến Cu Tèo. Tên này, nghe kể sau 75, bị Việt Cộng ở Sàigòn lùng, dính dáng đến phản động chi đó nên có bò lên nhà mình, khi mình về Việt Nam lần đầu thì nghe mẹ hắn kể làm thuyền trưởng, lái tàu chi đó. Rồi đến hai cô út. Chắc hết tên cúng cơm như Tí , BÉ nên gọi tên giấy khai sinh Nguyên và Oanh. Năm 1992, mình về thì có gặp hai vợ chồng Nguyên và Tí em tại nhà bác Tước ở Thanh Đa. Hình như hôm ấy, mình có ở lại ăn cơm trưa với gia đình.

Mình sống ở cư xá Công Chánh, đường Hai Bà Trưng từ năm lên 8 đến năm 18, xem như 10 năm, chứng kiến hai lớp dân cư trong xóm đến và đi, nay chỉ còn lại gia đình bác Hoà và anh Bình và gia đình mình. Có nhiều chuyện vui, nay nghĩ lại có lẻ là thời gian đẹp nhất đời mình. Chỉ có ăn và tìm cách phá thiên hạ như lấy ná bắn đá xuống mái tôn nhà ông Duy, bà Tân,.. khoái chí khi thấy cha con hàng xóm chạy ra sân, nhìn tứ phía hay sai thằng Khánh Ù đi ăn cắp chuối nhà bà làm vườn, bị chửi ròng rã 1 tháng trời, đến khi chịu hết nổi, chuối không chín, ăn không được nên đem trả lại mới hết nghe chửi. Mình đã kể khá nhiều mấy mục này trong Mực Tím Sơn Đen do Chử Nhị Anh xuất bản trên Amazon

Cảm ơn Tí Em đã cho mình tìm lại những tình cảm hàng xóm một thời của những ngày xưa thân ái. Hẹn tái ngộ.

NHS



Hình Sơn Đen ngày xưa. He he he