Cha con làm vườn

 Mấy tuần nay, mình thay lại hệ thống ống nước của vườn. Cuối tuần kêu hai đứa con lên vườn, trai gái gì cũng bắt cuốc đất hết. Đồng chí gái than bạn anh, họ kêu con gái là “công chúa” còn anh thì bắt nó cuốc đất. Có hôm chúng hái bơ bán thì cho hết tiền. Cứ hái được bao nhiêu thì mấy người bán ở chợ nông dân (farmers markets) đến mua để bán lại, trả tiền, cho chúng hết.

 

Hệ thống cũ sử dụng các ống nước đường kính 1/2 inch, mỗi cây có 1 đầu tưới. Vấn đề là vườn mình ở cạnh một khu vườn thiên nhiên của tiểu bang nên có coyote, mèo rừng. Thêm nữa có loại sóc và các thú khác lai vãng khá nhiều trong vườn nên chúng cũng cắn các vòi nhỏ để uống nước nhưng ít hư hại hơn. Nước vẫn chảy xung quanh cây trong khi các con coyote cắn phá thì nước chảy khơi khơi cả ngày cả đêm, đến khi mình lên vườn, kiểm tra để thay hay sửa chửa.



Khi xưa, mưa nhiều nên có dòng suối trong công viên tiểu bang để chúng uống nước, nay hạn hán, đói nên chúng kéo nhau đến vườn mình, cắn phá các vòi nước để uống nước. Mình có mua mấy thùng nước để rãi rác trong vườn để chúng uống nhưng chịu. Không huấn luyện chúng uống trong thùng nước được.

 

Sát cạnh vườn mình là một chung cư, có nhiều người già ở, họ thương thú vật nên hay đem thức ăn còn dư đến trước vườn mình để cho thú hoang ăn. Khi mình mua cái vườn, lần đầu tiên đến vườn vào buổi sáng thì thấy 12 con coyote , ngồi đợi thiên hạ đem thức ăn đến. Mình phải làm hàng rào, cổng để thiên hạ không đem thức ăn đến bỏ trước cổng vườn.

 

Tiểu bang cho mình năm ngoái tiền để làm lại hệ thống nước chính. Năm nay, mình đang xin làm lại hệ thống nước tưới. Chưa có tin tức gì cả nhưng cứ làm trước. Nếu được chấp thuận thì tốt còn không thì cũng phải làm.

 

Một khi thay xong hệ thống tưới mới thì không sợ bị thú hoang cắn phá, hao nước, sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền. Hệ thống mới sẽ dùng loại ống nước PVC, schedule 40, được chôn dưới đất, chỉ có cái đầu tưới lòi ra ngoài nên khó cắn phá dù là răng coyote.

 

Mình có anh thợ phụ mình ngày chủ nhật. Trong tuần anh ta làm cho hãng, cuối tuần nghỉ thì đến làm thêm cho mình. Mình phải chuẩn bị hết trong tuần, thứ 7 thì kêu hai đứa con lên phụ để chủ nhật, anh thợ đến chỉ có việc đào đất để chôn ống nước cho nhanh và gắn các ống nước với nhau. Còn hai tuần nữa thì xong. Làm việc trong tuần thì trung bình mình đi bộ mỗi ngày 5 dậm.

 

Được cái lên vườn thì cha con có cơ hội nói chuyện với nhau, như thời chở chúng đi học. Con gái mình hôm qua, nhận xét thấy bạn mỹ, chúng hay chia sẻ thức ăn của họ, dù họ bỏ tiền ra mua, kêu mình ăn thử nên nó cảm thấy, cần phải chia sẻ hơn.

 

Nó nói người á châu mình thì tích luỹ (hoarding) còn người ngoại quốc thì họ cho, chia sẻ hơn. Mình kể con gái là người Việt mình lạ lắm. Bố mẹ mời bạn bè lên vườn chơi, hái lộc. Người Mỹ, chỉ hái độ 1 bị nhỏ, độ 5-10 trái là xong, trong khi người Việt, dù lợi tức họ cao như bác sĩ, dược sĩ,…không thiếu thốn nhưng họ hái như điên. Họ đem mấy túi lớn lên, rồi mượn thêm mấy thùng của bố để hái, dù nhà có hai vợ chồng, con cái ở xa. Có bà ở một mình mà hái đâu 12 bị, nói để cho con, đồng nghiệp và hàng xóm. Chỉ có một cặp vợ chồng bác sĩ người Việt, chỉ hái độ một bị, kêu đủ cho họ. Người Việt thích làm việc nghĩa, không tốn tiền, bằng cách dùng của người khác để tặng bạn bè, của chùa để có tiếng. :)

 

Nghe con gái nhận xét khiến mình nhớ đến một stt của ông Vương Trí Nhàn, nói về tâm lý của người Việt, đói khổ khi xưa trong thời bao cấp, nay giàu có lên thì cái đói khổ xưa, vẫn đeo đuổi họ đến nay mà thậm chí, di truyền.

 

Trích “

KHI ĐÃ BIẾN DẠNG , 

TÂM LÝ TÍNH CÁCH CON NGƯỜI 

KHÓ LÒNG TRỞ LẠI BÌNH THƯỜNG 

 

  Nghĩ về tác động của  nghèo đói tới tính cách con người,  ta hay  cho rằng khi con người đã khá giả lên cụ thể là  không còn đói kém nữa  thì họ sẽ trở lại con người bình thường và mọi thói xấu nảy sinh do đói kém sẽ tiêu biến. 

Nhưng không phải vậy.

Nhà nghiên cứu Diệp Đình Hoa  khi nghiên cứu về nạn đói kém ở Bắc Bộ trước 1945  từng nhận xét rằng đói kém không phải chỉ là 

chuyện đứt bữa, do đó qua nhanh mà -- do chỗ nó kéo dài trong thời gian dài qua nhiều thế hệ -- nên về sau, khi đã đủ miếng ăn rồi, con người và cộng đồng  vẫn bị tâm lý đói kém chi phối. 

Kết luận đó cũng  có thể áp dụng cho con người thời nay. 

Nhiều người nghèo khó hôm qua, nay do luồn lọt do xoay sở giỏi đã giàu lên và tỏ ra rất hoang phí. 

Nhưng đó chỉ là một phần mặt trái của tâm lý hôm qua.

  Còn đại thể  nhiều người trong họ vẫn tầm thường hèn hạ, dửng dưng trước nỗi đau khổ của người khác và không bao giờ đặt quyền lợi của xã hội lên trên quyền lợi của mình.

Tóm lại biến dạng một lần là biến dạng mãi mãi. (Hết trích)

 

Vợ chồng anh bác sĩ chỉ hái có 1 bị nhỏ, bố mẹ sang đây năm 75, gia đình rất giàu ở Việt Nam khi xưa, còn cô vợ thì gia đình sang Hoa Kỳ trước 75, cũng khá giả nên họ không bị cái đói của thời bao cấp dày vò hay cái nghèo trước 75.


Có lần mấy ông bạn tiến sĩ lên vườn chơi với vợ thì họ ngõ ý mua bơ của mình đem về.

 

Trong khi mấy người bác sĩ khác thì đi tỵ nạn, có trải qua thời bao cấp, như ông Vương Trí Nhàn giải thích, tâm lý cái đói, cái nghèo vẫn đeo đuổi nhiều thế hệ.

 

Mình vẫn còn bị căn bệnh này. Khi xưa, đi học, bạn bè tây đầm xài bút chì có phân nữa rồi quăn, mình lượm để xài tiếp, đỡ tốn tiền mua. Ấp quần thì các nhà thờ phát chẩn để bận. Ngày nay, mình vẫn giữ thói quen ấy dù đã ở hải ngoại gần 47 năm. 

 

Con mình sống với mình từ bé, thấy bố mẹ hà tiện, ăn uống không bỏ mứa, ít chia sẻ nên chúng cũng bị uốn nắn từ bé theo thói quen này với câu nói “khi xưa, bố mẹ ở Việt Nam....” nên ngày nay, hệ quả là giúp con mình tích luỹ thay vì chia sẻ như người Mỹ. Nếu không có sự chia sẻ của người Mỹ thì người Việt tỵ nạn, không bao giờ đến xứ này được.

 

Mình kể; khi gia nhập các hội từ thiện như Lions International, hay Toastmasters,… sinh hoạt với người Mỹ, thấy họ dấn thân, quyên tiền, để giúp đỡ các người nghèo nên dần dần bố bắt chước họ, cũng đóng góp, tham gia vào các chương trình xã hội. Mình có tặng cho hội một chiếc xe van, để chở học sinh nghèo lên núi nghỉ hè ở câu lạc bộ của hội. Tuy xe cũ nhưng mình cảm thấy sung sướng, hạnh phúc đã làm gì đó tốt đẹp cho đời.

 

Năm ngoái, đại dịch xẩy ra, bạn bè rũ mình tham gia chương trình Mask Save Lives, con mình theo dõi, thấy nhấn “like” hay chương trình giúp đỡ vụ bão lụt miền trung. Những gì mình làm thì con cháu sẽ bắt chước. Mình chụp hình để bỏ lên Facebook để câu Like thì con cháu cũng sẽ bắt chước câu like. 


Mình để ý người quen, lên đồ chụp ảnh câu like thì con của họ của tương tự, tải vớ vẫn hình ảnh để câu like như bố mẹ chúng. Trong thời bao cấp, chúng ta đói, nay chúng ta cũng khát về danh vọng, đẳng cấp nên cứ lên đồ, bà già 60 bận đồ như tuổi choai choai, tạo dáng, photoshop để câu like. Chán Mớ Đời 

 

Mình hơi tiếc là không giác ngộ cách mạng sớm vụ này, để có thể dạy dỗ con mình sớm hơn. Cũng không muộn. Nay mình được mời lên đài truyền hình, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, đầu tư. Một cách cho đi, sẽ giúp con mình hiểu thêm là cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận từ người ta.

 

Mình nhận ra khi “cho đi” thì hạnh phúc nhiều, còn khi ”nhận“ thì có gì khó khó, ấm ức, đau đau trong lòng. Thấy bạn bè, đem con cháu lên vườn chơi, hái trái, tạo cho gia đình họ một ngày vui, lòng thấy vui hẳn. Trong vườn có cả triệu trái nên họ hái nhiều cũng chẳng mất mát gì cả. Họ vui là mình vui. 

 

Tuần rồi, có một gia đình quen, cả 3 thế hệ, ông bà con cháu lên vườn mình chơi, hái lộc đầu xuân. Hai ông bà vui lắm, cứ cảm ơn rối rích, đã cho họ một ngày vui. Các cháu được hái trái, hít thở không khí trong lành của thiên nhiên, thay vì cứ ôm máy điện toán để chơi game điện tử.

 

Con gái kêu đại dịch đã thay đổi cách sống rất nhiều. Nó làm việc ở nhà, chưa bao giờ đối mặt các đồng nghiệp, chỉ nói chuyện qua Zoom. Ai cũng làm việc ở nhà, có người đang ở Mễ Tây Cơ. Có thể làm việc bất cứ nơi nào trên thế giới.

 

Thằng cháu và cô Bồ sắp sửa làm đám cưới, đến nhà hỏi mình cách mua nhà. Cả hai đều làm việc tại nhà, kêu công ty đã vĩnh viễn đóng cửa, ai nấy đều làm việc tại nhà. Chúng đòi mua nhà 1 triệu, hai người mà đòi mua 5 phòng. Lý do làm việc ở nhà, mỗi người cần một phòng riêng. Kinh

 

Nguyễn Hoàng Sơn

Đàlạt xưa qua các hình ảnh cũ #3

 Hôm trước, người dì tải lên Facebook tấm ảnh của nhà dì ở đường Duy Tân khiến mình chợt nhớ đến khúc đường này, nhiều kỷ niệm, khi học hè với dì vào cuối năm 8ème. Mẹ mình từ Huế vào Đàlạt năm 15 tuổi, sinh sống với gia đình ông Phúng đến khi đi lấy chồng. Thật ra, tiệm Hiệp Thạnh, lúc đầu ở đường Nguyễn Biểu, góc Minh Mạng thì phải, cạnh tiệm vàng của ông Bùi Duy Chước, bố của bà Bùi Thị Hiếu. Sau này ông bà Phúng xây căn này rồi dọn về đây, cho thuê căn cũ. Hồi nhỏ, dì Thương, con gái đầu của ông bà, nay đã qua đời, hay dắt mình đến tiệm cũ cho thuê, lấy tiền nhà. Mình bắt đầu học nghề cho thuê nhà từ dì Thương. Lười học hành như mình, thích vụ không làm mà có người đưa tiền cho xài hàng tháng.

Hôm qua, mình hỏi người mướn nhà, họ xin trả thêm $300/ tháng khiến mụ vợ mình kêu tội nghiệp họ. Căn nhà mình mua cách đây 20 năm, đặt cọc $3,000 chủ nhà cho mượn $360,000, nay cho thuê $4,650/ tháng. Kinh. Vợ mình, có cái tâm tốt, cứ kêu tội nghiệp người mướn nhà, còn mình thuộc thành phần con cháu địa chủ, suýt bị giết trong cuộc đấu tố ngoài Bắc nên phải tăng vì hai năm qua chưa tăng giá. Năm ngoái tính tăng nhưng bị covid nên Cali ra luật cấm.

Lúc đầu tiệm Hiệp Thạnh, bán vãi và các loại khác như huy hiệu quân nhân, nhất là của sinh viên võ bị. Sau này người dì ra trường nên mở tiệm thuốc Tây. Ông chồng cũng dược sĩ, nếu mình không lầm thì cho tiệm thuốc tây Minh Tâm, đường Duy Tân, gần đó do vợ chồng chú Phấn mướn bằng.

Trong hình thấy ông bà Nguyễn Văn Phúng, dì Thanh, ông chồng bận quân phục, đi vượt biên cùng ghe với người em trai của mình. Dượng là em rể của thầy Phạm Kế Viêm. Ở giữa là bà Võ Quang Tiềm, chị của ông Phúng và mấy người khác thấy quen nhưng sau 50 năm thì trí nhớ mình cũng đã trả nhớ về không. Bên trái là cậu Miên, kiến trúc sư ở Pháp, mình có gặp khi mới sang Pháp, cậu xúi mình học kiến trúc, vừa đi học vừa đi làm được. Có mợ Tri và một người nữa quên tên hình như dì Bá.

Bên cạnh là nhà số 11A Duy Tân, tiệm Hoàng Lâm bán đồ gỗ, kêu bà cụ mình mua giá đâu dạo đó 2 triệu đồng nhưng bà Phúng cản, kêu là số 13 xui xẻo, vì tiệm Hiệp Thạnh 11, bên cạnh là 13 nhưng mình xem hình thì thấy họ đề 11A. Phải chi bà cụ mua, đổi tên tiệm thành Hoàng Sơn thay vì Hoàng Lâm. Mình không phải cuốc đất lấy đất ở nhà mình để xây nhà, tốn 500,000 thời đó. Chán Mớ Đời 

Mình nhận được tin nhắn của ông thần ở số 11A  ông ta cho biết bố mẹ mua căn này khi ông ta còn chưa ra đời  có đổi lại số 11A  ông ta kể nhớ dì Thương và cậu Mạnh bên pháp về năm 1973 với gia đình  cuộc đời lạ vì đâu đâu lòi ra những người khi xưa ở Đà Lạt  

Nghe kể ông Phúng và ông Võ Quang Tiềm, lúc vào Đàlạt, làm thợ may. Đúng lúc người Pháp cho xây đường rày xe hoả nên hai anh em may áo quần rồi gánh 3 ngày 3 đêm, đem xuống đèo Ngoạn Mục bán cho thợ làm đường. Nhờ đó mà có tiền, mua nhà cửa, giàu lên. Giả từ nghề Fashionmaker.

Hình ảnh của người Việt và người thượng xây dựng đường xe lửa SOng Pha và Đà Lạt. Nghe người Pháp cho biết là tối thiểu có trên 30,000 người chết khi xây dựng con dường xe lửa này để rồi Việt Cộng sau 75 đem bán lạc xoong chi Thụy Sĩ.

Thấy chiếc xe gắn máy của ông Đàng, em của ông Phúng và bà Võ Quang Tiềm, của tiệm Long Hưng, số 9 Duy Tân. Tấm ảnh này đưa mình về nhiều kỷ niệm của thời sinh sống tại Đàlạt. Tiệm Long Hưng và Hiệp Thạnh, chắc sinh viên Võ Bị khi xưa không quên vì mỗi lần được gắn Alpha là ra đây mua để gắn lên áo. Nếu không biết may thì ông Đàng và Ông Phúng may thêm tiền công. Hồi nhỏ mình hay vào nhà nên hay thấy sinh viên Võ Bị cuối tuần vào đây mua huy hiệu và dê gái vì mấy bà dì, con ông Đàng và con ông Phúng rất đẹp như dì Luận, có thể xem là hoa khôi một thời Đà Lạt. Có chị nào liên lạc kể khi xưa đi xe lam đến trường với dì Luận mà mê đến giờ  mình hỏi dì Luận thì dì kêu không nhớ gì cả dù có gửi hình của chị này cho dì  Chán Mớ Đời 

Ông Đàng khi còn sống, mỗi lần mình về đều vào thăm ông. Có lần, chưa kịp vào thăm thì ông đã chạy xe gắn máy lên nhà mình dù đã 90 tuổi. Bà Đàng thì bà con bên vợ mình, trên nguyên tắc gọi đồng chí gái là O. Hôm trước, gặp em của hai chị bạn khi xưa, khám phá ra là cháu của ông Võ Đình Dung, ông bố là em của ông Dung. Kinh

Sau Mậu Thân, Việt Cộng nằm vùng hay về bắt lính, ở khu Số 4 hay xử tử các người làm việc với chính quyền Việt Nam Cộng Hoà nên đến tối ông cụ đem mình hay ra đây ngủ. Dạo ấy ra phố ở nhà lầu sao thấy cực sang. Chỉ nhớ là đến giờ giới nghiêm là nghe tiếng còi hụ ở khu Hoà Bình.

Mình nhớ vào nhà, có một căn phòng để hai cái hòm chình ình khiến mình rợn tóc gáy. Khi xưa, người lớn tuổi, hay mua hòm sẵn để khi qua đời, có hòm mà chôn. May khi Việt Cộng vào, ông bà mất, mới có hòm nếu không sống với Việt Cộng chiếc chiếu cũng không có để chôn. Chán Mớ Đời 

Đây là tiệm Long Hưng số 9 bên cạnh, cũng thấy chiếc xe Honda của ông Đàng, còn chiếc xe Vespa này thấy cũng quen nhưng không nhớ của ai. Ông đàng là em út của bà Võ Quang Tiềm, con đông lắm, nay mấy dì cậu sống rải rác bên Mỹ, bên Úc và một số ở Đà Lạt. Mình tính có dịp lên San Jose để thăm mấy người bà con, và đi Úc để thăm dì Thanh. Hy vọng sang năm đi được.

Đặc biệt là thấy lại mấy cái lò nấu bằng dầu hôi bán trong tiệm, thời gian này người Việt tại miền nam đang chuyển từ nấu bằng lò than 3 cẳng sang lò dầu hôi. Nhà giàu thì họ có xài lò bếp nấu bằng ga Propane, mua ở tiệm Đức Xương Long.

Khúc này chụp khách sạn Thuỷ Tiên số 7 Duy Tân, thấy 2 tiệm Long Hưng và Hiệp Thạnh.

Đây là tấm ảnh chụp ngay tiệm Hiệp Thạnh và Long Hưng thời Tây, còn gọi là đường Maréchal Foch. Hồi nhỏ hay hóng chuyện người lớn, nghe họ kêu đường Ma Ri Xanh Phúc, không dám hỏi sợ bị tát tai, đến khi sang Tây mới ngộ ra là tên ông tướng Foch, anh hùng trong thế chiến thứ 1.

Dạo con đường này nhỏ, bề ngang như đường Minh Mạng, Tăng Bạt Hổ, có mấy kiosque như hình trên. Sau đó họ giải toả các kiosque để nới rộng con đường ra, để chạy hai chiều. Vạc đất phía bên tay trái mấy kiosque giáp ranh với trường Đoàn Thị Điểm, được mua và xây nhà lầu 3 tầng, cao hơn phía bên phải, chỉ có hai tầng. Được xây cất đúng theo bảng thiết kế của kiến trúc sư chính Đà Lạt thời Tây Hébrard. Nếu để ý là nhà hai tầng , xây giống kiểu dãy phố trên khu Hoà Bình, dãy nhà Đội Có, Việt Hoa hay Chic Shanghai. Hai tầng, có cái ban-công nhỏ ở lầu hai, mái ngói. Xong om. Nay thì bú xua la mua.

Hình chụp ngược lên Chợ Cũ Đàlạt (khu Hoà BÌnh sau này). Thấy trạm biến điện, sau này được dời vào phía trong khúc trường Đoàn Thị Điểm. Mình nhận được một lời bàn của ai đó, trong một bài khác khiến mình thắc mắc, sẽ tải đây để anh chị nào có thể giải đáp dùm:
Bức tường dưới chử hớt tóc gội đầu sau là quán tạp hóa của mẹ mình hơn 25 năm đến 75
Hàng ngày học về mình phụ giữ hàng cho bà đi chợ mua hàng cau trầu đến 24 giờ khuya với quyển vở học bài 
Kỷ niệm ca thời ấu thơ đến năm 2 đại học”

Quán Hớt tóc gội đầu đã được phá bỏ khi chính phủ cho nới đường Duy Tân thành hai chiều nhưng người còm lại kêu vẫn tồn tại đến 75. Mình đoán chắc họ nhầm với đường khác. Sau trại biến điện là đường Trương Vĩnh Ký, có 3 căn nhà căn đầu tiên là tiệm thuốc Bắc An Dưỡng Đường, thường được gọi là tiệm thuốc COn Của vì huy hiệu là con cua. Mình có tấm ảnh này nhưng mất công lục quá. Huỳnh Quốc Hùng là con của tiệm con cua, học với mình khi xưa, đi du học ở Gia-nã-đại sau mình 3 ngày. Có gặp lại một lần ở Cali, sau đó có một tiệm khác rồi đến tiệm bánh mì Vĩnh Chấn. Nhìn tấm ảnh phía dưới sẽ thấy huy hiệu tiệm con cua. Mình có tấm ảnh khác chụp ngày tiệm thì thấy vẽ 2 con Cua.
Chụp từ tiệm Hiệp Thạnh, nhìn về phía khu Hoà BÌnh. Sau khi nới rộng đường ra. Hình này sau khi họ đã tân trang lại khu Hoà BÌnh, chợ Cũ được đưa xuống CHợ Mới. Hôm nào buồn đời, mình sẽ kể thêm sự khác biệt trước và sau khi tân trang. Mẹ mình bán ở chợ Cũ trước đây, ngay góc tiệm Đồng Hồ Tiến Đạt.


Hình này chụp sau khi con đường được nới rộng ra, chụp từ đầu đường chỗ tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, thấy bảng hiệu tiệm thuốc Con Cua. Bên kia đường, chỗ có hẻm đi xuống Dốc Nhà Làng, sau này là tiệm Trung Việt, bán bánh xe hơi. Hai người con trai học với mình hồi bé ở trường Ấu Việt, nay định cư ở Gia-nã-đại. Họ hàng chi với Phan Đình Diễm.
Chụp từ khu Hoà Bình, nhìn về đầu đường Duy Tân, để nhớ những trận mưa dìa của Đàlạt xưa. Giữa tiệm bên cạnh tiệm thuốc Con Cua và khách sạn Thuỷ Tiên là đường Trương Vĩnh Ký

Tương tự nhưng trong nắng. Thấy tiệm thuốc Tây Minh Tâm của gia đình chú Phấn và cô Mình. Hai người này sinh tại Đà Lạt, đi tù cũng ngày với mẹ mình và được thả cùng ngày. Nay cô chú ở Cali.

Không ảnh cho thấy phía sau đường Duy Tân, khuôn viên của trường Đoàn Thị Điểm và đường Trương Vĩnh Ký. Giữa khách sạn Thuỷ Tiên và trạm biến điện, được dời từ đầu đường Trương Vĩnh Ký, có một đường nhỏ để xe cộ như xe hàng có thể chạy vào để giao hàng cho các tiệm thuộc đường Duy Tân.

Nội bức hình này có thể kể ra nhiều chuyện ở Đà Lạt. Hôm nào rảnh mình sẽ xem lại tấm ảnh này rồi kể ai ở đâu trên tấm ảnh này. (Còn Tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 



Sự thành lập thị xã Đàlạt, Tuyên Đức

 Hồi nhỏ, nghe thiên hạ nói thị-xã Đàlạt thuộc tỉnh Tuyên Đức nên thắc mắc. Sau được giải thích tỉnh Tuyên Đức gồm 3 quận: Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương và thị-xã Đàlạt, được xem là thủ-phủ của tỉnh Tuyên Đức. Có lẻ Đàlạt rộng lớn hơn mấy quận kia nên họ gọi Thị-xã. 

Tỉnh trưởng Tuyên Đức có trách nhiệm hết thị xã và 3 quận kia. Dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Trần Văn Phước, thị trưởng Đàlạt, đứng ra xây chợ Đàlạt và các công trình khác. Có lẻ sau này, chiến tranh lan rộng nên họ để mấy ông sĩ quan cấp tá làm tỉnh trưởng kiêm luôn chức thị trưởng. Tương tự các quận trưởng đều là quân nhân, chỉ có phó quận trưởng là dân sự, đa số tốt nghiệp viện quốc gia hành chánh. Vị tỉnh trưởng cuối cùng của tỉnh Tuyên Đức là đại tá Nguyễn Hợp Đoàn.

 

Mình đọc trên facebook của Phóng Viên Chiến Trường, thấy có phần này nên ghi lại:

Theo tài liệu; tổng thống Ngô Đình Diệm đã ký sắc-lệnh số 261-NV  ngày 19/5/1958, thành lập tỉnh Tuyên Đức gồm 3 quận, 11 tổng, 28 xã (theo Nghị định số 592-BNV/NC7/NĐ ngày 30/10/1958 của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa).

 

Ngoài thị-xã Đàlạt tỉnh Tuyên Đức còn có:

1 - Quận Đơn Dương (Dran cũ) có 4 tổng: Lạc Mỹ, Linh Nhân, Tu Trang, Xuân Lạc. Đơn Dương thì mình có chạy ngang, có hai tên học chung khi xưa.

2 - Quận Đức Trọng có 4 tổng: Dinh Tân, Mỹ Lệ, Ninh Thanh, Sơn Binh. Quận Đức Trọng, Tùng Nghĩa thì hay đi, nhất là ngày Tết vì có người bà con hay cùng làng với ông cụ, tên Đệ. Sau này, có tên học chung lớp hay rũ về đây chơi.

3 - Quận Lạc Dương có 3 tổng: Đa Tân, Nhân Lạc, Phước Thọ. Chỗ này thì mình có đi hồi nhỏ để leo lên Núi Bà, sau này có chạy lại đây với ông cha Leahy của giáo hoàng học viện.

 

Tài liệu lại nói “tổng”, theo mình nhớ thì khi xưa họ kêu ấp hay phường, chưa bao giờ nghe từ Tổng. Có lẻ người viết là của chính quyền sau 75. Ai biết rõ thì cho mình hay. 

 

Tên Đàlạt khá đặc thù vì có 2 giả thiết:

 

Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch, tên gọi của con suối Cam Ly. Khởi nguồn từ huyện Lạc Dương, dòng suối Cam Ly chảy qua khu vực Đà Lạt theo hướng Bắc – Nam, trong đó đoạn từ khoảng Hồ Than Thở tới thác Cam Ly ngày nay được gọi là Đạ Lạch. Theo ngôn ngữ của người Thượng, Da hay Dak có nghĩa là nước, tên gọi Đà Lạt có nghĩa nước của người Lát, hay suối của người Lát (người Cơ Ho). 

Trong một bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Revue Indochine tháng 4 năm 1944, công sứ Cunhac, một trong những người tham gia xây dựng thành phố từ ngày đầu, đã nói: "Cho mãi tới những năm sau này, khung cảnh ban sơ vẫn không có gì thay đổi. Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lát đã chảy qua và người ta đã gọi suối này là Đà Lạt".


Những người có công kiến thiết thành phố còn sáng tạo một câu cách ngôn khéo léo bằng tiếng La Tinh: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem, có nghĩa “Cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khỏe”. Ông André Morval đã viết câu cách ngôn chiết tự này ở đầu một bài báo nhan đề Dalat: Cité de la Jeunesse với nội dung: "Những người khai sinh ra nơi nghỉ mát trên miền núi danh tiếng của chúng ta đã xác định một cách rất hợp lý những nét hấp dẫn và những đặc tính tốt bằng một câu cách ngôn ghép chữ đầu rất khéo léo để liền theo huy hiệu thành phố".

 

Chợ Cũ Đàlạt, phía trước, họ có làm bản hình tròn ghi Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem (DALAT), sau này bị cháy, họ tháo bỏ di tích của người Pháp. Xem hình dưới

Khu Hoà Bình được sửa lại sau 1962, biến chợ thành rạp xi-nê phía trong, xung quanh là các tiệm nhỏ.

Năm 1937, khi xây dựng chợ Đà Lạt mới, khu Hoà BÌnh, thay cho ngôi chợ cũ bằng gỗ bị cháy, người ta đã đề dòng chữ Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem trên tường đầu hồi của công trình, phía trên là huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc. 

