Trăng 2014


Trăng 2014

Từ ngày dọn về căn nhà này thì mình có cơ hội ngắm trăng vào những ngày rằm hơn. Từ cửa sổ của phòng mình nhìn ra, thấy ánh trăng sáng làm nhớ đến những ngày tháng còn sinh sống tại Đà Lạt. Nhiều đêm, mình ngồi tập thở bụng, ngắm trăng.

Mình sống ở nước ngoài được 40 năm nhưng vẫn không bao giờ quên những đêm trăng rằm của thời còn sinh sống tại Đa Lạt. Mình hay bắt chước con nít trong xóm hay hát: "đêm nay trăng sáng quá anh ơi , sao tim em lạnh lẽo như cà rem nằm trong thùng,..." Sau này đi kiếm vợ mới hiểu được lời bài hát, rũ mấy cô đi dã ngoại , ngắm Thiên nhiên hay trăng rằm thì họ nhìn mình như thằng điên, họ chỉ thích lao đầu vào các tiệm mua sắm, thánh đường thời trang.

Gặp cô nào công giáo, mình hay kể đoạn trong  Thánh Kinh,  Thánh Matthew nói: "Và các ngươi lo nghĩ làm chi v phđồ mc? Hãy ngm xem hoa hu ngoài cánh đng, chúng mc ln lên như thế nào. Chúng chng h lao kh, chúng cũng chng kéo ch, và tuy nhiên ta nói cùng các ngươi rng dù cho Solomon vinh quang biết my, cũng không ăn mđược bng mt trong nhng hoa y... Vì vy cho nên, ch lo nghĩ gì cho ngày mai, vì ngày mai s t lo nghĩ cho mi s ca ngày mai." , càng làm họ chạy xa, không bao giờ gặp lại. Chán mớ đời!

Hôm trước, gọi điện thoại nói chuyện với bà cụ thì nghe nói nữa thành phố Đà Lạt bị cúp điện khiến mình nhớ đến những đêm xưa, khu phố của mình bị cúp điện, phải học bài dưới ngọn nến hay đèn dầu. 

Dạo ấy Đà Lạt hay bị cúp điện nên con nít hay chơi ngoài trời những đêm có trăng. Đà Lạt có trạm biến điện, ở đường Lê Quí Đôn, gần góc đường Hùng Vương. Hồi nhỏ mỗi lần khóc, người lớn hay dọa kêuông Tây nhà đèn. Mình nhớ trên đường Lê Quí Đôn, lâu lâu thấy một ông Tây già, chống cái ba toong, say rượu, cứ đi loạng choạng. Sau này, chính phủ của ông NCK đuổi tây về Pháp thì không thấy ông ta nữa.

Mình đoán khi Tây thành lập trạm biến điện từ thác Cam Ly về thì chắc họ dự trù dân cư độ 10,000 hay 20,000 nhưng vì chiến tranh nên dân ở quê, chạy giặc vào sinh sống tại Đà Lạt nên số lượng điện của nhà đèn, không đủ cung cấp cho nhu cầu thị xã nên hay bị cúp điện. Nhiều người cắm dùi, xây nhà dựng vài tấm tôn, vách gỗ rồi câu điện lậu, không có đồng hồ điện nên chính phủ thất thoát chi thu.

Dạo đó bóng đèn được sản xuất tại Chợ Lớn, có thể nói là rất mờ, không nhớ là bao nhiêu Watt hay bị cháy bóng, phải thay hoài. Còn đèn bóng trắng thì không sáng nỗi, cứ nhấp nháy như ánh mắt của cô gáidậy thì. Nhà mình có gắn cái máy nhỏ làm tăng thêm điện. Mỗi lần bị cúp điện là phải tắt công tắt vì nếu để nguyên thì khi có điện lại, thì dòng điện mới chạy lại, có thể khá cao sẽ làm cháy bóng đèn. 

Mỗi lần bị cúp điện thì phải thắp đèn cầy rồi thắp đèn dầu lửa, sáng ra, khói bám đầy lỗ mủi. Lâu lâu, nghe ai hát "ánh điện câu,....đèn mờ,..." làm mình nhớ đến thời niên thiếu, học bài dưới ánh đèn dầu hay nến, bị mấy con muỗi sa vào dưới bàn, cắn, hút máu mấy anh em, con cháu của địa chủ...Có lần mình được một cô bạn ý, mời về quê nội chơi. Mùa đông lạnh nên cả nhà xúm nhau tại chuồng bò để sưởi ấm vì mấy con bò tỏa ra hơi ấm trong đêm đông. Khung cảnh rất đẹp như một tấm tranh của Poussin tuy mùi nước tiểu và phân bò khá đậm đà.

 Ngày nay, kể cho con nghe chuyện ngày xưa, bọn chúng nhìn mình như người điên. Chúng chỉ cần cái dùng cái iPhone là có thể hạ thấp hay tăng ánh sáng của căn phòng hoặc trước khi về nhà là bấm iPhone, mỡ máy lạnh hay máy sưởi cho nhà mát hay ấm trước khi về. Kỹ thuật đã làm thay đổi cuộc sống của con người với một vận tốc quá sức tưởng tượng.

Mỗi lần có trăng, con nít trong xóm hay ra chơi. Mình cứ nhìn lên Chị Hằng, cố nhìn cho ra chú Cuội, ngồi dưới cây đa. Mình nghe nói cây Đa trong các bài học Việt Văn nhưng cả đời chưa bao giờ thấy. Sau này về thăm quê nội ở Sơn Tây thì mới biết cây đa đầu làng ra sao.  

Rằm tháng 7 thì con nít đều vui vì là Trung Thu hay còn được gọi là  Tết Cô Hồn. Gia đình nào theo Phật Giáo thì đi chùa, làm lễ Vu Lan, mùa báo hiếu. Lại được nghe bài "bông Hồng cài áo" của ông Nhất Hạnh được Phạm Thế Mỹ phổ nhạc. Nghe kể ông Nhất Hạnh du học bên Nhật thì có tham gia ngày lễ về Mẹ. Ai còn mẹ thì được tặng một bông Hồng màu đỏ còn ai mất mẹ thì được bông Hồng màu trắng. Ông ta mất mẹ nên được tặng bông hồng màu trắng nên làm bài Thơ nhớ mẹ.

Mệ ngoại dặn mình cúng ngày 14 vì kiêng ngày rằm. Nghe nói ngày rằm thì cô hồn, thoát ngục nên không dám cúng vì sợ cô hồn chạy vào nhà nên Phật tử chỉ cúng ngày 14. Chùa tổ chức lễ Vu Lan để nhớ đến ông Mục Kiều Liên, chăm chỉ tu tập, nhớ mẹ là bà Thanh Đề, một người gian thương, có nợ máu với nhândân, sau chết bị cho xuống địa Ngục. Ông MKL xin Phật cho xuống địa Ngục để thăm mẹ. Gặp mẹ kêu van đói nhưng mỗi lần ông ta đút cơm cho mẹ thì cơm biến thành lửa,... Sau đó ông ta thương mẹ nên cõng mẹ chạy ra khỏi 9 tầng địa Ngục khiến cô hồn quỷ sứ, canh me chạy theo. Vì vậy dân gian hay kháo nhau nên chết đầu tháng 7 vì rằm tháng 7 là được thoát Ngục.

Mình nghe người lớn bảo là ăn cơm mà bỏ mứa thì sau này chết xuống địa Ngục, phải đi lượm mấy hạt cơm đã bỏ mứa mà ăn hay đầu thai làm heo để ăn đồ bỏ mứa nên sợ không dám bỏ mứa. Cái thói quen ấyvẫn theo mình đến ngày nay. Nhớ dạo mới sang Tây, được một gia đình Tây mời ăn cơm. Mình tuy no nhưng phải cố ăn cho hết. Bà đầm chủ nhà lại tưởng mình đói nên bới thêm đồ ăn cho mình lại phải ăn cho hết. Chán mớ đời!

Trong xóm có thằng Trâu, con anh Bình, không nhớ tên cúng cơm của nó, chỉ biết hồi bé nó có bãi cứt trâu trên đầu, nên trong xóm gọi là Trâu vì nghe nói ai đi đầu thai, được ăn cháo lú để quên đi quá khứ của mình. Con nít sinh ra mà cô Mụ không lau chùi kỹ thì bãi cứt trâu vẫn nằm trên đầu thì học dốt. Ngày nay, ở Bolsa, không đi đầu thai, chỉ cần ra cà phê lú, là bị bệnh lú lẫn.

