Ngôn tình thời a còng

Ngôn tình

Mình có anh bạn mà mỗi lần gặp vợ chồng này, về nhà mình bị vợ dũa mệt hơi. Lý do là vợ chồng anh bạn sử dụng ngôn tình, cứ như tây đầm dù đã lớn tuổi, lấy nhau lâu năm vẫn âu yếm bên nhau. Đi đâu cũng thấy bên nhau, như đĩa sam chẳng bù vợ chồng mình thì vợ đi chơi với nhóm bạn của vợ, mình đi gặp mấy tên bạn già, nghĩa là trên 80. Tạo cho nhau một không gian riêng biệt, ít gặp nhau, tránh làm tình kiểu “hallway sex”.

Trước khi ăn cơm, hai vợ chồng anh bạn, nắm tay nhau, đọc kinh cầu nguyện đức chúa trời đã cho họ bữa cơm hằng ngày,… rồi mi nhau cái chụt cực to như khi mới quen nhau lần đầu, rồi kêu nhau “Baby” hay bếp gì đó, chúc nhau “Bon appétit » cứ như tây đầm khi xưa mình ở Pháp quốc. Kinh

Ở Georgia họ hát để các tượng kiểu này trong thành phố 
Trong khi họ cầu nguyện, hai vợ chồng mình nhắm món nào trên bàn để gắp trước. Chả mời nhau, chả ho-ni ho-tê chi cả. Cho thấy đẳng cấp tình cảm hai vợ chồng mình rất ư là nông dân chân đất truyền thống bần cố nông bao nhiêu đời. Qua Mỹ nhưng gốc ruộng vẫn chưa gọt bỏ. Chán Mớ Đời

Về nhà đồng chí gái hỏi sao anh không bắt chước bạn anh, ăn nói âu yếm với vợ. Thật ra mình có vài tên bạn tương tự, thuộc giai cấp cao cấp, không phải bần cố nông như mình nên vợ mình không hiểu sao mình lại quen họ. Khác với mấy tên bạn, mình không đồng điệu cùng đẳng cấp với chúng. Lý do người ta kêu trâu tìm trâu hay người mỹ hay gọi “Lions attract Lions” mà mình thì không giống bạn lại ngược với bè. Nhiều khi mình không hiểu lý do chúng chơi với mình. Qua tây thì có thằng giở chứng cứ một hai ôm hôn cô vợ mỗi khi vợ sai làm cái gì, cứ một “Oui! Ma chérie! » hai « Oui Mon amour! ».

Mấy thằng tây này khi xưa rất ư là macho, lấy vợ rồi với phong trào nữ quyền bành trướng khắp âu châu, nay gặp lại, chúng còn sợ vợ hơn mình, cho thấy anh hùng gặp gái thuyền quyên hay gặp bướm là mềm nhũng ngay. Kinh. Xứ nào thì bướm cũng lãnh đạo mà phụ nữ lại đòi nữ quyền, nữ lợi chi đó khiến nhân dân thế giới hết muốn sinh sản.

Mình thuộc thành phần tiến bộ, có chút giác ngộ cách mạng nên khi vợ nói học tập, theo gương, bồi dưỡng chức năng làm chồng của mấy tên bạn thì mình cũng bắt chước nhưng không hiểu sao mụ vợ vẫn chửi mình dù cố gắng, khắc phục hết sức.

Có lần mình gọi “con nít” không thấy mụ vợ quay lại nên kêu to “Con nÍt” khiến mụ vợ quay lại nhìn mình như bò đội nón, ra mắt tường như hỏi “mi ăn chi mà ngu rứa”. Mụ hỏi con nít chi thì mình giải thích thằng bạn nó kêu vợ nó là “Baby” có nghĩa là “con nít” thì vợ kêu anh bắt chước thằng bạn thì anh gọi vợ là con nít, thế là đồng chí gái nhảy tưng tưng, la lối như xe cứu hoả Cali. Chán Mớ Đời

Nhớ dạo mới lấy nhau, vợ gọi điện thoại vào sở, kêu sao anh không gọi hỏi thăm em, bộ không nhớ vợ sao với giọng điệu cực kỳ duyên dáng Bolero. Người ta mỗi ngày gọi vợ kêu “Honey” khoẻ không còn anh thì im ru bà rù. Lại kêu là “Dzợ” không tình tứ chút nào. Mình nói kinh tế đang xuống, có thể bị đuổi việc lúc nào không hay nên không dám gọi điện thoại nói chuyện tư riêng thêm tối về gặp nhau rồi.

Nghĩ lại thì thấy vợ có lý, mình muốn làm người chồng nhân dân ưu tú thì cần phải khắc phục, học tập quan điểm và đạo đức cách mạng, quan tâm đến thủ trưởng, lãnh đạo vô vàn kính yêu. Cứ nói yêu chưa đủ, cần phải thể hiện qua hành động nên hôm sau trong buổi thông tầm, mình gọi nói chuyện với vợ. Mình hỏi một câu cực kỳ âu yếm, thậm chí cực kỳ sến sứa: ”Mật có nhớ anh không?” Mụ vợ dỡ chứng kêu anh nói chi rứa, mật chi. Mình nói đồng nghiệp của vợ gọi hỏi thăm vợ nó, kêu “Honey” thì anh bắt chước gọi vợ là “Mật” để có chút lãng mạn, tình tứ như tụi đồng nghiệp da trắng của của em. Thế là mụ vợ nhảy đùng đùng kêu thôi, kêu Dzợ được rồi. Chán Mớ Đời

Khi chúng ta nghe một bài hát ngoại quốc hay một từ ngữ lạ thì cảm nhận đầu tiên là qua âm thanh nhưng khi dùng trí óc để cảm nhận thì khá phủ phàng. Điển hình khi nghe ai nói “marché noir “ thì nghe qua âm thanh trước, nghe hay hay hoặc “thạch kiều” nhưng nếu dùng trí óc để hiểu thì “chợ đen” hay “cầu đá” nghe chán mớ đời. Như anh bạn mình gọi cô vợ là “Baby”, thì nghe rất tình cảm, hay hay bên tai nhưng nếu mình dịch ra tiếng Việt là “con nít” thì choải tai mụ vợ. Ngôn tình chưa chắc đã đem lại hạnh phúc, cách biểu hiện mới quan trọng.

Nếu là người Mỹ chính cống, sinh tại Hoa Kỳ thì có lẻ họ cũng cảm nhận từ “Baby” như mình với cụm từ “con nít” hay ”trẻ thơ” chi đó.

Tiếng Việt có cụm từ “Mình ơi” khi gọi người phối ngẩu nghe rất chiến đấu nhưng nếu dịch ra ngoại ngữ thì rất khó để diển đạt tình cảm, biểu cảm của người Việt khi sử dụng cụm từ trên để gọi tên nhau. Khi có con, mình kêu mụ vợ bằng “mẹ” và đồng chí gái gọi mình là “Bố” như mấy đứa con.

Mình hay dùng cụm từ “đồng chí gái” để nói về người vợ của mình tương tự anh bạn gọi vợ anh ta là “baby” hay người Mỹ gọi vợ hay chồng họ là “Honey”,… có người bất bình chửi bới đủ loại khiến mình buồn cười vì trong tự điển “đỏ” không có cụm từ “đồng chí gái”. Cụm từ này do mình chế hoàn toàn, chắc phải xin “trade mark”. Cho thấy họ tự gọi chống cộng nhưng chưa hiểu cộng sản rõ ràng. Biết đâu lại là mấy ông nằm vùng trên mạng, theo lệnh cách mạng chửi bới tung hoả mù. Chán Mớ Đời

Nhớ lần đầu tiên, gặp đồng chí gái do tên bạn ở MIT giới thiệu. Người Huế thường họ nói giọng chi chi nhưng khi gặp nhau thì họ xổ giọng Huế rặc của họ với nhau. Mình bổng nhiên nói giọng Huế rồi kêu đồng chí gái là “O” rồi khi lấy nhau thì kêu “Dzợ” còn vợ gọi mình “Dôn” còn ngày nay thì gọi nhau “Ôn Mụ” cho nó bình đẳng như thời phong kiến địa chủ.

Nếu không có quỷ ma
Khó bề thấy được Phật
Đó là sự thật của Trái Đất
Nhưng nghĩ cho cùng
Tất cả đều trật lất.

(Nguyễn Đức Sơn)

Chán Mớ Đời

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn