Rạp Ngọc Hiệp Đàlạt xưa

Rạp Ngọc Hiệp Đàlạt xưa

Tấm ảnh chụp ngay đường Minh Mạng, mình nhắm chừng chỗ khách sạn của ông chà và, chủ tiệm Saigonnais ở khu Hoà Bình, quên tên. Chỗ này cuối đường Minh Mạng, gặp đường Phan Đình Phùng. Ngay mấy thang cấp đi xuống, bên trái tấm ảnh là trạm biến điện.

Có cả chiếc xe ngựa mà báo Tuổi Hoa, gọi là xe thổ mộ mà hồi nhỏ thường thấy ở khúc này đi về Mả Thánh và trên khu Hoà Bình.

Từ đường Minh Mạng đi theo mấy thang cấp xuống đường Phan Đình Phùng, có bãi đậu xe, nhiều khi có taxi đậu. Băng qua đường Phan đình Phùng là đến rạp Ngọc Hiệp.

Mình có một kỷ niệm khá đau thương ở không gian này mà hồi đầu năm, bà cụ mình có giải thích lý do còn mình thì nhớ suốt đời.

Số là dạo ấy, Đàlạt có đoàn ca nhạc chi đó có ông Trần Văn Trạch lên Đàlạt biểu diễn. Ông này có trò làm giả tiếng xe lửa và phi cơ trên đài phát thanh rất hay, mình xin bà cụ dẫn đi xem vì họ trình diễn ban đêm. Bà cụ kêu Ừ, dặn mình ở nhà không được chạy ra nắng, ngủ trưa, tắm rữa rồi chiều mẹ về dẫn hai anh em đi xem Trần Văn Trạch.

Chiều mình và cô em kế, ăn cơm, tắm rữa xong không thấy mẹ về nên cả hai rũ nhau đi đón mẹ. Lúc đầu hai anh em xuống đường Hai Bà Trưng, ngồi nơi thang cấp chỗ nhà bà Quán. Đợi hoài không thấy mẹ về nên hai anh em dẫn nhau lại xóm cư xá địa dư, cũng không thấy. Hai anh em ngồi nơi thang cấp của xóm Địa Dư, nơi cái cầu khỉ, sau này hướng đạo Lâm Viên xây cái cầu chắc hơn.

Đợi hoài hai anh em không thấy bà cụ nên dắt nhau đi ra rạp Ngọc Hiệp vì nghĩ chắc bà cụ đi bán về trễ nên ghé rạp mua vé. Sắp đến giờ trình diễn nên tốt nhất là đi đến rạp đợi mẹ, rồi vào coi khỏi mất thì giờ. Ra tới rạp Ngọc Hiệp, không thấy mẹ, hai anh em ngồi xuống bên lề đường trước rạp Ngọc Hiệp, ngóng đợi mẹ đi xuống thang cấp từ đường Minh Mạng.

Láo nháo thiên hạ bu lại, chen lấn vào cửa, tiếng loa ngoài rạp kêu to, quảng cáo chương trình đại nhạc hội. Hai anh em lo ngại vì đến giờ trình diễn mà không thấy hình ảnh của mẹ ở dốc Minh Mạng.

Khán giả đã vô trong rạp, đèn đường sáng rực một trời, nhìn tấm ảnh mình nhớ y chang hai trụ điện hai bên rạp với mấy bóng đèn đường có đàn muỗi hay mối bu lại ve ve ngập trời.

Bổng mình nghe tiếng ai như mẹ mình kêu tên mình và cô em kế, quay lại thấy bà cụ. Bà cụ ôm cô em kế rồi tay kia nắm lấy tay mình. Mình tưởng đi vào xem Trần Văn Trạch, ai ngờ bà cụ dẫn hai anh em về nhà, chửi bới một trận.

Bà cụ giải thích vụ này sau 55 năm, cho rằng hôm ấy có họp ngoài chợ mới xây, để bốc thăm chỗ buôn bán nên bà cụ đi họp rồi về đường ngõ Cẩm Đô, rẽ sang đường Hai Bà Trưng trong khi hai anh em lại ngóng mẹ ở đường Phan Đình Phùng vì nghĩ mẹ mua vé ở rạp Ngọc Hiệp, sẽ đi về ngõ Phan Đình Phùng. Chán Mớ Đời

Mình thì nghĩ bà cụ gạt hai anh em, kêu ngũ trưa, không được phá xóm, ăn bận sạch sẽ nên mới hứa cuội dẫn đi xem kịch Trần Văn Trạch. Còn bà cụ thì nói đi về ngã Hai Bà Trưng, rồi không thấy hai anh em mình nên đi tìm mệt thở khiến trễ giờ đi xem. Chán Mớ Đời

Khi có con, mình không bao giờ phĩnh gạt chúng, khi mình hứa điều gì là mình sẽ làm với chúng. Những sinh hoạt ở trường mình đều tham dự.

Nhìn tấm ảnh, mình nhớ cái quán gỗ bên tay trái nếu nhìn vào rạp Ngọc Hiệp. Quán này của bà Tàu ở khu nhà phía sau rạp Ngọc Hiệp, bên hông trái, chỗ cột điện có đường hẻm nhỏ đi vào.

Quán bà này có bán mấy cái hộp nhựa mà khi mình lắc lắc thì nhìn vào cái gương thấy đủ màu. Mình mua hai ba cái này nhưng bị mất cắp, hàng xóm lấy. Bà ta cũng vớt tiền mình mấy tập xấp hình nhỏ để chơi dích hình. Mình thích nhất là mấy cuốn sổ nhỏ đầy trang hình vẽ hoạt hoạ mà khi mở nhanh thì bao nhiêu tấm hình nhảy múa khá vui kiểu xem phim hoạt hoạ ngày nay vậy.

Sau trụ điện bên tay phải của rạp thì có quán cơm tàu Như Ý, bên cạnh là tiệm Kim Linh. Gia đình mình có ăn ở đây được hai lần. Mỗi lần đều ăn món Tã pí Lù, loại lẩu ngày nay. Trước tiệm cơm Như Ý, có một xe bán bánh mì thịt của bà nào người Huế, ở trong xóm sau cây xăng Ngọc Hiệp, nơi quán mì quảng của ông bắc kỳ đi vào. Nhà của Nguyễn Đình Tài, Nguyễn HÙng, Lê Hùng Sơn, Lê Nam Sơn ở trong xóm này.

Sau lưng hai tiệm cơm tàu là bãi đậu xe hàng, có chỗ sửa xe, vá bánh xe, có một quán phở mà mỗi lần đi đánh quần vợt với anh Toàn, con ông Tô và Đinh gIa lành là ghé lại đây ăn.

Bên hông của rạp có 3 ông tàu bán đồ ăn: một ông bán xắp xắp, nhà ở đường Hai Bà Trưng ngay dốc trường Nữ Công Gia Chánh, ông tàu cụt ngón tay, bán thịt bò viên, thêm ông tàu bán đậu đỏ bánh lọt. Ông tàu bán xắp xắp, mỗi sáng đẫy cái xe 4 bánh ra rạp Ngọc Hiệp, còn ông tàu bán thịt bò viên, ở phía sau rạp Ngọc Hiệp và ông tàu gầy gầy bán đậu đỏ bánh lọt.

Mình thích nhất là món xắp xắp, ông tàu dùng mấy cái đĩa nhỏ bằng nhôm. Ông lấy đủ đủ bào bỏ vào đĩa nhôm vừa nhúng vào xô nước để dưới xe đẩy, rồi lấy gan nướng, dùng cái kéo cắt từng miếng nhỏ, rồi lấy vài cọng rau húng quế, cắt nho nhỏ, rồi lấy chai nước mắm pha xịt lên đĩa nhôm rồi tương ớt mua của bà Tầu ở cầu thang chợ mới. Ông ta đẫy trước mặt mình rồi mình lấy đôi đũa đựng trong lon Guigoz. Dạo ấy chưa lấy vợ Huế nên ăn cay chưa được nên cay xé họng.

Bên cạnh ông xắp xắp thì có ông tàu bán thịt bò viên, ông này bị cụt ngón tay. Ông này khôn lắm, dụ con nít đổ hột xí ngầu. Nếu thắng thì ăn được gấp hai nhưng đa phần ông ta thắng. Lý do là nếu ông ta thua thì rũ khách hàng đỗ hột xí ngầu. Nhớ thằng Nghị, con bà Cáp bán hàng bên cạnh bà cụ mình. Mỗi chủ nhật, thằng Nghị, nhà trên số 4, ghé nhà mình rũ ra chợ dọn hàng cho bà cụ còn nó thì dọn hàng cho bà Cáp và dì Ngụ. Dọn xong thì hai thằng đi về, ghé lại chỗ này ăn quà. Mình chơi đĩa xắp xắp còn thằng Nghị, có lẻ mê đỗ xí ngầu nên cứ thua mệt thở.

Khi có tiền thì sau màn xắp xắp thì kéo ghế ông tàu bán đậu đỏ bánh lọt bên cạnh. Ông tàu lấy cái ly, bỏ đậu đỏ rồi bánh lọt, lấy đá bào bỏ vào ly rồi lấy chai gì xịt vô ly thơm lắm. Thật ra chỗ này có một dãy hàng ăn nhưng mình chỉ nhớ 3 ông tàu này thôi.

Bên tay trái của rạp thì có cái hẻm đi vào trong khu nhà phía sau rạp Ngọc Hiệp. Có cái quán sinh tố của bà tàu, mình mỗi lần đến đây là kêu ly sữa tươi Hoà Lan. Bà này có món sinh tố trái cây, đu đủ xay rất ngon.

Rạp Ngọc Hiệp có 2 tầng, trên lầu giá vé đắt hơn. Hồi nhỏ hình như rạp Hoà BÌnh chưa được xây nên chỉ nhớ ông bà cụ hay dẫn mình đi xem ở rạp này. Chỉ nhớ mỗi lần đi xem là có màn chào cờ Ngô Tổng Thống, ai nấy đều đứng dậy. Mình nhớ có lần ông bà cụ dẫn đi xem đại nhạc hội, có màn vũ sexy. Khi trống nổi lên thì thấy một cô ở trong chạy ra lắc lắc rồi thiên hạ, đàn ông đều đứng dậy như chào cờ Ngô Tổng Thống, khiến mình bé chả thấy gì cả. Nhớ lại mới hiểu đàn bà nguy hiểm tới mức nào.

Để xem, khi đi vào thì bên tay phải là guichet bán vé vào cửa. Mua vé xong thì thì đi qua phía bên trái, có chỗ soát vé đi vào. Ai có vé trên lầu thì lên cầu thang, phía bên kia chỗ quầy bán vé thì có cầu thang đi xuống, tan tuồng.

Mình nhớ đi xem trên lầu 1 lần với Mệ Ngoại, phim Ấn Độ về cuộc đời của Phật Thích Ca. Mệ ngoại mình không biết đọc nên mình có bổn phận đọc, thuyết minh cho Mệ tương tự ở nhà, đọc mấy truyện phạm Công Cúc Hoa, Lương Sơn Bá Chú Anh Đài,…

Coi nhiều phim nhưng chỉ nhớ có xem phim hoạt hoạ Bambi khiến mình khóc như mưa bất. Sau này rạp này chuyên chiếu phim Hương Cảng như phim Độc Thủ Đại Hiệp do Vương Vũ đóng khiến mình nổi hứng đi học võ từ đó.

Mình nhớ mỗi lần bà cụ cho tiền đi xi nê với người em kế. Mình vào đứng gần ông soát vé rồi lén lén đưa tiền cho ông ta, thay vì mua vé. Thế là đỡ tốn tiền vé, cho ngồi hạng cá kèo. Chỗ cửa ra vào có mấy dãy ghế đóng bằng gỗ, như bậc thang. Hai anh em leo lên ngồi xem mệt thở. Ra về thì còn tiền của vé kia, chơi một đĩa xắp xắp chia đôi. Ngon nức nở.


Sau này rạp này xuống cấp, hôi lắm. Lâu lâu thấy chuột chạy vòng vòng. Kinh. Ghế ngồi thì có nệm, màu rượu đỏ. Hai bên hông có hai cửa thoát cháy. Bên phải chạy ra chỗ ông tàu bán đậu đỏ bánh lọt và bên trái thì chạy ra cái hẻm bên hông.

Rạp này được cái là có sân khấu rộng nên các đoàn cải lương lên Đàlạt đều đóng đô ở đây. Mấy xe hàng chất đầy mấy cái phông sân khấu đậu bên cạnh rạp. Mình có xem vài tuồng cải lương ở đây như tuồng Song Long Thần Chưởng có Út Bạch Lan đóng, thấy đánh chưởng khói xịt màu đỏ kinh hoàng. Một tuồng khác kể ông bác sĩ chữa mẹ không được nên khóc như mưa bất. Hình như đoàn Hương Mùa Thu thì phải.

Mỗi lần có gánh hát cải lương thì trước rạp họ gắn mấy tấm ảnh của đào kép trên tường thay vì mấy tấm ảnh của phim sẽ được trình chiếu trong tương lai.

Bây giờ về Đàlạt thì chỗ này hình như là một khách sạn thì phải. Tương tự rạp Ngọc Lan cũng được xây khách sạn. Đàlạt, hình như chỉ còn rạp Hoà Bình chiếu xi nê cho thiên hạ xem. Nay dân Đàlạt coi đài truyền hình, du tu be, internet nên chắc ít ai đi xem xi nê.

Chẳng bù khi xưa, mỗi lần đi xem xi nê, phim hay là phải chen lấn, dành giựt để mua vé nhất là mấy ngày Tết. Họ chiếu phim cực kỳ dỡ nhưng thiên hạ khắp nơi, thậm chí ở Tùng Nghĩa, Đơn Dương, mấy ấp xung quanh Đàlạt lên xem đông như kiến.

Tấm hình khiến mình nhớ lại một thời khi xưa. Chán Mớ Đời

NHS