 

Vùng cao nguyên Lâm Viên từ xa xưa là địa bàn cư trú của người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. 

 


Cuối thế kỷ 19, nhiều nhà thám hiểm người Pháp đã thực hiện những chuyến đi xuyên sâu vào vùng đất này. Tiên phong trong số họ là bác sĩ Paul Néis và trung úy Albert Septans với chuyến thám hiểm thực hiện đầu năm 1881. 

 

Năm 1893, nhận nhiệm vụ từ Toàn quyền Jean-Marie de Lanessan, bác sĩ Alexandre Yersin đã tiến hành khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên qua vùng đất của người Thượng và kết thúc ở một địa điểm trên bờ biển Trung Kỳ. 

 

Ngày 21 tháng 6 năm 1893, trên hành trình thám hiểm, Alexandre Yersin đã tới cao nguyên Lâm Viên. Xem hình dưới



 Năm 1897, trong khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng (station balnéaire d'altitude) cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer gửi thư hỏi ý kiến Alexandre Yersin. Khi nhận được thư của Paul Doumer, Alexandre Yersin gợi ý chọn cao nguyên Lâm Viên, một vùng đất lý tưởng thỏa mãn đầy đủ các điều kiện: độ cao thích hợp, diện tích đủ rộng, nguồn nước bảo đảm, khí hậu ôn hòa và có thể thiết lập đường giao thông. 

 

Cuối tháng 3 năm 1899, Paul Doumer cùng với Alexandre Yersin đích thân đến khảo sát thực tế tại cao nguyên Lâm Viên.



Dự án xây dựng Đà Lạt bị gián đoạn khi Toàn quyền Paul Doumer trở về Pháp vào năm 1902 và Toàn quyền Paul Beau, người kế vị, thì không sốt sắng gì về việc xây dựng thị trấn miền núi. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian tiếp theo, nhiều đoàn khảo sát vẫn được gửi đến cao nguyên Lâm Viên để nghiên cứu và các tuyến đường giao thông tới Đà Lạt cũng dần hình thành. 

 

Giữa thập niên 1910, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ khiến nhiều người Pháp không thể về quê hương trong những kỳ nghỉ, Đà Lạt dần trở thành nơi họ tìm đến để tìm chút gì của nước Pháp miền ôn đới. 

 

Ngày 20 tháng 4 năm 1916, Hội Đồng Phụ Chính của vua Duy Tân thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Toàn quyền Maurice Long đi thêm bước nữa khi bổ nhiệm Ernest Hébrard làm kiến trúc sư quy hoạch thị trấn Đà Lạt. Hébrard là người chủ trương dùng mẫu kiến trúc cổ điển Âu châu nhưng thêm vào đó một số trang trí thuộc mỹ thuật Việt Nam để tạo ra phong cách riêng mà ông gọi là une architecture indochinoise. Hébrard đã thực hiện lối kiến trúc này trong những công trình khác như tòa nhà của Viện Viễn Đông Bác cổ, Hà Nội. Nay lối kiến trúc này được áp dụng quy mô hơn ở Đà Lạt. 



Dụ thành lập thị tứ Đàlạt dưới thời vua Duy Tân


 Đặc biệt là Hébrard vẽ đồ án có vườn hoa, trường sở, sân vận động, biệt thự nhưng hoàn toàn không có công xưởng sản xuất để giữ y nguyên không gian trong lành và yên tĩnh của thị trấn này. Ông này thiết kế tương tự theo tình Banguio ở Phi Luật Tân, do người Mỹ thiết kế.

Trong vòng ba mươi năm, từ một địa điểm hoang vu, một thành phố đã hình thành với đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng, các trường học, bệnh viện, khách sạn, công sở và dinh thự. Trên diện tích tổng cộng là 1760 ha, thì 500 ha được chính quyền quy hoạch cho các cơ sở công chánh, 185 ha thuộc nhà binh, 173 ha cho công chức và 206 cho dân bản xứ. Phần còn lại còn lại (non 700 ha) thì bán cho người Pháp.


Tới thập niên 1940, Đà Lạt bước vào giai đoạn cực thịnh của thời kỳ Pháp thuộc, "thủ đô mùa hè" của toàn Liên bang Đông Dương. Trong những năm chiến tranh, thành phố vẫn giữ vai trò một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và khoa học giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa. 

 

Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhiều trường học, trung tâm văn hóa và các công trình kiến trúc tiếp tục ra đời như CHợ Mới Đàlạt, viện đại học Đàlạt, trường Võ Bị quốc gia, giáo hoàng chủng viện, trung tâm nguyên tử lực. Đà Lạt cũng là nơi định cư của nhiều người di cư từ miền Bắc năm 1954. Trong thừoi gian chiến tranh, người Trung, chạy loạn vào Đàlạt rất nhiều, có lẻ vì vậy âm hưởng giọng nói của người sinh tại Đàlạt có giọng hơi Quảng Nam lai giọng Huế.

 



Ngày nay, về Đàlạt thì người bắc di cư vào nam lập nghiệp sau 75 rất đông, chiếm 50% dân số Đàlạt. Đi taxi, nghe mấy anh tài xế kể là vào nam, ở nhà ông chú, bà cô,… đi đâu cũng nghe giọng bắc hậu 75, giọng người Hà Nội sơ tán. Mình nghe kể, trong thời chiến tranh, Hà Nội cho sơ tán (tản cư) người Hà Nội lên các vùng cao để tránh bom của Mỹ. Tại đây, trẻ em Hà Nội tiếp xúc với các em miền núi nên bị ảnh hưởng của giọng vùng này nên giọng người Hà Nội ngày nay, khá đặc thù, không còn như xưa.

 

Nhưng kể từ năm 1964, khi cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt, việc phát triển đô thị ít được coi trọng, thay vào đó là sự xuất hiện của những công trình phục vụ cho mục đích quân sự. (Trích trên Facebook của phóng viên chiến trường)


Khi người dân chạy loạn từ quê vào thị xã Đàlạt, cần chỗ ở nên họ chiếm đất và xây cất tạm các nhà gỗ, mái tôn. Thêm phần các thương phế binh, đòi hỏi chính phủ chỗ ăn chỗ ở cho gia đình họ nên cũng cắm dùi (chiếm đất), xây nhà bú xua la mua. 


Mình nhớ ở đường Hai Bà Trưng, cạnh cư xá Địa Dư, có vạc đất trống đã được ủi để xây nhà. Mình và đám trẻ trong xóm Địa Dư hay đến đây, đá banh. Sau mùa hè Đỏ Lửa thì thường phế binh và dân chiếm xây, độ mấy chục căn nhà.


Phía đường Cường Để, khi xưa hai bên đường không có nhà cửa, cũng bị thương phế binh, chiếm đất, xây nhà cửa mà chính phủ không làm gì được. Trên Số 4, tương tự khu đất cạnh làng SOS, xưa dân ở đây hay chơi bài chòi, cũng bị chiếm.


Khi Tây về nước sau năm 1956, Đàlạt có độ 30,000 dân cư, đến tháng 4 1975 thì lên đến 100,000 người. Nay nghe nói cả vùng lân cận lên đến 700,000 người. Do đó , thiết kế sự phát triển Đàlạt rất khó, cần phải điều nghiên cẩn thận.


Mình rời Đàlạt năm 1974 nên không biết gì xảy ra sau 1975.

(Có trích tài liệu của phóng viên chiến trường từ Facebook, mình chỉ thêm bớt một số tư liệu đã có. Xin cảm ơn phóng viên chiến trường)

 

Nguyễn Hoàng Sơn 

 

Xông đất đầu năm


 

Từ sáng đến giờ, hắn cứ đi vào đi ra cửa, ngóng ngóng ra đường, miệng cứ chép miệng, sao giờ này chưa đến. Vợ hắn hỏi nhờ ai đến xông đất đầu năm thế thì hắn trả lời anh Thìn làm chung hãng. Vợ hắn bảo sao lại không nhờ mấy người khác lại nhờ ông thần giờ cao su thì hắn bảo mấy ông kia tuổi thuộc loại tứ hành xung với hắn.

 

Này nhé anh Quân tuổi Thìn nhưng vợ anh ta lại tuổi Hổ, anh Quyền tuổi thìn nhưng bà vợ lại tuổi Tỵ chỉ có anh Thìn này tuổi Thìn nhưng bà vợ là tuổi Thân, tuổi con khỉ còn anh Thìn thì ngủ hành Tang Đố Mộc rất hợp với Sơn Hạ Hoả của anh rồi hắn lật cái đồng hồ Apple lên xem giờ rồi chắt miệng bảo sao lâu thế. Không chừng lại hỏng cả việc.

 

Bổng nghe tiếng chuông vợ chồng ngẫn đầu lên đưa mắt nhìn nhau với nụ cười như kẻ mới nhặt được tiền tiền trên môi. Hắn bảo vợ ra mở cửa nhưng không quên lập đi lập lại, dặn vợ là phải bước chân trái trước nhưng không được chạm đất. Nhớ nhé vì nếu không mọi việc sẽ trái ngược với ý định của mình cả năm.

 

Vợ hắn lật đật xem tóc tai trong gương, vuốt quần áo lại rồi nhấp nhỏm mở cửa trước, không quên bước chân trái trước rồi nhón một cái để chân phải lên sàn xi măng. Hắn chuẩn bị rượu bánh trái để mời khách. 


Số là năm nay hắn muốn lên chức manager vì tên boss của hắn sẽ nghỉ hưu nên hy vọng được cấp trên cho hắn cái chức này nên mới cần người hạp tuổi đến xông đất nhà hắn theo tập tục dân gian của người Việt. Có kiêng có cử có lành như ông bà thường nói. Hắn tính bay về Việt Nam, ra Côn Đảo để khấn cô Võ Thị Sáu, một thời quăn lựu đạn giết dân vô tội thay vì tên Tây lai đầu bếp của thực dân trong chợ. Nghe nói năm nay, trước đại hội đảng, thiên hạ bay ra Côn Đảo, cúng Cô 6 đông lắm nhưng nay bị dính vụ Covid, phải cách ly 2 tuần nên thôi. Đành lập bàn thờ khấn Cô Sáu.


Họa sĩ Ba Bụi
 

Vợ hắn cầm cái điện thoại trên tay, với chức năng Ring, nói không phải anh Thìn mà bố em. Có nên mở cửa cho bố vào không. Hắn đâm hoảng bố vợ tuổi Tỵ, lại tứ hành xung với hắn, đưa tay xua ra nói em ra nói bố về đi chiều, mình đưa cu Tí sang thăm bố mẹ. Vợ hắn nói ai lại nói dối với bố mẹ như thế nên hắn đành chạy ra không quên đi chân trái trước qua cửa nhưng không đụng đất. Hắn nói thằng cu tí ngủ chưa dậy. Chút chiều con đem cu tí sang bố chơi.

 

Lúc đó một chiếc xe vừa đổ trước nhà hắn, vợ chồng anh Thìn bước xuống, bảo xe hư nên phải kêu Uber đến đón. Hắn vội vàng mở cổng, thằng cu tí chạy ra ôông ngoại, hắn lật đật mời vợ chồng anh Thìn vào nhà lòng hân hoan.

 

Bổng hắn chợt khựng lại vì chị Thìn bận bộ đồ đen từ đầu xuống chân, để tang ông bố mới qua đời vì dính Covid trong viện dưỡng lão. 6 tháng bị cách ly, không gặp, chỉ nghe báo tin rồi đến nhà quàn hôm chôn cất, không thấy mặt bố vì họ đậy nắp hòm, sợ lây lan. Chị ngại đi nhưng anh Thìn bảo là xếp nhớn dặn, kêu nên chịu khó đi theo cho có cặp có đôi. Hắn hốt hoảng kêu đồng chí gái, chạy vào nhà đem cááo khác cho chị Thìn mượn. Hắn kéo anh Thìn vào nhà để chị Thìn sớ rớ ngoài cửa.

 

Hắn hỏi anh Thìn dùng rượu Việt Nam do người Việt nấu lậu đem bán ở mấy tiệm thuốc bắc ở Bolsa. Sau hớp rượu thì hắn mới cảm ơn anh chị Thìn đã chịu khó đến xông đất nhà hắn vào ngày mồng một. Hắn thú thật đã xem lý lịch trích ngang của mấy người trong hãng nên mới dám mời anh Thìn vì anh tuổi Bính Thìn. Theo lịch Tam Tông Miếu của TT, in tại Việt Nam cho rẻ nên chúng ghi tên các lễ lạc, sinh nhật ông Hồ, đành đem quăn vì bị dân Bôn Sa tẩy chay, may hắn kiếm được một cuốn, bảo năm nay phải có người tuổi Thìn xông nhà trước giờ Ngọ.

 

Anh Thìn sau một ly cối rượu đế Made in Bolsa, thêm vài miếng prosciutto và cheese, chậm rãi nói, Không. Em đâu phải tuổi Thìn, năm ấy là năm nhuận nên em tuổi Mẹo. Em sinh 28 tết, tuổi Tây thì em là tuổi Thìn còn tuổi ta thì em vẫn là tuổi Mẹo, đuôi mèo. Hắn toát mồ hôi lạnh, không thể được chú không thể nào tuổi Mẹo được, chú phải tuổi Thìn cho anh chớ. Thế năm nay hết mong lên làm manager.

 

Anh Thìn lại bồi thêm như vợ em thì thật ra tuổi Hổ nhưng khi vượt biên, sang đây nghe ai bảo là tuổi cọp là cao số nên đổi năm sinh thành tuổi Tý. Em đâu biết cứ tưởng bà ta là tuổi tý nên lấy về ai ngờ lại lấy nhầm con cọp cái. Rõ khốn cho đời em.

 


Hắn thấy không ổn nên nói với anh Thìn, cảm ơn chú đã đến xông đất nhà anh, anh nay phải đem thằng cu sang nhà ông bà ngoại rồi đưa khách ra sân trong khi bà vợ anh Thìn, con cọp cái lại vận áo khăn đỏ của vợ hắn cho mượn vừa bước vào. Hắn chợt nhớ kêu “bước chân trái trước nhưng không đụng chân xuống đất” khiến bà vợ anh Thìn ngơ ngác như bò đội nón đầu năm.


 Chán mớ đời!

 

Nhs

 

Vì đó ta yêu em

 Nhớ cuối năm 11 B, đi cắm trại ở hồ Than Thở với trường. Trời mưa, lạnh, thấy hai tên học chung lớp cãi nhau ỏm cù tỏi về bản nhạc “ L’amour c’est pour rien” khiến mình đã ngu lại càng ngu lâu vì không hiểu tại sao 2 tên này, mới sáng sớm đã cãi nhau và cãi sai. Hai anh chàng cứ gân cổ cãi ai là tác giả bài này, bên thì kêu Phạm Duy, bên thì kêu Elvis Phương. 1 tên hiện còn ở Đàlạt và 1 tên ở Úc.

https://youtu.be/AWcx4b0qkHU

Sau này sang Pháp, mới khám phá ông Enrico Macias là tác giả, và ca sĩ bản nhạc bất hủ này theo điệu tango này. Mình thích nhất bản nhạc “Adieu mon pays “ cũng do chính ông ta sáng tác khi bị quê hương ruồng bỏ, phải lên tàu, đi định cư tại Pháp vì ông bố vợ bị người Algérie giết chết vì chủ trương Algerie của người Pháp. Trong những số người này, có ông Albert Camus, khôi nguyên Nobel về văn chương.

 https://youtu.be/UEpbFM3_l-g

14 năm trước khi mình đến xứ Pháp, ông ta cùng trên 200,000 người sinh trưởng tại Algérie, mà người ta gọi “les pieds noirs “, những bàn chân đen, ý là những người sinh tại Phi châu, bị buộc phải bỏ lại nhà cửa, đất đai của ông bà tổ tiên, ra đi nếu không sẽ bị giết như bố vợ. Kể từ đó, ông không bao giờ được phép trở về nơi chôn nhau cắt rún vì ông ta gốc Do Thái.

Tên cúng cơm của ông ta là Gaston Ghrenassia, còn tên nghệ nhân là Enrico Macias, nghe hơi Tây Ban Nha 1 tí, chớ lấy tên Do Thái, khó đọc và dạo ấy dân tây không thích người do thái hay ả rập. Khi Sàigòn rơi vào tay Hà Nội thì mình có 1 gia đình “chân đen” cưu mang, kiếm công ăn việc vào mùa hè ở Mantes La Jolie. Nay ông chồng mới qua đời cách đây hai năm, chỉ còn bà vợ mà mình hay liên lạc.

Algerie, cựu thuộc địa của người Pháp, tương tự như Đông Dương, đấu tranh dành độc lập và số người muốn duy trì nền thuộc địa của Pháp, đa số là những “người chân đen”, nên khi tổng thống De Gaulle tuyên bố trao trả lại nền độc lập cho Algérie thì có một số quân nhân không đồng ý và ám sát hụt ông này. Nhóm này được gọi OAS (organisation d’armée secrète) mà mình có quen vài ông bị De Gaulle bỏ tù, người nổi tiếng nhất là ông sĩ quan hải quân, được dựng phim “Le crabe tambour” do đạo diễn Pierre Schoendoerffer viết và thực hiện, do Jacques Périn đóng vai chính.

Mình có gặp và ăn cơm với ông này vài lần tại Paris khi ông ta lên có việc. Sau này có ghé nhà ông ta chơi vài ngày ở Nimes. Ông ta chở mình đi vẽ Pont du Gard của La-mã, và giới thiệu cháu ông ta ở Ma-roc để viếng thăm khi sang Ma-rốc. Ở Paris, mình có gặp và ăn cơm với ông tướng Bigeard, bác sĩ Grovin, 2 người có mặt tại trận Điện Biên Phủ, tướng RaoulSalan,...được họ kể về lịch sử của thời họ ở Việt Nam và Algerie. Do đó khi cuốn phim Le Crabe Tambour được trình chiếu thì mình biết các nhân vật trong phim. Vui.

Thời sinh viên, hai bản nhạc mình gối đầu giường là “Adieu mon pays “ của ông này và “Sàigòn niềm nhớ không tên” do Khánh Ly trình bày. Sau này nghe riết mình sợ vì nhớ nhà, nhất là mấy năm đầu, mất liên lạc với gia đình, chẳng muốn học hành hay làm gì cả nên ngưng, cất dấu ở đâu. 

Ông “le crabe tambour” nói với mình là nên tránh xa, đám bạn mày quen vì cứ xúm nhau lại thì cứ kể chuyện Việt Nam, buồn, không thiết học hành, cứ nhậu cho quên đời, quên buồn. Từ đó mình ít giao tiếp với người Việt đến khi tốt nghiệp. Nhìn lại thì nghe lời ông ta là điều đúng, vì các bạn mít dạo ấy, sau này gặp lại, ít ai ra trường lắm, bỏ học đi làm hết. Gặp họ là cứ nói làm kháng chiến đâu đó rồi nhậu.

Giọng ông Enrico Macias là giọng ả rập, ông ta hát rất có hồn. Nhạc ông ta được khán giả ở các xứ ả-rập ưa chuộng nhất là Algerie, quê hương của ông. Các xứ hồi giáo như Thổ-nhỉ-kỳ rất mê nhạc của ông vì có âm hưởng nhạc trung đông. Khi bỏ nước Pháp đi kiếm cơm ở các xứ khác thì mình quên ông này đến khi YouTube xuất hiện thì mò kiếm các bài hát của ông .

Sau này lấy vợ, mình thích nhất bài hát “pour toutes ces raisons, je t’aime », được sáng tác khi vợ ông ta qua đời. Các ca từ được sử dụng rất chân thành, khi kể lại cuộc đời, thời gian sống bên vợ ông ta. Trong một buổi trình diễn trên đài truyền hình, ông ta kể bà vợ bị đau hồi còn trẻ lúc mới lấy ông ta. Lâu quá mình không nhớ bệnh gì.

Mình thích quá nên có lần sinh nhật mụ vợ, mình làm cuốn video, để gửi nhắn vợ tâm trạng của mình qua những ca từ mộc mạc của bài hát nhưng đồng chí gái không hiểu tiếng tây nên Chán Mớ Đời. 

https://youtu.be/07x2_TPQch4

Bài hát nói lên tình cảm chân thành, cảm ơn người vợ, đã sinh ra 2 người con, sát cánh bên nhau trong thời gian hai người xa quê hương, cùng một lứa bên trời lận đận. Bài hát đã nói lên những gì mình cảm nhận về đồng chí gái. Bao nhiêu năm đợi chờ, để rồi đón nhận được mối tình hữu nghị của vợ. 

Paroles "Pour toutes ces raisons je t'aime"

Toi tu m'as donné ton sourire de femme
Tes larmes sucrées que je n'oublie pas
Avec toi j'ai eu des années lumière
Des châteaux de cartes et des feux de bois
Pour toutes ces raisons, je t'aime

Les nuits de l'exil, on était ensemble
Mon fils et ma fille, ils sont bien de toi
Tu es comme moi et je te ressemble
Je suis orphelin quand tu n'es pas la
Pour toutes ces raisons, je t'aime

Je n'ai pas de médaille, je suis venu comme ça
Je suis un homme un fou d'amour, un fou de toi
J'ai passé ma vie, ma vie à t'attendre
Mais j'ai gagné l'amour de toi

Les bouquets de fleurs semblent dérisoires
Je ne chante plus dès que tu t'en vas
Tu connais par cœur ma vie, mon, histoire
Mes chansons d'amour parlent encore de toi
Pour toutes ces raisons; je t'aime

Je n'ai pas de médaille, je suis venu comme ça
Je suis un homme un fou d'amour, un fou de toi
J'ai passé ma vie, ma vie à t'attendre
Mais j'ai gagné l'amour de toi
Pour toutes ces raisons, je t'aime

Hôm trước, có chị bạn gửi bài hát tây, tặng mình, mình gửi lại bài này khiến ông chồng chị ta nhảy vào kêu hay quá, nên tải về đây cho các bác nghe.



Nguyễn Hoàng Sơn 



Adieu sois heureuse (Art Sullivan)

 Có bản nhạc tây mà mình thích nghe khi gần rời Việt Nam đi tây, đó là bản “Adieu, sois heureuse “ do ca sĩ người Bỉ tên Art Sullivan trình bày. Bài này nói lên tâm trạng của mình dạo ấy, trước khi rời Đàlạt, bỏ lại sau lưng những hình ảnh đối tượng của những mối tình đơn phương toả nắng.

Toi qui n'as pas voulu de moi
Toi qui n'avais pas confiance
Toi qui ne m'as pas ouvert
Toi qui ne m'aimes pas
Toi qui n'as pas voulu comprendre
Toi qui n'as pas voulu m'attendre
Toi qui passais sans me voir
Toi qui ne m'aimais pas
Adieu, sois heureuse
Adieu et bonne chance
Avec celui que ton cœur a choisi
Adieu sois heureuse
Adieu et bonne chance
Avec celui qui t'emmène aujourd'hui




Nghĩ lại cũng vui khi thấy mấy đối tượng của mình đứng nói chuyện với tên nào trong trường là tim mình nhói lên rồi ngâm nga “Adieu, sois heureuse”, cứ làm như đối tượng là bản quyền của mình, một thời ngu dại. Chán Mớ Đời 

Ông ca sĩ này người gốc Bỉ, thuộc dòng hoàng phái, tên họ Flamand rất khó đọc Marc van Lienart de Jeude, họ hàng với bà hoàng hậu nước Bỉ. Có lẻ vì họ hoàng phái nên ông ta lấy tên nghệ nhân là Art Sullivan, rất mỹ hay Anh Quốc. Điểm lạ là tại xứ ông ta thì không được ưa chuộng lắm nhưng ở hải ngoại, ông ta được yêu mến, tôn thờ như tại các nước Bồ Đào nha, Ba-Tây, Hoà Lan,...

Ngoài bản “Adieu, sois heureuse” ra ông ta có làm vài bản nhạc khác rất hay nhưng mình không nhớ hết. Nói chung các ca sĩ nổi tiếng thời thập niên 60 thì sau các cuộc biểu tình năm 1968, được xem là cuộc cách mạng văn hoá tại Pháp quốc, Âu châu suýt làm nền cộng hoà Pháp quốc bị sụp đỗ. Giới trẻ bắt đầu dấng thân vào chính trị nhiều hơn nên các thần tượng nhạc trẻ, Ye-ye như bị loại bỏ cuộc chơi. 

Thời mình học đại học là hậu 1968 nên sinh viên thích nghe nhạc có máu xã hội mát-xít một chút, gọi là nhạc phản kháng như ông Renaud, sử dụng các ca từ rất đương đại, dùng tiếng lóng tạo nên một âm thanh vang dội, khá là lạ. Nói chung lúc đầu, mình nghe ông này là ngọng vì ông ta dùng toàn là tiếng lóng của pháp. Dần dần ở lâu, đọc Charlie Hebdo, mới bắt đầu hiểu.


Dòng nhạc tình cảm nhẹ nhàng của thời Hippie, tiểu tư sản của đầu thập niên bổng nhiên biến mất khiến các ca sĩ loại này, khó khăn tìm đất sống nên đi lưu diễn ở hải ngoại nhiều hơn để kiếm ăn. Tương tự ca sĩ miền nam quen hát nhạc Bolero, bổng nhiên kêu hát nhạc đỏ là ngọng. Phải có tâm ác mới dám hát mùa này đẹp lắm, ra trận để giết người. Kinh

Tương tự, dòng nhạc trẻ ở Sàigòn khi xưa đang hăng lên bổng nhiên Việt Cộng vào, bị tắt cái cụp. Lôi ra nhạc đỏ để hát, khiến các ca sĩ, nhạc sĩ nhạc Vàng bị ngưng cái rụp, phải chạy ra hải ngoại để có thể tiếp tục hát Bolero.

Có thời gian ông Art Sullivan sang Hoa Kỳ làm việc trong ngành truyền hình, rồi trở về âu châu làm về kỹ thuật. Có lẻ hết hứng hát. Sau 15 vắng bóng, ông ta trở lại sân khấu nhưng khán giả chỉ muốn nghe những bản nhạc xưa của ông ta thêm người bạn đời bị bệnh nên ông ta bỏ sự nghiệp ca hát của mình.

Mình chỉ thích bản nhạc Adieu sois heureuse của ông này vì có chút kỷ niệm về thời mới lớn, sắp sửa đi du học, để lại sau lưng bạn bè, các đối tượng một thời. Thời ở Đàlạt, thông tin về âm nhạc rất hạn chế, qua các băng nhạc sản xuất từ Sàigòn nên khi ra hải ngoại thì đủ loại nên có thể chọn lựa. Khổ là dân tỵ nạn, lưu vong nên lại quay về nhạc việt với những lời thống than vì mất quê hương của người di tản buồn.

Cuộc đời là dòng sông không trở lại, phương trình cuộc sống có hai ẩn số; không gian và thời gian. Nhưng nếu chúng ta dùng đạo hàm với hàm số ký ức, bơi ngược lại dòng sông ký ức thì sẽ thấy lại những kỷ niệm của những mối tình toả nắng, không trọn vẹn. Những nụ cười, những giọt nước mắt của các đối tượng một thời mà chính mình đã gây ra cho họ.

Kết thúc các cuộc đả thông tư tưởng, điều tra lý lịch trích ngang trích dọc rồi hát “Adieu, sois heureuse” có lẻ hơi tàn nhẩn. Dòng nước vẫn chảy dưới chiếc cầu Mirabeau, dòng sông định mệnh vẫn tiếp tục ra khơi dù phải gặp nước mặn.

Mình đi Seminar rất nhiều nhưng có lẻ hai Seminar quan trọng nhất: tài chánh mà mình dự định sẽ gửi con mình đi vào tháng 9 này, và về luyện tập kỷ năng của ông Stephen Covey. Hai Seminar này đã giúp mình thay đổi tư duy, và tự sửa đổi, học tập các kỷ năng, thói quen mới để tạo dựng một mái ấm gia đình và cuộc sống cho tương lai.

Khi cái tôi của chúng ta lớn, sẽ cản trở cái nhìn, viễn kiến về tương lai. Mình nhớ trong cuốn sách “Đắc nhân tâm”, ông Dale Carnegie, có kể câu chuyện về một bà vợ, tham gia hội phụ nữ nào đó. Về nhà nghe lời các bà trong hội phụ nữ đòi quyền sống, hỏi ông chồng nêu rõ 12 cái tật xấu của mình để giúp bà ta sửa đổi, tạo dựng hạnh phúc gia đình. Chiều hôm sau, ông ta đi làm về, ghé tiệm hoa, mua 12 đoá hồng tặng bà vợ, kêu em không có tật xấu nào cả. Bà vợ khóc như mưa. Từ đó, mình không đòi hỏi gì ở đồng chí gái, cứ chấp nhận hiện tại, không muốn thay đổi mụ vợ theo ý mình. Đồng chí gái bắt mình phải như thế này như thế nọ thì nhất trí, chả có gì phàn nàn. Làm vui lòng vợ mình chớ có phải động viên bà hàng xóm nào đâu.

Sử dụng cuốn Planner do ông Stephen Covey thành lập từ mấy chục năm nay, mình cảm thấy cuộc sống dễ dàng hơn, bao nhiêu dự tính của mình đều hoàn thành. Nay đang tìm cách làm cho cái vườn bơ, có lợi nhuận cao và ít tốn thì giờ. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn