Toastmasters


Toastmasters


Dạo này, mình gia nhập lại hội Toastmasters Quốc Tế để tập ăn nói lại vì mụ vợ kêu mình ăn nói ba láp ba sàm. Khi xưa, nghe lời xếp mình có tham dự hội này để tập nói trước công chúng khi trình bày ý tưởng thiết kế dự án của mình nhưng từ ngày con đi học thì mình ngưng tham dự vì phải lo cho con ăn sáng, chở con đi học.

Nay ghi danh lại nên mỗi sáng thứ 4 từ 7:00 sáng đến 8:30 sáng là mình bò lại hội để tập nói ESL. Trong thành phố có đến 4, 5 hội theo giờ giấc khác nhau, sáng, trưa, tối, mình thì dậy sớm nên cứ lo cho xong vụ này rồi làm việc sau. Thứ tư mình dành cho mấy sinh hoạt của mấy hội trong thành phố. 

Hội này được thành lập bởi ông Ralph C. Smedley, khi ông ta làm việc tại YMCA (Young Men’s Christian Association) ở Bloomington, tiểu bang Illinois. Ông ta thấy thanh niên trong thành phố cần học tập kỹ năng nói trước đám đông, khi hội họp, làm việc xã hội,…

Ông ta thành lập hội để giúp giới trẻ học tập các kỹ năng sống và đặt tên là Toastmasters Club. Toastmaster là danh xưng của người đại diện để nâng ly chúc mừng trong một bữa tiệc, đám cưới,..

Hội này khởi đầu ngày 24 tháng 3, năm 1905 và cách thức hoạt động tương tự như ngày nay. Các hội viên tuần tự được phép phát biểu rồi được phê bình bởi các hội viên khác để giúp mình tiến bộ hơn.

Khi gia nhập, mỗi hội viên có một trương mục trên trang nhà của họ, rồi cứ theo tuần tự chương trình họ vạch ra để mỗi hội viên học tập theo khả năng của mình. Tuần tự, mình xin phép mấy hội viên khác cho mình nói về đề tài của chương trình và tuần tự cứ lên dần. Ai giỏi thì đi thi thuyết trình.

Họ có hai loại nói chuyện: soạn trước dài độ 5-8 phút và loại tự biên tự diễn dài 2 phút. Tự biên tự diễn thì có một người đã chuẩn bị trước những câu hỏi rồi cứ kêu mỗi người nói về một đề tài hay câu hỏi. Mình thích nhất loại này vì giúp mình nhanh trí, tìm cách ứng đối. Còn soạn ở nhà trước cũng hay nhưng mất vẻ trực tiếp khi mình gặp ai đối thoại. Cũng hay là mình phải tập nhìn vào mắt thính giả. Nếu xem truyền hình, đa số các ứng cử viên đều nhìn thẳng vào máy quay phim như nói với một người nào đó.

Người ta phê bình cách trình bày về 2 hay 5 phút với tinh thần xây dựng và mình phải cảm ơn người ta chớ như người Việt mình thì lại quay qua thù dai vì bị phê bình trước đám đông. Rồi có màn bỏ phiếu, mình có thể viết thêm cho người phát biểu,…

Họ phê bình, nêu ra khuyết điểm của diễn giả chớ không kiểu người Việt, phán kêu nói như cứt nhưng không nói ra lý do.

Khi nói chuyện người ta hay có khuynh hướng lập lại hay cứ kêu “Ờ”, Um, À,… cò lờ mờ vờ, người Việt mình hay thêm “phải không nào?”. Tuần rồi mình bị sửa vì đã phạm lỗi nói dư 2 cụm từ (you know) vì khi nói chúng ta hay muốn được xác định hay vì quen, đợi tìm thêm ý khác nên nói những câu thừa như cơ lờ mờ vờ,…

Tuần rồi, mình được trao trách nhiệm kể chuyện tếu (joke master). Nói chuyện tếu bằng tiếng Việt thì dễ nhưng bằng anh ngữ để chúng cười không phải dễ.

Một năm niên liễm đóng đâu $132, được uống cà phê miễn phí nhưng mình không uống cà phê nên bù trớt.

Cái hay mà mình thấy ở Hoa Kỳ là sự dấn thân của người Mỹ, họ tự động tổ chức các nhóm, các hội mà chính phủ không xía vào. Thứ 4 mình đi ăn trưa với hội Lions Quốc tế. Hội này gồm toàn những người sống trong vùng, làm việc vô vụ lợi, gây quỹ để giúp các công tác từ thiện. Luôn tiện họ huấn luyện các hội viên trở thành các người lãnh đạo mai sau của hội.

Mùa lễ Tạ Ơn năm nay, hội của mình xin được $7,500 để cho 100 học sinh nhà nghèo. Chủ nhật tới, chợ WalMart sẽ mở cửa sớm hơn 1 tiếng để dành cho 100 em học sinh nghèo, vào mua quà cho gia đình.

Mới vào thì họ bắt mỗi bữa ăn là đi phục vụ cà phê hay trà cho các hội viên khác. Mình thấy mấy ông quan toà, bác sĩ,.. đi bưng trà cho mình uống khi mình gõ cái ly,… họ tập người ta tinh thần phục vụ, bỏ cái tôi để phục vụ tha nhân. Anh là bác sĩ, quan toà, triệu phú nhưng khi gia nhập, anh phải mời anh công nhân uống cà phê,…

Dần dần qua năm này đến tháng nọ, hội viên mới được bầu lên chức vụ nhỏ nhỏ khiêm nhường trước để xem buổi họp ra sao rồi lên chức to to một tí để được giao tiếp với các nhóm hội khác để quen biết cách làm việc với các hội đoàn trong cộng đồng. Cuối cùng là hội trưởng.

