Hùm Xám vượt biển

 Nói chuyện với HÙm Xám thì anh có kể sau khi mãn tù 10 năm ngoài bắc, xuống Bến Tre tìm cách vượt biên thì tình cờ gặp lại Cò Giao. Trước 75, thanh niên Đàlạt rất sợ Cò Giao nhất là thời kỳ “Thanh Lọc” của chiến dịch Phượng Hoàng. Ông này hay đeo cái dùi cui nên thiên hạ sợ lắm. Con trai ra đường đều bị hốt về Thao Trường, để thanh lọc, xét giấy tờ và hớt tóc. Nếu mình không lầm khi đi thi tú tài, con trai phải đi khám sức khoẻ còn con gái thì không. Sau này được giải thích là họ bắt khám sức khoẻ để xem ai bị bệnh sốt rét,…đa số là từ trong rừng ra.

Thiếu tá Lê Xuân Phong, đại đội trinh sát 302, nhảy toán

Dạo ấy có nhiều học sinh ở đâu đâu về Đàlạt học, với giấy tờ giả như dân Phan Rang, Nha Trang, Đơn dương, Cầu Đất,.. nhiều tên hơn mình đến 4-5 tuổi nhưng giấy khai sinh lại nhỏ hơn đến 3 tuổi. Trong lớp có vài thần đồng như vậy, 14-15 tuổi học đệ nhất. Có tên học chung, lâu lâu thấy xuất hiện với vài tên mặt mày kinh hồn, không biết có phải nằm vùng trên rừng về. Kinh

Lính trinh sát 302 cải trang. Hình như có ông mỹ tên Cornett. Hình của Hùm Xám Đàlạt gửi.

Cò Giao và một ông khác hay lái xe mô-tô Harley Davidson, đậu trước rạp Hoà Bình để thổi xét giấy tờ thanh niên đi xe gắn máy, thẻ hoản dịch. Nhớ có lần mình chở tên hàng xóm, khai trụt tuổi chạy ngang khu Hoà Bình, bị CÒ Giao, chận lại rồi giữ tên hàng xóm lại vì giấy tờ từ xứ khác đến, chưa có giấy hoản dịch. Tên này mặt xanh như đít nhái, may mình thấy ông Ngô La, chủ tịch khu phố 1, quen ông cụ mình nên nói về gia thế tên hàng xóm. Ông Ngô La, biết bố mẹ tên này nên kêu cò Giao cho tên hàng xóm đi. Về nhà, mình bị bố tên hàng xóm chửi một trận. Không có mình là tên này vào Thao Trường, bị hỏi cung rồi. Chán Mớ Đời 

Mình nhớ lần đầu tiên thấy cò Giao, khi học 10 ème được bà cô, dẫn cả lớp ra đường Hùng Vương phơi nắng, để chào đón Ngô tổng thống đi kinh lý với đại sứ BUnker. Mình thấy hai xe mô-tô chạy trước chiếc xe huê kỳ đen, có gắn hai lá cơ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà, rú còi e e , cò Giao và một ông cò khác, đeo găng tay da màu trắng, hình như tên cò Đào, chạy xe dẫn đường, mặt vênh vênh, vừa thổi còi. Sau này lớn lên thì hay thấy ông ta hay đứng ngay trước rạp xi-nê Hoà Bình, thổi phạt, xét giấy tờ thanh niên. Mình chạy xe hay tránh mấy chỗ này cho tiện cuộc đời theo tiêu chí tránh cảnh sát không xấu mặt Sơn đen. Chán Mớ Đời 

Phản hồi cho biết người đi chung với cò Giao là ông Trương Lài (Trương Lài là trung úy Cs đặc biệt ,là thẩm sát viên. Cò Giao (râu kẽm) LLTuần cảnh, nhưng thường đi với nhau để phối hợp. Ông Bài, sau này có ông Mạnh.)

Đàlạt dạo đó, tuần cảnh hay đậu xe tại nhiều địa điểm như rạp xi nê Hoà Bình, bùng binh Hải Thượng Việt Anh, bùng binh chỗ cầu Ông Đạo và trước rạp xi nê Ngọc Hiệp. Muốn vào phố là phải chạy qua những địa điểm này. Lạ là không chận phụ nữ. Mình nghe bạn học cũ Yersin cho biết có cô nào học chung khi xưa, tên Nguyệt Thu thì phải, người đặt chất nổ ở rạp xi nê Ngọc Lan, khi họ cho lính mỹ mướn. Một Võ thị Sáu Đàlạt. Kinh

Hình như khi xưa, có thời cấm ngồi xe gắn máy hai chân hai bên, phải ngồi như phụ nữ, để tránh mấy tên Việt Cộng khủng bố, quăng lựu đạn.

 Anh Phong hỏi CÒ Giao sao không đi vượt biên. Ở đây có đủ ghe thuyền mà. Cò Giao kêu và khuyên không nên vượt biên tại vùng này. Tui gốc Bến Tre mà Việt Cộng kêu là quê hương đồng khởi, công an bắt người vượt biên, gặp người thân tụi nó cũng đánh. Cò Giao khuyên tìm chỗ khác. Nghe kể dạo ấy vùng Đồng Nai có tên cán bộ công an nào bán bãi cho thiên hạ đi vượt biên. 

Mình có tên bạn tổ chức vượt biên, bị công an còng đầu rồi tên cán bộ này doạ nhốt tù, kêu hắn lên Sàigòn, cho 2 tên công an đi theo, kéo dân Sàigòn muốn vượt biên, đi ngõ hắn cai quản để bán bãi. Anh bạn kể, thiên hạ đưa vàng mua bãi, xe chở vàng nặng khiến xe 2CV bẹp xuống về đưa cho hắn. Nghe nói sau này tên này bị Hà Nội vào bắt, xử tử. Chắc không chia chác đều.

Anh chàng kêu là tên công an này làm cái giấy giả cho hắn là công an, để đi đường. Có hai tên công an thiệt, ôm súng đi kèm, sợ hắn bỏ trốn. Một hôm, hai tên công an chạy về kêu công an Sàigòn lấy súng của chúng. Hắn phải chạy đi kiếm công an Sàigòn, rủ đi nhậu để xin súng lại. Anh bạn kêu tao là công an giả mà lại đi chuộc súng cho công an thiệt. Chán Mớ Đời Lúc đi thì tên chúa trùm công an, kêu để gia đình nó đi trước, hắn ở lại, để làm thêm vài chuyến cho hắn nhưng anh bạn mình kêu ừ ừ rồi trốn dưới tàu khi đàn em hắn gọi tên. Chán Mớ Đời 

Anh Phong kể dạo ấy Liên Hiệp Quốc muốn chấm dứt chương trình tỵ nạn nên Mã LAi, Nam Dương không nhận người vượt biển nữa. Bên Mỹ, các cộng đồng người Việt biểu tình lên tiếng, chống dẫn độ về Việt Nam. May thay có tàu Cap Anamur của Đức quốc và Île de lumière của Pháp quyên tiền đi cứu người Việt vượt biển. Tàu anh được Cap Anamur cứu vớt, chở về hải cảng Hamburg, Tây Đức. Trước khi cập bến, họ có quay đài truyền hình, phỏng vấn anh Phong và được trình chiếu trên đài truyền hình đức. Mình có xem một chương trình đài truyền hình đức, kỷ niệm 20 năm con tàu Cap Anamur thấy mít và người hoa nói tiếng đức rặt.

Hai ông Cornett và Beckett đang đóng quân tại Đức quốc, xem đài truyền hình nhận ra anh ta và hai người lái xe chạy từ căn cứ quân sự mỹ lên đến cảng Hamburg. Khi tàu này cập bến thì 2 ông lính mỹ này nhảy lên tàu và ôm lấy anh Phong. Cảm động lắm! Họ kêu chính phủ mỹ bỏ rơi Việt Nam nhưng chúng tao không bao giờ quên bạn đồng đội, chiến hữu đã từng vào sinh ra tử tại chiến trường.

Tình đồng đội có cái gì thiêng liêng lắm. Bố mình khi xưa giải ngủ nhưng có mấy người bạn từng đi lính chung như chú Be, xóm Địa dư, chú Lữ, chú Thi, nhất là chú Ký, rất thân nhau, mỗi khi gặp nhau là nói chuyện với nhau từ năm Canh Thìn đến năm Kỷ Dậu. Chú Ký sau này đi tù cùng ngày và ra tù cùng ngày với bố mình.

Có lẻ vì vậy, khi đi tù, mẹ mình đi thăm nuôi, bố mình gánh thức ăn vào rồi đưa cho ai đó, chia nhau ăn khiến mấy đứa em mình rên, ở nhà đói, nhịn để thăm nuôi bố mà ông đem chia cho bạn tù hết. Có anh Mười, bạn ở tù, kể cho mình nghe là bố mình đã cứu anh ta thoát chết trong tù. Sau này anh hay lại nhà phụ giúp ông cụ mình, đấm lưng như thời ở tù. Có lẻ mình học được cái tính này của ông cụ.

Có lần một anh bạn người Hoà Lan, nói với mình là chúng ta không có quyền lựa chọn khi sinh ra. Anh ta muốn nói là xứ anh ta có hai tôn giáo: Tin Lành và Công Giáo. Nếu sinh ra ở cái đường bên tay trái thì được rữa tội theo đạo Tin Lành và bên phải thì theo Công Giáo. Cũng thờ chung một chúa nhưng cứ đánh nhau, tranh cãi cả mấy 100 năm qua. Đến xứ Ái Nhĩ Lan, phải cẩn thận thậm chí ở Hoa Kỳ. Nếu chúng ta gặp một người Ái NHĩ Lan, không bao giờ gọi thủ đô Belfast của họ là Londonderry, tên gọi của người Anh Quốc. Người ái nhĩ lan có thể đấm vào mặt chúng ta.

Những người sinh tại miền bắc mà thích nghe nhạc vàng thì bị đi cải tạo. Có ông nào tên Nguyễn Văn Lộc ở Hà Nội, có bí danh là Lộc Vàng bị đưa đi cải tạo 10 năm vì hát nhạc vàng. Khi mãn tù, về lại Hà Nội thì nghe nhạc vàng hát đầy đường. Bây giờ Hà Nội lại cổ võ phong trào Boléro . Khi xưa ai vượt biển thì gọi là phản quốc nay thì khúc ruột nghìn dặm. Chán Mớ Đời 

Mình muốn gặp lại mấy ông thợ của ty công quản nước, làm dưới quyền ông cụ mình, hay mấy ông thợ hồ, thợ mộc, làm nhà của gia đình mình trước 75, nằm vùng, để xem họ nói gì sau 48 năm, đã giúp Hà Nội trở thành bên thắng cuộc.

Dạo còn học sinh, mình nghe đám học chung sợ đại đội trinh sát 302. Kêu 302 đánh trận mới về phép, tránh ra đường. Ra hải ngoại, mình thấy tây đầm chúng tranh cãi bú xua la mua nhưng ít khi thấy chúng dùng vũ lực đánh nhau. Dân thợ thuyền thì có thể đánh nhau chớ học đường thì chả bao giờ thấy.

Thanh niên ở Việt Nam bị nhiễm văn hoá của tàu qua các truyện Thuỵ Hữ, Kiếm hiệp,…. Văn hoá bạo lực, võ biền. Có lần mình mua truyện Thuỷ Hử và Kim Dung dịch sang anh ngữ cho thằng con đọc để cha con có chuyện để nói. Đọc được vài trang thằng con kêu sao bọn tàu này, cứ gặp nhau là đánh nhau, không nói năng chi, chán quá. Nó chỉ thích truyện Tam Quốc Chí, bố con có chuyện để nói về Tào Tháo, Lưu Bị và Khổng Minh.

Mình thấy có nhiều phản hồi về đại đội trinh sát 302. Có người thương có người ghét. Mình đoán là lính ra trận đánh nhau, chiến hữu đồng đội chết trước mặt, về Đàlạt, thấy mấy tên để tóc dài, hô hào Make Love Not War thì cũng nổi điên lên, tẩn cho vài đá. Mình nhớ đa số mấy tên con nhà giàu hay để tóc dài, nhảy đầm, hút sì-ke rồi đánh lộn không được nên kêu 302 đánh dùm. Mình chả bao giờ dính dáng đến đánh lộn ngoài phố. Nhát!

Ban tam ca Sao Băng của Phương Đại, Thanh Phong và Duy Mỹ…có bài hát khá hay “tôi trở về thành phố” nói lên nổi niềm của người lính từ chiến tuyến về thành đô.

Nhờ đọc cuốn sách của ông mỹ, mình mới hiểu thêm về đại đội trinh sát 302 mà Việt Cộng rất sợ thời đó. Có một cuốn phim mỹ “Ride the thunder” kể về một người lính Việt Nam Cộng Hoà, bị đồng minh bỏ rơi sau khi người Mỹ về nước. Rất thấm. Được cái là người Mỹ biết lỗi nên nhận người Việt tỵ nạn, cho họ làm lại cuộc đời vì ở Việt Nam thì triệu người vui triệu người buồn.

Người Mỹ sang Việt Nam kêu Cộng Sản không tốt, rồi đưa súng đạn cho chúng ta đánh nhau. Sau họ bắt tay với Trung Cộng, bán coca cola và kem đánh răng thì họ rút về nước. Chúng ta phải tự lo cho thân mình, không tin vào ai cả.

Mình có coi một phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, có một ông người Nga giải thích lý do Hà Nội thắng. Dạo ấy Hoa Kỳ ủng hộ Do Thái khiến nhóm quân đồng minh ả rập bị Do thái đánh te tua nên nhóm Ả Rập mới cấm vận dầu hoả khiến Hoa Kỳ bị chới với. Một thùng dầu thô gia tăng gấp 3 lần trong 1 đêm. Bên mỹ, người ta xếp hàng để đổ xăng cả mấy dậm. Lạm phát gia tăng, ngân sách chiến tranh Việt Nam bị giảm quá cở khiến quân đội Việt Nam Cộng Hoà không được yểm trợ như trước. Thời đó người ta hô hào Kiệm Ước, thắt lưng buộc bụng.

Mình nhớ ông cụ được phát phiếu xăng khi xưa rất nhiều, nên cho bạn bè sau đó thì bị hạn chế đâu dám chạy xe khơi khơi. Tên lính an ninh quân đội hàng xóm, đêm qua nhà mình ăn cắp xăng ở xe ông cụ.  Ngược lại Liên Xô có dầu hoả nên tha hồ tiếp tế cho Hà Nội. Họ có mỏ vàng nên các sư đoàn bắc việt vào nam, họ đem theo vàng để mua thực phẩm để tiếp tế cho quân đội họ. Khỏi cần phải chuyên chở vì dân miền nam, nằm vùng sẵn sàng bán cho họ.

Mẹ mình kể cô BA Chỉ, tiệm Bình Lợi ở Đàlạt, có môn bài bán gạo, nằm vùng. Cô ta không dám bán thẳng cho Việt Cộng nên gọi mẹ mình vào kêu có 100 bao gạo trong kho, ai mua thì cứ vào lấy giá $3,000/ bao. 1 tiếng đồng hồ sau có một bà đến hỏi mẹ mình mua 100 bao gạo. Sau 75, mẹ mình gặp lại bà này, làm lớn. Ngoài ra cô Ba Chỉ lâu lâu kêu xe hàng bị Việt Cộng chận tịch thu hết hàng hoá, đánh thuế vì chở thẳng vô trong rừng cho Việt Cộng. Chán Mớ Đời 

Đàlạt khi xưa, có nhiều người giàu có làm ăn, phải nộp thuế cho Việt Cộng, sau này tưởng có công với cách mạng, ai nhè họ cho ra toà án nhân dân lên án tư sản, vớt hết tiền bạc. Cuối cùng đi vượt biển, làm lại cuộc đời.

Mình nhớ vụ tên khủng bố Carlos, từng bắn chết hai người Pháp thuộc cơ quan an ninh Pháp tại Paris, có tổ chức bắt các bộ trưởng dầu hoả của OPEC ở thủ đô Wien của Áo quốc. Mình đoán là Hoa Kỳ và đồng minh, mướn tên này để răn đe nhóm OPEC, xuống giá dầu lửa. Kissinger có tuyên bố, sẽ đổ bộ vào Saudi Arabia.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn