Dòng sông Mekong bị bức tử

Dòng sông Mekong bị bức tử

Dạo này thiên hạ bị định hướng đủ trò để tránh nghĩ đến vụ biển Đông, qua vụ nước bị xả dầu, hai phe chơi nhau để dân lãnh đủ. Có một điều hầu như báo chí không nhắc đến hay cố tình lơ đi ngoại trừ báo chí ngoại quốc và các chuyên gia về môi trường. Đó là dòng sông Mekong đã bị Trung Cộng vũ khí hoá khiến các nước Đông Nam Á khó có khả năng nhúc nhích, chống đối áp lực kinh tế và chính trị của họ.

Thiên hạ chống cộng cứ chửi Hà Nội đủ trò nhưng ít ai nhắc hay nói đến dòng sông Mekong và tương lai của nó, ngoại trừ một số chuyên gia còn lo ngại cho Việt Nam mai sau.

Cao nguyên Tây Tạng là nguồn cung cấp nước cho 2/3 dân số trên thế giới, (Trung Cộng, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bhutan và các nước Đông Nam Á), do đó Trung Cộng phải chiếm và tìm đủ mọi cách để hán hoá quốc gia này, xoá bỏ lịch sử của dân tộc này.

Nước từ các dãy núi của Tây Tạng chảy về Trung Cộng qua nhiều nhánh sông, trong đó con sông Mekong, nắm vận mệnh của Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam.

Con sông này chảy qua Trung Cộng, rồi đến các nước như Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cao Miên rồi đỗ ra 9 nhánh sông của đồng bằng cửu long. Khi xưa, mình học địa lý với thầy Hứa Hoành thì hàng năm phù sa từ thượng nguồn sẽ kéo về và bồi đắp Mũi Cà Mau thêm vài tất đất và bón phân đồng bằng này giúp vùng này trù phú.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Việt Nam, xuất cảng gạo từ nhiều năm nay. Khi xưa, mình không hiểu tại sao Pháp quốc lại chiếm đóng vùng Vân Nam của Trung Cộng, nay mới hiểu là họ kiểm soát được vùng Vân Nam, Côn Minh thì kiểm soát được toàn vùng hạ lưu của dòng sông Mekong. Hình như nhà Thanh có ký kết với Pháp quốc về vụ này nhưng lâu ngày quá, lười đi lục lại tài liệu pháp ngữ đã đọc từ lâu. Bác nào có thì cho em xin.

Các quốc gia trên thế giới ngày nay đều quan tâm, lo cho tương lai của xứ họ vấn đề  nước dùng. Môi trường bị ô nhiễm lây qua nước của suối, sông ngòi. Ở Cali cứ bị hạn hán, nước mà dân miền nam Cali dùng được mua từ tiểu bang Colorado. Lâu lâu tiểu bang này lên giá thì dân Cali đành phải trả thêm tiền mà dùng. Họ cho tiền để dân cư làm lại vườn tược, bỏ cỏ để tiết kiệm nước. Các chương trình biến nước biển thành nước ngọt đang được áp dụng như ở Do Thái.

Đi về Las Vegas, thấy mấy cái hồ nước bị cạn khiến mỗi người nhất là các nhà lãnh đạo phải chú tâm để lo nguồn cung cấp nước cho dân tình.

Trung Cộng có vấn đề rất lớn về nước uống ngày nay và trong tương lai.

Trong cuộc đối đầu với Trung Cộng, các chuyên gia tình báo Hoa Kỳ, nhờ Think Tank Asia Pacific Initiative nghiên cứu về những điểm yếu của Trung Cộng như tham nhũng, các cuộc nổi dậy của các chủng tộc,… nên gần đây hạ viện Hoa Kỳ ủng hộ đạo luật ủng hộ người dân Hongkong trong một kỷ lục nhanh chóng, mấy tuần sau khi hai người đại biểu biểu tình tường trình tại quốc hội Hoa Kỳ. Ai cũng đồng ý là trong tương lai, Trung Cộng rất cần đến nước ngọt để cung cấp cho 1.5 tỷ dân của họ hay 1/4 dân số thế giới.

Mình đọc đâu đó là không quân Đài Loan có mục đích là đánh phá các con kênh dẫn nước về Bắc Kinh nếu bị Trung Cộng tấn công. Những trái bom này có thể kèm theo các hoá chất làm nhiễm các dòng sông.

Theo Liên Hiệp quốc, thì hàng năm nước dùng của mỗi người dân là trung bình 1,700 mét khối (m3) nhưng nếu xuống còn 1,000 mét khối thì được xem là “water stress” (không biết dịch làm sao). Quốc gia nào mà chỉ có 500 mét khối hàng năm được xem là  “absolute water scarcity”.

Mấy ngày nay, thấy dân Việt Nam, đứng xếp hàng để xách nước thì không biết được xếp vào hạng nào theo tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc.

Trung Cộng ngày nay có 8 vùng miền bắc được xem là absolute water scarcity (500 m3) và 11 vùng khác được xem water scarcity (1,000 m3). Mình có xem mấy phim trên Netflix, các vùng này bị sa mạc hoá.

Được biết là dòng sông Hoàng Hà chỉ cung ứng được 1/10 nước so với thập niên 1940 khi cộng sản chiếm xứ này. Năm 1997, con sông này bị khô đến 226 ngày, ngưng chảy ra biển Bohai. Hình như con sông Tiền Đường trong truyện Kiều là nói đến con sông này, lâu quá không nhớ rõ. Xem tranh thời xưa thì thấy sóng to, ai té xuống là chết, nay xem truyền hình thì như cái hồ, nước không di chuyển hay thiếu.

Năm 2000, thủ tướng Trung Cộng có cảnh báo là trong tương lai, chính phủ Trung Cộng cần phải dời đô khỏi Bắc Kinh như Nam Dương muốn dời đô nhưng nguyên do ngược lại; Djakarta sẽ bị chìm xuống biển, kiểu đồng bằng sông Cửu Long đang hứng chịu ngày nay.

Để có nước dùng Trung Cộng đã cho làm con kênh Nam - Bắc từ dòng sông Dương Tử dài 1,156 cây số và hoàn tất năm 2013, và một con kênh khác vùng ở giữa dài 1,432 cây số vào năm 2014. Thời nhà Minh, ông Nguyễn An, người Việt bị triều đình nhà Lê gửi cống sang tàu, đã xây dựng Tử Cấm Thành và coi vụ xây tiếp con kênh từ Hàng Châu về Bắc Kinh khi nhà Minh dời đô.

Con kênh này chuyên chở hàng hoá từ Giang Nam về Bắc Kinh. Ngày nay các ống dẫn nước chạy dọc con kênh về Bắc Kinh. Dự án con kênh Nam Bắc có thể giúp Bắc Kinh có thêm nước dùng nhưng vẫn ở cấp độ Absolute Water Scarcity và các vùng lân cận vẫn tiếp tục thiếu nước.
 
Dòng sông Dương Tử bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng con kênh Nam Bắc. Vùng Hubei, có 380,000 dân cư bị dời đi nơi khác. Để tránh bị ô nhiểm, các vùng trồng trọt, kỹ nghệ, nuôi cá,…đều bị cấm hết. Các lãnh đạo địa phương muốn có nước, phải xây các đập để giữ nước cho vùng địa phương của họ, làm cản thuỷ lưu.

Vào thế kỷ 21, Tây Tạng được xem là nóc nhà của thế giới, cung cấp nước cho 2/3 dân cư của thế giới qua mấy nhánh sông như Indus, Ganges và Mekong gồm Ấn Độ, Pakistan, Trung Cộng, Nepal, Bhutan ở vùng thượng lưu còn hạ lưu thì có Bangladesh, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên và cuối cùng là Việt Nam.

Các nước trên đây, sẽ xây các đập để giữ nước để cung cấp cho dân của họ, bất chấp phá hại môi trường. Do đó cuộc chiến trong tương lai ở thế kỷ 21 là nước sạch. Hoa Kỳ có những dự tính, chuyên chở nước bằng tải qua các tảng băng từ các vùng Bắc cực, Nam Cực nên ý tưởng mua quần đảo Greenland của Thuỵ Điển, không phải do ông Trump đề nghị mà đã có từ lâu.

Đi vòng vòng để trở lại vụ đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam.

Dòng sông Mekong bắt nguồn từ Trung Cộng, và chạy qua 5 quốc gia vùng Đông Nam Á, và cuối cùng chảy ra biển ở Việt Nam, khởi đầu cho một cuộc tranh chấp không cần súng ống song song với biển đông, đường Lưỡi Bò. Theo mình nó còn nguy hiểm hơn là đường lưỡi Bò vì sẽ tiêu diệt đồng bằng sông cửu long nơi trú ngụ của 20 triệu người Việt (19% dân số Việt Nam).

Trung Cộng cho xây 11 cái đập và dự tính xây thêm 8 cái khác ở thượng nguồn con sông này.

Nếu chúng ta bỏ qua các hậu quả môi trường thì các đập này là khí giới mới của Trung Cộng để đe doạ các nước ở vùng hạ lưu phải nghe lệnh của họ. Với những con đập này, Trung Cộng có thể gây ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường của các nước ở vùng hạ lưu, làm con tin 1/4 dân số thế giới mà không cần phải súng ống.

Năm 2016, các nước vùng hạ lưu năn nỉ Trung Cộng cho thoát nước để tránh hạn hán và Trung Cộng đã thực hiện như cảnh báo các quốc gia này là Trung Cộng có thể đòi hỏi lại một gì đó, sự thuần phục về chính trị và kinh tế,…

Đầu năm nay, Trung Cộng xả nước cái đập Jinghong, theo họ để tu sửa lại cái đập, khiến ngập lụt, gây tai hại mùa màn, lúa thóc ở vùng hạ lưu. Sau khi tu sửa thì Trung Cộng cho chận nước lại thì gây hạn hán khiến tháng 7 vừa rồi, mực nước xuống thấp nhất từ xưa đến nay. Một lần nữa, các quốc gia ở vùng hạ lưu lại phải năn nỉ xin Trung Cộng, cho xả nước . Đó chỉ là một cái đập và Trung Cộng có đến 11 cái và trong tương lai 19 cái đập.

Nước Lào, Miến điện, Thái Lan đều muốn xây đập nước để làm điện nhưng thật ra là để giữ nước để xài. Mấy ông Lào đang xây mấy cái đập để có điện và bán cho Trung Cộng. Nội ông Trung Cộng chận nước là đã làm các nước ở hạ lưu chới với nay, ông Lào muốn chơi cha, xây thêm đập để bán điện cho Trung Cộng. Nghe nói có nhà thầu Việt Nam trúng thầu để xây một trong mấy cái đập dự trù của người Lào. Người Việt giúp xây cái đập để giết dân của mình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.   Kinh

Mình nghe thầy Hứa Hoành nói về Biển Hồ Tonlesap nên có đi viếng. Khi mùa mưa thì cá chảy theo dòng nước, lọt vào Biển Hồ, khi mua khô đến thì cá bị kẹt trong hồ vì thấp hơn dòng sông Mekong. Dân Cao Miên tha hồ mà đánh cá, sống sung sướng. Nay thấy họ chỉ biết khóc vì cá không đến.

Người ta nói là xây dựng các đập ở các nước hạ lưu sẽ đem lại kinh tế cho vùng này trên 30 tỷ đôla nhưng gần đây báo chí cho hay là lỗ 7 tỷ đô la chưa nói đến nguy hại về môi trường. Cali bị hạn hán, nông dân như mình muốn xây đập dự trữ nước nhưng họ không cho xây vì tàn phá môi trường, phải mua nước ở tiểu bang khác.

Trung Cộng với chủ nghĩa tân thực dân, qua chương trình vòng đai và con đường, họ cho vay để xây dựng các con đập, hải cảng,.. để các lãnh đạo địa phương bỏ túi rồi họ cho nhà thầu của họ sang xây dựng nên rốt cuộc chẳng giúp ích gì cho nền kinh tế địa phương. Tiền bạc do Trung Cộng cho vay và trả cho nhà thầu tàu nên tiền bạc không đến tay người dân địa phương. Dân sở tại không trồng trọt, bắt cá nên đói lại phải đóng thuế trả nợ dùm các lãnh đạo. Lần trước mình về Hà Nội thấy con đường sắt Cát Linh chi đó, của Trung Cộng làm mà chưa xong. Đó là hậu quả của chủ nghĩa “Tân Thực Dân” mà các nước tây phương đã đề ra sau thế chiến thứ 2, thay vì chiếm đóng các thuộc địa và ngày nay Trung Cộng áp dụng rất cực kỳ dã man hơn người tây phương.

Hoa Kỳ và Nhật Bản thành lập Japan-US Mekong Partnership, hầu giúp đỡ các nước ở vùng hạ lưu để bảo vệ quyền lợi của họ ở vùng này. Tháng 8 vừa qua, ở Thái Lan, ngoại trưởng Hoa Kỳ cho hay Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ chi 14 triệu đô la để giúp chống các vụ bán người qua biên giới, và thuốc phiện do người Tàu đem sang bán các nước này.

Số tiền này quá ít ỏi so với 1 tỷ đô la mà Trung Cộng đầu tư vào Cao Miên hàng năm.



Như phép lạ, gần đây báo chí Việt Nam đưa tin bắt người Tàu chuyên chở thuốc phiện ở Việt Nam. Mình đọc tài liệu của tây thời xưa, họ kể là khi người Pháp đến Việt Nam thì 45% người Việt bị nghiện á phiện, do các nhóm người tự kêu là Hảo Hớn với chiêu bài Phản Thanh Phục Minh. Họ đem thuốc phiện sang Việt Nam buôn bán để có tiền làm kháng chiến chống nhà Thanh, phục lại nhà Minh.

Ngày nay, Trung Cộng dùng kế này đem thuốc phiện, thuốc lắc bán đầy Việt Nam mà lần trước về Việt Nam, mình có thấy nhiều bảng panneau to đùng, kêu gọi người dân “nhiệt liệt” bài trừ ma tuý.

Nếu người Việt có đến 45% bị nghiện ma tuý như xưa trước khi thực dân tây sang thì chả cần đánh đấm gì cả, Trung Cộng sẽ tóm gọn Việt Nam như vài ba tên lính tây ngày xưa, cầm mấy khẩu Mousqueton bắn vài phát là quan triều đình nhà Nguyễn quỳ xuống quy hàng.

Thầy Hứa Hoành nói là đồng bằng sông cửu long giàu có, trù phú nên mình không hiểu khi đọc tin các cô gái miền tây phải đi lấy chồng bên tàu, Đài Loan hay HÀn quốc.

Cách đây mấy năm, mình có dịp đi miền tây hai ngày thì mới thất kinh. Hai ngày thì không thể quan sát nhiều nhưng mình thấy bờ kè, đất xụp, nạn cát tặc và nghe nói nước lợ, nước từ biển chạy vào hoà với nước ngọt khiến trồng trọt bị chới với.

Nghe nói đại học Cần Thơ đang có toán nghiên cứu để làm lúa trồng với nước lợ hay trồng loại khác, nuôi thủy sản,… theo mình thì quá muộn. Thật ra Hà Nội đã biết trước cách đây mấy chục năm vì có nghe kể là ông Võ Văn Kiệt dự tính sẽ đi Hoà Lan để nghiên cứu về cách làm đê của họ nhưng qua đời.

Đọc báo địa phương, họ chụp ảnh mấy lãnh đạo đi Hoà Lan để học cách làm xổ số, giúp người nghèo bán vé số để đóng thuế họ.

(Hình ảnh lấy trên Internet, không biết tác giả, cảm ơn)

Chán Mớ Đời
Nhs