Boston có gì lạ không em

Lâu lâu bổng nhớ những chuyện tình toả nắng của một thời nên ghi lại để khỏi quên.  

Dạo còn ở Việt Nam, mình mê bản nhạc “Paris có gì lạ không em” của ông Ngô Thuỵ Miên phổ thơ ông Nguyên Sa, du học tại Pháp, phải về nước vì chuyện gia đình, làm thơ cho người yêu tên Nga, cũng du học sinh, bạn của cô giáo dạy Việt Văn mình. Bài hát khiến mình ấp ủ mộng đi Tây để xem Paris ra sao. Thời đó mộng ước chỉ đi tây, chả có mong gì khác. Giấc mơ bình thường.

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?

Mà thật, sương mù Paris trên dòng sông Seine quá tuyệt vời. Mình nhớ mỗi sáng đi học, lấy tàu điện ngầm từ Neuilly sur Seine xuống đường Rivoli, băng ngang qua viện bảo tàng Louvre, rồi chiếc cầu nghệ thuật, Nghệ Kiều (passerelle des arts) để đến trường, nhìn sương mù và ánh mặt trời đang lố dạng từ phía Notre Dame de Paris hiện ra trên Cầu Mới (pont Neuf). Quá đẹp. Về thăm Paris nhiều lần nhưng mình không có dịp đi lại đây vào buổi sáng. Hy vọng lần sau.

Chỉ có điều là mình không phát hiện người tình hay người bạn đời tại Paris mà ở Boston, Hoa Kỳ. Boston Không có dòng sống Seine, lại có dòng sông Charles, sương mù thì mình không biết nhưng đã để lại cho mình nhiều kỷ niệm của một thời.

Năm 1986, đang làm việc tại Anh Quốc, mình đi hè sang Hoa Kỳ để xem xứ Cờ Hoa ra sao vì các kiến trúc sư của Hoa Kỳ rất nổi danh vào thời đó. Bao nhiêu toà nhà to cao, với kiến trúc đương đại đầy ấn tượng đều được xây cất tại Hoa Kỳ. Điểm đầu tiên là New York, rồi ghé thăm gia đình thầy Chử Bá Anh tại Virginia rồi từ đó viếng Chicago cũng có một trường phái kiến trúc nổi tiếng khác, sau đó qua Saint Louis thăm cô bạn Mỹ, sinh viên kiến trúc, quen ở Paris, và có đi chơi chung ở Hy Lạp, Ý Đại Lợi và Anh Quốc. Sau đó mới bò qua Cali, thăm Chử Nhị Anh, San Francisco thăm Đổ Quý Dân rồi ghé lại Boston, trạm chót trước khi qua Gia-nã-đại để gặp lại Nguyên, bạn học cũ.

Mình ghé lại Boston, thăm anh bạn học cũ Chử Tam Anh, đang làm luận án tiến sỹ ở M.I.T. Ban ngày mình đi viếng thành phố Boston và các viện bảo tàng, chiều về thì anh bạn mới ngủ dậy vì học đêm ngủ ngày. Hôm đầu tiên, anh ta rủ mình đi ăn lại mời thêm một cô sinh viên Harvard, gốc Việt, con gái của giáo sư H. Cô này xinh, Bắc kỳ. Anh ta kê khai lý lịch cô này đủ trò nhưng mình thấy mệt quá vì ở Anh Quốc, xa xôi.

Hôm sau, mình viếng thăm thư viện tổng thống John Kennedy do kiến trúc sư I.M. Pei thiết kế, không ngờ sau này mình lại làm việc cho ông ta tại New York. Tối đó, anh bạn rủ một cô sinh viên nha khoa của đại học Boston đi ăn. Ông thần này nghiên cứu tử vi, viết phần mềm tử vi nên bao nhiêu sinh viên vùng này, nhất là mấy cô đều tìm đến xin thầy tử vi điện toán một quẻ. Bao nhiêu cô xinh đẹp trong vùng, tình duyên  gia đạo đều nằm trong máy điện toán của anh bạn.

Gặp cô này, người Nam, cô nàng tuy đeo kính cận nhưng rất xinh, có má núm đồng tiền. Tối đó chỉ có mình và cô ta nói chuyện còn “ông Mai” chỉ ngồi ăn. Chả biết nói chuyện gì nhưng nói rất nhiều đến khi Tam Anh kêu phải về. Có lẻ lần đầu tiên, mình nói nhiều khi gặp một cô gái lạ. Mình nói 3 ngày nữa sẽ trở lại Boston, có gặp lại nhau được không. Cô nàng nhất trí. Tam Anh kêu sẽ không có mặt vì về thăm nhà. Không sao, gặp được người đẹp là vui không cần tên này đi theo. Mình hẹn đi ăn cơm sau khi bay từ Ottawa về.

Sáng hôm sau, mình bay sang Ottawa thăm gia đình tên bạn học cũ ở Đàlạt. Gặp lại hắn thì vui nhưng đầu óc mình cứ nhớ tới cô bé cận thị ở Boston. 3 ngày sau, mình bay về phi trường Logan, lấy taxi đến ký túc xá của cô nàng. Bấm chuông, không ai mở cửa. Gọi điện thoại thì đường dây bị cắt. Kinh

Tính bỏ về, chắc lại bị cô gái xù. Mình thử lần cuối, gọi cho tổng đài, kêu là mình từ pháp sang, đang ở phi trường, gọi không được nhà người quen. Mới mấy hôm trước thì gọi được, sao hôm nay lại bị cắt. Tổng đài cho biết là cuối năm học, ký túc xá đóng cửa, không có tổng đài nên gọi vào không được. Bà ở tổng đài, nói đừng rời máy, họ sẽ gọi cho cô nàng.

A-Nô! Thế là nghe lại được giọng cô nàng. Cô nàng kêu sẽ xuống ngay. Sau đó mới giải thích quên vụ ký túc xá đóng cửa. 2 ngày nữa thì cô nàng bay về Cali, nhưng điện thoại hay gì đều bị cắt. Đang ngồi buồn vì không biết có gặp lại SƠn Đen hay không. Như Thuý Kiều gặp Kim Trọng, tự hỏi “người đâu gặp gỡ làm chi, 100 năm biết có duyên gì hay không”.

Hôm đó cô nàng đeo Contact lenses nên xinh nức nở. Sau này cô nàng thú thật là hôm đó rớt mất đâu một Contact lense, chỉ đeo có một con. Cô nàng kêu taxi đi đâu đó ăn, mình chả nhớ quán gì, chỉ nhớ là mừng hết lớn. Hôm sau, mình bay về New York rồi bay về Luân Đôn đi làm.

Vấn đề là khi về lại Luân Đôn, đầu óc mình quay cuồng, đi ngoài đường cũng nhớ nhớ rồi cười cười một mình. Lúc đó mình mới hiểu là bị tiếng sét ái tình lần đầu tiên trong đời. Mình hỏi bà thầy dạy anh ngữ mình thì bà ta gọi coup de foudre . Chán Mớ Đời . Say nắng như ngày xưa còn ở Đàlạt, bị đối tượng hớp hồn nhưng kỳ này có phần nặng hơn.

Ông Đức Huy có làm bản nhạc khi rời Paris để lại con tim, mình cũng để lại con tim khi rời Boston, nhớ người ở lại.

Đang tìm cách mượn thời gian để quên như những cô gái mình gặp trước đây khi đi du lịch hay làm việc các nước khác thì bổng nhiên một buổi sáng đâu 4, 5 giờ sáng, tiếng điện thoại reo. Mò dậy, thì bên đầu kia đường dây là tiếng cô nàng. Kinh

Mình mê cái núm đồng tiền và hai con mắt cận. Kinh

Mình nghe cô nàng nói là sẽ bay về Berkeley để học thêm lớp gì vào mùa hè, chưa biết ở đâu nên chưa có điện thoại hay địa chỉ nên xem như là Adieu Jolie Candy. Nay bổng nhiên nhận được điện thoại, rồi cô nàng kêu nhớ mình quá nên gọi. Cô nàng kêu chưa bao giờ bị lâm vào trường hợp này, Bồ bịch rất nhiều,…nhưng đây là lần đầu bị quay cuồng. Kinh

Mình cũng rên là như điên khùng bú xua la mua. Thế là cuộc tình viễn liên khởi đầu, cuối tháng trả tiền điện thoại viễn liên quốc tế mệt thở, đến nổi British Telecom, gọi hỏi mình có phải chính mình gọi số bên mỹ hay không. Cuối hè, cô nàng nói sẽ bay sang thăm mình trước khi nhập học. Dạo ấy, bà Thatcher đang phá vỡ các công ty của chính phủ, tư nhân hoá các công ty này bằng cách bán các cổ phần, mình lúc đầu tính để dành tiền mua nhưng cuộc tình viễn liên khiến mình bay hết tiền.

Nói chưa đủ mình tranh thủ viết thư, sau này lên xe bông mình quăng sọc rác hết, chỉ để lại vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Nói chung là cuộc sống mình chỉ đi làm, về ăn rồi viết thư, đọc thư rồi trả lời điện thoại. Nhờ cô nàng mà mình mới bắt đầu kiếm sách việt ngữ đọc, đưa mình về cội nguồn. Từ khi sang tây, xem như mình không đọc sách báo việt ngữ. Hết học tiếng tây, tiếng anh, lại học tiếng Ý Đại Lợi, tiếng Đức, tiếng Tây ban nha. Mình vào thư viện, mượn sách Hoài Thanh nói về thi ca Việt Nam, bao nhiêu sách của nhóm tự lực văn đoàn là ngốn hết, tìm ý để viết thư cho người tình hàm thụ. Chán Mớ Đời 

Mẹ tên bạn tây, kêu mình ghé Vauville chơi với cô nàng, bà ta cho mượn nhà ở ngay bờ biển, nơi mình có đến vài lần khi còn sinh viên. Thế là khi cô nàng sang Luân Đôn, thì mình xin phép nghỉ vài ngày, lấy thuyền sang Cherbourg, hải cảng nổi tiếng ở vùng Normandie, có cuốn phim nổi tiếng “ Les parapluies de Cherbourg” do Catherine Deneuve đẹp kinh hoàng.

Tại đây, thằng Mathias, em cô cậu với tên bạn của mình, ra đón rồi chở về nhà, đưa chìa khoá, chỉ cách mở sưởi, gas,… đến trưa và chiều thì nó ghé lại đón, chở qua nhà mẹ nó ăn cơm, khỏi nấu. Mình may mắn quen được đại gia đình này khi còn sinh viên, chơi rất thân với cả toàn gia đình. Mẹ thằng Mathias, là em gái mẹ tên bạn. Mình quen mẹ của bà này, hay đi vẽ với bà ta. Lần cuối mình về Paris chơi thì người bạn tây của mình bị mất trí nhớ khi chưa đến 6 bó. Cho thấy cuộc đời rất lạ.

Rồi một tuần trôi qua, lại phải bò về Luân Đôn và Boston. Rồi cuộc tình viễn liên, đến Thanksgiving thì cô nàng lại bay sang chơi ít ngày. Lúc này mình mới khám phá ra lý lịch, nhân thân nhân thích trích dọc trích ngang của cô nàng khiến mình thất kinh. 

Cô nàng kể về chuyện tình với một anh chàng mình quen, do bạn bè giới thiệu khi qua Mỹ. Cô nàng và anh chàng có bà con chi đó xa, thích nhau nhưng bố mẹ cô nàng không chịu, muốn cô nàng lấy bác sỹ.

Anh chàng này tốt nghiệp đại học MIT ra, theo học y khoa để thỏa mãn yêu cầu của nhà gái, để được quản lý đời cô này nhưng thấy lâu quá, bố mẹ cô nàng kêu lấy bác sĩ ra trường cho rồi. Thế là cô nàng làm đám hỏi với một bác sĩ Cali, con trai của một ông đại tá nằm vùng, sau bị giết. Gia đình ông này được Việt Nam Cộng Hoà cho di dân sang Hoa Kỳ trước 75. Cô nàng xin cho học xong rồi mới làm đám cưới. Tưởng thuận buồm xuôi gió, ai ngờ lại gặp Sơn đen. Cô nàng kêu không thương ông bác sỹ mà làm đám hỏi. Ông bác sĩ này sau này lấy một cô hàng xóm của mình ở Đàlạt. Chán Mớ Đời 

Giáng sinh năm đó, mình bay sang Cali mấy ngày để gặp bố mẹ cô nàng. Gặp họ mới khám phá ra khó có thể đăng ký nhập hộ khẩu gia đình này. Họ thuộc một giai cấp khác, nhân sinh quan khác, mình thì gốc bần cố nông. Anh bạn kêu mi thật gan nhưng mà phải vào hang cọp mới bắt được cọp con. Cô nàng tuổi Dần. Từ đó mình bắt đầu mất lập trường cách mạng, không tin tưởng vào mối tình Trương Chi Mỵ Nương đương đại, phải bố trí tư tưởng cho một ngày bị xù. Lý do cô nàng kể đã xù rất nhiều anh chàng thậm chí bác sĩ. Chán Mớ Đời 

Phật Đản năm đó cô nàng bay sang Luân Đôn dự lễ này với mình. Cô nàng biết mình thích con gái bận áo dài nên đem sang bận khi đi tham dự lễ ở chùa. Hôm đưa ra phi trường, cô nàng kêu kiếm chỗ nào kín đáo để mi mình. Mình vừa ôm người đẹp vừa lấy cái chân đạp lên Vali cô nàng, sợ tên nào chôm mất. Phản xạ của thời giang hồ khắp âu châu.

Lễ Phật Đản năm đó, mình được cử lên hát chi đó không nhớ nữa.

Đó là lần cuối mình gặp cô nàng, ở phi trường vang vãng bản nhạc “Adieu Jolie Candy! … xem như có duyên nhưng không có nợ, để lại cho mình khá nhiều kỷ niệm đẹp. Sau đó, mình nhận được cú điện thoại của ông bố, cấm mình không được liên lạc với cô nàng. Thế là cuốn phim “chuyện tình viễn liên” bị cúp cái rụp như bao cuộc tình toả nắng chiều mưa. Tắt điện, đi ngủ. Xong om

Sau này, mình có quen một cô sinh viên nha khoa khác. Cô nàng đem về nhà, giới thiệu. Mẹ cô nàng chỉ mặt kêu “anh nà người nương, anh bỏ dạo, phải trở về đạo” khiến mình chới với, kêu nhà cháu 10 đời nay, không ai theo đạo cả nên chưa bao giờ bỏ đạo. Cô nàng lại dẫn mình vào nhà thờ, rồi thỏ thẻ xưng tội, kêu em có làm đám hỏi với một tên khác trước khi gặp sơn đen. Thế là mình chạy biến luôn. 1 lần tởn đến già. Sau này gặp mấy cô học nha hay y khoa là chạy dài.

Sau này mình sang New York làm cho kiến trúc sư I.M. Pei, người thiết kế viện bảo tàng mới Louvre. Một  anh bạn, cũng đang làm luận án tiến sỹ ở M.I.T. , kêu lên đây chơi, muốn giới thiệu một cô cực xinh. Mình nghe lời, bay lên thì phát hiện ra mối tình hữu nghị sông liền sông, núi liền núi của đồng chí gái. Thế là mình nhất trí dọn về Cali. Khi mối tình hữu nghị đã chín muồi, yêu nhau theo chân lý, mến nhau qua lập trường thì hai đứa ra city hall đăng ký quản lý đời nhau, nhập chung hộ khẩu cho đến ngày nay.

Xét ra Boston là nơi mình có duyên gặp người tình và người bạn đời, cũng đều do sinh viên M.I.T., mai mối. May mắn bị cô nàng sinh viên nha khoa xù nên mới gặp được đồng chí gái. Có lần con gái mình hỏi “what is your best deal?” Mình trả lời lấy mẹ con. Đồng chí gái rất can cường, kiên định, bạn bè nói đừng lấy thằng nghèo nhưng cô nàng cương quyết không nghe ai, chỉ nghe con tim mình và 30 năm sau, mấy người khuyên đồng chí gái đừng lấy mình lại kêu, con đó hên, lấy được thằng chồng biết chăm lo gia đình, không nhậu nhẹt, hút xách.

Lúc chuẩn bị đám cưới, một cô phụ dâu nói là biết chuyện mình và người đẹp Boston. Bố cô phụ dâu là bác sĩ nên chắc nghe nói phong phanh chi đó khiến mình thất kinh vì mình ở xa mà Bolsa vẫn biết. Chán Mớ Đời 

Mình nghiệm lập gia đình với một người bạn đời, một người luôn luôn đi bên cạnh mình dù có gặp nhiều thử thách, gian nan, nhưng vẫn có ý chí đi lên và chịu khó. Khi tình yêu đủ lớn, vợ chồng nào cũng vượt qua khỏi các thử thách, thay vì vác chiếu ra toà. Cuộc đời như cuộc chạy đua đường trường Marathon, cái đích là mấy chục năm sau chớ không phải ngày hôm nay. Hôm qua, mình leo lên đỉnh núi cao thứ hai của vùng Los Angeles, ý nghĩ đầu tiên là tiếc, không có đồng chí gái bên cạnh để ngắm cảnh đẹp hùng vĩ. 

Mình thấy có nhiều cặp lấy nhau, môn đăng hộ đối, thấy có vẻ hạnh phúc, có tất cả, địa vị, tiền bạc,… khi về già thì thấy họ mất hết, ly dị nhau, đủ trò. Một vị bác sĩ lợi tức cả triệu đô mỗi năm, về già chả còn gì cả hay bác sĩ trẻ, kê toa thuốc an thần nhiều quá bị rút bằng đi tù,… họ lấy nhau có lẻ vì tình yêu nhưng cũng có thể một phần vì bằng cấp, lương bổng, nên một khi lương bổng hết thì cũng xù nhau luôn.

Cách đây đâu 3 năm, thằng con mình đi theo phái đoàn y tế về Việt Nam. Họ gửi cho cái video, các thiện nguyện viên nói cảm tưởng của họ trong chuyến đi thì mình thấy có một bà nha sỹ nào trông quen, hỏi đồng chí gái thì được trả lời là “thì bà Bồ cũ anh đó”, khiến mình thất kinh. Cô nàng nay phát tướng với thời gian. Chán Mớ Đời 

Mình gửi video cho anh bạn bác sỹ, người tình chung, cặp với cô nàng khi xưa, mấy năm trước khi làm đám hỏi với ông bác sỹ. Cô vợ kêu cô nha sỹ dại, anh chồng bác sỹ vừa giàu, vừa giỏi, khiến cô nàng được hưởng, tương tự đồng chí gái. 

Nếu so sánh giữa cô nàng và cô vợ của anh bạn thì mình chọn vợ anh bạn vì cô này rất thông minh. Nay hai vợ chồng về hưu đã mấy năm nay, đi chơi mút mùa lệ thuỷ. Cô vợ, biết quán xuyến tài chánh nên khi 60 tuổi thì anh chàng đóng cửa phòng mạch về hưu.

Đồng chí gái có trí nhớ siêu việt. Có lần đi ăn cưới cháu tên bạn, người dẫn chương trình giới thiệu một ca sĩ, mình hỏi vợ, bà này sao trông quen quen. Đồng chí gái kêu thì bà bạn anh chớ ai. Bà ta đi hỏi vợ cho anh mà. Quên rồi à? Khi mình sang Cali, có đến nhà cô bạn học cũ Văn Học xưa này thăm. Ra về, người đẹp Boston kêu: “bạn anh mà sao giống bạn của má em quá xá”. Khi đi hỏi vợ, vợ chồng cô bạn học cũ có đi theo, cô bạn kêu: “ông đừng có giới thiệu tôi là mẹ ông nhé”. Chán Mớ Đời 

Đang viết đến đây thì đồng chí gái đi chợ về. Kêu bận cái áo này xem sao. Thấy thương mụ vợ chi lạ. Từ ngày lấy vợ, mình chả cần mua áo quần. Có vợ lo hết. Thấy vợ đẹp như mặt trời cách mạng. Mụ đang chuẩn bị cho bữa tiệc, kỷ niệm 29 năm khói lửa, nội chiến từng ngày. Kinh

Nguyễn Hoàng Sơn 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng

Nhà Sơn nghèo dang nắng SƠn đen 

Người đẹp Boston tại Luân Đôn.