Mình không uống cà phê, ngoại trừ khi lái xe đường xa để khỏi bị buồn ngủ, trà thì có uống từ bé ở Đàlạt, còn rượu thì không. Mình để ý khi uống trà buổi sáng khi mới thức dậy thì sau đó hay bị đi cầu. Sau này đọc tài liệu thì hiểu như sau.
Trà và cà phê đều có chứa một chất gọi là caffeine, thuộc nhóm ancaloit gồm có những chất như nicotine, cocaine, morphin,… có tác dụng gây kích thích hoặc ức chế các hoạt động của hệ thần kinh.
Dây thần kinh ở dạ dầy rất nhạy cảm khi chúng ta đói, khi chúng ta uống cà phê, kích thích dạ dày thì có hiện tượng buồn nôn, đi cầu. Theo mình hiểu phụ nữ mang thai hay bị buồn nôn là vì thức ăn đưa vào miệng có độc tố, cơ thể sợ ảnh hưởng đến bào thai nên ói ra.
Tò mò đọc thêm thì mới hiểu thêm về thiên nhiên. Cây cà phê sinh ra caffeine để tự bảo vệ, chống lại các côn trùng ăn trụi lá. Chất này làm các động vật cảm thấy buồn nôn khi ăn lá cây cà phê khi đói. Do đó tốt nhất là uống cà phê sau khi ăn no, để kích thích hệ thần kinh, sẽ giúp cảm giác bớt buồn ngủ.
Nay có loại cà phê đã lọc chất caffeine, không có tác dụng gì, bác nào có tài liệu về vụ này thì cho em xin. Em đoán rất độc vì bị pha chế đủ trò.
Khi uống trà thì lại có chất tanine, được chiết từ vỏ cây, có công dụng biến tính chất đạm, thay đổi cấu trúc của chất đạm. Tương tự cà phê , cây chè tạo ra chất này để bảo vệ các động vật ăn lá của chúng, do đó bác sĩ hay khuyên chúng ta không nên uống trà để qua đêm vì chất tanine sẽ ra nhiều. Tanine sẽ gây rối hệ tiêu hoá của côn trùng khiến chúng không ăn lá chè được.
Mình nhớ có lần, một anh bạn xin cho 2 cây mát mát (chanh dây), đêm về trồng lấy quả cho đồng chí gái ăn. Qua ngày hôm sau, sên ăn sạch lá hết. Sau này anh ta xin lại cho hai cây, mình trồng trong chậu, nay lên cao nhưng thấy có hoa nhưng không thấy đậu trái. Ai biết mánh trồng cây mát mát, chỉ dùm em. Xin đa tạ trước.
Mình có xem một phim tài liệu về cây cỏ trong thiên nhiên, như côn trùng bò đến ăn lá thì cây hay lá sẽ gây ra một loại âm thanh hay làn sóng nào đó, khiến chim bay lại để ăn mấy con sâu, côn trùng,…
Tương tự, vỏ chuối xanh cũng có rất nhiều chất tanine này để chống lại các côn trùng. Khi quả chín dần thì chất tanine sẽ bớt dần đến khi màu vàng thì ăn tuyệt.
Đi ăn cơm tàu thường họ cho mình uống trà nhất là trà Ô Long để tránh rối loạn tiêu hoá khi ăn nhiều dầu mỡ. Mình đang viết về dầu mỡ chiên ở các tiệm ăn tàu.
Có loại trà rất tốt là ngưu bang, mà người nhật gọi goko, burdock hay thấy trong các siêu thị đại hàn và nhật. Có dạo người Việt hay uống canh dưỡng sinh, mua loại này để nấu uống với cà rốt, cải và nấm.
Đặc biệt ở trà này là có chất saponin, giúp trung hoà các chất béo, tăng cường tiêu hoá, hấp thụ chất đạm, tinh bột, nhất là loại các cholesterol thừa ra khỏi cơ thể. Mình có thằng cháu bị dị ứng khi đi leo núi Yosemite với mình, nên nói nó uống trà này để trị. Trung bình mất độ 2 năm và cũng nên ăn mật ong của hoa cali trong vùng nó ở và phấn hoa.
Ngoài ra loại trà này còn có chất Polyphenol, thường có trong rượu đỏ, giúp tăng cường sức khoẻ. Người ta hay nói đến nghịch lý Pháp quốc, vì họ ăn rất nhiều chất béo nhưng ít bị bệnh tim mạch, họ giải thích là vì người Pháp hay uống rượu vang. Họ khám phá ra chất resveratrol, một loại Polyphenol có trong vỏ nho để làm rượu đỏ. Chất này là một loại chống oxy hoá cho cơ thể. Thật ra chúng ta có thể mua loại bổ sung này để uống thay vì uống rượu. Phải uống bao nhiêu chai rượu mới đủ đô chất này. Thật ra không phải chất béo làm béo phì mà vì ăn đường và tinh bột. Thật ra người Pháp cũng bị tim mạch bú xua la mua vì ăn theo kiểu người Mỹ, tinh bột và dường nhiều,…
Các công ty bán rượu dựa vào khám phá này để quảng cáo bán rượu đỏ nhưng chúng ta nên nhớ là ngày nay, đa số các terroir của pháp được Trung Cộng mua lại. Họ sử dụng các thuốc trừ sâu rất nhiều. Mình có xem phim tài liệu về trồng nho ở pháp. Có một ông tây kêu là không muốn con của ông ta theo nghề này nữa vì thuốc sát trùng được sử dụng mù mịt, ngay chính ông ta phải đeo mặt nạ bú xua la mua. Hôm trước mình có dặn đồng chí gái là không nên ăn nho vì có rất nhiều thuốc trừ sâu. Đại loại trái cây ngày nay vỏ dính chất sát trùng. Có nhiều chất bị cấm tại Hoa Kỳ và Âu Châu nhưng các nước khác như Trung Cộng, châu mỹ la tinh, nhập trái cây vào Hoa Kỳ, vẫn sử dụng các loại thuốc sát trùng này.
Người nhật khám phá ra chết vì bị nhiễm độc lâu năm khi ăn trái cả vỏ như nho. Hình như mình có kể rồi vụ này trong mấy bài trước.
Polyphenol của củ ngưu bang có hoạt tính chống oxy hoá cao nhất, ít bị phân huỷ trong đất hơn các loại táo nho khi chôn xuống đất. Chất này không gây nghiện như rượu, nên tha hồ uống mà rẻ nữa.
Uống rượu đem lại nguồn vui. Hôm kia mình được mời ăn ở nhà người bạn, có một số bạn lâu ngày không gặp từ đại dịch đến nay. Mấy ông xúm lại uống bia rồi đến rượu mạnh, ngay cả mấy bà cũng làm chai bia cho đời vui hơn khi gặp lại thân hữu.
Theo nghiên cứu thì được biết lượng tiêu thụ cồn, liều mạnh nhất trong đời người là 500kg còn phụ nữ là 250kg. Nếu chúng ta uống một chai rượu đỏ, nồng độ 12% và dung tích là 720ml, tương ứng với 31.5kg trong một năm. Cho thấy đàn ông uống rượu trong khoảng 4-6 năm là đạt “liều mạnh nhất”.
Có nhiều người hay uống chút rượu trước khi đi ngủ. Việc này theo thời gian sẽ làm cho chúng ta nghiện rượu nhất là khi uống rượu, sẽ làm tỏa nhiệt khiến chúng ta khát nước, nên uống nước nhiều thì tối phải thức giấc để tiểu, cản trở giấc ngủ của chúng ta.
Nếu có uống rượu thì nên mua loại đắt tiền mà uống vì bảo đảm chất lượng, còn loại rẻ, nhất là ở Việt Nam, mình thấy bạn bè pha đủ trò, không biết nguồn gốc của rượu ra sao. Nhớ dạo còn sinh viên, có đi thắm một cô bạn ở vùng Alsace, tỉnh Munster, nơi có phô mát nổi tiếng thối nhất. Ông bố cô ta tự làm rượu mạnh Schapps, dùng toàn là trái cây của vườn ông ta.
Tóm lại, khi xưa mình hay uống trà nhưng nay bớt lại, còn cà phê thì chỉ khi nào lái xe đường xa thì mới làm một ly để tỉnh ngủ, còn rượu thì vẫn không. Cuối tuần, hay họp mặt bạn bè, mình không đối ẩm được với mấy anh bạn nhưng ăn ngon. Chán Mớ Đời
Nguyễn Hoàng Sơn