Nhớ lần đầu tiên về thăm nhà thì cũng đúng vào rằm tháng 7. Dạo đó, nhà nước mới bắt đầu đổi mới nên Đà Lạt còn te tua lắm, phố xá vẫn như thời trước 75, chỉ khác là cũ kỉ, không được sơn phết từ 20 năm qua. Dân tình còn nghèo chớ không như ngày nay. Mình thấy bà cụ làm mấy cái bánh dẻo, cúng Phật rồi chia cho mọi người ăn vì bánh nướng khá đắt. Mình không thấy con nít rước đèn như mình khi xưa. Tối Trung Thu, mình có đi ra phố chơi với mấy cô em trong không khí khá tưng bừng tương tự như đêm Gíang Sinh trước 75. Trai gái rũ nhau ra phố, ăn chè, xe Honda chạy đầy đường, dạo đó thì ít có xe Hondanhư trước 75 nên thanh thiếu nữ đều cuốc bộ.

Cứ mỗi lần trăng rằm là mình lại nhớ câu chuyện về con dê của ông Seguin ( La chèvre de Monsieur Seguin). Hồi nhỏ thì thấy thương con dê nhưng không hiểu tại sao nó lại không nghe lời ông Seguin, bò lên núi để bị ăn thịt. Dần dần lớn lên mình mới bắt đầu hiểu câu chuyện ngụ ngôn của Alphonse Daudet. 

Ông Seguin có 6 con dê được nuôi trên cánh đồng có hàng rào để tránh chó sói ăn thịt. Nhưng mấy con dê cứ tò mò muốn biết trên núi có cái gì nên cứ từ từ bỏ trốn lên núi và bị chó sói ăn thịt. Cuối cùng chỉ còn một con dê tên là Blanquette, ông Seguin dặn là không được lên núi vì có con chó sói dữ sẽ ăn thịt nhưng rồi rồi con Blanquette, cũng vượt rào trốn lên núi, để rồi phải chống chọi với con sói đến khi kiệt sức và bị ăn thịt.

Từ từ lớn lên, mình cảm thấy Đà Lạt nhỏ bé, mình muốn đi xa, tới một khung trời nào, đi Giang Hồ cho biết đó biết đây. Mình như con dê của ông Seguin, bị giới hạn bởi  khung cảnh, không gian Đà Lạt. Mình muốn đi du học nhưng mọi người đều lắc đầu, cười chế diễu hay bảo sang đó cực lắm, ở nhà có cha mẹ lo sướng lại muốn khổ. Tương tự sau này những người vượt biển, dù biết có thể bị Hải tặc cướp giết hay bị bảo tố nhưng họ vẫn ra đi tìm tự do.

Mùa Vu Lan năm nay, vợ mình rất buồn vì phải đưa bà cụ của vợ vào nhà thương rồi viện dưỡng lão. Từ ngày bà cụ sang mỹ thì có mướn người lo cho cụ nhưng gần đây, bà cụ yếu đi, mất trí nhớ rồi bị nhiễm trùng trên người nên phải đưa vào bệnh viện. Bác sĩ khuyên đưa vào viện dưỡng lão để có y tá chăm sóc vì người giúp bà cụ cũng lớn tuổi, không biết lo về vết thương, nay lại bị nhiễm trùng đường tiểu. Hôm qua, đi mua áo quan và trả tiền trước cho việc ma chay cho Peek Family vì bà cụ đã mua đất bên cạnh ông cụ vợ mất cách đây 10 năm.

Vẫn biết là tuổi nào cảnh nấy nhưng không biết làm gì để vợ bớt buồn. Ông trời sinh con người ra cũng hay. Ông ta cho người già bị bệnh lãng trí để con cháu quen dần, chuẩn bị cho sự tống biệt, chia tay người thân để đi tiếp cuộc hành trình còn lại của mình cho những ngày còn lại. Hôm trước , dẫn thằng con vô thăm bà ngoại rồi nói cho nó về kinh Pháp hoa, có hợp rồi có tan. Bố con mình đi chung một đoạn đường đời rồi một ngày nào đó, phải chia tay. Đó là luật của vũ trụ.

Sơn