Nhiệm kỳ chỉ có một năm sau đó thì vẫn làm hội viên như thường, vẫn kêu hội trưởng mới là Mr. President,.. Ai có tham vọng hơn thì ứng cử đại diện các hội Lions trong thành phố rồi đến Quận rồi đến Cali,…

Khi xưa con mình đi đá banh hay bơi lội thì phụ huynh đều đứng ra tổ chức các vụ gây quỹ để giúp câu lạc bộ có tiền để mướn huấn luyện viên, trả tiền thuê sân hay hồ bơi,…

Học tập chính trị hay quản lý cần qua nhiều giai đoạn mà mình thấy người Việt mình thiếu. Người Mỹ hay nói người lãnh đạo không phải bẩm sinh mà được đào tạo. Người Việt muốn mình làm hội trưởng để người khác bẩm thưa mình. Ai không đắc cử, được tín nhiệm thì bỏ hội, thành lập hội khác dù chỉ mình họ và vợ mình là chủ tịch và phó chủ tịch. Mình nghe nói Tết này, sẽ có 2 cuộc diễn hành tại Bôn Sa.

Đảng Dân Chủ có rất nhiều thành phần, hiện nay có đâu trên 20 ứng cử viên tổng thống của đảng này, nhưng dần dần những đường lối đưa ra sẽ thu gọn, họ sẽ thương lượng để đoàn kết đấu lại ông Trump. Nếu đắc cử thì họ sẽ theo chương trình của những đường hướng của các thành phần của đảng Dân Chủ.

Thêm nữa có tên mỹ nào kêu được trên 10,000 chữ ký để bãi chức thị trưởng và nghị viên thành phố Westminster của 3 người gốc Việt. Người Việt mình không thông minh, cứ tưởng mình là lãnh tụ, sinh ra là để làm cha thiên hạ nên thay vì giúp đỡ nhau, lại đánh nhau. Họ chỉ hô hào đoàn kết sau lưng tôi. Suốt đời chỉ loay hoay bên luỹ tre làng. Gặp mỹ thì cuối đầu nhưng gặp Việt Nam thì cứ làm cha thiên hạ.

Bà Janet Nguyễn thất cử, người Việt hân hoan, kêu tao không được thì mày cũng không được. Nay 3 nghị viên thành phố sẽ bị bãi chức để bầu lại. Người Mỹ họ không thích nhau nhưng họ vì quyền lợi chung phải bắt tay nhau và thương lượng nếu đắc cử sẽ chia chác ra sao còn người Việt ăn không được thì không cho thằng khác ăn.

Người Việt mở tiệm Nail, một người Việt khác bò lại thay vì như người Mỹ mở tiệm cà phê bên cạnh, khách hàng tiệm nail đến, ngồi buồn gãi háng kêu ly cà phê khiến cả hai làm ăn được lời vui vẻ. Không, người Việt bò lại mở một tiệm nail khác bên cạnh, kêu khuyến mãi 50%, là vừa giết mình và giết thằng hàng xóm.

Trở lại vụ Toastmasters , mình được giao phó kể chuyện tếu. Mình nói một thượng nghị sĩ nói với mình biết Good Lawyer là tên nói láo (Liar) còn bad lawyer là thượng nghị sĩ, khiến cha con bắt đầu cười. (Chuyện này có thật khi mình đi dự lễ gây quỹ cho ông thượng nghị sĩ này). Sau đó mình kể có một tên luật sư, mới mua một chiếc xe Corvette mới toanh nên thử xe trên xa lộ. Bổng hắn thấy xe cảnh sát phía sau, vì xe mới chưa có bản số nên hắn không sợ nên đạp lút ga chạy nhưng cảnh sát vẫn chạy theo nên cuối cùng hắn ngừng lại.

Cảnh sát xa lộ hỏi hắn vì sao lại bỏ chạy khi thấy xe cảnh sát, không ngừng. Hắn nói thưa chiến sĩ công an  nhân dân anh hùng, số là 2 tuần trước, vợ tôi bỏ tôi theo một vị chiến sĩ công an xa lộ nên khi thấy xe ông phía sau, tôi tưởng hắn đem vợ tôi trả lại nên phải chạy nhanh.

Đám mỹ thích câu chuyện này. Bác nào có chuyện tếu thì cho em xin để tiếp tục cuộc đời kể chuyện tếu cho người Mỹ nghe.

Mai em đi Mễ 1 tuần với nhóm hội viên Lions. Có hội Lions bên Mễ, được xem là thành phố jumelle (tiếng Việt gọi là gì thành phố song sinh) với thành phố của hội em, mời sang dự lễ hội “ngày người chết” của thành phố này về. Họ đài thọ hết. Vợ em bận công việc nên không đi.

Con em hè đi Đức quốc và Nhật Bản qua hội Lions quốc tế, ở nhà thiên hạ cả tháng miễn phí, bù lại thì con của họ qua mỹ thì tụi em đón nuôi, giúp mấy đứa con học hỏi văn hoá xứ khác.

Đi chơi chắc em sẽ không có thì giờ viết véo nên em có bỏ lên muctimsonden.com một số bài viết lâu rồi, chưa đăng. Ai thích thì lên đó đọc cho vui. Hôm nào về sẽ kể chuyện Mễ.

Chúc các bác một tuần vui vẻ.

NHS