Showing posts with label Ở Tây. Show all posts
Showing posts with label Ở Tây. Show all posts

Nên hay không nên uống statins

Hôm nay, mình đi khám bác sĩ nhãn khoa. Ông ta hỏi mình có bị tiểu đường, mình nói không. Ông ta hỏi AC1 của mình là bao nhiêu, mình 5.9. Ông ta kêu quá tốt, rồi hỏi bác sĩ chính của mình nói sao. Bác sĩ mình bắt mình uống thuốc statin để phòng bị tiểu đường. Ông ta hỏi mình có uống không, mình nói không. Ông ta nói nên nghe bác sĩ riêng của mình. Chán Mớ Đời 


Từ ngày bác sĩ riêng của mình kêu uống thuốc để ngừa tiểu đường thì mình kêu không nên không thấy thư ký ông ta gọi nữa. Chỉ có phụ tá gọi, kêu đi khám định kỳ vì mỗi năm Medicare cho mình đâu cả chục ngàn nên bệnh viện cứ réo mình đến khám bệnh để họ vớt tiền của chính phủ. Bác sĩ bận nên họ mướn thêm những người phụ bác sĩ, để đo, cho uống thuốc vớ vẩn. Quan trọng là đi các bác sĩ chuyên khoa.

Câu hỏi tại sao cần bác sĩ gia đình. Lý do là bác sĩ gia đình là người viết giấy giới thiệu các bác sĩ khác mà mình cần đi như bác sĩ về nhãn khoa, về chân, hay bác sĩ chuyên về soi ruột,… cứ 5 năm, mình phải đi soi ruột định kỳ mà bác sĩ gia đình của công ty bảo hiểm, phải viết giấy giới thiệu thì công ty bảo hiểm mới trả tiền. Bác sĩ gai đình ngày nay, có nhiệm vụ như gác dan, viết giấy cho phép đi khám bác sĩ chuyên khao hay không. Ngoài ra chỉ kê toa uống thuốc ngừa tiểu đường, thuốc ho, trụ sinh,…


Càng ngày mình càng thấy nhiều bác sĩ lên án cách điều trị của y khoa tây phương hiện nay, ảnh hưởng bởi các công ty thực phẩm, dược khoa,… nhất là vì lợi nhuận. Thay vì lương y như từ mẫu, ngày nay chúng ta có lương y như ác mẫu. Chán Mớ Đời 

Y tế


Gần đây, sau một buổi thuyết trình về y khoả hiện nay, bác sĩ Aseem Malhotra, chuyên gia về mỗ tim, trả lời khi khán giả hỏi, ông có sợ về tính mạng bị đe doạ. Ông ta trả lời có nhưng thiên chức bác sĩ, bắt buộc ông ta phải lên tiếng.


Ông ta cho biết ngày nay, bác sĩ có rất nhiều bệnh nhân, có 5 phút để khám bệnh nhân, không có thì giờ hỏi han thêm về cơ thể, dinh dưỡng nhất là bác sĩ bị thông tin sai lệch, lầm lỗi đưa đến chẩn bệnh sai hay chửa bệnh sai. Mình thấy bác sĩ mình chỉ xem hồ sơ y liệu của mình trước khi vào phong khám.


Lý do là ngày nay, kỹ nghệ y tế là nơi kiếm tiền rất khủng. Các nghiên cứu y khoa được bảo trợ bởi các công ty dược phẩm, thực phẩm, dùng các nghiên cứu để giúp họ làm thêm lợi nhuận, giúp các người mua cổ phần cua công ty làm giàu, không phải để giúp bệnh nhân chóng lành. Quan trọng hơn là giáo dục y khoa hiện tại đã không hướng dẫn, giúp các y sĩ nhận thức về thông tin nhận được, thường được đặt trên lợi tức thay vì bệnh nhân.


Điển hình là gắn mấy cái stent cho bệnh nhân dù không cần thiết. Theo thống kê thì 43% bác sĩ chuyên về mỗ tim, thông tim, biết là gắn mấy cái stent không giúp ích gì cho bệnh nhân cả nhưng họ vẫn làm vì có tiền. Ngành thông tim của Hoa Kỳ lên đến 2.4 tỷ Mỹ kim hàng năm. Có bài báo viết trên British Medical Journal cách đây 10 năm nói về trường hợp ông tổng thống Bush con, đạp xe đạp 160 cây số mỗi tuần, nhưng cũng phải gắn stents khi đi khám bệnh định kỳ và sau đó ông ta kêu không đạp xe đạp nữa, dù có lần ông ta quay video đạp xe đạp với Louis Amstrong, 7 lần thắng vòng đua Pháp quốc. Bác sĩ chắc không nói với ông ta, thông tim không giúp gì cả nhưng vì an ninh quốc gia phải làm.


Thống kê cho biết là 88% các người thông tim, gắn stents, không phòng ngừa bệnh đột tử hay kéo dài mạng sống của họ. Nhiều ông bác sĩ kêu mới thông tim hay mỗ tim bệnh nhân thì mấy tháng sau hay một năm là thấy bệnh nhân trở lại lên bàn mỗ. Nhiều ông có chút y đức, tự hỏi tại sao. Họ đi tìm hiểu vấn đề và nói lên sự thật. Sau khi làm trên 1,000 ca mỗ này, họ gặp nhiều trường hợp lộn xộn, bệnh nhân có thể chết trên bàn mỗ mà kết quả cho thấy cứu họ bệnh đột tử trong tương lai.

Những nguyên nhân đưa đến y tế ngày nay


Ông bác sĩ nói những người chết trên bàn mỗ, nhiều khi có thể còn sống đến ngày nay nếu không nghe lời bác sĩ muốn mỗ để kiếm tiền cũng như nhà thương.


JAMA có làm một cuộc thăm dò sau đó, báo cho bệnh nhân biết là thông tim chưa chắc sẽ cứu họ khỏi bị đột quỵ thì như phép lạ, 70% số bệnh nhân đồng ý lên bàn mỗ, chỉ còn lại 45%. 25% ít hơn, có thể giảm 824 triệu đô la hàng năm. Số tiền này lớn, có thể dùng vào giáo dục hay ngành khác.


Vấn đề là y tế Hoa Kỳ chi tiêu hàng năm lên 4.2 ức Mỹ kim nhưng hậu quả còn tồi tệ hơn các nước khác. Xin nhắc lại là Ức Mỹ kim, 4,200 tỷ Mỹ kim. 2 triệu người cao niên Mỹ chết hàng năm và ngốn đến 30% ngân sách medicare. Trung binh 20% số người này bị lên bàn mỗ vài tháng trước khi họ về đất CHúa. Nếu tốn $100,000 hay hơn, để chết 1, 2 năm sau thì có nên hay không? Chán Mớ Đời 


Có nghiên cứu của ông Jack Weinberg, cho biết là thăm dò 150 bác sĩ sản khoa, bệnh đàn bà, thì có đến 25% bác sĩ không biết là chỉ có 1 trên số 2,000 người được khám ngực truy tầm ung thư là có thể cứu sống. Tuần này, vợ mình đi bác sĩ để lo vụ này. Nhà thương hay văn phòng bác sĩ cứ nhắn tin cho mình hàng ngày để nhắc nhở vợ. Tiền nhiều.


Các dữ liệu của RCT cho thấy 28,000 bị đột quỵ thì có đến 15,000 đã nói chuyện với bác sĩ về stents xem như chỉ có 1.3% là giảm số tử vong. Tương tự nếu bệnh nhân uống 10 mg statins trong vòng 4 năm tới thì chỉ có 1/7 là có thể ngăn ngừa bệnh nhân không bị tai biến. 4 năm thôi còn sau đó thì vẫn tiếp tục. Trong khi đó, người ta biết các hệ ứng phụ khiến người uống thuốc statins bị lộn xộn. Đau nhức, khó chịu trong người,…


Có một nghiên cứu của Harvard do ông JOhn Abramson, đăng trên BMJ, xét lại các dữ liệu về statins thì được biết là các người với 10% có nguy cơ bị bệnh van tim, uống statins trong vòng 10 năm, kết quả cho thấy là statins không giúp phòng ngừa họ bị đột tử. Chỉ có 1/140 ca mới phòng ngừa được bệnh đột quỵ ngược lại bệnh tiểu đường có thể gia tăng nếu dùng Statins. Chán Mớ Đời 


Mình có hỏi một bác sĩ quen, sao không kiêng cử ăn uống vì ông ta rất béo to. Ông ta cho biết là có thuốc statins. Nay ông ta đã qua đời vì đột quỵ.


Ngoài ra 1 trong 5 người uống statins bị hệ ứng của thuốc này. Năm 2014, có ông giáo sư đại học Oxford, tên Roy Collins, viết thư cho ông bác sĩ và BMJ, kêu rút bỏ bài báo. Tờ báo kêu ông ta nên viết một bài để giải thích lý do bài báo sai để độc giả có thể so sánh nhưng ông này không bao giờ nộp bài để cho họ đăng.


Thường các cuộc nói chuyện về y tế, các công ty dược phẩm, gửi các chuyên gia của họ tham dự, rồi họ hỏi những câu là lạ để gieo vào đầu khán giả những nghi ngờ về bài nói chuyện. Báo chí được mua để đăng tin định hướng dư luận.


Tài liệu cho biết trong số 100,000 được bác sĩ kê toa uống statins thì 75% ngưng dùng trong vòng 1 năm vì hệ ứng, và 1/3 bệnh nhân ngưng đi khám bác sĩ lại vì sợ bị bắt uống thuốc hay chọn bác sĩ khác. Ở Hoa Kỳ, họ cứ cho thuốc 3 tháng để bệnh nhân trở lại, vớt chút tiền để kê toa khác.


Từ năm 2000 đến năm 2008, 667 loại dược phẩm mới được FDA chấp thuận cho người Mỹ dùng thì chỉ có 11% thuốc là mới, còn 75% là dùng loại cũ để chế tạo lại. Các công ty dược phẩm bỏ tiền quảng cáo thuốc gấp 19 lần tiền bỏ ra để trả cho các cuộc nghiên cứu. Mình ngưng xem đài truyền hình vì cứ thấy họ quảng cáo thuốc này thuốc nọ, cuối cùng thì có hàng chữ nếu bị hệ ứng thì ngưng ngay.


Ông bác sĩ có viết mấy cuốn sách về dinh dưỡng sau khi nghiên cứu dinh dưỡng của một làng nhỏ bên Ý Đại Lợi. Người Việt hay nói bệnh tòng khẩu nhập, muốn chữa bệnh thì ăn uống cẩn thận để giúp chữa bệnh. Bệnh không đến trong một giây đồng hồ, như mưa lâu thấm đất. Muốn đi ngược lại thì chúng ta cần xem thức ăn của mình, đừng ăn đồ ngọt, tinh bột nhiều là từ từ sẽ thay đổi.


Mình có kể về các phương pháp chế độ dinh dưỡng rồi. Ai tò mò thì tìm đọc. Có người cho biết là có theo chế độ ăn uống đó và đã uống cân , có người cho biết điên 5, 6 lý lô. Mình có hai tên bạn Mỹ, đã theo chế độ dinh dưỡng đó và đã xuống nhiều 60 cân trong vòng 1 năm. Nay họ kêu khoẻ lắm. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Trại hè Bút Nhóm Lửa Việt

Khi sang New York, làm việc, mình mướn nhà, đúng hơn là cái loft ở khu Tribeca, khu nghệ sĩ, gần phố Tàu. Dạo ấy khu này không sang chảnh như ngày nay. Mình mướn lại một căn phòng của một tên hoạ sĩ nghèo người Mỹ. Đi làm về thì xuống xe điện ngầm ở Canal Street, ghé vào phố tàu ăn qua loa, phở hay tiệm tàu rồi về nhà trên con đường Canal đến Holland Tunnel, cạnh bên nhà mình ở. Dạo ấy làm việc ngày đêm ở sở, công ty trả tiền ăn trưa và cơm tối nên cứ ăn cơm tiệm. Năm khi mười hoạ mới mua thức ăn về nhà nấu.


Một hôm, thấy một lá truyền đơn dán trên tường trên đường Canal bằng việt ngữ, có hội họp với hội thanh thiếu niên ở vùng New York, tại một nhà thờ cạnh Canal Street. Tò mò mình bò đến tham dự để làm quen với người Việt sinh sống tại đây. Hội này được thành lập để giúp giới trẻ vùng này, hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ. Nhất là các em con lai. Họ sang đây, bị cộng đồng người Việt không chấp nhận, người Mỹ cũng không nhận nên bị khủng hoảng tâm lý, bản thể, đưa đến hay làm bậy. Họ cần những người lớn tuổi hơn, giúp họ, chỉ họ học hành, luyện thi….

Họ họp bàn định tổ chức trại hè cho giới trẻ vùng đông Bắc tại khuôn viên tu viện Don Bosco ở tiểu bang New Jersey, bên kia bờ sông Houston. Hôm đó, có nhiều nhóm người Việt trong vùng, họp nhau để tổ chức chung trại hè cho nhóm người Việt trẻ vùng đông Bắc. Thế là mình xin gia nhập. Lần họp kế tiếp, tại nhà ai bên New Jersey, hình như nhà của Trương Quang Huy, 1 trong những phụ rể của mình.


Số là lúc làm đám cưới, đồng chí gái có 2 cô bạn và 2 cô cháu đang tuổi cập kê nên muốn 4 phụ rể. Mình mới dọn sang Cali thì làm gì quen được 4 tên tại địa phương. Hỏi có thể mướn 4 người Mễ, di dân lậu, đứng đường ở Home Depot để kiếm việc được không, nhưng cô nàng không chịu vì phụ dâu không biết nói tiếng Mễ. Đành phải cầu cứu mấy ông bạn trong BNLV. Có 2 người ở New Jersey, 1 ở Texas và 1 người ở Berkeley, đồng ý bay về. Trong đám phụ dâu, phụ rể có hai cặp lấy nhau sau này. Nay hai ông phụ rể về Việt Nam cưới vợ và sống tại Sàigòn. Ai ngờ mấy anh chị BNLV rủ nhau kéo về dự đám cưới, khá đông khiến bên đàn trai đông không thua gì đàng gái. Đa số mình chưa bao giờ gặp mặt, chỉ nghe tên ở các tiểu bang khác thậm chí ở nước khác.

Cuối cùng thì mỗi họp mặt, bàn tổ chức trại hè hay giúp tỵ nạn đều họp tại nhà mình vì tiện cho thiên hạ đi lại. Ai có xe, chạy qua Holland Tunnel rất mất thì giờ, chỉ cần đậu xe ở Hoboken bên New Jersey rồi lấy xe điện ngầm chạy qua. Cuối cùng thì trại hè đến.


Mình không nhớ ai chở mình đến trại nhưng mình có nhiệm vụ cắm bảng chỉ dẫn từ ngoài đường vào tu viện. Tên Uber mình, tư duy đột phá, đề suất một ý đồ cực kỳ phản động, cực ngu, là cắm ngược bảng chỉ đường khiến thiên hạ từ các tiểu bang xa, chạy đến trại ngày thứ 6, sau tan sở vào lúc 1 hay 2 giờ sáng, lại lộn đường chạy lòng vòng. May có đám sinh viên U Conn, thích hát hò vang dội một trời nên thiên hạ bò lại được trại hè. Dạo đó chưa có karaoke, họ hát thâu đêm đến sáng nằm ngáo ngáp. Được cái là đến trại, có nồi cháo gà với nước mắm gừng ăn phê thấy Chúa luôn. Nếu mình không lầm, năm đầu tiên không có mưa vì mình đi 3 lần trại hè thì có một lần bị dính mưa. Sau đó dọn về cali thì ngưng, BNLV có tổ chức trại hè ở Cali, trên San Jose nhưng mình lười lái xe. Thêm đồng chí gái không thích cắm trại vì bị dị ứng với bụi đất.


Ngày thứ 7 là chính, có trò chơi thi đua đội, tối lại có văn nghệ lửa trại. Sáng chủ nhật thì ai là giáo dân thì đi lễ với ông cha, còn người lương thì chuẩn bị ăn sáng cho mọi người. Mình thì chả làm gì hết ngoại trừ được phân công làm bảo vệ nhà vệ sinh. Lý do là tu viện dành cho nam chủng sinh nên kiến trúc sư khi xưa chỉ thiết kế cầu tiêu cho nam. Họ lại thiết kế chỗ đứng đái nhiều hơn là bồn cầu nên tạo thêm sự đợi chờ. 1 nhà cầu có đến 6 cái bể đứng đái. Nay có mấy cô vào đòi tắm, đòi tè, đòi maquiller,…nên phải chia giờ sử dụng nhà vệ sinh, trai thì 5 phút, gái thì 1 tiếng. Cuối cùng mấy cô lâu ra mà mình thì không được vào nhà vệ sinh kêu họ ra, đành nói đám thanh niên, kiếm bụi cây nào của nhà dòng rồi tưới u-rê bón phân dùm nhà dòng cho khoẻ đời. Sáng dậy sớm, mình tranh thủ khi mấy cô chưa dậy đi vệ sinh nhanh cho khoẻ đời.


Màn trò chơi thi đua đội, có nhảy bao bố, đi guốc 3 người, chuyền trứng,…. Mấy ông thần nào đã chuẩn bị đóng mấy đôi guốc dài này từ lâu, đem đến cho bà con chơi khá vui. Hình như Dương Trọng Hiếu lo phần này. Anh chàng này khi xưa đi hướng đạo nên rất giỏi trong việc hoạt náo, sinh hoạt tập thể, thêm bố Chương rất giỏi về điều khiển đám đông. Anh ta nói với mình; mình làm hề nhưng biết mình làm hề còn đa số làm hề nhưng không biết họ làm hề.

Lâu quá mình quên các sinh hoạt buổi chiều. Chỉ nhớ mấy trò chơi khi xưa còn bé như cướp cờ, ngồi bàn tròn rồi có người đi bỏ khăn sau lưng, tạo cho mọi người những kỷ niệm, nhớ lại thời còn bé ở Việt Nam. Có màn kéo dây thì hơi căng vì anh nào anh nấy đều muốn làm gà trống, gây chú ý cho các cô nên la ầm cả tu viện. Sáng thì chia theo đội để gây dựng tình đồng đội giữa các người lạ từ mấy tiểu bang về. Chỉ nhớ trưa thì ăn nồi thịt kho trứng do bố mẹ cha Chương nấu, đem đến đất trại. Ai đó nấu cơm rồi ăn với dưa chua. Ai nấy đói lã nên ăn sạch ngầu thịt kho và mấy nồi cơm. Ngoài ra có người nấu ăn riêng, hay nấu thêm món gì mình không nhớ lắm. Mình chỉ nhớ BNLV sinh hoạt lúc nào cũng có nồi thịt kho và dưa chua.


Chơi mệt thì nghỉ trong khi mấy chị nuôi anh nuôi nấu ăn cho cơm chiều. Trong khi đó ban tổ chức họp mặt, giới thiệu về thành quả, các sinh hoạt trong năm vừa qua như gây quỹ được bao nhiêu, bán báo, báo thiệp Xuân, sinh viên trong nhóm đã lên đường giúp các đồng bào tỵ nạn tại các trại tỵ nạn ở Đông NAm Á. Các trại viên nào thích thì tham gia, giúp BNLV như gây quỹ tại địa phương mình, bán báo, bán thiệp tết,…


Lý do nhóm lấy tên là Bút Nhóm Lửa Việt vì dạo ấy có một tổ chức mang tên Lửa Việt nên không muốn trùng tên, gây ngộ nhận. Báo BNLV khá vui, mình bắt đầu viết từ dạo ấy, kiểu gỡ rối tơ lòng của bà Tùng Long. Đều phịa ra hết ngoài một vài thư độc giả gửi đến. Có bức thư tình gửi cho đồng chí gái được nhiều người đến nay vẫn còn nhắc. Ngược lại thì viết về chùa Việt Nam khá nhức đầu cho người đọc. Để hôm nào kể vụ làm báo, nhất là trước thời có photoshop, Corel,…

Sau cơm chiều thì có màn văn nghệ lửa trại. Mỗi nhóm tự biên tự diễn một màn văn nghệ bỏ túi. Trời tối đen, không thấy thằng Mỹ nào. Cũng gọi thần lửa búa xua la mua rồi nhảy lửa, rồi xem kịch tự biên tự diễn. Về khuya thì bà con ngồi gần nhau trao cho nhau những ánh mắt qua ngọn lửa rồi hát bản nhạc vào đời:

Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người
Gần nhau trao cho nhau tin yêu đừng gian dối
Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này
Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người.

1. Cho dù rừng thay lá xanh đi
Cho dù biển cạn nước bao la
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi.

2. Cho dù đồi hay núi di đi
Cho dù bầu trời thiếu mây bay
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi.


Bản nhạc này, thể loại nhạc vào đời của bên Công Giáo nhưng nghe rất hay. BNLV chuyên hát bản này và các bản nhạc họp đoàn hướng đạo khi xưa. Trong nhóm có một vị linh mục nên khi họp mặt, mọi người đều hát Vì tôi là linh mục, không bận chiếc áo dòng nên suốt đời đi tu….

Chụp hình chung sau khi biểu tình giải tán tại NEW YORK. Thời tóc chưa bạc

Đó là những ngày vui chơi, chưa có trách nhiệm với gia đình. Nay nhìn lại hình thấy vui, có nhiều kỷ niệm tưởng như đã quên. Nay bổng nhận hình ảnh xưa như một bóng mây bay trở lại tuổi thanh xuân, cho thấy mình cũng đã sống với thời của mình. Chập chững qua Hoa Kỳ, nhờ nhóm người Việt trẻ, đã giúp mình trở về nguồn như đứa con hoang đàng trở về cội nguồn. (Còn tiếp)


Đi khắp thế gian không ai bằng vợ 

Ở nhà với vợ thì Chán Mớ Đời 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Dòng sông ký ức

Tuần rồi, anh bạn đúng hơn là ông Mai, đã se duyên mình cùng đồng chí gái, gửi cho mấy tấm ảnh sinh hoạt thời trai trẻ, độc thân vui tính với các sinh viên và nhóm trẻ gốc việt tại vùng Đông Bắc, khiến mình chới với. Như xem lại một khúc phim chậm của quá khứ, tưởng rằng đã quên. Nhìn lại hình ảnh thì kỷ niệm bổng từ đâu như dòng sông ký ức, ào ào trở về như mới hôm qua, khó tưởng tượng đã trên 34 năm qua, 1/2 đời người. Kinh


Thời ấy, thị trường con gái Việt Nam hiếm vì vượt biển rất nguy hiểm. Đi party, trai dư gái thiếu nên cô nào có xấu đi nữa cũng có nhiều tên bu xung quanh như ruồi. Cô nào mà khá khá, học giỏi, là Mỹ chúng vớt hết vì có nhiều tiêu chuẩn khá hơn nam sinh viên việt. Như cao ráo, da trắng, học giỏi bằng sinh viên người Việt,… đúng hơn Mỹ trắng mà học giỏi thì chúng rất giỏi. Á đông được cái là học gạo chớ tư duy thì không quen như người tây phương.


Hôm qua, có anh bạn còm về một tấm ảnh cũ, kêu nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc một thời. Mình nhớ có lần đi ăn đám cưới anh bạn trong nhóm, thấy anh ta ngồi buồn khi thấy cô bạn xưa, lấy chồng Mỹ, đang nhảy múa trước mặt. Chán Mớ Đời 

Trại hè BNLV

Ngược lại đàn ông gốc việt, ít thấy lấy vợ Mỹ trắng. Ở Âu châu, đầm lấy mít khá phổ thông nhưng ở Hoa Kỳ thì hiếm, không hiểu lý do. Ai có tài liệu nghiên cứu vấn đề này thì cho mình biết. Mình có một bà người đức, theo dõi bờ lốc của mình, cho biết lấy chồng gốc việt, thích các bài mình viết về Đà Lạt, để tìm ý tưởng viết truyện. Cô ta là một nhà văn đức ngữ, ở Seattle, có gửi cho mình bờ lốc của cô ta. Chắc ông chồng gốc Đà Lạt, cho cô ta hay dịch bài của mình. Mình có đọc vài đoạn văn ngắn của cô ta, đức ngữ của mình ngày nay, đã mai một khá nhiều nên lười vào lại bờ lốc của cô ta.


Mình có duyên tình yêu khi ghé Boston. Lần đầu đến xứ này, nữ thần tình yêu Eros bảo một anh bạn học cũ Đà Lạt, đang làm luận án tiến sĩ tại MIT, giới thiệu mình với một cô sinh viên khiến mình bị tiếng sét ái tình lần đầu tiên trong đời, phải bỏ Luân Đôn qua Hoa Kỳ làm việc. Nhưng mối tình hữu nghị không trọn vẹn, khi bố mẹ cô nàng xét lý lịch trích dọc trích ngang thì cấm cô nàng đả thông tư tưởng với giai cấp phản động, kêu phi bác sĩ bất thành phu phụ.


Trước khi dọn qua Cali, một anh bạn khác, cũng đang làm luận án tiến sĩ ở MIT, được nữ thần Eros, mách anh ấy, rủ mình lên Boston chơi, và giới thiệu đồng chí gái. Kể ra để khoe, mình thuộc gia đình thuần nông nhưng quen khá nhiều tiến sĩ. Tính ra trên một tá. Chắc nhờ mình là hậu duệ bên ngoại của Mạc Đăng Dung. Sau này, đồng chí gái mới thố lộ, đã chấm tọa độ mình từ trước, khi lên vùng này sinh hoạt với sinh viên MIT. Thế là cả hai nhất trí bò về Cali, đăng ký quản lý đời nhau đến giờ.


Xem tấm ảnh cũ, chụp trong khuôn viên tu viện Don Bosco, New Jersey. Mọi người ngồi trên cái thang khán đài để xem đánh banh bầu dục. Đồng  chí gái nhận ra ngay người chồng ô sin của cô nàng ngày xưa. Em vẫn tìm thấy tôi trong đám đông xa lạ. Tấm ảnh nhất là anh bạn trưởng nhóm, con chim đầu đàn vừa gãy cánh tuần rồi, để lại nhiều tiếc thương cho giáo dân cũng như thân hữu. Mai sẽ gặp lại nhiều người sinh hoạt chung, đã biết nhau cũng như chưa bao giờ gặp mặt.


Xem tấm ảnh thì người đầu tiên mình nhận ra là anh chàng tên Trung, có râu, ở Uptown của Manhattan. Anh này có hát cải biên bài hát Mambo Italiano qua lời việt “Cha cha cha Ma ní lấy chồng Chà dà. Cha cha Cha ông Táo xức dầu cù là. Buông tôi ra vì tôi có chồng rồi mà. Tôi không buông vì tôi cũng có vợ rồi mà,… ba xi lô! Con gái lấy chồng chà dà” chỉ tiếc là mình không nhớ hết ca từ của bài ca chế này.


Người thứ nhì thì một anh không nhớ tên, cũng ở New York, ngồi cạnh linh mục Nguyễn Hoài Chương. Anh này thì tếu vô cùng, anh ta đóng kịch vào những dịp tết cộng đồng và lửa trại. Có lần anh ta đóng vai bác sĩ Việt Cộng, cứ kê toa thuốc “xuyên tâm liên” cho bệnh nhân. Bệnh gì cũng kê toa xuyên tâm liên đến khi lấy dao phay để mỗ bệnh nhân cũng cho xuyên tâm liên để cầm máu.


Người thứ 3 là Dương Trọng Hiếu, ở Philadelphia và anh vợ Nguyễn Duy Quốc Anh. Vào nhà anh chàng này thì thấy trên bàn thờ ông bố, nhận bảo quốc Huân chương trước 75. Hai anh chàng này là trụ cột văn nghệ của BNLV. Mỗi lần đi trại hay có họp mặt của nhóm là hai ông thần này đều có mặt. Hiếu chơi guitar, và nghiện phim bộ Hương Cảng còn Quốc Anh chơi Mandolin, nhưng sở trường là dương cầm. Hình như anh chàng có dạy các lớp dương cầm cho con nít hàng xóm. 2 ông thần này thì không gặp lại từ khi mình dọn qua Cali. Có liên lạc thỉnh thoảng qua nhóm.


Người kế tiếp tên Trung, làm cho IBM ở Poughkeepsie, anh chàng này lấy vợ sớm, người Mỹ thì phải nên vợ bỏ cũng sớm. Lâu lâu hay chở mình về nhà sau khi họp mặt với nhóm. Kế đến là Đinh Sơn Lâm, làm cho Bell Labs, phụ rể của mình. Đến An, em trai của linh mục Nguyễn Hoài Chương, nay ở San Jose. Đến anh chàng sinh viên U Conn, hát hò cả đêm, không cho ai ngủ hết. Đến Việt Anh, sinh viên MIT, có thời lo Vietnet, hệ thống liên lạc giữa các sinh viên gốc Mít. Hình như hệ thống này do Trung Dung (BU) và Nguyễn Thiều (UCI) thành lập. Mình có gặp Thiều mấy năm trước ở Cali, làm cho Toshiba. Sau này, buồn tình không chịu làm tiếp luận án tiến sĩ, bị bố mẹ la, lấy vợ, từ úc Đại Lợi thì mất tích luôn còn Trung Dung thì nghe nói sau này thành lập công ty riêng với bạn, trở thành triệu phú. Mình không gặp lại từ khi rời miền Đông.


Cạnh đó là Mai Ly, sau này lấy anh bạn học của mình khi xưa ở Đà Lạt, đã giới thiệu đối tượng một thời khi mình ghé Boston thăm anh ta khi sang Hoa Kỳ lần đầu. Có Khuê, em của anh chàng có cô bồ cũ lấy chồng Mỹ, nghe nói vẫn còn độc thân, tương tự Trương Quang Huy, một phụ rể khác của mình. Mấy cô thì nhận ra Bích Ngọc, sinh viên luật tại Columbia, bạn học với Đinh Đồng Phụng Việt, sau này làm tới thứ trưởng, bộ tư pháp Hoa Kỳ, viết đạo luật Patriot sau 9/11. Anh chàng này khi xưa, ăn nói rất nhẹ nhàng. Dạo ấy có Mai Lan, em của Mai Ly, 3 sinh viên luật khoa Harvard mà mình từng quen. Dạo ấy, đa số người Việt học kỹ sư và bác sĩ, gặp 3 người học luật nên mình phục họ, đi ngoài mô hình của người Việt hải ngoại. Có gặp lại Mai Lan ở Virginia, khi viếng thăm vợ chồng anh bạn. Có hai chị em sinh đôi ở New Jersey, một cô là dược sĩ, mình có gặp lại tại Virginia, cách đây 5 năm, lấy chồng, làm nhạc khá nổi tiếng trong cộng đồng người việt tại Virginia, quên tên, hình như Ngô Minh Trí, bạn một người bạn cũ của mình ở Đà Lạt. Cô này sinh hoạt nhiều đi xuống Virginia thì dính ông chồng, ở lại đó luôn.


Có một cô dược sĩ khác ở Florida, không nhớ tên. Chỉ nhớ là cháu của ông hội trưởng gia đình phật tử ở Connecticut, cựu đổng lý văn phòng của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, đã nhờ mình vẽ chùa cho họ. Sau đó, muốn cá độ mình với cô cháu trong khi mình lại thích con gái ông ta và một cô sinh viên Yale, cháu của tướng Ngô Du. Bà mẹ là bạn với ông Nguyễn Trọng Nho, một thời xuống đường chống chính phủ Ngô Đình Diệm, đàn áp Phật giáo, sau này làm chánh án tại Cali. 


Một cô khác là cháu của ông mai mình tên Thuỳ Dương thì phải, nghe nói ở San Diego nhưng không gặp lại từ đó. Cô cuối cùng mình nhận ra tên Thảo, sinh viên MIT, hình như bạn gái của anh chàng tên Vũ, cũng sinh viên MIT, sau này qua Nhật Bản làm việc rồi lấy vợ nhật luôn. Có một anh tên Hiền, học sinh cao học ở Princeton, hình như sau này anh ta đi Nam Cực để làm việc trong phòng thí nghiệm gì đó mấy năm. Hình như anh ta không thích mình, thân Hà Nội.

Có người yêu cầu đăng tấm này 

Có anh chàng tên Minh làm việc ở New York, được mình giới thiệu cho cô bạn, làm designer ở New York, trong một buổi họp mặt tại nhà mình. Sau đó hai người lấy nhau, về Việt Nam làm ăn rồi bỏ nhau. Cô vợ đã qua đời vì ung thư, mình có gặp bà mẹ ở chùa Virginia, khi sang thăm Đinh Anh Quốc.


Ngoài ra thì không nhận ai khác. Có lẻ những người này, không tham gia các sinh hoạt khác của BNLV, chỉ dự trại hè. Xem hình thì trại hè tương đối có nhiều nhân vật nữ, khác với các buổi họp mặt thường.


Cô ngồi bên cạnh mình, là cô hỏi mình sau khi nghe mình kể chuyện ông thầy hiệu trưởng Tây doạ cả lớp, ai ăn cắp nỏ thần An dương Vương thì trả lại còn không sẽ bị đuổi: “rồi sau đó có bắt được người ăn cắp nỏ thần không anh?”. 35 năm sau vẫn còn nhớ câu hỏi vớ vẩn này. Sau này, ở lâu tại Hoa Kỳ mới hiểu là giới trẻ ở đây nói tiếng Việt không rành, vì sang đây khi còn bé. Lịch sử Hoa Kỳ còn không tường huống chi lịch sử Việt Nam. Ngược lại ở Âu châu thì dân mít, dù sang Âu châu hồi nhỏ nhưng cũng ngáp ngáp được tiếng Việt. Ngày nay thì khác, với toàn cầu hoá nên giới mít sinh ra tại Âu châu hết nói tiếng Việt.


Qua Mỹ lần đầu chơi, mình được xem một video thi hoa hậu người Việt. Ban giám khảo hỏi một thí sinh, em muốn làm nghề gì sau này? Cô ta trả lời là muốn làm nghề bán bún khiến thiên hạ cười hà rầm khiến mình ngọng. Sau khi được cô bạn thuyết minh, hóa ra cô ta muốn theo nghề buôn bán nhưng nói lơi khơi ra bán bún bò như Mụ Rớt ở chợ Eden.


Bà chị dâu của mình, sang đây năm 75 nên tiếng Việt hơi ngọng. Bà mẹ kêu ra chợ mua bao gạo hiệu ông Địa. Cô ta ra chợ kêu cho tôi bao gạo ông Đĩ. Cô nàng về Việt Nam, hải quan hỏi địa chỉ ở Sàigòn, cô nàng kêu bỏ quên trong hành lá rồi khiến anh chàng hải quan chới với, cuối cùng cầu cứu một ông hải quan khác thì mới hiểu là để quên trong hành lý. Chán Mớ Đời 

Một số anh chị em BNLV đến dự đám tang chim đầu đàn đã ra đi

(còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 



Xi-nê một thời để nhớ

 Hôm nay họp mặt tại câu lạc bộ Toastmasters, có đề tài về những phim ảnh hưởng nhất trong đời. Khi họ hỏi mình, để trả lời, mình nghĩ có lẻ cuốn phim gây ấn tượng nhất khi còn ở Việt Nam là phim Bác sĩ Zhivago mà ngay người Mỹ cùng tuổi mình ở câu lạc bộ cũng nhớ đến cuốn phim này. Đẹp và có thể dùng để tuyên truyền chống Liên Xô. Phim này, mình xem lại nhiều lần tại Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ, Anh quốc và Hoa Kỳ. Tại rạp cung có và trên đài truyền hình.

Phim này mình xem không biết bao nhiêu lần. 2 lần tại rạp Hoà Bình dù dài Lê thê. Cảnh tuyết mùa đông quá đẹp. Nghe nói quay bên Tây Ban Nha, như mấy phim cao bồi spaghetti. Xem phim này khiến mình muốn đi tây nhưng đi Nam Cực về thì phải công nhận đẹp hơn là trong phim của David Lean.

Rạp này vớt tiền của mình khá nhiều, nhất là phim tàu sau Mậu Thân với Tân Độc Thủ Đại Hiệp,..

Khi xưa, đi xem xi nê tại Đà Lạt nhất là khi có phim hay, ngày tết thì có màn chen lấn kinh hoàng. Chui lọt đến quầy bán vé là một đấu tranh trường kỳ, la ó, thậm chí còn đánh nhau như ngày nay, họ đi chùa hay xin ấn. Sau 75, nghe kể có màn xếp hàng, đặt cục gạch. Ai đó báo cáo trên mạng là mấy ngày Tết vừa qua, có đến trên 3,500 người nằm viện vì đánh nhau. Chắc nhậu rồi say, đánh đấm nhau.


Khi xưa, ở Đà Lạt có vụ kiểm duyệt các cảnh nóng. Đang xem đến màn hai anh chị ôm nhau thì xẹt biến qua cảnh khác hay ông thợ chiếu phim lấy tờ báo che lại. Bên Tây thì phim có kiểm duyệt cho trẻ em dưới 18 tuổi. Bên Hoa Kỳ cũng vậy, cấm đem trẻ em vào nhưng cho xem líp ba ga để hốt bạc.


Có lẻ thời gian xem phim tại Đà Lạt để lại dấu ấn cho mình nhiều là khi chùa Linh Sơn, đúc cái chuông mà ngày nay, thấy treo trước cửa chùa bên tay trái. Mệ ngoại dẫn mình lên chùa, mệ vào chùa để làm công quả hay tụng kinh, mình ở ngoài, đứng xem xi nê Charlot và Lảurel and Hardy. Mấy ông Phật Tử, lấy tấm vải, căng ra từ hai cây gần mấy thang cấp, có hai con rồng. Đặt máy chiếu, cứ hết một phim ngắn độ 15, 20 phút, là phải ngưng đổi phim, phải quay lại đủ trò, con nít như mình chạy đi xuống vườn chè, tè.


Trong chùa, cứ nghe thiên hạ tụng kinh, ngoài này thì con nít như mình chạy chơi, đủ tò, xem phim do ty thông tin Đà Lạt, đem chiếu cho xem. Đúng là xem xi nê chùa, không phải trả tiền.


Qua Tây thì không có màn này nhưng phải đứng xếp hàng ngoài trời, nóng vào mùa hè còn lạnh cóng chân vào mùa đông. Mùa hè thì thiên hạ muốn chui vào xi-nê để có máy lạnh, còn mùa đông thì được sưởi ấm. Mùa đông mình hay đi xem cinematheque ở Trocadero hay trung tâm văn hoá Pompidou. Có phòng ấm, đến suất cuối, 10 giờ bò về nhà là đúng 11 giờ đêm, lên giường ngủ. Khỏe re. Mùa hè thì sau khi đi làm ra, ăn tiệm là bò vô rạp xi nê để hưởng cái lạnh mát rượi trước khi về ngủ trên căn gác nóng hầm. Giá vé cho sinh viên rẻ. Mình tìm trên mạng để xem có tấm ảnh nào về những nơi khi xưa thì khám phá Paris có một cinematheque mới được xây sau này ở Bercy.


Đi xem phim ở cinematheque, lâu lâu có phim câm nên phải có một người ngồi đánh dương cầm trong khi chiếu phim. Dạo ấy, mình thấy đã châm, đã thấy hiện đại khi xem phim mỹ như E.T., Star Wars so với những phim câm khi xưa. Xem phim câm, nghe nhạc đệm dương cầm rất lạ, trải nghiệm không khí khác so với xem trong rạp surround sound. Được cái là không phải đọc phụ đề.

Nhớ có lần xem một phim Gia-nã-đại, nói tiếng pháp, đúng hơn là quebec. Nói chung 60 phút đầu, mình chả hiểu họ nói gì cả vì giọng rất khó nghe. Sau này sang ở Lausanne, Thuỵ Sĩ cũng tưng tự nhưng từ từ nghe hiểu được.

Đây tấm ảnh tiêu biểu khi xem phim câm, có người đánh dương cầm theo thứ tự của cuốn phim. Thường rạp chiếu nhỏ chớ to đùng như ngày nay thì đánh chả ai nghe

Ở trên đại lộ Champs Elysees, có một rạp Gaumont mình rất thích vì ghế ngồi rất êm. Ngồi xuống ghế thì thấy cứng, từ từ cái ghế nó trụt xuống theo trọng lượng của mình, ngồi êm kể gì. Mình hay coi ở đây vì gần nhà, xong phim thì đi bộ về, còn không thì xem ở khu Saint Michel, Odeon, gần trường có giá cho sinh viên.


Sang Hoa Kỳ đi xem phim, có màn mua bắp rang nổ vào ăn với uống coca. Ở tây, nói chuyện trong rạp là bị thiên hạ xì tới xì lui, kêu ta gueule huống chi ăn nhóp nhép bắp rang, hút Coca Cola tụt tụt.


Lâu lắm, không đi xem xi-nê ở rạp vì không có nhu cầu. Ở nhà, cứ mở Netflix, Prime và YouTube, xem phim tha hồ. Thích phim nào thì mở xem, không thích thì đổi trong khi ở rạp xi nê, không hay cũng phải ngồi nán, vì đã trả tiền. Nhớ dạo mới sang tây, mình thấy người Pháp mua cuốn báo, nói về chương trình đài truyền hình trong tuần. Hình như dạo ấy, bên tây chỉ có 2 đài truyền hình phát hình thường xuyên đến 12 giờ đêm. Thêm một đài TF3. Có phim hay là họ phải có mặt đúng giờ ở nhà để xem. Không có vụ nhấn “Pause” khi muốn đi tiểu như ở nhà bây giờ. Cả nhà đang xem thì mấy đứa con kêu “ngừng”. Rồi chạy vào nhà tắm.


Cứ tối thứ 4 hay thứ 6 gì đó, mình không biết vì không có truyền hình, dân tây tranh thủ về sớm để xem bộ phim đài truyền hình của Mỹ Dallas. Trong tuần thì báo chí bình luận về JR sẽ bị gì. Còn tối thứ 7 thường là ca nhạc còn tối chủ nhật là phim xi nê cũ. Mình rất ngạc nhiên vì thường dân tây, kêu người Mỹ không có văn hoá nhưng mê xem phim truyền hình Mỹ.


Xi nê bên tây đa số là phim Mỹ được ưa chuộng nhưng họ lồng tiếng pháp. Mình thích xem phim phụ đề pháp ngữ nên phải lựa rạp chiếu phụ đề để nghe tiếng Mỹ như tập nghe cho quen. Mấy tên bạn tây đầm thường chỉ thích đi xem phim nói tiếng pháp vì chúng không thích đọc phụ đề. Mình dân mít nên quen xem xi nê, nói tiếng tây ở Đà Lạt, phụ đề tiếng Mỹ, tiếng Việt, tiếng tàu. Xem xi nê phải đọc phụ đề việt ngữ mệt thở. Chỉ có mấy phim Việt Nam như Nàng, Chân Trời Tím, Từ Sàigòn đến Điện Biên Phủ,….là không có phụ đề.


Khi mình ở New York, tên ở chung có truyền hình nên cũng hay coi nhưng rồi có phòng trào xem phim bộ, lồng tiếng việt nên ra phố tàu, mướn về xem. Cho tên mỹ ở chung nhà xem rồi mình dịch ra tiếng mỹ cho hắn hiểu. Mỗi lần hết phim là hắn như điên cuồng, phải đợi mai đi làm về, ghé phố Tàu để trả băng video để mướn mấy tập tiếp theo.


Thế hệ con mình không biết, không trải nghiệm xem xi nê kiểu này. Nay chỉ cần mở truyền minh thông minh rồi lựa phim để coi. Không thích thì chuyển phim khác. Chúng có thể xem trên iPhone hay iPad, laptop,… tải về laptop mấy cuốn phim thích coi rồi lên máy bay mở để xem. Muốn ngừng khi nào cũng được. Ngày xưa, đi xi nê, mót đái cũng không dám đi. Coi xi nê trên đài truyền hình cũng vậy. Phải ngồi xem từ đầu đến cuối. Dạo đó truyền hình của Pháp, là của chính phủ nên không có trò quảng cáo khi xem đá banh, xi nê. Sau này có Canal+ mới bắt chước Hoa Kỳ, có quảng cáo nhưng dân tây lại thích hơn dù có quảng cáo. Đài của chính phủ thì chán như con gián.


Có bà nói là sau khi xem phim Shark, bà ta hết dám bò xuống biển để bơi vì hình ảnh cô gái bơi ban đêm, bị con cá ăn thịt để lại dấu ấn tàn nhẩn. Có người nói về E.T., người nói đến Star War. Sang Hoa Kỳ mình mới hiểu lý do, các phim Mỹ được ưa chuộng vì tư duy của họ không bị hạn chế. Mấy phim như Back to the future,…


Nói chung khi đi du lịch hay làm việc ở các xứ, văn hoá của Mỹ có rất nhiều ảnh hưởng bởi truyền hình. Các đài truyền hình địa phương mua bản quyền, chuyển ngữ hay phụ đề rồi chiếu cho người dân sở tại xem. Con nít được xem mấy chương trình Disney,…từ bé nên lớn lên, chúng chỉ thích nghe nhạc Mỹ, ăn hamburger, uống Coca Cola. Đó là cuộc chiến văn hoá mà cựu bộ trưởng văn hoá pháp, Jacques Lang lên tiếng báo động.


Trong lịch sử loài người, văn hoá nào được ưa chuộng nhất, sẽ giúp nước đó hùng mạnh như La-Hy, Nhà Tống, Ấn Độ,… ngày nay với kỹ thuật, con người được nối kết, giải trí bởi các kỹ thuật khác nhau. Xi nê từng là món giải trí cho nhân loại. Máy chục năm về trước, mình thích xem phim Tàu của Trung Cộng vì mới lạ. Nay thấy toàn là tuyên truyền nên Chán Mớ Đời.


Dạo mình sang Pháp, rát thích xem phim Ý Đại Lợi với những đạo diễn trẻ, đầy ý tưởng giới lạ như Federico Fellini,.. sau một thời gian bị cấm đoán dưới thời phát xít của Mussolini, giới trí thức được bung ra nhiều sáng tạo. Tương tự mình nhìn lại sau 1954, khi các trí thức miền Bắc di cư vào Nam, họ như cá gặp nước, bơi lội trong vùng sáng tạo vô biên. Các sáng tác về âm nhạc, sách báo khá đa dạng song song với sách vỡ tuyên truyền của chính phủ.



Ngày nay, mở Netflix xem phim ý thì chán như con Gián. Phim Đức khi xưa với những đạo diễn như Fassbender, Herzot,..quá hay này H tì cũng chán. Phim tây ngày xưa với loại Film Noir, nay cũng chán. Mỗi cuốn phim thực hiện ở Âu châu, đều được sản xuất chung với nhiều công ty thuộc Liên Hiệp Âu Châu, để có tiền thực hiện nên hằm bà lằng. 


Đi A Căn Đình, thấy họ quảng cáo phim Avatar II đầy nơi. Ai nấy đều chống Mỹ cưu nước rồi lại bò vào xi nê xem phim Mỹ và vỗ tay. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 







Vòi nước uống công cộng Wallace tại Paris

Hôm nay, 1 ông thần quen, đăng tấm ảnh chụp ở Paris khi xưa khiến mình thất kinh. Không phải hình của ông ta giữa Paris lạnh giá mà mình thấy lại hình ảnh thân thương của Fontaine de Wallace, phía sau. Mấy vòi nước để dân Paris, khát nước, ghé lại uống mà mình vẽ nhiều lần, thời đi học. Các vòi nước này xuất hiện nhiều nơi trong thủ đô Paris, để giúp người dân uống nước hay lấy nước từ muà Xuân đến mùa Thu. Mùa đông thì tắt, tránh bị đông lạnh, làm hư hại các đường dẫn nước. 

Thiên hạ chụp ảnh tạo dáng, ông này chả nhớ gì cả về Paris, kêu không biết dù chụp hình ngay bên cạnh. Đối với mình là hình ảnh đầu tiên, đập vào mắt khi mới đến Paris. Hai điểm cần nhất khi đi ngoài phố Paris là chỗ đi tiểu công cộng và nước uống khi khát.

Mấy chỗ này hay để như vậy. Khi hư, họ tháo mấy tấm lưới bằng sắt lên, leo xuống để sửa chửa mấy ông nước.

Dạo mình mới đến Paris, thấy mấy vòi nước phong ten này, mang tên một người Anh quốc, Wallace nên thấy lạ. Lý do là người Pháp không thích người Anh quốc, từ thời Nã Phá Luân bị thất trận, đúng hơn là cuộc chiến 100 năm, giữa hai nước, có chung một hoàng tộc, tranh dành ngôi báu. Ngày xưa, mấy ông tây bà đầm dạy về lịch sử của pháp đến mờ mắt, chả hiểu gì cả vì ở đâu đâu, không dính dáng gì đến Việt Nam.


Hè đi vòng vòng Paris để xem biết tình hình, khát nước thì ghé lại cái phông ten này, đem theo cái bình nước để hứng nước uống. Nhất là khi mình tập vẽ, cần nước để pha màu thuỷ mạc. Mắc tè thì có chỗ đi tiểu công cộng mà người Pháp hay gọi Vespasienne, hay Pissoir qua tên một hoàng đế la mã tên Vespasien, cha của hoàng đế Titus, nổi tiếng vì đánh thuế người la mã, đi tiểu nơi công cộng. Tuần lễ đầu tiên đến Paris, mình đi viếng vườn Lục Xâm Bão mà ông Cung Trầm Tưởng làm thơ. Đi vòng vòng thì mót đái, thấy cái pissoir này, chạy vào tè lần đầu tiên tại Paris phê luôn.


 Sau này, mình về Paris thì họ dẹp mấy chỗ này, bù vào đó là những cầu tiêu công cộng của công ty Decaux, bị hư hoài vì dân tình thích xã hội chủ nghĩa, không muốn trả tiền nên phá. Du khách đi kiếm chỗ đi tiểu phải hát Nắng Paris mà anh chợt nóng vì đi kiếm chỗ cho em đi tiểu. Vào tiệm cà phê thì phải mua cái gì trong khi ở Hoa Kỳ, hay mấy nước khác như A Căn Đình, CHí lợi mà mình đi chơi vừa qua. Mót tiểu thì chạy đại vào khách sạn, tiệm ăn, tè một phát rồi đi. Chủ vui vẻ chào hasta la vista.


Ông Richard Wallace, người Anh quốc, sống gần cả đời tại Paris. Ông ta cho tiền để gắn và đem nước miễn phí qua các vòi phong ten, đến cho người dân tại Paris vào thế kỷ 19.


Mình nghe tây kể là trong thời gian chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871 và thời La Commune (Công Xã). Hoàng đế Napoleon đệ Tam choảng nhau với ông hoàng xứ Phổ, Otto von Bismarck. Quân đội pháp bị thua xiểng niềng. Hoàng đế tây bị truất phế và đệ tam cộng hoà được thành lập. Khi bị bao vây, cư dân ở Paris, đói quá nên ăn chuột, chó mèo và mấy con thú ở sở thú Paris. Thời đại La Commune ở Pháp, ít được nhắc đến trong chương trình giáo dục lịch sử Pháp. Ông tây khi xưa dạy Sử-Địa, chỉ nói phớt qua đến khi mình sang Pháp, kiếm sách đọc mới lòi ra vụ này.


Sau khi truất phế hoàng đế Napoleon đệ tam, cháu của ông Bonaparte, dòng họ này cứ đem chiến tranh đến cho nhân loại như gia đình Bush. Người dân bầu quốc hội mới. Mấy ông  thần đại biểu muốn hoà đàm , không đánh nhau nữa, khiến dân Paris, nổi loạn do một số trưởng giả và công nhân, đứng dậy chống đối.

Ngoài ra, khi ông Baron Haussmann, đập phá các khu vực cổ để xây dựng các đường xá rộng hơn, để nhân dân nổi dậy thì có thể đem cà nông ra bắn, triệt hạ hết hầu để tránh một cách mạng 14/7 lần nữa. Khi người dân chống đối, lính, công an của vua Louis 16, đi lùng kiếm thì dân núp khắp nẻo đường của Paris, khó tìm. Nên hoàng đế Napoleon III, ra lệnh cho ông Haussman, phá bỏ các khu nhỏ bé để thành lập các đại lộ như ngày nay. Paris nay còn vài khu vực nhỏ bé như xưa. Họ gọi nhóm cách mạng, chống đối này là Les Communards de Paris. Cuối cùng thì nhóm nổi loạn này bị dẹp tắt.


Trong thời gian hổn loạn này, ông Wallace sống tại Paris và chứng kiến sự đói khát của người dân nghèo nên có ý định tự bỏ tiền, gắn những phong ten này khắp Paris để cho dân tình có thể lấy nước uống và dùng.


Khởi đầu, họ cho gắn 50 cái phông ten, làm bằng gan sắt, sơn màu xanh lá cây vào năm 1872, xem như 102 năm trước khi mình đến Paris, vẫn thấy và sử dụng. Nghe nói nay vẫn còn hoạt động ngoại trừ mấy chỗ pissoir, đi tiểu công cộng. Nghe nói sau này có đến hơn 100 cái.


Ông Wallace phát hoạ ra hình ảnh của phông ten, rồi đưa cho điêu khắc gia Charles-Auguste Lebourg, thực hiện mẫu cuối cùng.

Đi trên đường, hay thấy mấy chỗ đi tè công cộng, sơn màu xanh để hoà với thiên nhiên, cây cối.

Trong cuộc chiến với quân Phổ, và cuộc nổi loạn La Commune, các hạ tầng cơ sở của Paris bị phá hỏng, người dân không có nước uống, xài. Người ta múc nước từ sông Seine, kéo xe bò để bán cho dân Paris. Nước dơ vì bao nhiêu cống rảnh từ Paris đều chảy sông Seine như Đà Lạt chảy về suối Cam Ly. Do đó mà người Pháp ở Paris, bắt đầu uống rượu và bia để khỏi bị nhiễm độc khi quân Phổ bao vây và cuộc nổi loạn La Commune. Mình đọc tài liệu, kể khi xưa, mấy ông bán thịt, làm thịt ngựa, bò xong thì bỏ xương, da,… dưới sông Seine nên khá hôi tanh vào mùa Hè. Nhất là khu vực La Cité. Kinh 

Từ đó say rượu và nạn nghiện rượu đến với dân lao động mà nhà văn Emile Zola tả trong các truyện của ông ta. Ở Việt Nam, mình chưa bao giờ đọc Balzac, hay Emile Zola nhưng khi qua tây, bạn bè kêu mình nên đọc. Mượn thư viện về đọc thì khám phá ra mấy ông muốn làm cách mạng, chắc bị ảnh hưởng bởi mấy cuốn truyện này.


Ngày nay, uống rượu rất đắt chớ thời xưa, rượu được làm ra, rẻ lắm vì ít ai uống. Dạo mình ở Tây, trưa đi ăn cơm tiệm, bình dân, một carafe de vin (bình rượu) rẻ hơn một chai nước suối. Rượu thường thôi mà người Pháp gọi vin de table. Rượu chỉ để dành khi đi lễ nhà thờ. Nghe kể khi Paris bị bao vây bởi quân Phổ, lính vệ quốc đến mấy quán rượu để uống rượu khi khát vì nước sông Seine quá độc. Say quá nên bị quân Phổ đánh chết bỏ.


Có lẻ vì lý do này mà ông Wallace thương cảm, bỏ tiền ra thành lập một hệ thống cung cấp nước cho người dân thủ đô đến ngày nay, do Eau de Paris quản lý. Dân tây thì chém giết lẫn nhau, một người ngoại quốc bỏ tiền cung cấp nước miễn phí cho dân tây dùng. Chuyện đời khó hiểu.


Nhiều khi mình nghĩ nếu người Pháp không đô hộ Việt Nam, không dạy tinh thần pháp chửi bới nhau, tự cho mình là đúng, đánh nhau như người Pháp thì có lẻ người Việt không bị ảnh hưởng mấy ông tây, đánh nhau chí choé nhân danh Tự Do, Bác Ái và Công Bằng bú xua la mua. Từ 1945, đánh nhau tới 1975, nay vẫn tiếp tục trên mạng, với bò đỏ bò vàng. Chán Mớ Đời 


Có hai loại phông ten này, đứng trên các lề đường và gắn ở tường. Mình nhớ ít thấy loại gắn bờ tường. Lúc đầu mới thấy cái phông ten rất lạ vì có 4 tượng phụ nữ. Sau này học lịch sử nghệ thuật mới khám phá ra ông Phidias của Hy Lạp đã bắt mấy bà đội nóc nhà, nóc đình từ lâu. Ngày nay, ai đến viếng Parthenon Ở Hy Lạp, sẽ thấy vài tượng phụ nữ đội cái mái nhà của đền, bên tay trái của đền chính.


4 người phụ nữ tượng trưng cho 4 mùa; lòng tốt (mùa đông), giản dị (mùa Xuân), từ thiện (mùa Hè) và sự tỉnh táo (mùa Thu). Mỗi phụ nữ đều khác nhau. Tượng trưng cho lòng tốt thì được điêu khắc gia cho cong đầu gối trái, Giản dị thì cong đầu gối phải,.. theo mình thì điêu khắc gia tìm cách làm cho bức tượng chung đẹp, sau này dân tây hay giải thích vớ vẩn cho có vẻ trí thức.


Địa điểm mà người dân Paris thích nhất là chỗ đi tiểu công cộng, họ gọi pissoir, do động từ Pisser (đi tè). Họ còn gọi là Vespasienne cho có vẻ trí thức, nhắc nhở đến ông hoàng đế la mã tên Vespasien. Ông này là người đầu tiên, cho trang bị các chỗ đi tiểu ở nơi công cộng, để đánh thuế, kiếm tiền cho nhà nước.


Paris thì đi bộ mệt thở, qua các chặng Métro. Dạo mới sang thì mỗi lần đi métro thì phải mua vé. Sau này, mới có mấy thẻ mua đi hàng tháng, lên xuống chỗ nào cũng được, trước kia thì khá mắc. Mình không nhớ phụ nữ ra sao, còn trong công viên hay trên đường bộ hành, có những chỗ để khi buồn tiểu, ghé lại tè. Khi xưa, phụ nữ không đi làm, ít ra đường nên các chỗ đi tiểu chỉ được thực hiện cho đàn ông đứng tiểu. Sau này, phụ nữ đi làm nên có vấn đề cho họ. 


Có vấn đề mình không quen là họ cứ để nước chảy hoài cả ngày cả đêm để không làm mùi khai nước tiểu. Sau này thì họ dẹp mấy chỗ này, bù vào đó, họ gắn các cầu tiêu công cộng của công ty Decaux. Lúc mình sắp sửa rời khỏi Paris thì có công ty Decaux, thiết kế mấy nhà vệ sinh cho hai giới nhưng mình chưa bao giờ sử dụng.


Hôm nào rảnh mình kể chuyện đời xưa ở Paris.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo ăn bơ Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn